Tình Yêu Thời Thổ Tả

Chương 36



Ngay chính đêm ấy, trong lúc cởi quần áo để đi ngủ, bằng giọng trầm buồn của kẻ cầu kinh, ngài kể cho Phecxima Đaxa nghe về những cơn mất ngủ vào lúc nửa đêm về sáng sủa của mình, về những cú đau bất chợt, về những cảm giác buồn đến muốn khóc khi chiều buông, về những triệu chứng được giải mã của mối tình vụng trộm mà lúc này ngài kể cho bà nghe cứ như thể là những tình cảnh khổ sở của tuổi già. Cần phải làm điều đó với một người nào đó để khỏi chết, để khỏi phải nói ra sự thật, tóm lại những giờ phút thoải mái ấy đều đã được hiến dâng cho nghi thức thông thường của ái tình. Bà chăm chú nghe ngài nói nhưng không nhìn ngài, không hề nói năng chi, trong lúc bà nhận quần áo từ tay ngài đưa cho. Bà ngửi từng thứ một mà không hề lộ một cử chỉ chứng tỏ mình đã nguôi cơn giận, và cứ thế cuộn tròn lại rồi ném chúng vào chiếc sọt đựng quần áo bẩn. Bà không ngửi thấy cái mùi ấy nhưng bà vẫn làm thinh và nghĩ rằng ngày mai sẽ là ngày khác hẳn. Trước khi quỳ gối xuống để cầu kinh trước bàn thờ Chúa đặt trong phòng ngủ, ngài kết thúc câu chuyện đáng buồn của mình bằng một tiếng thở dài thật não nề và chân thành, ngài còn nói: “Anh nghĩ rằng mình sẽ chết”. Bà không hề chớp mắt để phản đối ngài.

– Như thế càng tốt, – bà nói. – Như thế cả hai chúng mình đều được thanh thản.

Những năm trước đây, trong lúc đang bị bệnh nguy kịch, ngài đã nói với bà về khả năng mình có thể chết và bà đã trả lời ngài bằng chính câu trả lời phũ phàng trên. Bác sĩ Huvênan Ucbinô lại cứ nghĩ câu trả lời ấy là một biểu hiện rõ nét của tính cách kiên nghị của phụ nữ và nhờ nó mà trái đất vẫn cứ xoay xung quanh mặt trời, bởi vì lúc ấy ngài không biết rằng bao giờ bà cũng đặt một vật có tác dụng che chắn kín đáo cho cơn giận dữ để không một ai nhận ra nỗi sợ hãi của lòng bà. Và trong trường hợp ấy, nỗi sợ đáng sợ hơn tất cả những nỗi sợ khác của bà là sợ sống mà không có ngài ở bên cạnh mình.

Ngược lại, trong cái đêm ấy, bà đã thật lòng mong mỏi ngài chết đi với sức mạnh của con tim mình và tính chất sáng tỏ của câu trả lời ấy khiến ngài ngạc nhiên. Sau đó ngài cảm thấy bà sụt sùi khóc trong bóng tối, bà khóc rất khẽ khàng, miệng cắn vào gối để ngài không nhận ra. Điều này càng khiến cho ngài hoảng hốt thêm bởi vì ngài biết rõ vợ mình không khóc một cách quá dễ dàng trước bất kỳ một nỗi đau đớn nào, kể cả thể xác lẫn tinh thần. Bà chỉ khóc vì quá giận và hơn nữa nếu nỗi giận ấy có nguồn gốc từ một hình thức nào đó trong sự lo lắng cho khuyết điểm của mình và thế là bà giận dữ hơn khi bà khóc nhiều hơn bởi bà không tìm được cách tự tha thứ cho mình vì đã yếu đuối mà khóc. Ngài không dám an ủi bà vì biết rằng nếu an ủi bà lúc này thì chẳng khác gì an ủi một con hổ cái bị mũi lao đâm trúng và cũng không đủ dũng cảm để nói cho bà biết rằng những nguyên nhân gây nên tiếng khóc của bà buổi chiều ấy đã biến mất và chúng bị nhổ tận gốc rễ rồi, kể cả trong ký ức ngài.

Vì mệt mỏi ngài ngủ thiếp đi trong mười phút. Khi tỉnh dậy, ngài thấy bà đã thắp sáng ngọn đèn ngủ và hai mắt mở to nhìn vào ngọn đèn. Bà thôi không khóc nữa. Có một cái gì đó được khẳng định chắc chắn đã xảy ra với bà trong lúc ngài ngủ: những trầm tích qua bao năm tháng lắng đọng dưới đáy sâu sức khỏe bà nay bị tình cảm ghen tuông thức dậy, chúng sục sôi rồi dâng trào lên và chỉ trong khoảnh khắc khiến bà già hẳn đi. Vì mủi lòng thương trước những nếp nhăn vừa xuất hiện, trước làn môi nhợt nhạt, trước màu cước mái tóc bà, ngài bạo phổi khuyên bà hãy ngủ đi vì mới hai giờ sáng thôi. Bà nói chuyện với ngài mà mắt không nhìn ngài, nhưng trong giọng nói không hề vương một chút giận dữ, mà ngược lại gần như âu yếm.

– Tôi có quyền được biết người đó là ai vậy, – bà nói.

Thế là ngài kể lại hết cho bà nghe và trong khi kể ngài cảm thấy mình như được cất đi cả một gánh nặng bằng trọng lượng quả đất trên vai mình, vì ngài vẫn đinh ninh rằng bà đã biết chuyện này rồi và bà chỉ còn thiếu việc khẳng định các chi tiết mà thôi. Nhưng không phải thế, dĩ nhiên rồi, do đó khi ngài kể bà khóc, nhưng không khóc với tiếng khóc ấm ức như lúc đầu mà khóc với những giọt nước mắt to, mặn mòi lăn trên gò má xuống chiếc áo ngủ, chúng làm bà bị bỏng trên làn da ở phía trong áo, và bà bị bỏng trong cả cuộc đời, bởi vì ngài không làm điều mà với tất cả tấm lòng bà chờ đợi mà ngược lại bà phản đối cho đến khi chết. Đó là điều khiến bà phải nổi cáu vì bị thóa mạ, khiến bà muốn gào thét trong xã hội này, một xã hội tồi tệ không hề biết gì trong việc nó chà đạp lên danh dự con người và khiến bà phải giữ cho được bình tĩnh trước những bằng chứng hủ lậu của lòng thiếu chung thủy của ngài. Sau đó, khi ngài kể cho bà biết rằng buổi chiều ấy ngài đã xưng tội trước cha linh hồn của mình thì bà sợ mình sẽ giận dữ quá mức đến độ mù quáng. Ngay từ hồi còn đi học bà đã có ý niệm rằng bọn người đi nhà thờ đều đã để mất những đức tính tốt đẹp mà Thượng đế phú cho họ. Điều này chính là sự khác nhau cơ bản trong sự hòa thuận của gia đình mà cả hai người cùng biết cách né tránh để khỏi va chạm với nhau. Nhưng chồng bà đã cho phép cha linh hồn đi quá sâu vào chuyện riêng của gia đình vốn không chỉ là chuyện của ngài mà còn là chuyện riêng tư của chính bà. Đó chính là điều tệ hại hơn cả.

– Ôi, ông ơi, ông làm như vậy có khác nào ông đi kể tất cả chuyện nhà cho một gã lêu lổng ngoài đường nghe, – bà nói.

Đối với bà thế là câu chuyện đã đến ngõ cụt. Bà tin rằng danh giá của mình đang được thuyên truyền từ miệng kẻ này sang miệng kẻ khác trước khi ngài hoàn thành công việc hối hận và cảm giác mình bị làm nhục so với nỗi xấu hổ, nỗi giận hờn và cả sự phản bội vô lý của ngài đối với bà còn nhẹ hơn rất nhiều. Và điều tệ hại hơn tất cả, khi chính lại là ngài có quan hệ bất chính với một mụ da đen. Ngài đính chính ngay: “Một cô gái da đen đấy”. Nhưng ngay lúc ấy tất cả sức nín nhịn bỗng xổ tung ra: bà đã kết thúc.

– Vẫn chỉ là một thứ cứt đái ấy, – bà bảo, – và chỉ đến lúc này tôi mới biết: Đó là mùi của người da đen.

Chuyện ấy xảy ra vào một ngày thứ hai. Bảy giờ tối ngày thứ sáu, Phecxima Đaxa lên một chiếc tàu thường đi Xăng Hoan đê la Xiênaga, có cô con gái nuôi đi theo cùng một chiếc hòm, mặt trùm kín một chiếc khăn để tránh người ta hỏi mình và hỏi về chồng minh. Bác sĩ Huvênan Ucbinô không có mặt tại bến cảng, theo đúng sự thỏa thuận giữa hai người sau một cuộc thảo luận kéo dài ba ngày liền, trong đó họ quyết định rằng Phecxima Đaxa sẽ đến thăm trang trại của người chị họ Hinđêbrangđa Săngchêt, ở làng Phlôrêt đê Maria với một thời gian tương đối dài đủ để suy nghĩ trước khi có một quyết định cuối cùng. Vì không biết nguyên nhân, các con bà hiểu chuyến đi như một chuyến du chơi từng nhiều lần được vạch ra mà bọn họ ao ước và chờ đợi từ lâu nay. Bác sĩ Huvênan Ucbinô đã giải quyết mọi chuyện thật chu đáo để không một ai trong giới của mình có thể bịa chuyện này chuyện nọ và ngài đã thực hiện nhiệm vụ ấy rất kín nhẽ đến độ nếu Phlôrêntinô Arixa không tìm được bất kỳ một dấu vết nào về sự vắng mặt của Phecxima Đaxa là vì trên thực tế không có một dấu vết nào và không vì ông thiếu phương tiện để điều tra cho ra nhẽ. Người chồng xin rằng Phecxima Đaxa sẽ trở về nhà ngay sau khi nguôi cơn giận. Nhưng bà ra đi mà bụng vẫn đinh ninh tin rằng cơn giận sẽ chẳng bao giờ nguôi trong lòng mình.

Tuy nhiên, ngay lập tức bà đã học để hiểu rằng cái quyết định nóng vội ấy chẳng phải là kết quả của sự ân hận cũng chẳng phải kết quả của niềm hoài nhớ. Sau chuyến sang châu Âu chơi tuần trăng mật, đã vài lần bà trở lại bên ấy, bất chấp mười ngày ròng rã lênh đênh trên mặt biển, bao giờ bà cũng có thừa thời gian để khiến chuyến du chơi của mình lý thú và hạnh phúc. Bà biết được thế giới, học được cách sống và cách suy nghĩ theo một phương thức khác nhưng sau cú thất bại của chuyến bay trong bóng thám không chưa bao giờ bà trở về Xăng Hoan đê la Xiênaga. Cuộc du lịch trở lại tỉnh của người chị họ Hinđêbranđa đối với bà là cái gì đó gần giống như sự giải thoát, như vậy dù có muộn đi nữa. Bà không nghĩ về điều đó nhân có sự chẳng lành trong cuộc sống vợ chồng của mình. Bà vẫn nghĩ sẽ trở về tỉnh Xăng Hoan đê la Xiênaga trước đó rất nhiều. Vậy là chỉ một ý nghĩ sống lại nhưng tình cảm yêu thương thời đầu xanh tuổi trẻ đã an ủi bà nhiều lắm trước nỗi bất hạnh của mình.

Pêđrô Alêhăngđrinô

Khi cùng với đứa con gái nuôi bước xuống tàu ở Xăng Hoan đê la Xiênaga, bà vội vàng vận dụng ngay sự kín đáo của cá tính mình và nhận ra thành phố ngược hẳn lại với những dự đoán trước đây. Thị trưởng thành phố, người toàn quyền cai quản các vấn đề dân sự lẫn quân sự, người sẽ bảo vệ bà, đã mời bà lên chiếc xe ngựa lộng lẫy, thứ vẫn thường dùng của các quan chức, trong lúc đợi tàu hỏa đi khỏi thành phố để đến làng Xăng Hoan đê la Xiênaga, là nơi bà cũng muốn đến tận mắt nhìn cái mà người ta từng nói với bà, tức là cái giường của Nhà Giải Phóng được phục chế nhỏ như chiếc giường của một đứa bé. Thế là Phecxima Đaxa trở lại thăm cái làng rộng lớn của mình trong tình cảnh hoang vắng vào lúc hai giờ chiều. Bà lại được ngắm nhìn những con đường tựa như những bãi đất vắng, có những vũng nước đóng váng xanh lè, lại ngắm nhìn những ngôi nhà rộng lớn của người Thổ Nhĩ Kỳ có gia huy tạc ngoài cổng, và cửa sổ có mái hắt bằng đồng mà những phòng rộng hơi tối của chúng vẫn vang vọng những buổi tập đàn piano, vừa buồn vừa chệch choạc do bà mẹ mới cưới của bà dạy cho đám con gái nhà giàu. Bà nhìn quảng trường hiu quạnh không một bóng cây đang bị rang nóng lên vì đá nóng như than đỏ, nhìn hàng xe che tấm vải đen tựa như xe tang với những chú ngựa kéo đang đứng ngủ im lìm, nhìn con tàu màu vàng đang đi về phía Xăng Pêđrô Alêhăngđrinô và ở khu phố Nhà Thờ lớn bà nhìn thấy ngôi nhà rộng nhất, đẹp nhất nơi Avanrô sẽ chào đời những năm sau này khi bà không còn đủ minh mẫn để nhận ra nó. Bà nghĩ tới bà cô Excôlaxtica, người được bà tìm kiếm khắp nơi mà vẫn không có hi vọng tìm được, và do nghĩ đến bà cô mà bà đã gặp được hình ảnh Phlôrêntinô Arixa, người mặc y phục nhà thơ, tay cầm sách thơ ngồi dưới bóng những cây hạnh đào nơi công viên, như rất ít lần xảy ra với bà khi bà nhớ lại những năm thơ mộng của những ngày cắp sách đến trường. Sau rất nhiều lần dạo đi dạo lại bà vẫn không nhận được ngôi nhà của gia đình trước đây, bởi ở nơi bà dự đoán có ngôi nhà ấy thì chỉ có một chuồng nuôi lợn và bà đã trở lại đường phố có những nhà thổ là nơi những con điếm đang ngủ trưa ở ngoài hành lang để chờ xe thư tới xem nó có mang gì cho họ không. Làng này không phải là làng quê của bà.

Ngay từ lúc mới thoạt đi dạo chơi, Phecxima Đaxa đã phải dùng mạng che kín một nửa mặt, không phải vì bà sợ có ai nhận ra mình ở ngay nơi không một ai quen biết bà mà chủ yếu vì hình ảnh những người chết chương phình dưới nắng ở khắp mọi nơi mọi chỗ trong thành phố kể từ nhà ga xe lửa đến các nghĩa địa. Thị trưởng, người toàn quyền chỉ huy các vấn đề dân sự và quân sự bảo bà rằng: “Đó là những người chết vì bệnh thổ tả đấy”. Bà đã biết chuyện đó rồi vì bà thấy những tử thi đang rữa thối trên miệng họ xùi bọt trắng, nhưng bà cũng kịp nhận ra rằng không tử thi nào có vết đạn nhân đạo bắn trúng ngay vào gáy như trong thời kỳ bà bay trên bóng thám không.

– Đúng thế đấy, – viên sĩ quan nói, – Thượng đế cũng biết cải tiến các phương pháp của mình, thưa bà.

Khoảng cách từ Xăng Hoan đê la Xiênaga đến nhà máy đường ở Xăng Pêđrô Alêhăngđrinô chỉ có chín dặm đường nhưng con tàu chậm cả một ngày, vì người lái tàu vốn là bạn hữu của các hành khách nên bọn người này cứ việc yêu cầu ông ta làm ơn đỗ tàu lại để họ được duỗi chân duỗi cẳng cho giãn gân cốt nhờ những cú dạo quanh các sân bóng của công ty chuối, và những người đàn ông trần như nhộng lội xuống suối tắm trong nước trong veo và mát lạnh chảy từ rừng ra và khi họ cảm thấy đói bụng liền đi vắt sữa những con bò cái đang tha thẩn gặm cỏ ngoài đồng. Phecxima Đaxa đến nơi trong tâm trạng sợ hãi, hầu như không đủ thời gian để khâm phục những cây me huyền thoại mà Nhà Giải phóng khi đã hấp hối mắc chiếc võng của mình vào chúng và Ngài không có đủ thời gian để chứng thực chiếc giường nơi Ngài mất, như người ta từng nói cho bà biết điều đó, không chỉ vì nó quá ư nhỏ bé đối với một con người có quá nhiều vinh quang mà nó còn nhỏ ngay cả đối với những đứa trẻ sinh thiếu tháng. Tuy nhiên, một vị khách khác người, hình như biết rất kĩ, đã nói với bà rằng cái giường này chẳng qua là một vật phục chế rởm bởi sự thật là người ta đã để cho vị cha đẻ của Tổ quốc chết nằm sõng soài dưới sàn nhà. Phecxima Đaxa quá ư chán nản trước những gì mắt được nhìn thấy và những gì tai được nghe thấy ngay từ khi bà ra khỏi nhà mình đến độ trong phần còn lại của chuyến đi bà không hề phấn chấn trước những kỉ niệm về chuyến đi trước đây như bà từng ao ước mà ngược lại, bà tránh đi qua những làng từng gây trong mình bao niềm hoài nhớ. Bà bảo vệ những ý niệm cũ và bà tự bảo vệ mình trước nỗi thất vọng như thế đấy. Men theo những con đường mòn bà nghe rõ tiếng đàn phong cầm, nghe rõ tiếng kêu quang quác của bầy gà, đó là những con gà thoát khỏi đạn dù chỉ là trong chiến tranh hay là trong các bữa đình đám cũng thế thôi, chúng đều bị người ta dùng súng bắn chết. Và khi không còn cách nào tránh được bà buộc phải đi qua làng, mặt trùm kín mạng để tiếp tục mường tượng nó đẹp như trước đây.

Một đêm nọ, sau khi cố tình lảng tránh quá khứ của mình còn đọng lại ở các làng, bà đã đến trang trại của người chị họ Hinđêbranđa như thể bà nhìn thấy chính mình trong tấm gương sự thật. Bà ta già, người béo phì, vây quanh mình là những đứa con nghịch ngợm vốn không phải là của người đàn ông bà vẫn yêu một cách vô vọng, mà là của một quân nhân đã về hưu, là người bà miễn cưỡng phải lấy và là người yêu bà như điên. Nhưng bên trong cái cơ thể tàn tạ kia vẫn tiềm ẩn chính con người ấy. Sau ít ngày nghỉ ngơi ở miền thôn dã và sống lại những kỉ niệm êm đẹp, Phecxima Đaxa lấy lại được cảm hứng nhưng bà chỉ ra khỏi trang trại khi đi làm lễ misa ở nhà thờ hội truyền giáo tận cuối thung lũng. Bà đi cùng với các cháu vốn là con của những người chị em họ trước đây cùng vui đùa với bà. Đó là những thanh niên vui vẻ cưỡi trên lưng những con ngựa tuyệt vời và những cô gái xinh đẹp ăn mặc gọn gàng lịch sự, y hệt mẹ chúng khi ở độ tuổi này, ngồi trên những chiếc xe bò kéo, thong thả đi đến nhà thờ. Bà thường đi đến làng Phlôrêt đê Maria, nơi chưa bao giờ bà có mặt trong chuyến du chơi trước đây bởi vì bà không nghĩ rằng mình sẽ thích làng này. Bác sĩ Huvênan Ucbinô quyết định đi đón bà sau khi ngài nhận được thông báo của đức giám mục địa phận Riôcha. Kết luận của ngài là sự trở về chậm trễ của vợ mình không phải là ở chỗ bà không muốn trở về mà chính ở chỗ bà chưa tìm được cách thức thích đáng để khi trở về mà lòng kiêu hãnh của mình không bị thương tổn. Vậy là ngài đến đón bà mà không hề báo trước, sau khi trao đổi thư từ với Hinđêbranđa và qua những lá thư này ngài biết chắc rằng: bà đang sống trong tâm trạng nhớ nhung, chỉ nghĩ đến nhà mình mà thôi. Vào lúc mười một giờ sáng, Phecxima Đaxa đang ở trong nhà bếp chuẩn bị món cà nhồi thịt thì nghe tiếng gào thét của bọn gia nhân, tiếng ngựa hí vang, tiếng súng bắn chỉ thiên, và sau đó tiếng chân người nện ngoài hành lang và tiếng nói của ngài:

– Thà đến đúng lúc còn hơn là được mời.

Bà tưởng rằng mình sẽ chết vì mừng quá. Không kịp nghĩ về điều đó, bà lau vội hai bàn tay mà rên rỉ: “Ôi Thượng đế, cảm ơn Người, sao Người tốt thế.”, mà nghĩ rằng mình vẫn chưa kịp tắm cho hết cái mùi cà chết tiệt do Hinđêbranđa bảo bà nấu mà chẳng hề cho biết ai là người sẽ đến ăn bữa cơm trưa hôm đó, và nghĩ rằng mình thật là xấu xí, với gương mặt xạm nắng gió sẽ khiến ngài ân hận vì đã đến đây, ôi thật là tai hại quá. Nhưng bà lau vội tay vào chiếc tạp dề, sửa sang tạm bợ hình hài của mình, rồi lấy lại niềm kiêu hãnh mà bà mẹ đã cho để bà bước vào cuộc sống để từ đây làm chủ nhịp đập của con tim đang hân hoan đạp thình thình, rồi bà đi đến đón chào người chồng với bước đi dịu ngọt của con nai, mái đầu ngẩng cao, ánh mặt rực sáng, sống mũi kiêu hãnh, và bà đến với ngài trong tâm trạng hàm ơn số phận mình trước niềm vui bao la lại được trở về nhà, dù không được quá dễ dãi như ngài nghĩ, dĩ nhiên rồi, nhưng cũng sẽ phải âm thầm chịu đựng chính những khổ đau khiến đời bà bị héo hắt.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.