Tuân theo thứ tự đúng trong việc phân loại
Cánh cửa mở ra sau tiếng “cách”, và người phụ nữ bên trong nhìn ra có vẻ lo âu. “Xin chào”. Các khách hàng của tôi hầu như luôn có chút căng thẳng vào lần đầu tiên tôi tới thăm nhà họ. Sự căng thẳng này không còn bắt nguồn từ sự e dè nữa mà từ nhu cầu cố gắng đối mặt với một thử thách quan trọng.
“Cô có nghĩ là nhà tôi có thể thực sự dọn dẹp ngăn nắp được không? Ở đây thậm chí chẳng còn chỗ nào để cô đặt chân nữa.”
“Tôi không biết làm sao để có thể thực sự dọn dẹp triệt để chỉ trong một thời gian ngắn như thế.”
“Cô nói là không một khách hàng nào của cô từng phải chịu cảnh trở lại trạng thái cũ. Nhưng liệu tôi có phải là người đầu tiên không?”
Hầu hết họ đều hết sức kích động, nhưng tôi biết chắc rằng tất cả bọn họ sẽ ổn cả thôi. Ngay cả những người bản chất là lười nhác hoặc bừa bộn, thậm chí những người kế thừa sự nhếch nhác của nhiều thế hệ trước hoặc những người cực kì bận rộn, tất cả đều có thể học dọn dẹp đúng cách nếu họ sử dụng Phương pháp KonMari.
Hãy để tôi chia sẻ một bí mật. Hãy khiến việc dọn dẹp nhà cửa gọn gàng trở thành một thú vui! Quá trình xử lí những cảm xúc về đồ đạc mà bạn sở hữu, xác định những thứ nào đã hoàn thành mục đích của chúng, thể hiện thái độ của bạn và từ bỏ chúng thực sự là một quá trình để kiểm tra cái tôi nội tại trong bạn, một nghi lễ để chuyển sang một cuộc sống mới. Thước đo cho sự đánh giá chính là trực giác của bạn về sự hấp dẫn của vật sở hữu, và do đó không cần tới những lí thuyết phức tạp hoặc các số liệu. Tất cả những gì bạn cần làm là tuân theo thứ tự đúng. Vì vậy, hãy trang bị cho mình thật nhiều túi rác và sẵn sàng cho một quá trình lí thú.
Hãy bắt đầu với trang phục, sau đó tới sách vở, tài liệu, đồ tạp loại và cuối cùng là những thứ có giá trị về tinh thần. Nếu giảm bớt các vật sở hữu theo thứ tự này, công việc của bạn sẽ tiến triển hết sức dễ dàng. Bằng cách bắt đầu với những vật dụng dễ đánh giá và để những thứ khó đánh giá nhất sau cùng, bạn có thể dần dần cải thiện các kĩ năng ra quyết định của mình, vì thế đến khi kết thúc, mọi chuyện dường như trở nên đơn giản.
Đối với nhóm đầu tiên – trang phục, tôi khuyên bạn nên phân chia thành các nhóm nhỏ để công việc hiệu quả hơn:
– Phần trên (áo sơ mi, áo len dài tay, v.v.)
– Phần dưới (quần dài, váy, v.v.)
– Quần áo nên treo trên giá (áo khoác, áo măng tô, com lê, v.v.)
– Tất
– Đồ lót
– Túi xách, v.v.
– Đồ phụ trợ (khăn quàng, thắt lưng, mũ nón, v.v.)
– Quần áo cho dịp đặc biệt (đồ bơi, đồng phục, v.v.)
– Giày dép
Và, đúng vậy, tôi cũng coi túi xách và giày dép là trang phục.
Tại sao đây lại là thứ tự tối ưu? Thực sự tôi không biết chắc tại sao lại thế, nhưng dựa trên kinh nghiệm mà tôi có được sau nửa cuộc đời dành cho việc dọn dẹp, tôi có thể nói với bạn chắc chắn một điều là nó hiệu quả! Hãy tin tôi. Nếu bạn tuân theo thứ tự này, bạn sẽ đẩy nhanh được tiến độ và nhanh chóng đạt được những kết quả đáng kinh ngạc. Hơn nữa, vì bạn sẽ chỉ giữ lại những gì mà bạn thực sự yêu thích, cho nên năng lượng và niềm vui của bạn sẽ gia tăng. Cơ thể bạn có thể mệt mỏi, nhưng cảm giác tuyệt vời khi rũ bỏ được những thứ không cần thiết sẽ khiến bạn thấy khó mà dừng việc dọn dẹp được.
Tuy nhiên, điều quan trọng là quyết định nên giữ lại thứ gì. Thứ gì sẽ mang lại cho bạn niềm vui nếu bạn giữ chúng lại như một phần trong cuộc sống của mình? Hãy cầm chúng lên như thể bạn đang xem xét những món đồ mà bạn yêu mến trong gian trưng bày ở cửa hàng ưa thích của bạn. Ngay khi bạn đã nắm được những nguyên tắc cơ bản, hãy xếp tất cả các trang phục lại thành một đống, dùng tay lấy chúng ra từng chiếc một và tự thầm hỏi: “Thứ này có mang lại niềm vui?” Và như thế lễ hội dọn dẹp của bạn bắt đầu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.