Tuyệt Thực Đi Về Đâu?

IV. NHỊN ĂN KHÔNG PHẢI LÀ CHẾT ĐÓI



Nhiều người không hiểu, tưởng rằng máu huyết và các mô cần thiết cho sinh mạng bị huỷ hoại liền sau khi nhịn ăn và mỗi ngày nhịn ăn thêm là mỗi ngày tàn phá thêm cơ thể, các mô cần thiết cho mạng sống. Sinclair nói: “Quả thật có nhiều người chết đói sau 3 hay 4 ngày nhịn ăn nhưng sự chết đói kia chỉ do trong óc họ: chính sự sợ hãi đã giết chết họ”. Ta nên phân biệt sự tuyệt thực làm hai giai đoạn: Giai đoạn nhịn ăn hữu ích và giai đoạn đói ăn nguy hại.

Carrington tóm tắt ý nghĩa sự nhịn ăn như sau: Nhịn ăn là một phương pháp khoa học để đào thải các mô bệnh tật và những chất liệu của ốm đau nên sau đó thế nào cũng có những hậu quả tốt đẹp. Đói ăn thì không còn thức ăn dự trữ cần thiết để cung cấp cho các mô nữa và bây giờ sự tự phân đưa đến những kết quả tai hại. Tất cả bí quyết có thể tóm tắt như sau: Nhịn ăn bắt đầu với sự ngừng bữa ăn đầu tiên và kết thúc bằng sự biết đói tự nhiên, trái lại đói ăn khởi đầu bằng sự trở lại của cái đói tự nhiên và chung cuộc bằng cái chết… Chỗ mà cái nhịn ăn kết thúc lại là cái đói ăn bắt đầu. Đói ăn là tiêu thụ các mô lành mạnh làm gầy yếu cơ thể, làm suy kiệt sinh lực; nhịn ăn là quá trình tiêu hoá các chất nguy hại, các mô mỡ vô ích, tăng gia khí lực và đem lại cho cơ thể sự điều hoà mà ta gọi là sức khoẻ.

Các nhà sinh lý học cũng kiếm cách quy định thời gian con người có thể sống không cần đến thực phẩm căn cứ trên các loài vật đặc biệt là loài có vú. Qua các cuộc thí nghiệm, người ta thấy rằng thời gian tới khi chết tỉ lệ với căn số bậc 3 của sức nặng cơ thể. Một con chuột nặng 180gr chết sau 5 hoặc 6 ngày không ăn. Thời gian này ở con người sẽ là 15,6 lần dài hơn tức là từ 96,5 đến 109 ngày. Một con chó cân nặng 20kg nhịn đói 60 ngày sau mới chết, so sánh thì thời gian tương đương ở con người sẽ là 89 ngày. Một con thỏ nặng 2kg422 chết sau 26 ngày, tương ứng với thời gian 79 ngày ở con người.

Bác sĩ A. Putter nghiên cứu về phép nhịn ăn kết luận rằng căn cứ theo khoa sinh lý đối chiếu không có một lý do gì con người lại không thể sống từ 90 đến 100 ngày nhịn ăn miễn là họ được duy trì trong những điều kiện thích đáng về nhiệt, nghỉ ngơi, không khí trong sạch, về nước và thoải mái tinh thần.

Sylveter Graham phủ nhận người mập có thể sống lâu trong việc nhịn ăn hơn người gầy. Ông ta bảo rằng: “Nếu quả thực mỡ là để giành cho việc nuôi dưỡng cơ thể trong những thời gian nhịn ăn dài ngày thì nếu một người béo mập và một người gầy cùng chung nhịn ăn một lần trong những điều kiện giống nhau thế nào người mập cũng sống lâu hơn người gầy nhiều; nhưng trên thực tế lại trái hẳn: Người gầy xuống cân rất chậm và sống hơn người mập đến mấy ngày.

Trail và Garrington cũng đồng quan điểm khi bình luận ý kiến trên: “Tôi có thể nói rằng đấy là những điều chính tôi đã kinh nghiệm”.

Có điều đáng để ý là tình trạng thiếu chất bổ không hề xảy ra trong thời gian nhịn ăn. Tình trạng này trái lại xảy ra rất chóng trong trường hợp chỉ cho ăn độc một món hydrat-cacbon, protein hay thực phẩm thiếu khoáng chất. Trong những thí nghiệm trên những con vật ăn uống không có khoáng chất, các con vật này trở thành yếu đuối, đờ đẫn, mệt nhọc, lên cơn và chết. Trong các cuộc thí nghiệm về loài này, người ta thấy thần kinh hệ bị tổn thương hơn cả. Bác sĩ Foster thí nghiệm nơi những con chó và bồ câu phát hiện thấy nơi chúng những triệu chứng tự đầu độc nếu cho ăn những thực phẩm không có khoáng chất và chết còn chóng hơn là không cho chúng ăn vật gì cả. Những con chó cho ăn thức ăn thiếu khoáng chất bị chết sau một thời gian từ 26 đến 30 ngày trong lúc những con chó nhịn ăn hoàn toàn chết sau thời gian từ 40 ngày đến 60 ngày.

Con người cũng sẽ chết đói một cách chắc chắn và vô cùng nhanh chóng nếu người ta chỉ ăn một hoặc hai chất bổ ví dụ như bột trắng với nước hoặc đường trắng với nước mà thôi…

Không ăn uống gì cả, cơ thể tự túc bằng thức ăn dự trữ trong các mô nhưng luôn luôn có sự quân bình trong cơ thể. Nhưng thiên nhiên không dự trữ những chất để cung cấp cho một cơ thể liên tục hấp thụ những thức ăn khiếm khuyết không hoàn hảo. Cơ thể không tồn trữ những chất cần thiết để bù đắp cho những sự thiếu thốn chất bổ tạo ra do thức ăn biến tính. Thực vậy, người ta đã thí nghiệm nhiều lần và nhận thấy rằng con người ta có thể chết bằng cách ăn những bữa mất quân bình còn nhanh hơn là hoàn toàn nhịn ăn. Người ta sẽ chết còn nhanh hơn nhịn đói nếu chỉ ăn cơm gạo máy thật trắng và càng ăn nhiều, người ta càng suy lụn và càng đi nhanh đến cái chết. Những thức ăn khiếm khuyết trên muốn được đồng hoá đã thu hút quá nhiều những chất dự trữ nào đó trong cơ thể làm cho những chất đó suy mòn, cạn kiệt nhanh chóng gây nên một sự mất quân bình trầm trọng về mọi phương diện sinh, lý, hoá.

Tình trạng của cơ thể nhịn ăn là khác: Cơ thể kiểm soát dễ dàng sự phân phối và tiêu hao các chất dự trữ, loại nào đáng được dùng trước thì dùng trước, loại nào đáng bảo tồn, đáng dự phòng thì giữ lại, loại nào đáng chia cho cơ quan này hoặc cho cơ quan khác thì phân phối lại cho thích hợp. Nhờ vậy sự quân bình sinh hoá được thành lập, bệnh thiếu chất bổ không thể phát sinh và không một cơ quan nào bị tổn thương. Suốt thời gian nhịn ăn hoàn toàn, thức ăn dự trữ được dùng một cách quân bình, những chất thừa thãi được sử dụng trước tiên rồi tuần tự những thức ít quan hệ, phục hưng dần lại sự quân bình tốt đẹp cho châu thân. Nhịn ăn đem lại quân bình cho cơ thể còn ăn uống càng khiếm khuyết làm sự mất quân bình càng thêm trầm trọng.

Người ta phúc trình những trường hợp hoại huyết, đậu lào (typhus), thương hàn, màng não, tuỷ viêm, cúm… phát sinh trong những vùng đói kém. Sau trận đói người ta bắt gặp những trường hợp còm xương, đi tả, phong ngứa, mắt sưng chảy mủ hầu như khắp các trẻ em và các bệnh ấy kéo dài mãi một thời gian sau khi trận đói chấm dứt. Số người mù tăng lên rất nhiều sau các trận đói.

Vì những hiện tượng trên, người ta thường lầm tưởng nhịn ăn sẽ có những tai hại trên, nhưng nếu có chút kinh nghiệm thực tế về phép nhịn ăn người ta sẽ thấy rằng những cuộc nhịn ăn rất dài ngày cũng không bao giờ phát sinh ra những kết quả tai hại như thế. Nhịn ăn không khi nào phát sinh các chứng mù, điếc, đần độn, điên cuồng; các bệnh mắt, còm xương, hỗn loạn ruột… là những tàn tích sở dĩ phát xuất chính là do sự ăn uống thiếu quân bình. Cho nên chẳng phải riêng trong các nạn đói kém mà con người thường bị bệnh tật mà những kẻ ăn uống đầy đủ, những kẻ ăn quá nhiều đường kẹo, nước ngọt, gạo máy… cũng không tránh khỏi bệnh tật trên. Chúng ta đừng lầm lẫn kết quả tốt đẹp của phép nhịn ăn và hậu quả tai hại của những cách ăn độc một vị hoặc bột trắng hoặc mỡ hoặc patê, nước thịt, sữa nấu diệt trùng, đường hoá học, khoai tây nghiền… Ăn những thức ăn khiếm khuyết, thiếu quân bình phát sinh ra chứng bệnh về thần kinh; nhịn ăn chẳng những không bao giờ gây ra các chứng bệnh trên mà còn làm biến mất những triệu chứng thần kinh nếu người bệnh có trước khi nhịn ăn. Kết quả của sự nhịn ăn và lối ăn uống khiếm khuyết thiếu quân bình hoàn toàn trái ngược nhau trừ sự sụt cân và đôi khi giảm sức tạm thời.

Như đã thấy, sức khoẻ con người hoàn toàn thành lập trên sự quân bình Âm-Dương. Và trên nguyên tắc Âm-Dương tương trợ, Giáo sư OHSAWA đã nói: “Ta không nên chữa một bệnh gì cả bởi vì tự nó sẽ tự điều chỉnh lấy”. Nhịn ăn là thời cơ thuận tiện cho tính năng cơ thể “bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu, chỗ cao thì ép xuống, chỗ thấp thì nâng lên” cho Âm-Dương dung hoà đắp đổi lấy nhau, thuận đạo mà đem lại quân bình cho cơ thể.

Nhưng ta phải rõ đâu là giới hạn khả năng của cơ thể mới mong đem lại kết quả như ý muốn, nếu nhắm mắt làm bừa ta khó tránh khỏi sa vào sự nguy hại vì Dịch kinh nói: “Vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.