Tình Yêu Thời Thổ Tả

Chương 50 (Hết)



Ban ngày bọn họ chơi bài tây, ăn rất ngon miệng, ngủ trưa trong chốc lát và vì vậy bọn họ nom có vẻ mệt mỏi nhưng hầu như mặt trời vừa mới lặn lập tức bọn bọ đã chơi nhạc và uống rượu mạnh với cá hồi cho đến thỏa thích vẫn chưa thôi. Đó là một chuyến đi nhanh với con tàu nhẹ nhàng trên nước lớn, ngày càng lớn hơn nhờ nước nguồn dồn về vì trong tuần lễ ấy mưa nguồn rất dữ. Từ một số thị trấn, người ta bắn những phát đại bác để tống tiễn bệnh thổ tả, để tỏ lòng thông cảm với những người đi trên tàu và bọn họ đã đáp lại bằng một tiếng còi tàu nghe buồn thảm lắm. Những con tàu khác khi gặp tàu này đều ra hiệu chia buồn với bọn bọ. Tại làng Magănghê, quê của Mecxêđêt, họ lấy củi lên tàu cho những ngày còn lại của chuyến đi.

Phecmina Đaxa giật mình khi bà bắt đầu cảm thấy tiếng còi tàu ngay trong tai mình, nhưng sang ngày thứ hai uống rượu hồi bà đã nghe rõ hơn với cả hai tai, phát hiện ra rằng hoa bồng thơm như trước đây, rằng vào lúc bình minh tiếng chim hót nghe hay hơn nhiều, rằng Thượng đế đã sinh ra một con lợn biển sống ở bãi cát Tamalamêlê để khi khóc nó chỉ đánh thức riêng bà. Thuyền trưởng cũng nghe thấy tiếng nó khóc. Ông làm chệch hướng con tàu đi và thế là bọn bọ cũng nhìn thấy người đàn bà khổng lồ đang bế con trên tay cho nó bú. Phlôrêntinô Arixa và Phecmina Đaxa, không một ai biết rằng họ đối xử với nhau thân mật như thế nào: Bà giúp ông thụt để chữa bệnh táo bón, bà dậy trước ông để đánh sạch hàm răng giả mà lúc ngủ ông gỡ ra để trong cốc nước, và tranh thủ lúc ông còn ngủ bà lấy kính của ông để đọc và may vá. Có một buổi sáng, khi bà thức đậy, thấy ông trong cảnh tranh tối tranh sáng đang đơm một chiếc cúc áo sơ mi và thế là bà vội vàng làm hộ cho ông, trước khi ông nhắc lại cái câu có tính chất nghi thức nói rằng cần phải có hai bà vợ. Ngược lại, công việc duy nhất mà bà cần ở ông là việc ông dùng cốc nước nóng chườm lên chỗ đau nơi thắt lưng bà.

Về phần mình, Phlôtêntinô Arixa đánh bóng lại những hoài nhớ cũ bằng cây đàn viôlông của dàn nhạc và đến trưa ngày hôm ấy ông có đủ khả năng chơi cho bà nghe bản nhạc Nữ thiên thần được tấn phong và ông chơi nó trong vài giờ liên tục cho đến khi mệt bã người. Có một đêm, đây là lần đầu tiên trong đời mình, bỗng Phecmina Đaxa thức dậy với cảm giác nghẹt thở bởi một tiếng khóc vốn không phải là tiếng khóc giận hờn ai oán mà là tiếng khóc bi thương bởi ký ức về những cụ già đi trên thuyền bị người lái đò dùng mái chèo đập chết. Trái lại, trận mưa dai dẳng không ngừng nghỉ kia không làm bà cảm động và bà nghĩ một cách quá muộn màng rằng có lẽ Pari không cần đến mức buồn quá như bà từng cảm thấy, rằng Săngta Phe cũng không có quá nhiều đám tang đi trên đường phố.

Niềm mơ ước được cùng Phlôrêntinô Arixa thực hiện những chuyến du lịch sắp tới bừng sáng ở phía chân trời: Những chuyến đi cực kỳ lý thú, không hề có hành lý, không hề có những cam kết xã hội: Những chuyến du lịch của tình yêu mà thôi.

Đêm trước ngày về đến thành phố, bọn bọ tổ chức một buổi dạ bội linh đình có hoa giấy và đèn màu. Buổi chiều trời tạnh mưa. Thuyền trưởng và Xênaiđa Rêvêt bện chặt lấy nhau cùng nhảy những điệu nhảy Bôlêrô đầu tiên, những điệu nhảy ở thời ấy bắt đầu làm xao xuyến những trái tim. Phlorêntinô Arixa mạnh dạn mời Phecmina Đaxa cũng nhảy những điệu van tin tưởng của ông nhưng bà đã từ chối. Tuy nhiên cả đêm ấy, bà nhún nhảy đầu và dùng gót giày đập nhịp theo âm nhạc cho đến khi bà ngồi mà nhảy từ lúc nào mà không hay biết gì, trong khi đó thuyền trưởng lịm đi trong điệu nhảy Bêlêrô cùng với người yêu say đắm của ông. Bà uống quá nhiều rượu hồi đến mức người ta phải dìu bà lên để về phòng rồi bỗng bà cười ngặt nghẽo, cười trong nước mắt sung sướng và chính trận cười này đã khiến tất cả mọi người ở trên tàu phải để ý. Tuy nhiên, khi bà tự làm chủ được trận cười ở trong căn phòng sực nức mùi hương, ông bà thong thả và khỏe mạnh ân ái với nhau, một cuộc ân ái của bậc ông bà bị đời làm cho dơ bẩn, một cuộc ân ái sẽ khắc sâu mãi trong ký ức bà như một kỉ niệm đẹp đẽ nhất của chuyến đi du lịch đầy thú vị ấy. Ông và bà không cảm thấy họ như những người tình mới yêu nhau, ngược lại hoàn toàn đối với điều mà viên thuyền trưởng và bà Xênaiđa Nêvêt dự đoán, càng không như những người tình đến với nhau quá muộn màng. Đúng ra, họ như vượt qua được món nợ hóc búa của cuộc sống vợ chồng, và họ cứ thẳng tiến đến tình yêu mà không hề phải trăn trở.

Như đôi vợ chồng già từng bị cuộc đời dội nước sôi vào, họ lặng lẽ sống với thời gian đang trôi qua, họ đã vượt xa mọi cạm bẫy của lòng đam mê, vượt xa mọi tiếng cười độc địa của niềm tin và ảo ảnh do những bài học sống đem lại, vượt xa tình yêu. Bởi họ sống gần nhau với một thời gian tương đối đủ để hiểu rằng tình yêu là tình yêu ở mọi lúc và mọi nơi nhưng khi càng mặn nồng bao nhiêu thì nó càng gần cái chết bấy nhiêu.

Họ thức dậy vào lúc sáu giờ sáng. Bà bị đau đầu do rượu hồi và trái tim bà thảng thốt đập loạn nhịp trước cảm nghĩ bác sĩ Huvênan Ucbinô đã trở về, nom béo hơn và trẻ hơn so với khi ngài ngã từ cây xoài xuống đất, và ngài đang ngồi trên ghế xích-đu đặt ngay ở cửa chính ngồi nhà đợi bà. Tuy nhiên, bà vẫn còn tương đối minh mẫn để nhận ra rằng tình trạng ấy không khởi sự từ rượu hồi mà khởi sự ở sự việc tất phải xảy ra khi về đến nhà.

– Rồi sẽ chết mất thôi, – bà nói.

Phlôrêntinô Arixa cũng giật thột bởi vì đó cũng là sự bộc lộ của một ý nghĩ từng không để ông được yên ngay từ đầu chuyến du lịch này. Cả ông lẫn bà đều không thể nghĩ đến một ngôi nhà nào khác ngoài phòng giường nằm trên tàu này, không thể ăn dưới hình thức nào khác ngoài cái cách thức ăn ở trên tàu, vì họ đã gia nhập một cuộc đời sẽ xa lạ mãi mãi đối với họ. Quả thật là họ đã như chết. Ông không thể ngủ được nữa. Hai tay chắp lại gối dưới gáy, ông nằm ngửa trên giường. Có một lúc nào đó, nỗi ân hận về America Vicunha khiến ông lại đau đớn và ông không thể cứ che giấu mãi sự thật được. Ông đứng dậy vào buồng tắm khóa trái cửa lại để mà khóc lóc cho thỏa cho đến giọt nước mắt cuối cùng. Chỉ đến lúc ấy ông mới có đủ dũng cảm để tự thú rằng mình yêu cô ấy.

Khi thức dậy thì họ đã ăn mặc chỉnh tề để chuẩn bị xuống tàu vì họ đã để lại phía sau mình những dòng nước bẩn và những đầm lầy thời đại thống trị cũ ở Tây Ban Nha và hiện đang đi bên những đống xác tàu, xác phuy xăng hỏng ở trong vịnh biển thành phố. Một ngày thứ năm rực rỡ ánh mặt trời bừng dậy trên những nóc nhà tròn óng ánh vàng của khu phố các vị Phó vương, nhưng Phecmina Đaxa đứng trên boong tàu không tài nào chịu nổi thứ dịch bệnh của những vinh quang của mình, không tài nào chịu nổi về tráng lộng kiêu ngạo của những tòa dinh thự của bà từng bị những chú kỳ đà làm vấy bẩn: Đó chính là nỗi sợ đương diện với cuộc sống thực. Cả bà lẫn ông, dẫu không nói ra lời, đều cảm thấy mình dễ dàng đầu hàng cuộc sống thực tế ấy.

Họ bắt gặp viên thuyền trưởng ở trong phòng ăn, người đang trong tình trạng luộm thuộm vốn không phù hợp với một vẻ đẹp riêng vốn có trong quần áo của ông ta. Râu không cạo, mắt sưng húp vì mất ngủ, quần áo đẫm mồ hôi đêm qua, nói năng lắp bắp bởi còn đang say rượu hồi. Xênaiđa còn đang ngủ. Họ lặng lẽ ăn điểm tâm thì một chiếc thuyền máy của cơ quan y tế cảng yêu cầu cho tàu dừng lại.

Từ vị trí chỉ huy trên tàu, viên thuyền trưởng gào lên để trả lời các câu hỏi của đội kiểm tra. Người ta muốn được biết rõ loại bệnh dịch nào đang đi theo tàu, có bao nhiêu hành khách, bao nhiêu người ốm, bao nhiêu người khỏe, khả năng lây bệnh dịch thế nào. Viên thuyền trưởng trả lời rằng chỉ có ba hành khách, tất cả ba người này đều bị bệnh thổ tả, nhưng bọn họ đều được cách ly rất tốt. Những người lên tàu từ cảng La Đôrada, cả số hai mươi bảy thủy thủ tuyệt đối không có bất cứ một cuộc tiếp xúc nào với những người bị bệnh thổ tả. Nhưng người chỉ huy đội kiểm tra vẫn chưa hài lòng, đã ra lệnh cho tàu ra khỏi vịnh, và hãy đợi ở đầm lầy Lat Mecxêđêt cho đến hai giờ chiều, trong khi đó người ta chuẩn bị tăng bo hành khách về thành phố để con tàu được kiểm dịch. Viên thuyền trưởng bắn một phát pháo lệnh và bằng một động tác ông ta ra lệnh cho tàu quay trở về đầm lầy.

Phecmina Đaxa và Phlôrêntinô Arixa từ bàn ăn nghe thấy hết, nhưng thuyền trưởng không cho đó là việc quan trọng. Ông ta lặng lẽ ăn và nỗi bực dọc lộ ra ngay cả trong cái cách thức ông ta vi phạm các quy tắc văn minh từng biểu dương danh tiếng huyền thoại của các tay thuyền trưởng chạy tàu trên sông. Ông dùng mũi dao rạch vỡ bốn quả trứng ốp lếp rồi ông rưới lòng đỏ lên cả đĩa chuối rán và sau đó ông cho tất cả vào mồm nhai ngấu nghiến với vẻ thích thú mọi rợ. Phecmina Đaxa và Phlôrentinô Alixa nhìn ông ta ăn mà không nói một lời, như thể họ là chiếc ghế dài nơi lớp học đợi nghe đọc bảng xếp thứ cuối cùng. Họ không trao đổi với nhau một lời nào trong lúc diễn ra cuộc đối thoại giữa thuyền trưởng và đội kiểm tra của cơ quan y tế bến cảng và họ cũng chẳng hề có lấy một mảy may suy tư về cuộc đời mình sẽ ra sao, nhưng cả hai người đều biết rằng viên thuyền trưởng đang nghĩ về họ, máu trên hai thái dương ông chảy rần rật được nhìn thấy rất rõ.

Trong lúc thuyền trưởng chén sạch món trứng ốp lết, món chuối rán, cốc sữa-cà phê, thì con tàu rời khỏi vịnh. Con tàu mở lối trên dòng kênh mặt phủ đầy rong bèo và những khóm sen nở bông thắm đỏ và lá to xòe hình trái tim, rồi nó đi vào đầm lầy. Nước ở đây lóng lánh bởi cá nổi lềnh bềnh, chết vì mìn của những người đánh cá trộm, và chim đủ loại từ mọi nẻo kéo về đây bay vòng tròn trên đầu họ kêu hót lảnh lót. Rời vùng Caribê gió qua cửa sổ ùa vào phòng mang theo tiếng chim kêu ồn ĩ. Trước khung cảnh ấy, Phecmina Đaxa cảm thấy trong máu mình có những tiếng đập rộn ràng của ý nguyện mình. Về phía bên trái, nước ngầu bùn và chảy chậm chạp là vùng cửa sông cái Macgơđalêna trải rộng đến tận bờ bên kia thế giới.

Khi không còn gì để ăn nữa, thuyền trưởng lấy góc khăn trải bàn lau miệng và rồi ông ta còn nói bằng một thứ từ ngữ địa phương thô tục đã chấm dứt danh dự của ngôn từ các viên thuyền trưởng. Bởi vì ông ta không nói với hai người cũng chẳng nói với ai, mà chỉ nói cho hả cơn giận của mình. Sau hàng loạt những lời chửi bới thậm tệ kết luận của thuyền trưởng là không tìm ra lối thoát trước sự rắc rối đã treo lá cờ dịch tả lên cột cờ.

Phlôrêntinô Arixa nghe ông ta nói mà mắt không hề chớp. Sau đó qua cửa sổ ông đưa mắt ngắm nhìn vòng cung trọn vẹn của một phần tư la bàn đi biển, ông nhìn chân trời trong sáng, nhìn bầu trời tháng chạp không một gợn mây, nhìn dòng nước sâu có thể chạy tàu được mãi mãi, rồi nói:

– Chúng ta hãy cho tàu chạy thẳng một mạch cho đến khi lại tới cảng La Đôrada!

Phecmina Đaxa rùng mình kinh ngạc bởi vì bà nhận ra tiếng nói xa xưa đang sáng rực lên nhờ ân huệ của tinh thần Thần thánh, và nhìn viên thuyền trưởng: ông ta là số phận. Nhưng viên thuyền trưởng không nhìn bà, bởi vì ông ta đang thẫn thờ trước sức mạnh phi thường tiềm ẩn trong ước vọng của Phlôrêntinô Arixa.

– Thưa ngài, ngài nói nghiêm chỉnh đấy chứ? – Ông ta hỏi.

– Kể từ khi ta sinh ra, – Phlôrêntinô Arixa nói, – ta chưa hề nói gì mà lại không nghiêm chỉnh.

Viên thuyền trưởng nhìn Phecmina Đaxa và ông ta thấy những tia sáng đầu tiên của một giọt sương đêm mùa đông trên hàng lông mi của bà. Sau đó, thuyền trưởng lại nhìn Phlôrêntinô Arixa, tinh thần điềm tĩnh không gì thắng nổi của ông và tình yêu dũng cảm của ông, và thế là ông giật mình trước kết luận muộn màng rằng cuộc sống chứ không phải là cái chết mới là cái không có giới hạn.

– Thưa ngài, ngài tin rằng chúng ta có thể tiếp nối mãi cái việc đi rồi về này đến bao giờ?

Phlôrêntinô Arixa đã có sẵn câu trả lời được chuẩn bị cách đây năm mươi ba năm bảy tháng mười một ngày và đêm của chúng.

– Suốt cả cuộc đời. – ông nói.

Hết

Tin tức từ một vụ… mất trí

Gabriel García Márquez đã mất trí và ngưng viết hoàn toàn. Thông tin đó đã được Jaime García Márquéz, chủ tịch quỹ báo chí Mỹ Latinh, là em trai nhà văn từng đoạt giải Nobel năm 1982 buồn bã tiết lộ với các sinh viên ở thành phố Cartagena (Colombia) vào đầu tháng 7 này.

Với độc giả trên khắp thế giới từng hâm mộ làn sóng văn chương Mỹ Latinh, thì đây là một tin xấu liên tiếp sau sự ra đi của cây đại thụ Carlos Fuentes vào giữa tháng 5 qua.

Có vẻ như, tác giả Trăm năm cô đơn đã chuẩn bị cho những tháng ngày này từ lâu. Bằng chứng là ông đã đấu tranh với căn bệnh lymphoma (ung thư mạch bạch huyết phát hiện từ 1999, với biến chứng xấu nhất là rút mòn trí nhớ của người bệnh), vượt qua những cơn hóa trị dai dẳng để tự “tổng kết” cuộc đời mình trong cuốn tự truyện Sống để kể lại xuất bản công bố năm 2002 và tiếp sau đó là tiểu thuyết ngắn Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi ra đời tháng 10.2004 (đều do Lê Xuân Quỳnh dịch, First News & NXB Tổng Hợp TP.HCM xuất bản các năm 2004, 2005).

Xét ra, mỗi người viết đều chuẩn bị cho sự “mất trí” hay “ngưng viết” của mình ít nhiều qua các tác phẩm. Nếu người đọc tinh ý sẽ dễ dàng nhận thấy nỗi ám ảnh về sự cô đơn, lãng quên đưc ông đưa vào một cách đầy khốc liệt và thi vị trong các tiểu thuyết của mình như: Giờ xấu, Tình yêu thời thổ tả, Mùa thu của vị trưởng lão, Tướng quân giữa mê hồn trận, thấp thoáng trong các nhân vật truyện ngắn và ngay cả trong kiệt tác Trăm năm cô đơn. Ngay trong tiểu thuyết cuối cùng – Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, Márquez truyền đến người đọc một nỗi buồn lạ lùng rất đẹp, gần như dự cảm về cuộc đời mình: một nhà văn già đã “chết vì tình yêu đẹp đẽ trong cơn hấp hối hạnh phúc” khi đặt xong dấu chấm cuối cùng cho một cuốn sách.

“Gabo (tên gọi thân mật của García Marquéz) thường hỏi tôi những câu rất cơ bản, như tên của anh ấy là gì, anh ấy đã dùng bữa chưa?” – Jaime nói thêm về cảm xúc của mình với người anh trai 85 tuổi lừng danh của mình trên tờ The guardian: “Anh ấy có những vấn đề về trí nhớ. Đôi lúc, tôi phát khóc, bởi vì cảm giác như thể mình đang mất anh ấy”.

Sự ngỡ ngàng của người đọc là dễ chia sẻ. Bởi, trong vai trò là cha đẻ của văn học hiện thực huyền ảo, Gabriel Gacía Márquez không chỉ tạo ra không khí huyền ảo đầy mạnh mẽ và hấp dẫn vào trong khí quyển của hàng ngàn trang viết, mà còn đủ sức tạo ra quanh cuộc đời lao động văn chương của mình một huyền thoại lớn về sức sáng tạo, sức ảnh hưởng mãnh liệt đối với cả những nhà văn ở các nền văn hóa khác. Trong thiên “huyền thoại mới” về ngôi làng Macondo của Trăm năm cô đơn, Márquez đưa người đọc vào một bản đồ dòng họ Buendia với chằng chịt các mối quan hệ vợ chồng, cha con, tình dục… khiến dịch giả Việt Nam Nguyễn Trung Đức phải làm một việc khá công phu là đi xác lập giùm người đọc một bản đồ gia hệ vào đầu cuốn sách để tiện cho việc theo dõi. Thế nhưng, ít ai biết rằng, tiểu thuyết quan trọng và phức tạp nhất, đã đưa Máquez đến với giải Nobel Văn chương, được ông đóng cửa tập trung viết trong 18 tháng trời, giữa lúc khốn khó nhất của gia đình và tâm lý sáng tạo xuống dốc vì ý định thử nghiệm viết kịch bản điện ảnh bị phá sản (bà Mercedes, vợ ông, đã phải vay 10.000 USD trước khi cuốn tiểu thuyết trở nên ăn khách vào năm 1967).

Các tác phẩm ký, phóng sự của ông như Ký sự về một cái chết được báo trước, Tin tức về một vụ bắt cóc, Nhật ký người chìm tàu lại hấp dẫn người đọc bởi sự trải nghiệm, dấn thân với đời sống đầy khốc liệt, hệ lụy đầy thảm khốc từ những cuc chính biến trong khu vực Mỹ Latinh. Trong vai trò ký giả, đóng góp của Márquez vào báo chí Mỹ Latinh cũng đáng kể không kém văn chương. Ông còn là người đầy tham vọng với kịch bản điện ảnh… Sự xê dịch trên các lãnh địa chữ nghĩa xảy ra cùng những thăng trầm trong đời sống và những cuộc xê dịch về địa lý. Ông từng sống từ Colombia, Mexico, Cuba, Mỹ, Pháp, giao du với đủ thành phần, từ chính trị gia cấp cao (như Fidel Castro, Hugo Sanchez hay Omar Torrijos), từ tuổi thiếu niên đã gắn bó với thế giới những cuộc tình chớp nhoáng mà đầy dư vị trong các nhà thổ.

Nhiều cuộc đời trong một cuộc đời. Tất cả làm nên một sức vóc vĩ đại, một sự cộng hưởng huyền thoại. Ấn tượng, sự quyến rũ mạnh mẽ của đời và văn García Márquez đã làm cho người đọc dễ dàng quên đi rằng, sức sống đó, thần tượng đó lại có thể dễ dàng bị chi phối bởi các quy luật sinh học thường tình.

Trong truyện ngắn Giữa đời đem bán chiêm bao (tập Những người hành hương kỳ lạ, Phan Quang Định dịch) ông đã để cho một người phụ nữ nằm mộng về nhà thơ. Bà nói thế này: “Tôi nằm mộng thấy ông ta nằm mộng về tôi”, bà nói, và cái nhìn ngạc nhiên của tôi làm bà sững sờ. “Bạn chờ đợi điều gì? Nhiều khi với những giấc mộng của tôi, người ta trượt vào đó mà chẳng thấy có gì liên quan đến đời thực”. Và rồi, cũng cuối cuốn ở Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, ông chạm đến suy nghĩ của một nhà văn già nhận ra chính mình: “Tôi đi ra phố ngập tràn ánh nắng và lần đầu tiên tôi nhận ra chính mình ở chân trời xa của thế kỷ thứ nhất của cuộc đời”.

Márquez không viết nữa. Vì mất trí. Hẳn là tin buồn. Nhưng biết đâu, ông đang lặng lẽ vào với thế giới thi vị và ám dụ của mình.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

25/07/2012

Hết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.