Tuyệt Thực Đi Về Đâu?

PHỤ LỤC III: QUAN HỆ CỦA NHAI KỸ THỨC ĂN



Tôi xin lưu ý mức cần thiết của sự nhai kỹ cơm cho đến khi nào có cảm giác búng cơm đã biến thành sữa ngọt. Đa số quần chúng không ngờ rằng sự nhai kỹ để thấm nhuần nước bọt các thức ăn cốc loại và có bột là giai đoại tiêu hoá đầu tiên quan trọng và chính do đấy mà sự tiêu hoá trong dạ dày và trong ruột được dễ dàng về sau. Các tuyến nước bọt mỗi ngày trung bình xuất tiết 1 lít rưỡi đâu phải không có công dụng của nó: chất ptyaline trong nước bọt thuỷ phân tinh bột chính thành glucốt và dextrốt theo công thức hoá học sau đây:
2(C6H10O5)n + nH20 —> nC12H22O11

Đối với các thức ăn rau, củ, thảo mộc, nhai kỹ phá vỡ các màng cellulot của tế bào làm dễ dàng sự xúc tác các enzym và giúp tác dụng các dịch tiêu hoá được hữu hiệu và nhanh chóng hơn.

Sự xuất tiết nước bọt càng được tăng gia nhờ sự nhai lâu và nhai kỹ. Người nào muốn được khoẻ mạnh và ăn uống dễ tiêu hoá nên nhẫn nại nhai lâu và nhai kỹ cho đến khi cơm biến thành sữa loãng hãy nuốt. Những người có thói quen vừa ăn vừa uống hoặc chan canh vào mà lùa thường rất lười nhai làm cơm không thấm nhuần nước bọt, cho nên công việc tiêu hoá ở ruột và dạ dày trở nên nhọc nhằn, khó khăn làm suy tổn rất nhiều sinh khí của các cơ quan này.

Chính nhờ nơi miệng mà người ta chữa lành được các bệnh của dạ dày và ruột, rồi từ đấy ảnh hưởng tốt đẹp đến các tạng phủ khác trong người.

Horace Fletcher mắc bệnh kinh niên, các y sĩ đương thời đều bó tay và kết luận là ông mắc phải bệnh nan y chưa biết sẽ chết khi nào trong sớm tối. Thấy y khoa tỏ ra bất lực, ông ta đành chiêm nghiệm căn bệnh của mình rồi quyết định nhai thật kỹ các thức ăn và lạ lùng thay sức khoẻ của ông càng ngày càng hồi phục, sinh lực được cải tạo hoàn mỹ đến nỗi về sau ông đã trở thành một nhà thể thao danh tiếng; trước đó ông ta là một con người bạc nhược, hấp hối, bị y khoa ruồng bỏ và khoanh tay kết án “nan y”.

Sau đây ông Fletcher viết sách, chứng minh bằng những bằng chứng rằng ăn theo lượng thực phẩm thường xuyên và trầm trọng, nếu một khi biết nhai chậm và nhai kỹ thì có thể giảm bớt 50% các thực phẩm và độ 1/2 kg thức ăn khô cũng đã quá đủ để bảo tồn sinh lực và sức khoẻ của chúng ta rồi.

Từ khi quyển sách của Fletcher ra đời ở phương Tây, các nhà dưỡng sinh mỗi khi nói đến sự nhai kỹ thức ăn thường dùng danh từ “Fletcher hoá” thức ăn và những người áp dụng phương pháp này đề xướng chủ nghĩa Fletcher (Fletcherisme) để cổ vũ sự nhai chậm và nhai kỹ các thức ăn hầu đem lại sức khoẻ và hạnh phúc cho con người.

Từ xưa ở Ấn Độ, các hành giả Yogi đã thực hành và khuyên mọi người cách nhai kỹ và nhai chậm với mục đích thu hoạch tối đa sinh khí của thức ăn, rút lấy tất cả Prana của thực phẩm để tận dụng cho cơ thể. Theo các vị này, thức ăn một khi nhai mà còn có hương vị ấy là Prana đang còn phát tiết và vị giác đang đồng hoá nhờ các thần kinh vị giác, cho nên ta cứ phải tiếp tục nhai các thức ăn trong miệng cho đến khi không còn tiết ra mùi vị gì nữa và chỉ có như vậy mới khai thác trọn vẹn sinh khí của thực phẩm và có thể nuốt xuống để cho ống tiêu hoá tiếp tục công việc của nó mà bồi dưỡng cơ thể.

Mukerji, trong quyển “Brahmane et Paria” kể câu chuyện một vị thánh tu khổ hạnh mà ông rất quen biết, mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm rất ít nhờ nhai rất kỹ.

Trong tập sách “Traitement mental”, Caillet nhấn mạnh rằng: “Các nhà tâm linh học cần phải lưu tâm đến một vấn đề tối yếu mà người ta thường hờ hững xem như không mấy quan hệ: Sự nhai các thức ăn”.

Đồng ý với các hành giả Yogi, Caillet công nhận rằng sự nhai chậm và nhai kỹ chẳng những có công năng giúp sự tiêu hoá dễ dàng cho dạ dày và ruột mà còn trực tiếp cung cấp khí lực cho các trung tâm thần kinh nhờ sự hấp thụ được sinh khí Prana của vũ trụ chứa trong thức ăn nhờ sự nhai kỹ.

Tu sĩ Ramacharaka, với kinh nghiệm bản thân tuyên bố rằng một búng cơm nhai chậm và nhai kỹ bổ dưỡng bằng hai búng cơm nhai cẩu thả và cung cấp 3 lần nhiều hơn cả linh khí Prana thực phẩm.

Đông y quan niệm rằng: “Dương ở hậu thiên mà hư thì phải bổ vị khí; Âm ở tiên thiên mà hư thì nên bổ chân Âm, bởi vị là con của nguyên Dương, lại là các bể chứa thuỷ cốc, cái nguồn để hoá sinh mà làm quản chủ cho chân Dương”.

Người mà cầu sống khang kiện thì tất phải tìm ở chân Âm, chân Dương làm thuốc mà không biết rõ lẽ ấy có khác gì khắc dấu ở thuyền để tìm gươm thì làm sao có được.

Nhận xét kỹ phương pháp ăn uống theo nguyên lý Âm Dương trên ta sẽ thấy rằng Giáo sư OHSAWA đã chữa lành bệnh bằng cách dùng thức ăn tự dưỡng tỳ vị, bồi bổ Âm Dương là căn cội con người và từ đó tuần tự giúp sức tương sinh các tạng phủ khác đến chỗ cường tráng khang kiện.

Diện mạo muôn người dầu khác, nhưng Âm – Dương tạng phủ chỉ có một mà thôi. Danh xưng của vạn bệnh tuy nhiều nhưng chẳng ra ngoài khí huyết Âm Dương bốn chủ. Quan sát kỹ cách chữa bệnh của Giáo sư OHSAWA, ta sẽ thấy Người đã lấy các phép trị một chứng bệnh ấy rút lại căn bản cũng như trị một bệnh mà thôi. Bởi trong nhân loại ai ai cũng khí huyết ấy, tạng phủ ấy, Âm Dương ấy.

“Nhất bản tán vạn thù, vạn thù qui nhất bản”, biết chỗ yếu ước một lời nói là đủ, không biết chỗ ách yếu thì lưu tán vô cùng…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.