Bản Lĩnh Putin

CHƯƠNG 12: “ĐƯỜNG LỐI” NGOẠI GIAO LINH HOẠT



1. Từ bỏ “địa vị nước lớn hư danh”

Đặc điểm chủ yếu trong chính sách ngoại giao của Putin là đặt lợi ích kinh tế quốc gia lên hàng đầu, lợi ích quốc gia bao gồm các lĩnh vực an ninh, kinh tế, văn hóa, mà trong đó phát triển kinh tế là chủ yếu.

Ngày 30 tháng 6 năm 2000, ông phê chuẩn “chính sách ngoại giao Liên bang Nga” và nhấn mạnh tôn chỉ ngoại giao của nước Nga là “Bảo vệ lợi ích quốc gia, khôi phục ảnh hưởng của nước Nga trên thế giới, tạo môi trường tốt cho phát triển kinh tế nước Nga”.

Quan niệm về lý luận “Ngoại giao thực tế” của ông đã đánh giá một cách khoa học về thực lực và nhu cầu của nước Nga, thi hành chính sách ngoại giao thực dụng, sẽ tăng cường tới mức tối đa lợi ích quốc gia của Nga.

Trong bài viết “Một nghìn năm ngoại giao của đất nước Nga” nói rằng, nước Nga “không nằm trong số các quốc gia đại biểu cho nền kinh tế và trình độ phát triển xã hội cao nhất trên thế giới ngày nay”. Chính phủ Putin từ bỏ việc theo đuổi “địa vị nước lớn”, thi hành chính sách ngoại giao tương đối phù hợp với yêu cầu và thực lực của nước Nga hiện nay. Hoạt động ngoại giao trong những năm trở lại đây của ông đã thể hiện quan niệm này.

Những năm 90 của thế kỷ 20, cả Nga và Trung Quốc đều xây dựng quan hệ ổn định lâu dài, dựa trên lợi ích của hai nước, bắt tay vào giải quyết những vấn đề về biên giới mà trước đây đã từng xảy ra xung đột.

Sau khi lên nắm quyền, Putin tích cực tập trung vào việc mở rộng quan hệ Trung – Nga. Hai nước Trung – Nga đã ký Điều ước hợp tác hữu nghị láng giềng Trung – Nga nhân cuộc gặp gỡ nguyên thủ hai nước tại Moscow, từ đó quan hệ hai nước tiến vào giai đoạn chín muồi.

Nước Nga bên cạnh việc phát triển quan hệ với các nước phương Đông, cũng đã bắt tay vào cải thiện quan hệ với các nước phương Tây.

Sau sự kiện ngày 11 tháng 9 ở Mỹ, nước Nga với lý do ủng hộ chiến dịch chống khủng bố đã tranh thủ xây dựng quan hệ bạn đồng minh với Mỹ. Putin biết rằng, nước Nga không có khả năng đối đầu với nước Mỹ, hơn nữa chính sách cứng rắn của chính phủ Bush cũng rất khó thay đổi.

Cũng sau sự kiện ngày 11 tháng 9, lần đầu tiên Putin gọi điện thoại cho Bush bày tỏ sự ủng hộ.

Khi nước Mỹ đem quân tiến đánh vào căn cứ của quân Taliban ở Afghanistan, nước Nga đã có sự chi viện về mặt tình báo. Nước Nga cũng có sự nhượng bộ đối với việc Mỹ đóng quân ở Trung Á và Caucasia, ngoài ra còn có sự nhượng bộ đối với việc nước Mỹ rút khỏi điều ước chống tên lửa đạo đạn và đưa nước Nga vào danh sách những quốc gia cần tấn công bằng hạt nhân.

Putin hy vọng những nhượng bộ trên là “cái thẻ” để đổi lấy hợp tác Nga – Mỹ để giảm bớt thái độ thù địch giữa hai nước.

Putin cũng hiểu rằng, những văn kiện mà nguyên thủ quốc gia Nga – Mỹ đã ký kết là bước khởi đầu trên con đường đi đến xây dựng lòng tin lâu dài giữa hai bên.

Nhiều năm nay, sự bành trướng của khối NATO sang phía Đông làm cho nước Nga rất lo ngại. Việc ký kết xây dựng Hội nghị Nga – NATO cũng chỉ có tác dụng đối ngoại, khó có thể loại bỏ được sự đối địch. Việc hợp tác chống khủng bố quốc tế sau sự kiện 11-9 đã tạo thời cơ tốt cải thiện quan hệ hai bên. Nước Mỹ và NATO mong muốn nước Nga gia nhập “liên minh chống khủng bố” là để đánh vào phần tử khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Nước Nga nhân cơ hội này ký kết “tuyên ngôn Roma” với NATO, xác định “cơ chế 20 nước”.

Hai bên cùng đưa ra quyết định trong lĩnh vực chống khủng bố, phòng ngừa và ngăn chặn vũ khí hạt nhân.

Khi giải quyết các vấn đề nói trên, Nga không có quyền phủ quyết đối với NATO, NATO cũng chưa kết nạp Nga, nhưng Putin cho rằng, việc xây dựng được hội nghị NATO – Nga là cơ hội cho hai bên hợp tác, và để giảm bớt sự căng thẳng thù địch giữa hai bên.

Trong bối cảnh nước Nga còn nhiều khó khăn, Putin đã kiên trì tạo dựng cho mình hình tượng mới.

2. Hoà nhập hay thách đấu với phương Tây.

Nước Nga sẽ đi theo hướng nào?

Chạy theo phương Tây, toàn tâm dốc sức hòa nhập vào văn minh châu Âu, đó không chỉ là tư tưởng của người Nga, mà còn là khuynh hướng chung của quá trình vận động của lịch sử Nga.

Các quốc gia phương Tây vừa là người uy hiếp chủ yếu nhất đối với an ninh nước Nga, nhưng cũng là tấm gương để nước Nga phục hưng đất nước. Phương hướng và hạt nhân chiến lược trong hoạt động ngoại giao của Nga chính là quan hệ với các nước phương Tây. Điều không thể xem thường là Nga lại quyết định được điều vốn không thể dung hoà giữa hai bên.

Trong lịch sử, nước Nga luôn luôn bị phương Tây coi là “kẻ ngoại tộc”.

Trong những năm gần đây, tình hình này lại càng được biểu hiện rõ nét hơn.

Từ khoảng thế kỷ XV, sau khi hình thành đế quốc Nga, so sánh cả về mặt tinh thần và vật chất thì nước Nga vẫn luôn ở vào địa vị lạc hậu so với châu Âu.

“Học theo châu Âu và trở thành cường quốc châu Âu” trở thành một nội dung chủ yếu của lịch sử Nga mấy trăm năm kể từ thời đại Pie đại đế, và là mục tiêu chủ yếu của cuộc cải cách chạy theo phương Tây.

Phần lớn người Nga đều cho rằng Pie đệ nhất đã tạo nên thể xác nước Nga, Mr Sentimetal tạo nên linh hồn nước Nga.

Trên thực tế, phía trước của cả thể xác và linh hồn nước Nga đều phải cho thêm định ngữ “phương Tây”.

Phương hướng phát triển của nước Nga là gì? Mấy trăm năm nay, người Nga không ngừng tranh luận về vấn đề này. Đến nay vấn đề mà “phái cải cách” do Putin đứng đầu và “phái bảo thủ” tranh luận về chính sách ngoại giao được tóm lại như sau: Xây dựng quan hệ bạn bè với các nước phương Tây hay thách thức với phương Tây?

Cho dù là nước Nga có mong muốn hay không thì họ vẫn không thể không xây dựng quan hệ hợp tác với phương Tây.

Sự phát triển của Nga và sự hòa nhập với thế giới vẫn không thể tách khỏi phương Tây. Nước Nga có quan hệ mật thiết với phương Tây về lịch sử, văn hóa và biên giới, sự theo đuổi của chính phủ Putin và sự hợp tác của các quốc gia phương Tây với họ là sự lựa chọn về chính trị chứ không phải là sự lựa chọn “tự nhiên”.

Trước khi hình thành dân tộc Nga cận đại, tổ tiên người Nga đã tiếp xúc với lĩnh vực phát triển nhất của nền văn minh châu Âu, đó là văn minh cơ đốc giáo và tiếp thu chính giáo. Sau 240 năm bị người Mông Cổ thống trị, người Nga lại kế thừa văn minh phương Đông. Từ đó, văn minh phương Tây và văn minh phương Đông hòa vào nhau tạo nên nền văn minh của Nga.

Văn minh nước Nga theo như cách nói của họ là một kiểu lý luận không giống như lòng tự tôn dân tộc được hình thành khi xung đột với văn minh phương Tây, mà hình thành trong sự thay đổi nhanh chóng của toàn cầu hóa, là thỏa mãn khát vọng tinh thần mà người Nga đang đi tìm.

Việc “Âu hóa nước Nga” mà Putin đang theo đuổi không thể tránh khỏi một hệ quả là dẫn đến hai cuộc xung đột lớn, một là xung đột văn minh nước Nga và văn minh châu Âu, hai là xung đột giữa phái cải cách và phái bảo thủ.

Putin mong muốn lấy thái độ ôn hòa chứ không phải là tư tưởng đế quốc đối xử với thế giới, muốn thông qua học tập kinh nghiệm của các nước phương Tây để nỗ lực thực hiện phục hưng đất nước Nga.

Từ ý nghĩa này, sứ mạng nặng nề đã làm cho ông rơi vào cái vòng luẩn quẩn vừa giận vừa yêu phương Tây.

Putin không xác định nước Nga là phương Đông hay phương Tây. Cuối cùng ông chỉ có một câu nói: “Tất cả vì lợi ích của đất nước Nga”.

Tư liệu về Nước Nga: Giấc mộng cường quốc chưa bao giờ mất.

Diện tích nước Nga là 1.707 triệu kilômét vuông, và là một quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới.

Đất nước Nga chạy dài từ Âu sang Á, phía Đông giáp Thái Bình Dương, phía Tây giáp biển Ban Tích, phía Bắc giáp Bắc Băng Dương.

Từ Tây sang Đông nước Nga dài 10 ngàn kilômét, Nam sang Bắc rộng 5 ngàn kilômét, bờ biển dài 338 ngàn kilômét.

Nước nga có tài nguyên thiên nhiên phong phú, chiếm 45% trữ lượng tài nguyên của thế giới. Nhưng do nền kinh tế suy thoái và nhiều nguyên nhân khác, dân số của Nga đang có xu thế giảm dần.

Ngày 1 tháng 12 năm 2000, dân số Nga là 144,9 triệu người, so với đầu năm 1999 giảm 678 ngàn người. Dự tính 15 năm sau, dân số Nga chỉ còn 134 triệu người. Đến giữa thế kỷ 21 dân số Nga có thể chỉ còn 121 triệu người. Ngoài ra đến năm 2015 số người trong độ tuổi lao động ở Nga chỉ còn lại một nửa.

3. Cần Mỹ, nhưng cũng rất cần Cu Ba

Khi tổng thống Putin vừa bước lên vũ đài chính trị đã bị giới báo chí bình luận là “thiếu hấp dẫn” do nét mặt lúc nào cũng lạnh lùng. Ba tháng sau trong hội nghị những người đứng đầu tám nước phát triển (G8) ở Nhật Bản, chính một nhà báo nước này nói về ông rằng, Putin “đã chinh phục những người tham dự hội nghị bằng sức hấp dẫn của chính mình”.

Chỉ trong ba tháng ngắn ngủi, hình ảnh Putin trên trường quốc tế đã có thay đổi rất lớn. Vấn đề này có liên quan đến kết quả hoạt động ngoại giao của ông.

Chỉ trong ba tháng sau khi lên nắm quyền, dấu chân của Putin đã in khắp các quốc gia từ Âu sang Á. Ông là người lãnh đạo nước Nga đầu tiên sau Pie đại đế đã đi thăm nước ngoài dài ngày.

Khu vực các quốc gia độc lập có ý nghĩa rất lớn đối với chiến lược biên giới của nước Nga. Putin đến thăm các nước này nhằm tăng thêm tình đoàn kết giữa các quốc gia độc lập. Châu Âu là khu vực ngoại giao quan trọng của Nga. Chuyến thăm của Putin sang các nước Anh, Yù, Tây Ban Nha, Đức đã làm cho quan hệ liên minh của châu Âu với nước Nga càng thêm gắn bó.

Putin sang thăm Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam là để làm cho nước Nga gắn bó trở lại với các nước châu Á.

Đường lối “ngoại giao thực dụng” của Putin luôn thể hiện sự linh hoạt mềm dẻo. Ví dụ như phản ứng của ông đối với hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ. Nước Nga không muốn đối đầu với Mỹ, nhưng Putin vẫn kiên quyết phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ đang uy hiếp an ninh quốc gia của Nga.

Putin hội đàm với Phó Thủ tướng Irắc ở Moscow, và đã sang thăm Triều Tiên.

Putin có nhận thức hết sức tỉnh táo về việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái và sức mạnh quốc gia của Nga. Ông cho rằng, nước Nga đang ở vào thời kỳ khó khăn nhất, và ông nhận định rằng sự lựa chọn duy nhất của đất nước Nga là làm cho mình giàu mạnh lên.

Sau khi Putin lên nắm quyền, việc đầu tiên là sang thăm hữu nghị các nước láng giềng. Ông nói: Với các nước láng giềng thì không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cùng nhau chung sống hòa bình cho dù giữa các nước vẫn có sự khác biệt. Ông xây dựng mối quan hệ rất tốt với Chủ tịch Giang Trạch Dân và còn đi thăm Mông Cổ.

Chỉ vài tháng ngắn ngủi, ông cùng với G. Bush và T. Blair đã có những cuộc hội đàm cá nhân thay cho những cuộc ngoại giao theo nghi lễ rườm rà trước đây.

Gorbachov và Yeltsin phải mất mười năm để nối lại mối quan hệ với các nước phương Tây nhưng kết quả thu được vẫn chỉ là số không và các món nợ chồng chất, trong khi đó chỉ trong vòng hai năm, Putin đã giành được quyền đăng cai hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2006.

Những năm 50 của thế kỷ 20, Liên Xô từng có bài hát với tựa đề “cần Cu Ba chứ không cần nước Mỹ tư bản”.

Ngày nay thì Putin “cần ông già tư bản Mỹ nhưng cũng rất cần cả Cu Ba”. Có người lo lắng, Putin sang thăm các nước như Cu Ba, Triều Tiên, Việt Nam, có thể sẽ làm cho cục diện của nước Nga lâm vào bị động. Vì sao Putin lại cần phải có quan hệ anh em thân thiết với những nhà lãnh đạo của các nước đó? Vì sao lại tự gây khó dễ cho mình”.

Bởi vì Putin có hy vọng sẽ thu về những món nợ cũ từ thời Liên Xô ở các nước đó, những quốc gia đó đang bị các nước đế quốc phong tỏa còn tiềm ẩn những nhu cầu tiềm lực đầu tư với những món lợi nhuận to lớn cho đất nước Nga, Putin thu về cho nước Nga những món nợ mà Liên Xô chưa lấy lại được. Putin không chỉ phục hồi lại quan hệ với người lãnh đạo Cu Ba Fidel Castro mà đối với những người lãnh đạo các nước khác như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, ông cũng không có thái độ coi trọng nước này hay coi nhẹ nước kia.

Putin rất coi trọng các nước châu Á, quan hệ của nước Nga với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đã được cải thiện rất nhiều.

Do tình hình quốc tế thay đổi, quan hệ Nga – Mỹ cũng có lúc như “tuần trăng mật”, có lúc xa rời như “hai thái cực”, có lúc lại giống như “luyện võ Judo”.

Bình luận quốc tế có lúc cũng thay đổi giọng điệu, có lúc cho rằng, Putin “đi theo Mỹ”, có lúc cho rằng, Putin “đi ngược lại với Mỹ”. Kỳ thực, chính sách ngoại giao của Putin là đang đưa nước Nga trở lại vị trí cường quốc.

Chính sách ngoại giao mà Putin thực hiện là “ngoại giao toàn diện, đa phương và an toàn” tạo ra môi trường quốc tế ổn định để phục hưng nước Nga.

4. Luôn luôn vẫy tay về phía NATO

Sau khi Putin lên nắm quyền, nước Nga không ngừng vẫy tay chào NATO, như: “Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo liên hợp Nga – châu Âu”, hay là “nước Nga gia nhập NATO”, “Dự báo chống tên lửa đạn đạo hợp tác Nga – Mỹ” để tách NATO khỏi sự không chế của Mỹ, từ đó bảo vệ an ninh chiến lược cho nước Nga.

Putin đã nói, “Nước Nga có thể gia nhập NATO”.

Tổng thư ký trước đây của NATO là Javier Solana nói: “Nếu như nước Nga tham gia NATO thì NATO không cần phải tồn tại nữa”.

Putin phản bác rằng, điều kiện để Nga gia nhập NATO là NATO không còn là tổ chức quân sự nữa mà chỉ là một tổ chức chính trị của châu Âu.

Lời nói của ông làm cho các nước Đông Âu đang muốn gia nhập NATO như các quốc gia vùng duyên hải Polo, cộng đồng các quốc gia độc lập và Ucraina thuộc thành viên khối Warsaw đều sợ hãi, bởi vì một khi Nga gia nhập NATO thì họ không còn ô dù để che đỡ nữa.

Putin đã thông qua động thái muốn gia nhập khối NATO để ly gián quan hệ giữa các nước liên minh NATO với Mỹ, tạo nên sự độc lập của châu Âu, nhằm thúc đẩy chiến lược thế giới đa cực mà Nga khởi xướng.

Tuy rằng xã hội của Nga đã Âu hóa phần nào, nhưng các nước phương Tây không phân biệt bạn thù dựa trên chế độ xã hội mà làm việc theo lợi ích chiến lược. Lợi ích an ninh chiến lược lớn nhất của phương Tây là loại bỏ vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga, xóa bỏ sự uy hiếp của Nga đối với họ.

Vũ khí hạt nhân chiến lược là cơ sở duy nhất để Nga trở thành một cường quốc và cũng là chỗ dựa chính trị của chính phủ Putin, đây là vấn đề mà Putin không bao giờ chịu từ bỏ.

Putin còn phải thực hiện lời hứa trước cử tri trong khi vận động tranh cử là “đưa đất nước Nga đi lên con đường phát triển”. Ông sẽ phải tăng cường hơn nữa sức mạnh quân sự của Nga.

Từ năm 2004 đến năm 2005, viễn cảnh mà mọi người có thể thấy là nước Nga sẽ phải tranh giành với các nước phương Tây. Sự “hợp tác” của Nga với các nước phương Tây chỉ là tạm thời, trong khi đó những tranh chấp giữa họ thì rất lâu dài.

Nước Nga coi các nước liên minh châu Âu là “trụ cột văn minh”, là “người đối thoại chân thành”, liên minh châu Âu có tiền của, kỹ thuật và kinh nghiệm kinh doanh mà nước Nga rất cần, là thị trường quan trọng về năng lượng của Nga.

Putin nói, nước Nga phải “trở về với châu Âu”, phải thực hiện “nhất thể hóa” về chính trị, kinh tế và an ninh chiến lược với châu Âu.

Tuy rằng Mỹ và châu Âu là đồng minh quân sự nhưng trong rất nhiều vấn đề, Mỹ và châu Âu vẫn tồn tại những bất đồng, liên minh châu Âu hy vọng thoát khỏi Mỹ, mong muốn trở thành một cực quan trọng của thế giới.

Trong quan hệ với Nga, liên minh châu Âu không muốn Mỹ là kẻ duy nhất thực hiện. Liên minh châu Âu vẫn rất tôn trọng tiềm lực hợp tác và sự hỗ trợ với Nga. Do yêu cầu của cả hai bên, quan hệ Nga – Âu những năm gần đây đang ấm dần lên. Nga và liên minh châu Âu đã ký “Văn kiện hợp tác an ninh năng lượng Nga – châu Âu” trong hội nghị thượng đỉnh tại Moscow, điều này làm cho quan hệ Nga – châu Âu càng gắn bó chặt chẽ. Hội nghị thượng đỉnh này mỗi năm họp một lần để đảm bảo duy trì được thành quả hợp tác.

Xuất phát từ lợi ích quốc gia, Putin đẩy lùi áp lực từ phía Mỹ, tích cực phát triển quan hệ với các quốc gia khác như Triều Tiên, Cu Ba, Iran, Irắc, bảo đảm duy trì quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự. Ông căn cứ vào nhu cầu lợi ích quốc gia mà rút quân khỏi các căn cứ quân sựở Việt Nam và Cu Ba.

Putin là một nhà ngoại giao tầm cỡ, chỉ hai tuần sau khi giữ quyền tổng thống ông đưa ra “ý tưởng an ninh quốc gia Liên bang Nga”, thể hiện rõ ràng sự phản đối thế giới đơn cực. Ông thông qua đàm phán vấn đề NATO mở rộng sang phía Đông để thực hiện “bắt tay” với NATO.

Tháng 7 năm 2000, Putin sang thăm Trung Quốc, nhằm khẳng định vị thế quan trọng của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của Nga.

Ông còn sang thăm Cu Ba, đây là chuyến thăm đầu tiên của người lãnh đạo đứng đầu Nga sang Cu Ba sau hơn một thập kỷ. Trong thời gian ở thăm Cu Ba, ông đã phê bình chính sách đối ngoại của thời đại Yeltsin đối với Cu Ba, phê phán chính sách phong tỏa kinh tế của Mỹ đối với Cu Ba. Sau đó, ông còn vòng qua Mỹ, sang thăm Canada.

Cùng với chuyến viếng thăm của Tổng thống Iran Mohammad Khatami tới nước Nga, quan hệ Nga – Iran cũng bước vào giai đoạn mới, hai bên thỏa thuận tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự hơn nữa.

Do quan hệ Nga – Mỹ trong vấn đề chống tên lửa đạn đạo hạt nhân còn nhiều căng thẳng, Putin tích cực xây dựng hình tượng nước Nga cường quốc, nâng cao ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế, thông qua mối quan hệ ngoại giao Âu – Á, làm tan rã thế bao vây của Mỹ đối với nước Nga.

Với sự cố gắng của Putin đã hạn chế phần nào cuộc đông tiến của NATO. Ít nhất, về bản chất đã giúp Nga không trở thành mục tiêu tiến sang phía đông của NATO.

5. Xóa bỏ ngăn cách Âu – Mỹ.

Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Nga vào đầu tháng 6 năm 2000 nhằm thúc đẩy Putin đưa ra những nhượng bộ về kế hoạch phòng thủ tên lửa đạn đạo NMD của Mỹ và sửa đổi “Điều ước chống tên lửa đạo đạn” (ABM).

Putin khẳng định: “Không”. Ông nắm chắc cơ hội này để cho Mỹ một bài học, với lý do phía Mỹ đơn phương bố trí hệ thống NMD nên Nga cự tuyệt việc sửa đổi ABM. Ông đồng ý với cách nói của Mỹ về cái gọi là phòng thủ tên lửa đạn đạo tập kích của quốc gia “lưu manh”, và bày tỏ phải xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo phi chiến lược khác hẳn với hệ thống NMD mà Mỹ đơn phương xây dựng, nhưng cũng không giống hệ thống NMD mà Mỹ – Nhật cùng xây dựng.

Putin cho rằng, hệ thống này không làm trái và không bị ngăn chặn bởi tên lửa chiến lược hành trình bay trong không gian hoặc từ không gian bắn vào trái đất; đồng thời quy định số lượng vũ khí đánh chặn không được vượt quá 100 quả, tốc độ bay phải thấp hơn ABM mỗi giây 3.000 mét. Putin còn nói, những hệ thống tên lửa đạo đạn và chống đạo đạn phi chiến lược này có thể thay thế hệ thống NMD của Mỹ.

Lời lẽ của ông ngăn chặn mọi khả năng mặc cả của Mỹ về việc sửa đổi hệ thống ABM và làm cho Bill Clinton thất vọng vô cùng.

Để làm dịu bớt cơn bực tức của Bill Clinton, Putin đã ký hiệp định với Clinton về việc cùng thông báo cho nhau những thông tin bắn tên lửa đạn đạo chiến lược.

Do kinh phí bị thiếu nghiêm trọng. Vệ tinh cảnh giới của Nga chỉ có thể duy trì từ 8 đến 16 giờ mỗi ngày để giám sát cảnh giới đối với vũ khí hạt nhân chiến lược của NATO bắn lên không trung, hiệp định mà Putin và Bill Clinton ký được coi như tấm lưới cảnh báo bị rách đã được vá lại của Nga.

Sau khi Bill Clinton đi khỏi, Putin lập tức an ủi cái mà nước Mỹ gọi là “quốc gia lưu manh” để bù đắp lại lợi ích chiến lược mà Nga có thể mất ở Đông Nam Á. Putin cũng phủ định những luận điệu về quốc gia “lưu manh” mà Mỹ đã đặt cho Triều Tiên. Ông chỉ thị công ty linh kiện tên lửa đạo đạn của Nga và Uzbekistan bán thiết bị tên lửa đạn đạo cho Triều Tiên nhiều hơn. Nước Nga còn hợp tác với Triều Tiên bán tên lửa đạn đạo cho Yemen.

“Nước láng giềng nguy hiểm” mà Nga chỉ ra là chính phủ Taliban ở Afghanistan đến đánh thuê cho quân Chechnya và các quốc gia trong khối NATO đang chĩa vũ khí vào Nga. Ngày thứ hai sau khi Bill Clinton rời nước Nga, Putin cũng bắt đầu chuyến viếng thăm các nước châu Âu.

Ngày 5 tháng 6 năm 2000, trong thời gian ở thăm Italia, Putin nêu vấn đề nước Nga mong muốn xây dựng “Hệ thống tên lửa phòng thủ đạn đạo liên hợp” với các quốc gia châu Âu trong khối NATO. Kiến nghị này đã làm cho Bill Clinton rất khó xử.

Điều này so với những ý kiến mà Putin phản đối hệ thống NMD của Mỹ khi Bill Clinton thăm Nga hầu như không có gì khác, chỉ tập trung vào một mục tiêu là xen vào giữa Mỹ và châu Âu, và tách rời quan hệ của họ.

Do Mỹ có mưu đồ sửa đổi kế hoạch ABM và quốc hội Mỹ phủ quyết điều ước cấm thử vũ khí hạt nhân, đã làm tăng thêm sự bất bình mạnh mẽ từ các nước Anh, Pháp, Đức, Yù đối với Mỹ, đồng thời cảnh báo Mỹ rằng, hành động đó sẽ gây chia rẽ trong các nước NATO; các nước đều kêu gọi quốc hội Mỹ phê chuẩn điều ước cấm thử vũ khí hạt nhân, phản đối Mỹ triển khai bố trí NMD và sửa đổi điều ước. Các nước cũng đồng tình ủng hộ đề án của Nga về việc phản đối Mỹ xây dựng hệ thống NMD và sửa đổi điều ước.

Sở dĩ liên minh châu Âu phản đối Mỹ chủ yếu là do Mỹ đơn phương bố trí hệ thống NMD, điều này sẽ kích động Nga mở rộng kho vũ khí hạt nhân, uy hiếp an ninh của các nước châu Âu. Sau khi Mỹ đơn độc bố trí NMD, chiến lược an ninh của châu Âu sẽ do Mỹ đơn phương khống chế, làm cho mục tiêu đi đến độc lập của châu Âu càng trở nên xa vời. Việc Mỹ đơn phương bố trí hệ thống NMD làm cho châu Âu buộc phải phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo độc lập để tạo thế cân bằng chiến lược, điều này sẽ tạo thêm áp lực mới cho việc chạy đua vũ trang ở các nước châu Âu, làm cho tài chính các nước châu Âu khó khăn thêm.

Dưới ảnh hưởng của liên minh châu Âu, Canada cũng phản đối việc bố trí NMD của Mỹ, việc này đã làm cho Mỹ cảm thấy bị cô lập bốn phía. Thủ tướng Đức Schroder nêu rõ, trên cơ sở “kiến nghị của Putin” sẽ xây dựng quan hệ bạn bè chiến lược Nga và Đức”. Trong món nợ 160 tỷ đô la của Nga đối với phương Tây, nước Đức đã có quyền sử dụng 80 tỷ, điều này làm cho Mỹ cảm thấy lo ngại.

Putin thông qua hợp tác với châu Âu đã thành công trong việc phá vỡ chủ nghĩa bá quyền của Mỹ, và giữ vững sức mạnh của Nga.

6. Hàn gắn quan hệ Nga – Mỹ.

Trước khi Bush nhậm chức tổng thống Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice nói với ông ta rằng: “Trước mắt, tình hình nước Nga rất xấu, chúng ta chẳng có căn cứ gì để tin Putin cả”.

Tháng 5 năm 2001, Putin và Bush tiến hành cuộc gặp gỡ lần thứ nhất ở Slovenia, cố vấn an ninh Mỹ không thể ngờ được rằng, chính mình lại đang chứng kiến cảnh Putin và Bush ôm hôn nhau. Sau đó, Bush đã nhiều lần tuyên bố với giới ngoại giao thế giới rằng: Putin là người đáng tin cậy, Nga là người bạn đồng minh của Mỹ.

Thời kỳ chiến tranh lạnh, hai nước Nga – Mỹ chỉ cần bên này nâng cao đẳng cấp vũ khí cảnh giới thì bên kia cũng phải tăng cường theo. Sau sự kiện ngày 11 tháng 9, Putin là nguyên thủ quốc gia đầu tiên gọi điện thoại cho Bush.

Khi đó, người nhận điện thoại là cố vấn an ninh, bà Rice, Putin nói, ông biết quân đội Mỹ đang được đặt trong tình trạng cảnh giới cao nhất, ông sẽ ra lệnh cho quân đội Nga giữ yên cấp độ sẵn sàng chiến đấu vốn có như trước.

Bà Rice cho biết: “Đây là một điềm báo trước về mối quan hệ Nga – Mỹ ấm dần lên. Trong mấy ngày tiếp sau đó, tổng thống Bush đã nhiều lần nhắc đến sự kiện này”.

Không lâu, Putin lại tiếp tục có những nhượng bộ, cho phép quân Mỹ được sử dụng sân bay của một số nước Trung Á. Khi đó phía quân đội Nga và các nhân vật quan trọng bất bình với việc ông bán nước Nga để vỗ về nước Mỹ.

Thông qua bộ mặt lạnh lùng đầy cương nghị của Putin, những người thấu hiểu sự việc đều cảm nhận được những nỗi khó khăn của nước Nga lúc bấy giờ và càng hiểu được sự kiên trì cứng cỏi, cương nghị của người Nga. Trái lại, tổng thống Bush với thái độ ngang ngược đã thể hiện một nước Mỹ đang ở thời kỳ cường thịnh nhất.

Xét về nước Nga hiện tại, điều đáng buồn nhất chính là những thứ mà họ có thể làm cho nước Mỹ sợ hãi còn quá ít.

Do sức mạnh quốc gia suy thoái nên địa vị quốc tế của Nga dần dần đi xuống, vì vậy ngày 14 tháng 5 năm 2001, Tổng thống của các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan, Tajikistan gặp mặt ở Moscow. Ngay trước ngày Putin và Bush gặp nhau, Putin và tổng thống của 5 nước: Trung Quốc, Kazakhstan, Tajikistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, lần đầu tiên gặp mặt trong hội nghị hợp tác Thượng Hải được tổ chức tại Thượng Hải.

Điều này đánh dấu việc nước Nga vẫn có sân sau an toàn.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ quốc phòng các nước thành viên tổ chức hợp tác Thượng Hải cũng đã họp ở Moscow vào ngày 15 tháng 5.

Hiệp định mà Putin và Bush ký trong cuộc gặp gỡ là trong vòng 10 năm tới, mỗi bên cùng nhau cắt giảm từ 1.700 đến 2.200 đầu đạn hạt nhân chiến lược trong kho vũ khí hạt nhân của mình. Bush nói, sẽ mãi mãi thoát khỏi thời kỳ chiến tranh lạnh. Sự kiện này đối với thế giới mà nói là đã giảm số lần loài người bị hủy diệt từ 10 lần nay chỉ còn hai lần. Thành quả đạt được này phải trải qua sự thương lượng, mặc cả lâu dài, Nga có thể trút bỏ được gánh nặng để quan hệ với NATO, đi sâu vào tiến trình của NATO. Điều này có lợi cho việc xử lý món nợ nước ngoài của Nga trong hội nghị thượng đỉnh tám nước (G8).

Nước Mỹ phát triển NMD, trên thực tế là, họ đang mưu đồ biến cuộc chiến tranh mà trong đó nước Mỹ thì mặc áo giáp sắt, đội mũ sắt còn các đối thủ kia thì mình trần chân đất, biến thế kỷ 21 trở thành thế kỷ do Mỹ thống trị và chi phối. Việc Mỹ phát triển NMD sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, từ đó có thể nhận thấy trong quan hệ Nga – Mỹ, cuộc hội ngộ Putin và Bush lần này là thắng lợi của cả hai bên.

Putin cho rằng, việc mở rộng không gian ngoại giao của Nga có vai trò to lớn trong mối quan hệ Nga – Mỹ.

Putin nói, nước Nga mãi mãi là một bộ phận của châu Âu, xử lý tốt quan hệ Nga – Mỹ là điều kiện cần thiết để cho nước Nga trở về với châu Âu.

Sự hợp tác Nga – Mỹ không phải là “thuật quyền biến” mà là vì lợi ích quốc gia.

Ông hy vọng sẽ cố gắng làm cho nước Mỹ trở thành “người bạn ổn định” của Nga, cố gắng xây dựng “quan hệ quốc gia kiểu mới” giữa Nga và Mỹ dựa trên cơ sở bình đẳng.

Putin nhiều lần tiến hành các chuyến thăm nước ngoài để cải thiện môi trường phát triển của Nga. Putin đã “bốn lần bắt tay” với tổng thống Mỹ Bush chỉ trong vòng nửa năm, làm cho quan hệ Nga – Mỹ từ chỗ căng thẳng trở nên ấm áp. Về việc phía Mỹ đơn phương rút khỏi “Điều ước chống tên lửa đạo đạn”, Putin chỉ có thể nói, quyết định của Mỹ là “sai lầm”, điều này làm cho mọi người cảm thấy đáng tiếc, nhưng cải thiện quan hệ với Mỹ – Nga mới có thể có tiền đề cho việc duy trì và bảo vệ lợi ích của mình.

Đúng như vậy, về bản chất quan hệ Mỹ – Nga là quan hệ đối lập, nhưng Putin không mệt mỏi trong việc bỏ công sức nỗ lực phấn đấu làm thay đổi và khôi phục quan hệ Nga – Mỹ. Ông cho rằng, làm như vậy có lợi cho việc duy trì lợi ích của Nga.

7. Quan hệ Nga và Việt nam

Từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 2 tháng 3 năm 2001, Tổng thống Liên bang Nga Putin đã sang thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu điện Kremly đến Hà Nội trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Liên Xô và sau này là Việt Nam – Liên bang Nga. Vì thế chuyến thăm của ông Putin sang Việt Nam lần này đã giành được sự quan tâm đặc biệt của dư luận Việt Nam và Liên bang Nga cũng như dư luận trên thế giới.

Nga là một thành phần trong Liên bang Xô Viết, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ ngày 3 tháng 1 năm 1950.

Sau khi Liên Xô giải thể, Việt Nam đã chủ động duy trì quan hệ chính thức với Liên bang Nga dựa trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi. Hiệp ước về nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga ký ngày 16 tháng 6 năm 1994 và Tuyên bố chung giữa hai chính phủ về việc thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật ký tháng 11 năm 1997 đã xác định cơ sở cho quan hệ mới, cũng như phương hướng hợp tác giữa hai nước.

Quan hệ Nga – Việt sau một thời gian ngưng trệ đang dần được khôi phục và củng cố trở lại. Hai bên đã có nhiều đoàn cấp cao sang thăm nhau.

Về phía Việt Nam có các chuyến thăm của: Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (10-1993), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (6-1994), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (5-1998), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (8-1998), Thủ tướng Phan Văn Khải (9-2000).

Về phía Nga có các chuyến thăm của: Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nga (7-1995), Chủ tịch Duma Quốc gia Nga G.Xêlêđơniốp (2-1997), Thủ tướng Nga Trécnômứcđin (11- 1997), Bộ trưởng Quốc phòng I.Sergeyev(10-1998), Bộ trưởng Ngoại giao (2-2000).

Ngoài ra, hai bên còn giao lưu nhiều đoàn cấp bộ, ngành, địa phương. Từ năm 1994 đến nay, hai nước đã ký hơn 20 hiệp định và hiệp ước, đặt cơ sở tốt đẹp cho việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác trong giai đoạn mới. Quan hệ hợp tác giữa hai nước được triển khai trên tất cả các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, khoa học, kỹ thuật, văn học – giáo dục, kỹ thuật quân sự.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, những năm qua quan hệ Việt – Nga chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của hai nước, đặc biệt là quan hệ về kinh tế.

Từ sự phân tích bối cảnh trên cho thấy, việc phát triển hơn nữa quan hệ giữa 2 nước là nhu cầu của cả hai bên. Do đó chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một mốc lịch sử sự chuyển biến tích cực trong quan hệ 2 nước.

Trong thành phần đoàn Nga cùng đi với Tổng thống Putin có: Phó Chủ tịch chính phủ Khristenco, Bộ trưởng ngoại giao I.Ivanov, Phó chánh dân phòng thứ nhất Phủ Tổng thống Đ.A. Meledev, Đại sứ liên bang Nga tại Việt Nam V.V. Ivanov.

Phía việt Nam cùng đón và tiếp khách với Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn có Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Duy Niên, Bộ trưởng kế hoạch xây dựng và đầu tư Trần Xuân Giá, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Cảnh Dinh, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên, Đại sứ Việt Nam tại liên bang Nga Ngô Tất Tố.

Các hoạt động chính trong chuyến thăm như sau:

Sáng mùng 1 tháng 3: Tổ chức trọng thể lễ đón đoàn tại Phủ Chủ tịch. Sau lễ đón, Chủ tịch nước Trần Đức Lương gặp riêng Tổng thống Putin. Sau đó hai đoàn hội đàm và tổ chức lễ ký, trao đổi các hiệp định và văn kiện hợp tác giữa hai nước.

Trưa mùng 1 tháng 3: Chủ tịch Trần Đức Lương và Tổng thống Putin họp báo.

Chiều mùng 1 tháng 3: Thủ tướng Phan Văn Khải hội kiến với Tổng thống Putin tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh hội kiến với Tổng thống Putin tại Hội trường Ba Đình Hà Nội.

Tổng thống Putin trao Huân chương hữu nghị cho công dân Việt Nam và ba công dân Nga vì đã có nhiều đóng góp vào việc phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước. Sau đó, Tổng thống Putin gặp mặt thân mật tập thể cán bộ, công nhân viên xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt Nga.

Tối mùng 1 tháng 3: Tổ chức trọng thể lễ trao tặng huân chương cao quí của Nhà nước ta cho Tổng thống Putin, Phó Chủ tịch chính phủ và Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga tại Phủ Chủ tịch.

Sáng mùng 2 tháng 3 diễn ra hai hoạt động chính: Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tiếp Tổng thống Putin và Tổng thống Putin đến đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ, đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ: “Tổng thống Putin kính viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam”. Sau khi viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống Putin vào thăm nơi ở và làm việc của Người, đã ghi sổ lưu niệm của khu di tích Nhà sàn Bác Hồ: “Tôi xin chân thành được làm quen với cuộc sống của người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Một con người mà tên tuổi đã đọng lại trong lịch sử thế giới. Xin chúc nhân dân Việt Nam hoà bình, thịnh vượng và phồn vinh”. Sau đó Tổng thống Putin đi thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Chiều mùng 2 tháng 3: Tổng thống Putin dự cuộc gặp mặt thân mật với những người Việt Nam đã từng học tập, công tác tại Liên Xô và Liên bang Nga. Cuối buổi chiều ngày 2 tháng 3, lễ tiễn Tổng thống Putin và đoàn đại biểu Liên bang Nga đã diễn ra trọng thể tại Phủ Chủ tịch.

Chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Việt Nam đã thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

Trong chuyến thăm này hai bên đã ký tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nga. Tuyên bố gồm 17 điểm, thể hiện sự phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước, xác lập khuôn khổ hợp tác lâu dài trên cơ sở là đối tác chiến lược. Ngoài ra, nguyên thủ hai nước còn trao đổi và ký kết các văn kiện và hiệp định như sau:

– Hiệp định hợp tác giữa ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Nga để giúp cho doanh nghiệp Nga nhập khẩu hàng Việt Nam.

– Bản ghi nhớ giữa Ủy ban tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam và Bộ các tình trạng khẩn cấp và khắc phục hiệu quả thiên tai của Liên bang Nga.

– Hiệp định giữa Bộ Khoa học công nghệ môi trường Việt Nam và Ủy ban Nhà nước Liên bang Nga về tiêu chuẩn hoá và đo lường về hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hoá đo lường và chất lượng.

– Hiệp định thư kèm Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga về tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam trong khuôn khổ xí nghiệp liên doanh Vietsopetro ngày16 tháng 7 năm 1991.

– Nghị định thư về rà soát cơ sở điều ước và hiệp định song phương trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Nội dung chính trong tuyên bố chung giữa hai nước Nga – Việt được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Việt Nam như sau:

Về mặt chính trị: Quan hệ về chính trị giữa hai nước được củng cố, tăng cường trên cơ sở thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược”, đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của nhân dân hai nước, làm cơ sở cho việc đẩy mạnh hợp tác hữu nghị về nhiều mặt trong thế kỷ XXI. Trong bản Tuyên bố chung đã khẳng định: Hiệp ước về các cơ sở quan hệ hữu nghị giữa hai nước ký năm 1998 và các văn kiện song phương khác là cơ sở vững chắc để phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; Hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc thường xuyên ở tất cả các cấp để trao đổi ý kiến về các vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương, cũng như tình hình khu vực và quốc tế; tăng cường quan hệ giữa các cơ quan chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội của hai nước.

Về mặt kinh tế: Hai bên đều cho rằng quan hệ về kinh tế – thương mại, khoa học – kỹ thuật và đầu tư là những vấn đề quan trọng nhất, trong đó coi kết quả hợp tác về dầu khí là cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế. Hai bên cùng đánh giá tiềm năng về quan hệ thương mại của hai nước còn rất lớn nhưng chưa phát huy đầy đủ, chủ yếu là do chưa có phương thức thích hợp. Vì thế tại điểm 7 trong Tuyên bố chung đã nhấn mạnh: “Phải tìm ra các biện pháp đa dạng để đẩy mạnh trao đổi hàng, tăng kim ngạch buôn bán lên mức độ mới phù hợp với tiềm năng vốn có trong quan hệ hai nước”.

Về quân sự: Điểm 8 của bản Tuyên bố chung khẳng định: “Hai bên sẽ tăng cường hợp tác về trang bị quốc phòng phù hợp với yêu cầu an ninh của Việt Nam và Liên bang Nga và không nhằm chống lại nước thứ ba”.

Về trang bị quốc phòng thì Nga hoàn toàn có khả năng bán cho Việt Nam những loại vũ khí, trang bị cần thiết đủ để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Vấn đề chỉ còn là phụ thuộc vào khả năng tài chính của Việt Nam. Như những lời Tổng thống Putin đã nói với phóng viên đài BBC: “Việt Nam không những chỉ cần hiện đại hoá mà còn cần được hỗ trợ các thiết bị quân sự mà Liên Xô đã cung cấp trước đây. Việt Nam cần có vũ khí hiện đại và chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này”. Còn báo “Lao động” của Nga dẫn lời Tổng thống Putin: “Quan hệ hai nước trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự sẽ được phát triển đến quy mô mà các bạn Việt Nam mong muốn”.

Về tình hình quốc tế, tuyên bố chung giữa hai nước:

Nhất trí với nhau trên nhiều nội dung về đánh giá tình hình quốc tế, khu vực và cách xử lý trong quan hệ quốc tế hiện nay. Hai bên cho rằng quan hệ quốc tế phải là quan hệ “công bằng, bình đẳng giữa các quốc gia vì sự nghiệp hoà bình ổn định và phát triển của nhân loại, kiên quyết chống lại mọi hình thức áp đặt hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, lên án ý đồ đưa khái niệm “can thiệp nhân đạo” và “chủ quyền nhân đạo” vào thực tiễn quan hệ quốc tế nhằm biện minh cho các hành động quân sự của một nước hay nhóm nước, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và Luật pháp quốc tế”.

Về toàn cầu hoá kinh tế: Hai bên ghi nhận tính chất hai mặt của quá trình toàn cầu hoá kinh tế. Do đó, phải thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế mới bình đẳng, công bằng.

Về tình hình an ninh quốc tế: Hai bên khẳng định quyết tâm hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác trong bảo vệ môi trường toàn cầu và vấn đề an ninh thông tin quốc tế.

Về tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Hai bên coi trọng bảo đảm an ninh và củng cố lòng tin ở khu vực này và cho rằng, việc Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ chống tên lửa chiến trường (TMD) khép kín ở châu Á – Thái Bình Dương có thể tác động tiêu cực đến an ninh và ổn định của khu vực, gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Liên bang Nga coi trọng quan hệ với ASEAN và quyết tâm phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với ASEAN trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, góp phần củng cố hoà bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á”. Việt Nam ủng hộ Nga tham gia vào Diễn đàn Á – Âu (ASM) và sẽ thúc đẩy việc Nga gia nhập Tổ chức ASEI.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống liên bang Nga Putin đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các phương tiện thông tin đại chúng Nga và các nước.

Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống V Putin, báo “Tin tức” ra ngày 1 tháng 3 có bài viết về quan hệ hợp tác kinh tế Nga – Việt Nam, trong đó có đoạn: “Hiện nay chúng ta không thu được hiệu quả từ việc hướng sang phương Tây, trong khi chúng ta lại có những triển vọng ở phương Đông. Trong chừng mực nhất định, chúng ta đang được chờ đợi ở đó. Vì thế Việt Nam là cánh cửa mở ra thị trường Đông Nam Á và toàn bộ thị trường ASEAN”.

Với đầu đề “Nga cần gì ở Việt Nam và Việt Nam muốn gì ở Nga?”, báo điện tử “Đất Nước” số ra ngày 2 tháng 3, đã đăng bài của phóng viên S. Smetanina viết từ Hà Nội nhận định về chuyến đi này như sau: “Ở Việt Nam từ lâu người ta đã chờ đợi chuyến thăm của ông Putin”. Việt Nam và nhân dân Việt Nam luôn giữ được tình cảm nồng ấm trước đây với nước Nga, mặc dù đã từng có sự “nguội lạnh”, thậm chí suy giảm sự hợp tác song phương trong thời kỳ đầu những năm 90. Trong giới trí thức Việt Nam vẫn cho rằng Nga là đồng minh chân chính duy nhất của Việt Nam.

Vậy Việt Nam muốn gì ở Nga? Trước hết đó là khôi phục lại quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước. Tất nhiên đó là khôi phục lại việc cung cấp kỹ thuật trong lĩnh vực dân sự và quân sự. Theo đánh giá của các chuyên gia Nga, quân đội Việt Nam được trang bị tới 75% vũ khí và thiết bị quân sự của Liên Xô. Tình hình tương tự cũng thể hiện trong việc đào tạo cán bộ cho các ngành: kinh tế và quân sự của Việt Nam…

Còn Nga cần gì ở Việt Nam? Trước hết là khôi phục lại các quan hệ kinh tế trên cơ sở mới, hai bên cùng có lợi…

Ngoài việc mở rộng thương mại song phương, Việt Nam có thể giúp Nga thâm nhập thị thường châu Á và củng cố vị thế của mình ở đây. Từ năm 1996, Việt Nam đã là người điều phối quan hệ giữa Nga và ASEAN. Điều này có nghĩa là tất cả các quan hệ của Nga với các nước ASEAN đều sẽ thông qua Việt Nam.

Nói chung hầu hết các báo lớn của Nga đều đăng bài hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm lịch sử này.

Tờ “Báo Nga” viết việc đoạn tuyệt quan hệ với những người bạn đã được thử thách, trong đó có Việt Nam là phi lý. Các mối quan hệ của hai nước chúng ta đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Và đúng như lời Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương đã nhấn mạnh, mọi thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước đều có sự giúp đỡ to lớn và quan trọng của Nga và sự hợp tác hiệu quả Việt – Nga.

Còn tờ “Thương nhân” nhận xét: “Mục tiêu chuyến thăm của Tổng thống Putin đã tạo đà mới thúc đẩy sự phát triển hợp tác Nga – Việt. Trên thực tế Nga đang tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả các phương diện và nhân chuyến thăm này, Tổng thống Putin muốn tỏ rõ rằng Mátxcơva đánh giá cao tầm quan trọng của Việt Nam như một đối tác kinh tế chiến lược của Nga ở châu Á và mong muốn phát triển sự hợp tác cùng có lợi với Việt Nam.

Các phương tiện thông tin đại chúng của nhiều nước trên thế giới đã đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Putin.

Các đài tiếng nói Hoa Kỳ, BBC của Anh, RFI của Pháp, kênh truyền hình CNN của Mỹ và các hãng tin lớn của các nước như Reuter, AFP, AP, Tân Hoa Xã… đều đưa tin đậm nét về chuyến thăm, trong đó nêu bật những lĩnh vực chính mà các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ Việt Nam đề cập.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ có bài phân tích về chuyến thăm và cho rằng, “Có nhiều nguyên nhân khiến Nga đã dành cho Việt Nam một vị trí xứng đáng hơn trong đường lối đối ngoại của mình”.

Tờ “Thời báo New York” ngày 3 tháng 3 nhận xét rằng Tổng thống Putin đã hài lòng với kết quả chuyến thăm châu Á mà mục tiêu là thiết lập lại vai trò của Nga với tư cách là một nước lớn ở châu lục này.

Tờ “Thời báo Los Angeles” gọi tuyên bố chung Việt Nam – Nga là “một thoả thuận mở rộng quan hệ chiến lược song phương”.

Còn giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện nghiên cứu chiến lược châu Á – Thái Bình dương (Mỹ) khi trả lời phóng vấn đài BBC đã bình luận: “Nước Nga đang cố gắng khẳng định vị trí của mình trên thế giới và tạo ra uy tín như một cường quốc. Một phần của chiến lược đó mà ông Putin thực hiện là nước Nga đã tái đàm phán quan hệ đối tác với Trung Quốc, tương tự như với Việt Nam. Trong khu vực Đông Nam Á, Nga đã có sự hiện diện ở Việt Nam. Việt Nam là người đối thoại của Nga với ASEAN.

Moscow muốn bắt kịp những biến chuyển ở Đông Nam Á vì Tổng thống Putin muốn khôi phục vai trò siêu cường của Nga và quan hệ với Việt Nam là một nền tảng để cho Nga đóng một vai trò như vậy ở châu Á.

Các báo “Thời sự Phranphuốc” và “Tấm gương” (Đức) ngày 2 tháng 3 nêu bật việc hai nước Việt Nam – Nga ký tại Hà Nội “Hiệp ước về quan hệ đối tác rộng lớn” và Việt Nam trở thành đồng minh quan trọng nhất của Nga ở Đông Nam Á. Báo “Tấm gương hàng ngày” cho biết: Thông qua chuyến thăm của Tổng thống Putin, Nga và Việt Nam trong tương lai muốn tăng cường hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác.

Trong chuyến thăm, hai nước đã thoả thuận mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khai thác dầu mỏ, sản xuất điện, đóng tàu, ngân hàng và du lịch.

Báo chí các nước khác ở châu Âu, châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh cũng đưa nhiều tin, bài về chuyến thăm và đánh giá cao chuyến thăm lịch sử này.

Tờ “Dân tộc” (Thái Lan) số ra ngày 3 tháng 3 viết: “Không ai ngạc nhiên rằng Nga đang quay lại khu vực này và với nhịp độ nhanh chóng. Điều đó phù hợp với chính sách đối ngoại mới của Moscow nhằm hội nhập nền ngoại giao và an ninh với các nước đồng minh cũ của mình. Vì vậy, khi Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội, ông đã làm chính cái mà một nhà lãnh đạo siêu cường cần làm tức là nối lại hay tăng cường những hiệp định hiện có và các mối quan hệ các nước…

Trung Quốc hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Nga Putin. Chiều 1 tháng 3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Chương Khởi Nguyệt nhấn mạnh: Nga, Hàn Quốc và Việt Nam đối với Trung Quốc đều là các nước láng giềng hữu nghị. Trung Quốc hy vọng và mong muốn quan hệ giữa các nước này không ngừng phát triển.

Từ những tiềm năng thị trường rộng lớn và truyền thống hợp tác hữu nghị toàn diện tốt đẹp trong quá khứ, cả vi mô và vĩ mô, từ sự nhận thức là đối tác chiến lược của nhau, từ những cơ sở kinh tế – xã hội đã được xác lập và duy trì vững chắc, những tình cảm chân thành, nồng hậu và sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc về ngôn ngữ, văn hóa, đặc điểm xã hội và thị trường của các cấp lãnh đạo và nhân dân, từ những xu hướng động thái quan hệ chính trị, kinh tế, quân sự hai bên trong thời gian gần đầy, chúng ta có thể tin chắc rằng: Đã vĩnh viễn qua rồi thời khắc ngưng đọng tạm thời của sự chuyển giao lịch sử, quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Liên bang Nga đã, đang và sẽ ngày càng khởi sắc.

8. Quan hệ Moscow và Bắc Kinh

Sau khi Putin lên nắm quyền, Giang Trạch Dân là nguyên thủ đầu tiên gọi điện chúc mừng.

St Peterburg và Thượng Hải là hai thành phố hữu nghị, đầu những năm 90 của thế kỷ 20, Putin dẫn đầu đoàn đại biểu St Peterburg sang thăm Thượng Hải. Giang Trạch Dân từng làm Thị trưởng thành phố Thượng Hải, vì thế Putin nói, tôi là “đồng hương” của Giang Trạch Dân.

Hai nước rất coi trọng tăng cường quan hệ thương mại, nâng cao tỷ trọng thương mại và chế tạo máy móc, sản xuất khoa học kỹ thuật, đồng thời tăng cường hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Putin nói, cả hai nước đều chú trọng quan hệ với Mỹ, bởi vì nước Mỹ là bạn hàng kinh tế tài chính lớn nhất của hai nước. Quan hệ kinh tế thương mại của Mỹ và Trung Quốc lớn hơn gấp nhiều lần quan hệ của Nga với Mỹ.

Ngày 7 tháng 10 năm 2002, chủ tịch Giang Trạch Dân đã nói chuyện với Tổng thống Nga Putin qua điện thoại, chúc mừng sinh nhật lần thứ 50 của Putin. Putin và Giang Trạch Dân cần gặp gỡ nhiều lần hơn nữa để giải quyết các vấn đề quan hệ hai bên, cùng khẳng định lại, hai nước Trung – Nga cùng cố gắng để tăng cường tiếp xúc và hợp tác.

Đầu tháng 3 năm 2003, trong buổi hội kiến với bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền, Putin nói, quan hệ Bắc Kinh và Moscow là “vấn đề quyết định sự ổn định của thế giới”. Đường Gia Triền và Putin cùng nhấn mạnh phải tăng cường quan hệ bạn bè hợp tác chiến lược và chống lại việc nước Mỹ đơn phương rút khỏi “Điều ước chống tên lửa đạn đạo”, hai bên cùng ủng hộ lập trường của nhau về vấn đề Chechnya và Đài Loan.

Các phóng viên phương Tây cho rằng, nước Nga thời Putin bên cạnh việc duy trì quan hệ tốt với các nước châu Âu vẫn phải tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác bạn bè chiến lược với Trung Quốc. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ về chiến lược toàn cầu.

Ngày 29 tháng 4 năm 2001, trong buổi gặp gỡ với ngoại trưởng Trung Quốc Đường Gia Triền ở Moscow, Tổng thống Putin đã nói: Nga và Trung Quốc giờ đây hầu như không còn tồn tại vấn đề gì ảnh hưởng đến hòa hợp láng giềng, sự phát triển của quan hệ hai nước đã có động lực rất lớn. Putin nhấn mạnh cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước với mục đích để tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa các tầng lớp xã hội của hai nước.

Ngày 12 tháng 6 năm 2001, Putin nói với giới báo chí Trung Quốc trước lúc khai mạc hội nghị thượng đỉnh 5 nước ở Thượng Hải, điều ước hội nghị Trung – Xô của hai nước Trung Quốc và Liên Xô cũ đã hết hiệu lực hơn 20 năm. Những nội dung điều ước ký kết sắp tới đây không phải là điều ước của thế kỷ đã qua, mà là điều ước hướng tới tương lai, vì các thế hệ mai sau của chúng ta.

Ngày 4 tháng 6 năm 2002, trước lúc khai mạc hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Thượng Hải, tổng thống Putin trả lời phỏng vấn của các nhà báo.

Ông nói, tình hình quốc tế yêu cầu những người lãnh đạo Trung – Nga phải tăng cường tiếp xúc, làm cho hai nước trở thành quan hệ bạn bè chiến lược. Putin còn nói, hai nước vốn có lợi ích quốc gia căn bản giống nhau.

Sau sự kiện ngày 11 tháng 9, Tổng thống Mỹ Bush đã từng nói rằng:

“Putin là một trong những người bạn tốt nhất của tôi, tôi tín nhiệm ông ấy”.

Rất nhanh, những luận điệu như: “Putin chạy theo phương Tây và vứt bỏ phương Đông” lan khắp nước Nga.

Rất nhiều người khẳng định vai diễn “chim ưng hai đầu” của Nga biến thành “con chim một đầu”, nhưng sự thực sau đó đã chứng minh là không đúng như vậy, xét từ thành tựu ngoại giao của Putin, hội nghị có hiệu quả nhất vẫn là “tổ chức hợp tác Thượng Hải” đến từ phương Đông.

Putin sang thăm Trung Quốc, càng tăng cường thúc đẩy phát triển về chiều sâu quan hệ bạn bè chiến lược giữa hai nước, nâng cao mức độ hợp tác giữa hai nước.

Putin đã nhiều lần nhấn mạnh trong các chuyến thăm: “Hành động nhất quán của Trung Quốc và Nga trong xử lý các vấn đề quốc tế là nhân tố cực kỳ quan trọng để giải quyết các vấn đề… Hai nước phải đoàn kết lại, phải tăng cường hợp tác trong phạm vi tổ chức hợp tác Thượng Hải…”. Bộ trưởng ngoại giao Nga Ivanlov đã từng gọi quan hệ Trung Quốc – Nga như “Tùng với trúc” để thể hiện nước Nga sẽ kiên trì chiến lược ngoại giao cân bằng.

Tổng thống Putin từng nói, “Do hai nước Trung – Nga là láng giềng, tình bạn hai nước có nguồn gốc lịch sử sâu xa. Tôi hy vọng sự hấp dẫn của Trung Quốc đối với Nga sẽ không ngừng nâng cao… Hai con gái tôi đều đang học võ thuật ở Trung Hoa, trong đó có một cô đang học tiếng Trung Quốc”.

Putin từng bày tỏ: “Tôi yêu thích những việc mà tôi đã làm và tìm được niềm vui từ trong đó. Tôi rất thích thú với tiếng Hán, với văn hóa, văn học, lịch sử Trung Quốc”.

Phát triển quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, luôn luôn là một trọng điểm trong chính sách ngoại giao của Putin.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.