Tình Yêu Thời Thổ Tả
Chương 04
Phecmina Đaxa lần đầu tiên tán thành ý kiến của chồng mình về các vấn đề nội trợ và ý tứ không nói đến chuyện vật nuôi trong gia đình một thời gian khá lâu. Bà giải khuây với việc xem các bức tranh màu vẽ con vật mà bà cắt từ cuốn sách Lịch sử tự nhiên của Linneo treo trên bốn bức tường trong phòng khách và có lẽ bà cũng để mất luôn cái hi vọng một lần nữa có những con vật nuôi trong nhà nếu không vì lý do một buổi sớm tinh mơ bọn trộm chui qua cửa sổ phòng tắm vào nhà lấy đi bộ đồ ăn bằng bạc, vật gia truyền đã năm đời. Bác sĩ Huvênan Ucbinô xiết chặt thêm bản lề cửa sổ, dùng thang sắt chắn bên trong cửa ra vào, cất các vật quý giá vào trong hòm đựng của và sau đó luyện thói quen khi đi ngủ đặt khẩu súng lục xuống dưới gối. Nhưng ngài vẫn cưỡng lại ý định mua một con chó dữ, dù tiêm phòng dại hay không, xích lại hay thả rông, dù cho bọn kẻ trộm có vào lấy hết cả của cải cũng cam lòng.
– Sẽ không mang bất cứ thứ gì vào nhà này nếu tôi không đồng ý. – Ngài nói.
Ngài nói thế để chấm dứt những mưu đồ của vợ mình, người đang cố tình định mua một con chó, và ngài không hề nghĩ rằng cái câu nói có tính chất tổng quát đường đột kia sẽ buộc ngài phải trả giá đắt: cái giá của cuộc đời. Phecmina Đaxa mang cá tính ương ngạnh của bà ngày một bộc lộ rõ với thời gian qua đi của đời mình, đã bỏ ngoài tai lời nói thiếu cân nhắc của chồng: mấy tháng sau vụ mất trộm, bà trở lại những chiếc thuyền buồm của người Curaxao, mua một con vẹt vùng Pharamaribô[14] chỉ biết nói những lời tục tĩu của đám thủy thủ nhưng nó nói tiếng người rất chuẩn, xứng đáng được trả giá cao.
[14] Tên một địa điểm thuộc đảo Goadana.
Đó là một con vật quý giá, nhanh nhẹn hoạt bát hơn cái cốt cách được thể hiện bên ngoài: đầu vàng rộm, lưỡi đen, đó là một hình thức duy nhất để phân biệt nó với những con vẹt khác vốn không tài nào dạy nói được cho dù có dùng thuốc đạn bằng nhựa thông nhét vào đít cũng không nói. Bác sĩ Huvênan Ucbinô, vốn là người chóng quên đã kính cẩn nghiêng mình kính phục tài tháo vát của vợ mình và chính ngài đã ngạc nhiên đầy thú vị trước những bước tiến của con vẹt nhờ có các cô hầu gái thường trêu chọc nó. Trong những buổi chiều mưa, khi con vẹt được ăn no, nó nói những câu từng thuộc lòng trước khi về nhà này cho phép người ta biết rằng nó là con vẹt già hơn diện mạo của nó. Thái độ lầm lì ít nói của bác sĩ cũng phải mất đi kể từ sau cái đêm bọn kẻ trộm định trèo qua cửa sổ tròn trên nóc vào nhà liền bị con vẹt kêu vang với tiếng giống như tiếng của con chó béc giê Đức và tiếp đó nó gào thành tiếng: “trộm, trộm, trộm”. Dĩ nhiên đó là hai cách thức thú vị mà nó đã cứu nguy cho gia đình và cả hai cách thức ấy nó không học ở nhà này. Đó chính là lúc bác sĩ Huvênan Ucbinô tự gánh lấy trách nhiệm chăm nom con vẹt. Ngài ra lệnh làm cho nó một cái chuồng ở dưới tán cây xoài. Đó là một cái chuồng rộng có chỗ để ca nước, để chuối tiêu chín và cả một cái vòng để nó đánh đu. Từ tháng Chạp năm trước đến tháng ba năm sau, khi về đêm trời trở lạnh và có những trận mưa bất ngờ ập tới do ảnh hưởng của gió bấc tràn về, con vẹt được nhốt trong lồng có phủ tấm vải và được mang vào trong phòng ngủ mặc dù bác sĩ Huvênan Ucbinô nghĩ rằng bệnh dị ứng mũi của nó sẽ ảnh hưởng tới đường hô hấp của con người. Rất nhiều năm ngài cắt lông cánh cho nó và để cho nó được tự do đi lại theo ý thích với bước đi tập tễnh của kỵ sĩ già. Nhưng rồi một hôm, nó bắt chước người làm xiếc leo lên dây đi men theo xà nhà bếp, chẳng may ngã bổ nhào xuống chảo đang rán bánh và thế là nó lắp bắp nói giọng mũi “cứu tôi với” và bà hầu bếp kịp thời lấy chiếc muôi vớt nó ra. Con vẹt bị bỏng và trụi lông nhưng nó vẫn sống. Từ đó trở đi, dù ban ngày người ta cũng nhốt nó trong lồng, bất chấp kinh nghiệm dân gian nói rằng loài vẹt mà nhốt kín trong lồng thì chúng sẽ quên ngay những điều đã học được. Nó chỉ được thả ra vào lúc bốn giờ chiều để thụ giảng bài học của bác sĩ Huvênan Ucbinô ngay ở ngoài sân hiên. Chẳng một ai nhận ra đúng lúc rằng lông cánh của nó đã dài cho đến cái buổi sáng hôm ấy người ta định cắt lông cho nó thì nó xổng thoát và nấp trên ngọn cây xoài.
Trong suốt ba giờ liền, không làm sao bắt được nó. Các cô hầu gái được một số cô hầu gái nhà bên giúp sức, đã sử dụng mọi mưu mẹo mà vẫn không dụ được nó xuống đất. Nó vẫn núp trên cành cao mà gào “đảng tự do muôn năm, đảng tự do cứt đái muôn năm”, tiếng hô nghe đến chết cười đi được, tiếng hô đã từng làm cho bốn gã say rượu bị thiệt mạng. Bác sĩ Huvênan Ucbinô gần như phát hiện ra nó đứng giữa những cành lá. Ngài dùng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và cả tiếng La Tinh để dụ nó xuống và con vẹt cũng dùng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và cả tiếng La Tinh cũng chính giọng điệu ngài trả lời ngài, nhưng ở đâu nó vẫn ở đấy. Vì tin rằng không một ai dùng lời ngon ngọt mà có thể gọi nó xuống, bác sĩ Huvênan Ucbinô liền bảo gia nhân đi gọi thợ chữa cháy đến giúp sức. Chữa cháy là một thứ đồ chơi dân sự mà ngài mới có trong tay.
Quả nhiên, cho đến những năm rất gần đây, các đám cháy được dập tắt bởi ý chí con người cùng với cái thang của bác thợ nề và thùng xách nước được ở bất kỳ chỗ nào, và đó là một sự chữa cháy lộn xộn không có phương pháp mà nhiều khi còn gây thiệt hại nặng hơn cả những vụ hỏa hoạn. Nhưng kể từ năm ngoái lại đây, nhờ có sự quyên góp được tiến hành bởi Hội Bảo vệ công trình đô thị do Huvênan Ucbinô làm chủ tịch danh dự, thành phố đã có một đội cứu hỏa chuyên nghiệp với một chiếc xe cứu hỏa có còi chuông và hai bình bơm cao áp. Tất cả đều đúng mốt và mới lạ đến mức cứ mỗi bận vang lên hồi chuông gọi con chiên đi nhà thờ, các lớp học đều ngừng lại để cho học sinh chạy đi xem đội chữa cháy chiến đấu chống thần lửa. Lúc đầu, đó là việc duy nhất mà đội chữa cháy làm. Nhưng bác sĩ Huvênan Ucbinô kể cho các nhà chức sắc trong Hội đồng Quản hạt thành phố rằng ở thành Hămbuốc ngài đã nhìn thấy một đội cứu hỏa đã cứu sống một em bé bị cóng mà họ tìm thấy trong tầng ngầm một ngôi nhà sau trận mưa tuyết kéo dài ba ngày liền. Rằng ở một ngõ hẻm thành phố Napôlet ngài cũng nhìn thấy một đội cứu hỏa đã đưa xuống đất một chiếc quan tài từ trên tầng mười một mà gia đình không thể nào đưa xuống nổi vì cầu thang quá hẹp lại xoáy trôn ốc. Nhờ vậy, đội cứu hỏa thành phố đã học thêm để giúp dân chúng chữa chạy các sự cố bất ngờ, tỷ như việc chữa khóa cửa hoặc giết rắn độc. Trường Y còn dành cả một bài giảng đặc biệt về cấp cứu thông thường cho đội chữa cháy. Vậy là việc nhờ đội chữa cháy đưa con vẹt trứ danh như một công tử từng lập chiến công từ trên ngọn cây xuống đất là việc làm không có chủ đích. Bác sĩ Huvênan Ucbinô nói: “Hãy bảo với họ đó là lời yêu cầu của ta”. Sau đó ngài vào phòng thay quần áo đi dự bữa tiệc mừng đám cưới bạc của bác sĩ Laxidêt Ôlivêda. Sự thật là trong lúc ấy, đang lúc bàng hoàng về lá chúc thư của Giêrêmia đê Xanh Amua, ngài không quan tâm lắm đến số phận con vẹt.
Phecmina Đaxa đã mặc một bộ váy lụa, rộng và không gấp nếp, với thắt lưng ôm lấy ngang mông, đeo một chuỗi ngọc cuốn sáu vòng dài ngắn không đều nhau, đi đôi giày lụa cao gót chỉ dùng trong dịp trang trọng nhất, vì tuổi tác không cho phép bà lạm dụng chưng diện quá nhiều. Dù cho bộ váy áo không phù hợp lắm với một người đàn bà cao tuổi nhưng nó rất vừa với cơ thể cao dong dỏng, một cơ thể gầy gầy và son sẻ, nó tôn nước da mượt mà chưa hề có những mụn da mồi, nó hợp với mái tóc xanh đen được cắt ngắn ốp lấy hai mang tai. Đôi mắt sáng hình hạnh đào và vẻ kiêu hãnh tự nhiên là những gì còn lại hiện nay mà người ta nhận thấy trong bức chân dung ngày bà làm lễ thành hôn, nhưng cái mà bà còn thiếu, vì tuổi tác thì bà đã có nhờ cá tính và có thừa nhờ vẻ duyên dáng của bà. Bà cảm thấy hài lòng vì mình đã bỏ khá xa thời kỳ son trẻ với những chiếc coócxê may chật, với những chiếc thắt lưng bó sát người, bộ mông cong lên một cách giả tạo. Bây giờ cơ thể bà được tự do, được hít thở thoải mái, nó cứ việc tự do thể hiện như vốn thế. Ngay cả lúc bà đã bảy mươi hai tuổi.
Bác sĩ Huvênan Ucbinô bắt gặp bà ta đang ngồi trên chiếc ghế chải đầu, bên dưới chiếc quạt trần đang lừ đừ chạy, đội chiếc mũ có những dải nỉ màu viôlet. Phòng ngủ của vợ chồng ngài rộng rãi và sáng sủa, kê một chiếc giường Anh quốc, mắc chiếc màn hồng và hai cửa sổ mở ra phía vườn cây mà từ đó vọng vào tiếng mưa rơi rì rào. Kể từ chuyến du chơi tuần trăng mật sang Pari về, Phecmina Đaxa thường sắp sẵn quần áo cho chồng theo từng mùa và từng trường hợp cần phải mặc và để chúng ở tay ghế từ đêm hôm trước phòng khi chồng từ trong phòng tắm bước ra là đã có sẵn áo quần rồi. Bà cũng không nhớ rõ mình giúp chồng vận áo quần từ bao giờ và từ bao giờ mình mặc áo quần cho chồng. Hiển nhiên là trong cái công việc này, thoạt đầu bà làm vì tình yêu nhưng kể từ năm năm lại đây bà bắt buộc phải mặc quần áo cho chồng vì ngài không thể tự mặc lấy quần áo được. Bọn họ vừa tổ chức đám cưới vàng[15] và họ sống gắn bó với nhau đến mức người này sống không thể thiếu người kia hoặc không thể không nghĩ đến người kia và họ biết rằng điều đó là do tuổi già ngày càng đè nặng lên cuộc sống hàng ngày của mình. Cả ông lẫn bà đều không thể nói được cái công việc phục vụ lẫn nhau có phải xuất phát từ tình yêu hay từ một thái độ sống dĩ hòa vi quý, không một ai đã đặt tay lên ngực nơi con tim mình tự hỏi mình, và đã từ lâu cả hai đều muốn quên câu trả lời. Dần dà bà phát hiện ra bước đi chệnh choạng của chồng, thấy chồng hay khạc nhổ, hay nhầm lẫn và trong khi ngủ hay khóc thút thít, nhưng bà không coi những hiện tượng đó là dấu hiệu không nhầm lẫn được của hiện tượng ô-xi hóa cuối cùng của sự sống mà lại coi chung là dấu hiệu của việc ngài đang trở lại tuổi thơ ấu đầy hạnh phúc. Vì thế bà đối xử với ông không như đối xử với một cụ già khó tính mà lại như một đứa trẻ hay vòi vĩnh. Chính sự nhầm lẫn ấy lại là sự cứu rỗi cho cả hai người vì nó đã giúp họ thoát được lòng thương hại lẫn nhau.
[15] Đám cưới vàng là lễ ăn mừng lần thứ năm mươi ngày cưới của cặp vợ chồng.
Việc mà cả hai người đều nhận thức đúng lúc rằng tránh những cuộc cãi lộn trong đời sống vợ chồng còn dễ hơn là tránh những vụ xích mích nhỏ nhặt thường ngày, có lẽ đó là điều khác hẳn trong cuộc sống của hai người. Nhưng nếu có cái gì mà cả hai người cùng học được thì đó là sự hiểu biết đã đến với họ khi nó chẳng giúp ích được gì nữa. Trong nhiều năm rồi, Phecmina Đaxa khó chịu thực sự vì phải chịu đựng những buổi sáng sớm chồng bà thức dậy đầy vẻ vui nhộn. Trong lúc bà đang còn nằm trên giường cố bám lấy những giấc mơ để khỏi phải đối chọi với những bất hạnh của một buổi sáng sớm đầy những dấu hiệu bất hạnh thì ngài thức dậy với niềm vui ngây thơ của một đứa trẻ sơ sinh: mỗi ngày mới là thêm một ngày nữa ngài đã giành được. Bà nghe thấy ngài thức dậy cùng với tiếng gà gáy sáng và dấu hiệu đầu tiên của cuộc sống của ngài là tiếng ho vô vị mà dường như người ho cũng có mục đích để bà cùng thức dậy. Bà nghe thấy ngài khùng khục ho dường như chỉ để bà day dứt khó chịu trong lúc ngài mò tìm đôi dép lê có lẽ quanh quẩn bên chân giường. Bà nghe thấy ngài chệnh choạng trong bóng tối để đi vào nhà tắm. Sau một giờ ngài ở trong phòng nghiên cứu khi bà đã ngủ lại rồi, bà lại nghe thấy ngài trở lại phòng ngủ vẫn chưa bật đèn sáng để mặc quần áo. Có một vài lần trong lúc ngồi ở phòng khách nói chuyện vui khi người ta hỏi ngài định nghĩa về mình như thế nào thì ngài bảo: “Tôi là người đàn ông mặc quần áo trong bóng tối”. Trong những buổi sáng sớm ấy, bà nghe ngài hoạt động mà lòng thừa biết rằng không một tiếng động nào do ngài gây nên là không có chủ đích cả và ngài cố tình gây ra những tiếng động ấy lại vờ như không có mục đích gì cũng như bà đang thức, lại vờ như không hề thức. Những lý do của ngài thực đã hiển nhiên: Không bao giờ, dù trong những tháng ngày đầy nguy hiểm này, ngài cần cho bà nhiều lắm, mặc dù đang khỏe mạnh và minh mẫn đấy.
Không một ai đẹp hơn bà trong lúc ngủ: bà ngủ với tư thế một tay vắt lên trán trong khi toàn thân co lại như đang múa, nhưng cũng không một ai dữ tợn như bà khi cái cảm giác tin rằng bà đang ngủ trong lúc bà thức đã khuấy động bà. Bác sĩ Huvênan Ucbinô biết rằng bà lắng nghe từng tiếng động nhỏ do ngài gây ra và ngài còn biết rằng bà còn cảm ơn những tiếng động ấy để có kẻ đổ tội đánh thức bà dậy từ lúc năm giờ sáng. Điều đó là quá hiển nhiên đến mức có lần ngài phải mò tìm đôi dép lê vì không thấy nó ở chỗ thường để thì bà với giọng còn ngái ngủ bảo: “Đêm qua ông để ở trong nhà tắm ấy thôi”. Ngay lập tức với giọng giận dữ của người đang tỉnh, bà rủa:
– Điều tệ hại nhất của cái nhà này là không thể nào ngủ được.
Thế là bà trở mình trên giường, bật đèn sáng mà không hề có dấu hiệu nhỏ của sự tha thứ cho chính mình. Bà phấn chấn đầy kiêu hãnh vì đó là chiến thắng đầu tiên trong ngày của mình. Thực ra đó là trò chơi của cả hai người: vừa khó hiểu lại vừa tội lỗi, nhưng nó lại là một niềm an ủi vì đó là một trong những niềm vui nguy hiểm của tình yêu gia đình. Nhưng một trong những trò chơi nhàm chán ấy suýt nữa dẫn đến sự tan nát hạnh phúc của hai người. Ấy là khi họ đã chung sống với nhau được hơn ba mươi năm mà lại có một ngày nào đó không có sẵn xà phòng trong phòng tắm.
Chuyện xảy ra rất đơn giản. Bác sĩ Huvênan Ucbinô vừa từ nhà tắm trở lại phòng ngủ, bắt đầu mặc quần áo mà không bật đèn sáng. Đó là thời kỳ ngài tắm chưa cần có người giúp đỡ. Vào giờ ấy bà đang nằm im trên giường với tư thế đầu gối lên cái cánh tay như đang múa kia, đôi mắt nhắm lại, hơi thở nhẹ nhàng và đều đều. Nhưng thực ra như mọi bận, bà đang thiu thiu ngủ và ngài biết rất rõ rằng bà đang thức. Sau khi sột soạt mặc xong quần áo vải lanh hồ bột, bác sĩ Huvênan Ucbinô nói với chính mình:
– Gần một tuần nay mình tắm không có xà phòng.
Ngay lập tức bà tỉnh như sáo. Bà nhớ lại, và bà nổi cáu vì trên thực tế quả đúng như vậy: bà quên không để xà phòng trong phòng tắm. Ba hôm trước khi đứng tắm dưới vòi hoa sen thấy hộp đựng xà phòng rỗng không bà đã định bụng lấy bánh khác vào nhưng sau đó quên khuấy đi mất. Ngày hôm sau bà lại quên. Hôm qua bà cũng quên nốt. Thực ra không có chuyện phòng tắm không có xà phòng đã tuần nay như ngài vừa nói để cường điệu thêm khuyết điểm của bà, nhưng đúng là đã ba ngày nay phòng tắm không có xà phòng tắm. Điều đó là một khuyết điểm đáng trách lắm. Nhưng cơn giận vì cảm thấy mình bị chồng bắt lỗi đã làm cho bà mất bình tĩnh. Như mọi lần, bà liền tự vệ trong thế công kích:
– Thế mà ngày nào tôi chẳng tắm xà phòng – Bà gào to. – và phòng tắm lúc nào mà chẳng có xà phòng.
Dẫu quá quen thuộc các thủ đoạn gây hấn của bà, nhưng lần này ngài không tài nào chịu nổi. Viện cớ bận việc, ngài đã vào sống nội trú tại bệnh viện Mixêricorđia và chỉ về nhà thay quần áo vào lúc đầu giờ chiều trước khi đến khám bệnh tại gia cho các con bệnh của ngài. Khi nghe thấy ngài trở về, bà bỏ vào nhà bếp, giả vờ đang bận làm một việc gì đó và ở lại đấy cho đến khi nghe thấy tiếng vó ngựa đang khua ngoài đường cái. Trong suốt ba tháng liền, cứ mỗi bận họ định dàn xếp nỗi bất hòa thì điều duy nhất mà họ làm được là càng đốt cháy dữ dội thêm ngọn lửa bất hòa giữa hai người. Ngài chưa sẵn sàng trở về nhà khi bà không chịu thừa nhận rằng mình quên không để xà phòng trong phòng tắm và bà chưa sẵn sàng đón ngài trở về chừng nào ngài chưa thừa nhận đã nói dối một cách có ý thức để làm bà khổ tâm.
Dĩ nhiên rồi, vụ xô xát này đã tạo điều kiện cho các vụ xô xát khác, đó là những vụ cãi vã nhỏ nhặt từng xảy ra trong những buổi sáng sớm. Một số tình cảm nuối tiếc này gợi nhớ bao nỗi nuối tiếc khác khiến cho bao vết sẹo lòng cũ lại mở miệng, lại rớm máu và trở thành những vết thương lòng mới, thế là cả hai người đều giật mình trước sự thực đau lòng này: trong bao năm chung sống với nhau họ chỉ nuôi dưỡng hận thù. Ngài liền đi đến quyết định sẽ làm một cuộc xưng tội công khai, nếu cần sẽ mời thêm cả đức giám mục để Chúa sẽ là người phân xử cuối cùng xem có hay không có xà phòng trong phòng tắm. Thế là bà, vẫn là người rất bình tĩnh, bỗng mất bình tĩnh, đã gào toáng lên:
– Ỉa vào đức giám mục! – Bà gào như vậy và tiếng gào này đã gây nên chuyện chẳng hay hớm gì.
Lời chửi đổng kia làm lay động tới tận nền tảng của thành phố. Nó trở thành nguồn gốc của những câu tục ngữ khuyên người ta thú nhận rằng mình nói dối là một việc làm không dễ dàng một chút nào. Nó đi vào khẩu ngữ dân gian với khí vị như một câu tục ngữ: “Ỉa vào đức giám mục”. Vì nhận thức rõ ràng vụ xô xát này đã vượt quá giới hạn, bà đã làm tăng thêm sự phản ứng của chồng mà bà đang chờ đợi bằng việc bà đe dọa ngài rằng một mình bà sẽ chuyển về ngôi nhà cũ của cha đẻ mà cho đến lúc ấy vẫn thuộc quyền sở hữu của bà mặc dù nó đã được các văn phòng công cộng thuê. Không phải vì nổi khùng mà bà bảo vậy. Bà thực tâm muốn chuyển đi chỗ khác bất chấp dư luận xã hội và người chồng cũng kịp thời nhận ra ý định ấy của bà. Vì không đủ nghị lực để chiến thắng những định kiến của bà, ngài đành phải nhượng bộ vậy. Việc ngài nhượng bộ không có nghĩa là ngài thừa nhận rằng trong phòng tắm có xà phòng vì làm như thế là phản bội sự thật, mà nó có nghĩa là ngài muốn hai người vẫn cùng chung sống trong một ngôi nhà. Nhưng lần này, ngài sẽ sống trong phòng làm việc, bà sống trong phòng ngủ, ai biết việc người ấy, không nói chuyện với nhau. Họ lặng lẽ ăn cơm trong cùng một lúc ở tại bàn ăn và họ giải quyết công việc gia đình bằng cách chờ các con nói lại ý kiến của mình cho người kia biết. Họ khéo léo làm việc đó đến mức đứa con không hề biết họ đang giận nhau.
Vì ở phòng làm việc không có phòng vệ sinh do đó ngài đã tìm ra phương thức tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn giữa hai người do tiếng ồn của vòi nước chảy gây nên bằng cách sau khi chuẩn bị xong bài giảng ngài cẩn thận vào phòng vệ sinh, cố giữ ý giữ tứ để không gây tiếng động khiến bà thức giấc. Nhiều lần trước khi đi ngủ họ đụng độ nhau và phải chờ lượt vào phòng tắm để đánh răng buổi tối. Sau bốn tháng hai vợ chồng giận nhau, có một lần ngài nằm đọc sách trên chiếc giường của hai vợ chồng trong lúc bà vào buồng tắm, như lâu nay vẫn thế. Nhưng lần này ngài ngủ khì đi mất lúc nào không hay. Bà lên giường rồi nằm xuống bên cạnh ngài cố ý gây tiếng ồn để ngài thức dậy và đi về phòng làm việc mà ngủ. Quả nhiên ngài thức giấc, nhưng đáng lẽ ngài vùng dậy thì ngài lại tắt phụt ngọn đèn ngủ và nằm xuống, gối đầu lên chiếc gối đôi. Bà lay hai vai ngài để nhắc ngài dậy mà đi về phòng làm việc nhưng ngài lại cảm thấy rất thoải mái được nằm trên chiếc giường đệm lông của các cụ cố nội để lại, nghĩa là ngài muốn đầu hàng:
– Hãy cho anh nằm ở đây với. – Ngài nói. – Đúng rồi, trong phòng tắm có xà phòng mà lại.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.