Ai Che Lưng Cho Bạn

Đặc điểm tư duy 2 – Chấp nhận tổn thương



Bạn thích ai hơn?

“Xin chào, tôi là Keith Ferrazzi. Cho phép tôi được kể về những thành tựu trong cuộc đời mình!”

Nếu tôi tự giới thiệu mình với bạn theo cách này, và sau đó là liên tu bất tận một danh sách những thành tựu và thành công, bạn sẽ nghĩ trong đầu hoặc là “Ok, anh muốn nói gì chẳng được. Còn mình sao lại ở đây nhỉ?” Hoặc là “Anh giúp gì được cho tôi đây?” Hoặc có thể là “Thằng này điên thế!” Vì vậy chúng ta thử làm lại nhé.

“Xin chào, tôi là Keith. Tôi lớn lên tại Pittsburgh, con trai của một người thợ giặt và một công nhân thép. Tôi may mắn có cha mẹ tin tưởng rằng họ phải cho tôi một nền học vấn tốt. Cuộc sống chúng tôi rất khó khăn, và từ đó đến nay tôi luôn cố gắng làm việc hết sức mình để xứng đáng với sự hy sinh của cha mẹ. Những gì tôi đang cố gắng làm không chỉ là vì công việc, mà còn là cả một giấc mơ. Nó cũng là một cuộc đấu tranh, đa phần do tôi tự đặt ra cho chính mình. Để tôi kể cho bạn nghe nhé”.

Cùng một người, nhưng hai câu chuyện khác nhau. Câu chuyện đầu tiên giống lời mở đầu bài viết trên Wikipedia, trong khi câu chuyện thứ hai giống như của một người thật tình muốn chia sẻ một phần của mình để giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân anh ta và quá khứ của mình. Anh chàng Keith thứ nhất là một gã khoe khoang và háo danh. Anh chàng thứ hai được cha tôi gọi là một anh chàng bình thường. Cả hai cách giới thiệu đều đúng sự thật. Nhưng chúng thể hiện hai phiên bản khác nhau về tiểu sử của tôi. Thật không may, cách giới thiệu thứ nhất chính là cách tôi từng sử dụng để kết nối được nhiều nhất có thể trong giai đoạn tôi đang xây dựng sự nghiệp của mình và muốn tạo ấn tượng trước người khác. Tôi làm thế mặc dù tôi biết chắc là gần như bất cứ ai tôi biết cũng muốn làm bạn hay nhận lời cố vấn từ anh chàng Keith thứ hai. Điều này làm bật lên vài câu hỏi quan trọng.

Thứ nhất là: trong một thế giới đặt nặng vấn đề thành công và thành tựu, tại sao chúng ta lại cảm thấy thoải mái hơn với anh chàng Keith thứ hai? Không phải vì chúng ta đồng cảm với quá khứ nghèo khổ của anh ta; những cậu bé giàu có được đặc quyền từ nhỏ cũng có những vấn đề và thách thức riêng hay những câu chuyện riêng để kể. Không, theo tôi nghĩ, chúng ta nghiêng theo anh chàng Keith thứ hai vì chúng ta đồng cảm với yếu tố con người trong anh. Anh chàng Keith này đã thể hiện anh ta dễ tổn thương. Chúng ta thấy những cố gắng và tổn thương của anh ta gần gũi với mình vì tất cả chúng ta (giàu hay nghèo) đều có những giai đoạn như thế trong cuộc đời.

Và điều này đưa đến câu hỏi thứ hai, khó khăn hơn: Nếu tất cả chúng ta đều thích anh chàng Keith thứ hai hơn, tại sao đa số chúng ta đều cố gắng hết sức để che giấu những tổn thương của mình? Nói cách khác, tại sao tôi lại chọn tự giới thiệu mình theo một cách chắc chắn sẽ làm người ta ghét?

Câu trả lời là chúng ta sợ đặc điểm tư duy thứ hai, sự tổn thương, mặc dù nó thu hút chúng ta, vì chúng ta không muốn người khác nhìn mình là kẻ yếu đuối, hay ca thán. Nhưng nếu bạn tin vào tư tưởng bi quan này, bạn đã sai lầm hoàn toàn.

Đừng làm kẻ hèn nhát – Hãy can đảm làm người chịu tổn thương

Chúng ta không thể để mình bị nhìn nhận là yếu đuối, trong văn phòng hay trong cuộc sống, phải thế không? Nó là một mục tiêu gắn trên lưng chúng ta, hay ít nhất là chúng ta tin như thế. Nhưng bạn hãy nghe tôi: Chấp nhận tổn thương đòi hỏi lòng can đảm ghê gớm. Đây là một đặc điểm tư duy rất quan trọng cần tiếp nhận nếu bạn muốn xây dựng một vòng tròn những người cố vấn tin cậy trong cuộc đời. Ngoài ra, tổn thương là đối tác và người tiền nhiệm cần thiết cho thành thật – can đảm nói lên sự thật về bản thân và người khác, và cũng chỉ nhận về sự thật. Vậy chấp nhận tổn thương là gì? Đó là sự can đảm thể hiện suy nghĩ bên trong của bạn, cho dù là khuyết tật, với một người khác. Đó là lý do vì sao cần thiết phải có một không gian an toàn trước, nơi bạn có thể trải nghiệm sự thân thiện sâu sắc – hay như tôi thường nói là thân thiện đến mức dễ tổn thương.

Chấp nhận tổn thương là thừa nhận rằng mình cũng có những nỗi nghi ngại và e sợ – và rằng bạn cần được hỗ trợ và động viên từ người khác để vượt qua những gì đang cản trở bạn để đến với mục tiêu.

Rất thường xuyên chúng ta để cho nỗi sợ – sợ tổn thương hoặc nhiều thứ khác – biến nó thành những ám ảnh kinh hoàng chạy theo chúng ta. Tiếp theo chúng ta để trí tưởng tượng nói với bản thân rằng một hành động vô hại, như yêu cầu được giúp đỡ, sẽ giết chết chúng ta. Chúng ta như bị đóng băng và phải quay đầu chạy sang hướng khác.

Khoa học có một thuật ngữ để chỉ nỗi sợ vô căn cứ này: “mortality salience”. Nó nói đến sự sợ chết của tất cả con người. Một số nhà khoa học nghiên cứu hành vi ước đoán rằng chúng ta đem nỗi sợ chết áp dụng vào trong những sự kiện đang khiến chúng ta khó xử – như không đạt được một mục tiêu kinh doanh. Sợ chết cũng chỉ là một hành vi thuộc bản chất sinh tồn. Chúng ta biết rằng mình không thể chết vì xấu hổ, nhưng chúng ta vẫn thường xuyên cảm thấy như sắp chết – như thể chúng ta đang phải chiến đấu vì sự sống còn của mình.

Sự rủi ro được tưởng thưởng

Thành phần bí mật để xây dựng mối quan hệ cứu sinh thật sự là chấp nhận tổn thương, nhưng đây là một bí mật hiện sờ sờ ngay trước mắt. Để kết nối thân tình với người khác, chúng ta cần phải sẵn sàng chia sẻ bản thân mình. Dẫu sao thì chúng ta cũng không được lợi gì khi giấu kín thông tin. Giống như khi bạn đi đến nhà tư vấn/ nhà liệu pháp mà lại che giấu những gì đang diễn ra trong cuộc đời bạn – làm thế thì được gì chứ? Tôi phải mất hàng chục năm mới hiểu thấu được rằng khi chúng ta chia sẻ tổn thương, chúng ta đã trao cho mình một cơ hội để từ bỏ nó.

Khi bạn chia sẻ nỗi sợ sâu kín nhất, thời khắc xấu hổ nhất, thất bại tệ hại nhất với một người mà bạn trân trọng tình bạn và ngưỡng mộ sự cố vấn của họ, bạn sẽ nhận thấy có nhiều điều xảy ra.

1. Khi để cho người khác biết về những lo ngại và e sợ của bạn, bạn đã mở khóa van áp suất tinh thần, để cho những căng thẳng mà bạn nắm giữ bấy lâu nay được bay đi. Bạn sẽ thấy mình giờ đây có thể thở lại và bắt đầu bước tới và giải quyết vấn đề tốt hơn.

2. Người được bạn tâm sự có nhiều khả năng trở nên thân thiết hơn, vì bạn đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro mà tiết lộ nỗi sợ hãi hay thất bại với họ. Ngoài ra, chính nhờ thiết lập được tình bạn khăng khít dạng này mà bạn có thể đủ tin cậy họ để yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết nhất, và họ cũng sẽ yêu quý bạn để đề nghị giúp đỡ ngược lại.

3. Bạn sẽ nhận thấy rằng khi bạn càng sẵn lòng chia sẻ cởi mở về những gì bạn cần, thì càng có nhiều người tìm đến bạn và đề nghị giúp đỡ.

4. Kết quả tích lũy của tất cả những điều này là bạn sẽ hoàn thiện khả năng kiến tạo và giữ gìn không gian an toàn với ngày càng nhiều người hơn trong cuộc sống. Khi bạn tin cậy người khác, bạn đồng thời cũng trở nên đáng tin cậy hơn. Người ta sẽ tìm đến bạn để được tư vấn hoặc tâm sự. Khi không ai có câu trả lời, bạn là người được chọn để giúp đỡ. Nói cách khác, bạn trở thành phao cứu sinh của cuộc đời họ. Và bởi vì chúng ta xây dựng thực tế thông qua lời nói và hành động của chính mình, mọi người cũng sẽ trở thành phao cứu sinh của bạn.

Phần thưởng của bạn sẽ rất lớn, bạn hãy tin tôi đi. Khi bạn mở lòng với mọi người, bạn sẽ ít cảm thấy cô đơn. Bạn không chỉ được người khác tôn trọng và đồng cảm, bạn còn phát hiện ra rằng người ta thật sự mong muốn được giúp đỡ bạn. Bạn sẽ có nguồn năng lượng dồi dào hơn để tập trung vào những việc cần làm, bởi vì bạn tin tưởng vào điều mà Tiến sĩ Mark Goulston gọi là “giúp đỡ bạn chống đỡ tất cả những vấn đề và trở ngại trên đầu – như Atlas đã làm thần trụ trời”.

Không lâu sau sự kiện 11/9, Mark được mời cộng tác với một nhóm hơn hai mươi người gồm các luật sư và nhà tư vấn tài chính. Tất cả đều thừa nhận họ rất mất tinh thần trước những cuộc tấn công của bọn khủng bố, khiến họ (và nhiều người khác nữa) cảm thấy sợ hãi và tổn thương.

Phương pháp của Mark là biến trải nghiệm này thành cảm nhận cá nhân. Ông yêu cầu mọi người trong phòng chia sẻ một thời khắc đau đớn, gây tổn thương lớn trong cuộc đời của họ và cách họ đã vượt qua được sự kiện này. “Tôi muốn mọi người cảm nhận từ chính những trải nghiệm của mình để thấy rằng con người rất mạnh mẽ,” Mark nhớ lại.

Những câu chuyện họ kể đã làm ông hết sức ngạc nhiên. Một người trong số đó là một luật sư bào chữa hình sự rất cứng rắn và có thâm niên làm nghề, không phải dạng người có thể mở lòng ra dễ dàng. Tuy nhiên, những vụ tấn công khủng bố đã làm ông mất bình tĩnh. Một sự kiện khác cũng đã làm thay đổi con người ông. Ông kể rằng đứa con út của ông bị sinh thiếu tháng nên chỉ nặng 1,2 kg. “Tôi đi thăm con bé trong khu chăm sóc đặc biệt”, ông kể, “và tôi đặt ngón tay út của mình vào lòng bàn tay bé và nó nắm chặt lấy như thể muốn níu giữ cuộc đời này. Và tôi nghĩ, nếu con tôi làm được, tôi cũng làm được”.

Bạn đã chứng kiến một luật sư đầy lý trí và cạnh tranh lại thừa nhận trước một căn phòng toàn những người xa lạ rằng ông ấy cần một cái gì đó để níu giữ mình sau sự kiện 11/9. Thật không thể tin được.

Đầu tiên, xây dựng một nền tảng

Một lần khi tôi đến Italy thăm họ hàng gần Milan, bà cụ cố đưa tôi đến nghĩa trang của nhà thờ, nơi chôn cất nhiều người thân của gia đình tôi. Nhà thờ bản thân nó thuộc dạng giáo đường thời Phục hưng với một mái vòm rất lớn. Từ chỗ hàng ghế ngồi trong nhà thờ nhìn lên, thật khó tin làm sao người ta có thể xây dựng được. Nhưng nhìn từ bên ngoài, khi bạn đưa mắt dọc theo phần kiến trúc bề ngoài, bạn có thể nhìn thấy mái vòm này được đặt trên những cây cột vững chắc, dựng trên một cái đế khổng lồ. Tất cả đều bày ra trước mắt, cho tất cả mọi người nhìn thấy.

Đối với tôi, sự can đảm để mở những tổn thương của mình làm tôi nhớ đến cái cấu trúc hỗ trợ cho mái vòm. Không có ai lại đi xây dựng nhà thờ từ trên xuống. Thế nhưng người ta thường hay mắc sai lầm nghĩ rằng tôi yêu cầu họ hé mở những nỗi sợ sâu thẳm và tổn thương trước khi họ xây dựng nền tảng thân thiết với người khác. Họ hoàn toàn đúng khi sợ rằng người ta có thể nhìn họ là người đáng thương hại hay hống hách không chịu được.

Chìa khóa để xây dựng được nền tảng cần thiết, dẫn đến sự tôn trọng, đồng cảm, tin cậy, là phải xây dựng dần dần, từ từ tăng dần mức độ thân thiết và hé mở thông tin bản thân.

Dĩ nhiên, học cách thể hiện tổn thương với đúng người là một điều nghe thật tuyệt về mặt lý thuyết, nhưng bạn phải bắt đầu ra sao? Hiếm có mấy người cảm thấy thoải mái tiếp cận một người xa lạ trong một buổi hội họp và tâm sự về nỗi sợ hay bất an của mình. Và bạn biết sao không? Bạn không nên làm như thế. Trước tiên bạn phải xây dựng được nền tảng cho phép bạn thể hiện sự thân thiết đến mức độ này.

Hãy thử làm như sau: Trong buổi ăn trưa với đồng nghiệp hay bạn bè, một người mà bạn tin cậy, hãy chia sẻ một điểm yếu, một mối lo, một nỗi bất an – tốt nhất là một thứ gì đó tương đối phù hợp. Ban đầu là một mối lo nho nhỏ – chỉ cần nó là một điều thật sự làm bận lòng bạn. Bạn sẽ thấy rằng mình không đến nỗi phải chết đi, và sự chia sẻ này có thể đưa mối quan hệ lên một bước phát triển mới. Bạn có nhiều khả năng nhận thấy người nghe sẽ cho bạn lời khuyên hay chia sẻ câu chuyện của bản thân họ. Biết đâu chừng, người đó cũng có chung một vấn đề không khác gì bạn – chúng ta không quá độc đáo như mình nghĩ đâu! Vấn đề tôi muốn nói là bạn sẽ nhận thấy, nếu trước kia bạn chưa để ý – rằng sự cởi mở làm cho người ta nhìn nhận mình một cách nhân bản hơn và làm thân dễ dàng hơn.

Scott Bowen, Giám đốc tài chính

Tôi gặp Scott khi ông làm CFO tại Deutsche Bank Americas, một công ty đầu tư. Ông ấy thuê Ferrazzi Greenlight đến để làm việc với khoảng chục người trong nhóm tài chính cấp cao của công ty tại New York. Vào thời điểm đó, ông đang đề ra một chương trình thay đổi lớn trong văn phòng và, theo lời của Scott, “cố gắng đưa nhóm người này cùng làm việc với nhau và muốn mọi người cởi mở và hoàn toàn chịu trách nhiệm về nhau”.

Tôi biết đây là một thách thức to lớn, bởi vì những công ty kiểu Wall Street như Deutsche Bank rất nổi tiếng về văn hóa kín cổng cao tường. Những mối quan hệ trong công việc thường mang tính nghi thức và cấp bậc. Vì vậy tôi và nhóm FG của mình tổ chức một loạt các buổi hội thảo nhằm mục đích phá vỡ những rào cản trong mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm của Scott.

Ý tưởng của tôi là để mọi người chia sẻ những câu chuyện riêng tư của họ và từ đó tiến đến một tầm mức thân thiện, để hỗ trợ xây dựng một môi trường giao tiếp thẳng thắn. (Điều này nghe quá quen, và đây chính là quy trình tạo lập không gian an toàn mà bạn vừa đọc qua trong quyển sách này).

Nhờ nuôi dưỡng một nền văn hóa hỗ trợ lẫn nhau tại Deutsche Bank, ban đầu là trong nhóm lãnh đạo và sau đó lan ra tới những người họ phục vụ, những thách thức quan trọng trong chiến lược và vận hành được họ giải quyết một cách thuận lợi. Nhưng kết quả quan trọng nhất là gì? Bản thân Scott trở thành một nhà lãnh đạo giỏi hơn. Ông yêu cầu FG đưa thêm một số chương trình huấn luyện xoay quanh khái niệm “hỗ trợ cá nhân sâu sắc tại nơi làm việc”, và tìm thấy không gian an toàn với những nhà huấn luyện bên ngoài là chúng tôi.

“Thước đo thành công đối với tôi đó là tôi bắt đầu có những cuộc họp thẳng thắn với mọi người trong nhóm,” Scott giải thích, “và tôi có thể làm việc này thường xuyên – thường hơn rất nhiều so với trước kia. Tôi có thể tìm được câu trả lời nhanh chóng hơn, và kết quả là tôi cởi mở hơn với nhóm làm việc của mình”.

Mối quan hệ giữa Scott và nhóm làm việc của ông được cải thiện đa phần là nhờ ông sẵn sàng đối xử với họ một cách ngang hàng và hỏi ý kiến họ làm thế nào để phục vụ họ tốt hơn trong vai trò người lãnh đạo. “Keith nói rằng tôi là một gã khôn khéo”, Scot kể lại một cách hào hứng. “Phong cách lãnh đạo của tôi đôi khi hơi châm biếm với mọi người, thậm chí hơi nóng nảy nữa. Vì thế tôi chấp nhận những chỉ trích mà nhóm chia sẻ với tôi, và thay đổi một số hành vi. Tôi thôi không quát mắng người

khác. Nếu không có sự phản hồi từ trong nhóm, tôi chắc hẳn đã phản ứng một cách tiêu cực. Tôi đang thay đổi cách mình lãnh đạo. Và mọi thứ đều tốt đẹp”.

Cách này không chỉ tốt đẹp, mà còn giúp Scott gần đây đạt đến một vị trí lãnh đạo cao hơn, là giám đốc điều hành và tổng giám đốc tài chính toàn cầu về đầu tư ngân hàng tại một công ty khác. Hiện nay, ông đang áp dụng với nhóm làm việc mới những gì FG đã triển khai cho ông và nhóm làm việc cũ (một trong những điều đầu tiên Scott đã làm là đưa chúng tôi gặp giám đốc nhân sự của công ty mới). Hơn nữa, ông trở thành một người cuồng tín cho một thứ mà ông từng cười cợt.

“Nhưng hỏi nghiêm túc nhé, tại nơi làm việc ư?” – Vâng, ngay cả tại nơi làm việc

Đa số chúng ta đều phản xạ một cách có điều kiện là tránh đề cập đến những gì chúng ta không nổi bật, vì lo sợ người ta đánh giá mình yếu kém, nhất là trong môi trường công việc. Vấn đề là chiến thuật này không phải lúc nào cũng đúng. Trong kinh doanh, tôi toàn chứng kiến người ta thất bại vì họ từ chối không thừa nhận nỗi sợ không dám lên tiếng trước mặt sếp, hoặc vì nỗi sợ rằng họ thiếu những kỹ năng hay kiến thức cần thiết. (Tôi thường xuyên nhìn thấy cảnh tượng này tại các buổi đánh giá cuối năm). Họ điếng người khi phải thừa nhận sự thua kém của mình. Họ cố gắng che đậy, giấu giếm xem như không có, hoặc tệ hơn, chối bỏ nó.

Khi FG được một công ty công nghệ hàng tiêu dùng thuê để làm thay đổi năng lực tạo dựng mối quan hệ của đội ngũ bán hàng toàn cầu và tăng cường khả năng tạo sự khác biệt trước khách hàng, tôi nhìn thấy ngay vấn đề họ gặp phải: Ban lãnh đạo cấp cao từ chối thừa nhận điểm yếu của mình. Đứng ở góc độ cá nhân hay tổ chức, nhìn cái tôi cao ngạo hay những hành động ầm ĩ để che đậy sự yếu kém thật đáng buồn cười. Nhà quản lý làm mọi cách sao cho luôn luôn được đánh giá là xuất sắc.

Dĩ nhiên, mọi người trong đội ngũ bán hàng đều nhìn thấy điểm yếu của công ty cách xa hàng ngàn dặm, kể cả cố gắng che đậy của ban lãnh đạo. Kết quả là công ty đã vô tình tạo nên một môi trường che đậy và hoài nghi. Tệ hơn nữa, thông điệp được truyền tải một cách không chính thức trong khắp công ty là: Nếu bạn muốn leo lên

đỉnh thang, đừng bao giờ để người khác thấy bạn phải đổ mồ hôi. Đừng bao giờ yêu cầu được giúp đỡ và đừng bao giờ thừa nhận sai lầm. Không có gì khó hiểu khi công ty đang phải vật lộn khổ sở; không có gì khó hiểu khi ban lãnh đạo không thể khuyến khích đội ngũ bán hàng ủng hộ sự cải thiện và thay đổi, mặc dù họ đã chi hàng triệu đô la.

Tôi chứng kiến điều này rất thường xuyên: đội ngũ lãnh đạo là người tạo ra tiêu chuẩn xuất sắc giả tạo, và do đó đã đóng lại tiềm năng xây dựng một văn hóa cải thiện liên tục và tăng trưởng thực thụ.

Một điều tôi đã học được trong kinh doanh và trong cuộc sống riêng là khi chúng ta để cho mình bị tổn thương – khi chúng ta phơi bày bản chất thật của mình với đồng nghiệp, với tất cả điểm mạnh và điểm yếu, tất cả những thành công, kỹ năng, và thất bại – chúng ta đã tạo ra được một nối kết xung điện dẫn đến tin cậy và thân thiện mà không có cách làm nào hay hơn. Cho phép bản thân mình thể hiện tổn thương trước một người khác có thể nhanh chóng biến mối quan hệ công việc nghiêm túc thành tình bạn chân thật – và tạo nên nền tảng cho một tầm mức quyết tâm sâu sắc hơn, niềm tin, và thậm chí niềm vui trong cuộc sống hàng ngày.

Hãy tin tôi

Khi tôi hỏi mọi người theo họ đâu là yếu tố quan trọng nhất trong bất cứ mối quan hệ nào, từ phòng họp hội đồng quản trị đến lớp học phổ thông, câu đầu tiên tôi nghe nhắc đến là niềm tin. Nhưng sự tin cậy không đến bằng cách đơn giản là yêu cầu người khác tin vào bạn. Bạn phải lao động để đạt được nó. Bạn không thể nói “Thành viên trong nhóm này phải tin tưởng lẫn nhau,” cũng như bạn không thể nói “Anh/em cần phải yêu tôi” với một người không có chút quan tâm đến quan hệ tình cảm lãng mạn với bạn. (Ừ, tôi cũng đã từng thử làm điều này một lần rồi).

Trên thực tế, xây dựng niềm tin là một quá trình xuất phát từ sự sẵn sàng chịu tổn thương của bạn. Một số người trong chúng ta cảm thấy tổn thương chỉ với việc tự giới thiệu mình, chia sẻ một số thông tin cá nhân về gia đình mình, hay trò chuyện một hai

câu về những gì chúng ta quan tâm nhất. Có người có thể đi xa hơn, nhanh hơn. Nhưng không ai thật sự tin tưởng bạn cho đến khi bạn cho phép bản thân mình được cởi mở, thành thật, và can đảm chấp nhận rủi ro khi hạ bức tường bảo vệ xuống.

Trong quyển sách Đừng bao giờ đi ăn một mình, tôi đã trích dẫn câu nói “Nắng là sự tẩy uế tốt nhất” của Thẩm phán Tòa án tối cao Louis Brandeis. Đây là một câu nói ưa thích của tôi. Đối với tôi, câu này có nghĩa là khả năng mang mọi thứ ra dưới ánh sáng và chia sẻ với người khác giải thoát chúng ta khỏi sự hận thù chất chứa trong nó. Chúng ta càng xác định được sớm thì chúng ta càng kéo nó ra ánh sáng sớm; chúng ta càng chia sẻ nhiều với mọi người, họ càng có thể giúp chúng ta dẹp nó qua một bên.

Tám bước Tạo ngay Sự thân thiện

Như vậy là bạn đã hiểu được lợi ích của việc chấp nhận tổn thương, trạng thái cuối cùng cần đạt đến; nào hãy cùng nhìn lại Tám bước Tạo ngay Sự thân thiện là công cụ đưa bạn đến đó. Những bước hướng dẫn này có thể được áp dụng khi gặp một người mới hay khi bạn muốn chuyển đổi một mối quan hệ hiện tại sang một mức độ cao hơn và tốt hơn – mối quan hệ cứu sinh.

1. Kiến tạo môi trường chân thật quanh bạn

Tôi sẽ bắt đầu với những dạng môi trường mà bạn không muốn liên quan đến. Một trong những thời khắc giả tạo nhất mà tôi không bao giờ quên, xảy ra sau thành công của quyển sách Đừng bao giờ đi ăn một mình, khi tôi được mời đến một bữa tiệc tối tại Chicago với Larry King, hoàn toàn riêng tư. Khi tôi đến, Larry nói: “Vậy là anh sắp thành một Harvey Mackay thứ hai rồi?” Harvey Mackay dĩ nhiên là tác giả của quyển sách bán chạy Swim with the Sharks và là một diễn giả nổi tiếng đã từng xuất hiện rất nhiều lần trên chương trình truyền hình của King. “Chúng tôi cũng phải làm cái gì đó cho anh,” King nói.

Wow! Tôi nghĩ. Larry King mới vừa gặp mình mà đã nghĩ đến việc mời mình tham gia chương trình của ông! Nhưng thay vì sống thật với mình, cố gắng trò chuyện và tìm hiểu sâu hơn về con người của Larry King, tôi lại dành cả bữa tối để diễn xuất. Tôi

quá quan trọng bản thân, sợ hãi, và cố gắng quá mức để tạo ấn tượng với ông ấy. Tôi liên tục đổ lên Larry và những người khác trong bữa tối hàng loạt câu hỏi, đưa ra những câu nói đùa hóm hỉnh, và hoàn toàn độc diễn trong bữa tối. Thay vì tôi lùi lại một bước và nhường cho Larry tìm hiểu về mối quan hệ mới này theo nhịp độ riêng của ông ấy, và thay vì lắng nghe ý kiến của người khác – thay vì là con người thật của mình – tôi lại khoác lên mình chiếc áo của Ngài Nắm Quyền.

Tôi có thể nhìn thấy qua điệu bộ của King rằng ông ấy phật lòng trước màn trình diễn ngu ngốc và gian xảo của tôi. (Đuổi cổ cái thằng này cho khuất mắt! Tôi gần như nghe ông ấy suy nghĩ thành lời câu này). Nhưng lúc đó tôi quá hồi hộp và kích động đến mức thay vì lùi lại, tôi lại cố gắng phô diễn hết toàn bộ khả năng cuốn hút của mình. Thật không có gì ngạc nhiên khi tôi không được mời tham gia chương trình vào thời gian đó.

Chân thật nghĩa là thể hiện đúng bản thân mình. Hãy lấy bà dì Rose của tôi làm ví dụ. Bà thuộc tuýp người làm cho bạn thấy được chào đón mỗi khi bạn đặt chân vào phòng. Mà bạn cũng không cần phải là con cháu của bà nữa. Bà đối xử nồng nhiệt với tất cả mọi người. Bạn lúc nào cũng cảm thấy bà đứng về phía mình. Dì Rose là một người bạn muốn mời vào vòng tròn thân thiết của mình – dạng người bạn có thể hoàn toàn thoải mái chia sẻ, và cảm thấy an toàn bên họ.

Vậy bằng cách nào họ làm được như thế? Thật ra rất đơn giản. Và mỗi người chúng ta đều có thể làm được. Tất cả bắt đầu bằng sự chân thật – nghệ thuật thể hiện bản chất con người.

“Thách thức lớn nhất là được làm chính bạn trong một thế giới mà ai cũng muốn mình trở thành một người khác,” nhà thơ E.E. Cummings đã nói. Đúng thế. Chân thật là biết rõ bạn là ai và không cố bắt chước một người khác hay giả tạo một thứ khác mà bạn không có. Chân thật là cố gắng không lo ngại về bản thân và kết nối chân tình với một người khác.

Bạn có bao giờ đặt chân vào một căn phòng với tâm trạng sợ hãi từ trước, trong thâm

tâm đã muốn quay ra trước khi bước chân vào? Bước đầu tiên là phải đối mặt thực tế. Hít thở thật sâu. Thư giãn. Hãy để người khác nhìn thấy chính bạn và những gì bạn vốn có – những nỗi lo, mối quan tâm, niềm đam mê, sự thông thái, kỹ năng của bạn. Hãy lắng nghe tiếng nói chân thật bên trong. Tĩnh tâm trong vài phút hoặc hít thở sâu một lúc. Đối với tôi, thể dục giúp tôi quên đi lý trí và tìm thấy tiếng nói bên trong cơ thể mình.

2. Tạm ngừng thành kiến

Sau khi đọc xong tiêu đề, bạn có thể nghĩ trong đầu: “Keith, anh đi quá xa rồi đó. Tôi đâu có thành kiến!”

Nhưng mà có đấy. Chúng ta ai cũng thế cả. Chúng ta đều hình thành những thành kiến về người khác rất nhanh và dữ dội. Thử nhớ lại chuyện gì xảy ra mỗi khi bạn bước chân vào một căn phòng đầy người. Bạn nhìn thấy ai đó, họ nhìn thấy bạn, và cả hai cân nhắc suy nghĩ về nhau. Bạn đang đánh giá người kia.

Thành kiến đơn giản là một phần của con người. Bộ não chúng ta đã được lập trình như thế. Hãy nghĩ về nó theo hướng này: Mỗi ngày chúng ta tiếp cận rất nhiều thông tin. Khuôn mẫu là một hình thức đi tắt cho phép não bộ hoạt động hàng ngày trong một thế giới ngập tràn thông tin. Hàng ngàn năm trước đây, một nhận xét trong tích tắc “Bạn hay Thù?” có thể giúp tổ tiên chúng ta bảo toàn tính mạng. Kết quả là chúng ta ngày nay vừa là nạn nhân vừa là người phạm tội thành kiến.

Gần đây tôi được vinh hạnh phát biểu trước một hội nghị sinh viên năm nhất tại Yale. Sau bài phát biểu của tôi, trong đó tôi có đưa ra một vài bài tập nhằm khuyến khích sự hỗ trợ lẫn nhau, một sinh viên người Mỹ gốc Phi rụt rè tìm đến tôi. “Cám ơn ông nhiều lắm,” cô ấy nói. Nhưng tôi có thể cảm nhận được rằng cô ấy muốn nói điều gì khác hơn là chỉ lời cảm ơn suông mà thôi. “Tôi biết tất cả các bạn trong khóa học đều nghĩ rằng tôi là người căm ghét xã hội và kỳ quặc vì tôi không nói chuyện với họ và tôi mặc cùng một bộ quần áo ngày qua ngày. Nhưng lý do tôi không nói chuyện với ai là vì tôi thấy xấu hổ khi nói với mọi người rằng cho đến ngày tôi vào trường thì tôi là

một kẻ không nhà. Tôi sống trong một chiếc xe hơi với mẹ và em trai. Mẹ tôi bị mất việc và đã làm mọi cách có thể nhưng cuối cùng chúng tôi cũng bị ném ra khỏi căn hộ, quần áo chúng tôi vẫn còn nằm trong đó. Đây là tất cả những gì tôi có”.

Cô ấy nói tiếp: “Dẫu sao, cuối cùng tôi cũng đã đủ can đảm chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình với một anh chàng da trắng giàu có ở Greenwich. Anh ta trông có vẻ là người chẳng có gì phải lo trong đời. Nhưng khi anh ta nghe qua câu chuyện của tôi, anh ta bật khóc. Anh ta kể rằng trong cuộc đời mình, anh ta luôn bị cha mình đánh, trong khi mẹ lại chẳng làm gì để bảo vệ anh ta cả. Anh ta thật hạnh phúc được thoát ra khỏi ngôi nhà ngột ngạt ấy. Vì vậy tôi muốn nói là ta chẳng bao giờ biết được về người khác”.

Trong môi trường xã hội phức tạp hiện nay, chúng ta gặp rất nhiều người mỗi ngày, và chúng ta vẫn luôn đánh giá sai lầm. Chúng ta đều đã từng gặp những người mình cho rằng mình không thích, nhưng sau đó, một khi chúng ta hiểu rõ về họ, chúng ta khám phá ra rằng mình cực kỳ yêu quý họ và rằng cảm nhận ban đầu của chúng ta hoàn toàn sai lệch. Một số người sau đó trở thành bạn thân nhất của chúng ta.

Nhưng khoan đã, bạn nghĩ. Tôi sẵn sàng thừa nhận rằng mình có thành kiến với những người mới gặp, nhưng dĩ nhiên là không còn nữa đối với những người tôi muốn mời vào vòng tròn thân thiết của mình. Thử đoán lại lần nữa xem! Tôi dám chắc rằng bạn vẫn có những cảm nhận từ trước ngay cả về những người bạn thân nhất. Những thành kiến này là lý do chính khiến chúng ta có rất ít bạn thân và cố vấn tin cậy.

Ở một tầm mức rộng hơn, một tổ chức kinh doanh cũng có những thành kiến văn hóa ngăn cản hiệu quả làm việc – đội ngũ bán hàng không xem trọng marketing, và đội ngũ marketing thì không tôn trọng những người làm nghiên cứu, tài chính hình như ghét hết thảy mọi người, và mọi người đều ghét nhân sự. Và công ty về tổng thể thường nghi ngờ khách hàng và những yêu cầu quá đáng của họ.

Đó là lý do vì sao tôi tin rằng kỹ năng quan trọng nhất cần luyện tập khi gặp gỡ người

khác là tiếp cận tình huống với ít giả định nhất. Nếu có giả định, hãy hướng đến điều tốt đẹp, và tìm cách thể hiện sự quan tâm và lo lắng cho người khác.

Hãy thử làm thí nghiệm sau cho tôi. Lần sau khi bạn đến một bữa tiệc cocktail, hay lúc nghỉ giải lao uống nước, hay một sự kiện của công ty, hãy chọn ra một người lạ nào đó trong phòng mà bạn nghĩ giống một kẻ gàn hay trông thật đáng sợ, và tiếp cận người đó. Hãy thể hiện nỗ lực chân thật muốn làm quen và tìm hiểu người đó – và như vậy là không chỉ nói chuyện xã giao mà thôi. Bạn phải để mở khả năng rằng đây là một người bạn thật sự quan tâm. (Tôi thường nói với các khách mời trong các bữa tiệc của tôi rằng đây chính là nhiệm vụ của họ trong buổi tối, họ phải tìm ra vài người mà họ thật sự quan tâm đến).

Sau đây là kịch bản mà tôi nghĩ sẽ xảy ra: Một cá nhân thật sự sẽ xuất hiện đằng sau bức bình phong mà bạn đã vẽ ra trong đầu – và biết đâu bạn có thể thích người này và muốn tìm hiểu họ kỹ hơn. Chúng ta gặp gỡ rất nhiều người hàng ngày mà chúng ta không biết tí gì về họ. Hãy thay đổi – bạn không thể biết được chuyện gì sẽ đến.

Chấp nhận tổn thương không hề đơn giản trong giai đoạn ban đầu. Nó đòi hỏi bạn phải bước chân ra ngoài vùng an toàn của mình. Trong các bài nói chuyện của tôi, tôi có thể đoán trước đây là phần tôi sẽ mất đi sự chú ý của khán giả. Một ai đó thế nào cũng hét lên: “Chuyện gì xảy ra nếu ai đó sử dụng những thông tin này chống lại tôi?” Hoặc “Nơi tôi làm việc không áp dụng lời khuyên này được – nó không nằm trong văn hóa của tổ chức”.

Phụ nữ nói với tôi: “Nam giới không thể tổn thương theo kiểu này; họ cạnh tranh với nhau ghê lắm”. Và nam giới thì nói với tôi: “Phụ nữ không làm theo cách này; họ không chấp nhận tỏ ra yếu đuối hay nữ tính tại nơi làm việc”. Tuy nhiên khi tôi diễn thuyết, tôi yêu cầu thành phần khán giả đứng lên và nói chuyện với một người hoàn toàn xa lạ về một điều thật sự có ý nghĩa với họ – không phải là kiểu nói chuyện xã giao trong các buổi tiệc như “Chỗ anh sống thời tiết có đẹp không?” Kiểu nói chuyện này chỉ làm cho người ta quên mất tên của nhau trước khi kết thúc câu.

Không, quan điểm của tôi là khởi đầu những mối quan hệ thật sự ngay lập tức. Điều này bắt buộc khán giả phải chấp nhận rủi ro một chút vốn không thường xảy ra trong một phòng họp lớn. Tôi không quan tâm đến việc giải trí cho khán giả, hay chỉ đưa ra lý thuyết về quá trình. Tôi muốn khán giả phải thay đổi thật sự – ngay lập tức! Khi lần đầu tiên tôi yêu cầu mọi người đứng dậy và chia sẻ điều mình quan tâm nhất, tôi có thể thấy những thái độ khoanh tay và mặt mày lầm lì. Nhưng điều buồn cười là, một khi họ đã bắt đầu, tôi phải vất vả lắm mới đưa họ trở lại ghế ngồi được.

Tôi cảm thấy cũng không kém phần quan trọng là yêu cầu họ không chỉ nói về vấn đề mình quan tâm mà còn giải thích vì sao. Yêu cầu họ kể một câu chuyện! Thành thật mà nói, có nhiều khi làm bài tập này tôi không thể kiểm soát được khán giả của mình nữa và không cách chi đưa họ vào chỗ ngồi – và đó là lúc mà tôi biết là chúng tôi đang đi đúng hướng.

3. Truyền đạt điều tích cực

Tiếp theo, hãy chủ động và tích cực. Một khi bạn đã tìm được tiếng nói từ bên trong và biết rằng mình đang nói một cách chân thật, bước đơn giản tiếp theo là truyền đạt những cảm xúc tích cực này cho người khác – những suy nghĩ này có thể xóa bỏ ngăn cách giữa hai người và tạo lập một môi trường an toàn chào đón người kia, giống như dì Rose của tôi đã làm.

Maxine Clark, nhà sáng lập và CEO của Build-a-Bear, là một trong những nữ doanh nhân năng động nhất mà tôi từng biết. Bà có lần đã kể cho tôi một câu chuyện tuyệt vời về cách làm việc với những người khó chơi. Khi bà còn là một cô bé lớn lên tại Coral Gables, Florida, bạn bè của cha mẹ thỉnh thoảng hay ghé qua chơi. Đối với một đứa bé, những anh chàng to xác vạm vỡ này chỉ đơn thuần là Chú Joe hay Chú Don, những người bạn của gia đình mà bà cảm thấy thoải mái bên họ, và ngược lại họ cũng rất chăm lo cho bà như một người cha ngay trong ngôi nhà an toàn của bà.

Nhưng khi Maxine bước vào thế giới kinh doanh, bà gặp lại những người trông giống như Chú Joe và Chú Don nhưng lại không hề tử tế với một phụ nữ trẻ đang cố gắng

tìm chỗ đứng trong thế giới.

Và thế là Maxine phát triển một chiến lược: Mỗi lần bà gặp phải sự bất công hay thành kiến, bà nhìn thẳng vào mắt những người đàn ông này và nhắc mình nhớ rằng đâu đó trong đầu ông già khó tính này là trái tim của Chú Joe hay Chú Don. Cuối cùng, bà biết rằng mình có thể làm lay động trái tim vì lợi ích của mối quan hệ và dĩ nhiên là vì lợi ích mục tiêu của bà, có thể là cấp vốn cho công ty của bà hoạt động bước đầu, hay giúp đỡ một ngôi trường trong nội ô. Đa phần là chiến lược này đều thành công!

Sau đây là một lời khuyên quý báu: Ngay trước khi bước chân ra trước mặt mọi người trong căn phòng, hãy nhìn vào mắt họ. Bây giờ hãy truyền đạt đến từng ngóc ngách con người bạn ý nghĩ rằng họ sẽ yêu thích thông điệp bạn sắp trình bày. (Bạn cũng có thể lập dàn ý thông điệp hướng đến người nghe ngay từ đầu, không phải để tỏ ra thông minh hay để gây ấn tượng, mà nhằm thể hiện lòng quảng đại, hữu ích, sẵn sàng phục vụ cho khán giả hết sức mình).

Ngày nay, mỗi lần tôi bước chân vào một căn phòng đầy những người xa lạ và tôi cảm thấy lo lắng hay ngại rằng thông điệp của mình không được đón nhận, tôi áp dụng một bí quyết của riêng mình để hướng nguồn năng lượng vào suy nghĩ tích cực. Tôi vẽ ra hình ảnh của mình trong tương lai, tay bắt mặt mừng với họ, như thể họ là những người thân cách xa bấy lâu! Hoặc tôi nghĩ đến hình ảnh họ sẽ tìm đến tôi sau buổi nói chuyện để nói với tôi rằng thông điệp của tôi đã tác động mạnh mẽ đến họ. Điều thú vị là cảm nhận của tôi về họ thay đổi ngay lập tức. Tôi thấy gương mặt họ háo hức, và những cử chỉ của họ mang tính tích cực hơn. Tôi nhận ra vài cái gật đầu đồng ý (và ít những cái nhìn soi mói hơn), và tôi hoàn toàn quên mất sự bất an trong lòng.

Bất cứ lúc nào tôi suy nghĩ tích cực, nhóm giao tiếp cũng suy nghĩ tích cực. Bạn cứ thử xem, bạn sẽ thấy kết quả.

4. Chia sẻ niềm đam mê

Không thể có thứ gì xứng đáng xảy ra trong mối quan hệ nếu không có sự chia sẻ. Và

điều dễ dàng nhất là bắt đầu bằng chia sẻ mối quan tâm và niềm đam mê của mình.

Chia sẻ những điều này sẽ kích hoạt một chuỗi phản ứng khiến mọi người mở lòng ra.

Nhân viên bán hàng thường lầm tưởng sự chia sẻ này là một kịch bản hay công thức để hâm nóng một cuộc gặp gỡ nguội lạnh tại văn phòng. Hoàn toàn sai lầm! Hãy nói với nhau về những thứ trong cuộc sống mà bạn thật sự quan tâm – và không nhất thiết phải là một thứ có chung với người kia. Nên nhớ, đừng nghĩ là mình có nghĩa vụ phải chia sẻ cùng một đam mê; bạn chỉ cần chia sẻ đam mê của mình, tốt nhất là thông qua cách kể chuyện. “Kể chuyện là một hình thức truyền tải tình cảm”, Peter Guber đã nhiều lần nói với tôi như thế, và ông ấy nói đúng.

Những câu chuyện hay thường làm tan biến rào cản tình cảm. Chúng đôi khi còn có thể giúp người ta tìm được việc! Có lần tôi hỏi gần hai ngàn nhân viên bán hàng dược phẩm trong phòng về đam mê lớn nhất của họ. “Các anh chị hét to lên!” tôi hét lớn. Từ cuối phòng tôi nghe ai đó la lớn “Giày!” À, tôi sẽ không để câu trả lời này trôi qua đơn giản. Tôi tiến đến cuối phòng và tìm ra người phụ nữ mới vừa lên tiếng. “Tại sao lại là giày?” Tôi hỏi cô ấy. “Hãy kể cho tôi nghe một câu chuyện giúp tôi hiểu tại sao chị lại có niềm đam mê này”.

Người phụ nữ nhìn xuống chân trước khi ngẩng đầu lên. Rõ ràng cô ấy đang cân nhắc liệu mình có đang trong một không gian an toàn không. Cô ấy cảm thấy an toàn và kể, “À, anh có thể thấy là tôi hơi thừa cân”. Cô ấy ngừng lại một lúc lâu. “Còn khi tôi thử một đôi giày mới tôi cảm thấy mình rất xinh xắn”.

Tôi trao cho cô ấy một cái ôm thật chặt và cả phòng vỗ tay hoan hô sự can đảm chia sẻ của cô ấy. Điều tốt đẹp nhất là gì? Một tuần sau, người phụ nữ này gửi email cho tôi cám ơn vì đã giúp cô ấy được thăng chức. Cô ấy giải thích rằng cô vốn dĩ rất nhút nhát và không có quan hệ tốt với các đồng nghiệp. Nhưng sau buổi học đó, sếp cô ấy đã mời cô đi chơi cùng với vài nhà quản lý khác nữa; giờ đây không còn gì phải che chắn, cô đã để cho cá tính và sự thông minh của mình tỏa sáng. Một nhà quản lý đã hỏi cô có muốn tham gia phỏng vấn cho một công việc tại trụ sở văn phòng chính vốn chưa chính thức thông báo nên cô không biết. Cô đi phỏng vấn – và được nhận.

Chia sẻ niềm đam mê không phải là việc khó, nhất là với những người đồng cảm. Thế nhưng tôi thật ngạc nhiên sao có quá ít người thực hiện. Có lần tôi tổ chức hội thảo huấn luyện cho một nhóm thuộc một nghìn nữ lãnh đạo hàng đầu tại một công ty trong danh sách Fortune 500; họ hội tụ về như một phần trong chương trình nữ lãnh đạo hỗ trợ lẫn nhau. Tôi yêu cầu mỗi cô tìm đến một người chưa quen và trao đổi về những niềm đam mê nhất trong đời. Bạn có biết là không có phụ nữ nào trong phòng chia sẻ thông tin về gia đình hay con cái họ? Không một ai cả! Làm thế nào họ hy vọng có thể hỗ trợ lẫn nhau nếu họ không cảm thấy đủ an toàn để đạt đến mức độ thân thiện căn bản nhất? Một lần khác tôi tiếp xúc với một nhóm nhỏ chừng mười người đàn ông thuộc lớp lãnh đạo công ty vẫn làm việc cùng nhau mỗi ngày trong suốt nhiều năm. Không mất nhiều thì giờ để gợi cho họ kể về cuộc đời mình. Họ khám phá ra rằng hai người, đồng nghiệp của nhau suốt tám năm, sống trong cùng một khu nhà mà không hề biết. Cùng một khu nhà! Cái này thậm chí không phải là thân thiện, đơn giản chỉ là gần gũi về địa lý thôi.

5. Trao đổi về mục tiêu và giấc mơ của bạn

Cấp độ tiếp theo là chia sẻ mục tiêu và giấc mơ của bạn. Ai cũng có mục tiêu và giấc mơ – mục tiêu cho bản thân, cho công việc kinh doanh, cho gia đình. Thường thì những giấc mơ này bị khóa chặt trong đầu của riêng chúng ta. Nhưng khi trao đổi với người khác, giấc mơ trở nên định hình – và tiến gần đến hiện thực hơn. Rất có khả năng là những người khác cũng cảm thấy liên quan và chia sẻ giấc mơ của bạn, và thậm chí còn giúp bạn đạt những giấc mơ này.

Nhưng bạn không thể biết được những điều này cho tới khi bạn mở lòng và chia sẻ về giấc mơ của mình. Không có mấy thứ mạnh mẽ hơn việc chúng ta có thể nói với nhau về định hướng cuộc đời ta trong thế giới này – cho dù là chia sẻ với khách hàng, với các thành viên trong nhóm, hay với bất cứ ai mà ta có ý định xây dựng mối quan hệ sâu sắc.

Gần đây tôi có nói chuyện với người đứng đầu bộ phận phát triển và huấn luyện đội ngũ bán hàng của một công ty phần mềm. Cuộc trò chuyện của chúng tôi xoay quanh

chương trình huấn luyện về mối quan hệ và sự khác biệt của nó so với những bài huấn luyện bán hàng khác mà công ty đã thực hiện. Đồng nghiệp của tôi cảm thấy chương trình này bổ sung một cách tuyệt vời cho phương pháp bán hàng mà công ty đang áp dụng. Được thôi – thì cũng chỉ là một cuộc gọi chào hàng bình thường.

Nhưng dựa trên trực giác, tôi hỏi anh ta một câu hỏi bất ngờ: “Mục tiêu thật sự trong nghề nghiệp của anh là gì? Anh làm việc trong bộ phận phát triển bán hàng chắc cũng có lý do riêng; vậy điều gì thật sự làm anh phấn khích, hào hứng với những gì mình đang làm?”

Nhìn bề ngoài, câu hỏi này không liên quan gì đến việc chào bán chương trình huấn luyện của tôi. Tôi chỉ cảm thấy quan tâm muốn biết thêm về người đàn ông mà tôi đang trò chuyện này. (Và dĩ nhiên tôi càng biết rõ anh ta, tôi càng quan tâm đến anh ta hơn và có thể giúp đỡ anh ấy tốt hơn).

Câu hỏi này đã đưa câu chuyện của chúng tôi sang một hướng mới, hoàn toàn bất ngờ. Anh ta kể với tôi rằng giấc mơ của anh là hiểu rõ hơn cách thức người ta học hỏi. Anh cảm thấy bị cuốn hút vào sự đa dạng trong thay đổi hành vi con người. Mục tiêu cuộc đời anh là khám phá bí mật này và có thể viết một bài báo hay một quyển sách để thảo luận về vấn đề này trong quá trình nghiên cứu. Điều này cũng làm tôi hào hứng theo! Nói cho cùng, tôi khởi nghiệp với công ty riêng của mình cũng với mục tiêu này trong đầu – thay đổi hành vi, chứ không chỉ là huấn luyện kỹ năng. Chúng tôi cùng thảo luận về những giá trị mà chúng tôi chia sẻ và quan điểm riêng của mỗi người, và tôi đề nghị anh bàn bạc sâu hơn về chủ đề này với nhóm nghiên cứu Greenlight Research Group.

Nhờ đào sâu hơn từ một cuộc điện thoại chào hàng đơn giản, tôi đã tìm thấy không chỉ là khách hàng kế tiếp. Tôi tìm thấy một đồng nghiệp mới và một người cộng tác tiềm năng.

6. Khám phá quá khứ

Giờ thì bạn đã mở lòng ra để chia sẻ niềm quan tâm, đam mê, khát vọng, giấc mơ, và

mục tiêu – toàn những thứ hay ho – bước tiếp theo được thiết kế để đưa chúng ta hơi ra khỏi khu vực an toàn và chia sẻ về quá khứ mà chúng ta đã vất vả chiến đấu. Nếu tổn thương được ví như chạy xe đạp, đây là lúc chúng ta gỡ bỏ chiếc bánh thứ ba giúp cân bằng.

Tại sao lại quan tâm đến những thứ đã xảy ra trong cuộc đời? Đa số người ta cảm thấy dễ dàng nói về những vất vả trong quá khứ bởi vì chúng đã bị bỏ lại phía sau (hy vọng là thế) và chúng ta đã vượt qua được nó. Thực tế, kể về những vất vả trong quá khứ còn có thể được xem là tập trung vào điểm mạnh của chúng ta, vì chúng ta đã không có mặt hôm nay nếu chúng ta không vượt qua được những gì đã đến nhiều năm trước đây.

Tôi đã từng làm việc với một công ty bất động sản toàn quốc và CEO của họ không thể nào cải thiện năng suất làm việc của nhóm lãnh đạo. David đã đưa một công ty buồn tẻ trong tỉnh nhỏ do cha anh thành lập và biến đổi nó thành một công ty nhượng quyền mạnh mẽ. Ông là một doanh nhân tuyệt vời. Vấn đề là phong cách lãnh đạo độc đoán của ông làm nhiều người trong nhóm lãnh đạo xa lánh.

Trong một buổi huấn luyện có mặt ông và nhóm lãnh đạo, tôi nói với David: “Hãy kể cho chúng tôi nghe về một cuộc chiến vĩ đại nhất mà bản thân ông đã tham gia trong cuộc đời – một điều tác động sâu sắc đến con người ông hôm nay”.

Sau khi suy nghĩ khoảng một phút, David nói: “Mối quan hệ không bình thường với cha tôi. Ông ấy là người có tính cạnh tranh cao, lúc nào cũng muốn chứng tỏ mình – ngay cả với tôi. Mặc dù ông đã nghỉ hưu bán chính thức, nhưng đến tận bây giờ ông ấy vẫn không công nhận cách xây dựng công ty của tôi. Cho dù tôi có làm gì đi nữa, tôi vẫn cảm thấy mình đứng dưới cái bóng của ông ấy”.

Ngừng một chút rồi ông tiếp: “Đôi khi tôi nghĩ cha tôi thật sự thích thấy tôi vất vả, hay thất bại”.

Câu chuyện kể ra như thể ai đó thả xì chiếc bong bóng công ty đang căng phồng sắp

nổ. Tôi nghe được cả tiếng thở ra trong phòng. Mọi người ai cũng biết cha của David – ông ấy là một nhân vật huyền thoại vẫn thỉnh thoảng ghé qua văn phòng – và sự căng thẳng giữa cha và con cũng không qua mắt mọi người.

Nhưng sự thừa nhận của David đã hình thành một bối cảnh mới để đánh giá về ông. Trước buổi họp này, người ta có thể lầm tưởng rằng thái độ dữ tợn, hống hách của David là biểu hiện hành vi của một đứa con được nuông chìu nay tiếp vai người cha, cố gắng tạo ấn tượng với người cha và trút sự bực dọc lên nhân viên. Nhưng trong chưa đầy hai phút, hiểu được sự vất vả của David đã đem lại sự đồng cảm đối với sếp của mình. Giờ đây họ đã hiểu được nỗi lo sợ của David không xứng đáng với di sản của cha mình, và nhu cầu được thoát ra khỏi cái bóng của cha. Một cách đột ngột – tôi có thể cảm nhận được – họ bắt đầu cắm rễ ủng hộ ông.

Entrepreneurs’ Organization, một diễn đàn hỗ trợ đồng đẳng mà tôi sẽ nói thêm sau này, có một bài tập trong đó các thành viên mới thuật lại những cột mốc của quá khứ bản thân, chia sẻ những thành công và thất bại với cả nhóm. Đây là một bài tập sâu sắc giúp củng cố ngay lập tức sự thấu hiểu dành cho nhau.

Tóm lại điều tôi muốn nói: Nếu chúng ta có thể huấn luyện cho những doanh nhân mình đồng da sắt mở lòng ra đến thế, bạn không thể có lý do gì để né tránh không thực hiện được với bạn bè, trong nhóm hỗ trợ riêng của bạn, và ngay cả trong gia đình của mình. Sự hằn học và căng thẳng sẽ tan biến khi chúng ta kể về những trải nghiệm quá khứ đã định hình hành vi chúng ta hôm nay – nó sẽ tạo được sự đồng cảm. Không có cách nào tốt hơn để làm sâu sắc mối quan hệ với những người bạn muốn trong nhóm và trong cuộc đời mình.

7. Điều gì làm bạn mất ngủ?

Một khi bạn đã kiến tạo được một không gian an toàn để nói về chuyện đời xưa, bây giờ đã đến lúc tập trung vào chuyện hôm nay. Có điều gì trong sự nghiệp khiến bạn không an tâm? Công việc của bạn thế nào? Những người cấp trên hay cấp dưới bạn thì sao? Điều gì làm bạn mất ngủ hàng đêm? Mối quan hệ của bạn với người bạn đời hay đối tác, với con cái hay cha mẹ có ổn không? Bạn có lo lắng về sức khỏe không? Về mặt tài chính thì sao? Nên nhớ, tôi không nói rằng bạn có thể, hay nên, đi sâu vào tiết lộ về bản thân như thế này với một người bạn chỉ mới lần đầu gặp mặt, nhưng đây là mức độ chia sẻ cần thiết giữa hai đối tác trong một mối quan hệ cứu sinh.

Everette Phillips là một doanh nhân đã đầu tư kiến thức của mình về lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc (ông đã làm việc nhiều năm tại Seiko Instruments, nhà sản xuất đồng hồ) cho một công ty có tên là Global Manufacturing Network. Công ty này cung cấp hệ thống cung ứng theo nhu cầu giúp các công ty Mỹ tìm nguồn linh kiện hay dây chuyền lắp ráp tại Trung Quốc. Khi còn làm việc tại Seiko, Everette đã được một người đỡ đầu khuyến khích tham gia vào một mạng lưới quan hệ hỗ tương trong khu vực. Khái niệm ẩn đằng sau mạng lưới này là kiến tạo một không gian cho những chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội gặp gỡ tại những bàn thảo luận chung chia theo từng ngành công nghiệp và bàn bạc về những vấn đề làm họ mất ngủ.

“Tại mỗi buổi họp,” Everette kể, “chúng tôi đều có một phần gọi là ‘Điều gì làm anh mất ngủ?’ Đó có thể là một vấn đề về nhân lực, một vấn đề bán hàng, vấn đề pháp lý, hay bất cứ thứ gì. Mỗi người đưa ra một vấn đề, sau đó chúng tôi đưa ra những phản hồi trung thực. Câu trả lời có thể là ‘Đây là lần thứ sáu anh nêu ra vấn đề này. Nghe có vẻ không phù hợp; tôi nghĩ anh không thể thay đổi nhân viên này được nữa rồi.’ Hoặc ai đó sẽ kể một câu chuyện về những gì anh ta đã làm trong một trường hợp tương tự. Và thế là chúng tôi tích lũy thông tin từ người này người khác, và sau đó chia sẻ những đầu mối giúp đỡ – ‘Tôi biết một luật sư giỏi về lĩnh vực này,’ hoặc ‘Tôi biết một ngân hàng đầu tư có thể giúp anh về tài chính.’”

Cách đây sáu năm Everette đã gặp đối tác làm ăn của mình, Al Tien, cũng tại buổi thảo luận bàn tròn này. Cả hai đều có kinh nghiệm rộng lớn trong lĩnh vực sản xuất. Cả hai đều thấy mình thích làm việc với người kia. Và thế là họ ngồi lại với nhau để thảo luận về những điểm chung trong khả năng của hai người, và những điểm còn thiếu – một cuộc trò chuyện sâu sắc chỉ có thể xảy ra khi họ đã luyện tập cách chia sẻ những thách thức cận kề nhất.

8. Nỗi sợ trong tương lai

Bước cuối cùng để đến với sự thân thiết và tin cậy là phải cởi mở và chia sẻ những nỗi lo lắng và e ngại cho tương lai.

Đây là một vấn đề khó khăn. Chúng ta đã đi qua quá khứ. Những gì chúng ta đang trải nghiệm cũng có thể có hướng giải quyết. Nhưng nỗi lo cho tương lai thường là hoang tưởng hay ác mộng. Đây chính là sân chơi của sự bất an thật sự và nơi phát huy những điểm yếu của bạn. Nỗi lo lắng của chúng ta có thể xoay quanh nền kinh tế, rằng những giới hạn cá nhân có thể níu giữ bản thân, hay rằng chúng ta sẽ không được thăng tiến như mong muốn – cho dù là gì, nói ngắn gọn, đều làm chúng ta sợ hãi.

Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng ẩn bên dưới những nỗi sợ này là niềm tin căn bản rằng chúng ta không đủ giỏi để đạt đến mục tiêu mà chúng ta đã đề ra cho bản thân. Rằng chúng ta không xứng đáng với giấc mơ của mình. Rằng chúng ta làm cật lực để giữ cho giấc mơ được sống còn, nhưng đâu đó trong sâu thẳm chúng ta ngăn không cho giấc mơ được thành hình vì chúng ta không thật sự nghĩ mình có thể làm được.

Bản thân tôi cũng đã phải vất vả đấu tranh với vấn đề này. Trong cuộc đời mình tôi luôn phấn đấu để vượt lên. Khi tôi kết thúc giờ phục vụ sân golf sau giờ học, tôi lại chuyển sang đi phát báo, và vào cuối tuần tôi đến quét dọn tại công trường xây dựng của cha tôi. Tôi đã quá quen thuộc với cảm giác đổ mồ hôi sôi nước mắt để vượt lên phía trước.

Nhưng đó chính là tôi. Tôi là thế. Ngồi nhận thành quả từ cuộc đời mình không phải là một việc dễ chịu đối với tôi; nó không phải là một cảm giác “quen thuộc”, như cộng

sự của tôi Morrie Shechtman nhắc nhở. Tôi luôn lo ngại rằng một cách vô thức mình đang kìm hãm đội ngũ và bản thân không đến được thành công đỉnh cao chỉ vì nhu cầu đấu tranh từ trong sâu thẳm của tôi.

Nhưng nhờ chia sẻ suy nghĩ này với những người quan tâm đến tôi, tôi đã có thể tự nhận biết nó và thay đổi lối suy nghĩ của mình. Nói về nỗi sợ hãi và làm cho bản thân bị tổn thương, một cách đơn giản, đã làm thay đổi tôi. Giờ đây tôi có thể nhìn thấy hành vi của mình một cách rõ ràng và lập kế hoạch để vượt qua. Và đội ngũ cố vấn của tôi – những người quan tâm đến sự thành công nghề nghiệp của tôi – được phép (hay đúng hơn, có trách nhiệm) giúp tôi trong cuộc chiến này. Điều tuyệt vời nhất là nó có tác dụng.

Tôi sẽ không nói dối – từ bỏ lối suy nghĩ này không phải là một điều dễ dàng đối với tôi. Hầu hết chúng ta đều sống trong cảm nhận phải thể hiện một hình ảnh mà người ta mong muốn ở mình (đồng thời cũng tự thuyết phục bản thân về hình ảnh này). Nhưng quyền năng của việc cho phép mình tổn thương trước người khác và kể cho họ về những bất an hay lo ngại của mình khiến tôi nghĩ rằng đây là một cách để giúp chúng ta từ bỏ những thói quen xấu và lối suy nghĩ tiêu cực của quá khứ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.