Nghệ Thuật Bài Trí Của Người Nhật

KHỞI ĐẦU ĐÚNG



Bạn bước vào ngày mới với tinh thần dọn dẹp hăng hái, nhưng đến khi mặt trời sắp lặn, bạn hầu như mới chỉ xử lí được chút ít khối lượng vật dụng sở hữu của mình. Bạn chìm trong cảm giác tự oán trách bản thân và thất vọng. Và bạn đang cầm thứ gì trong tay? Thường thì đó là một trong những cuốn truyện tranh ưa thích, một cuốn album hoặc thứ gì đó gợi lại cho bạn những kỉ niệm vui vẻ.
Lời khuyên của tôi là hãy bắt đầu dọn dẹp không phải theo từng phòng mà bằng cách phân loại, gom mọi thứ vào một chỗ, điều này không có nghĩa là bạn nên bắt đầu bằng bất kì nhóm vật dụng nào mà bạn thích. Mức độ khó khăn trong việc lựa chọn nên giữ và bỏ thứ gì sẽ khác nhau tùy vào từng nhóm vật dụng. Những người mắc kẹt nửa chừng luôn luôn gặp phải tình trạng này bởi họ bắt đầu với những thứ khiến họ khó có thể đưa ra quyết định nhất. Những thứ khơi gợi lại kỉ niệm, như tranh ảnh, không phải sự khởi đầu tốt cho những người mới bắt đầu. Không phải chỉ vì số lượng những vật thuộc nhóm này luôn lớn hơn những nhóm khác, mà còn bởi nó khiến bạn khó quyết định được nên giữ lại chúng hay không.
Ngoài giá trị về vật chất, còn có ba yếu tố khác cộng thêm giá trị cho những vật sở hữu của bạn: chức năng, thông tin và cảm xúc. Khi cộng thêm cả yếu tố hiếm có của đồ vật, mức độ khó khăn trong việc lựa chọn bỏ đi thứ gì nhân lên gấp bội. Những người gặp khó khăn trong việc từ bỏ vật dụng là do chúng vẫn có thể đang được sử dụng (giá trị sử dụng), chứa đựng thông tin hữu ích (giá trị thông tin) và có những mối gắn kết về tình cảm (giá trị cảm xúc). Khi những thứ này khó có được hoặc khó thay thế (độ hiếm), thì càng khó có thể vứt bỏ chúng đi.
Quá trình quyết định xem nên giữ thứ gì và bỏ thứ gì sẽ diễn ra suôn sẻ hơn nhiều nếu bạn bắt đầu với những đồ vật mà bạn có thể dễ dàng ra quyết định. Khi sau đó dần dần xử lí tới những nhóm khó hơn, bạn sẽ từng bước cải thiện được kĩ năng ra quyết định của mình. Quần áo là những thứ dễ dàng nhất bởi giá trị hiếm có của chúng cực kì thấp. Ngược lại, tranh ảnh và thư từ không chỉ có giá trị cảm xúc cao mà còn là một loại đặc biệt; do đó nên để chúng lại sau cùng. Đặc biệt điều này đúng với những bức ảnh bởi chúng có xu hướng ngẫu nhiên xuất hiện trong khi bạn đang phân loại những nhóm khác và xuất hiện ở những nơi không mong đợi nhất, chẳng hạn nằm giữa những cuốn sách hoặc giấy tờ tài liệu. Thứ tự tốt nhất là: quần áo, sau đó đến sách vở, giấy tờ, đồ tạp loại, cuối cùng là những vật có giá trị tình cảm và vật kỉ niệm. Thứ tự này cũng chứng minh là hữu hiệu nhất xét về mức độ khó khăn đối với nhiệm vụ cất giữ. Cuối cùng, việc bám sát thứ tự này sẽ giúp mài giũa trực giác trong việc nhìn nhận những vật gợi nên niềm vui trong chúng ta. Nếu có thể đẩy nhanh tiến độ của quá trình ra quyết định chỉ bằng cách thay đổi thứ tự của những thứ mà bạn sẽ vứt bỏ, vậy bạn có nghĩ đáng để thử hay không?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.