Nghệ Thuật Bài Trí Của Người Nhật

CÁCH LỰA CHỌN: NÓ CÓ MANG LẠI NIỀM VUI KHÔNG?



Bạn sử dụng tiêu chuẩn nào khi quyết định vứt bỏ thứ gì đó đi?
Có một số cách thức chung cho việc từ bỏ đồ đạc. Ví dụ, người ta sẽ bỏ vật dụng khi chúng ngừng hoạt động vì bị vỡ hỏng không thể sửa chữa hoặc có một linh kiện nào đó bị hỏng hóc. Một lí do khác là khi chúng hết hạn sử dụng, chẳng hạn quần áo không còn hợp mốt hoặc những thứ liên quan tới một sự kiện đã qua. Thật dễ để bỏ đi vật dụng khi có một lí do hiển nhiên. Chúng ta sẽ thấy khó khăn hơn nhiều khi không có một lí do bắt buộc nào cả. Những chuyên gia khác đã đưa ra các tiêu chí để từ bỏ những thứ mà người ta thấy khó từ bỏ. Những tiêu chí này gồm các nguyên tắc như “từ bỏ bất cứ thứ gì mà bạn không dùng đến trong vòng 1 năm”, và “nếu bạn không thể quyết định, hãy đóng những thứ đó vào trong một cái thùng và 6 tháng sau hãy xem lại chúng.” Tuy nhiên, thời điểm mà bạn bắt đầu tập trung vào cách thức lựa chọn thứ gì để bỏ đi, thực sự bạn đã đi chệch hướng. Trong tình huống này, đây là rủi ro cực lớn khiến cho bạn ngừng dọn dẹp.
Từng có lúc trong đời, tôi gần như một “chiếc máy nghiền rác”. Sau khi phát hiện ra cuốn sách Nghệ thuật từ bỏ lúc 15 tuổi, mọi sự chú ý của tôi tập trung vào cách từ bỏ đồ dùng và những nỗ lực tìm hiểu của tôi ngày một gia tăng. Tôi luôn luôn tìm kiếm những chỗ mới để thực hành, như phòng của anh chị em trong nhà hoặc các kho cất dụng cụ ở trường. Đầu tôi chứa đầy những mẹo dọn dẹp, và tôi đã hoàn toàn tin tưởng, cho dù sai lầm, rằng mình có thể dọn dẹp bất cứ nơi nào.
Mục tiêu của tôi lúc đó là từ bỏ nhiều nhất có thể. Tôi áp dụng mọi tiêu chí trong những cuốn sách mà tôi đọc về việc giảm bớt vật dụng. Tôi thử bỏ những quần áo mà tôi không mặc trong hai năm qua, từ bỏ một thứ mỗi khi tôi mua thứ gì mới và vứt đi bất thứ gì mà tôi cảm thấy không chắc về nó. Trong vòng một tháng, tôi đã vứt đi 30 túi rác. Nhưng dù bỏ đi nhiều đến thế nào, tôi vẫn không cảm thấy phòng nào trong nhà mình trở nên ngăn nắp, gọn gàng hơn.
Thực tế là tôi thấy mình đi mua sắm chỉ để giải tỏa nỗi căng thẳng và cảm thấy khổ sở vì thất bại trong việc giảm bớt những thứ mà mình sở hữu. Ở nhà, tôi luôn bồn chồn, liên tục để mắt đến những thứ không cần thiết có thể vứt đi. Khi phát hiện thứ gì không dùng đến, tôi sẽ vồ lấy đầy căm thù và vứt nó vào sọt rác. Không ngạc nhiên khi tôi ngày càng trở nên cáu kỉnh và căng thẳng, cảm thấy không thể nào thoải mái thậm chí ngay cả khi ở nhà mình.
Một ngày nọ sau khi từ trường về, tôi mở cửa phòng mình để bắt đầu dọn dẹp như thường lệ. Nhìn vào không gian vẫn chưa ngăn nắp ấy, cuối cùng tôi cũng không thể kiềm chế cảm xúc. “Mình không muốn dọn dẹp gì nữa!” Tôi khóc. Ngồi xuống giữa phòng, tôi bắt đầu suy nghĩ. Tôi đã dành ba năm dọn dẹp và từ bỏ vật dụng, nhưng vẫn cảm thấy phòng mình bừa bộn. Ai đó làm ơn nói cho tôi biết tại sao phòng tôi vẫn không ngăn nắp trong khi tôi đã tốn bao công sức vì nó! Mặc dù không nói to điều đó, nhưng trong tim mình tôi thực sự đang hét lên. Vào khoảnh khắc đó, tôi nghe thấy một giọng nói.
“Hãy nhìn gần hơn nữa vào những thứ ở đó.”
Có ý gì vậy? Tôi nhìn mọi thứ ở đây hàng ngày gần đến mức chúng có thể bị thủng lỗ vì cái nhìn của tôi. Với ý nghĩ đó vẫn nguyên trong đầu, tôi nhanh chóng ngủ gục ngay trên sàn. Nếu khi đó tôi sáng suốt hơn một chút thôi thì lẽ ra tôi đã phải thừa nhận rằng trước đây tôi trở nên lo lắng thái quá khi tập trung vào mỗi việc vứt bỏ những thứ có thể mang lại nỗi buồn. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta nên lựa chọn những thứ mà mình muốn giữ lại, chứ không phải là những thứ chúng ta muốn bỏ đi.
Khi thức dậy, ngay lập tức tôi biết giọng nói cất lên trong đầu tôi muốn nói gì. Hãy nhìn gần hơn nữa vào những thứ ở đó. Tôi đã quá tập trung vào những thứ cần từ bỏ, vào việc tấn công những chướng ngại vật không mong muốn quanh mình, mà quên đi việc trân trọng những thứ tôi yêu thích, những thứ mà tôi muốn giữ lại. Thông qua kinh nghiệm này, tôi đã đi đến kết luận rằng cách tốt nhất để lựa chọn những vật giữ lại và những vật bỏ đi là cầm từng thứ trong tay và hỏi: “Thứ này có mang lại niềm vui không?” Nếu có, hãy giữ nó. Nếu không, hãy vứt nó đi. Đây không chỉ là cách đơn giản nhất mà còn là tiêu chí đánh giá chính xác nhất.
Bạn có thể băn khoăn về tính hiệu quả của một tiêu chí mơ hồ như vậy, nhưng bí quyết chính là việc cầm lên từng thứ một. Đừng chỉ mở tủ quần áo và quyết định sau khi nhìn lướt qua mọi thứ trong đó. Bạn phải lấy từng trang phục ra và cầm trong tay. Khi bạn chạm vào một trang phục nào đó, cơ thể bạn sẽ phản ứng. Với mỗi trang phục, sự phản ứng lại khác nhau. Tin tôi đi và hãy thử xem.
Tôi lựa chọn tiêu chí này vì một lí do. Rốt cuộc, mấu chốt trong việc dọn dẹp là gì? Chính là để không gian của chúng ta và những thứ trong đó mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc. Do đó, tiêu chí đúng đắn nhất để lựa chọn giữ lại hay bỏ đi thứ gì là xem nó có khiến bạn hạnh phúc không, nó có mang lại cho bạn niềm vui không.
Bạn có hạnh phúc khi mặc những trang phục khiến mình cảm thấy không thoải mái không?
Bạn có cảm thấy vui khi vây quanh mình là hàng chồng sách chưa đọc và chúng không khiến cho trái tim bạn rung động?
Bạn có nghĩ việc sở hữu những phụ kiện mà bạn biết là mình sẽ không bao giờ dùng tới có thể mang lại hạnh phúc cho bạn?
Câu trả lời cho những câu hỏi này đều là “không”.
Giờ đây hãy hình dung mình sống trong một không gian chỉ có những thứ mang lại niềm vui. Đó không phải là lối sống mà bạn hằng ao ước sao?
Hãy giữ lại những thứ khiến trái tim bạn lên tiếng. Sau đó hãy quyết tâm từ bỏ tất cả những thứ còn lại. Bằng cách làm như vậy, bạn có thể tái tạo cuộc sống của mình và bước vào một lối sống mới.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.