Nghệ Thuật Bài Trí Của Người Nhật

TRANH ẢNH VÀ ĐỒ LƯU NIỆM



Hãy yêu thương con người bạn lúc này
Thứ cuối cùng trong thể loại vật dụng lưu giữ tình cảm là các bức ảnh. Tất nhiên tôi có lí do chính đáng để xếp tranh ảnh sau cùng. Nếu bạn đang trong quá trình sắp xếp và loại bỏ vật dụng theo trật tự mà tôi khuyến nghị, thì có thể bạn đã bắt gặp các bức ảnh ở nhiều chỗ khác nhau, chẳng hạn như bị kẹp giữa các cuốn sách trên giá sách, nằm trong ngăn kéo bàn hoặc ẩn mình trong hộp đựng đồ lặt vặt. Trong khi nhiều bức ảnh đã yên vị trong các cuốn album thì tôi dám chắc là bạn sẽ thấy một hay hai bức hình gửi kèm theo thư hoặc nằm trong chiếc phong bì của cửa hiệu ảnh vẫn còn chưa mở. (Tôi không hiểu tại sao có nhiều người lại để ảnh trong những chiếc phong bì như vậy.) Bởi những bức ảnh có xu hướng hiện ra ở những nơi không mong chờ nhất khi chúng ta đang xếp loại những vật dụng khác, cho nên tốt nhất là mỗi khi tìm thấy một bức ảnh, chúng ta hãy để nó vào một nơi xác định và xử lí tất cả các bức ảnh vào lúc sau cùng.
Còn một lí do nữa khiến tôi để việc sắp xếp ảnh sau cùng. Nếu bạn bắt đầu sắp xếp ảnh trước khi mài giũa trực giác của mình về chuyện việc này sẽ mang lại cho bạn niềm vui, thì toàn bộ quá trình sắp xếp, phân loại vật dụng sẽ mất kiểm soát, trở nên rối bời và không đi đến đâu. Trái lại, nếu bạn tuân theo đúng thứ tự của việc sắp xếp gọn gàng (tức là từ quần áo, sách vở, giấy tờ, komono rồi mới tới các vật lưu giữ tình cảm), thì quá trình phân loại sẽ diễn ra suôn sẻ và bạn sẽ phải kinh ngạc về khả năng lựa chọn điều mang lại cảm giác thư thái, khoan khoái cho chính mình.
Bạn hãy nhớ là chỉ có một cách duy nhất để sắp xếp ảnh mà lại mất ít thời gian. Phương pháp đúng là gỡ toàn bộ ảnh ra khỏi các cuốn album và xem kĩ từng bức ảnh. Những ai phản đối cách làm này và cho rằng đây là việc làm kém hiệu quả là những người không bao giờ thực sự sắp xếp lại ảnh của mình. Các bức ảnh chỉ tồn tại để cho thấy một sự kiện hoặc thời khắc cụ thể nào đó. Do đó, bạn cần xem lại từng bức ảnh một. Khi làm thế, bạn sẽ ngạc nhiên vì mình có thể thấy rõ sự khác biệt giữa những bức ảnh khiến bạn rung động và những bức ảnh không để lại cảm xúc nào. Thường thì người ta chỉ giữ lại những bức ảnh khơi gợi cảm xúc cho bản thân.
Với phương pháp này, bạn sẽ chỉ cần khoảng 5 giờ cho cuộc hành trình đặc biệt đó, nhưng lại khiến khoảng thời gian còn lại trong ngày tràn đầy những hình ảnh sống động. Những thứ thực sự quan trọng không cần số lượng lớn. Những bức ảnh ghi lại những cảnh tượng không vui thậm chí không đáng để bỏ vào thùng rác. Ý nghĩa của một bức ảnh nằm ở sự vui sướng mà bạn cảm thấy khi xem nó. Trong nhiều trường hợp, những bức ảnh in phát triển sau này đã tồn tại lâu hơn mục đích ban đầu của chúng.
Đôi khi người ta giữ cả đống ảnh trong một chiếc hộp lớn với ý định sẽ vui thú xem lại chúng vào một ngày nào đó khi về già. Tôi có thể nói với bạn rằng “cái ngày nào đó” sẽ chẳng bao giờ đến. Tôi không thể đếm hết được mình đã chứng kiến có bao nhiêu chiếc hộp đựng những bức ảnh không được sắp xếp đã bị bỏ lại khi ai đó qua đời. Sau đây là đoạn đối thoại điển hình của tôi với các khách hàng:
“Chiếc hộp đó đựng gì thế?”
“Những bức ảnh.”
“Anh có thể sắp xếp chúng sau cùng.”
“Ồ, nhưng chúng không phải là ảnh của tôi. Đó là các bức ảnh của ông tôi.”
Mỗi lần nói chuyện như vậy lại khiến tôi cảm thấy buồn. Tôi không thể cầm lòng được với suy nghĩ rằng cuộc sống của những người quá cố ấy chắc hẳn sẽ phong phú hơn nếu như khoảng trống bị chiếc hộp đó chiếm chỗ được giải phóng khi họ còn sống. Bên cạnh đó, khi về già, chúng ta cũng không thể sắp xếp ảnh được. Nếu bạn đang bỏ mặc nhiệm vụ này trong khi bạn vẫn đang ngày một già đi, thì đừng đợi chờ thêm nữa. Hãy sắp xếp lại ảnh ngay bây giờ. Bạn sẽ thích thú với những bức ảnh hơn nhiều so với khi bạn đã già nua – khi đó, nếu những bức ảnh vẫn còn nằm nguyên trong album, bạn sẽ phải sắp xếp và phân loại cả một thùng ảnh nặng nề.
Một thứ nữa không khác gì các bức ảnh cũng khiến bạn cảm thấy khó khăn trong việc loại bỏ bớt đi, đó là những vật kỉ niệm của con cái bạn. Chẳng hạn một món quà có dòng chữ “Con cảm ơn cha.” Một bức tranh do con trai bạn vẽ được giáo viên chọn để treo ở sảnh chính của trường học hoặc một món đồ trang trí do con gái bạn tự làm. Nếu những thứ này vẫn mang lại cho bạn niềm vui, vậy thì chúng đáng được giữ lại. Nhưng nếu các con của bạn đã trưởng thành và bạn giữ các vật kỉ niệm này vì bạn nghĩ việc bỏ chúng đi sẽ làm tổn thương con mình, vậy thì hãy hỏi các con của bạn. Gần như chắc chắn là chúng sẽ nói: “Gì thế ạ? Cha/mẹ vẫn giữ cơ à? Cha/mẹ cứ việc bỏ nó đi thôi ạ.”
Còn những thứ thuộc về tuổi thơ của bạn thì sao? Bạn có còn giữ những bản báo cáo của nhà trường hay những chứng chỉ của các kì thi không? Khi khách hàng của tôi lôi ra một bộ đồng phục từ 40 năm trước, tôi có cảm giác tim mình như thắt lại vì xúc động. Nhưng bạn vẫn nên vứt bỏ chúng đi. Hãy bỏ tất cả những bức thư của bạn gái hoặc bạn trai đã gửi cho bạn từ nhiều năm trước. Đến lúc này, người viết bức thư đó từ lâu đã quên những gì mà anh ta hoặc cô ta đã viết và thậm chí quên cả sự tồn tại của chính bức thư đó. Còn những phụ kiện mà bạn từng được tặng, hãy giữ lại chỉ khi chúng thực sự mang lại cho bạn niềm vui. Nếu bạn giữ chúng vì bạn không thể quên được người bạn trai cũ, thì tốt nhất là bạn nên bỏ chúng đi. Quyến luyến với chúng chỉ khiến bạn bỏ lỡ cơ hội có được những mối quan hệ mới mà thôi.
Đó không chỉ là những kỉ niệm mà còn là con người mà chúng ta đã trở thành, bởi vì chúng thể hiện những trải nghiệm trong quá khứ mà chúng ta trân quý. Đây chính là bài học mà những vật kỉ niệm dạy chúng ta khi chúng ta sắp xếp chúng. Khoảng trống để chúng ta sống lúc này là vì con người mà chúng ta đang trở thành, chứ không phải vì con người của chúng ta trong quá khứ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.