Tuyệt Thực Đi Về Đâu?
NHẬP ĐỀ
Lần đầu tiên tôi đọc quyển sách “Tuyệt thực đi về đâu” của Thái Khắc Lễ vào năm 1983, tôi đã bị hấp dẫn lạ kỳ bởi tên gọi của quyển sách và cái hình người dơ xương kinh khủng ngay ở trang bìa, đó chính là bức tượng “nhịn ăn mà mặc” mà bạn có thể nhận ra dễ dàng nếu bạn đã từng đi thăm quan nhiều chùa chiền. Tôi đã đọc quyển sách với nhiều tò mò và hứng thú, đồng thời tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi lập luận khoa học và đã sáng tỏ nhiều điều trong cuộc sống. Đọc xong, tôi thích nhịn ăn ngay, nhưng cái mồm thì gì cũng muốn ăn, mới hay hoá ra muốn và khả năng thực hiện được ước muốn lại là một vấn đề khác nữa.
Hai năm sau, trường tôi dạy học, giáo viên thay nhau đau mắt đỏ. Mọi người thi nhau xông lá dâu, và uống thuốc kháng sinh… Đến lượt tôi cũng bị lây bệnh, thấy không muốn ăn, tôi chớp lấy cơ hội quí báu để thực hiện tâm nguyện ngày nào, tôi quyết định nhịn một đợt 7 ngày xem sao. Thời gian đó Hà nội hầu như chưa có ai thực hiện nhịn ăn chữa bệnh bao giờ. Đây là một lối chữa bệnh theo thiên nhiên mà một số nước phương Tây đã tái khám phá lại. Đó là một cách tự chữa bệnh theo tự nhiên thoạt nhìn có vẻ kỳ lạ nhưng hợp Logic, theo cổ truyền và đặc biệt là bắt chước các con vật khi chúng bị bệnh. Đây là cách chữa mới lạ đối với người dân Hà Nội lúc bấy giờ. Thường thì dân chúng tự động tự giác áp dụng theo kinh nghiệm sách chỉ bày khi đã bí hết cách chữa, hoặc có ai đã từng nhịn thì hỏi thêm kinh nghiệm.
Tôi biết có anh Hoàng Thái cũng đã từng nhịn ăn, nên nhờ bố tôi cùng anh Thái tới thăm trong thời gian nhịn ăn ngay tại trường tôi dạy, đó là trường Văn hoá của Bộ Tư lệnh Thông Tin, trường đóng bên Gia Lâm, Hà Nội. Hai người đạp xe hơn chục cây số tới thăm để động viên tinh thần, giúp tôi thêm tự tin thì đúng hơn. Tôi theo dõi mọi triệu chứng bản thân từng ngày. Vì không ăn nên càng bớt phân tán tâm trí bởi đi chợ, nấu nướng và ăn… thế là bớt được 3 khoản đó, giải phóng tâm trí để cơ thể khỏi bị tiêu hao năng lượng.
Thông thường người ta chỉ thấy nhịn ăn, nghĩa là không có gì vào bụng thì chết đói, đói ai chịu được, đói thì chết mất… Không ai thấy được nếu không ăn thì cơ thể, nhất là hệ thống tiêu hoá được nghỉ ngơi một chút, cơ thể sẽ không mất đi một số năng lượng để tiêu hoá thức ăn! Đó là lý do giải thích được vì sao một số người nhịn ăn thì thấy khoẻ ra. Phần lớn chúng ta đều nhầm tưởng rằng để tiêu hoá thức ăn (mà bạn lại ăn toàn những thứ khó tiêu), thì cơ thể chỉ có được thêm năng lượng hay calo, mà không mất tí năng lượng nào để tiêu hoá chúng? Bạn chỉ có ĐƯỢC qua ăn mà không có MẤT gì qua ăn sao? Chúng ta thường nhầm lẫn ở chỗ này, nhất là khi cơ thể bị bệnh nặng, bị táo bón hay ỉa chảy, buồn đau hay tức giận… thì ăn vào chỉ có hại hơn là có lợi. Giải pháp cho những vấn đề này là gì, có nhất thiết cứ phải là nhịn ăn? Xin bạn kiên nhẫn đọc hết quyển sách này, rồi lời giải đáp là tuỳ cơ ứng biến của từng cá nhân.
Sau đợt nhịn ăn thành công trên cả hai lĩnh vực thể chất và tinh thần, mắt tôi khỏi trong thời gian bằng với những người uống thuốc kháng sinh, như thế là khả năng miễn dịch tự nhiên trong cơ thể của tôi không bị suy giảm bởi sự lệ thuộc vào thuốc, là thứ tôi biết sau khi uống sẽ ít nhiều để lại hậu quả phụ, làm cho các men vi sinh tốt trong ruột bị huỷ diệt và chắc chắn nó làm suy giảm hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Đã thế trong khi nhịn ăn tôi còn biết tôi bị xoang và viêm họng vì tự nhiên cùng lúc nhịn ăn thì tôi khạc ra không biết bao nhiêu đờm (?), là thứ bệnh tiềm ẩn chưa xuất đầu lộ diện.
Tại sao tôi khẳng định nhịn ăn thành công cả trên lĩnh vực tinh thần? Đây là một kỷ niệm khó quên, tôi xin trình bày lại: Ngày nhịn thứ năm, anh hiệu phó cùng dạy toán rất quí tôi và cũng bắt đầu lo thế nào, vì tôi sống và làm việc ngay tại trường; nhà tôi ở nội thành đi lại xa, nên tôi ở lại ngay trong phòng làm việc, trường bố trí chắn riêng cho tôi một chỗ ở. Tối hôm đó anh hiệu phó đã đến thăm tôi và chúng tôi mang ghế ra ngồi giữa sân trường tranh luận nhau. Anh hiệu phó tên là Phạm Phú Nhân, là một người thông minh, đạo đức và làm thơ có nhiều bài đăng báo khá là hay. Tôi thường chẳng bao giờ thắng anh về lý luận. Nói theo ngôn ngữ dân gian là tôi thường thua cơ anh mỗi khi anh muốn bắt nạt tôi một tẹo. Thế mà tối đó không hiểu sao bỗng dưng tôi lại sáng suốt hẳn ra trong khi tranh luận với anh, làm anh thua cơ và hơi bực bực vì cho là tôi cũng thuộc loại ương gàn khó bảo. Anh làm sao thuyết phục nổi tôi lúc đó đang trong những ngày cuối đợt nhịn ăn mà tôi thấy rất tuyệt vời, nhất là thêm một bằng chứng hùng hồn là lần đầu tôi cãi lại được anh, tôi còn đủ hơi để tranh luận với anh trong ngày nhịn ăn thứ năm, nhịn tuyệt đối chỉ uống nước nóng bằng nhiệt độ cơ thể.
Mãi sau này, khi đọc kỹ những tài liệu của GS. OHSAWA nói là trong khi bạn định tranh luận với ai, mà người ta chớp mắt sau bạn thì bạn hãy êm ái rút lui là vừa, vì nếu không bạn không bao giờ thắng nổi lý lẽ của họ. Hoá ra các chức năng trong cơ thể hoàn toàn liên quan tới nhân cách và thông minh của người đó. GS còn nhắc lại kinh nghiệm cổ là trước khi đi thuyết giảng hay hùng biện về đề tài nào, các nhà hùng biện xưa thường nhịn ăn trước khi lên bục hùng hồn, vì người xưa bảo là: Cái bụng trống thì cái đầu đầy. GS OHSAWA tuyên bố: “May hay rủi, hạnh phúc hay đau khổ, thọ hay yểu, thông minh hay đần độn, xấu hay đẹp, thiện hay ác, tất cả đều do ăn uống mà ra. Khi hiểu rõ điều này, ta thấy rằng con người không hẳn là tốt hay xấu mà chỉ có cách ăn uống tốt hay xấu đã tạo ra con người họ”.
Khi bắt đầu ăn lại miếng đầu tiên sau đợt nhịn ăn, húp tí nước cháo gạo lứt loãng… thì trời ơi! Như là lần đầu tiên trong đời tôi mới biết thế nào là miếng ăn ngon, mới biết thế nào là miếng ngon ở đời. Mấy hôm sau, ăn hạt lạc mà tôi thấy nó ngon ngọt như ăn kẹo, miếng cháo gạo lứt thấy ngon béo làm sao, như ăn thứ nước thịt xương tuỷ ninh nhừ mà trước đó mỗi lần mẹ tôi ninh nấu, khi ăn những thứ nước đó tôi cứ thấy hôi hôi ghê ghê cả người vì bổ béo khó tiêu. Tôi đã ăn cơm gạo lứt trước đó hai, ba năm, mà qua lần nhịn ăn cho tới khi ăn trở lại tôi mới tin sâu hơn vào giá trị dinh dưỡng của hạt gạo lứt bằng chính kinh nghiệm của bản thân, lúc này mọi sách vở để chứng minh giá trị dinh dưỡng của hạt gạo không còn cần thiết với tôi nữa. Nhờ nhịn ăn mà tôi thấy đức tin của tôi về hạt gạo lứt tăng trưởng, còn ngoài ra các cách chứng minh khác đối với tôi đều ít thuyết phục hơn. Chả thế mà nhà thơ Vương Từ đã làm bài thơ bất hủ, sau 49 ngày nhịn ăn của mình. Tôi cho rằng nếu không nhịn ăn dài ngày, không có kinh nghiệm thực chứng về nhịn ăn thì không thể nào viết những câu như thế:
Hạt cơm to bằng núi
Giọt nước ngọt cam lồ
Lạ kỳ thay cái đói
Rờ đụng cả hư vô.
Vương Từ
Sau đợt nhịn ăn, người tôi lấy lại dần sức khoẻ và một thời gian ngắn 1, 2 tháng sau người tôi béo khoẻ tươi tắn, mặc áo quần căng chật, nước da mỡ màng ai thấy cũng khen, nhưng chẳng ai để ý đến cách thử nghiệm nhịn ăn kỳ quái của tôi. Chỉ có một số đồng nghiệp bắt đầu xin thử miếng cơm lứt tôi nấu, để ăn thử và cũng khen à ơi chút chút vậy thôi. Vì đi qua nồi cơm lứt tôi nấu có cháy ngon bốc mùi thơm nức mũi không chịu được, xin ít ăn thử, chứ lòng dạ họ còn chung tình với thịt cá lắm, cho rằng thịt cá là ngon. Đồng nghiệp cho là tôi có tiền mà sao sống có vẻ khổ hạnh, tự đầy đọa xác thân.
Họ chẳng để ý đến cái con người tôi mơn mởn thế sau đợt nhịn ăn, dám họ nghĩ tôi đang yêu hay đang được yêu và hàng ngàn nguyên nhân khác lắm. Nhưng tôi thì mặc kệ, vì tôi đã thực nghiệm nhịn ăn thành công mỹ mãn trên cơ thể mình, mà thiên hạ có đàm tiếu thì cũng thành ra gió thoảng mây bay hết. Còn niềm tin về giá trị nhịn ăn của tôi đã kiên cố, như bạn tin có mặt trời vậy.
Nhiều năm sau tôi có thực hiện nhịn ăn vài đợt nữa, nhưng lần nhịn đầu tiên là ấn tượng nhất và sự chuyển hoá rõ nét nhất. So với những kinh nghiệm nhịn ăn trong sách thì trường hợp của tôi khá là khác thường: cứ sau mỗi đợt nhịn ăn, khi ăn lại ngày thứ hai, thứ ba là tôi lại đi tiểu ra thứ nước đái đục cặn, sánh lờ nhờ như một thứ bùn ở ven bờ sông Hồng, đi ra thứ nước như thế trong hai ngày, nó như vậy ở vào đoạn cuối của bãi nước tiểu. Nhờ kinh nghiệm đó mà tôi thấy sự nhịn ăn đối với tôi là cần thiết, nếu bố trí mỗi năm nhịn ăn một đợt 7 ngày thì tốt. Khi tôi đã biết nguyên nhân bệnh, dại gì mà tôi đưa thêm những thứ độc hại vào người, tôi cứ phanh từ từ chỉ ăn cơm lứt, còn các thức ăn tôi thích tôi cứ giữ nguyên, rồi bỏ dần dần.
Khi tôi gặp được Đại tá Bác sĩ Lê Minh, và bác sĩ Đỗ Hoài Nam là những người đã hướng dẫn nhiều người nhịn ăn trên khắp đất nước thì tôi lại càng thêm củng cố về giá trị của nhịn ăn. Nhiều người nhịn ăn thành công, vài người thấy nhịn tốt thì hơi tí lại nhịn ăn, một số người khác nhịn không thành công… Vì những nguyên nhân này, tôi thấy chỉ có sách không thì không đủ mà còn cần cả những người có trình độ và kinh nghiệm nhiều năm theo dõi, và phải biết bệnh nào nên nhịn, bệnh nào không nên nhịn, bệnh nào nên ăn uống ra sao… Sách cung cấp kiến thức thì khá đầy đủ nhưng con số thống kê bệnh chuyển hoá và nhiều kinh nghiệm thực tế của bản thân và bạn hữu thì ít, và có một số nhận thức chưa tới nơi, nên tôi có ý định từ nhiều năm nay biên soạn lại quyển này để làm sáng tỏ thêm ra nhiều điều. Do vậy đưa vấn đề ra công khai, để tránh cho dân chúng áp dụng máy móc và kém hiệu quả khi dùng quyển “Tuyệt thực đi về đâu” là một việc làm cần thiết. Tôi đã tự mày mò tìm gặp nhiều người nhịn ăn trên khắp đất nước, thấy được cái hay dở khi áp dụng phương pháp này và có dịp phỏng vấn rất nhiều người nhịn ăn… Do vậy tôi đã mạnh dạn trình bày lại nội dung quyển sách với hàng chục trường hợp nhịn ăn làm ví dụ để bạn tiện học hỏi, chọn lọc với những người điển hình.
Nhiều người nói đến nhịn ăn thì cảm thấy kinh khủng và không thể nhịn ăn được. Kinh khủng là vì nó đòi hỏi một số nghị lực, can đảm và hiểu biết nhất định, nó cần cho những người “cùng đường” và ưa phiêu lưu mạo hiểm.
Tôi đã từng nhịn ăn nhiều lần, vài năm tôi nhịn ăn một lần, chỉ vì đã nếm hiệu quả kỳ diệu của sự nhịn ăn. Tôi thường chộp đúng lúc trong người có vấn đề nho nhỏ nào đó và điều đó giúp sự nhịn ăn dễ dàng hơn những lúc sung sức, ăn gì cũng thấy ngon và mau đói. Mùa xuân năm 2002 tôi nhịn được 8 ngày, 3 ngày đầu tiên thì bình thường khoẻ mạnh như không, chỉ hơi đói vào bữa ăn, tối vẫn làm mọi việc như thường và có khi còn làm nhiều hơn. Vì tôi ăn chay, nên việc nhịn ăn của tôi không có phản ứng là bao so với người ăn mặn. Sang ngày thứ 4, 5, 6 thì người mệt lả, những chỗ nào hơi đau hoặc không đau nay bỗng đau dội lên khó chịu làm sao, tôi thường nằm nhiều hơn. Trong khi tôi nhịn ăn, tôi được tin chú Phan Sỹ Thiệu (P6P2, khu tập thể Đại học Kinh tế Quốc dân, ĐT: 8692429), một người quen thân gia đình cũng đang nhịn ăn để chữa u ruột mà bệnh viện vừa phát hiện ra, biết tin tôi cũng đang nhịn, chú gọi điện thoại đến khuyên tôi hãy nhịn nhiều ngày cùng chú (sau này chú kể chú nhịn được 25 ngày và soi lại thấy u biến mất). Chiều ngày nhịn ăn thứ 6, có cô bạn gái cũng đã từng nhịn ăn, tên là Nguyễn Hương Thuỷ hiện là chủ một quán cơm chay, đến kể chuyện cười như là một sự ngẫu nhiên tình cờ, làm chúng tôi cười thôi rồi là cười. Tôi nằm nghe chuyện mà cười rũ người. Sau trận cười đó tôi thấy người khác hẳn, khoẻ hẳn ra và mọi sự đau đớn gần như tan biến. Buổi chiều còn lại, nằm dài trên giường một mình khoan khoái, nhẹ hễu… Mới hay, tôi còn phát hiện ra một cách chữa bệnh thần hiệu hơn cả nhịn ăn là “Liệu pháp Cười” và cười quan trọng đến như thế nào trong cuộc sống. Cười có thể làm cho người chết sống lại. Bạn tôi đã xuất hiện như một thiên thần, tiếng cười làm cho sinh lực như ở đâu trào lên. Thế là những ngày còn lại tôi nhịn ăn nhẹ nhàng như không.
Tôi thường công phu toạ thiền, sáng tối tôi đều đọc kinh và cầu nguyện… thế mà trong thời kỳ nhịn ăn tôi thấy đầu óc trống trơn đến độ tôi không nghĩ tới một thứ gì xa xôi được. Từ chỗ tạp niệm nghĩ đủ thứ, mặc dù có thực hành tâm linh chu đáo, tới chỗ “nhất niệm”, đầu óc tôi chỉ nghĩ tới các món ăn! Nhịn ăn kỳ diệu làm sao, chẳng có cái gì chen vào giữa các món ăn mà tôi mường tượng trong đầu được nữa. Các món ăn tự dưng biến thành vị trí số 1 trong đầu óc của tôi. Còn nhớ GS. OHSAWA nói: “Hạnh phúc thay những người luôn luôn đói và khát”. Chẳng còn thứ gì hấp dẫn trên đời cho bằng các thức ăn! Từ chỗ tôi coi miếng ăn không có gì quan trọng đối với tôi, thì thức ăn trở thành số 1 – một sự đảo lộn về tất cả mọi thứ! Tôi nhớ ra những món ăn tôi đã quên bẵng. Trong đầu chỉ có ăn và ăn… 3 ngày cuối, nước lã đun sôi uống vào miệng sao mà nó ngọt, nước bọt cũng trở nên ngọt làm cho mồm tôi lúc nào cũng ngọt ngọt hơi khó chịu, vì tôi ghét của ngọt từ bé. Có cảm giác như cái bụng tôi trở thành tam giác Bermut, còn tất cả các thức ăn trên thế giới, nhất là rau củ, dù có chui tọt tất cả vào bụng tôi, cũng không làm cho tôi thoả mãn. Vì tôi ăn chay đã lâu, cho nên việc làm sạch cơ thể và truy quét nguồn bệnh tiềm ẩn chỉ sau chừng ấy ngày là cơ thể đã khá trong sạch và lành mạnh trở lại.
Sau khi ăn lại ngày thứ 2 giống như những lần nhịn trước đây 3 năm, cuối bãi nước tiểu của tôi bao giờ cũng là một ít nước cặn đục làm cho việc đi tiểu hơi khó khăn. Khi ăn lại trong những ngày đầu, cơ thể vẫn trong đà đào thải chất độc mạnh, có cảm giác người như một con quay, quay tít, văng hết những chất không cần thiết ra ngoài, tiểu như vậy chừng 1, 2 lần thì nước tiểu trong lại bình thường, có lẽ cái đau lưng nhiều ở ngày thứ 4, 5 là để đào thải ra chất đục cặn nước tiểu chăng? Mới có 2 ngày ăn lại chút nước cháo loãng, người vẫn còn gầy còm mà môi tôi đã hồng bóng như đánh son, chẳng bù mấy hôm trước môi khô cong, má cũng thấy sắc hồng, và nước da rõ ràng được cải thiện, sờ lên mặt thấy da mềm mỏng như da em bé. Tôi gầy đi 6 kg, và trông vào gương thấy mình không còn ra hồn người, mắt trũng lồi ra, người tong teo thản nhiên vô tâm vô tư, đi lại nhẹ nhàng giống như cái bóng ma; nhưng có ai định trắc nghiệm về đầu óc nhận thức hay trình độ tâm linh của tôi thì thường là vui thích và ngạc nhiên, vì họ đã gặp một người bạn tự thấy lỗi mình nhiều hơn trước, và rất thích nghe nói về chủ đề ăn! Nhà thơ Vương Từ, một người đã từng nhịn ăn 49 ngày biết tin tôi nhịn ăn, email kể chuyện về nhịn ăn cho tôi: “Sự nhịn ăn sẽ đến giai đoạn trong veo, thuần khiết đến độ thân tâm bằng không, như có như không, chỉ có thể nói rất mầu nhiệm, mà cũng giản dị như nguyên tắc đòn bẩy, mà NHU ĐẠO, HIỆP KHÍ ĐẠO, THÁI CỰC QUYỀN… đã khéo léo ứng dụng như nguyên tắc một lạng chế ngàn cân.” Còn những người bạn tu Vô vi của tôi cũng email về khuyến khích tôi nhịn ăn thanh lọc bản thể, mới hay những người tu Vô vi có trình độ tâm linh cao. Một số người tu thiền và ăn chay ở Hà Nội, tu các môn phái khác có nhiều bệnh cũng không khỏi, phải nhờ đến nhịn ăn và ăn gạo lứt mới có chuyển biến tốt. Phải nói nhịn ăn có thể xếp vào bậc “vua” của mọi cách chữa bệnh thân và tâm.
Bỗng nhiên tôi có khả năng cười dễ dàng về tất cả mọi thứ. Có thể nói nhịn ăn là làm cái không làm, là tin tưởng tuyệt đối ở thiên nhiên, ở cơ thể, và cơ thể nó cũng chứng minh cho ta thấy khả năng bất tận của nó về mọi chiều hướng. Bạn đã phụ bạc và đối xử bất công với cơ thể của bạn, chứ ngược lại cơ thể bạn không bao giờ phụ bạc và bất công đối với bạn. Và mặc dầu bạn có cư xử với cơ thể bạn thế nào, thì nó luôn là ân nhân của bạn, nhất là trong khi nhịn ăn. Khi bạn không cho nó ăn thì lúc đầu nó sẽ làm cho bạn lên bờ xuống ruộng vì trong giai đoạn đào thải chất độc do bạn chất lên mình nó, cuối cùng thì nó sẽ giải đáp cho bạn thấy là nó tử tế nhất! Nếu bạn kiên nhẫn với nó thì nó sẽ trả công bạn xứng đáng. Nó là thằng đầy tớ tồi, nhưng cũng lại là đứa tớ đắc lực và hữu ích nhất nếu bạn biết cách điều hành nó.
Có một điều rõ ràng là nhịn ăn thì không bao giờ biết đến buồn chán. Trong khi “nhất niệm” với các món ăn ưa thích trong đầu, thì không bao giờ có thể buồn chán được, điều này thật là logic, vả lại nhịn ăn có khả năng đào thải buồn chán và đào thải đủ loại bệnh tật tiềm ẩn nay đã xuất đầu lộ diện. Còn các ý nghĩ thì lạ lùng thay: Chúng cứ biến đi đằng nào? Các ý nghĩ thi nhau chạy trốn, hình như các ý nghĩ không thích một cái cơ thể không có thức ăn? Đầu óc trống trơn nhẹ nhàng, ý nghĩ tan loãng vào hư không sâu thẳm mênh mông ngàn đời, một cảm giác đê mê vĩnh truyền… Nằm nghỉ ngơi trên giường, thấy người nhẹ tênh tếch, sung sướng làm sao, điều mà các thiền nhân mơ ước, thì nay không cần thiền cũng sẵn có một cách tự nhiên. Điều này làm tôi nhớ tới câu thơ của một người tôi không nhớ tên, mà nhà thơ Vương TỪ đọc cho tôi nghe: “Kho trời chung mà vẫn vô tận của mình riêng!” Tôi nghĩ tới cái chết thì sẽ như thế nào? Một cái xác không ăn, không thở, và không suy nghĩ!
Trong khi nhịn ăn tôi đọc lại quyển “Milarepa con người siêu việt” và thầm kính phục các chư tổ – những người vượt thắng được miếng ăn trong khi thiền định. Milarepa có giai đoạn công phu miên mật còn ăn toàn loại rau hoang, rau tầm ma để công phu. Điều này làm cho tôi liên tưởng đến hai vị sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu của ta, gọi là sư đầu rau, vì toàn ăn rau để sống và để thiền định, mà cũng đạt đạo.
Nhờ nhịn ăn, tôi thấy rõ hơn những yếu hèn của bản thân, trình độ của tôi lùi tụt hẳn xuống đẳng cấp của một con vật: Chỉ nghĩ tới ăn! Kỳ nhịn ăn lần này đã làm cho vài thành kiến ẩn tàng trong tôi bị đổ vỡ, tôi trở nên thênh thang trong nhận thức và khoáng đạt trong tư duy hơn trước. Tôi phát hiện ra một số điều làm cho cuộc sống của tôi và của những người liên quan được tốt đẹp hơn, điều mà chắc chắn nếu không nhịn ăn thì tôi không thể nào phát hiện ra được.
Khi ăn lại thì còn khó hơn nhịn ăn nhiều lần. Nếu không ăn lại một cách từ từ thì sự ngon ăn đến mức như thế chỉ xuất hiện sau khi nhịn ăn sẽ mất đi nhanh chóng. Nếu không, nó có thể kéo dài rất lâu, đem lại niềm vui thực sự như thế nào. Có người nói sự ngon ăn kỳ diệu lạ lùng sau mỗi kỳ nhịn ăn có thể kéo dài được 4 tháng.
Tôi nghĩ chúng ta đã bước vào kỷ nguyên sinh học, chắc chắn người ta sẽ xem xét lại con người ở dạng một tổng thể và nó là một phần của thế giới tự nhiên, nên cách chữa theo tự nhiên là cách chữa của thời đại mới. Michio Kushi đã nói: “Theo đó, y học tự nhiên là y học xem con người là một dạng năng lượng và rung động, và trong nghĩa này, y học tự nhiên không cho con người là một thể chất mà chỉ là một trạng thái tinh thần. Y khoa chữa theo triệu chứng ngày nay chắc hẳn rồi sẽ thay đổi để chuyển hướng về y học tự nhiên hơn. Sự cách mạng trong y học sẽ nâng nhân loại lên cao hơn và xem trọng thực thể tinh thần mà không nghi ngờ gì là nó sẽ thiết lập một nền văn minh hoàn vũ lành mạnh.”
Hà nội, tháng 5 năm 2002, Ngọc Trâm (ĐT: 04. 8534225, DĐ: 0953456638).
Khi có trong tay quyển sách “Tuyệt thực đi về đâu” này nếu bạn muốn thực hiện nhịn ăn, xin tìm đọc tham khảo quyển “Phương pháp tự chữa bệnh” tập 2 của G.P Malakhov, một quyển sách chuyên đề về nhịn ăn để thông tin về nhịn ăn của bạn được đầy đủ và hoàn toàn. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, nếu bạn nhịn ăn và lại kết hợp cầu nguyện để hướng tâm tới một cuộc sống mới tốt đẹp hơn cuộc sống trước đó – điều mà làm cho bạn phải nhịn ăn, thì kết quả lại tốt đẹp bội phần.
Tôi gặp một số chướng ngại trên con đường tâm linh, sau nhiều mầy mò và tìm kiếm và thực hành nhiều phương pháp để cải tiến bầu không khí. Cuối cùng sau một đợt nhịn ăn 9 ngày tháng 5 -2006 tôi thực hành sám hối và cuối cùng chướng ngại mới bắt đầu được biến đổi theo chiều hướng tốt. Trong quyển “Y học Tây Tạng” có nói tới 9 nguyên nhân của bệnh trong đó bao gồm cả tham sân si và suy nghĩ sai lầm. Ngay đó nguyên nhân chính thứ hai là do thức ăn sai lầm, nếu ta đã làm “đủ cách” mà cuộc sống vẫn chưa được cải thiện, thì ta phải lần mò tới cách thức thực hiện những phương pháp tâm linh như sám hối. Sám hối là sự thanh lọc trong ý thức chúng ta. Khi sám hối về điều gì đó, con người được thanh lọc khỏi điều đó. Sức ép năng lượng rời khỏi trường năng lượng của con người.
Lúc đó năng lượng trở nên nhiều hơn, có cảm giác vui sướng và nhẹ nhõm…Trong thời gian nhịn ăn bạn nên áp dụng nghe loại Nhạc dành thiền định và trị liệu, như những đĩa nhạc có âm thanh OM chẳng hạn…
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.