Tình Yêu Thời Thổ Tả

Chương 05



Khi nhớ lại câu chuyện ấy thì họ đã bước vào tuổi già, cả ngài lẫn bà đều không dám tin vào cái sự thực đáng kinh ngạc này: vụ cãi lộn kia là vụ lớn nhất trong suốt một nửa thế kỷ vợ chồng chung sống và cũng là vụ duy nhất khiến họ tìm cách nhường nhịn lẫn nhau để bắt đầu sống theo một hình thức khác cho phù hợp với tuổi tác. Ngay cả khi họ đã già và trầm tĩnh lại họ đều giữ ý để không nhớ lại vụ xô xát ấy vì những vết thương lòng vừa mới lên sẹo sẽ lại rớm máu ngay và vết sẹo ấy sẽ lại trở thành vết thương mới y như vừa xảy ra hôm qua vậy.

Ngài là người đầu tiên Phecmina Đaxa nghe thấy đái. Trong đêm tân hôn trên con tàu thủy đi Pari, Phecmina Đaxa nằm trên giường trong phòng khách để chống lại cơn say sóng đã nghe thấy ngài đái và cái dòng nước đái chảy tồ tồ như bò đái ấy của ngài khiến bà có cảm giác nó phun rất mạnh đầy uy quyền đến mức càng làm tăng thêm nỗi hoảng sợ của bà. Cái ký ức ấy thường xuyên trở lại với bà khi cùng với năm tháng qua đi dòng nước đái ấy phun ngày một yếu hơn, bởi vì không bao giờ bà chịu đựng nổi việc mỗi bận ngài dùng chậu đái đã làm ướt bẩn bệ chậu. Bằng những lý lẽ dễ hiểu đối với những ai muốn hiểu, bác sĩ Huvênan Ucbinô tìm cách thuyết phục bà rằng sở dĩ việc mình thường xuyên làm bẩn bệ chậu mỗi bận vào phòng vệ sinh kia không phải là do sự kém ý thức của ngài mà bởi một lý do khác thuộc về cấu trúc cơ thể ngài. Dòng nước đái thời thanh niên của ngài phun đã mạnh lại còn chụm tia thành vòng cung mà hồi còn trẻ đi học ở trường bao giờ ngài cũng giành giải nhất mỗi lần thi xem ai tia dòng nước đái của mình không những trúng vào miệng chai mà còn phun đầy vào chai. Nhưng cùng với thời gian trôi đi, tuổi ngài càng cao thì thận ngài ngày càng suy yếu đi, vì thế dòng nước đái của ngài phun ra cũng ngày càng yếu đi, hơn thế nữa, nó còn phun tóe loe ra thành nhiều tia, nhiều nhánh, hết sức ma quái đến mức cho dù đã cố gắng hết sức ngài cũng không tài nào điều khiển cho nó phun được cao hơn, thẳng hơn và chụm hơn. Ngài bảo: “Cái thứ hố xí sạch sẽ thơm tho cần được những kẻ không hiểu thế nào là người đàn ông sáng chế ra thì tốt hơn”. Bằng hành động nhẫn nhục thường nhật ngài cố góp phần làm cho không khí gia đình hòa thuận yên vui. Đó là việc sau khi đái xong, ngài xé giấy vệ sinh lau sạch nước đái còn bám vào bệ chậu. Bà đã biết rõ điều đó và sẽ không kêu ca điều gì nếu nhà vệ sinh không nồng nặc mùi khí acmônic. Ngược lại, khi thấy nó có mùi khai, lập tức bà lên tiếng tố cáo làm như thể bà phát hiện ra một tội ác: “Ôi, cái phòng tắm này khai như chuồng thỏ ấy”. Trước khi bước sang tuổi lão thành, chính cái thân hình ngày một còng gấp lại đã mách bảo bác sĩ Huvênan Ucbinô sử dụng giải pháp cuối cùng: Ngài sẽ ngồi mà đái y hệt như bà vẫn làm thế. Chính giải pháp này không những làm cho chậu sạch sẽ mà còn khiến cho ngài thoải mái khi đi đái.

Hơn nữa, chính trong lúc này ngài tự thấy mình không được khỏe lắm và chỉ một cú trượt chân trong nhà tắm có thể là chuyện oan gia, cho nên ngài rất thận trọng đứng tắm dưới vòi hoa sen. Ngôi nhà này, vì là ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc hiện đại, không có bồn tắm làm bằng hợp kim chì thiếc có chân quỳ như thể chân sư tử mà các nhà ở thành phố cổ vẫn sử dụng thường xuyên. Ngài đã ra lệnh tháo bỏ bồn tắm đi, vì bồn tắm là một trong những sản phẩm hủ lậu của những người sinh trưởng ở châu Âu, những người mỗi tháng chỉ tắm một lần vào ngày thứ sáu cuối cùng của một tháng, ngoài ra họ còn làm cho bên trong thành bồn cáu bẩn những thứ bẩn mà con người thải ra khỏi cơ thể. Vậy là ngài ra lệnh làm một bồn tắm rộng rãi bằng gỗ lim, nơi hiện nay Phecmina Đaxa tắm cho chồng như tắm cho một đứa trẻ sơ sinh. Việc tắm táp của ngài kéo dài hơn một giờ đồng hồ bằng một thứ nước màu nâu, nấu lá cẩm quỳ và vỏ cam. Đối với ngài buổi tắm như thế này rất dễ chịu và đôi khi ngài ngủ gật trong mùi thơm của nước lá. Sau khi tắm xong, Phecmina Đaxa mặc quần áo cho ngài, thoa phấn rôm vào hai bẹn cho ngài, bôi dầu hạt ca cao vào những chỗ bị bỏng, rồi bà cẩn thận mặc quần đùi cho ngài như cho một đứa trẻ, tiếp đó mặc cho ngài áo sơ mi, nào quần, đi tất và thắt nút ca vát. Giờ đây cuộc sống vợ chồng ngài trở nên thanh bình, êm ả vào những buổi sáng sớm vì ngài trở lại sống những năm tháng của tuổi thơ vốn bị các con ngài lấy mất. Về phần mình, bà cũng sống dịu hiền hơn vì bà cũng đã già rồi: ngày một ít ngủ hơn và trước khi lên bảy mươi bà thức dậy trước cả ngài.

Ngày chủ nhật lễ Hạ Trần, khi mở tấm khăn vải để nhìn tử thi Giêrêmia đê Xanh Amua, bác sĩ Huvênan Ucbinô đã được khải thị về một điều gì đó mà cho đến lúc ấy trong những suy tư mạch lạc của thầy thuốc và của kẻ mộ đạo nó vẫn không lộ ra cho ngài thấy. Cứ như thể sau nhiều năm làm quen với cái chết, sau bao nhiêu năm chiến đấu chống lại cái chết và cầm nắm cái chết, hết lật trái lại lật phải nó trong tay, thì lần này là lần đầu tiên ngài có đủ dũng khí để nhìn thẳng vào mặt thần chết, và lần ấy thần chết cũng ngang nhiên nhìn thẳng vào mặt ngài. Không! Nỗi sợ hãi ấy nằm trong tay ngài, cùng chung sống với ngài từ rất nhiều năm nay, nó là cái bóng khác trùm lên chính cái bóng của ngài kể từ đêm ngài mộng mị bỗng thức dậy lòng đầy hoảng loạn và hiểu rằng cái chết không chỉ là một sự chứng nghiệm thường xuyên như lâu nay ngài vẫn cảm thấy mà nó còn là một thực tại gần kề. Tuy nhiên cái mà ngày hôm ấy ngài nhìn thấy chỉ là sự hiển hiện bằng xương bằng thịt của cái mà cho đến lúc ấy vẫn chưa vượt quá một hình ảnh sáng tỏ và cụ thể được tưởng tượng ra. Ngài cảm thấy vui trong lòng mà nhận ra rằng cái biểu hiện để Đấng Toàn năng diễn đạt điều khải thị kia có thể chính là tử thi Giêrêmia đê Xanh Amua, người mà ngài lúc nào cũng coi như một vị thánh từng quên đi chính hoàn cảnh vui vẻ của mình. Nhưng khi bức chúc thư chứng tỏ cho ngài rõ bản thể đích thực của y, cái quá khứ khắc nghiệt của y, cái khả năng vô biên thực thi các trò ranh ma của y, thì ngài cảm thấy cái gì đó rất cụ thể đã xảy ra trong cuộc sống của mình.

Tuy nhiên, Phecmina Đaxa đã không để mình bị lây nỗi buồn của ngài. Dĩ nhiên rồi, ngài định làm cho bà cũng buồn chính nỗi buồn của mình trong lúc bà giúp ngài xỏ chân vào hai ống quần và đóng hộ ngài hàng cúc dài chiếc áo sơ mi. Nhưng ngài không thực hiện được vì Phecmina Đaxa không phải là người dễ mủi lòng, hơn nữa bà không yêu. Hầu như bà mới chỉ biết rằng Giêrêmia đê Xanh Amua là một người tàn phế phải chống nạng mà bà chưa hề nhìn thấy mặt, rằng y đã trốn thoát một đội hành hình – một trong vô số cuộc nổi dậy ở một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Andat, rằng vì túng quẫn nên y phải hành nghề chụp ảnh cho trẻ nhỏ và vì thế y trở nên là người được nhờ vả hơn cả trong thành phố, và rằng y đã thắng một ván cờ đậm đối với người mà tên của người ấy bà nhớ đâu như là Têrêmôlinôt, nhưng thực ra là Casablanca[16].

[16] Một vô địch cờ vua trước chiến tranh thế giới lần thứ hai.

– Vậy ông ta chỉ là một tên tù xổng ở đảo Cadêna[17] bị kết án tù ngồi vì tội ác rất kinh tởm, – bác sĩ Huvênan Ucbinô – Bà hãy nghĩ mà xem ông ta ăn cả thịt người đấy.

[17] Một hòn đảo thuộc vùng Caribê.

Ngài đưa cho bà tờ chúc thư mà những bí mật trong đó ngài muốn mang xuống mồ nhưng bà không đọc, cất những tờ thư gấp đôi vào trong ngăn kéo bàn rồi khóa lại. Bà đã quen với cái tài ngạc nhiên không thể lường hết được của chồng mình với những thứ lý thuyết thái quá mà trong những năm gần đây càng trở nên khó hiểu hơn, với những định kiến quá ư chật hẹp không phù hợp với dáng vẻ hào hoa cởi mở khi đứng trước công chúng của ngài. Nhưng lần ấy, quả là bà đã vượt được những giới hạn của mình. Bà nghĩ rằng chồng mình đánh giá cao Giêrêmia đê Xanh Amua chẳng bởi chính những việc y làm trước đây mà chủ yếu bởi chính những gì y làm khi đến đây trong tình cảnh nghèo rớt với chiếc bị của người tị nạn và bà không thể nào hiểu vì sao chồng mình lại mủi lòng trước bản thể con người y được bộc lộ một cách muộn mằn. Bà không hiểu vì sao ngài lại tỏ ra khó chịu đối với việc y sống lén lút cùng một người đàn bà nếu như đó là tập quán ngàn đời của loại người ấy, kể cả ngài trong một lúc bất lợi, và ngoài ra đối với bà đó còn là một bằng chứng đau thương về tình yêu: người đàn bà kia đã giúp cho y thực hiện triệt để ý muốn tự kết liễu đời mình. Bà nói: “Nếu ông cũng quyết chí làm điều đó với những lý do nghiêm chỉnh như thế thì nghĩa vụ của tôi là sẽ phải làm cái điều chính bà ấy đã làm”. Bác sĩ Huvênan Ucbinô một lần nữa lại thấy mình ở trong thế khó xử do không hiểu nhau từng khiến ngài đau khổ hàng nửa thế kỷ nay.

– Bà chẳng hiểu gì cả. – Ngài nói – Điều khiến tôi bực mình không phải là điều ông ta làm mà là sự lừa bịp của họ đối với mọi người chúng ta trong hàng bao nhiêu năm.

Mắt ngài bắt đầu giàn giụa thứ nước mắt dễ dãi nhưng bà giả vờ như không biết gì.

– Y làm rất khéo, – bà nói. – nếu y lại nói đúng sự thực ngay thì ngay ông, ngay cả người đàn bà tội nghiệp kia, và không một ai trong cái thành phố này lại yêu mến y như đã từng yêu mến.

Bà đeo cho ngài chiếc đồng hồ quả quýt vào ve chiếc áo khoác ngoài. Bà thắt nút cà vạt cho ngài rồi ghim vào đó chiếc ghim bằng đá tôpa. Sau đó bà dùng chiếc khăn tay thấm nước hoa Phlorida lau sạch nước mắt và hàm râu ướt nước dãi cho ngài, rồi bà đút chiếc khăn ấy vào túi ngực để thò ra ngoài hai góc khăn nom nó tựa như bông hoa ngọc lan. Chiếc đồng hồ quả lắc để trên giá điểm mười một tiếng chuông.

– Nhanh chân lên ông ơi, – bà nói rồi cầm lấy cánh tay ngài – mau lên kẻo chúng ta đến chậm mất rồi!

Aminta Đơsampơ, bà vợ của bác sĩ Laxiđêt Ôlivêda, và bảy cô con gái khôn khéo nhất thành phố, lo toan tất cả để bữa tiệc mừng đám cưới bạc trở thành một sự kiện xã hội trong năm. Toàn bộ gia đình ngài sinh sống tại ngôi nhà cổ ở đường Mônêđa. Ngôi nhà này từng được một kiến trúc sư, người Phlôrên đi qua đây như một làn gió mới, xây dựng và là người đã biến hơn bốn nơi thờ thánh tích thế kỷ XVII thành những dinh thự lớn ở thành phố Vênêxi. Ngôi nhà có sáu phòng ngủ và hai phòng xa lông dùng vào việc ăn uống và tiếp khách, tuy chúng rất rộng rãi và có đủ quạt trần nhưng không tiện lắm cho việc tiếp đón các vị khách ở thành phố và những vị khách chọn lựa từ thành phố khác đến. Sân nhà giống như sân một tu viện: một chiếc cầu đá ngạo nghễ dựng lên ngay ở giữa sân và các hòn non bộ trồng hoa vòi voi tỏa hương thơm ngát cho ngôi nhà vào lúc chiều buông, nhưng khoảng không gian này không đủ sức chứa các tân khách có dòng họ quý phái. Vậy là người ta quyết định chuyển bữa tiệc mừng đám cưới bạc đến trang trại số năm của gia đình cách đây chừng mười phút xe chạy theo đường cái quan. Ở đây có một bãi đất rộng rãi cùng với những cây nguyệt quế Ấn Độ sum suê cành lá và những bụi súng trắng mọc dưới suối nước chảy lặng lờ. Bọn bồi bàn của Đôn Săngchô, dưới sự điều khiển của bà vợ bác sĩ Laxiđêt Ôlivêda, đã cắm những chiếc ô lớn màu sặc sỡ trên bãi đất trống, và bên dưới tán những cây nguyệt quế họ kê bàn ghế theo hình tam giác đủ chỗ cho một trăm hai mươi mốt tân khách, bàn nào cũng có khăn trải may bằng vải lanh và tại bàn tiệc danh dự còn cả những cành hoa hồng tươi rói. Người ta cũng dựng cả một bục chơi nhạc cho ban nhạc chơi nhạc cụ thuộc bộ hơi chuyên chơi các bản nhạc nhảy và nhạc van dân tộc và cho ban nhạc bốn người chuyên chơi đàn của trường mỹ thuật, vốn là điều bất ngờ mà bà vợ bác sĩ Laxidêt Ôlivêda muốn dành tặng vị thầy lão thành của chồng mình, người sẽ làm chủ bữa tiệc hôm nay. Mặc dù ngày hôm nay không trùng với ngày kỉ niệm đám cưới của vợ chồng bà cách đây hai mươi năm vì thế chọn đúng ngày chủ nhật lễ Hạ Trần để cho bữa tiệc thêm long trọng và có ý nghĩa hơn.

Công việc chuẩn bị được tiến hành từ ba tháng trước cốt tránh bỏ sót những việc cần làm mà không thể làm được do thời gian kíp quá. Gia đình loan tin để người ta mang gà mái từ miền Xiênaga đê Ôrô đến bán cho bữa tiệc. Những con gà mái này nổi tiếng khắp miền duyên hải chẳng những do chúng to béo và ngon thịt mà còn vì trong thời kỳ thuộc địa của Tây Ban Nha, chúng từng bới đất lụt kiếm ăn vì thế người ta bắt gặp những hạt vàng nguyên chất ở trong mề của chúng. Bà Ôlivêda, được các con gái và mấy người hầu gái theo sau, đã đích thân trèo lên boong những chiếc tàu viễn dương sang trọng tìm mua những thức ngon vật lạ từ mọi miền để tăng thêm danh tiếng cho chồng mình. Tất cả đều được trù tính kĩ ngoại trừ bữa tiệc được tổ chức vào ngày chủ nhật trong năm mùa mưa đến muộn. Gia đình bỗng nhận ra ngay điều đó vào chính buổi sáng hôm ấy khi họ đi làm lễ misa tại nhà thờ và họ giật mình trước hơi ẩm trong khí khác thường và nhìn thấy bầu trời đầy mây, thấp tè và mờ mịt không thể nhìn thấy đường chân trời ở phía cuối biển. Bất chấp những biểu hiện cụ thể ấy của một trận mưa rào sắp đổ xuống, vị giám đốc nha khí tượng, người mà bác sĩ Laxiđêt Ôlivêda gặp ngay trong buổi lễ misa ngày Hạ Trần, vẫn lưu ý rằng trong lịch sử những mùa đông khắc nghiệt nhất, không bao giờ ngày chủ nhật lễ Hạ Trần lại có mưa rào. Tuy nhiên, vào lúc chuông đồng hồ điểm mười hai giờ, khi mà nhiều vị tân khách ngồi dưới bóng mát bắt đầu uống rượu khai vị, thì tiếng sấm rền vang làm rung chuyển mặt đất, cơn gió mạnh ập tới làm tung hết các thứ bày trên mặt bàn và cuốn theo nó những chiếc ô lớn. Trời đổ xuống một trận mưa rào quái ác.

Bác sĩ Huvênan Ucbinô gian nan lắm mới đến được địa điểm mời tiệc giữa lúc mọi người đang hối hả tất bật chạy mưa. Cùng với các vị tân khách gặp trên đường đi, ngài đến đây và ngài muốn như họ lò cò nhảy trên những hòn đá nổi trên sân lầy bùn để đi từ chỗ đậu xe vào nhà, nhưng rồi ngài đành phải chấp nhận biện pháp giản dị này: Đám người nhà Đôn Săng Chô kiệu ngài trên tay, che cho ngài chiếc lọng vàng và đưa ngài vào trong nhà. Những chiếc bàn kê riêng biệt này đã được kê xít lại với nhau bằng bất cứ cách nào cho tiện ở ngay trong nhà, kể cả trong phòng ngủ. Các tân khách chẳng cần phải cố giấu đi cảm giác mình bị ngột thở. Trong nhà nóng và ngột như ở hầm tàu vì người ta đóng kín các cửa lại để gió không thể táp mưa vào nhà. Ở ngoài sân, tại mỗi chỗ ngồi đều có mảnh thiếp ghi rõ tên họ từng vị khách mời và người ta đã xếp chỗ cho các khách nam vào một phía, khách nữ vào một phía, như tập quán ở đây vẫn làm thế. Nhưng ở trong nhà, các tấm thiếp ấy đều để lẫn lộn và do đó các khách mời cứ tiện việc đâu ngồi đấy trong một trạng thái hỗn tạp khủng khiếp mà ít ra nó cũng khác hẳn với những tin điều của xã hội chúng ta. Trong lúc mưa bão, Aminta đê Ôlivêda dường như có mặt ở khắp nơi trong cùng một lúc. Với mái tóc ướt đẫm và bộ quần áo lộng lẫy bê bết bùn, thế mà lúc nào bà cũng mỉm một nụ cười kiêu hãnh vốn học được của ông chồng để chiến thắng hoàn cảnh trớ trêu và không để cho kẻ thù của mình được dịp cười cợt. Được các cô con gái giúp đỡ bà đã cố gắng hết sức giành được một chỗ để kê bàn tiệc danh dự là nơi bác sĩ Huvênan Ucbinô ngồi chính giữa bàn và bên phải ngài là đức giám mục Ôbđuliô và Kây. Phécmina Đaxa ngồi bên cạnh ngài, như xưa nay bà vẫn ngồi thế vì bà sợ rằng trong lúc ăn ngài ngủ gật hoặc đánh đổ súp lên ve áo khoác ngoài. Ngồi đối diện với ngài phía bên kia bàn tiệc danh dự là bác sĩ Laxiđêt Ôlivêda, một ông già ngoài năm mươi tuổi, với dáng vẻ của đàn bà, cơ thể ngài vẫn cân đối gọn gàng, với tinh thần vui nhộn vốn không hề liên quan đến sự chẩn đoán bệnh tật chính xác của ngài. Phần còn lại của bàn tiệc danh dự dành cho các quan chức trong chính quyền tỉnh và quận, cho cô hoa hậu được chọn trong vũ hội Cácnavan năm trước mà quan tỉnh trưởng khoác tay dẫn đến đây và cho ngồi bên cạnh ngài. Mặc dù việc đòi hỏi phải ăn diện thật sang trọng trong các bữa tiệc mời, nhất là trong một bữa tiệc nơi thôn quê vào bữa trưa, không phải là một thói quen ở đây, nhưng phần lớn khách đến dự tiệc đều mặc complê dạ mầu thẫm và thắt cà vạt đen… một số vị còn mặc cả áo đuôi tôm, còn các vị khách nữ vận quần áo sặc sỡ các màu, đeo những vòng hạt cực kỳ quý giá. Chỉ có những ai rất lịch duyệt trong số đó có bác sĩ Huvênan Ucbinô, ăn mặc quần áo bình thường. Mỗi chỗ ngồi đều có một bản ghi thực đơn in bằng tiếng Pháp.

Bà Ôlivêda, hoảng hốt trước cơn nóng hầm hập ở trong phòng, đã đi khắp lượt các bàn van xin các vị khách hãy cứ việc tự nhiên cởi áo khoác ngoài ra mà ăn, nhưng không một ai dám cởi trước tiên. Đức giám mục lưu ý bác sĩ Huvênan Ucbinô rằng cứ xét theo một hình thức nào đấy thì bữa tiệc này là một bữa tiệc lịch sử: lần đầu tiên những người thuộc hai phái Bảo hoàng và Tự do đối địch với nhau trong các cuộc nội chiến từng làm đỏ máu nhân dân ngay từ sau ngày đất nước giành được độc lập thoát khỏi ách thống trị của người Tây Ban Nha, những người này hiện nay vẫn mang sẹo trên thân thể hoặc vẫn mang hận thù sâu sắc trong lòng, hôm nay ngay tại đây, họ đã ngồi chung một bàn tiệc. Cái ý nghĩ này trùng hợp với niềm vui sướng hân hoan của những người thuộc phái Tự Do, nhất là đám thanh niên, vì từ đây họ đã bầu được một vị tổng thống nước cộng hòa thuộc đảng Tự do sau bốn mươi lăm năm liên tục phái Bảo Hoàng nắm giữ chức vụ này. Bác sĩ Huvênan Ucbinô không tán thành với đức giám mục. Đối với ngài, một vị tổng thống thuộc phái Tự Do hoàn toàn không khác gì một vị tổng thống thuộc phái Bảo Hoàng, có khác chăng thì chỉ khác ở việc ngài ăn mặc xoàng xĩnh hơn. Ngài không dám phản đối ý kiến đức giám mục, tuy nhiên, ngài vẫn muốn chỉ cho đức giám mục thấy rằng những ai có mặt trong bữa tiệc này không phải vì họ nghĩ như thế nào mà chỉ đơn thuần vì những chiến tích của đẳng cấp mình và đẳng cấp bao giờ cũng ở trên mọi diễn biến ngẫu nhiên của chính trị, bất chấp mọi đau thương khủng khiếp của chiến tranh. Dĩ nhiên, chính vì nhìn nhận như thế nên không một ai vắng mặt trong bữa tiệc này.

Trận mưa rào bỗng nhiên tạnh như nó đã bỗng nhiên trút nước xuống và mặt trời lại rực rỡ sáng trên nền trời quang mây, nhưng gió lại thổi dữ dội hơn nhiều đến mức chúng đã làm cho một số cây cổ thụ bị trốc rễ và nước trong con suối trước đây hiền hòa nay dềnh lên tràn khỏi đôi bờ biến sân nhà thành một bãi bùn đỏ ngầu. Nhưng thảm họa lớn hơn cả trong trận mưa lại xảy ra ở bếp nấu. Mấy bếp củi được bắc tạm trên gạch ở ngoài trời phía sau nhà bị mưa to và những người đầu bếp hầu như chỉ có đủ thời gian bưng các chảo đang đun trên bếp lửa vào nhà. Bọn người làm bếp phải mất một số thời gian thu hẹp nhà bếp và nhóm thêm các bếp ngay tại hành lang trong. Nhưng đến một giờ chiều lại xảy ra một chuyện bất ngờ mới: chỉ còn thiếu món tráng miệng từng được ủy thác cho các nữ tu sĩ Tu viện Xanta Clara mà các bà này hứa sẽ chuyển đến trước một giờ trưa. Người ta sợ rằng nước của con suối bên cạnh đường quan sẽ lên to như đã từng xảy ra trong những mùa đông ít nghiệt ngã, và trong trường hợp nước lên to quá không thể đi lại được thì khó có thể có món tráng miệng vào lúc hai giờ. Ngay sau khi tạnh mưa các cửa sổ liền được mở toang và thế là ngôi nhà lại mát mẻ, tràn đầy thứ không khí trong lành sau trận mưa. Sau đó, chủ nhà ra lệnh cho ban nhạc chơi chương trình nhạc van ở ngoài sân hiên nhưng việc chơi nhạc này chỉ làm tăng thêm cơn khát vì tiếng vang của kèn đồng trong không gian ngôi nhà buộc người ta phải gào to để nói chuyện với nhau. Mệt mỏi vì phải chờ đợi món tráng miệng, Aminta đê Ôlivêda vẫn tươi cười ra lệnh người hầu bưng cơm ra.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.