Ai Che Lưng Cho Bạn

Bước 4: Mở rộng chiến lược đặt mục tiêu



Bill George, tác giả có sách bán chạy, cựu CEO của Medtronic, giáo sư kinh doanh tại Harvard, đã thực hành quan hệ hỗ tương với một nhóm đã nhiều năm. Bill nhận thấy nhóm đóng góp rất lớn nhiều năm trước đây trong quyết định rời tập đoàn công nghệ Honeywell để điều hành Medtronic, lúc đó là một công ty tương đối nhỏ.

“Tôi nghĩ mình bị cái tôi quá lớn lấn lướt khi tôi làm CEO nên rất khó khăn thừa nhận rằng không làm tốt tại Honeywell,” Bill nói. “Tôi thuộc tuýp người xây dựng; tôi đã dành bao nhiêu phần cuộc đời mình để xoay chuyển tình thế? Tôi nghĩ mọi người trong nhóm đã nhìn thấy rõ điều này và họ đã buộc tôi phải đối diện với nó. Họ rất vui vì cuối cùng tôi cũng đối mặt vấn đề, và họ khuyến khích tôi tìm đến một công ty nhỏ hơn. Họ chắc chắn đã cho tôi can đảm để thay đổi”.

Các cố vấn của Bill giúp ông nhìn thấy rằng trái tim ông dành hết cho công việc xây dựng công ty, chứ không phải là chắp vá, sửa chữa công ty. Nếu đó là mục tiêu của ông, nếu đó là những gì ông muốn làm, thì ông chưa thật sự làm đúng ước vọng và quyết tâm này tại Honeywell. Nhưng ông có thể làm được điều đó tại Medtronic. Nói ngắn gọn, những người xung quanh Bill có thể nhìn thấy quyết tâm, mục tiêu, điểm mạnh, điểm yếu – trong một góc độ khác với nhìn nhận của bản thân ông.

Tôi nhận thấy rằng khi nói đến đặt ra mục tiêu, cũng như mọi việc khác, hai cái đầu dẫu sao cũng tốt hơn một.

Hãy nghĩ đến việc đặt mục tiêu như là một kế hoạch chiến lược cho Mình, Inc. Hãy làm theo bài học của những công ty giỏi nhất, họ biết rằng mình cần có một nhóm người để xác định họ sẽ đi về đâu – không ai có thể làm việc này một mình. Các công ty vĩ đại bao giờ cũng có một quá trình hoạch định chiến lược bao gồm người ngoài, người trong, nhà nghiên cứu thị trường, và nhiều người khác nữa. Bạn cũng nên như thế! Tôi không thể kể hết đã bao nhiêu lần nhóm đã giúp tôi nhắm đúng mục tiêu mà nếu không tôi đã chẳng hề nhìn thấy, đừng nói chi đến đạt được. Và tôi vốn là một anh chàng lúc nào cũng đặt trọng tâm vào việc đề ra mục tiêu từ khi còn là một cậu bé.

Rất nhiều người thành công, có danh vọng đều cần được giúp đỡ để thiết lập con đường đi, bao gồm mục tiêu hàng năm, hàng quý, hàng tháng, hàng tuần, để đạt bất cứ mục tiêu nào. Thiết lập và sắp xếp thứ tự ưu tiên chi tiết các kế hoạch chính là “thực hiện chức năng lãnh đạo”. Một số người được trời phú khả năng này, một số khác thì không. Chúng ta có thể đưa ra những ước mơ bay bổng, nhưng nếu chúng ta không thể định hướng chúng thành một chuỗi hành động liền mạch, thì chúng rồi sẽ tan như mây. Nếu bạn là người nhìn chung biết mình muốn đi về đâu nhưng chưa bao giờ đến được đúng nơi, đừng tuyệt vọng – bạn chỉ cần một người có kỹ năng hoạch định giỏi để giúp bạn. (Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng có rất nhiều nhà lãnh đạo và nhà tư tưởng hàng đầu vẫn cần đến cái mà tờ báo New York Times gọi là “CEO của trí óc” để cung cấp cho họ những kỹ năng thực hiện chức năng lãnh đạo mà họ còn thiếu).

Và một khi bạn đã có kế hoạch hành động, bạn cần đến những đối tác hỗ trợ để giúp bạn tập trung vào những nhiệm vụ chính, đặc biệt là trong thế giới đầy những thứ làm bạn xao nhãng này.

Các sắc thái của mục tiêu

Bí mật xấu xa bị che đậy của vấn đề đặt mục tiêu là nó có thể mang đến hiệu quả ngược. Có nhiều dạng mục tiêu khác nhau, và việc không hiểu rõ sự khác biệt này có thể làm tổn hại đến suy nghĩ về tương lai của bạn.

Có những mục tiêu, gọi là “mục tiêu kết quả”, chỉ một kết quả nhất định, giống như một hũ vàng ở cuối cầu vồng. Tiến sĩ Rob Dirksen có lần kể với tôi rằng một trong những mục tiêu của ông là kiếm được một số tiền nhất định mỗi năm. Điều này cũng tốt, và là một thước đo hợp lý. Nhưng đối với tôi, quan trọng hơn rất nhiều là cách phát triển một quá trình và kế hoạch để giúp bạn đạt được số tiền đó trong một thời gian nhất định. Nói cách khác, bạn nên nghĩ đến chiếc cầu vồng, chứ không chỉ là hũ vàng kia.

Tôi khuyên bạn không chỉ đặt ra một mà phải là hai dạng mục tiêu khác nhau: mục tiêu kết quả và mục tiêu học tập. Và nhóm của bạn có thể giúp trong cả hai mục tiêu này.

Mục tiêu kết quả thường được chúng ta nghĩ như là đích đến. Chúng chính là những cái hũ vàng: Kiếm được việc làm. Được thăng chức. Đạt chỉ tiêu doanh số. Đi nghỉ hè ở Kenya. Lập gia đình. Giảm mười cân. Tất cả chúng đều đưa ra một kết quả sau cùng rất cụ thể.

Mục tiêu học tập, ngược lại, nhấn mạnh nhiều hơn đến thu nhận kỹ năng mới, kiến thức mới để mở rộng và thúc đẩy kỹ năng và nghề nghiệp vươn lên phía trước.

Mục tiêu học tập và mục tiêu kết quả

Bạn cảm thấy khó phân biệt hai dạng mục tiêu này? Sau đây là một số ví dụ:

Mục tiêu kết quả                                      Mục tiêu học tập

Giảm 5 cân                                                   Học cách nấu ăn tốt cho sức khỏe hơn

Tăng số lượng người truy cập                  Tìm năm chiến thuật marketing

50% mới

Học cách giới thiệu sản phẩm hay
Tăng doanh số 10%
nhất

Một câu chuyện về trợ lý Data của tôi có thể giúp bạn phân biệt hai dạng mục tiêu này. Data muốn, theo cách nói của anh ấy, “bụng nổi múi”. Anh chàng hơi gầy, đến từ Midwest, và khi chuyển sang sinh sống tại Nam California, anh ta buộc phải suy nghĩ lại về thể trạng của mình. (Tôi có nói là Data còn độc thân chưa nhỉ? Có thể đây mới là lý do chính).

Dẫu sao, Data cũng dành hàng tháng trời đi tập thể hình, nâng tạ một mình, tưởng tượng ra ngày cơ bắp của mình cuồn cuộn đẹp như Hoa Vương. Anh ta không gặp may mắn lắm, vì anh ta chỉ dám nâng những quả tạ nhẹ bỗng mà thôi. Vì thế tôi gọi anh ta vào và dạy anh ta một số kỹ thuật nâng tạ (tập tạ cũng là thú vui của tôi, và tôi biết Data cũng thích cách tiếp cận theo kiểu phân tích). Theo những gì anh ta kể, tôi đoán anh ta quá tập trung vào mục tiêu kết quả (cơ bắp lực lưỡng) mà quên mất rằng anh ta phải học trước khi đạt được mục tiêu này.

Sau hai giờ, tôi đã giúp anh ta thiết lập một bảng mục tiêu mới. “Tôi muốn bụng nổi múi” trở thành “Tôi muốn học cách tốt nhất, hiệu quả nhất để săn chắc cơ thể”. Trong vòng vài tuần, anh ta đã nắm được mình phải làm gì và tiến bộ rõ rệt trên con đường tìm kiếm cơ bắp thật sự.

Data cần cả hai dạng mục tiêu – mục tiêu kết quả để làm động lực thúc đẩy bản thân, và mục tiêu học tập để giúp anh ta tập trung vào những hành động nào có thể đưa anh ta đến kết quả. Mục tiêu kết quả có tính thu hút rất cao – hãy nghĩ đến những lời hứa đêm Giao thừa! Nhưng nếu không có cách tiếp cận đúng đắn chúng có thể gây hại cho chúng ta.

Khi FG mới bắt đầu triển khai chiến lược mạng, mục tiêu của chúng tôi là thu hút được 100.000 người đăng ký vào danh sách nhận email Bí quyết trong tuần. Nhưng bằng cách nào? Và tại sao lại là 100.000? Đây là một mục tiêu tham vọng, dĩ nhiên rồi, nhưng là một mục tiêu tùy hứng và không có những cột mốc cụ thể để hỗ trợ nó. Chúng tôi không hề biết là mình không biết, và trong một thời gian dài tất cả những gì nó mang đến cho chúng tôi là sự căng thẳng.

Cuối cùng chúng tôi tìm đến những chuyên gia khác trong lĩnh vực này và đánh giá lại chiến lược của mình. Chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi thật ra muốn có một nhóm người đa dạng, tham gia tích cực để tận dụng được nội dung trên mạng của trang web và cơ hội giao tiếp với nhau.

Nói ngắn gọn, tôi nhận thấy rằng số lượng người đăng ký chỉ là một thước đo của một mục tiêu kết quả lớn hơn, quan trọng hơn: xây dựng cộng đồng trên mạng. Để đạt được mục tiêu này trong vòng một năm, tôi đặt ra một loạt những mục tiêu học tập: tìm hiểu xem mọi người muốn đọc nội dung gì trên mạng, xác định đúng công nghệ và mô hình áp dụng, và trên hết là tìm được đối tác để giúp chúng tôi xây dựng và giới thiệu một trang web cộng đồng. Ba mục tiêu học tập, một mục tiêu kết quả, và sau một năm tôi không khỏi tự hào trước trang web GreenlightCommunity.com. Bạn cứ thử truy cập vào xem!

Mục tiêu kết quả là niềm động lực rất lớn. Mặt trái của nó là nếu không được đặt ra một cách phù hợp, nó có thể làm bạn choáng ngợp và đôi khi còn làm bạn yếu đi nếu chẳng may bạn không đạt được. Những người quá chú trọng vào mục tiêu kết quả thường có khuynh hướng rút lui và đạt kết quả kém hơn khi gặp trở ngại.

Ngược lại, những người đặt mục tiêu học tập, theo một nghiên cứu của Tiến sĩ Carol Dweck và Tiến sĩ Heidi Grant tại Đại học Stanford, sẽ đối đầu thực tế tốt hơn, giữ vững tinh thần, và đạt kết quả tốt hơn khi gặp những trở ngại không thể tránh khỏi.

Kéo giãn mục tiêu

Hiểu được sự cần thiết phải suy nghĩ theo từng bậc (mục tiêu học tập) không có nghĩa là bạn phải tránh xa những mục tiêu BHAG (big, hairy, audacious goals – to tát, kích động, táo bạo – mượn cụm từ của tác giả nổi tiếng Jim Collins) vốn mang đến cho cuộc sống chút tham vọng. Đồng nghiệp Peter Roche của tôi, đến từ Peter Roche Group, gọi đây là “kéo giãn mục tiêu”.

Một lần Peter đang tư vấn cho một công ty với một thương hiệu hàng tiêu dùng nổi tiếng muốn tăng doanh số bán hàng. Peter nói: “Nào, từ bao nhiêu lên bao nhiêu, và trong khoảng thời gian bao lâu?”

Ban lãnh đạo công ty cho biết họ đang tăng trưởng với tốc độ trung bình 5% mỗi năm trong vòng một thập niên qua. “Nếu chúng tôi có thể đưa nó lên 6 hay 8% thì tuyệt quá”.

“Như vậy có phải là kéo giãn không? Như vậy có cần đột phá không?” Peter hỏi.

“Không, nhưng chúng tôi nghĩ mình có thể làm vậy”.

“Trong trường hợp đó,” Peter trả lời, “đây không phải là cuộc nói chuyện mà tôi muốn thực hiện. Tôi muốn nói về những gì các anh muốn và cần phải đột phá”.

Peter quay lại và nói chuyện với tất cả các nhóm làm việc của họ. Một điều rõ ràng là họ quyết tâm biến nhu cầu đối với sản phẩm thành doanh số bán và mang nó đến với thêm nhiều người hơn nữa. “Khi họ tính toán được sẽ có thêm bao nhiêu người, họ nói ‘Anh biết không, chúng tôi quyết tâm đạt tăng trưởng 50%.’ Điều này rõ ràng đã buộc ban lãnh đạo và công ty phải thừa nhận rằng họ cần phải tạo ra sự thay đổi hoàn toàn trong cách vận hành. Đội ngũ bán hàng có quyền nói rằng họ không thể đạt đến hiệu năng này chỉ với một vài thông tin hay bằng cách làm việc chăm chỉ hơn. Họ cần một sự chuyển đổi. Và đây chính là điều họ đang làm hiện nay”.

Nhờ kéo giãn khái niệm thành công của mình, công ty hiện nay đang rất phấn khích cùng nhau chung sức để làm thay đổi toàn bộ thị trường cho sản phẩm của họ. Ngay cả khi họ không đạt được đến mục tiêu là 50% tăng trưởng doanh số, họ cũng thành công trong việc mở rộng thị trường.

Đối tác hỗ trợ của bạn có thể giúp bạn kéo giãn ý nghĩ về những gì có thể đạt được đối với bạn.

Với mục tiêu kết quả, thất bại không tồn tại

Trong quá trình thiết lập và thực thi mục tiêu, dĩ nhiên bạn sẽ phạm một vài sai lầm. Điều này là một phần của quá trình học tập. Không một ai thẳng tiến đến sự nghiệp tham vọng hay kế hoạch cuộc đời mà chưa từng trải qua những vấp váp hay bước lùi (Cứ tin tôi đi!) Nhưng một khi bạn chuyển sang tập trung vào những mục tiêu học tập, ý niệm “thất bại” không còn phù hợp nữa. Khi bạn liên tục học tập từ những gì bạn làm, thất bại bắt đầu mất dần ý nghĩa. Hãy nghĩ đến trường hợp của Data: Ngay cả khi anh ta nâng tạ nhiều năm liền, anh ta cũng chưa hẳn đạt đến mục tiêu kết quả của mình là tăng thêm 5cm cho cơ bắp. Sự phát triển cơ bắp này có thể không phù hợp với thể trạng của anh ta. Nhưng nếu mục tiêu kết quả của anh ta là học được chiến lược nâng tạ tốt nhất hiện có để gia tăng sức mạnh và sức bền, cách duy nhất anh ta có thể thất bại là chỉ khi anh ta hoàn toàn bỏ cuộc.

Biến mục tiêu hành động của họ thành mục tiêu của bạn

Trong vai trò nhân viên, đa số chúng ta đều quá quen thuộc với những mục tiêu kết quả như: “Bán được X sản phẩm, bạn sẽ nhận được Y tiền thưởng”. Mục tiêu dạng này thường làm chúng ta khó chịu nhiều hơn là động viên vì chúng ta cảm thấy mình bị đổ lên đầu. Một cách chắc chắn để làm nản lòng nhân viên là không khen ngợi hay công nhận quá trình học hỏi và hoàn thiện họ đã đạt sau mỗi dự án.

Thiết lập mục tiêu học tập cho cá nhân (thậm chí đề nghị cấp trên đưa nó thành một phần chính thức của công ty) để hỗ trợ những mục tiêu kết quả được giao có thể giúp chúng ta cảm thấy thêm sức mạnh. Chúng ta giờ đây có thể sở hữu những mục tiêu trước kia vốn thuộc về công ty, bởi vì chúng đã trở thành công cụ giúp chúng ta tự hoàn thiện mình. Hãy xem nó như một cách tìm những phúc lợi nằm ngoài công việc.

Thử tưởng tượng một nhân viên bán hàng, Judy chẳng hạn, đã quyết định đưa mục tiêu cá nhân vào mục tiêu công ty – học ba kỹ năng bán hàng mới từ những người giỏi nhất trong công ty để đạt doanh số đề ra. Mục tiêu cuối cùng của cô ấy vẫn là phải bán được 1.000 món hàng. Nhưng giờ đây, ẩn bên dưới mục tiêu này, là một mục tiêu cá nhân khác mà Judy muốn đạt đến. Tôi tin rằng nếu công ty khuyến khích sự quyết tâm hoàn thiện, họ sẽ công nhận thành công của Judy đối với cả hai mục tiêu. Tuy nhiên, nếu họ không nhìn thấy thì những kỹ năng mới của Judy cũng sẽ giúp cô có được một sự nghiệp tốt đẹp hơn trong cuộc đời.

Và đừng phạm sai lầm khi cho rằng mục tiêu nghề nghiệp lâu dài của bạn không nhất thiết phải trùng hợp với công việc hiện tại. Tôi biết có nhiều người tôi gặp đang làm những công việc thoạt nhìn không liên quan gì đến sự nghiệp mà họ muốn xây dựng cả. Nhưng như những người thành công nhất ngoài kia đều hiểu, mọi thứ đều có liên hệ với nhau! Khi bạn phải tung hứng giữa đời sống cá nhân và công việc, hãy cố gắng kết hợp cả hai với nhau, đừng cố gắng tìm sự cân bằng! Tôi hết sức khuyến khích mọi người tìm cách kết hợp những yêu cầu trong công việc hàng ngày với mục tiêu về lâu dài của họ bằng một cách mà tôi gọi là “phác họa” – sắp xếp mục tiêu công việc hiện tại để chúng phục vụ mối quan tâm lâu dài của cá nhân.

Phác họa cho phép bạn mang 100% đam mê của mình vào công việc; đồng thời nó cũng gia tăng đáng kể năng lượng bạn dành cho công việc hôm nay. Nhờ vậy, nó giúp bạn đạt kết quả tốt hơn – ai cũng chiến thắng cả! Bạn có nhất thiết phải nói với mọi người về mục tiêu dài hạn của bạn không? Không. Bạn chỉ việc làm theo ý mình thôi. Nhận một mục tiêu mà người ta trao cho bạn, và biến nó thành một mục tiêu học tập phục vụ lợi ích bản thân. Hoặc gọi cho một người bạn thân và nói: “Này, tôi đang cố gắng tìm cách biến những mục tiêu công việc hàng ngày thành một cái gì đó có ích cho sự nghiệp tương lai. Đây là mục tiêu hiện tại trong công việc. Còn đây là mục tiêu dài hạn trong cuộc đời của tôi. Bạn giúp tôi được không?” Nhà tuyển dụng cũng được lợi từ sự quyết tâm cao của nhân viên.

Mục tiêu học tập là một công cụ tuyệt vời khi “phác họa”. Khi Judy viết lại doanh số bán hàng thành mục tiêu trở thành người bán hàng giỏi, cô đã chuyển trọng tâm sang sự phát triển cá nhân. Chúng ta thông thường sẽ đầu tư nhiều hơn vào những nhiệm vụ hàng ngày (và thành công hơn với những nhiệm vụ này) nếu chúng ta cảm thấy chúng có liên hệ trực tiếp với mối quan tâm cá nhân. Nếu bạn không thể tìm được cách đưa công việc hiện tại phục vụ mối quan tâm lâu dài, nghĩa là bạn chưa đủ sức sáng tạo hoặc bạn đang làm không đúng công việc. Hãy dành công sức sắp xếp các mục tiêu cho phù hợp!

Viết “thông cáo báo chí” cho mục tiêu của bạn

Chỉ riêng quá trình thông tin các mục tiêu của bạn đến những đối tác hỗ trợ, hoặc bất cứ ai khác, cũng đủ để giúp bạn đạt chúng.

• Chia sẻ mục tiêu của bạn với mọi người buộc bạn phải làm sáng tỏ tầm nhìn của mình.

• Đối tác hỗ trợ của bạn sẽ có thể chỉ ra những điểm yếu trong kế hoạch mà bạn có thể không nhìn thấy.

• Thông tin về mục tiêu không chỉ là nói với người khác về những gì bạn sẽ đạt được – thực ra đây chính là nói với bản thân bạn, lặp đi lặp lại nhiều lần, cho đến khi bạn tin tưởng hoàn toàn vào nó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.