Tuyệt Thực Đi Về Đâu?

VII. VỆ SINH TRONG LÚC NHỊN ĂN



Phép nhịn ăn không nên xem như một trò đùa mà cũng đừng coi như một trò thách đố. Người nhịn ăn dài hạn nên nghiên cứu kỹ lưỡng các chi tiết liên quan đến phép nhịn ăn hay nhờ người kinh nghiệm săn sóc. Trăm hay không bằng tay quen: một bác sĩ không hay biết gì về phương pháp nhịn ăn không bằng một người đã có nhiều kinh nghiệm về phép nhịn ăn dù họ không phải là y sĩ. Một khi nhịn ăn ai cũng đều có ý nghĩ thu hoạch kết quả tối đa với một thời gian tối thiểu.

Tất cả mọi sự săn sóc của chúng ta bằng mọi cách phải nhằm vào việc bảo tồn sinh khí và các chất dự trữ cho kẻ nhịn ăn. Những phương sách sau đây nếu được áp dụng kỹ lưỡng sẽ đem lại kết quả mong muốn và vì vậy sẽ thu ngắn thời gian nhịn ăn cần thiết.

Sự nghỉ ngơi

Con thú trong giấc đông miên có khá đủ đồ ăn dự trữ để chi dùng trong các hoạt động sinh lý tối thiểu và suốt thời kỳ nhịn ăn không hoạt động hay hoạt động rất ít. Khi đau yếu, theo bản năng thiên nhiên cơ thể ngừng mọi hoạt động của sự tiêu hoá để bảo tồn sinh khí bằng cách ngăn ngừa mọi sự phung phí để dùng vào sự phục hồi cho cơ thể. Sự nghỉ ngơi bảo tồn sinh lực, các chất trong cơ thể và thúc đẩy quá trình phục hồi sức khoẻ. Người nhịn ăn tương đối chậm sụt cân nếu cơ thể được nghỉ ngơi và giữ cho được ấm áp. Nghỉ ngơi làm đỡ hao tốn một số đồ ăn dự trữ trong các hoạt động vật chất và cả trong các hoạt động sinh lý nữa.

Cơ thể càng được nghỉ ngơi, sức khoẻ càng chóng phục hồi. Nghỉ ngơi có nghĩa là ngừng mọi hoạt động thể chất và tinh thần dù cho là đọc, là viết, là nói, là nghe radio, nghe âm nhạc kích động mọi tình cảm… tốt hơn cả là càng nhiều càng hay.

Những ảnh hưởng tinh thần

Lần nhịn ăn đầu tiên dĩ nhiên là có những sự lo lắng không đâu, những phập phồng nghi ngại, những biến động tinh thần và đôi khi cả sợ hãi nữa. Người nhịn ăn sẽ có những cảm giác mới lạ từ trước đến nay chưa có bao giờ đến làm xáo động tâm tư. Buồn nôn, bủn rủn, đau đớn, oẹ mửa nhức đầu và triệu chứng khác phát sinh có thể gây ra sự hãi hùng để rồi cuống cuồng chạy chữa thuốc men độc địa hay dứt ngang sự nhịn ăn một cách dại dột và tai hại. Người nhịn ăn phải hiểu mọi khía cạnh của phép nhịn ăn hoặc được một người sành sỏi săn sóc, hiểu các triệu chứng để có thể giải thích và khuyến khích người bệnh kiên nhẫn tiếp tục công việc nhịn ăn hữu ích. Sợ hãi sự nhịn ăn, nỗi ưu sầu và những hình thức khác về sự suy nhược tinh thần đều phải lưu tâm đánh đổ.

Trong lúc nhịn ăn cũng như những lúc khác trong đời sống, tư tưởng và các xúc cảm làm thương tổn sâu xa các cơ quan và cơ năng của cơ thể. Thái độ vui tươi là yếu tố đặc biệt quan trọng trong thời gian nhịn ăn. Điều tối kỵ trong việc nhịn ăn là sự sợ hãi chết đói; đã sợ hãi thì nên chấm dứt sự nhịn ăn đi là hơn. Sự sợ hãi có thể giết người. Biết bao nhiêu câu chuyện người ta đã chết chỉ vì sợ hãi, vì giận dữ, vì buồn rầu, vì khích động…

Sợ chết đói mà nhịn đói thì nhịn làm gì cho khổ?

Không khí trong lành

Trong lúc nhịn ăn, không khí trong lành còn cần thiết hơn cả mọi khi. Nên làm thế nào cho căn phòng người nhịn ăn đêm ngày đều được thoáng khí. Giữ cho mọi người nhịn ăn được ấm áp không có nghĩa là không cho không khí mát mẻ, trong lành len vào phòng.

Sự ấm áp

Người nhịn nên giữ cho cơ thể được luôn luôn ấm áp để khỏi hao tổn một cách vô ích số thức ăn dự trữ trong mình, cảm lạnh là nguyên nhân sự khó chịu trong người, làm ngăn trở sự nghỉ ngơi cùng giấc ngủ và ngăn chặn sự bài tiết. Trong lắm trường hợp nó có thể gây ra sự buồn nôn, oẹ mửa và sự đau đớn. Người bệnh giữ cho được ấm áp thì chóng bình phục hơn. Một chai nước nóng để dưới chân cũng đủ đảm bảo tiện nghi và ngăn ngừa cảm lạnh. Người nhịn ăn không nên đắp quá nhiều mền chăn. Thông thường những người than vãn lạnh bàn chân, bàn tay không còn cái lạnh ấy nữa sau một kỳ nhịn ăn. Tuy vậy trong thời kỳ nhịn ăn người ta lại thường xuyên cảm thấy lành lạnh ở hai chân. Ta phải giữ cho người nhịn ăn được ấm áp. Cơ thể dùng sức mạnh của thần kinh để tự sưởi ấm và ta không nên để người nhịn ăn phải phung phí năng lực thần kinh trong việc sưởi ấm cơ thể. Ta phải giúp họ sưởi ấm bằng sức nóng bên ngoài.

Những người nhịn ăn hất chăn đi bảo rằng quá nóng nhưng rờ vào bàn tay, bàn chân lại thấy giá lạnh thì cần phải lưu tâm để làm cho họ được ấm áp lại vì đó là một triệu chứng không hay. Ta nên sưởi ấm cho người bệnh, nên cho họ uống chút ít nước gạo rang và uống trong nhiều bận. Sự nghỉ ngơi và yên tĩnh rất cần trong những trường hợp này.

Sự hoạt động

Đối với đa số các bệnh kinh niên thì hàng ngày nên hoạt động vừa phải tuỳ tình trạng sức khoẻ của người bệnh, điều quan hệ là tránh sự nhọc mệt. Có người lại chủ trương là người bệnh chỉ nên nghỉ ngơi trong lúc nhịn ăn. Chỉ có những người khoẻ mạnh định nhịn ăn độ mười hai ngày hay nửa tháng để thanh lọc cơ thể và những người mập nhịn ăn để cho gọn người lại mới nên hoạt động trong lúc nhịn ăn.

Trong thời kỳ nhịn ăn nghỉ ngơi là yếu tố chính, sau khi ăn uống trở lại hay hoạt động trở lại dần dần.

Thánh Gandhi trong lần nhịn ăn thứ nhì kéo dài 14 ngày trong lúc ông ở Nam Phi lầm tưởng rằng ông có thể hoạt động như lúc ông ăn uống đầy đủ. Ngày thứ 2 sau khi ăn uống trở lại ông ta đi bộ rất lâu nên hai chân đau nhói, nhưng tiếp mấy ngày sau ông ta vẫn cứ cố gắng đi bộ nữa nên sự đau đớn cũng tăng thêm và sau đó sức khoẻ bị suy kém phải đến mấy năm sau mới bình phục. Thánh Gandhi đã mua được kinh nghiệm này với một giá khá đắt.

Tuy vậy cũng tuỳ theo tình trạng sức khoẻ của mỗi người. Như hồi năm 1926, nhà lực sĩ Johnston từ ngày 2-6 đến 20-6 đã nhịn ăn để đi từ Chicago đến Bedfort, tức là một lộ trình 930 km dưới nắng mưa.

Tắm

Người nhịn ăn nên tránh quá nóng hay quá lạnh không nên ngâm mình lâu trong bồn tắm hay dưới vòi nước tia. Nếu tắm nhanh hoặc lau bằng khăn ướt thì dùng nước âm ấm là tốt hơn cả.

Lạt miệng

Trong thời gian nhịn ăn, người ta thường cảm thấy mùi vị khó chịu trong mồm. Người ta có thể làm giảm bớt bằng cách đánh răng, cạo lưỡi. Không nên dùng các loại thuốc để súc miệng. Có thể dùng nước muối biển để súc miệng. Nhịn ăn một thời gian khá dài thì lưỡi trở nên sạch sẽ dần và miệng tự nhiên sẽ không còn hôi hám nữa.

Uống nước

Đa số môn đồ nhịn ăn khuyên uống nhiều nước trong lúc nhịn ăn cho rằng nước giúp sự bài tiết các độc tố trong người. Có người khuyên uống nước nhiều là để làm dịu những cảm giác khó chịu của dạ dày mà người ta thường cảm thấy lúc mới khởi sự nhịn ăn. Như vậy là để thoả mãn nhu cần cơ thể. Thật ra đó là một sự sai lầm và số nước thừa ấy chẳng những không giúp ích gì trong sự bài tiết các độc tố trong người mà còn có tác hại là đằng khác. Ta có thể căn cứ vào cơn khát để định số lượng nước cần thiết. Khát nước thì uống, còn không thì thôi.

Thú vật khi nhịn ăn thì uống ít nước hoặc không uống nước. Các con vật đông miên hay hạ miên trong thời gian ngủ chẳng hề uống nước bao giờ. Thông thường các con thú có bệnh tật hay bị thương nặng uống nước rất ít. Đa số giống vật đều không bao giờ chịu uống nước nhiều.

ít khi người ta khát nước nhiều trong lúc nhịn ăn. Có nhiều người đến 2-3 ngày mà chẳng uống một hớp nước, có người mỗi ngày uống độ nửa tách. Tuy vậy, cũng có người khát nhiều nhưng cũng có người uống là để cho bụng khỏi rỗng, có người uống nhiều là vì nghe người ta bảo uống nhiều là tốt, là có ích lợi lớn.

Nước thừa trong người chẳng giúp gì sự bài tiết mà trái lại còn làm giảm sự bài tiết các chất cặn bã.

Nhịn nước thì mau sụt cân hơn nhưng rất hữu ích trong các trường hợp thũng nước và rút ngắn thời gian nhịn ăn cho những người mập nước muốn nhịn ăn cho gầy bớt lại.

Nhận xét các loài chuột, thỏ, sóc sống trong sa mạc ta nhận thấy chúng chẳng uống nước bao giờ mà cũng ít loài chảy mồ hôi. Trong sa mạc Gobi có giống lừa hoang và giống linh dương cũng rất ít uống nước hay không uống nước vì trên bãi cát mênh mông vài trăm cây số mới rải rác có một vài giếng nước Mông cổ đào thật sâu.

Đành rằng con người mất một số lớn nước qua các lỗ chân lông nhưng đối với người nhịn ăn được nghỉ ngơi thì lượng nước quan trọng không phải là điều cần thiết. Người ta đã thấy nhiều tù tội bị nhịn ăn lẫn uống vẫn có thể sống từ vài ngày đến 17 ngày, nhưng trong những trường hợp này yếu tố tình cảm và tinh thần đã giữ một vai trò quan trọng. Cái điều mà ai cũng nhận thấy là không ăn thì tương đối rất ít khát. Ta nên theo bản năng mà uống mỗi khi cơ thể đòi hỏi là hay hơn cả.

Có người nhịn ăn, uống nước thấy hôi hám do miệng hôi sinh ra. Có người lại thấy nước ngọt quá muốn thêm một chút muối hay chút nước chanh quả cho dễ uống.

Bỏ muối vào nhiều và uống nhiều nước đôi khi gây ra những chứng phù thũng, còn uống nước chanh có nghĩa là người bệnh đã ăn trở lại tuy rằng lượng nước chanh rất ít ỏi, nhưng cũng đủ để can thiệp vào trong quá trình nhịn ăn khi thường gây ra sự thèm ăn trở lại làm cho công việc nhịn ăn thêm phần khó khăn hơn hay thúc dục sự đình chỉ cuộc nhịn ăn.

Ta chỉ cần đánh răng, súc miệng, cạo lưỡi cho sạch sẽ là cảm giác hôi hám không còn nữa.

Điều đáng chú ý là người nhịn ăn không bao giờ nên uống nước đá lạnh, vô cùng tai hại cho sức khoẻ.

Rửa ruột

Có người khuyên rửa ruột trong lúc nhịn ăn, nói như vậy nghe qua dường như hợp lý nhưng trên thực tế thì chẳng những không có lợi ích gì hết mà còn làm chậm sự phục hồi sinh lực của ruột. Ta cũng không nên rửa ruột lúc mới bắt đầu ăn uống lại. Rửa ruột luôn luôn làm suy nhược người nhịn ăn, thuốc xổ làm suy yếu ruột già và đau rát ruột non cùng dạ dày.

Bác sĩ Shelton đã thí nghiệm cho các bệnh nhân của ông rửa ruột hàng ngày trong 5 năm, còn 30 năm về sau thì ông ta lại để cho các bệnh nhân tự làm việc lấy theo thiên nhiên, đã đưa ra kết luận quả quyết rằng nếu người bệnh nhịn ăn mà không rửa ruột hoặc không uống thuốc xổ thì bệnh tật chóng bình phục hơn và sự hoạt động của ruột muôn phần mĩ mãn, sau khi chấm dứt sự nhịn ăn.

Nghỉ ngơi trầm lặng, yên tĩnh, ấm áp là những yếu tố quan hệ trong lúc nhịn ăn hơn cả mọi phương pháp kích thích, thúc đẩy trái tự nhiên như rửa ruột, uống thuốc xổ, tắm hơi, tắm nóng, tắm lạnh, xát muối, xoa bóp, nắn xương sống, v.v… bao giờ cũng có hại nhiều hơn phần lợi để rồi qui trách nhiệm cho phép nhịn ăn.

Nhất là nên bỏ thói quen dùng thuốc men trong lúc nhịn ăn vì trong thời gian này thần kinh trở nên bén nhạy, mẫn cảm hơn khi ăn uống bình thường, dễ gây ra những kết quả mau lẹ và mãnh liệt. Cho nên uống thuốc men trong thời kỳ nhịn ăn bao giờ cũng nguy hiểm hơn trong bất cứ trường hợp nào cả.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.