Ai Che Lưng Cho Bạn

Đặc điểm tư duy 1 – Quảng đại



Cách đây nhiều năm, tôi được mời đến tham dự “Date with Destiny”, một hội thảo kéo dài năm ngày của bậc thầy về hoàn thiện bản thân Tony Robbins. Tôi vẫn luôn ngưỡng mộ Tony, từ kỹ năng kinh doanh lẫn kiến thức chuyên môn về thay đổi hành vi con người. Tôi đã từng là học trò của những quyển sách và bài thu băng của ông, vì tại FG chúng tôi tìm kiếm đa dạng các hình thức sáng tạo để thay đổi và hoàn thiện môi trường hành vi tổ chức. Vì vậy khi Tony mời tôi tham gia, tôi gật đầu một cách đầy háo hức.

Đối với tôi, thông điệp trọng tâm của buổi hội thảo này được gói gọn trong một câu hỏi đơn giản nhưng mạnh mẽ: Câu hỏi chủ đạo của bạn là gì?

Trước khi tham dự buổi hội thảo, tôi chưa bao giờ nghĩ là mình có một “câu hỏi chủ đạo”. Nhưng như Tony giải thích, tất cả chúng ta đều có một câu hỏi chi phối cuộc đời mình – một câu hỏi luôn nằm lẩn quất đâu đó, tác động lên ý thức và tiềm thức của chúng ta. Trong số những câu hỏi tôi nghe được từ những người tham dự, có những câu như “Tôi đã làm gì sai?” “Tại sao người ta phải giúp tôi?” “Tại sao tôi không thật sự giỏi?” “Người ta nghĩ gì về tôi?” “Tôi đã làm gì để xứng đáng được nhận những thứ này?” và “Bao giờ thì cuộc đời tôi mới khá hơn?” Bất kể câu hỏi của chúng ta là gì, như Tony nói, nó đều thúc đẩy tình cảm, hành vi, phản ứng của chúng ta, và có thể nói là định hình nhân cách chúng ta.

Câu hỏi chủ đạo của tôi, như tôi nhận thấy, đó là “Tôi có an toàn không?” Đa phần cuộc đời tôi, tôi luôn bị thôi thúc tìm kiếm một tấm lưới an toàn. Tôi diễn dịch câu hỏi này thành sự an toàn về tài chính và nhu cầu cấp thiết phải chứng minh bản thân trước mọi người, cũng là do tuổi thơ bấp bênh của tôi lớn lên bên cạnh những người giàu có mà tôi thấy mình không bằng một góc của họ. Tại buổi hội thảo tôi lo sợ nếu thừa nhận vấn đề này tôi sẽ bị xem là người yếu đuối hoặc vẫn níu chặt vào những vấn đề tuổi thơ. Nhưng khi những người khác trong phòng bắt đầu trình bày câu hỏi chủ đạo của họ, tôi nhận thấy đa số những vấn đề này đều mang tính căn cơ và bám rễ – đối với tất cả mọi người. Tôi cảm thấy mình bớt cô độc hơn.

Khi lắng nghe lời giảng của Tony, tôi nhận thấy những nhu cầu này không còn là định mệnh chi phối mình nữa – tôi đã đạt thành công ở mức khá cao. Tôi có thể trả tiền hóa đơn hàng tháng, và còn hơn thế nữa. Tôi cần phải tập trung vượt qua cái mà tôi gọi là “tư duy thiếu hụt” và ngừng cố gắng chứng minh bản thân trước mọi người. Nếu tôi làm được việc này sớm hơn trong sự nghiệp, tôi có thể đã leo cao hơn và nhanh hơn.

Bước đột phá lớn nhất xảy ra đối với tôi khi tôi tự hỏi bản thân mình một cách thẳng thắn: “Điều gì mang đến cho cuộc đời tôi thành công tột đỉnh và sự thỏa mãn cao nhất?” Khi tôi nghĩ đến những khách hàng trung thành nhất của mình – những người tôi đã phục vụ lâu nhất – tôi nhìn thấy rõ ràng đó là những khách hàng tôi mang đến giá trị cao nhất. Thời khắc yêu thích của tôi là gì? À, đó là khi tôi chậm lại một nhịp và làm cho ai đó đang ở quanh tôi cảm thấy yêu công việc họ đang làm hơn, hay quý những tác động họ đang tạo ra, hay hài lòng với những tiến bộ họ đạt được cho dự án. Đó là những thời khắc tôi cảm thấy hài lòng nhất về bản thân mình – vẹn toàn và thành công.

Đến khi buổi hội thảo kết thúc, tôi quyết định càng tập trung hơn vào nỗ lực đóng góp vì người khác. Tôi vẫn luôn tin tưởng rằng tinh thần quảng đại này là cách giao tiếp với mọi người; thật sự, nó chính là tâm điểm của Đừng bao giờ đi ăn một mình. Nhưng tôi nhận thấy mình cần phải vận dụng nó một cách trọn vẹn hơn và mạnh mẽ hơn trong công việc cũng như trong đời sống hàng ngày. Vâng, tôi đã bắt đầu cho đi theo nhiều cách khác nhau. Nhưng tôi nhận thấy những đóng góp này cần phải là trung tâm của cuộc đời và công việc của tôi.

Làm thế nào tôi đóng góp vì người khác mỗi ngày, trong mọi cuộc họp với nhân viên, hay giao tiếp với khách hàng? Làm thế nào tôi sử dụng tài năng của mình để phục vụ người khác?

Tôi có gì để cho đi?

Rất nhiều người muốn sống quảng đại nhưng lại không dám chắc mình có gì để cho đi.

Nhưng thật ra chúng ta ai cũng có một cái gì đó để cho đi. Viktor Frankl, nhà tâm lý học và thần kinh học người Áo đã qua đời, là một người sống sót sau trại tập trung của Đức quốc xã, đã trình bày trong quyển sách kinh điển của mình Man’s Search for Meaning, rằng ông đã từ chối suy nghĩ như một nạn nhân, ngay cả sau khi ông bị chia lìa khỏi vợ và cha mẹ (cả ba người sau đó đều mất trong trại tập trung). Điều này ông đạt được là nhờ những hành động đơn giản liên tục thể hiện sự quảng đại. Nếu Frankl bắt gặp người nào đói hơn ông, ông đều san sẻ phần bánh mì vốn đã ít ỏi. Trong suốt những năm tù đày, ông đã bí mật tư vấn cho những người bạn tù nản lòng chỉ muốn tự sát. Nhờ tìm đến với người khác, ông đã giữ vững được phẩm giá trong giai đoạn cùng cực mà đa số chúng ta không thể tưởng tượng nổi.

Nếu quảng đại vẫn sống sót được trong trại tập trung, chắc chắn chúng ta có thể áp dụng vào cuộc đời mình. Tất cả chúng ta đều có cái này hay cái khác làm tiền tệ chia sẻ với mọi người.

Có rất nhiều dạng tiền tệ chuyên biệt, nhưng có hai dạng có thể áp dụng rộng rãi và đầy uy lực, đó là tiền tệ tổng quát và tiền tệ cá nhân.

Tiền tệ tổng quát

Tiền tệ tổng quát muốn nói đến khả năng tự nhiên của con người có thể nối kết với người khác, bất kể người đó là ai và ta là ai. Chúng ta đều có thể tạo sự thân thiết với một người khác bằng cách lắng nghe, đồng cảm, và quan tâm. Chúng ta ai cũng có thể đóng vai một người đồng nghiệp sẵn sàng dành thời gian đi lấy tách cà phê hay kết nối sâu sắc hơn với khách hàng, nhân viên, người đồng cấp. Sự nhạy cảm, duyên dáng, và khả năng kể chuyện cười – chúng ta đều có chung một loại tiền tệ tổng quát để nuôi dưỡng và chia sẻ.

Tiền tệ tổng quát còn có thể bao gồm sự khuyến khích, vô cùng cần thiết để tạo dựng những mối quan hệ cứu sinh giúp bạn phát huy hết tiềm năng. Tôi đã nhiều lần chứng kiến sự động viên khuyến khích của một người đồng đẳng làm nên sự khác biệt giữa thành công hay thất bại của một người. Nó cũng cần thiết để xây dựng không gian an toàn, nơi chúng ta có thể lắng nghe và chia sẻ những lời phê bình mà không hề e ngại.

Tiền tệ tổng quát cũng giống như thẻ tín dụng, có ích ở khắp mọi nơi. Bạn sẽ học cách gia tăng nó trong phần sau, “Tám bước tiếp cận sự thân tình”.

Wendy Scalzitti, nhà môi giới bất động sản

Khi tôi đang viết quyển sách này, mọi thứ đang không mấy suôn sẻ đối với những nhà môi giới bất động sản, nhất là trong những khu vực gặp khó khăn kinh tế như vùng tây nam Pennsylvania, nơi tôi sống hồi nhỏ. Wendy Scalzitti là bà con bên vợ tôi, chuyên bán nhà tại khu vực thị trấn Jeanette có nhà máy thủy tinh cũ, dân số chỉ chừng mười ngàn người. Chị ấy biết rõ hơn ai hết những khó khăn thuyết phục người khác mua nhà, đừng nói chi đến kiếm đủ tiền để sống thoải mái. Thực tế Wendy đã khá mất tự tin cách đây vài năm trước khi chị gặp Natalie, một nhà môi giới mới trong công ty.

“Bàn làm việc của chúng tôi ở gần nhau, và thế là chúng tôi thân nhau,” Wendy nói. “Một ngày kia tôi đã gần thuyết phục được khách hàng và tôi chỉ cần phải quay lại văn phòng ký một số giấy tờ, nhưng bà tôi lại vừa mới mất. Tôi gọi Natalie từ nhà tang lễ và nói: ‘Natalie, chị làm giúp tôi việc này được không?’ Chị ấy tiếp tục công việc dở dang của tôi, tiếp chuyện khách hàng, ký hợp đồng, và kết thúc thương lượng. Chị ấy không lỡ một nhịp nào hết”.

Không lâu sau thì Wendy và Natalie bắt đầu làm việc chung một cách chính thức – nghĩa là không chỉ tìm cách sang tay nhiều nhà hơn nữa, mà còn khuyến khích, động viên và buộc mỗi người phải biết chịu trách nhiệm để trở thành nhà môi giới giỏi hơn. Họ không cạnh tranh với nhau; thay vào đó, họ bổ khuyết cho nhau. Như Wendy đã nói, “Tôi là người rất tỉ mỉ trong khi Natalie thì lại không như thế. Ngược lại, Natalie thúc đẩy tôi vượt qua nỗi sợ phải thực hiện những cuộc gọi chào hàng. Một trong những câu yêu thích của chúng tôi là ‘Mình đang che lưng cho cậu đây.’”

Sau khi liên kết với nhau, Wendy và Natalie bán được nhiều nhà hơn so với khả năng của từng người riêng lẻ. Họ là một đội không chính thức. Và họ làm việc với nhau vui vẻ hơn nhiều. “Trong nghề này, nếu bạn không cười thì bạn phải khóc,” Wendy nói. “Có ngày chúng tôi để hỏng ba vụ lớn, ngay trước lễ Giáng sinh. Chúng tôi ngồi trong văn phòng và chỉ biết kể chuyện cười về vụ này. Còn làm gì khác được nữa đâu? Con gái tôi nói: ‘Hai người làm như thể đang vui lắm vậy!’ Và tôi nói: ‘Con à, nếu chúng ta không vui thì cả tuần đau khổ còn dài hơn nữa.’”

Tiền tệ cá nhân

Để khám phá tiền tệ cá nhân của bạn, đừng nhìn vào trong – điều đó không dễ dàng đối với nhiều người. Thay vào đó, hãy nhìn về phía trước. Tiền tệ cá nhân đòi hỏi bạn phải tìm hiểu những người khác cần gì để cảm thấy hạnh phúc trong mọi khía cạnh cuộc sống, và sau đó nghĩ xem bạn có thể giúp gì để họ đạt đến đích. Đó có thể là kiến thức chuyên môn của bạn, khả năng giải quyết vấn đề của bạn, mạng lưới mối quan hệ của bạn, đai đen judo của bạn, hay chỉ đơn giản là khả năng suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống.

Để suy nghĩ một cách xây dựng và sáng tạo về tiền tệ cá nhân, hãy nghĩ đến một người mà bạn muốn giúp đỡ bằng Bánh xe Thành công Cá nhân mà tôi giới thiệu ở phần sau. Nó chia thành công cá nhân thành sáu lĩnh vực khác nhau: mối quan hệ cá nhân, sự nghiệp, tài chính, sức khỏe, tri thức, tâm linh, và đóng góp xã hội. Thử suy nghĩ xem bạn biết gì về người đó – và tìm cách đặt câu hỏi để tìm hiểu thêm – để xác định cách giúp đỡ họ.

Khi tôi giới thiệu với một người Bánh xe Thành công Cá nhân, họ thường nhận ra rằng họ có nhiều tiền tệ cá nhân để trao đổi hơn họ tưởng. Liệu bạn có thể đứng ra làm chứng đúng ngay lúc họ cần trước mặt sếp để củng cố thêm vị thế của họ trong công việc? Bạn có thể cho một người bạn mới mượn một quyển sách ít người biết đến về một đề tài cả hai cùng quan tâm? Bạn có thể giới thiệu một bác sĩ giỏi, sẵn lòng làm người tập thể dục chung, hay mời người đó đến một buổi họp đạo chung?

Bí quyết tối ưu tiền tệ cá nhân là thiết lập mối quan hệ đủ thân thiết với người khác để họ sẵn sàng chia sẻ ước mơ và nguyện vọng với bạn cũng như những vấn đề đang cản trở họ – còn cách nào khác nữa để bạn biết họ cần gì nhất?

Khi tôi gặp Bob Kerrigan, Bob cũng đang đứng giữa ngã ba đường của đời mình – cân nhắc giữa tham gia việc công ích, viết sách, hay trở thành diễn giả. Tình cờ thì đây đều là những lĩnh vực mà tôi có kinh nghiệm và có thể đưa ra lời khuyên cho thành công trong nghề nghiệp của ông.

Ngược lại, Greg Seal đang sinh sống tại San Francisco và sắp về hưu. Ông ấy không còn cần đến những lời khuyên về nghề nghiệp nữa. Đối với Greg, sự thỏa mãn, như ông nói với tôi sau này là được tặng quà cho cuộc đời bằng cách đưa ra những lời khuyên giá trị cho những người ông quan tâm – và mang đến cho ông cả sự thử thách tri thức – một việc không nhỏ đối với một người sắp về hưu. Bài toán giúp tôi thu xếp công việc của mình là một món quà to lớn, Greg nói với tôi. Nó cho ông “cơ hội để tiếp tục học hỏi và trưởng thành, và được làm việc với những người tài năng thông minh khác”.

Tôi không phải là người tư vấn hôn nhân, nhưng tôi đã chứng kiến loại tiền tệ này được sử dụng trong những cuộc hôn nhân tốt đẹp nhất mà tôi biết. Ví dụ, tôi rất ngạc nhiên trước sự hỗ trợ qua lại vững chắc giữa hai người bạn của tôi là Tiến sĩ Mehmet Oz và vợ ông, Lisa.

Mehmet là tác giả của hàng loạt những quyển sách thuộc hàng bán chạy và là giáo sư giải phẫu tim tại Đại học Columbia, nhưng có lẽ được biết đến nhiều nhất vì những lần xuất hiện trên chương trình truyền hình của Oprah Winfrey. Bản thân Lisa cũng có sự nghiệp thành công không kém, là một tác giả có sách bán chạy và nhà làm phim độc lập. Mặc dù Mehmet và Lisa đã có với nhau vài mặt con, họ vẫn đối xử với nhau như thể ngày nào cũng là ngày hẹn hò đầu tiên.

Điều ngạc nhiên hơn là họ hoàn toàn ủng hộ nghề nghiệp và mối quan tâm của nhau. Dự án đầu tiên của họ, một quyển sách, đã được chuyển thành một chương trình truyền hình nhiều tập trên kênh Discovery, trong đó Mehmet làm người dẫn chương trình và Lisa làm giám đốc sản xuất. Từ đây phát sinh thêm nhiều chương trình tiếp theo cũng cực kỳ thành công, và mặc dù Lisa không còn trực tiếp tham gia nữa, cả hai vẫn tiếp tục trao đổi ý kiến với nhau.

Qua câu chuyện này, phải nói là tôi rất ngạc nhiên khi thấy có rất ít người trông đợi người bạn đời của họ sẽ giúp đỡ theo những cách mà tôi đang đề cập.

Tiền tệ của tôi có dùng được không?

Mọi người thường hỏi tôi liệu đối tác hỗ trợ có cần phải ngang tuổi nhau không. Dựa trên mối quan hệ của tôi với Greg, câu trả lời của tôi là không. Cá nhân tôi thích làm việc với những người trẻ tuổi mới bắt đầu sự nghiệp. Và tôi có những người trẻ hơn làm người đỡ đầu cho tôi trong những lĩnh vực chuyên môn của họ, như xây dựng mạng lưới trên thế giới web, hay đơn giản chỉ trong những lĩnh vực họ có khiếu đặc biệt.

Ví dụ, cách đây vài năm Gavin McKay, một cộng sự cũ của tôi, giới thiệu một chuỗi phòng tập thể dục. Anh ta muốn tạo ra một trải nghiệm phòng tập toàn diện, thân thiện, với những chương trình huấn luyện đa môn thiết kế riêng cho từng người – khác xa với mô hình thường thấy của một phòng tập 200m2 nơi bạn phải gom góp tự tạo chương trình tập cho mình, hoặc phải thuê một huấn luyện viên đắt tiền đứng sau lưng thúc giục. Tôi không biết nhiều về cách điều hành một phòng tập (mặc dù tôi cũng bỏ nhiều thời gian trong đó), nhưng tôi có nhiều năm kinh nghiệm marketing. Tóm lại là tôi giúp Gavin định vị công ty của mình.

“Chúng tôi nói với nhau về cách xây dựng thương hiệu,” Gavin kể, “và về những vất vả của người kinh doanh. Tôi gặp Keith khi anh ấy còn là CEO của YaYa Media, diễn thuyết tại một hội thảo marketing. Tôi lúc đó đang làm việc tại Deloitte. Tôi nghĩ anh ta nên làm một cái gì đó của riêng mình, và tôi đã khuyến khích anh ta như thế”.

Đúng thế. Gavin là một tác động lớn khuyến khích tôi mở công ty riêng. Anh ta ghét những cái màu mè của những công ty lớn, mà anh ta xem là phí phạm. Anh ta cứ nhắc nhở tôi về sự tinh khiết và cái đẹp của một nhà doanh nghiệp biết chọn một sản phẩm hay dịch vụ mà khách hàng cần đến, và anh ta khuyến khích tôi những câu rất hợp lý.

Sau khi tôi khởi nghiệp FG, Gavin chuyển sang làm việc cho tôi, thiết kế các chương trình hành động đối tác chiến lược cho khách hàng. Gavin kể tiếp: “Keith vẫn luôn ủng hộ tôi, về mặt cá nhân lẫn trong nghề nghiệp, và tôi vẫn phản hồi một cách khách quan về những dự án của anh ấy. Giờ đây tôi đã điều hành công ty riêng, tôi cảm thấy chúng tôi có thể trao đổi ngang hàng với nhau”. Thành thật mà nói, như tôi đã nhắc đi nhắc lại với Gavin, anh ta là người ngang hàng ngay từ những ngày đầu chúng tôi làm chung với nhau – mặc dù phải mất một thời gian thì anh ta mới chấp nhận điều này.

Nhận xét của Gavin bộc lộ một điểm quan trọng: Sự quảng đại cho phép bạn cởi mở và thân thiết trong mọi mối quan hệ. Quảng đại và thân thiết củng cố cho nhau. Cả hai đều giúp chúng ta cởi mở và thành thật với nhau.

Nếu tôi tiến đến bên bạn và nói: “Tôi muốn chúng ta là bạn của nhau,” phản ứng đầu tiên của bạn có thể là “Cám ơn, nhưng tôi có đủ bạn rồi”. Hoặc “Thằng cha này là ai vậy nhỉ?” Nhưng nếu tôi tiến đến bên bạn và nói: “Tôi muốn giúp đỡ anh,” có lẽ bạn sẽ lắng nghe. Tương tự như vậy, nếu bạn là khách hàng và tôi bước vào rồi bắt đầu giở ra những biểu đồ minh họa và huyên thuyên về những ý tưởng với tốc độ cả cây số một phút, bạn sẽ muốn ném tôi ra khỏi văn phòng ngay lập tức. Nhưng nếu ban đầu tôi dành ít thời gian tạo mối liên kết thật sự giữa người với người, bạn có lẽ sẽ bớt thành kiến và nghĩ rằng biết đâu tôi có thể giúp được gì chăng.

Trong môi trường kinh doanh, người ta thường hay bị phân tâm và luôn vội vã, vậy nên dẫn dắt bằng sự quảng đại là một cách rất tốt để thu hút sự chú ý của người khác. Nếu bạn càng quảng đại với người khác bằng cách đề nghị kết thân, sau đó là trao cho họ kiến thức, lời khuyên, tài năng của bạn, họ sẽ càng sẵn sàng chia sẻ những mối lo của họ – và bạn càng dễ dàng giúp họ đạt mục tiêu. Đến một lúc nào đó, mối quan hệ của bạn sẽ vững vàng đến mức các bạn bắt đầu chấp nhận rủi ro với nhau nhiều hơn.

Bạn sẽ có thể nói cho họ biết những gì bạn nghĩ là họ cần đến! (Đôi khi điều này không dễ nghe, vì vậy tạo dựng không gian an toàn là rất quan trọng).

Một lợi điểm nữa: Khi mối quan hệ của bạn càng phát triển, bạn sẽ thấy dễ dàng tìm cách giúp đỡ nhau. Đến một lúc nào đó, bạn có thể nói thẳng với chiếc phao cứu sinh bạn đang thiết lập: “Thử tưởng tượng một năm sau, và chúng ta ngồi kiểm điểm lại một năm vừa qua. Vào lúc đó tôi muốn bạn có thể tự nhủ với mình rằng: ‘Mối quan hệ của chúng ta là một phép cộng tuyệt vời trong cuộc đời tôi.’ Vì vậy bạn hãy cho tôi biết tôi phải làm gì từ nay đến lúc đó để mọi chuyện xảy ra như mong đợi?”

Nếu bạn có lời ngỏ như thế, hãy tin tôi, chẳng mấy chốc rồi họ cũng sẽ tìm cách để giúp ngược lại bạn.

Nào, hãy để người khác giúp bạn

Nhìn trên bề mặt, làm người quảng đại có vẻ đơn giản: Bạn chỉ cần đi ra ngoài và giúp đỡ mọi người. Nhưng tôi có thể dám chắc rằng phần khó khăn nhất trong quảng đại là nhận lấy nó. (“Hãy để người khác giúp bạn” đã có lúc được chọn làm nhan đề cho quyển sách này).

Để tôi lấy một ví dụ minh họa. Michael Dill, một anh chàng trẻ tuổi từ New Jersey đang đến chơi vùng West Coast bỗng nảy ra một số ý tưởng để mở rộng GreenlightCommunity.com, và anh ta tổ chức một cuộc gặp với nhóm nhân viên chịu trách nhiệm chính cho các nỗ lực trên mạng. Hôm đó tôi vô tình có mặt trong văn phòng, vì thế tôi gọi anh ta vào để gặp gỡ riêng.

Khoảng một hay hai ngày sau, khi tôi đang lang thang trên mạng thì bắt gặp một nhân vật mới toanh lấy tên là “Meeting Keith Ferrazzi” đăng bài trên trang web cộng đồng của chúng tôi. Bài viết có những câu như “Keith là một người tuyệt vời, hiếm thấy trên đời”. Tôi không thể không mỉm cười, nhớ lại cái thời mình còn trẻ và dễ bị ấn tượng như thế. Đừng hiểu sai ý tôi – tôi thật sự thấy hãnh diện vì lời khen này. Nhưng đồng thời bài miêu tả chi tiết đến mức quảng đại của anh ta về khoảng thời gian anh ta đến

văn phòng làm tôi không thấy thoải mái lắm. Một phần tôi không nghĩ là chỉ một cuộc viếng thăm đơn giản lại có thể tác động lớn như thế lên anh ta, hoặc bất cứ ai. Buổi gặp gỡ đó không phải là một buổi hướng dẫn huấn luyện, càng không phải là lời khuyên nghề nghiệp – tôi chỉ đơn giản là mời anh ta làm quan sát viên và hy vọng anh ta sẽ thu thập được một số hiểu biết.

Bất chợt tôi hiểu ra: Trong khi tôi thích thú trao cho người khác, tôi lại rất khó khăn nhận về – trong trường hợp này là sự hàm ơn (một hình thức tuyệt vời của quảng đại).

Tôi không hề đơn độc trong vấn đề này. Cho đi dễ dàng hơn nhận về – chúng ta ai cũng biết đến câu nói này trong Kinh Tân ước. Nhận về có thể gây cho cảm giác ngại ngùng, thậm chí là cảm giác không xứng đáng. Thật tình mỗi khi tôi diễn thuyết về sự quảng đại cho cộng đồng doanh nhân tôi luôn cố tình kết thúc bằng một lời nhắc nhở “Hãy để người khác giúp bạn”. Tôi thường xuyên gặp những người hay nói: “Keith, vì lý do quái quỷ gì mà lại có người muốn giúp đỡ tôi?” Ẩn đằng sau câu hỏi này là sự sợ hãi cơ bản rằng chúng ta không có gì để đáp lại.

Tôi còn nhớ có lần tôi diễn thuyết tại một hội thảo quốc gia dành cho các chuyên viên chăm sóc sức khỏe tại Williamsburg, Virginia. Trong bài nói của mình, tôi yêu cầu khán giả viết ra giấy tên của một ai đó mà họ cho rằng có thể giúp họ tiến thân trong sự nghiệp. Trong vài phút tôi nghe được tiếng sột soạt trên giấy. Sau đó tôi hỏi có ai không viết ra được tên nào. Có ai trong phòng không thể nghĩ ra được một ai có thể hoặc sẵn sàng giúp họ? (Tôi vẫn thường đặt câu hỏi này trong các buổi thuyết trình của mình, và chưa từng có ai giơ tay).

Nhưng lần này, một cánh tay phụ nữ giơ lên, và cô ấy gần như sắp khóc. “Chúng ta cần phải nói chuyện” là suy nghĩ đầu tiên của tôi. Tôi hơi giật mình vì lòng can đảm đủ khiến cô ấy đứng lên và nói rằng cho đến giờ phút này, cô ấy không có ai để làm chỗ dựa, mặc dù tôi biết điều này không thể đúng.

Đó là một buổi gặp gỡ định mệnh cho cả hai chúng tôi, và kể từ hôm đó, Susan và tôi vẫn tiếp tục giữ liên lạc thường xuyên. Susan nhớ lại phút giây đó như sau: “Khi tôi

thấy là chỉ có mình tôi giơ tay, tôi bất chợt nhận ra rằng tôi chưa bao giờ yêu cầu ai giúp đỡ. Tôi luôn là người giúp đỡ cho bạn bè, nhưng tôi chưa bao giờ yêu cầu được giúp đỡ. Cha mẹ tôi mất khi tôi còn nhỏ, và tôi vẫn luôn có được cái bản năng sinh tồn rằng mình phải tự làm mọi thứ. Và rồi khi tôi nhận ra rằng tôi không có ai để ghi xuống giấy, một tia sáng bỗng lóe lên. Thành thật mà nói, điều này không đúng, nhưng tôi đã cư xử như thể nó là sự thật. Tôi chỉ biết đứng đó và khóc như một đứa trẻ”.

Susan không hề biết rằng, dưới một hình thức khác, tôi cũng đã gặp vấn đề tương tự. Nói cho cùng, mấy “món ngon” – thành công, tiền bạc, nhân đạo, kiến thức – không có quá nhiều để bay khắp thế giới, phải không? Tôi không thể tưởng tượng là có ai đó lại muốn san sẻ điều tốt đẹp của họ cho tôi. Tôi chưa bao giờ thật sự tiếp cận đến nguồn dự trữ lòng tốt đang hiện hữu quanh tôi. Trời đất, như thế là quá nguy hiểm! Tại sao lại chấp nhận rủi ro đau đớn nếu bị từ chối? Cả Susan và tôi đều là nạn nhân của cùng một lối suy nghĩ về sự khan hiếm. Và chính sự tiết lộ của Susan đã giúp tôi thoát khỏi những ràng buộc của chính mình.

Để tôi giải thích cho bạn hiểu. Nhiều người phạm sai lầm khi nhìn cuộc đời thông qua lăng kính khan hiếm, một trò chơi thắng thua, thay vì nhìn đời qua lăng kính thừa thãi, một cơ hội để làm chiếc bánh nở to hơn.

Tin tốt lành là ngoài kia có một tư duy thay thế – được gọi là “lối suy nghĩ thừa thãi”. Lối suy nghĩ này đưa ra một câu hỏi đơn giản: Ai nói chúng ta sống trong một thế giới với một chiếc bánh giới hạn? Đối với những người nhìn cuộc sống bằng lăng kính thừa thãi, thành công (bạn muốn định nghĩa theo cách nào cũng được) là không giới hạn, là vô tận, sẵn sàng đến với bất cứ ai yêu cầu. Nó cũng giống như Internet – càng nhiều người sử dụng, càng nhiều người kết nối, cộng đồng Internet càng mạnh mẽ. Chúng ta có thể lấy đi bao nhiêu phần chúng ta muốn, người khác cũng thế – nhiều hơn rất nhiều so với nếu chúng ta nỗ lực đơn độc.

Sau buổi nói chuyện, Susan và tôi ôm nhau. “Cô phải rất can đảm mới dám giơ tay,” tôi nói.

“Nhưng tình thực tôi không nghĩ tôi là người duy nhất,” Susan nói. Và trực giác của cô ấy không sai. Mười phút sau, một phụ nữ tiến đến bên Susan ngập ngừng nói: “Tôi muốn nói với chị là tôi đã không dám giơ tay vì tôi sợ quá, tôi xin được chúc mừng chị vì đã làm thế. Tôi thật sự ngưỡng mộ”.

“Đó là giây phút thay đổi cuộc đời tôi,” Susan thú nhận với tôi sau này. “Kể từ đó, tôi chủ động tìm đến và kết nối với những người có thể giúp đỡ tôi. Vài tuần sau, tôi gặp rắc rối tại bệnh viện nơi tôi đang làm việc – một tranh luận gay gắt với cấp lãnh đạo – và bạn bè đã giúp tôi đưa ra một quyết định quan trọng mà tôi biết mình phải thực hiện, đó là xin nghỉ việc và cảm thấy thoải mái về việc này khi biết rằng rồi thì mọi thứ cũng sẽ đâu vào đó. Hiện nay, tôi có một công việc tốt hơn rất nhiều khi được làm việc với một nhóm bác sĩ. Nếu không có sự giúp đỡ của bạn bè tôi, có lẽ tôi đã không dám bước tới và làm như thế. Điều này không có nghĩa là tôi thôi không còn giúp đỡ người khác nữa – nhưng họ cũng giúp ngược lại tôi nữa, và tôi cho phép điều đó xảy ra. Cái này cũng giống như đáp đền tiếp nối vậy”.

Cũng giống như tôi, Susan đã bỏ qua một yếu tố thiết yếu trong sự quảng đại – cho người khác niềm hài lòng được giúp đỡ chúng ta. Bằng cách đón nhận sự giúp đỡ, thật ra bạn đang cho người khác bằng cách cho họ cảm giác cần thiết. (Có ai trong chúng ta không muốn cảm thấy mình cần thiết?) Cho phép những người quan tâm đến chúng ta có cơ hội giúp đỡ chúng ta – còn gì đáng quý và quảng đại hơn?

Trong đời bạn có những người nào đã đề nghị giúp đỡ nhưng bạn không chấp nhận? Tôi đoán là có rất nhiều người sẵn sàng vì bạn nếu bạn cho phép họ – tôi tính luôn cả những người bạn chưa gặp nhưng có thể thay đổi cuộc đời bạn theo hướng tốt hơn, cũng như bạn có thể ảnh hưởng đến cuộc đời họ. Một trong những cách chắc chắn nhất để xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với một số người mà bạn đánh giá cao kiến thức và niềm tin chính là hãy để họ được tham gia vào bằng cách cho phép họ giúp đỡ bạn.

Trong khoa học có một thuật ngữ miêu tả tình huống này “lệ thuộc bắt buộc – obligatory interdependence”, một cụm từ do nhà tâm lý xã hội học Marilynn Brewer

giới thiệu trên tạp chí Journal of Social Issues từ năm 1999. Giả thuyết của Brewer là con người muốn tồn tại trong lâu dài phải lệ thuộc vào người khác để được giúp đỡ, thông tin, và chia sẻ nguồn lực – và chúng ta sau đó phải chia sẻ với nhiều người khác. Cá nhân hay nhóm đều cùng trải qua tình trạng như nhau. Lợi ích cá nhân tùy thuộc vào nhóm có sẵn sàng giúp đỡ ta như ta đã làm cho họ không. Đây là một quá trình mang tính hợp tác. Nó đòi hỏi phải có sự tin cậy – nhưng với một chút khéo léo. Brewer không ủng hộ việc tin cậy tất cả mọi người; sự quảng đại, theo bà, còn tùy thuộc vào khả năng người kia có quảng đại với ta không.

Tất cả những điều này cho thấy cả hai sẽ hưởng lợi nếu chúng ta mang thành công đến cho nhau. Mặc dù chúng ta có thể không nhận ra, nhưng chính sự sẵn lòng “cho đi và nhận về” này tạo ra một sự qua lại tuyệt vời trong mối quan hệ.

Vậy thì làm thế nào bạn vượt qua được những cảm xúc tiêu cực đáng sợ cố hữu thường đi kèm với việc đóng vai người nhận sự quảng đại của người khác? Đơn giản thôi: Hãy đặt mình vào vị trí của người cho. Những nghiên cứu gần đây của Francis J. Flynn và Vanessa K.B. Lake trên tạp chí Journal of Personal and Social Psychology gợi ý rằng khi chúng ta không hiểu rõ về tư duy của người sẽ yêu cầu giúp đỡ, chúng ta có thể ngại ngùng khi yêu cầu giúp đỡ vì chúng ta tin một cách sai lầm rằng họ sẽ nói không. Những người tham gia vào các nghiên cứu đoán sai khoảng 50% trường hợp khi họ cho rằng người ta không đồng ý trước một lời yêu cầu giúp đỡ thẳng thắn.

Hãy suy nghĩ thật kỹ về điều này: Bạn cảm thấy thế nào khi một người bạn thật sự quan tâm đến hỏi ý kiến của bạn? Bạn có cảm thấy bực mình không? Bạn có cảm thấy bị lợi dụng không? Không hề – bạn cảm thấy thật vinh dự! Người ta thích cảm nhận được giá trị của lời khuyên của mình, rằng người ta đang góp phần làm thay đổi nhau, rằng người ta được cần đến và được trân trọng.

Cho đi và nhận về

Trong quyển sách The Circle of Innovation, Tom Peters kể một câu chuyện về người đồng nghiệp Allen Puckett tại McKinsey chuyên thu nhận các tác giả, những nhà tư

tưởng hàng đầu, và nhiều người khác nữa vào trong cái mà ông gọi là “trường đại học cá nhân” của riêng ông. Khi ông đọc được một bài báo hoặc một quyển sách hay, Peters cho biết ông sẽ gọi đến tác giả một cách bất ngờ và mời họ đến dự bữa ăn tối. Bạn sẽ ngạc nhiên như thế nào khi thấy người ta đón nhận sự quan tâm đến các tác phẩm của họ, và kèm theo đó là lời mời ăn tối nữa.

Trên con đường sự nghiệp, khi nào gặp vấn đề, ông sẽ gọi điện cho một trong những tác giả hay nhà tư tưởng, “giảng viên khoa” của ông, những người có kiến thức chuyên môn phù hợp với vấn đề hiện tại, và chắc chắn họ sẽ giúp ông thoát ra khỏi rắc rối. Chuyện này xảy ra hàng chục năm trước đây rồi. Ngày nay, với sự xuất hiện của Internet, nhận về sự quảng đại dạng này đã dễ dàng hơn.

Tôi có một ví dụ sau. Pervin Shaikh là một nhà nghiên cứu tài chính tại London và là người hâm mộ phim ảnh tiếng Hindi của Ấn Độ. Theo thời gian, cô ấy đã làm bạn với những người hâm mộ phim Hindi trên khắp thế giới thông qua blog của một diễn viên và nhà sản xuất phim nổi tiếng tại Mumbai. Cuối năm 2007, Pervin cùng với mười tám người quen khác qua blog đã đề ra thử thách “Một mục tiêu, Một giấc mơ, 2008”. Ý tưởng là gì? Mỗi người sẽ xác định một mục tiêu nghề nghiệp chính yếu mà mình hăng hái muốn đạt được trong năm sắp đến – những mục tiêu này có thể là viết một kịch bản hay làm giáo viên hay mở nhà hàng – và mọi người khác sẽ nhảy vào giúp đỡ, khuyến khích động viên hay cho lời khuyên, gợi ý, người liên hệ, vân vân.

Nhìn sơ qua, ý tưởng này có vẻ không thể quản lý được, nhất là khi thành viên trong nhóm đến từ khắp nơi trên thế giới: Singapore, Australia, Ấn Độ, Áo, Mỹ, Canada, Malaysia, Anh, Thụy Sĩ. Sự thật là những người này chưa bao giờ gặp mặt nhau, và khi tôi đang ngồi viết những dòng này, họ đang lên kế hoạch tổ chức gặp mặt ăn mừng rất lớn vào cuối năm 2008. Tuy thế, khoảng cách địa lý không phải là một vấn đề. “Chúng tôi hỗ trợ nhau thông qua email và điện thoại,” Pervin nói với tôi, “và mỗi chúng tôi cùng chịu trách nhiệm trước nhóm về mục tiêu của mình”.

Tham vọng của Pervin là mở rộng nghề nghiệp thứ hai của mình với tư cách một nhà tập huấn về cuộc sống; cô muốn có bốn khách hàng tại Anh và sáu khách hàng ở các

nước khác. (Đến giữa năm 2008, cô cho tôi biết là đã vượt qua mục tiêu tại Anh).

Trong quá trình làm việc, cô đã dần cảm nhận được tầm quan trọng của việc chấp nhận sự quảng đại từ người khác. “Thật là một trải nghiệm tuyệt vời,” Pervin nói. “Có rất nhiều người e ngại không dám yêu cầu giúp đỡ. Nhưng tôi khám phá rằng người ta thật tình muốn giúp đỡ”.

Pervin hiện nay đang lập kế hoạch cho một chương trình mới, hoàn thiện hơn – “Một mục tiêu, Một giấc mơ” cho năm 2009. Và hãy nhớ rằng cách đây hai năm, những người này còn chưa quen biết nhau.

Bạn có thể thấy người ta đề nghị giúp đỡ những người hoàn toàn xa lạ mỗi ngày trên mạng Internet. Bạn có bao giờ gõ vào Google một câu hỏi và được dẫn đến một diễn đàn nơi những người bình thường sẵn sàng giúp bạn tìm giải pháp chưa? Ngay giây phút này đây, hàng triệu người trên thế giới đang ngồi trước máy tính, chia sẻ thông tin về mọi thứ từ cách làm món thịt quay đến cách băng bó một ngón chân bị gãy. Tại trang web GreenlightCommunity.com của FG, các thành viên cũng chia sẻ thông tin về những chủ đề như xây dựng thương hiệu cá nhân, đối mặt với những ông sếp khó tính, và đề ra sứ mệnh cá nhân. Tại sao họ lại làm thế? Bởi vì bạn cảm thấy cực kỳ thỏa mãn (và phấn khởi) được chia sẻ kiến thức với mọi người, ngay cả với những người hoàn toàn xa lạ.

Và thực tế, bạn sẽ thấy những người này không giữ khoảng cách xa lạ với nhau lâu. Chỉ vài tháng sau khi hoạt động, các thành viên GreenlightCommunity.com (GC) đã bắt đầu tổ chức những sự kiện trên khắp đất nước để gặp mặt nhau, để làm sâu đậm thêm những mối quan hệ cứu sinh mới nảy nở trên mạng. Họ không chỉ mang đến cho nhau sự hỗ trợ hay trách nhiệm, mà họ còn cùng nhau xây dựng một phong trào mạnh mẽ hơn tổng số những mối quan hệ bên trong của nó.

“Chúng tôi thật không ngờ ý tưởng lại kết tinh nhanh chóng đến thế,” Jorge Colon, sáng lập Online Bar Association và là một trong những người điều hành GC đã phát biểu. “Những mối quan hệ chúng tôi cùng nhau dựng xây ngày càng trở nên thân thiết,

minh bạch, và đáng công sức. Sự tử tế, thành thật và quảng đại nở rộ. Niềm tin gia tăng đáng kể và chúng tôi cười với nhau rất nhiều! Chúng tôi cảm nhận rằng mình đang xây dựng tình bạn cả đời”.

Yêu cầu giúp đỡ: Luật hấp dẫn

Deborah Muller tại New Jersey khởi nghiệp HR Acuity, một công ty chuyên điều tra nơi làm việc – ví dụ, khi một nhân viên công ty tố cáo bị quấy rối trong công việc – và giúp công ty và nhân viên giải quyết tranh chấp mà không cần đến hệ thống luật pháp. Phương pháp của Debbie thành công đến mức cô bước thêm một bước nữa và triển khai những ứng dụng Web mà các công ty khác có thể mua lại phục vụ công tác điều tra nội bộ. Đây không phải là kế hoạch ban đầu của Debbie, nhưng khi nhận thấy rõ ràng các công ty cần nhất là một chương trình Web, Debbie đã thay đổi định hướng. “Bỗng dưng tôi thấy mình rơi vào thế giới tài sản trí tuệ trên Internet,” Debbie thừa nhận. “Đó là lúc tôi nhận thấy mình cần được giúp đỡ”.

Debbie đã tham gia một khóa học khởi nghiệp, nên cô quay lại với giáo viên, người khuyên Debbie nên có một hội đồng cố vấn.

“Tôi không phải là người giỏi xin giúp đỡ,” Debbie kể. “Tôi nghĩ mình chẳng có gì để cho người khác; tôi không thể nào đáp trả lại cho họ. Làm sao tôi có thể yêu cầu người khác dành thời gian quý báu cho tôi? Tôi sẽ sẵn sàng dành thời gian của mình, nhưng tôi lại không dễ dàng yêu cầu người khác giúp đỡ”.

Tuy nhiên, dưới sự thúc giục của giáo viên, cô vẫn liệt kê một danh sách những gì cô cần, tập trung đủ thứ từ tài chính đến marketing. Tiếp theo, cô bắt đầu tìm đến đúng người. Ứng viên đầu tiên cô tiếp cận là cô giáo của mình, người đã từng được chọn vào danh sách năm mươi nữ doanh nhân của tiểu bang. “Cô ấy đồng ý!” Debbie nhớ lại. “Thế là xong một mối”.

Rồi cô tiếp cận một nhà tài chính kiêm thủy thủ quen biết với chồng cô tại câu lạc bộ bóng ném trong vùng. “Dĩ nhiên là tôi sẽ giúp,” anh ta nói với Debbie.

Sau đó cô gọi cho một ông sếp cũ đã từng làm công việc quản lý rủi ro. “Ông ấy hiểu rõ lĩnh vực công nghệ,” Debbie nói, “và ông ấy đưa ra quan điểm của doanh nghiệp về vấn đề rủi ro. Ông cũng nói ‘Dĩ nhiên là tôi sẽ giúp!’”

Quy trình cứ thế tiếp tục. “Một buổi tối tại bữa tiệc, tôi gặp một anh chàng rất thành công là chủ một công ty nghiên cứu thị trường lớn, tôi lại xổ bài ca năm phút của mình, và anh ta hỏi: “Chị có cần một tổng giám đốc tiếp thị không?” Tôi nói, “Không, nhưng tôi cần một người làm thành viên ban cố vấn”. Anh ta nói “Được thôi – tôi thích làm việc với những doanh nhân!”

Cuối cùng, Debbie tuyển dụng một người bạn đã từng làm công việc bán hàng kỹ thuật, và một người khác đã từng làm pháp chế. Gần như chỉ sau một đêm, ban cố vấn của cô đã hình thành. Không ai trong số bảy thành viên từ chối lời yêu cầu của cô, và cũng không ai được trả lương bổng gì. Buổi gặp gỡ đầu tiên của cô kéo dài bốn giờ đồng hồ, trong thời gian đó ban cố vấn chất vấn cô, đặt ra thách thức cho cô, và chỉ ra những lỗ hổng trong kế hoạch của cô. Khi họ nhìn vào con số tài chính, một người nói “Chắc cô đang hút cái gì nên quá hưng phấn – cô sẽ không thể nào kiếm được bấy nhiêu đó khách hàng trong thời gian ngắn như thế”. Nhưng đến cuối buổi tối, mọi người trong phòng đều bị thuyết phục bởi sản phẩm của cô đến mức khi Debbie đề nghị họ gặp nhau mỗi năm hai lần, cả nhóm lên tiếng: “Cô đùa à? Chúng ta cần phải gặp nhau mỗi sáu tuần!”

“Tôi nghĩ họ cảm thấy vui vẻ khi chia sẻ kiến thức chuyên môn để giúp tôi xây dựng nên một cái gì đó,” Debbie kể tiếp, “đây là lý do duy nhất tôi có thể nghĩ ra để lý giải tại sao họ vẫn tiếp tục công việc. Dĩ nhiên tôi cũng đang nghĩ làm thế nào để đền đáp họ một lúc nào đó”.

Hành động này rõ ràng sẽ được trân trọng, và là một điều nên làm. Nhưng sự thật là các thành viên trong ban cố vấn của Debbie đã nhận lại được niềm vui. Họ có lẽ đã nhận được nhiều hơn sức tưởng tượng của Debbie khi mở rộng được mạng lưới quan hệ của mình, học hỏi lẫn nhau, và thu nhận thêm thông tin sau mỗi cuộc họp.

Rachel Shechtman, một doanh nhân sống tại New York, cũng có một quan điểm rất thú vị về chủ đề này: “Trong cuộc đời tôi có những phần việc tôi thật sự hứng thú và không muốn đưa vào kinh doanh. Tạo ra thay đổi cho người khác khiến bạn suy nghĩ thêm về những cách làm thay đổi cuộc đời mình. Đối với tôi, điều này còn giá trị hơn nhiều so với những thu lợi về mặt tiền bạc”.

Bài học chủ đạo tôi rút ra được từ kinh nghiệm của Debbie là nếu bạn cần sự giúp đỡ của người khác, bạn phải biết yêu cầu. Tuy nhiên trước hết bạn phải tìm hiểu thật kỹ. Debbie tham gia một lớp học về khởi nghiệp, sau đó soạn ra một kế hoạch kinh doanh vững chắc. (Ừ thì ban cố vấn đã chỉ ra những lỗ hổng trong đó, nhưng không sao cả. Chỉ cần có một kế hoạch để thể hiện sự nghiêm túc và quyết tâm của cô. Tôi thường cảm thấy rất bực mình khi những người tìm đến tôi đề nghị được giúp đỡ nhưng lại không tìm hiểu trước để tận dụng thời gian quý báu của tôi, ví dụ như đọc qua những gì tôi đã viết về chủ đề cần hỏi). Tiếp theo, nhờ biết rõ những khoảng trống trong kiến thức của mình, Debbie đã liệt kê được những tính chất cô cần có ở một ban cố vấn. Cuối cùng, cô tìm đến những người có kỹ năng cần thiết, chuẩn bị tập dượt kỹ bài chào hàng năm phút, để nếu cô tình cờ gặp được một người phù hợp trong thang máy hay tại buổi tiệc, cô luôn sẵn sàng tuôn ra.

Như Debbie đã phát hiện, mục tiêu là làm sao cho người khác cùng chia sẻ niềm đam mê của bạn. Đó là lý do tại sao người dễ dàng được giúp đỡ nhất là người mang khát khao thành công, bởi vì thành công và thái độ có tính lan truyền cao. Người ta muốn được cảm nhận rằng họ đã giúp bạn thành công. Ngược lại, nếu mức năng lượng của bạn thấp, lúc nào bạn cũng cảm thấy bị đánh bại, và bạn không có ai để trông đợi, hãy tìm đến sự tư vấn chuyên nghiệp, hoặc nói chuyện với một nhà tâm lý – bởi vì sự giúp đỡ đang chờ sẵn ngoài kia. Nhưng trước khi làm bất cứ việc gì, bạn cần được giúp đỡ đánh bại tính ỳ trong suy nghĩ.

Một lãnh đạo truyền thông xã hội có uy tín mà tôi biết hiểu rất rõ về vai trò của sự quảng đại trong kinh doanh và trong cuộc sống. Lena West là nhà sáng lập và CEO của Convengine, một công ty tư vấn có trụ sở tại New York, chuyên giúp các công ty

tăng trưởng lợi nhuận bằng sức mạnh của truyền thông xã hội và Internet. Bà cũng là thành viên của tổ chức Women Presidents và tham gia trong ban cố vấn của Center for Women’s Business Research. Khi các nhà lãnh đạo tụ họp lại để thảo luận về kinh doanh trên Internet, chắc chắn thế nào bạn cũng thấy tên Lena trong danh sách diễn giả.

Một trong những quyết tâm của Lena là gì? Hỗ trợ lẫn nhau, trong trường hợp của bà là một nhóm có trách nhiệm bao gồm năm lãnh đạo doanh nghiệp thuộc những ngành nghề không đối kháng gặp mặt mỗi tháng một lần trong ba giờ. Các thành viên quyết tâm tham dự các cuộc họp và xem đây là ưu tiên của cuộc đời – đến mức mà khi Lena bị cúm bà vẫn gọi đến cuộc họp bằng cái giọng khàn khàn còn hơn là lỡ mất nó. Như bà kể với tôi, các thành viên xuất hiện không phải vì bản thân họ mà vì tập thể.

“Tôi càng thành công lâu bền trong kinh doanh bao nhiêu”, Lena nói, “tôi lại càng nhận thấy người ta cần nhiều hệ thống hỗ trợ khác nhau để đẩy công việc kinh doanh và nghề nghiệp của họ tiến lên”.

Ngay từ đầu Lena đã học được bài học quan trọng về việc chấp nhận sự quảng đại. “Nếu bạn muốn mọi thứ đến với cuộc sống của mình – thành công tài chính, giảm cân, hay bất cứ mục tiêu nào khác – bạn phải sẵn sàng đón nhận. Tôi nghĩ khả năng sẵn sàng đón nhận là một sợi thần kinh giao cảm trong não bộ của tôi. Vì thế khi ai đó muốn giúp tôi, tôi để cho họ được giúp đỡ tôi! Người ta phải được tạo cơ hội cho đi. Họ thật sự muốn cho đi – và nhiều khi không phải lúc nào cũng là vì bạn”.

Cho, nhận, lặp lại

Trong quyển sách Đừng bao giờ đi ăn một mình, tôi đã viết về lúc cha tôi đang thất nghiệp và nhìn thấy chiếc xe đạp ba bánh Big Wheel quăng ngoài đường của một phụ nữ sống gần nhà chúng tôi. Hôm đó chỉ còn vài ngày nữa là Giáng sinh. Cha tôi đã đến gõ cửa và hỏi xin nhặt nó về cho tôi. Người phụ nữ không chỉ cho chúng tôi chiếc xe này – bà còn cho chúng tôi một chiếc xe đạp và một chiếc xe cút kít nữa!

Cha tôi đã mất, nhưng bất cứ lúc nào tôi về nhà thăm mẹ, tôi luôn đi ngang ngôi nhà người phụ nữ này và nghĩ về sự rộng lượng của bà (và chiếc xe ba bánh Big Wheel của tôi). Tôi vẫn luôn biết ơn bà. Tôi cũng nghĩ đến cảm giác hạnh phúc của bà khi đem cho một chiếc xe ba bánh vô dụng cho một gia đình xa lạ đang cần đến nó. Ai đã nhận được món quà Giáng sinh lớn hơn – tôi hay bà ấy? Thật tình cả hai đều là người chiến thắng. Và đây chính là điều tôi muốn nói đến. Quyền năng của sự quảng đại là nó có thể mang đến lòng tốt từ hai phía. Cha tôi có thể là một người đầy tự trọng, nhưng tôi nghĩ ông cũng hiểu rằng đỉnh điểm của quảng đại không chỉ là giúp đỡ người khác, mà còn cho phép người khác giúp đỡ mình. Đây là cách chắc chắn nhất mà tôi biết để phá tan băng trong một mối quan hệ và giúp nó phát triển thêm sâu đậm và ý nghĩa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.