Bản Lĩnh Putin

CHƯƠNG 4: LENINGRAD GIÓ NỔI SÓNG DẬY



1. Nhận chức ở đại học Leningrad

Năm 1990, Putin nhận lệnh của Tổng bộ KGB cùng gia đình rời khỏi Dresden.

Sau 6 năm Putin rời xa đất nước trước mắt ông Liên Xô đã thay đổi rất nhiều.

Ngày 10 tháng 3 năm 1985, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lâm bệnh qua đời. Ngày 11 tháng 3 năm đó, Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô đã bầu Gorbachov làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô.

Gorbachov đã thay đổi các cán bộ cấp cao nhằm bảo đảm cho tiến trình cải cách. Yeltsin cũng là cán bộ được điều từ địa phương lên trung ương trong đợt thay đổi này. Sau khi tốt nghiệp học viện Ural, Yeltsin có một thời gian dài làm trong ngành xây dựng. Năm 1968, Yeltsin bắt đầu bước vào giới chính trị và đảm nhiệm chức vụ phụ trách đảng ủy địa phương. Năm 45 tuổi, Yeltsin trở thành bí thư thứ nhất bang Srerdlovsk.

Tháng 4 năm 1985, Yeltsin nhận lệnh của trung ương về đảm nhiệm Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Moscow, hai tháng sau, Yeltsin đã được vào Ban bí thư, bốn tháng sau, Gorbachov đã gọi Yeltsin đến nói chuyện và giao chức bí thư thứ nhất thành phố Moscow. Sau vài tháng quan sát, Gorbachov vô cùng mãn nguyện về tác phong làm việc mạnh mẽ của Yeltsin. Lúc này ảnh hưởng của Yeltsin trong công việc ở bang Srerdlovsk là rất lớn, điều này đã giúp ích cho việc thúc đẩy cải cách ở nơi bảo thủ nhất như Moscow.

Khi điều Yeltsin về Moscow, Gorbachov không thể ngờ rằng điều này đã giúp Yeltsin mở rộng uy thế chính trị của mình, chức vụ bí thư thứ nhất thành ủy Moscow đã tạo cơ sở quyền lực lớn hơn cho Yeltsin về sau này, đồng thời nhanh chóng hạ bệ Gorbachov.

Gorbachov đã có bài phát biểu quan trọng về: “Cải cách và tư duy mới”. Ông đưa ra chủ trương “Lợi ích của con người là trên tất cả, cuộc sống của con người là trên tất cả”. Chính sách ngoại giao mới của Gorbachov đã có vai trò trực tiếp chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao bao trùm của Liên Xô. Quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc đã bình thường hóa trở lại. Quan hệ căng thẳng giữa Liên Xô và các nước phương Tây cũng dịu xuống.

Gorbachov coi việc cải cách thể chế chính trị lên hàng đầu, điều này một lần nữa đưa Liên Xô vào thời kỳ bất ổn, từ đó kéo theo sự sụp đổ của Liên Xô.

Lúc này Putin đã rời khỏi nước Đức vừa thống nhất để trở về với đất nước Liên Xô hoàn toàn đổi khác.

Đầu năm 1990, Putin trở về Leningrad đảm nhiệm chức trợ lý ngoại giao cho Phó hiệu trưởng Trường đại học Leningrad.

Thân phận KGB của Putin vẫn được giữ bí mật, mặc dù một vài kẻ lắm chuyện vẫn không bỏ qua vấn đề này.

TƯ LIỆU VỀ GOVBACHOV:

Govbachov sinh năm 1931, từng làm phụ lái máy gặt liên hoàn. Năm 21 tuổi gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô, năm 24 tuổi tốt nghiệp khoa Luật, Đại học Moscow.

Năm 1966, ông giữ chức vụ Bí thư Thành ủy thành phố Sverdlovsk và đồng thời nhận bằng tốt nghiệp đại học nông học tại chức.

Từ năm 1968 đến năm 1970, Gorbachov đảm nhận chức bí thư thứ hai thành phố. Năm 1970 lên chức bí thư thứ nhất.

Năm 1978, Gorbachov được bầu làm Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và được điều về Moscow.

Năm 1979, Gorbachov được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Năm 1980, được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 8 năm 1985, Gorbachov được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm tháng sau, Gorbachov kiêm luôn chức Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Liên Xô. Năm 1988 đảm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Xô Viết tối cao Liên Xô.

2. Nhà giáo uy tín bước lên vũ đài chính trị

Khi Putin quay về Leningrad, thành phố đã có Hội đồng Xô Viết do nhân dân bầu ra. Chủ tịch Xô Viết thành phố Leningrad là Sobchak – Giảng viên khoa Luật Đại học Leningrad.

Ông là một nhà nghiên cứu pháp Luật có tư tưởng tự do, ông rất bất mãn trước thể chế chính trị và tình hình kinh tế đình trệ lúc đó.

Sobchak từng nói với các trí thức của thành phố Leningrad: “Trong thể chế chính quyền những năm 70 của thế kỷ XX, Đảng Cộng sản từ lâu đã biết cách dung túng cho những con sâu mọt trong bản thân nó”.

Làn sóng mãnh liệt của cuộc cải cách chính trị đã đưa Sobchak lên vũ đài chính trị. Cuối năm 1988, Liên Xô lập ra một cơ quan quyền lực mới: Đại hội đại biểu nhân dân.

Sobchak được bầu chọn làm đại biểu nhân dân Liên Xô, cuộc bầu cử đã thực sự làm thay đổi cuộc đời Sobchak, đưa cuộc đời ông rẽ sang ngả khác. Sobchak trở thành một trong những nhà hoạt động chính trị có quyền lực nhất ở Liên Xô trong những năm cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90. Xét theo một góc độ nào đó, Putin vẫn tuân theo chủ trương chính trị của Sobchak.

Từ cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của Liên Xô, Sobchak đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm chính trị, ông đã gián tiếp dẫn dắt Putin vào chính trường.

Đầu mùa hè năm 1989, bầu không khí chính trị Liên Xô nhanh chóng trở nên sôi động. Từ ngày 25 tháng 5 đến ngày 9 tháng 6, Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ nhất diễn ra tại Moscow, Đại hội này đã đánh dấu sự đổ vỡ của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Sobchak là đại biểu được chú ý nhất Đại hội lần này. Yeltsin và Gorbachov công khai đối đầu với nhau cũng chính từ Đại hội lần này. Trước khi cuộc bầu cử Đại biểu nhân dân diễn ra, Yeltsin và Gorbachov đã có những cuộc tranh luận với nhau nhưng chưa tới hồi quyết liệt.

Khi là bí thư thứ nhất của thành phố Moscow, Yeltsin đã ra sức chỉnh đốn những biểu hiện của chủ nghĩa quan liêu, lạm dụng chức quyền; đồng thời kêu gọi quần chúng nhân dân cùng tham gia phong trào đổi mới khiến cho thủ đô có được sức sống mới.

Đó cũng chính là mục đích mà Gorbachov điều Yeltsin về Moscow, nhưng lúc đó rất nhiều người trong Bộ Chính trị không đồng ý với cách làm của Yeltsin, Gorbachov càng không chịu được những lời nói thẳng khó nghe của ông.

Cuối năm 1987, Yeltsin bị miễn chức bí thư thứ nhất thành phố Moscow. Tháng 2 năm 1988, ông bị miễn chức Uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị và quay lại giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Thế nhưng nhân dân đã không quên Yeltsin, ông đã trở thành nhân vật tiên phong của lực lượng cải cách Đảng Cộng sản Liên Xô. Khi tham gia tranh cử Đại biểu nhân dân tại khu vực bầu cử Moscow, Yeltsin giành được gần 90% phiếu bầu. Sau khi bị miễn chức, Yeltsin trở thành người đứng đầu trong phái phản đối.

Trong Đại hội, Sobchak đã lợi dụng hiểu biết sâu rộng về pháp luật của mình để đưa Yeltsin vào Hội đồng Xô Viết tối cao.

Nhóm người gồm Sobchak, Yeltsin, Sahalov, Popov… trở thành nhóm nghị sĩ liên khu vực, cùng liên kết chống lại Đảng Cộng sản Liên Xô.

Năm 1989, sự thay đổi tình hình chính trị Đông Âu đã cổ vũ mạnh mẽ phái cải cách ở Liên Xô. Cục diện chính trị Liên Xô đột ngột thay đổi, mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt.

Các cuộc biểu tình diễn ra khắp nơi, sản xuất công, nông nghiệp bị xáo trộn, hàng loạt tổ chức chính trị nhân cơ hội này lần lượt ra đời.

Gorbachov dùng các biện pháp thoả hiệp, nhằm duy trì quyền lực của Xô Viết nhưng vẫn không thể thay đổi tình thế.

Tháng 2 năm 1990, Đại hội Đảng toàn Liên bang đã thông qua cương lĩnh “Tiến tới Xã hội chủ nghĩa theo đường lối dân chủ, nhân đạo”, xoá bỏ thế lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sản và thiết lập nên thể chế Tổng thống Liên Xô.

Sobchak chủ trương đổi tên cho thành phố Leningrad, đồng thời mời Putin làm trợ lí, và từ đây ông bắt đầu có ảnh hưởng của mình tới lịch sử nước Nga.

Ngày 7 tháng 11 năm 1990, quần chúng nhân dân tập trung biểu tình thị uy tại Quảng trường đỏ Moscow, hô vang khẩu hiệu: “Yeltsin, Sobchak, Popov hãy cứu lấy nước Nga!”

Popov về sau được bầu làm Thị trưởng Moscow, Yeltsin được bầu làm Tổng thống và làm việc tại cương vị đó suốt 10 năm, người kế nhiệm của Yeltsin không phải ai khác mà chính là trợ lí của Sobchak – Putin.

Sobchak có rất nhiều kinh nghiệm hoạt động chính trị nhưng khi ông làm thị trưởng và nghị sĩ thì lại không được như vậy. Sobchak có kiến thức pháp luật uyên thâm lại có tài hùng biện, trong Đại hội luôn có uy thế “nhất hô bách ứng”. Nhưng từ khi làm Chủ tịch Xô Viết thành phố Leningrad thì ông phải đảm đương các công tác nghiệp vụ và phải làm cho nhân dân hài lòng. Sobchak phải xây dựng được đội ngũ nhân viên làm việc cho mình, phải tìm được một trợ thủ trung thành và có năng lực. Một ngày đầu năm 1990, Sobchak gặp Putin trên hành lang của Đại học Leningrad. Putin chào Sobchak, hai người trò chuyện với nhau và tình cờ nói tới cục diện chính trị.

Sobchak nhìn Putin và nghĩ ngay rằng, lẽ nào Putin không phải là một trợ thủ đắc lực? Putin khi đó 38 tuổi, ngày còn học trong trường đã là một sinh viên xuất sắc, từng làm việc nhiều năm ở nước ngoài, tính tình cương trực, thẳng thắn. Sobchak hỏi Putin có muốn làm việc trong Xô Viết thành phố không, Putin lập tức nhận lời.

TƯ LIỆU VỀ SOBCHAK

Thiếu chút nữa trở thành “Nhất đại đế sư”

Sobchak sinh năm 1937, tại thành phố Chita vùng Siberia trong một gia đình bình dân, nhờ có nỗ lực của bản thân nên thi đỗ được vào một trường đại học danh tiếng.

Sobchak luôn giữ thái độ phản đối đối với phương thức cầm quyền của chính quyền Liên Xô lúc bấy giờ, nhưng khi đứng trên bục giảng ông không dám công khai những tư tưởng đó, vì như vậy sẽ bị bắt hoặc bị trục xuất ra nước ngoài.

Cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Sobchak là ngọn cờ đầu trong phong trào phản đối nhà cầm quyền ở Liên Xô.

Sobchak từng 6 năm đảm nhiệm cương vị Thị trưởng thành phố Leningrad, từng là thầy giáo pháp luật của Putin và là người dẫn dắt Putin vào con đường chính trị.

Ngày 19 tháng 1 năm 2000, trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống cho Putin tại thành phố Kaliningrad, ông đã qua đời do bị nhồi máu cơ tim nên, thọ 63 tuổi.

3. Bảo vệ Thị trưởng Leningrad

Cơ hội không đến hai lần, có cơ hội thì không được bỏ qua. Putin đã nắm chắc cơ hội mà Sobchak mang tới cho ông.

Tháng 6 năm 1991, Putin đảm nhiệm cương vị cố vấn đối ngoại cho Chủ tịch Xô Viết thành phố Leningrad Sobchak.

Trước đó, các hoạt động đối ngoại của thành phố Leningrad do Bộ Ngoại giao hoặc các cơ quan hữu quan đảm nhận, nhưng từ khi được quyền tự trị, thành phố có thể trực tiếp tiến hành các hoạt động đối ngoại. Khách nước ngoài, nhất là khách từ các nước Trung Âu, Bắc Âu…. thường xuyên tới thăm thành phố này, Putin cùng Sobchak tiếp khách hoặc ông thay mặt Sobchak làm việc với khách nước ngoài.

Không bao lâu, năng lực của Putin đã được thử thách.

Năm 1991, quá trình giải thể của Liên Xô bắt đầu. Xu thế tách ra đòi độc lập của các nước cộng hoà thành viên không thể trì hoãn lâu hơn nữa, hoạt động đấu tranh ly khai và xung đột giữa các dân tộc diễn ra ngày càng gay gắt.

Yeltsin nhận định rằng việc đổ vỡ của Liên bang Xô Viết chỉ còn là vấn đề thời gian. Từ mùa xuân năm 1990, Yeltsin đã bí mật xây dựng nước Nga Cộng hoà, chỉ cần chiếm được 70% lãnh thổ Liên Xô thì nước Nga đã là vô địch.

Tháng 5 năm 1991, Yeltsin được bầu là Chủ tịch Xô viết tối cao. Yeltsin tuyên bố Cộng hoà liên bang Nga độc lập, Liên Xô chỉ còn là một cái vỏ rỗng không.

Ngày 12 tháng 6, cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên của Cộng hoà Liên bang Nga được tiến hành, hơn 100 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu. Yeltsin giành được 61% phiếu bầu và trở thành tổng thống đầu tiên của Cộng hoà Liên bang Nga.

Trong kì họp cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô, Yeltsin tuyên bố ra khỏi Đảng, thị trưởng Moscow Popov và thị trưởng thành phố Leningrad Sobchak cũng tuyên bố ra khỏi Đảng. Việc này đã gây ra ảnh hưởng to lớn tới Đảng Cộng sản Liên Xô đang trên bờ vực sụp đổ. Một số thành viên trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng đã dự định lật đổ Gorbachov.

Không lâu sau đó, Yeltsin tổ chức họp báo, phát đi công báo gửi nhân dân toàn Liên Xô, tuyên bố Uỷ ban hành động khẩn cấp là tổ chức phi pháp, nước Nga không chấp hành mệnh lệnh tình trạng khẩn cấp.

Phía trước toà nhà của Xô Viết tối cao tụ tập có tới hàng trăm ngàn người dân Moscow và những người ủng hộ Yeltsin đến từ khắp nơi trên cả nước.

Uỷ ban tình trạng khẩn cấp thiếu một bản kế hoạch hành động chi tiết và thiếu sựủng hộ của nhân dân nên chỉ sau 3 ngày đã thất bại.

Gorbachov bị đưa về Moscow, quyền lực của Đảng Cộng sản trong chính quyền bị lật đổ.

Ngày 24 tháng 8 năm 1991, Gorbachov từ chức Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô và tuyên bố giải thể Đảng Cộng sản.

Ngày 29 tháng 8 năm 1991, Xô viết tối cao Liên Xô tuyên bố tạm ngừng hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô trên toàn nước Nga.

Như vậy, Đảng Cộng sản cầm quyền suốt 74 năm ở Liên Xô đã sụp đổ.

Trong cuộc chính biến tháng 8, KGB ở Leningrad đã nhận được lệnh bắt giữ Sobchak.

Ngày 18 tháng 9, Sobchak bàn bạc đối sách với Yeltsin tại Moscow, và ngay tối hôm đó Sobchak lên máy bay về Leningrad.

Khi Sobchak vừa bước xuống thang máy bay đã thấy một chiếc xe hơi chờ sẵn ngay cạnh thang máy bay, Putin và các nhân viên có vũ trang bảo vệ ông lên xe rời khỏi sân bay an toàn.

Các nhân viên KGB khi phát hiện thấy Putin và các nhân viên có vũ trang nên không có phản ứng gì.

Từ ngày 19 tới ngày 21 tháng 8, Yeltsin ở lại trong toà nhà của Xô Viết tối cao đối đầu với Uỷ ban tình trạng khẩn cấp. Leningrad là thành phố thứ hai của Liên Xô đã ngăn chặn được sự chiếm đóng của quân đội.

Quân khu Leningrad nhận được lệnh của Uỷ ban tình trạng khẩn cấp, chuẩn bị đưa quân vào chiếm đóng thành phố.

Sau khi đưa Sobchak về nhà, Putin chạy qua chạy lại suốt đêm giữa KGB và quân khu Leningrad, yêu cầu quân khu không được hành động khinh suất.

Nhờ nỗ lực của Putin, quân khu Leningrad án binh bất động, thành phố không xảy ra sự kiện đổ máu nào, nhân dân thành phố, du khách và thương nhân nước ngoài hết sức vui mừng.

Trong thời khắc quan trọng nhất của cuộc chính biến tháng 8, Putin đích thân mang theo nhân viên có vũ trang tới sân bay đón Sobchak, lại đích thân tới quân khu làm việc, năng lực của ông đã được khẳng định qua thử thách lần này. Từ đó, Sobchak càng coi trọng Putin hơn.

Sau khi Yeltsin và Sobchak tuyên bố rời khỏi Đảng và trước khi Đảng Cộng sản Liên Xô giải thể, Putin cũng ra khỏi Đảng. Vận mệnh của Putin đã gắn liền với vận mệnh của Sobchak.

TƯ LIỆU VỀ CUỘC CHÍNH BIẾN THÁNG 8

Cả thế giới không thể nào quên

Trước tình thế Liên Xô bên bờ sụp đổ, một nhóm các viên chức cấp cao trong chính phủ bao gồm Phó tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ, chủ tịch Xô Viết tối cao… đã thành lập Uỷ ban tình trạng khẩn cấp.

Gorbachov bị giữở biệt thự Crimea. Quân đội chiếm giữ Moscow theo mệnh lệnh. Ngày 19 tháng 8 năm 1991, Uỷ ban tình trạng khẩn cấp ra công báo gửi toàn thể nhân dân Liên Xô, tuyên bố Phó tổng thống sẽ nắm quyền Tổng thống, các quyền lực của chính phủ sẽ do Uỷ ban tình trạng khẩn cấp nắm giữ và ban bố tình trạng khẩn cấp tại một số địa phương trong vòng nửa năm.

Yeltsin đã chạy thoát trước khi quân chính biến tới 20 phút. Ông chạy luôn tới Trụ sở Xô Viết tối cao và được một số tướng lĩnh cao cấp ủng hộ. Sau đó, quân đội ủng hộ Yeltsin được điều tới bảo vệ toà nhà của Xô Viết tối cao.

4. Dốc sức xây dựng chính quyền thành phố

Khi bình yên trở lại với thành phố, Putin phụ trách quan hệ đối ngoại. Ông rất quan tâm phát triển kinh tế. Các hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư vào St Peteburg đều do ông chủ trương. St Peteburg đã trải qua bao năm phát triển trong nền kinh tế bao cấp, kinh tế thị trường vừa mới hình thành, chỗ dựa không có, năng lực cá nhân của cán bộ quản lí trở nên vô cùng quan trọng.

Putin chuyển từ một nhân viên KGB thành một quan chức quản lí kinh tế nhưng vẫn hoàn thành tốt công việc. Đó là nhờ những kiến thức pháp luật ông đã được học, nhờ kinh nghiệm làm việc tại Đức và sự rèn luyện sau nhiều năm hoạt động tình báo.

Ông dốc sức thúc đẩy kêu gọi đầu tư vào St Peteburg và lập ra khu vực kinh tế tự do ở thành phố này. Ông chỉ đạo lập ra cơ quan giao dịch ngoại hối nhằm phục vụ cho thương nhân nước ngoài, khách du lịch và nhân dân thành phố.

Putin phê chuẩn cho công ty tư vấn KPMG lập chi nhánh tại St Peterburg, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài muốn đầu tư tại St Peterburg. Về mặt thu hút đầu tư, ông tập trung nhiều hơn vào các công ty của Đức và Bắc Âu. Đức và Bắc Âu trở thành nguồn thu ngoại tệ chính của thành phố. Nhờ nỗ lực của Putin, tập đoàn Ngân hàng tài chính Dresden cũng bắt đầu đầu tư vào St Peterburg. Khi các doanh nghiệp Đức tiếp xúc với quan chức của thành phố, họ bị thuyết phục vì cách làm việc thẳng thắn của Putin nên đã hạ quyết tâm đầu tư vào đây. Ngân hàng lớn thứ ba của Pháp Credit Lyonnais đầu tư vào St Peterburg cũng là vì lí do tương tự.

Mặc dù Sobchak là thị trưởng thành phố nhưng ông không có hứng thú với việc này. Sobchak thường xuyên đi thăm nước ngoài hoặc là tới Moscow và các địa phương khác tham dự các cuộc họp. Dần dần, Putin nắm hầu hết các công việc hàng ngày của thành phố.

Sobchak vốn tính đa nghi, từ giáo sư pháp luật ở trường đại học lên tới Thị trưởng, ông đã phải vượt qua một con đường khá nhiều chông gai. Thêm nữa, những người quanh ông nếu không phải muốn thăng quan tiến chức thì cũng là vì lợi ích này lợi ích khác, vì vậy tính đa nghi của Sobchak càng thêm nghiêm trọng.

Sobchak chỉ tin một mình Putin, bất kể ông phụ trách công việc gì đều phê chuẩn ngay.

Về phần Putin, mọi công việc trong phạm vi chức trách, sau khi quyết định ông đều báo cáo lại với Sobchak. Putin cũng thường giải thích với người xung quanh rằng: “Việc này cần chờ chỉ thị của thị trưởng”.

Trước khi Putin giữ chức phó thị trưởng, mỗi khi Sobchak công cán bên ngoài, phó thị trưởng không được quyền thay mặt thị trưởng làm việc mà chỉ Putin mới có quyền làm việc đó.

Đầu năm 1992, Putin trở thành phó thị trưởng thành phố, đến năm 1993 ông kiêm luôn chức vụ Chủ tịch uỷ ban thường vụ thành phố St Peterburg. Năm 1994, ông là phó thị trưởng thứ nhất thành phố kiêm Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ thành phố.

Việc này đã khiến cho các cơ quan báo chí hết sức quan tâm, nhà báo hỏi Sobchak: “Sao ngài lại có thể coi trọng KGB đến vậy?”. Sobchak bực tức trả lời: “Putin không phải là KGB, anh ta là học sinh của tôi”.

Putin đã tạo lập được quan hệ hết sức mật thiết với Sobchak, đồng thời tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm quản lí hành chính, kinh tế và hoạt động ngoại giao. Do đảm nhận những chức vụ quan trọng như vậy, Putin có quan hệ tốt với cố vấn kinh tế của Sobchak là Anatoly Chubais.

Công việc của Putin liên quan tới cảnh sát, an ninh, tư pháp, biên phòng… và nhiều ngành khác. Ông còn có quan hệ với các tổ chức xã hội, khách sạn, sòng bạc, đại diện ngoại giao các nước…. Đó là những công việc vô cùng phức tạp. Quan hệ ngoại giao của ông rất rộng, ông thường lấy danh nghĩa đại diện cho Sobchak để đàm phán, sau đó về báo cáo với Sobchak rồi mới đưa ra quyết định.

Giới công thương nghiệp St Peterburg có công việc gì đều tìm Putin để nhờ giải quyết, thương gia nước ngoài coi việc đặt quan hệ với Putin là điều kiện để đầu tư vào St Peterburg.

Putin trở thành một nhân vật có ảnh hưởng và thực lực mạnh tại St Peterburg.

TƯ LIỆU VỀ BÃO TÁP THÁNG 12

Bóng đen phủ khắp bầu trời Nga

Cuộc đảo chính tháng 12 thúc đẩy nhanh hơn sự sụp đổ của Liên Xô. Litva đã độc lập, hai chính phủ hải ngoại của Ba Lan nhân cơ hội này cũng được thành lập. Các nước Ucraina, Belarut, Modova, Azecbaizan, Uzbekistan, Cuzgiztan, Tasgikistan, Armenia, cũng lần lượt tuyên bố độc lập.

Ngày 12 tháng 7 năm 1991, Tổng thống 3 nước gồm Nga, Belarut và Ucraina nhóm họp tại Minsk, tuyên bố “Liên bang Xô Viết và các chính thể quyền lực của nó chính thức không còn tồn tại”.

Ngày 25 tháng 12, Gorbachov chính thức từ chức Tổng thống Liên Xô. 7 giờ 20 phút tối ngày 25, Gorbachov bàn giao lại công tắc điện đầu đạn hạt nhân cho Yeltsin. Lá cờ kiêu hãnh của Liên Xô từ giờ phút ấy đã chính thức hạ xuống.

Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Liên bang cộng hòa Xô Viết tối cao thông qua một bản tuyên ngôn, chính thức tuyên bố nhà nước Xô Viết không còn tồn tại về mặt pháp lí. Bản tuyên ngôn nhận định: ” Đây không phải là điều vui mừng mà là một bi kịch, là dấu chấm hết của một đất nước vĩ đại”.

Khi đó Putin đang là Chủ tịch uỷ ban đối ngoại St Peterburg, phụ trách công việc thu hút đầu tư và tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài. Những người tiền nhiệm của ông phủ nhận Liên Xô, còn Putin cho rằng Liên Xô đã có “những thành công vĩ đại” nhưng chế độ Xô Viết đã không thể làm cho đất nước phồn vinh, nhân dân tự do.

Mặc dù công nhận điều này thật cay đắng nhưng con đường mà Liên Xô đã đi suốt gần 70 năm đã dẫn vào ngõ cụt.

Khi nhắc tới Liên Xô lần này, Putin đã trích dẫn một câu nói nổi tiếng: “Ai không đau lòng vì sự tan rã của Liên Xô, người đó là kẻ không có lương tri; ai không muốn phục hồi Liên Xô, người đó là kẻ không có đầu óc”.

Putin đã rời khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô, trở thành tín đồ cơ đốc tân giáo.

Cơ đốc tân giáo: ngôi nhà tinh thần của Putin

Chính giáo cùng với Thiên chúa giáo và Tin lành là ba nhánh tôn giáo chính, gọi tắt là Cơ đốc tân giáo.

Thế kỉ 15 khi Đế quốc Bizantin bị diệt vong, Giáo hội Cơ đốc tâm giáo của Nga và các quốc gia Xlavơ dần dần chuyển thành Đông Cơ đốc tân giáo.

Đặc điểm giáo lí của Đông Cơ đốc tân giáo là:

1, Chỉ tin theo những tín điều của Hội nghị Công hội lần thứ 7, không tin theo tín điều của các Hội nghị công hội sau này.

2, Không nhấn mạnh tới thuyết chuộc tội, bất cứ người nào tiếp nhận tín ngưỡng và chịu lễ rửa tội đều được chấp nhận là người trong tôn giáo.

3, Coi trọng sự sùng bái Thánh mẫu.

Sau khi sinh con trai vào năm 1952, bà Maria mẹ Putin đã mang con tới nhà thờ Cơ đốc tân giáo ở St Peterburg làm lễ rửa tội. Có thể nói khi còn nhỏ Putin đã từng là một tín đồ Cơ đốc tân giáo nhưng ông đã lớn lên trong môi trường vô thần, gia nhập Đảng Cộng sản và còn là nhân viên KGB nên khả năng trở thành tín đồ Cơ đốc tân giáo không còn. Sau này khi Liên Xô cũ trải qua những biến động to lớn, Putin đã thiếu niềm tin và chỗ dựa tinh thần vào tôn giáo.

“Nước mất núi sông vẫn còn”, thời gian tất phải trôi đi, con người ắt phải có chỗ dựa tinh thần nào đó để gửi gắm niềm tin. Làm lễ định kì là thói quen Putin có được khi làm việc tại St Peterburg. Đó cũng là chỗ dựa tinh thần mới của ông.

5. Đối diện với Kissinger

Putin thường tỏ ra hết sức nghiêm túc, ít nói, ít cười nhưng những người hiểu ông đều công nhận rằng, ông không những là người rất hài hước mà còn rất giỏi kể chuyện cười. Khi ở cùng bạn bè ông là người rất sôi nổi, vui vẻ.

Putin là người trọng tình bạn và có rất nhiều bạn bè. Rất nhiều người trong số họ là bạn của ông từ thời học đại học và làm việc cho KGB, quan hệ của ông và họ chưa từng thay đổi vì địa vị.

Putin nói chuyện bao giờ cũng thẳng thắn, ông ghét thói che giấu hoặc vòng vo không đi thẳng vào vấn đề.

Một đoạn đối thoại của Putin và Kissinger phản ảnh rõ phong cách của ông.

Khi Kissinger tới thăm St Peterburg, Putin là phó thị trưởng thứ nhất. Có lẽ vẻ mặt nghiêm túc và ưu tư của Putin đã khiến Kissinger cảm thấy hiếu kì. Kissinger hỏi Putin:

“Trước đây ngài làm việc ở đâu?”

Putin trả lời: “Uỷ ban quan hệ đối ngoại”.

Kissinger: “Trước đó nữa?”

Putin: “Xô Viết tối cao”.

Kissinger: “Trước đó nữa?”

Putin: “Đại học Leningrad”

Kissinger: “Trước đó nữa thì sao?”

Putin: “KGB”

Kissinger: “Ngài làm gì ở KGB?”

Putin: “Cục tình báo đối ngoại”

Kissinger: “Trong nước hay ở nước ngoài?”

Putin: “Nước ngoài”

Kissinger: “Nước nào vậy?”

Putin: “Đông Đức”

Từ đoạn đối thoại trên đây có thể thấy Putin không thích nói nhiều, hỏi cái gì trả lời cái đó và trả lời thẳng thắn không cần giấu giếm.

Putin là người rất tự tin, có ý chí kiên định và rất có chính kiến. Phong cách làm việc của ông đơn giản và rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, rất ghét dây dưa kéo dài. Đôi khi, ông còn có chút hơi thô bạo.

Putin tự cho rằng, ông không phải là người đam mê công danh quyền lực mà muốn thể hiện khả năng của mình. Giữa chốn quan trường, Putin không bao giờ có tư tưởng giậu đổ bìm leo, dù được dù mất cũng luôn giữ được sự bình thản. Putin hết sức trung thành với Yeltsin nhưng ngoài công việc hai người rất ít qua lại với nhau. Cho tới trước khi Putin được đề cử làm người kế nhiệm Yeltsin, hai người vẫn hầu như không có quan hệ cá nhân. Thậm chí tới khi biết Yeltsin đề cử mình làm ứng cử viên Tổng thống, Putin vẫn như không có chuyện gì xảy ra, không tỏ ra hứng thú cũng không từ chối, càng không có ý cảm ơn, chỉ ngồi im không nói năng gì khiến Yeltsin phải tới khuyên nhủ.

Putin vốn rất dũng cảm, dám mạo hiểm và thích thử thách mạo hiểm. Khi Putin mới làm Thủ tướng, ông thường không quan tâm đến an toàn cá nhân, đích thân đi xe tới tận mặt trận Chechnya. Giao thừa năm 2000, Putin và phu nhân tới mặt trận động viên bộ đội tác chiến, do thời tiết xấu, máy bay trực thăng cất cánh mấy lần không được, Putin quyết định chuyển sang dùng ô tô bất chấp khả năng có thể bị phục kích dọc đường.

Putin từng ngồi trên máy bay chiến đấu SU – 25, SU – 27 đi thị sát tình hình chiến trường Chechnya. Là lãnh đạo của một quốc gia, lại ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống mà Putin dám hành động như vậy thực khiến người ta khâm phục vô cùng. Có lẽ đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến thành công của ông.

6. Putin tạm dừng công việc chính trị

Đối với nhân dân St Peterburg, Sobchak không phải là người giữ chức vụ thị trưởng thực sự. Trong cuộc bầu cử thị trưởng năm 1996, Sobchak đúng là rất được tín nhiệm. Nhưng trong 6 năm làm thị trưởng, Sobchak đã đắc tội với rất nhiều người, hơn nữa thành tích làm việc cũng không tốt.

Putin phụ trách công việc tổ chức tranh cử cho Sobchak nhưng do thế bất lợi mà Sobchak tự mình tạo ra nên Putin cũng đành bất lực.

Tháng 5 năm 1996, Sobchak thất bại trong cuộc vận động tranh cử. Thị trưởng mới mời Putin ở lại tiếp tục làm việc, nhưng Putin cho rằng làm như vậy là phản bội Sobchak nên đã khéo léo chối từ.

Sau thất bại đó, gần như tất cả đều quay lưng lại với Sobchak, bạn bè cũ xa lánh ông ta, chỉ có Putin vẫn thân thiết với ông như trước. Sau này, khi địa vị của Putin dần được nâng cao, ông vẫn luôn giúp đỡ Sobchak ở Pari. Điều đó khiến Sobchak vô cùng cảm kích, ông nói: “Chúng tôi đã cùng làm việc 6 năm, nhưng Putin chưa từng chìa tay yêu cầu tôi điều gì”.

Năm 1999, sau khi Putin được bầu làm tổng thống Nga, sự khống chế và chỉ trích của chính phủ đối với Sobchak đã được chấm dứt.

Sobchak dốc toàn lực lo tổ chức hoạt động vận động tranh cử cho Putin, cũng giống như 3 năm trước Putin từng chạy ngược chạy xuôi giúp ông tranh cử thị trưởng St Peterburg.

Ngày 20 tháng 2 năm 2000, chỉ cách ngày bầu cử một tháng, Sobchak bị đột tử trong một khách sạn do một cơn đau tim đột ngột.

Ngày 24 tháng 2, bất chấp đe doạ tìm giết của quân khủng bố Chechnya, Putin vẫn đi từ Moscow tới St Peterburg tham dự lễ tang của Sobchak.

Cái chết của Sobchak được coi là sự kết thúc của một thời đại. Yeltsin từ chức, Sobchak qua đời là sự kết thúc giai đoạn đầu của quá trình cải cách ở nước Nga.

Putin và Anatoly Chubais lập thành “nhóm St Peterburg”, trong đó Anatoly Chubais là “người cha tinh thần” của nhóm.

Putin và Sobchak hoàn toàn không giống nhau. Sobchak hết sức căm ghét Lênin, căm ghét tới mức đổi tên thành phố Leningrad thành St Peterburg và chủ trương đưa thi hài Lênin ra khỏi lăng ở Quảng trường đỏ, triệt để phủ nhận Liên Xô nhưng Putin lại giữ một quan điểm khác, ông đã lập bia tưởng niệm tại quê cũ của Andropov.

Sobchak vô cùng đa nghi, chỉ tin có một mình Putin, chủ trương của Putin là ý thức cường quốc nhưng chủ trương của Sobchak lại là chủ nghĩa tự do và Tây hoá.

Quan điểm của hai người mâu thuẫn nhưng lại có quan hệ hết sức mật thiết với nhau. Điều đó chứng tỏ bản lĩnh của Putin.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.