Tuyệt Thực Đi Về Đâu?

IV. SỰ TĂNG VÀ GIẢM SỨC MẠNH TRONG LÚC NHỊN ĂN



Bác sĩ Tilden nói: “Phần đông người ta thường nghĩ rằng ăn mới đem lại sức mạnh và không mấy ai hiểu rằng ngừng ăn mới có sức mạnh”. Mới xem qua thì dường như trái ngược đối với những người chưa hề kinh nghiệm trong phép nhịn ăn nhưng thật ra luôn luôn người ta được thêm sức trong lúc nhịn ăn.

Trong một cuộc trắc nghiệm bằng lực kế (dynamo-mètre), ông Succi sau 21 ngày nhịn ăn đã tỏ ra tăng thêm sức mạnh với sức kéo của 2 cánh tay. Đến ngày thứ 30 ông ta vẫn cưỡi ngựa, leo nhanh các bực thang lên tận đỉnh tháp Eiffel, công việc mà một người sức khoẻ trung bình cũng vất vả lắm mới làm được.

Macfadden nói: “Trong nhiều trường hợp mà tôi săn sóc cũng như trong nhiều trường hợp thuật lại do Dewey và Carrington, sức mạnh của người bệnh nhịn ăn mỗi ngày mỗi tăng lên mãi cho đến lúc người bệnh có thể đi nhiều cây số trong mỗi ngày trong lúc ban đầu họ không thể đi đứng gì được cả. Một hôm người ta khiêng đến cho tôi một người đàn bà quá ư liệt nhược đến nỗi chẳng đi được nữa vì trước đó ăn uống bừa bãi. Trước đó có một bác sĩ cho bà ta ăn uống đủ thức béo bổ, đủ thứ thuốc men, săn sóc nhưng bà ta lại ngày càng yếu thêm. Đến khi áp dụng phép nhịn ăn, bà ta quá đỗi ngạc nhiên khi thấy sức khoẻ mỗi ngày mỗi tăng tiến”.

Những trường hợp như vậy xảy ra không kể xiết.

Có nhiều võ sĩ, lực sĩ, nhà thể thao khởi đầu sự tập dượt của họ bằng một tuần nhịn ăn để dự các trận đấu hoặc thi tài và thu hoạch kết quả rất khả quan.

Trước sự ngạc nhiên của 16.000 khán giả ở Madison Square Gadren, ông Low sau 8 ngày nhịn ăn đã biểu diễn lập 9 kỷ lục thế giới về sức lực và dẻo dai mà ông ta đã giữ trong nhiều năm. Những kỷ lục này được thi đua với những người được ăn uống điều hoà. Ông lại còn chiếm thêm được nhiều thế nữa sau nhiều lần nhịn ăn khác. Đây là câu trả lời hùng biện cho các y sĩ thường bảo rằng nếu cứ nhịn ăn độ một tuần thì đi không nổi, còn nếu nhịn ăn gắng thêm ít hôm nữa là nguy rồi đấy.

Bác sĩ Levanzin nói: “Những kẻ cảm thấy đuối sức trong lúc nhịn ăn đều là những người nóng nảy và rất dễ xúc động nên sự liệt nhược đó chỉ là những hiệu quả của sự độc hại của sự tưởng tượng quá phong phú. Nếu bạn cứ nghĩ rằng bạn vẫn khoẻ mạnh và bạn có thể đi được 2 cây số sau khi nhịn ăn 30 ngày, thế là bạn sẽ đi một cách hết sức khoẻ khoắn; trái lại nếu bạn có thành kiến rằng nhịn ăn làm suy nhược con người và bứt rứt về ý nghĩ đó thì nhịn đói chẳng mấy hôm bạn thấy mệt lả do bạn trở thành nạn nhân của tự kỷ ám thị của mình”.

Bác sĩ Shelton kể lại chuyện một người bệnh ông ta chữa lúc mới đến phải bò để leo lên các bực thang lầu, sau khi nhịn ăn thì sức khoẻ hồi phục từng ngày một, đến ngày thứ 18 thì có thể chạy lên chạy xuống cầu thang một cách dễ dàng.

Sức mạnh là sự hợp tác của bắp thịt, của thần kinh và sự tinh sạch của máu. Ta nên phân biệt sức mạnh thực sự và cảm tưởng nghĩ rằng mình mạnh. Con người có thói quen mỗi ngày 3 bữa ăn sung túc rồi uống trà, cà phê, hút thuốc đến khi thiếu đi là người ta cảm thấy yếu đuối, uể oải, tiều tuỵ dở tay không nổi. Thật sự yếu đuối đó chỉ là sự thu hồi năng lực của bắp thịt. Hiện tượng này nếu có xảy ra thì chỉ ở 3- 4 hôm đầu mà thôi, và người nhịn ăn nếu làm cử động ít phút thì sau đó sức mạnh sẽ trở lại với bắp thịt và cảm thấy khoẻ mạnh ngay. Hiện tượng yếu đuối thường xảy ra ở những người ăn thịt cá nhiều, ăn nhiều đồ gia vị, các thứ kích thích, rượu, trà, v.v… hơn là những người ăn chay. Trạng thái này tương tự tình trạng những người nghiền thiếu thuốc hoặc thiếu rượu lúc cơn nghiền đến.

Ta nên để ý đến sự khác nhau giữa cảm giác yếu đuối và sự suy nhược thật sự về sinh lực.

Carrington nói rằng: “Trong những trường hợp quá ư suy nhược vì bệnh tật tức là sinh khí đến mức kiệt quệ thì hiệu quả về sự tăng gia sinh lực nhờ nhịn ăn càng được rõ rệt hiển nhiên. Trên lý thuyết, nhịn ăn trong những lúc như thế tức là đem đến cái chết nhanh cho người bệnh; nhưng trên thực tế thì trái hẳn: sức khoẻ và sinh lực trở lại với người bệnh và tăng gia trong thời kỳ nhịn ăn”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.