Nghệ Thuật Bài Trí Của Người Nhật

NHỮNG CUỐN SÁCH CHƯA ĐỌC



Lúc nào đó” nghĩa là “không bao giờ”
Những lí do phổ biến nhất để không vứt một cuốn sách đi là “Tôi sẽ đọc nó” hoặc “Có thể tôi muốn đọc lại nó”. Hãy dành chốc lát để tính số sách mà bạn yêu thích, những cuốn mà bạn thực sự đã đọc hơn một lần. Có tất cả bao nhiêu cuốn? Với vài người con số này có thể là 5 cuốn trong khi một vài độc giả cá biệt có thể nhiều tới 100 cuốn. Tuy nhiên, những người đọc lại nhiều sách thường làm việc trong những ngành nghề chuyên biệt, chẳng hạn học giả và tác giả. Bạn sẽ thấy rất hiếm những người bình thường như tôi lại đọc quá nhiều sách. Hãy đối mặt với thực tế đó. Cuối cùng, bạn sẽ đọc lại chỉ vài cuốn trong số sách của mình. Giống như với quần áo, chúng ta cần dừng lại và nghĩ xem những cuốn sách đang phục vụ cho mục đích gì.
Mục đích thực sự của sách là để đọc, để truyền tải thông tin tới độc giả. Ý nghĩa nằm ở chỗ sách chứa đựng thông tin. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng nằm trên giá sách. Bạn đọc sách để trải nghiệm việc đọc. Những cuốn sách mà bạn đọc cũng được trải nghiệm và nội dung của chúng giờ đây đã nằm trong bạn, thậm chí cả khi bạn không nhớ. Vì vậy khi quyết định nên giữ cuốn sách nào, đừng nghĩ đến chuyện liệu mình có đọc lại nó hay không hoặc liệu mình có làm chủ những thông tin bên trong nó hay không. Thay vào đó, hãy cầm từng cuốn sách trong tay và quyết định xem nó có khiến mình cảm thấy rung động hay không. Chỉ giữ lại những cuốn sách khiến bạn cảm thấy vui vẻ mỗi khi nhìn thấy chúng trên giá, đó là những cuốn sách mà bạn thực sự yêu thích. Và nhớ là cả cuốn sách này nữa nhé. Nếu bạn không cảm thấy vui khi cầm cuốn sách nào đó trong tay, tôi thấy thà bạn quẳng nó đi còn hơn.
Còn những cuốn sách mà bạn mới đọc nhưng vẫn chưa đọc xong? Hoặc những cuốn sách vừa mua nhưng chưa đọc? Có nên làm điều tương tự như với những cuốn sách mà bạn dự định lúc nào đó sẽ đọc không? Mạng Internet khiến việc mua sách trở nên dễ dàng nhưng hệ quả là, mọi người ngày càng có nhiều cuốn sách mua về không đọc hơn trước đây. Tình trạng người ta mua một cuốn sách rồi không lâu sau lại mua một cuốn nữa khi vẫn chưa đọc cuốn sách trước đó không phải là hiếm. Sách chưa đọc cứ tích lũy dần lên. Vấn đề đối với những cuốn sách mà chúng ta dự định đến lúc nào đó sẽ đọc là chúng ta sẽ khó từ bỏ chúng hơn nhiều so với những cuốn sách đã đọc xong.
Tôi nhớ có lần giảng cho một chủ tịch công ty về cách dọn dẹp văn phòng của ông ta. Các giá sách của ông ta đầy những tựa sách phức tạp mà bạn có thể mong chờ một chủ tịch công ty sẽ đọc chúng, chẳng hạn những cuốn kinh điển của các tác giả như Drucker và Carnegie, cũng như các tác giả sách bán chạy gần đây. Cứ như thể tôi đang đi lạc vào một hiệu sách. Khi thấy bộ sưu tập sách của ông, tôi có cảm giác nôn nao. Hiển nhiên là khi bắt đầu phân loại, ông ta đặt hết cuốn này đến cuốn khác vào chồng “giữ lại”, và tuyên bố rằng ông ta vẫn chưa đọc chúng. Đến khi phân loại xong, ông ta chỉ bỏ đi 50 cuốn và chỉ làm sứt mẻ chút ít bộ sưu tập ban đầu. Khi tôi hỏi tại sao lại giữ những cuốn sách đó, ông ấy đưa ra một câu trả lời đã trở thành kinh điển trong danh sách các câu trả lời thường gặp nhất của tôi: “Bởi lúc nào đó tôi sẽ muốn đọc nó”. Từ kinh nghiệm cá nhân, ngay lúc này tôi sợ phải nói với bạn rằng: “lúc nào đó” sẽ không bao giờ xảy ra.
Nếu bạn có bỏ lỡ cơ hội đọc một cuốn sách đặc biệt, thậm chí đó là cuốn sách mà bạn được khuyên đọc hoặc là cuốn sách mà lâu nay bạn dự định sẽ đọc, vậy thì đây là dịp để bạn bỏ nó đi. Có thể bạn đã muốn đọc cuốn sách đó khi mua nó, nhưng nếu cho đến giờ bạn vẫn chưa đọc, vậy thì mục đích của cuốn sách là dạy cho bạn rằng bạn không cần đến nó nữa. Không cần phải đọc cho xong cả cuốn sách khi bạn mới chỉ đọc nửa chừng, bởi khi đó mục đích của chúng sẽ là đọc nửa chừng. Vì thế, hãy từ bỏ tất cả những cuốn sách chưa đọc. Tốt hơn là hãy chỉ đọc cuốn sách thực sự cần cho bạn ngay lúc này thay vì một cuốn sách mà bạn để nó phủ bụi suốt nhiều năm.
Những người có những bộ sưu tập sách lớn hầu như luôn là những người học siêng năng. Do đó không có gì lạ khi thấy nhiều sách tham khảo và sách hướng dẫn nghiên cứu trên giá sách của các khách hàng của tôi. Các sách tham khảo và hướng dẫn này thường đa dạng vô cùng, trải rộng từ kế toán, triết học và vi tính cho tới trị bệnh bằng xạ hương và hội họa. Đôi khi tôi kinh ngạc với những chuyên môn mà các khách hàng của tôi quan tâm. Nhiều người trong số họ còn giữ lại tất cả sách giáo khoa từ thời còn đi học phổ thông và những cuốn sách bài tập làm văn.
Vậy nên, nếu giống như nhiều khách hàng của tôi, bạn có bất kì cuốn sách nào rơi vào nhóm sách nói trên, tôi khuyên bạn nên ngừng việc khăng khăng là đến ngày nào đó bạn sẽ sử dụng chúng và từ bỏ chúng ngay ngày hôm nay. Tại sao ư? Bởi có rất ít khả năng là bạn sẽ đọc chúng. Đối với tất cả các khách hàng của tôi, chưa tới 15% số người sẽ dùng những cuốn sách này. Khi phải giải thích tại sao cứ bỏ sách ở đó mà không đọc, câu trả lời của họ đều là họ dự định sẽ đọc vào “một ngày nào đó”. “Tôi muốn tìm hiểu cuốn sách này vào một ngày đó.” “Tôi sẽ nghiên cứu nó khi có thêm chút ít thời gian”, “Tôi nghĩ nó sẽ giúp tôi thành thạo tiếng Anh”, “Tôi muốn học về kế toán bởi tôi đang làm công việc quản lí”. Nếu cho đến lúc này bạn vẫn chưa làm như dự định, vậy thì hãy vứt bỏ quyển sách đó đi. Chỉ bằng cách đó, bạn mới có thể kiểm tra được xem mình đam mê đến mức nào đối với chủ đề đó. Nếu cảm giác của bạn vẫn không thay đổi sau khi đã bỏ cuốn sách đi, thì có nghĩa bạn vẫn ổn mà không cần tới nó. Nếu sau khi đã ném đi mà bạn vẫn khao khát muốn có lại nó, tức là bạn sẽ sẵn sàng mua một bản sách khác, và lần này bạn sẽ đọc và nghiên cứu nó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.