Tình Yêu Thời Thổ Tả

Chương 16



Công việc đầu tiên mà ngài làm là thay thế cha mình ở phòng khám bệnh. Ngài giữ nguyên vị trí những đồ dùng bằng gỗ, chắc chắn và trang nghiêm được sản xuất ở Anh quốc, nhưng lại cất lên gác xép những cuốn sách giáo khoa về y học thời các vị Phó Vương và đặt lên các tủ kính những cuốn sách giáo khoa của trường phái y học mới ở Pháp. Ngài hạ và cất đi những bức tranh thuốc nước đã bạc màu, trừ bức tranh họa một bác sĩ đang chiến đấu với tử thần để giành lấy một nữ bệnh nhân khỏa thân, hạ và cất đi bức trường ghi lời thề giả dối được viết theo lối chữ Gô-tích, rồi thay vào đó ngài treo lên rất nhiều tấm bằng ngài giành được tại các trường đại học khác nhau với những lời phê rất khả quan. Chúng được treo ở bên cạnh tấm bằng của cha ngài.

Bác sĩ Huvênan Ucbinô cố lòng du nhập vào bệnh viện Mixêrocordia những quan điểm mới nhưng việc này chẳng dễ dàng như ngài nghĩ một chút nào, bởi vì những người làm việc trong bệnh viện cổ hủ này rất lấy làm mãn nguyện với những tín điều có từ ngàn đời nay của họ như tín điều cho rằng kê chân giường vào những bát bước để ngăn không cho bệnh tật trèo lên được người bệnh hoặc tín điều cho rằng phải có quần áo dạ hội và găng tay làm bằng da sơn dương trong phòng mổ vì họ cho rằng việc ăn mặc diện là một điều kiện cơ bản để đảm bảo vô trùng. Bọn họ không chịu đựng nổi khi thấy vị bác sĩ trẻ tuổi mới đến đi nếm nước giải người bệnh để xem có đường không. Ông ta vốn là người từng dẫn tên tuổi của Saccô và Truscô như là bạn cùng phòng ngủ của mình và là người ở trên lớp học đã làm các thí nghiệm đầy sức thuyết phục về những nguy hiểm chết người của việc tiêm chủng, nhưng cũng là người hãy còn nghi ngờ trước việc sáng chế mới những viên thuốc đạn. Ngài đụng độ với tất cả: tinh thần cách tân của ngài, tình yêu tổ quốc cuồng nhiệt của ngài, cái cảm hứng bông lơn mới có của ngài ở mảnh đất những người thích đùa, nghĩa là tất cả những gì trên thực tế là đạo đức đáng được kính trọng của ngài đã gây nên bao nỗi ghen tị trong những người đồng nghiệp lớn tuổi và gây nên bao lời châm chọc thận trọng trong đám thanh niên.

Nỗi lo lắng lớn nhất của ngài chính là tình trạng mất vệ sinh của thành phố. Ngài đã đệ trình lên cấp trên những biện pháp khẩn cấp để buộc người ta phải lấp đi hệ thống cống rãnh có từ thời thuộc địa Tây Ban Nha vốn là một ổ chuột khổng lồ và thay vào đó xây dựng một hệ thống cống kín nhờ đó nước thải sẽ được đổ ra biển theo những cửa cống khác nhau chứ không như trước đây thường vẫn cùng đổ ra bến cảng, những ngôi nhà lộng lẫy thời thuộc địa Tây Ban Nha đã có hố xí tự hoại nhưng hai phần ba cư dân thành phố này lại dồn về sống trong những túp lều ven bờ đầm lầy và họ đều phóng uế bừa bãi ở ngoài trời. Phân người khô đi dưới ánh nắng mặt trời, biến thành bụi và được người ta thích thú thở hít cùng với làn gió mát tháng mười hai. Bác sĩ Huvênan Ucbinô quyết tâm đưa vào chương trình bổ túc văn hóa một bài giảng bắt buộc để người nghèo có thể làm lấy hố xí mà dùng. Ngài đã đấu tranh một cách vô ích để mọi người không đổ rác bừa bãi ra các bãi đước mà hàng thế kỷ nay chúng biến thành các bể ngâm rác mục. Ngài đã đấu tranh một cách vô ích để mọi người ít ra một tuần hai lần đi thu rác và đem đốt ở ngoài đồng hoang.

Ngài còn là người có ý thức đầy đủ về sự đe dọa chết người của nguồn nước uống thành phố này. Riêng ý nghĩ xây dựng một hệ thống dẫn nước đã là một ý nghĩ rất không tưởng bởi vì những ai có đủ khả năng thực hiện ý nghĩ ấy thì đã xây nên bể ngầm chứa nước mưa cả một năm trời bên dưới váng nước xanh lè. Giữa những đồ dùng đáng kể hơn cả của thời đại là những thùng lọc nước của chúng làm bằng đá, nhỏ nước tí tách suốt ngày đêm xuống một cái chum. Để ngăn chặn kẻ nào dám thò mồm uống nước trong gáo múc làm bằng nhôm người ta sẽ làm thành một hàng răng cưa bao quanh mép gáo nom nó tựa như chiếc vương miện. Nước đựng trong các chum làm bằng đất sét nung kia thật là trong và mát, nó cho ta cảm giác thích thú. Nhưng bác sĩ Huvênan Ucbinô lại không chịu để cho mình bị lừa trong việc lọc nước kia vì ngài thừa biết rằng dù người ta cẩn thận như thế nào chăng nữa thì đáy các chum nước kia là một ổ bọ gậy. Ngay từ thuở ấu thơ ngài đã bỏ hàng giờ và hàng giờ để xem chúng cung quăng bơi lội với tâm trạng ngạc nhiên thần bí, và cũng như bao người trong thời đại ấy, ngài tin rằng bọ gậy là những con vật siêu tự nhiên từ dưới đáy nước tù đọng từng ca tụng những con cá và chúng là loài vật có khả năng trả thù tình yêu rất mãnh liệt. Ngay từ thuở bé ngài từng nhìn thấy những lỗ thủng trên nóc nhà bà Laxara Côngđê, một bà giáo dám khinh nhờn loài vật và ngài từng nhìn thấy một dòng thủy tinh vụn chảy trên đường cái và nhìn thấy một đống đá to ném suốt ba ngày đêm vào cửa sổ. Tóm lại đó là thời kỳ trước khi ngài được học hành để hiểu rằng bọ gậy chẳng qua là ấu trùng của muỗi, nhưng ngài học để không bao giờ quên, bởi vì từ thuở ấy ngài đã hiểu rằng không chỉ có bọ gậy mà còn có rất nhiều con vật lạ lẫm khác có thể lọt qua hệ thống lọc vào bể nước.

Bệnh sa đì mà quá nhiều người đàn ông thành phố từng chịu đựng không chỉ với lòng quả cảm mà còn với những biểu hiện kiêu hãnh nhất định của lòng ái quốc đã mang lại nhiều vinh dự cho thứ nước ăn chứa trong bể nước thời gian dài. Khi còn đi học bậc tiểu học, bác sĩ Huvênan Ucbinô không tránh khỏi những cú giật thột đầy hoảng hốt khi nhìn thấy những người đàn ông bị bệnh sa đì vào những buổi chiều oi nóng, ngồi trước cửa nhà quạt mát cho cái bìu đái sưng tấy to xụ như đứa trẻ ngủ giữa hai bẹn. Người ta đồn rằng bệnh sa đì phát ra tiếng kêu tựa như tiếng chim hót trong những đêm giông tố và khi đốt một chiếc lông quạ ở bên cạnh thì cái dái úng sẽ quăn xoắn lại trong một nỗi đau khủng khiếp, nhưng không một bệnh nhân nào dám kêu ca, bởi vì một niềm vui khác còn lớn hơn và dễ chịu hơn, nó tựa như một niềm vinh dự của người đàn ông, đã giúp họ vượt qua mọi đau đớn thể xác. Khi bác sĩ Huvênan Ucbinô từ châu Âu trở về, với quan điểm khoa học ngài thừa biết những quan niệm mê tín này là hoàn toàn sai lầm nhưng vì chúng ăn quá sâu vào tâm tư dân địa phương đến mức nhiều người phản đối việc dùng thuốc khử trùng cho vào các bể nước ăn vì họ sợ rằng làm như vậy nước ăn sẽ mất khả năng gây ra khoái cảm đê mê khác cho người dùng nước.

Tình trạng mất vệ sinh ở ngoài chợ, một khu đất hoang rộng nằm ngay trước vịnh, nơi những chiếc thuyền buồm vùng Antidat vẫn thường cập bến, đã khiến bác sĩ Huvênan Ucbinô rất quan tâm như ngài từng quan tâm đến nước ăn thiếu vệ sinh. Một hành khách nổi tiếng của thời đại miêu tả cái chợ này như là một trong những cái chợ độc đáo khác trên thế gian này. Ðúng thế, nó là một cái chợ giàu có, đông vui, ồn ĩ nhưng mặt khác nó cũng là một địa điểm mất vệ sinh cần phải được quan tâm. Chợ thành phố nằm ngay ở trên cái bãi bẩn ấy thi gan với ý muốn của cái biển thất thường nổi giận và khi biển nổi cơn thịnh nộ, từng đợt, từng đợt sóng trắng táp vào bờ, trả lại đất liền những thứ rác rưởi do cống rãnh thải ra. Ðây cũng là nơi để người ta vứt bừa các của thừa trong lò mổ, những xương sỏ, những bộ lòng thối rữa, lông lá dính bê bết máu khô. Diều hâu và quạ đến đánh nhau kịch liệt với chuột cống và chó đói để giành lấy những bộ lòng hay những xương thủ. Cái khung cảnh chiến trận ấy xảy ra bên những con hươu, những chú gà sống thiến béo ngậy được treo cả con bên dưới mái hiên hai bên hè phố và rau tươi bày thành từng mẹt để ở sàn đất. Bác sĩ Huvênan Ucbinô muốn làm sạch khu vực này. Ngài muốn người ta làm lò mổ ở một nơi khác, ngài muốn người ta xây dựng một cái chợ có vòm kính che kín ở bên trên như cái chợ ngài nhìn thấy ở các cửa ô thành phố Bacxêlôna[41], nơi các thức ăn được bày bán vừa ngon lành vừa hấp dẫn đến mức vừa nhìn thấy đã muốn ăn. Nhưng ngay cả những bạn hữu thân nhất trong số các bạn hữu danh giá đã tỏ lòng thương hại trước những đam mê đầy ảo tưởng của ngài. Họ vốn như thế: họ sống mà để cả một đời ca vang lòng tự hào về thành phố quê hương, về những công tích lịch sử, về giá trị những thành tích, về cái đẹp và lòng dũng cảm của nó nhưng tất cả bọn họ đều là những người mù trước việc thành phố đang tàn lụi với năm tháng qua đi. Trái lại, bằng con mắt thực tế, bác sĩ Huvênan Ucbinô đã nhìn thành phố quê hương mình với tất cả tình thương.

[41] Thành phố của Tây Ban Nha.

– Cái thành phố này làm sao có thể trở nên danh giá. – Ngài nói. – Chúng ta có bốn trăm năm để xây dựng mà cho đến nay vẫn chưa làm xong.

Tuy nhiên điều đó họ đang đạt được. Dịch tả, mà những nạn nhân của nó chết ngã sõng sượt trên những vũng bùn ở ngoài chợ, chỉ trong vòng mười một tuần lễ đã gây nên nạn người chết chưa từng có trong lịch sử nước nhà. Cho đến lúc này, những nhân vật nổi tiếng chết được chôn cất bên dưới làn gạch lát trong nhà thờ ngay cạnh nơi ở của các giám mục và tu sĩ. Những người kém giàu hơn chút ít chết được chôn trong sân các nhà tu viện. Những người nghèo chết được đưa ra nghĩa địa thời thuộc địa Tây Ban Nha nằm trên một quả đồi lộng gió cách ly với thành phố bởi một con mương nước không sâu lắm mà trên cầu xây gạch nối liền hai bờ của nó khắc nổi một dòng chữ theo lệnh của một vị Thị Trưởng thông tuệ: Lasciate ogni speranza Voi ch’entrate[42]. Trong hai tuần lễ đầu tiên của nạn dịch tả, nghĩa địa đầy ứ mộ người và ở các nhà thờ cũng không còn chỗ để chôn cất tử thi mặc dù người ta đã chuyển tất cả hài cốt mục của các vị yếu nhân vô danh vào hầm mộ chung. Không khí quanh nhà thờ lớn lạ lẫm hẳn đi vì mùi hôi xông ra từ các hầm mộ kjoongđược trét kín các khe hở và cửa của các hầm mộ không được mở suốt ba năm ròng cho đến ngày Phecmina Ðaxa lần đầu tiên nhìn thấy Phlôrêntinô Arixa rất gần trong lễ misa lúc mười hai giờ đêm. Sang tuần lễ thứ ba của nạn dịch tả, quan tài có tử thi được xếp chồng lên nhau để kín các hành lang tu viện Thánh Clara, để kín cả các lối đi dạo trong vườn cây và vườn của giáo khu vốn rộng gấp đôi buộc phải biến thành nghĩa địa. Tại đây, người ta đào các huyệt rất sâu đủ chôn ba tầng tử thi, chôn một cách vội vã và không có áo quan. Nhưng người ta cũng buộc phải từ bỏ ngay các huyệt này, bởi vì mặt đất yên lành bỗng thay đổi và cựa quậy như một con bọt biển, mà cứ mỗi bận đi qua, dưới chân người ta lại phọt lên một thứ nước lầy nhầy màu hồng thẫm nom đến lộn mửa được. Thế là người ta lại quyết định chôn người chết ở La Manô đê Ðiô[43], một đồn điền lớn dùng để chăn gia súc các thành phố ít nhất một dặm đường và sau này nó biến thành nghĩa trang Univecxô[44].

[42] Tiếng Ý, nghĩa: “Hãy để lại hi vọng, hỡi những kẻ bước vào địa ngục”. Câu thơ của thi hào Đăngtơ trong Thần Khúc.

[43] Nghĩa: Bàn tay Thượng đế.

[44] Nghĩa: Thế giới.

Kể từ ngày tuyên bố có nạn dịch tả, tại pháo đài địa phương, cứ mười lăm phút bất kể ngày hay đêm, người ta lại bắn đại bác một lần theo úng quan niệm mê tín của dân thành phố cho rằng thuốc đạn làm thanh sạch bầu không khí. Nạn dịch tả càng tác oai tác quái mạnh hơn ở khu dân cư da đen vì nó là nơi dân đã đông lại còn nghèo túng, nhưng trên thực tế, đó cũng là nơi không tồn tại cái quan niệm phân biệt màu da và đẳng cấp. Bỗng dịch tả tự chấm dứt như nó tự bột phát và chẳng bao giờ có thể biết chính xác số người chết, không chỉ vì không thể thống kê được mà còn vì một trong những đức tính thường có của chúng ta là lòng nhẫn nhục trước những bất hạnh của bản thân.

Cha đẻ là bác sĩ Maccô Auriêlianô Ucbinô của bác sĩ Huvênan Ucbinô, là người anh hùng trong những ngày gian khổ ấy và sự hy sinh thân mình của cụ là một hành động cao thượng hơn cả. Theo quyết định chính thức cụ đích thân lập ra và chỉ huy chiến dịch tổng vệ sinh nhưng cụ đã đi quá xa chức phận ban đầu của mình đến mức can dự vào hầu hết các vấn đề trật tự xã hội. Nhất là trong những ngày ác liệt của dịch tả, không một thứ quyền lực nào vượt quá quyền lực của cụ. Những năm sau này, khi xem lại quá trình diễn biến của dịch tả, bác sĩ Huvênan Ucbinô thấy rằng phương pháp của cha mình mang tính chất nhân bản nhiều hơn là tính chất khoa học và rằng dù nhìn nhận nó theo bất cứ một góc độ nào thì nó cũng trái với lý luận và vì vậy nó tạo điều kiện thuận lợi cho dịch tả hoành hành dữ dội hơn. Bác sĩ Huvênan Ucbinô nhận ra điều đó với chính sự đồng cảm của những người con mà năm tháng qua đi họ dần dần trở thành các bậc cha chú và lần đầu tiên ngài đau lòng vì đã không ở bên cạnh người cha cô đơn trong những ngày cụ phạm nhiều sai lầm. Nhưng ngài không coi thường những chiến tích của cha mình: Lòng nhiệt thành và tinh thần tận tụy, và trước hết là lòng dũng cảm của cá nhân cụ và chính vì thế cụ xứng đáng được hưởng rất nhiều vinh hạnh mà người ta dâng tặng cụ khi thành phố bình an sau nạn dịch tả, và tên cụ được ghi một cách chính đáng bên cạnh tên tuổi của rất nhiều yếu nhân khác trong các cuộc chiến tranh kém phần danh giá so với cuộc chiến đấu của cụ.

Cụ đã không sống để tận hưởng niềm vinh quang chân chính của mình. Khi nhận ra trong chính bản thân mình cũng có những triệu chứng không thể nhầm lẫn được từng thấy ở những con bệnh. Cụ không cố tâm chiến đấu một cách vô ích mà trái lại cụ tự tách mình khỏi cộng đồng xã hội để không lây bệnh cho bất kỳ ai. Tự giam mình trong phòng phục vụ tại bệnh viện Mixêricordia, giả điếc trước những lời mời gọi của đồng nghiệp và những lời van xin của những người dưới quyền mình, cố tình làm ngơ trước nỗi kinh hoàng của những người bị bệnh tả đang ngắc ngoải ở ngoài hành lang bệnh viện, cụ ngồi viết cho vợ và các con mình một bức thư chứa chan lòng yêu thương và đầy lòng biết ơn thể hiện niềm kiêu hãnh rằng mình đã yêu cuộc đời vô cùng. Ðó là một lời từ biệt dài hơn hai mươi trang chữ viết nguệch ngoạc và qua chữ viết người ta nhận ra tình trạng sức khỏe của cụ mỗi lúc càng suy giảm và cũng chẳng cần phải biết người viết nó là ai cũng biết rằng chữ ký đã được ký trong hơi thở cuối cùng của cuộc đời. Theo đúng lời trăn trối của cụ, cái tử thi xám màu tro của cụ được để lẫn lộn với những tử thi khác trong một cái huyệt cùng chôn nhiều người và cái tử thi của cụ không được bất kỳ một ai yêu mến cụ nhìn mặt.

Tại Pari, ba ngày sau đó, trong một bữa ăn tối với các bạn, bác sĩ Huvênan Ucbinô nhận được điện báo và ngay lập tức ngài tổ chức một tiệc rượu sâm banh để tưởng niệm cha mình. Ngài nói: “Ông cụ là một người tốt”. Sau đó, ngài tự xỉ vả mình vì tội thiếu chín chắn: đã chạy trốn sự thực để mà không khóc thương. Nhưng ba tuần lễ sau, khi nhận được bản sao bức chúc thư, lúc ấy ngài mới chịu đầu hàng sự thực. Bỗng nhiên, hình ảnh người đàn ông mà ngài nhìn thấy trước bất kỳ một ai và là người nuôi dưỡng giáo dục ngài đồng thời là một người đã ăn nằm với mẹ ngài suốt ba năm trời hiện rõ trong tâm trí ngài, nhưng, trước khi nhận được bức chúc thư ấy, do tính tình nhút nhát của mình, chưa bao giờ ông cụ hiện lên một cách thực rõ ràng như vậy trong tâm trí ngài. Cho đến lúc ấy, bác sĩ Huvênan Ucbinô và gia đình ngài mới cảm nhận cái chết như là một nỗi bất hạnh từng xảy ra với những người khác, với cha những người khác, với anh em những người khác, với vợ chồng những người khác, nghĩa là chưa bao giờ họ cảm nhận cái chết như nỗi bất hạnh xảy ra với người thân của mình. Đó là đám người có cuộc sống trôi đi từ từ chậm chạp, là đám người không bao giờ cảm thấy già, cũng không ốm đau, cũng không chết mà trong quá trình hiện hữu của mình họ cứ từ từ kém trí tuệ đi, cứ ngày càng sống với kỉ niệm cũ, những quãng đời sôi động thời trước, cho đến khi sự quên lãng đồng nhất với những kỉ niệm ấy. Bức chúc thư của cha ngài còn mãnh liệt hơn cả bức điện báo đã quật ngã ngài trước sự thực không thể nghi ngờ của cái chết. Tuy nhiên, một trong những kỉ niệm xa xưa nhất có lẽ vào lúc ngài lên chín, có lẽ vào lúc ngài lên mười một tuổi, trong một hình thức nào đó, nó là dấu hiệu của cái chết thông qua chính bản thân cha ngài. Có một buổi chiều mưa, cả hai cha con cùng ngồi trong phòng làm việc tại nhà, ngài đang cầm phấn màu vẽ lên nền gạch hoa những con chim sơn ca và những bông hoa hướng dương và cha ngài ngồi đọc sách ngược sáng bên cửa sổ, mặc chiếc áo khoác không đóng cúc và trên ống tay áo sơ mi buông thõng mấy sợi cao su. Bỗng ông cụ ngừng đọc sách để gãi lưng bằng bàn chải có cán dài nạm bạc. Vì không gãi được, ông cụ bảo ngài dùng móng tay gãi lưng cho ngài và ngài làm theo lời cha với thái độ hết sức hờ hững. Khi gãi xong, cha ngài với nụ cười buồn nhìn qua vai ngài nói:

– Nếu bây giờ cha chết và nếu con ở tuổi cha lúc này thì có lẽ con sẽ không thể nhớ nổi cha.

Ông cụ nói bâng quơ thế thôi và thần chết vỗ cánh bay một lúc lâu trong không khí dịu mát của phòng làm việc và sau đó theo cửa sổ bay ra ngoài để lại một túm lông mà có lẽ đứa trẻ không nhìn thấy. Từ đó đến nay thế mà đã hai mươi năm có lẻ và bác sĩ Huvênan Ucbinô chẳng mấy chốc sẽ bằng tuổi ông cụ ở cái buổi chiều ấy. Ngài tự biết mình giống hệt ông cụ nên ngài ý thức đầy đủ rằng mình sẽ chết như cụ.

Ðối với bác sĩ Huvênan Ucbinô, bệnh dịch đã trở thành một nỗi ảm ảnh trong tâm tư ngài. Ngài vẫn chưa hiểu biết nhiều về nó ngoài những điều học được trong những chương trình ngoại khóa và hình như ngài chưa tin rằng dịch tả từng giết hại hơn một trăm bốn mươi ngàn người ở Pháp, kể cả Pari, cách đây ba mươi năm về trước. Nhưng kể từ sau cái chết của cha, ngài đã học tất cả những gì có thể học để nắm được các hình thức khác nhau của dịch tả. Việc học tập này của ngài gần như một cuộc tranh đua để làm cho ký ức đau buồn của ngài ôn hòa đi. Vì vậy ngài trở thành một môn đồ của nhà nghiên cứu bệnh dịch học nổi tiếng nhất thời đó là nhà sáng tạo ra hệ thống hàng rào phòng dịch, đó là giáo sư Adriên Prut, cha đẻ của nhà tiểu thuyết vĩ đại[45]. Do đó khi ngài trở về quê hương và từ ngoài biển ngài đã cảm thấy cái mùi tanh khẳn bốc lên từ chợ thành phố, rồi ngài nhìn thấy những xác chuột trong các cống rãnh dẫn nước thải cũng như những đứa trẻ để truồng đầm trong các vũng bùn ngay trên đường cái quan thì không những ngài hiểu rằng nỗi bất hạnh quả thật đã xảy ra mà còn tin chắc rằng nó sẽ lại xảy ra vào bất cứ lúc nào.

[45] Tức nhà Văn Macsen Prux (1871-1922) tác giả tiểu thuyết Ði tìm thời gian đã mất, từng ảnh hưởng lớn đến văn học phương tây hiện đại

Và điều đó chẳng cần phải đợi lâu. Chưa đầy một năm, học trò của ngài ở bệnh viện Mixêricordia yêu cầu ngài giúp họ để khám bệnh cho một người bệnh đáng thương. Ðó là một người bệnh khắp người da xanh tái. Từ ngay cửa ra vào chỉ thoáng nhìn một cái bác sĩ Huvênan Ucbinô đã nhận ra ngay kẻ thù của mình. Nhưng vẫn còn may, người bệnh đến thành phố trên một chiếc tàu từ Curaxao ba ngày trước đây và ông ta, bằng chính phương tiện của mình, đã đến khám ngoại khoa ở bệnh viện và hình như ông ta chưa kịp lây bệnh cho ai cả. Bằng mọi cách, bác sĩ Huvênan Ucbinô liền thông báo kịp thời cho các đồng nghiệp của mình, thuyết phục được nhà đương cục ra lệnh báo động cho các cảng lân cận để con tàu bị nhiễm bệnh tả được đậu lại một nơi và tiến hành tiêm phòng dịch cho toàn bộ thủy thủ và hành khách trên nó, đồng thời phải kịp thời ngăn chặn ngay nhà chỉ huy quân sự thành phố, đang định ra lệnh thiết quân luật và áp dụng phương pháp trị bệnh tả bằng cách cứ mười lăm phút bắn một phát đại bác.

– Hãy để dành thuốc đạn chờ khi nào bọn Tự do tới, – ngài vui vẻ nói một cách hài hước. – Chúng ta không còn sống ở thời Trung cổ nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.