Tình Yêu Thời Thổ Tả
Chương 06
Nhóm nhạc công của trường Mỹ thuật mở đầu bản giao hưởng trong khung cảnh yên tĩnh vừa đủ nghe những nhịp dạo đầu bản La Chasse của Môda. Dù cho tiếng hát ngày một bay bổng, dù cho bọn bồi bàn người da đen của đôn Săngcho tay bưng khay thức ăn nghi ngút hơi nóng, ồn ào len lỏi đi lại giữa các hàng bàn ghế kê sát nhau, bác sĩ Huvênan Ucbinô vẫn sảng khoái theo dõi hết chương trình âm nhạc. Tuổi tác ngày càng cao thì khả năng tập trung tư tưởng của ngài ngày càng giảm đến mức khi chơi cờ đam ngài phải lấy bút ghi lại trên giấy những nước cờ để sau đó còn biết đường mà đi nước tiếp theo. Tuy nhiên ngài vẫn đủ khả năng vừa theo dõi một cuộc nói chuyện nghiêm túc vừa theo dõi đầy đủ một buổi hòa nhạc giao hưởng dẫu rằng khả năng ấy của ngài hiện nay không thể địch được với khả năng tuyệt vời của giám đốc một dàn nhạc Đức, một người bạn lớn của ngài hồi ngài còn sống ở Áo, người trong lúc nghe bản nhạc Tanhauser vẫn đọc khúc dạo đầu bản nhạc Don Giovani.
Phần hai của chương trình, phần chơi bản nhạc Thần chết và cô Trinh nữ, nhạc phẩm của Sube, ngài cảm thấy nó được chơi với phong cách kịch quá rõ. Trong lúc ngài vất vả nghe bản nhạc được tấu lên vì phải lọc qua những tiếng ồn do thìa nĩa chạm vào bát đĩa, ngài chăm chú nhìn một anh thanh niên mặt hồng hào đã cúi đầu chào mình. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngài đã nhìn thấy anh ta ở đâu đó, nhưng ở đâu thì ngài không thể nhớ được chính xác. Ngài thường hay quên, đặc biệt là ngài quên tên người, ngay cả tên những người rất quen biết hoặc tên các bản nhạc thời trước và chính việc hay quên này đã giày vò lòng ngài một cách khủng khiếp đến mức có một đêm ngài định chết quách đi cho rồi còn hơn là phải chịu đựng nỗi giày vò cho đến sáng hôm sau. Lúc này suýt nữa ngài cũng sẽ nghĩ như vậy nhưng mà may thay một ánh lửa diêm chiếu sáng ký ức ngài: anh thanh niên kia là học trò năm trước của ngài. Ngài ngạc nhiên thấy anh ta có mặt ở đây, ở thế giới những người được chọn lựa này, nhưng bác sĩ Laxidêt Ôlivêda nhắc ngài nhớ lại rằng anh thanh niên kia là con trai vị Bộ trưởng Y tế, là người đến thành phố này để chuẩn bị luận án về thuốc pháp y. Bác sĩ Huvênan Ucbinô vui vẻ bắt tay chào anh ta và anh thanh niên liền đứng dậy kính cẩn đáp lễ. Nhưng ngay lúc ấy và cả sau này, chẳng bao giờ ngài nhận ra rằng anh ta chính là anh sinh viên y khoa trẻ đang thực tập ở phòng khám, người có mặt với ngài ở nhà Giêrêmia Đê Xanh Amua buổi sáng hôm ấy.
Ngài đang hào hứng trước một chiến thắng nữa của mình đối với tuổi già, nên đã bỏ không theo dõi nốt tiết mục cuối cùng, một bản nhạc trữ tình rất trong sáng và dễ cảm động lòng người. Ngài không nghe vì không thể hiểu được nó. Về sau, một anh thanh niên, thành viên của nhóm nhạc, người mới từ nước Pháp trở về, nói với ngài rằng đó là bản nhạc tứ tấu dành cho dàn nhạc của một nhạc sĩ tên là Gabriên Phôrê là một nhạc sĩ mà bác sĩ Huvênan Ucbinô chưa hề biết tên tuổi dù ngài chịu khó theo dõi sát sao các sự kiện mới lạ xảy ra ở châu Âu. Do quan tâm chăm sóc ngài, nhất là khi thấy ngài tư lự trước công chúng, Phecmina Đaxa ngừng ăn, đặt tay mình lên tay ngài. Bà nói với ngài: “Ông ơi, ông không nên nghĩ đến chuyện ấy nữa”. Vẫn đắm chìm trong trầm tư mặc tưởng, ngài mỉm cười với bà và đó chính là lúc ngài nghĩ đến điều bà lo sợ. Ngài nghĩ đến Giêrêmia đê Xanh Amua mà lúc này mặc quần áo lính và đeo huân chương nằm trong quan tài dưới con mắt soi mói của những đứa trẻ trong các bức chân dung được treo trên tường. Ngài quay lại với đức giám mục để báo cho Cha biết tin y đã tự tử nhưng Cha biết rồi. Sau lễ misa người ta bàn tán nhiều về vụ tự tử ấy và hơn thế nữa Cha còn nhận được lời thỉnh cầu của đại tá Hêrômimô Acgôtê, người đại diện cho tất cả những người tị nạn vùng Caribê, xin Đức Cha cho phép chôn cất y ở nghĩa trang của giáo khu. Đức giám mục bảo: “Tôi cảm thấy lời thỉnh cầu ấy là một sự bất kính”. Sau đó với giọng nói dịu dàng hơn, thân mật hơn, đức giám mục hỏi liệu ngài có biết nguyên nhân của vụ tự tử ấy không. Bác sĩ Huvênan Ucbinô trả lời cha bằng một từ chính xác mà ngài cứ tưởng mình đã sáng tạo ra ngay chính lúc ấy: Gerontofobia[18]. Bác sĩ Laxidêt Ôlivêda, còn đang bận chăm sóc các tân khách ngồi gần mình nhất đã ngừng chuyện trò với họ một lúc để tham gia câu chuyện của thầy học mình. Ngài nói: “Thật đáng thương cho đến bây giờ vẫn có một vụ tự tử không phải vì tình”. Bác sĩ Huvênan Ucbinô không hề ngạc nhiên khi nhận thấy những suy tư của mình lại hoàn toàn trùng với những suy tư của người học trò cưng.
[18] Nghĩa: Sợ già.
– Còn tệ hơn thế nữa. – Ngài nói. – Y tự tử bằng hơi độc của muối xyamua vàng.
Khi nói thế ngài cảm thấy tình thương của mình đối với y lại sâu sắc thêm trên cơ sở nỗi đắng cay của bức chúc thư và ngài không cảm ơn vợ mình mà lại cảm ơn cái kỳ diệu của âm nhạc. Thế là ngài nói với đức giám mục về vị thánh thế tục mà ngài được quen biết trong những buổi chiều thư thả đấu cờ đam, về lòng tận tụy của y trong nghệ thuật chụp ảnh hiến dâng hạnh phúc cho trẻ nhỏ, về sự hiểu biết rất kỳ lạ của y về biết bao điều mới lạ trên thế giới này, về những cá tính dịu hiền của y, và chính ngài đã phải ngạc nhiên trước việc y tự làm thanh sạch tâm hồn bằng việc cắt đứt với quá khứ một cách dứt khoát và nhanh chóng. Sau đó ngài nói với quan thị trưởng nên mua lại phim âm bản để làm tư liệu giữ lại những hình ảnh của một thế hệ mà có lẽ chúng sẽ không hạnh phúc ở ngoài các bức ảnh và tương lai của thành phố sẽ ở trong tay chúng. Đức giám mục không bằng lòng với những lời quá khen ngợi của ngài về Giêrêmia đê Xanh Amua và cha bảo rằng một con chiên vừa là quân nhân vừa là người có lòng tin thì làm sao lại đi tự tử được. Nhưng đức giám mục lại tán thành việc nên mua lại những phim âm bản làm tư liệu cho thành phố. Quan thị trưởng muốn được biết nên liên hệ với ai để mua lại những phim âm bản ấy. Bác sĩ Huvênan Ucbinô bị bỏng lưỡi trước điều bí mật nóng rực như than lửa, nhưng ngài đã kịp chịu đựng mà không để lộ tên người thừa kế những phim âm bản ấy hiện đang mai danh ẩn tích. Ngài bảo: “Hãy để tôi lo liệu việc này cho”. Và ngài cảm thấy mình được tự do bởi chính lòng trung thành của mình đối với người đàn bà mà ngài vừa từ giã cách đây năm giờ. Phecmina Đaxa nhận rõ điều ấy và buộc ngài hứa sẽ tham dự đám tang. “Dĩ nhiên là tôi sẽ làm điều đó”, ngài nói với vẻ bàng hoàng. “Chỉ cần là tôi đi ngay”.
Các bài phát biểu chúc tụng và đáp lễ thật là ngắn gọn. Ban nhạc hơi lại bắt đầu thổi một điệu nhạc dân gian không hề có trong chương trình. Các tân khách đi dạo trên các hành lang và sân hiên đợi cho đám bồi bàn của Đôn Săngchô tát cạn nước trong sân phòng khi có ai thích nhảy chăng. Các vị khách duy nhất ngồi lại trong phòng là các tân khách ở bàn tiệc danh dự. Họ ngồi lại để chúc mừng bác sĩ Huvênan Ucbinô trong lần nâng cốc cuối cùng sẽ cạn một hơi nửa cốc rượu brandy. Không một ai nhớ rằng ngài cũng đã uống như thế trước đây rồi, trừ cốc rượu ngon ngài uống để ăn cho trôi một bữa ăn thịnh soạn hiếm có, nhưng con tim ngài buổi chiều ấy lại đòi ngài uống thêm nửa cốc rượu brandy và thế là ngài ngà ngà say: một lần nữa, sau bao nhiêu năm, ngài lại muốn ca hát. Đáng lẽ ra ngài đã hát với tiếng đệm đàn của tay nhạc công trẻ tình nguyện đệm đàn cho ngài nếu lúc ấy không có một chiếc xe kiểu mới vượt qua sân lầy bùn, khiến bọn nhạc công phải chạy tán loạn và với tiếng còi kêu toe toe nó làm cho lũ vịt nháo nhác chạy ở ngoài vườn. Chiếc xe dừng lại ngay trước hàng cột hiên nhà. Bác sĩ Maccô Aurêliô Ucbinô Đaxa và bà vợ cười ngặt nghẽo bước xuống xe, mỗi tay bưng một khay đậy tấm khăn đăng ten. Một số khay tương tự cũng được đặt trên các ghế và ngay cả dưới sàn xe cạnh ghế người tài xế ngồi. Đó là món tráng miệng muộn mằn. Khi tiếng vỗ tay cùng tiếng cười đùa vui vẻ vừa chấm dứt, với giọng điệu nghiêm chỉnh, bác sĩ Ucbinô Đaxa giải thích rằng các nữ tu sĩ nhờ ngài chuyển hộ món tráng miệng đến đây từ trước lúc mưa bão nhưng khi xe ngài đến con đường cái quan thì phải quay trở lại vì có người bảo rằng nhà cha mẹ ngài đang bị cháy. Bác sĩ Huvênan Ucbinô giật mình hoảng hốt không cần phải đợi cho con trai kể hết câu chuyện. Nhưng bà vợ ngài kịp nhắc ngài lại rằng chính ngài đã bảo gia nhân đi mời đội cứu hỏa đến để bắt hộ con vẹt xổng chuồng. Aminta đê Ôlivêda mặt rạng rỡ, quyết định dọn món tráng miệng mời khách mặc dù họ vừa uống xong cà phê. Nhưng bác sĩ Huvênan Ucbinô và phu nhân vội ra về không hề nếm bánh tráng miệng bởi vì thời gian hầu như chỉ đủ cho ngài ngủ trưa trước khi đi dự đám tang Giêrêmia đê Xanh Amua.
Ngài ngủ một giấc ngủ ngắn và nặng nề những mộng mị vì khi trở về tới nhà ngài thấy bọn lính cứu hỏa đã gây ra những thiệt hại còn lớn hơn một vụ hỏa hoạn. Định dọa con vẹt bọn họ lấy vòi phun cao áp phun nước lên chỗ con vẹt đứng và dòng nước phun xối xả này đã vặt trụi hết lá cây, hơn nữa dòng nước phun không chính xác đã đập vào cửa sổ, tóe nước vào trong phòng ngủ, làm vấy bẩn các đồ nội thất và chân dung các cụ cố treo trên tường. Hàng xóm hoảng hốt xô ra đường khi nghe thấy tiếng còi xe cứu hỏa vì tưởng là có hỏa hoạn, và nếu sự rối loạn không xảy ra là vì bọn học trò bị giữ lại trong trường nội trú ngày chủ nhật. Khi nhận rõ dù có dùng thang nối cũng không thể trèo lên con vẹt đậu, lính cứu hỏa liền lấy dao chặt cành cây và chỉ khi bác sĩ Ucbinô Đaxa xuất hiện đúng lúc họ mới ngừng chặt, nếu không họ sẽ chặt cụt tới tận thân cây. Họ ra về còn dặn lại rằng sẽ trở lại sau năm giờ chiều để xem chủ nhân có ra lệnh cho họ chặt cây không. Khi nghỉ tay, họ làm vấy bẩn hành lang trong nhà và phòng khách, làm rách chiếc thảm Ba Tư vốn là thứ được Phecmina Đaxa yêu thích. Thiệt hại còn lớn hơn nữa bởi cảm giác chung là con vẹt nhân cơ hội lộn xộn đã bỏ trốn sang sân nhà hàng xóm. Quả nhiên là như vậy bác sĩ Huvênan Ucbinô đã tìm kiếm nó khắp các tán cây nhưng dù ngài hát, hay huýt sáo để gọi cũng không thấy nó trả lời. Vì thế ngài cho rằng con vẹt bay mất rồi và ngài đi ngủ trưa vào lúc ba giờ chiều. Trước đó, ngài thưởng thức niềm vui thoáng qua do hương thơm mùi cây măng tây dùng để cọ rửa nhà vệ sinh ngoài vườn kín gây nên trong tâm trạng ngài.
Nỗi buồn đánh thức ngài dậy. Nó không phải là nỗi buồn đứng trước tử thi của người bạn sáng sớm hôm ấy mà là ý nghĩ bâng quơ làm xao xuyến tâm hồn ngài sau giấc ngủ trưa, và ngài tự giải thích nó giống như một cảm nhận thiêng liêng rằng ngài đang sống những buổi chiều cuối cùng của đời mình. Cho đến khi đã là ông già năm mươi tuổi, ngài vẫn chưa có ý niệm đầy đủ về tầm cỡ, về trọng lượng và thể trạng của các cơ quan lục phủ ngũ tạng của mình. Dần dà, sau mỗi bận ngủ trưa, trong lúc nằm với đôi mắt khép lại, ngài cảm nhận được tất cả các bộ phận bên trong ấy, ngài nhận rõ từng bộ phận một, cảm thấy hình vóc trái tim to của mình, cảm thấy buồng gan tuyệt vời của mình, cảm thấy thành bụng săn chắc của mình và ngài đi đến phát hiện rằng ngay cả những người già hơn, những bộ phận này đều thon nhỏ hơn của ngài và ngài là người sống lâu nhất trong thế hệ mình. Khi ngài nhận ra sự đãng trí đầu tiên của mình, ngài liền vận dụng ngay thủ thuật học được của một trong những thầy học của mình ở trường Y: “Ai không có được trí nhớ hãy lấy sổ mà ghi lại”. Tuy nhiên đó chẳng qua cũng là một ảo tưởng mà thôi vì ngài đã quên ngay cả chính điều được ghi lại trong các mẩu giấy rời nhét bừa trong túi áo, ngài chạy khắp nhà tìm cặp kính trong khi ngài đã đeo nó trên mắt, ngài trở lại khóa cửa khi mà ngài đã khóa cửa rồi và không theo dõi được mạch chuyện vì ngài quên mất tiền đề của các lý thuyết và lẫn lộn các nhân vật với nhau. Nhưng điều khiến ngài lo lắng hơn cả chính là việc ngài mất lòng tin ở ngay cứu cánh của mình, rồi trong một sự quên lãng không thể tránh được, ngài cảm thấy mình đang để mất đi cảm nhận về cái đúng, cái sai của chân lý.
Theo kinh nghiệm đơn thuần, dù đó là kinh nghiệm không có cơ sở khoa học, bác sĩ Huvênan Ucbinô biết rằng phần lớn những bệnh hiểm nghèo dẫn đến cái chết đều có mùi của chính nó, nhưng không một thứ mùi nào lại quá đặc sắc như thứ mùi của bệnh già. Ngài cảm nhận cái mùi ấy trong các tử thi bị rạch bụng nằm trên bàn mổ, ngài nhận ra cái mùi ấy ngay cả ở những người thân quen tuổi đã cao, ở mồ hôi trong quần áo của chính mình và ở hơi thở đều đều của bà vợ lúc đang ngủ. Về bản chất nếu không phải như vậy thì có lẽ một con chiên không nệ cổ hẳn đã đồng ý với Giêrêmia đê Xanh Amua rằng tuổi già là một quãng đời nhiều thói tật cần phải chặn lại đúng lúc. Niềm an ủi duy nhất của ngài, nhất là đối với người vốn an nhàn quen cảnh giường đệm gối êm như ngài là nhu cầu nhục dục đã khô héo dần dần và đáng thương: sự bình lặng của dục tình. Vào tuổi tám mươi mốt ngài còn khá minh mẫn để nhận ra rằng mình đang bị cột chặt vào thế giới này bởi một sợi chỉ mỏng manh ấy là vì ngài sợ không gặp được Chúa trong bóng tối của cái chết.
Phecmina Đaxa lo dọn dẹp lại phòng ngủ bị bọn lính cứu hỏa làm bừa bộn và trước lúc bốn giờ một tí bà mang cho chồng một cốc nước chanh đá và nhắc ngài nên mặc lễ phục để đi dự lễ tang. Buổi chiều ấy, bác sĩ Huvênan Ucbinô có hai cuốn sách để ngay cạnh mình.
Đó là cuốn: Bí ẩn của con người của Alêcxit Carên[19] và cuốn Chuyện Thánh Misen của ArenMunđơ[20]. Cuốn sách sau này ngài vẫn chưa đọc. Ngài bảo Đichgơna Pacđô, bà đầu bếp, mang cho mình con dao rọc giấy cán sừng mà ngài bỏ quên trong phòng ngủ. Nhưng khi bà ta mang nó ra thì ngài đang đọc cuốn Bí ẩn của con người ở ngay trang được đánh dấu bằng một bì thư. Chỉ còn ít trang nữa là ngài đọc xong. Ngài đọc nó một cách chậm rãi vì đầu ngài váng vất do uống nửa cốc rượu brandy trong lần nâng cốc cuối cùng của bữa tiệc trưa nay. Thỉnh thoảng ngài ngừng đọc để uống một ngụm nước chanh hoặc để nhai một mẩu nước đá. Ngài đã mặc sẵn tất, áo sơ mi không cổ, thắt sẵn hai dải quần xanh vắt chéo từ cổ xuống thắt lưng, do đó ngài khó chịu với ý nghĩ phải đi thay quần áo để đi dự đám tang. Bỗng ngài thôi đọc sách, đặt cuốn sách lên cuốn Chuyện thánh Misen và bắt đầu đung đưa chậm chạp chiếc ghế xích đu mây mà ngắm nhìn quang cảnh, những cây chuối ngự soi bóng trên những vũng nước đọng ngoài sân, ngắm nhìn cây xoài trụi lá, những đàn kiến đang bay sau trận mưa, ngắm nhìn ánh huy hoàng rực rỡ của một buổi chiều chưa đến nhưng đã vĩnh viễn qua đi. Ngài quên mất rằng có lần ngài từng có một con vẹt Paramaribô mà ngài yêu mến nó như yêu mến một con người. Giữa lúc ấy ngài nghe thấy có tiếng người nói: “Vẹt quý! Vẹt quý!”, tiếng nói ấy rất gần, hầu như ở bên cạnh mình rồi ngay lập tức ngài nhìn thấy nó đậu trên cành xoài thấp nhất.
[19] Bác sĩ và triết gia người Pháp (sinh năm 1873 – mất 1944), người được giải Nôben năm 1912.
[20] Bác sĩ và nhà văn người Thụy Sĩ (sinh năm 1857 – mất 1949).- Đồ dơ! – ngài thét nó.
– Ngài còn dơ hơn thế cơ!
Ngài nói chuyện với nó mà mắt không rời nó và trong lúc nói chuyện ngài rón rén đi ủng để không gây một tiếng động nhỏ, cẩn thận xỏ tay qua hai chiếc dải quần, sau đó ngài bước xuống cái sân hiện vẫn còn vấy bùn do đó ngài phải cẩn thận chống cây ba-toong dò dẫm từng bước chân để khỏi va phải các bậc thềm nhà. Con vẹt vẫn đứng yên không nhúc nhích. Nó đậu thấp lắm đến mức nếu giương cây gậy ba-toong ra cũng đủ gần để con vật lập tức đậu ngay lên đầu bịt bạc, ngài nghĩ vậy, nhưng con vẹt đã tránh xa cây gậy. Nó nhảy lên một cành cây ngay cạnh cao hơn chút ít nhưng lại dễ trèo lên hơn. Vì thấy ngay cạnh đấy đã có chiếc thang do lính chữa cháy bắc sẵn, bác sỹ Huvênan Ucbinô ước lượng chiều cao và nghĩ rằng chỉ trèo hai bậc thôi là tóm ngay được con vẹt. Ngài trèo lên bậc thứ nhất, mồm vẫn hát một bài hát vui vẻ để đánh lừa con vật khó bảo, còn nó trong lúc mồm vẫn nhắc lại những lời nói không vần điệu thì chân nó cứ từ từ nhích xa ra phía đầu cành cây. Ngài trèo lên bậc thứ hai không khó khăn gì, hai tay nắm chắc lấy chiếc thang còn con vẹt hát lại cả bài hát không thiếu một câu và không hề thay đổi vị trí. Vì ước lượng sai độ cao của cành cây nên ngài trèo lên bậc thứ ba, rồi bậc thứ tư, rồi ngài dùng tay trái nắm thật chắc vào chiếc thang còn tay phải với tay ra định túm lấy con vẹt. Đichgơna Pacđô, bà hầu nhiều tuổi, từ trong nhà bước ra sân để nhắc ngài cần khẩn trương chuẩn bị đi dự lễ tang kẻo đã muộn giờ rồi, nhìn thấy lưng một người đàn ông đang trèo lên thang và bà không thể tin được rằng người ấy là ngài vì rõ ràng ngài đeo hai dải quần xanh.
– Trời ơi, – bà gào. – Hãy cẩn thận kẻo ngã chết bây giờ.
Bác sĩ Huvênan Ucbinô tóm lấy cổ con vật, reo lên với ngữ điệu đầy vẻ đắc thắng: ca yest[21]! Nhưng ngay lập tức ngài phải thả nó ra vì cái thang đang trượt đi dưới chân ngài, rồi ngài bị hất ra ngoài chiếc thang, lơ lửng trong không trung một lát. Trong cái giây lát ngắn ngủi này ngài kịp hiểu ra rằng mình đã chết không kịp làm lễ ban thánh thể, không còn thời gian để ân hận về bất kỳ điều gì và không kịp chia ly với bất kỳ ai. Đó là lúc bốn giờ bốn giờ bảy phút chiều ngày chủ nhật lễ Hạ Trần.
[21] Tiếng Pháp, nghĩa: Nó đây rồi.
Phecmina Đaxa đang nếm món xúp cho bữa ăn chiều thì nghe thấy tiếng kêu đầy hoảng hốt của bà Đichgơna Pacđô, nghe thấy tiếng ồn ào của đám gia nhân và tiếp đó, tiếng ồn ào của hàng xóm. Ném vội chiếc muôi đi, bà lấy hết sức bình sinh chạy rõ nhanh cố chống lại sức ỳ không gì thắng nổi của tuổi già, vừa chạy vừa gào thét như một con điên mà vẫn chưa hay biết điều gì đang xảy ra dưới tán cây xoài. Trái tim bà nhảy nhót đầy đau đớn trong lồng ngực khi bà nhìn thấy chồng bà đang nằm ngửa trên đất bùn, chết đến nơi nhưng vẫn cố ghìm lại cái phút cuối cùng của đời mình để cho bà vợ có đủ thời gian chạy đến chia ly. Sau hàng nước mắt giàn giụa đầy đau thương vì nghĩ rằng mình chết mà không có người vợ ở bên cạnh, ngài nhìn thấy bà giữa bao người đang vây xung quanh mình. Vì biết sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy bà nữa nên ngài đã nhìn bà với con mắt rực sáng hơn, buồn hơn và nặng ân tình hơn, một cái nhìn mà một nửa thế kỷ chung sống bà chưa bao giờ được nhìn thấy. Trong hơi thở cuối cùng, ngài chỉ kịp nói:
– Chỉ có Chúa mới biết tôi đã yêu mình như thế nào!
Đó là một cái chết đáng ghi nhớ. Nói thế là hoàn toàn có lý. Hầu như vừa mới hoàn thành công việc nghiên cứu chuyên khoa ở Pháp, bác sĩ Huvênan Ucbinô đã nổi tiếng khắp nước vì công trạng dập tắt được nạn dịch tả từng làm cho cả thành phố khiếp sợ bằng những biện pháp mới, dứt khoát và hữu hiệu. Nạn dịch trước đó, khi ngài còn ở châu Âu, đã giết hại một phần tư số dân thành phố không đầy ba tháng. Trong số những nạn nhân ấy, có cha ngài, vốn là một bác sĩ rất được kính nể. Với uy tín vừa giành được và gia tài được thừa hưởng của cha, ngài thành lập Hội Y học, tổ chức y học đầu tiên và duy nhất ở các tỉnh thuộc vùng biển Caribê và ngài là chủ tịch vĩnh viễn của Hội Y học này. Bằng hoạt động tích cực của mình, ngài đã giành thắng lợi trong việc xây dựng chiếc cầu đầu tiên, hệ thống cống ngầm đầu tiên và xây dựng các quán bán hàng thực phẩm đều có lưới che kín nhờ vậy tránh được ruồi muỗi từ các bãi rác đến đậu. Ngoài ra ngài còn là Chủ tịch Viện Hàn lâm ngôn ngữ, Chủ tịch viện Hàn lâm lịch sử. Ngài Trưởng lão La Mã ở Giêrusalem đã tặng ngài huy chương Thánh Xêpuncrô vì những đóng góp tích cực của ngài cho nhà thờ, và Chính phủ Pháp tặng ngài huân chương Bắc đẩu bội tinh vì là người bình luận xuất sắc. Ngài là một người cổ vũ nhiệt thành của biết bao giáo đoàn và tổ chức quần chúng ở thành phố này, đặc biệt là Hội Ái quốc, một tổ chức bao gồm những công dân nhiệt thành không vụ lợi chính trị. Những tổ chức này gây sức ép buộc chính phủ và giới thương gia địa phương phải cùng tham gia những công việc canh tân quá mạnh mẽ đối với thời đại. Trong số những công việc ca ấy, việc thí nghiệp một quả bóng bay mà trong chuyến bay đầu tiên của mình nó đã mang lá thư đến tận Xan Hoan Đê La Xiênaga. Đó là công việc đáng ghi nhớ hơn cả vì nó được tiến hành trước khi người ta nghĩ đến bưu điện hàng không như là một khả năng thực tế. Ngài cũng là người đề xuất ý kiến thành lập Trung tâm Nghệ thuật và nhờ quan điểm này người ta đã thành lập Trường Mỹ thuật đặt ngay tại ngôi nhà ngày nay vẫn còn. Trong nhiều năm, ngài còn bảo trợ cho các Hội thi thơ tổ chức vào tháng tư hàng năm.
Chỉ có ngài mới giành được sự nghiệp hầu như không thể làm được trong một thế kỷ: sự thành lập lại Nhà hát vốn bị biến thành sân chọi gà và nơi nuôi gà kể từ thời Thuộc địa. Đó là đỉnh điểm của phong trào dân chúng ham thích sân khấu từng khuấy động đến mọi tầng lớp nhân dân trong thành phố nhờ một cuộc vận động sâu rộng mà nhiều người cho rằng đó quả là một sự nghiệp to lớn nhất. Tuy nhiên, Nhà hát kịch đã khai trương khi nó không có ghế, không có đèn và khán giả phải mang theo cái để ngồi và cái để thắp sáng vào lúc giữa hai màn kịch. Người ta phân phát vé vào cửa y như các buổi trình diễn lớn ở châu Âu và các bà mệnh phụ lợi dụng cơ hội này để trưng diện váy áo dài và áo khoác da ngay trong đêm đại thử ở vùng nhiệt đới Caribê; nhưng cũng cần phải cho phép bọn người hầu vào xem để họ mang theo nào ghế ngồi, nào đèn và biết bao thức ăn khác vì các quý ông, quý bà tưởng rằng các thứ này giúp cho họ có sức chịu đựng để xem cho hết các chương trình dài lê thê, có một vài chương trình kéo tới tận gần sáng, khi người ta cử hành lễ misa đầu tiên trong ngày. Đợt trình diễn được mở đầu với sự tham gia của một gánh nhạc kịch Pháp mà điều mới lạ của nó chính là cây thụ cầm trong dàn nhạc. Niềm vinh quang đáng nhớ mãi của gánh nhạc kịch này là giọng hát trong trẻo và tài diễn xuất của một nữ ca sĩ giọng nữ cao người Thổ Nhĩ Kỳ, người khi hát lại đi chân trần và các ngón chân đeo đầy nhẫn mặt đá quý. Khi mở màn, do khói của không biết bao nhiêu ngọn đèn dầu cọ bay mù mịt nên không thể nhìn rõ sân khấu và các ca sĩ liền bị khản giọng ngay. Nhưng các báo chí trong thành phố đã biết cẩn thận lược bỏ các chi tiết, tình tiết gây cản trở cho đêm diễn chỉ nhấn mạnh và tô điểm các chi tiết không thể nào quên. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là sự khởi đầu hấp dẫn hơn cả của bác sĩ Huvênan Ucbinô bởi vì cơn sốt nhạc kịch đã lôi cuốn tới cả những Ixônđa và Ôtêlô, Aiđa và Xichphrit[22]. Tuy nhiên, chưa bao gi Nhà hát kịch lại đạt tới những thành tựu cao nhất mà bác sĩ Huvênan Ucbinô từng mong muốn: nghĩa là ngài muốn được xem cảnh tượng các đào kép trình diễn nhạc kịch Ý hay nhạc kịch của Vagơne phải chịu những cú gậy ba-toong của khán giả nện cho để phủi sạch bụi vào lúc nghỉ giữa hai màn kịch.
[22] Tên các nhân vật trong các vở kịch nổi tiếng thế giới.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.