Ai Che Lưng Cho Bạn

Đặc Điểm tư duy 4 – Trách nhiệm



Hứa, và hứa. Chúng ta đều đã nghe, và chúng ta đều đã hứa – lời quyết tâm đêm giao thừa sẽ giảm cân hay cai thuốc, lời hứa tối thứ Sáu với bạn bè rằng sáng thứ Hai sẽ đi thẳng vào phòng sếp để đòi được thăng chức hay tăng lương… cộng thêm những lời hứa và những ngày mai hay “sau này” sẽ không bao giờ đến. Muốn hoàn thiện bản thân là một chuyện; thật sự theo đuổi đến cùng là chuyện khác. Vậy cần phải có những gì để theo đuổi thay đổi trong cuộc sống?

Để tôi trả lời câu hỏi này bằng một câu hỏi khác: Chuyện gì xảy ra giả sử nếu chúng ta không thực hiện lời hứa thì hậu quả sẽ khó lường? Chúng ta biết hậu quả của hành động của mình là gì, bởi vì thật lòng mà nói, chúng ta đang sống với nó mỗi ngày. Chọn sai cổ phiếu để mua, và bạn sẽ mất hết tiền. Vi phạm pháp luật, bạn sẽ phải đóng phạt hay vào tù. Nhưng những hậu quả này được áp đặt lên con người chúng ta từ bên ngoài. Chuyện gì xảy ra nếu chúng ta chọn áp đặt những hậu quả này lên bản thân khi chúng ta không làm đúng như kỳ vọng của mình? Nói cách khác, chuyện gì xảy ra nếu, thay vì trông đợi vào kỷ luật bản thân vốn không hoàn hảo, chúng ta tạo ra những cách mới và tốt hơn để buộc bản thân có trách nhiệm?

Cuối cùng cũng đến lúc, hãy thay đổi đi chứ!

Làm thế nào chúng ta tiếp tục thay đổi? Nhiều năm liền, tôi vẫn luôn tìm một giải pháp tốt đẹp cho vấn đề này. Khi mới thành lập Ferrazzi Greenlight, tôi muốn tạo ra sự thay đổi bền vững, trong tổ chức lẫn trong con người, bởi vì thường các công ty và cá nhân trả rất nhiều tiền cho tư vấn hay các chương trình huấn luyện nhưng cuối cùng chỉ là các bìa hồ sơ nằm gọn gàng trên kệ văn phòng mà thôi. Và mặc dù tôi biết rằng nhóm làm việc và tôi có thể làm kinh ngạc khán giả, nhưng mục tiêu của chúng tôi không phải là làm hào hứng một nhóm người trong vòng 24 giờ. Tôi sẽ không thể vui vẻ trừ phi chúng tôi hoàn toàn đảm bảo được một mô hình mang tính kinh tế (và áp dụng được) cho sự tăng trưởng của công ty thông qua những mối quan hệ sâu sắc trong nội bộ và với bên ngoài. Mục tiêu lớn hơn của tôi là có thể nói rằng những người đã làm việc với tôi sẽ không chỉ thay đổi thái độ làm việc của họ, mà còn giữ vững những thay đổi này, cả trong công việc lẫn tại gia đình, với bạn bè và gia đình! Tôi muốn tìm ra một giải pháp cho vấn đề mà các nhà truyền đạo thường gọi một cách thân mật là “vấn đề Chủ nhật đến thứ Hai”: Chúng ta cảm thấy phấn khích sau bài giảng ngày Chủ nhật, nhưng đến sáng thứ Hai, chúng ta lại quay về với cuộc sống và công việc như thường lệ.

Vì lý do này, chúng tôi đưa ra dự án Greenlight Research Group để đánh giá những chương trình hiện có dựa trên khả năng thay đổi hành vi bền vững. Nhưng kết quả tốt nhất có thể thấy chỉ là những kết luận còn mang tính tùy hứng của chúng tôi. Dĩ nhiên, có rất nhiều người liệt kê thay đổi bền vững như là kết quả của buổi huấn luyện hay tư vấn, nhưng khi chúng tôi tìm dữ liệu chứng minh thì thật sự chẳng có. Chúng tôi cũng không tìm thấy được nhiều công ty với những chương trình có thể đo lường thay đổi thái độ hành vi con người trong một khoảng thời gian dài. Chúng tôi đã trao đổi với hàng trăm nhà lãnh đạo tại rất nhiều công ty – nhưng khi chúng tôi bắt tay vào tìm hiểu, không ai chỉ ra được một hệ thống nào có thể chứng minh tạo ra được thay đổi bền vững trong nhân viên. Các chương trình huấn luyện có được thực hiện với mục đích tốt đến mấy, thì chúng cũng không đạt đến nguồn gốc của vấn đề.

Sau đây là những gì chúng tôi tìm thấy, mà bất cứ ai hoạt động trong lĩnh vực phát triển chuyên môn ắt hẳn đã biết: Phần lớn các chương trình huấn luyện tập trung vào nâng cao hiểu biết của nhân viên về sản phẩm của công ty. Sau đó là huấn luyện về những kỹ năng chung chung phục vụ lãnh đạo và bán hàng. Hữu ích và cần thiết? Dĩ nhiên rồi. Nhưng sự phát triển lớn nhất đối với những người đi làm là trong công ty có một nhà quản lý hay nhà lãnh đạo tài năng và cống hiến tham gia huấn luyện trực tiếp cho cá nhân trong công việc hàng ngày.

Đáng buồn thay, trường hợp một kèm một này không thể nhân rộng ra mọi tình huống, bởi vì chỉ một số nhà quản lý hay lãnh đạo có tư chất để làm tốt việc này. Đứng ở góc độ kinh tế, không thể nào có đủ thời gian cho nhà quản lý một kèm một (nhất là trong tình trạng hiện nay còn phải tập trung chú ý vào cắt giảm chi phí và phá bớt những cấp bậc trong công ty). Như vậy là mặc dù những nỗ lực đa dạng để huấn luyện kỹ năng dẫn dắt cho tầng lớp lãnh đạo cũng đã mang đến một số thành công nhất định, nhưng lại một lần nữa, vấn đề kinh tế khiến cho giải pháp này khó được thực hiện.

Nhóm làm việc và tôi cùng nhau thảo luận về kết quả nghiên cứu này. Một mặt, chúng tôi cảm thấy vui khi biết rằng mình có thể tạo sự thay đổi thật sự trong bối cảnh tư duy quản trị nếu chúng tôi tìm ra được giải pháp. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn còn đó – làm thế nào chúng tôi tạo ra được thay đổi bền vững và đo lường được?

Nếu nhìn kỹ lại, chúng tôi đang tìm kiếm sai chỗ. Khi chúng tôi đang ngồi suy nghĩ tìm ý tưởng, thì bà chị to lớn Karen gọi tôi bằng điện thoại di động. Karen, như tôi đã nhắc đến trước đây, đã tìm được một cách để duy trì cân nặng thông qua Weight Watchers và nhờ sự hỗ trợ của một phụ nữ tên là Jan Shepherd. Khi Karen nói đến chương trình và niềm tin vững chắc cùng sự động viên của Jan, đầu óc tôi bỗng dưng được giải thoát khỏi những giới hạn suy nghĩ bên trong chiếc hộp tổ chức.

Nếu mô hình thành công đang ở ngay trước mắt, điều gì ngăn cản chúng tôi mang những tuyệt chiêu từ những tổ chức này áp dụng vào phòng hội đồng quản trị? Mọi người trong những nhóm này đều thể hiện trách nhiệm, và đây chính là đặc điểm tư duy thứ tư cần thiết để hình thành quan hệ hỗ tương.

Càng nghiên cứu sâu, chúng tôi càng thấy phấn khích. Ngay cả khi trách nhiệm trong nhóm không thể được duy trì nếu thiếu đi những đặc điểm tư duy kia, rõ ràng nó vẫn là đặc điểm tư duy quan trọng nhất cần thiết để đạt và duy trì thành công lâu dài.

Tôi có một từ khác để chỉ trách nhiệm: “quyền đá đít”. Bởi vì trách nhiệm thường đi kèm với một số nhắc nhở khá mạnh mẽ từ những người quanh chúng ta để đưa chúng ta vào quỹ đạo và tiếp tục tiến tới! Khi tôi còn là một cậu bé mới học xong trường kinh tế, tôi còn nhớ Greg Seal khuyên tôi nên chuyển đến Chicago, vì ở đó có một ông giám đốc chi nhánh thật sự “đá đít anh, Keith ạ”. Nhớ lại lúc đó, Greg đã đánh giá thấp tầm quan trọng của việc tôi cần phải được đá đít thật mạnh (và thật thường xuyên). Phải mất nhiều năm sau này thì một số bài học mới thấm vào người tôi.

Dĩ nhiên, có một người đỡ đầu, một vài người bạn, hay một nhóm cố vấn giúp bạn luôn chịu trách nhiệm về lời hứa, mục tiêu, hành động của mình không chỉ đơn giản là đá đít. Như bà chị to lớn của tôi đã nhận thấy, họ còn hỗ trợ bạn có tinh thần tích cực và động viên bạn. Trách nhiệm liên quan đến việc đề ra mục tiêu. Nó cũng có nghĩa là thừa nhận thất bại khi mọi việc không diễn ra như ý, và đoàn kết tìm giải pháp hay cách tiếp cận khác để đưa chúng ta quay lại với quỹ đạo.

Tại Weight Watchers, các thành viên đặt ra mục tiêu giảm cân và sau đó kiểm tra cân nặng tại mỗi buổi gặp hàng tuần. Mặc dù số cân nặng là hoàn toàn riêng tư và người ta không bị bắt buộc phải công bố số cân giảm hay tăng với những thành viên khác, xu hướng hiện nay là đăng những đoạn video buổi cân lên YouTube! Liệu bạn có còn dám ăn miếng bánh đó, nếu biết rằng vào buổi sáng, khoảng 250.000 người trên toàn thế giới đã xem buổi cân thử của bạn. Trách nhiệm có tác động đấy chứ.

Một báo cáo của tạp chí Human Relations nhận thấy trách nhiệm cũng khuyến khích người ta đặt mục tiêu cao hơn cho bản thân. Trong một cuộc nghiên cứu, những người tham gia được hỏi về mục tiêu và chỉ tiêu làm việc. Một nhóm nhỏ được cho biết rằng sau đó họ sẽ phải thảo luận câu trả lời của mình với trưởng nhóm. Khả năng phải thảo luận đã khiến họ đặt mục tiêu trung bình cao hơn rất nhiều so với nhóm không yêu cầu phải chịu trách nhiệm về câu trả lời của mình.

Điều tôi muốn nói là sự hỗ trợ đồng đẳng rất quan trọng để tạo trách nhiệm, đặc biệt là đối với việc duy trì những thay đổi hành vi mà chúng ta cần để đạt đến mục tiêu. Tôi không có ý nói là một số người không thể tự làm được việc này. Họ vẫn làm được đấy thôi. Nhưng đa số những người thành công nhất trên thế giới này đều dựa vào lời khuyên, hỗ trợ, động viên, và động lực thúc đẩy từ một số người tin cậy sẵn sàng giúp họ khi họ vấp ngã, mất thăng bằng, mất phương hướng. Một số chúng ta tìm đến các cha cố để xin lời khuyên và hỗ trợ tinh thần; vậy tại sao chúng ta lại không cần đến lời khuyên thường xuyên từ một người cố vấn tin cậy, hay một nhóm cố vấn, để giúp chúng ta đạt những tham vọng cá nhân hay công việc của mình?

Chọn đúng người, chứ không phải ai cũng được

Yêu cầu quyền đá đít từ một người bạn là việc dễ dàng. Cách đây vài năm, tôi đặt ra một mục tiêu om sòm trong đầu là những quyển sách sắp tới của tôi sẽ giúp người ta theo đuổi một cuộc sống chú trọng vun đắp quyền lực cho mối quan hệ và cung cấp một lộ trình hoàn hảo cho các cá nhân và nhà lãnh đạo áp dụng để đạt kết quả như mong muốn. “Rob”, tôi nói với bạn tôi là Tiến sĩ Dirksen, “hãy giúp tôi một việc. Đừng buông tha tôi cho đến khi tôi đưa cho anh xem chiến lược và tầm nhìn của tôi về công việc xuất bản. Đây là những việc tôi phải làm – bắt đầu bằng bản tóm tắt cho mỗi quyển sách và xác định kế hoạch nghiên cứu để đảm bảo tác phẩm được viết dựa trên những câu chuyện kể tuyệt vời và khoa học chính xác. Tôi muốn hoàn thành trong vòng hai tháng. Anh có thể giúp đá đít tôi cho đến khi nào tôi trưng ra cho anh xem những thứ này không?”

Rob làm đúng như thế. Một lý do mọi việc diễn tiến tốt đẹp là vì tôi hỏi anh ta liệu tôi có thể bắt anh ta chịu trách nhiệm về điều gì không. Rob đưa ra một vài thứ, và tôi tự dặn mình phải gọi điện nhắc nhở anh ta mỗi tuần vài lần.

Hãy thử chọn một kế hoạch hay mục tiêu đơn giản, ngắn hạn trong tháng này và cần được thực hiện vài lần mới hoàn tất. Giờ hãy yêu cầu một người có thể buộc bạn phải giữ lời hứa. Ban đầu, bạn nên nhắc nhở mọi người rằng bạn thật sự nghiêm túc và rằng trách nhiệm không phải là một ý nghĩ thoáng qua mà thật sự là sự khởi đầu của quyết tâm và thói quen. Đồng thời hãy làm cho người bạn kia cảm thấy thoải mái khi buộc bạn phải có trách nhiệm. Ban đầu, thể hiện lòng biết ơn của mình; cuối cùng, cám ơn họ đã giúp bạn đạt mục tiêu. Cũng giống như với đặc điểm tư duy trung thực, cái khó nhất là phải khởi động được lần đầu tiên.

À, thế kết quả kế hoạch của tôi thì sao? Rob chẳng biết gì về kế hoạch xuất bản của tôi cả. Rob không phải là người tôi cùng ngồi vạch chiến lược. Thay vào đó, anh ta đóng vai trò “bạn trách nhiệm” – một người sẽ giữ chân tôi trên đống lửa. Chỉ cần nói thành lời trước một người khác rằng tôi sẽ làm một việc gì đó thôi cũng đã tạo nên một khác biệt rất lớn.

Kết quả? Rob và tôi bắt đầu một quy trình mà tôi gọi là “kiểm duyệt trách nhiệm” hàng tuần. Chúng tôi cùng có kế hoạch và quyết định rằng buổi kiểm duyệt này là thời điểm lý tưởng để chia sẻ tiến độ hàng tuần trên đường đến mục tiêu của mình.

Lấy cảm hứng từ những buổi tổng duyệt trách nhiệm này của Rob và tôi, tôi đã đưa vào Ferrazzi Greenlight những buổi họp trách nhiệm với những nhóm phụ trách phát triển khách hàng. Các nhóm trong FG giờ đây chia sẻ với nhau kế hoạch họ đặt ra cho từng ngày về tìm khách hàng mới; và hai mươi bốn giờ sau họ đánh giá tiến độ đồng thời đặt ra mục tiêu mới cho ngày mới. Kết quả được cải thiện đáng kể trong nhóm; ngoài ra, họ cảm thấy vui vẻ làm việc với nhau trong nhóm hơn!

Trách nhiệm. Hỗ trợ đồng đẳng. Bà chị tôi đang hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ – nhờ vào Weight Watchers, chị tôi cuối cùng cũng giảm cân – nhưng chị vẫn thỉnh thoảng lại tăng cân. Tôi không thể nào hiểu được. Tại sao chị không chịu ăn ít lại? Tôi tự hỏi, với tư cách một người chưa bao giờ gặp vấn đề về cân nặng. Cái chị cần là thêm một biện pháp đo lường trách nhiệm, một người bạn như Rob đối với tôi, nhưng tôi rõ ràng không phải là người thích hợp để làm việc này. Vấn đề là tôi không thể nào hiểu được.

Bạn phải lưu ý đến điều này khi bạn nghĩ xem nên tìm đến ai để giúp chúng ta chịu trách nhiệm về cuộc sống và sự nghiệp của mình. Việc chúng ta nhờ đến ai rất quan trọng. Trong ngắn hạn, chúng ta có thể cảm nhận được trách nhiệm là như thế nào với hầu như bất cứ ai mà chúng ta nhờ cậy. Nhưng để giải quyết những mục tiêu dài hạn, việc chọn lựa đúng người là rất quan trọng. (Tôi sẽ đi sâu hơn vào chủ đề này trong phần ba).

Tuy nhiên, ngay cả trong những nhóm hỗ trợ, người ta cũng có thể mất tập trung. Nhiệm vụ của nhóm là có mặt để giữ bạn làm đúng theo kế hoạch, và đôi khi là kéo bạn quay lại với kế hoạch. Tại AA, thành viên đôi khi rớt ra khỏi toa tàu; trong những nhóm bỏ thuốc, thành viên thường nói đùa là họ đã bỏ thuốc rất nhiều lần; và trong Weight Watchers, thành viên đôi khi bỏ họp (và gọi món bánh nướng nhân thịt). Cách đây hai mươi năm, nhờ có Weight Watchers mà Karen giảm cân đến mức mẹ chị lo lắng không biết chị có mắc chứng biếng ăn. Bây giờ bước vào độ tuổi năm mươi, chị cảm thấy khó mà giữ được kỷ luật như trước. “Ý chí của chị không còn mạnh mẽ như trước nữa,” có lần chị đã nói với tôi. “Và bây giờ chị có con cháu ghé thăm và đòi ăn kem. Chị không muốn nói không với bọn chúng, và dĩ nhiên là chị cũng ăn theo bọn chúng”.

Các nhóm hỗ trợ thường xuyên gặp những trường hợp tương tự – và một lần nữa, họ cũng có giải pháp: hình thành các hỗ trợ một kèm một thường xuyên và sâu sắc hơn môi trường hỗ trợ chung trong nhóm. Đó chính là lý do vì sao có mặt Jan Shepherd. Jan đóng vai “bạn trách nhiệm” của chị tôi, và bà giúp Karen hàng ngày, luôn luôn có mặt 24/7.

Dựa vào sự giúp đỡ của nhà tài trợ và đối tác cũng là hình thức phổ biến trong các chương trình thể dục. Một số người thuê huấn luyện viên chuyên nghiệp để tác động đến họ; một số người khác nhờ vào những bạn bè cùng tập luyện và yêu cầu trách nhiệm lẫn nhau. Michelle Mudge-Riley là một bác sĩ tại Virginia chạy bộ ít nhất bốn buổi sáng mỗi tuần cùng một người bạn. Và không có gì buộc cô phải chui ra khỏi giường bằng việc biết rằng có người chờ mình ngoài kia bên đường! Có ai muốn để cho người bạn tập thể dục của mình chờ mòn mỏi đâu?

Một nhóm trách nhiệm thể dục khác mà tôi biết trao đổi với nhau dụng cụ tập. Như vậy, nếu một thành viên không xuất hiện, anh ta đã làm thất vọng người kia vì họ không có dụng cụ để tập! (Và họ chưa bao giờ bỏ buổi tập nào).

Vậy làm thế nào Jan Shepheard xuất hiện trong cuộc đời chị tôi? Tôi gặp bà ấy khi ăn trưa tại nhà một người bạn và biết ngay lập tức rằng mình đã tìm thấy một người bạn cho chị tôi để hỗ trợ chị với những gì đã đạt được từ Weight Watchers. Jan là một đối tác trách nhiệm giảm cân chuyên nghiệp, một dạng “bạn nhịn ăn cho thuê”.

Jan là nguồn cảm hứng cho bất cứ ai muốn giảm cân. Đã từng cân nặng 160 kg, bà là tiêu biểu của định nghĩa “béo phì nguy hiểm”. Nhưng theo thời gian, bà đã giảm 90 kg, và giữ được mức này suốt bảy năm. So với số cân giảm của Jan, mọi vấn đề cân nặng đều trở nên nhỏ bé; bà hiểu được bằng kinh nghiệm sự khó khăn khi phải ăn kiêng. Karen hào hứng về Jan cũng như chị đã mê mẩn Weight Watchers, cám ơn bà đã cứu giúp đời chị: “Bà ấy rất khôn khéo; bà ấy biết phải nói với chị câu gì. Bà ấy gọi điện cho chị mỗi tối và yêu cầu chị kể cho bà nghe về một ngày của chị, muốn biết liệu chị có gặp tình huống căng thẳng nào không. Bà ấy giúp chị sắp xếp ưu tiên nhu cầu của mình khi chị bị lôi kéo tứ phía ở nhà. Ví dụ như bà ấy thuyết phục chị rằng chị có thể nói với gia đình mình, ‘Mẹ không thể giúp con vào lúc này vì mẹ cần phải chăm sóc cho mình trước, như vậy thì mẹ mới sống lâu mà yêu thương các con được.’ Và cái này không bị gọi là ích kỷ. Chị chưa bao giờ nghĩ chị có thể nói được những câu như vậy. “Chị không thể làm được nếu không có bà ấy. Chị yêu quý bà ấy… và bây giờ chị bắt đầu yêu quý bản thân mình”.

Thiết nghĩ cũng cần phân biệt giữa bạn thân và bạn trách nhiệm. Nếu bạn đang ăn kiêng hay cố gắng tạo sinh khí cho sự nghiệp của mình, đôi khi bạn bè và gia đình quá gần gũi không thể giữ chân bạn trên ngọn lửa được, không thể thật sự buộc bạn phải chịu trách nhiệm trước những mục tiêu của mình. Những người khác, biết được quá khứ của bạn, lại có thể đưa ra đánh giá hoặc hạ nhục bạn. Bạn rất dễ phản đối sự can thiệp của họ, vì quá khứ và những mặc cảm xấu xa sẽ chen ngang.

Ví dụ, chồng của Karen, Kevin, vẫn liên tục cố gắng động viên chị tôi giảm cân, nhưng không có kết quả. “Mỗi khi chồng chị nhắc nhở về những gì chị ăn, hoặc cằn nhằn bảo chị đi bộ, thế là chị nổi giận,” Karen kể. “Chị trút giận lên đầu ông ấy vì chị cảm thấy mình thật vô dụng trong cuộc đời và sức khỏe chị ngày càng tệ. Chị lo sợ không muốn ông ấy làm bạn đời của mình. Chị không chắc là ông ấy có thấy chị còn hấp dẫn không. Chị muốn tránh đề cập đến vấn đề này với ông ấy”.

Jan, ngược lại, không mang theo bà ấy những gánh nặng của một mối quan hệ lâu dài. Bà ấy “được phép” làm một người cảnh sát đóng vai ác. “Gần đây chị gặp một dịp nghỉ cuối tuần hơi khó khăn,” Karen kể. “Chị ăn nhiều quá, và khi chị kể cho Jan nghe, bà ấy thật sự choáng váng. Bà ấy nói ‘Karen, chúng ta đã bắt tay nhau rồi mà. Chị phải gọi cho tôi chứ.’” Karen gác máy với lời hứa sẽ gọi cho Jan bất cứ khi nào chị sắp sửa làm hỏng chiến dịch ăn kiêng của mình.

Điều này không có nghĩa là không có chỗ cho người thân và bạn bè trong vấn đề trách nhiệm. (Một điều tôi sẽ đi sâu phân tích trong những phần sau của quyển sách đó là bạn nên chọn ai và không nên chọn ai vào trong nhóm cố vấn cho mình). Nhưng đối với đa số chúng ta, bắt đầu bằng một người mình yêu quý không phải là chuyện đơn giản. Thông thường bạn cần khởi đầu với một nhà cố vấn tin cậy tương đối tách biệt với những việc hàng ngày của bạn hơn là với người bạn đời hay bạn thân. Và một khi bạn đã quyết tâm dựa vào lời khuyên của một người hay nhóm bạn trách nhiệm, bạn sẽ thấy mình có thái độ khác với những người thân “hay càm ràm”. Tôi không thể vui hơn khi một ngày kia Karen bảo tôi: “Giờ đây khi Jan và Weight Watchers đã là một phần cuộc đời chị, những lời nhận xét của chồng chị không còn làm chị tức giận nữa; chị thậm chí còn trân trọng chúng”.

Bây giờ có nhiều người trong số các bạn đang nghĩ: Khoan đã – Jan là một huấn luyện viên được thuê. Như vậy là ăn gian!

Thật ra, không có gì sai trái khi thuê một nhà tư vấn chuyên nghiệp để được họ đóng góp và hỗ trợ bạn chịu trách nhiệm với mục tiêu của mình. Thực tế là nếu bạn thuộc nhóm người không biết tìm đâu ra một người hoàn hảo để đóng vai trò này, hãy mạnh dạn bắt đầu hành trình bằng cách thuê một người chuyên nghiệp! Điều này chẳng khác gì khi bạn thuê một huấn luyện viên thể dục hay huấn luyện viên chuyên môn, đóng tiền học yoga, hay tìm đến sự tư vấn của nhà trị liệu. Những nhà tư vấn được thuê thường làm rất tốt vai trò của mình – vì họ đã chứng kiến nhiều tình huống tương tự.

Một khi bạn đã cảm thấy thành công với một người, nhiều khả năng là bạn sẽ sẵn sàng mở lòng ra với nhiều người khác – bạn bè và cuối cùng là những mối quan hệ cứu sinh. Nhưng thành công không hề lệ thuộc vào tình hình tài chính của bạn. Khi tôi còn trẻ và không thể nào thuê một huấn luyện viên hay trả tiền cho nhà trị liệu, tôi bắt đầu tìm đến các vị tu sĩ trong nhà thờ. Đúng vậy, lúc tôi còn học trung học! Không ai bảo tôi cả; tự tôi làm thế. (Ngay cả vào lúc đó, trong sâu thẳm, tôi biết rằng mình cần phải tạo ra những mối quan hệ lâu bền để giúp tôi vượt lên nhanh hơn và duy trì sự phát triển và cuối cùng là đạt đến thành công!)

Chị tôi lúc đó đang muốn chết vì không thể giảm cân. Tiền bạc không phải là một

động lực thúc đẩy. Nhiều năm liền, chúng tôi tin rằng khi công ty trả tiền thì công việc sẽ được thực hiện, mà đúng như thế; nhưng ngay cả khi có sự giúp đỡ và hỗ trợ của nhà tư vấn được thuê, không gì sánh bằng việc vận dụng nguồn động viên mạnh mẽ của hệ thống hỗ trợ đồng đẳng.

Bất kể người giúp đỡ là bạn bè hay người được thuê, chỉ cần có người bắt bạn phải chịu trách nhiệm cho mục tiêu của mình cũng đã là một cơ chế củng cố hữu hiệu. Ban đầu, chị tôi cần một người hỗ trợ hàng ngày. Nếu chị ấy đến với Weight Watchers thường xuyên hơn, chị ấy hẳn đã có thể thiết lập hệ thống bè bạn hay nhóm hỗ trợ trong Weight Watchers tương tự như chương trình tài trợ của AA. Nhưng chị ấy đã có Jan, và điều này tạo nên sự khác biệt rất lớn. Những người khác đang tìm kiếm những cách thức sáng tạo, mới lạ để giúp họ chịu trách nhiệm trước những mục tiêu cuộc đời mình. Hai thành viên ban giảng huấn tại Yale và một sinh viên cao học đã giới thiệu một “cửa hàng quyết tâm” trực tuyến với cái tên Stickk.com, sử dụng tiền theo một cách mới để động viên mọi người theo đuổi mục tiêu của mình. Để sử dụng trang web miễn phí và hoạt động nhờ quảng cáo này, bạn chỉ cần đăng ký một mục tiêu cá nhân, ví dụ như giảm cân, trả nợ tín dụng, hay thậm chí là nhớ chải răng bằng chỉ mỗi ngày, sau đó đặt cược liệu bạn có thành công không. Bạn phải trả tiền trước – tự bạn sẽ quyết định số tiền, nhưng thường là vài trăm đô la. Tiến độ sẽ được theo dõi bằng một hội đồng trọng tài do bạn chọn – một người bạn, một đồng nghiệp, hay một người sếp. Nếu bạn đạt mục tiêu, bạn sẽ được nhận lại tiền. Nếu không, Stickk sẽ dùng tiền này để làm từ thiện (chia theo từng tuần) với Red Cross hoặc United Way. Thậm chí để đảm bảo bạn không được hưởng tí nào từ số tiền này dù là gián tiếp, Stickk sẽ không đưa lại cho bạn biên lai chứng nhận để được giảm thuế. Nói cách khác, bạn chủ động đặt ra một số tiền lớn để buộc mình phải chịu trách nhiệm với mục tiêu của mình, hiểu rất rõ rằng bạn sẽ mất tất cả nếu bạn không đạt được như lời hứa.

Stickk cũng cho phép bạn đặt cược vào một chương trình gọi là “phản từ thiện”, nghĩa là số tiền của bạn sẽ được chuyển cho một tổ chức hay phục vụ một lý tưởng bạn cực kỳ căm ghét. (Trên tinh thần bình đẳng chính trị, một số gợi ý trên trang web có cả George W. Bush Presidential Library và William Jefferson Clinton Presidential

Library). Ý nghĩa, dĩ nhiên, là hy vọng việc đem tiền kiếm được một cách khó nhọc mang cho một tổ chức hay cá nhân mà bạn căm ghét sẽ là một động lực mạnh để bạn thành công.

Tôi nghĩ những cách này cũng giúp ích, nhưng trong trường hợp của Karen, tôi đặt cược toàn bộ lên sự hỗ trợ cá nhân của Jan, và tổ chức Weight Watchers, mọi lúc.

Kinh doanh trách nhiệm

Giảm cân, trả nợ tín dụng, chải răng bằng chỉ mỗi ngày – đây là những mục tiêu cá nhân đáng theo đuổi, và tìm cách buộc bản thân chịu trách nhiệm là một cách quan trọng để giúp bạn đạt mục tiêu. Nhưng bạn sẽ sử dụng trách nhiệm để giúp đạt những mục tiêu kinh doanh và sự nghiệp như thế nào? Những người ngang cấp có thể giúp nhau đạt tiêu chuẩn cao hơn không? Có cách nào nhân viên buộc cấp trên phải chịu trách nhiệm không?

Trên trang web GreenlightCommunity.com tôi có viết chuyên mục Bí quyết trong tuần. Cách đây không lâu, tôi có viết về quyền đá đít, đưa ra câu hỏi: Công ty hay tổ chức có thể thúc đẩy những biện pháp trách nhiệm chính thức tương tự như thế này không? Trang web của chúng tôi sau đó tràn ngập câu trả lời. Dường như rất nhiều người hoạt động kinh doanh cũng đã từng hỏi câu này. Thay vì chờ đợi thành lập những nhóm tương tự một cách chính thức, họ đơn giản là đã thiết lập những nhóm trách nhiệm hay vòng tròn nhà cố vấn cho riêng mình.

Đó cũng chính là điều tôi đã làm sau khi gặp Bob Kerrigan. Bob giới thiệu tôi với Morrie Shechtman, người đã huấn luyện lãnh đạo cho Bob nhiều năm liền. Ngay lập tức Morrie và tôi chia sẻ quan điểm với nhau. Ông ấy làm công việc hỗ trợ các nhóm trách nhiệm đã nhiều năm, và chúng tôi cùng chia sẻ mối quan tâm làm thế nào đưa những cuộc họp nhân viên thành những nhóm hỗ trợ vững chắc hơn. Chúng tôi bắt đầu làm việc với nhau để chính thức hóa vấn đề trách nhiệm bên trong FG và đưa ra giới thiệu cho khách hàng. Đối với tôi, nhà cố vấn đầy tin cậy Greg Seal đã buộc tôi phải chịu trách nhiệm điều hành một con tàu vững chắc hơn tại FG và phải biết tập

trung hơn, thay vì cứ chạy theo tìm dự án mới rồi lại bỏ xó vì không có đủ thời gian – một vấn đề mà các đồng nghiệp của tôi đã nhìn thấy trước đó.

Một dự án nổi bật của chúng tôi là kế hoạch huấn luyện cho các nhà chính trị trẻ tuổi không phân biệt đảng phái về cách lãnh đạo hiệu quả – một “trại hè” phi lợi nhuận về lãnh đạo chính trị dựa trên những thành công chúng tôi đã làm với tổ chức. Đây là một ý tưởng vĩ đại vào thời đó – và hiện nay vẫn thế – và rất nhiều người chức quyền cũng đồng tình với tôi. Nhưng nói ngắn gọn, tôi đơn giản là không có thời gian và không tìm được người lãnh đạo nào để chia sẻ gánh nặng. Tôi vẫn luôn tham gia chính trị một cách tích cực, nhưng đồng thời, chúng tôi đã bận túi bụi khi vẫn tiếp tục phát triển một công ty đa dạng luôn tập trung vào sự tăng trưởng của khách hàng. Trong số những công ty con của chúng tôi gồm có: một công ty phát triển lãnh đạo và bán hàng, một công ty tư vấn, một công ty hàng tiêu dùng (sách, DVD, và một trang web cộng đồng dành cho những cá nhân chia sẻ cùng giá trị), và một tổ chức phi lợi nhuận kiêm cộng đồng lãnh đạo, Big Task Weekend, được thành lập để đưa các nhà lãnh đạo trong các liên doanh ngồi lại với nhau để tìm được tiếng nói chung giữa họ, đồng thời chung tay giải quyết những nhu cầu xã hội trên thế giới. Gần đây, chúng tôi thành lập một công ty mới giúp các nhà lãnh đạo cấp cao xây dựng thương hiệu cá nhân của họ thông qua những cộng đồng lãnh đạo của riêng mình. Các thành viên trong nhóm làm việc của tôi không có chức danh; tôi cho họ những dấu gạch chéo, để phân biệt giữa những chức năng và trách nhiệm khác nhau mà chúng tôi có.

Greg liên tục đặt áp lực lên tôi về vấn đề tập trung của Ferrzzi Greenlight, và khi đọc lại những gì tôi đã viết, đôi khi tôi cũng hiểu tại sao! Trong giai đoạn đầu của mối quan hệ hỗ trợ này, Greg và tôi gặp nhau hàng tháng và gọi điện mỗi tuần. Vào lúc đó, mục tiêu lớn nhất của Greg là buộc tôi đưa ra trách nhiệm cho lĩnh vực tài chính của công ty và giữ cho tôi không đưa ra thêm một dự án hay mở thêm một chi nhánh nào khác cho công ty. Tôi thường kể cho ông nghe rằng mình rất hào hứng trước một khách hàng mới muốn có một sản phẩm huấn luyện nào đó, và ông ấy sẽ nói: “Nhưng Keith, anh không cung cấp dịch vụ này”.

Tôi sẽ nói “Đúng thế, nhưng họ rất muốn mà! Và chúng tôi có thể phát triển sản phẩm này tốt hơn bất cứ ai!”

“Được rồi, Keith, nhưng hiện nay anh chưa có sản phẩm này! Và nếu phát triển nó anh sẽ không thể tập trung hoàn thiện và mở rộng những gì anh đang làm hiện nay. Anh phải chấm dứt thôi”.

Và cứ thế, Greg sẽ nhắc nhở (và đôi khi sử dụng bạo lực) để kéo tôi về với mặt đất. Ông ấy đã đúng: Nếu tôi muốn xây dựng một cái gì đó thật sự xứng đáng và vĩ đại, tôi sẽ phải giết chết một số dự án không phải là trọng tâm của công ty. Tôi đã học được cách từ chối những dự án nằm ngoài ưu tiên của FG, và theo thời gian chúng tôi đã để một số khách hàng ra đi. Greg đã áp dụng kinh nghiệm và kiến thức của ông vào cuộc sống và công việc kinh doanh của tôi, cũng như cách Jan đã làm cho chị tôi. Khi chúng tôi thuê một đối tác cấp cao mới, Greg bảo với bà ấy: “Bà phải hiểu rằng Keith có khả năng tự điều chỉnh cực kỳ nhanh. Nếu anh ta đi vào lĩnh vực đua thuyền trên thác, anh ta sẽ là người giỏi nhất. Và chính khả năng này đã giúp anh ta vượt qua được khuyết điểm hay mất tập trung – nhưng về lâu dài, nó sẽ không thể nào chống đỡ được, ai cũng vậy, và ngay cả Keith. Bà và nhóm làm việc cần phải giúp anh ta trưởng thành và giữ tập trung”.

Nhờ vào những cú đá đít của Greg và sự cảnh giác của chính nhóm làm việc, tôi đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Cuối cùng Greg và tôi bắt đầu đưa toàn bộ nhân viên vào trọng trách này – cho phép họ có quyền hạn lớn hơn khi buộc tôi phải chịu trách nhiệm cho mục tiêu và hoạt động của mình. Rất nhiều người chỉ muốn nhốt trách nhiệm và những cú đá đít đằng sau cánh cửa đóng kín! Nhưng nhờ cho phép Greg, một đối tác tin cậy, buộc tôi phải chịu trách nhiệm trước nhóm làm việc của mình, tôi đã trao quyền và khuyến khích họ cũng trở thành đối tác của mình.

Một lĩnh vực khác mà Greg, cùng David – một giám đốc tài chính mới tuyển dụng, và trợ lý của tôi buộc tôi phải chịu trách nhiệm hiện nay là tài chính cá nhân. Chúng tôi cùng nhau ngồi lại đặt ra mục tiêu tài chính và ngân sách cá nhân mỗi năm. Mỗi tháng, chúng tôi cộng sổ và tôi phải lý giải chi tiêu cá nhân của mình. Trước đó, tôi

chưa có ai giúp kiểm soát chi tiêu của mình cả. Với những bữa ăn tối, một bộ sưu tập rượu mà tôi đã bắt đầu từ hồi đại học, những công việc từ thiện, đóng góp chính trị, thể thao, du lịch, chi phí cá nhân của tôi đã phình to, và tôi cần có một nhóm giữ chân mình trên lửa. Hiện giờ tôi đang theo đuổi một kế hoạch chi tiêu sít sao, và tôi liên tục được nhắc nhở khi gọi điện đến văn phòng yêu cầu mua thứ gì hay đóng góp cho ai đó. Đôi khi tôi thấy mình giống một đứa trẻ được nhận tiền tiêu vặt (nhưng bất cứ lúc nào, dĩ nhiên, tôi cũng có thể chi tiêu theo ý muốn của mình – dẫu sao đây cũng là tiền của tôi mà). Nhưng bạn có biết không? Tôi đã đề ra một lời hứa với bản thân mình và yêu cầu họ giúp đỡ tôi hoàn thành lời hứa này. Ngược lại, tôi hứa với họ là tôi sẽ tôn trọng những kiểm soát và ngăn cản của họ, và tôi vẫn đang giữ được những lời hứa này.

Một khi tôi càng luyện tập chịu trách nhiệm lớn hơn trong cuộc đời mình, tôi lại càng nhìn thấy nhiều ví dụ về trách nhiệm trong cuộc đời người khác. Như Rachel Shechtman đã nói: “Tôi nhận thấy rằng khi chúng ta lớn lên, chúng ta dành cả cuộc đời mình sống trong những cấu trúc được chống đỡ bằng trách nhiệm. Trong trường học bạn có trách nhiệm phải có mặt, và những công sức ban đầu này sẽ đóng góp xây dựng cơ hội vào đại học hay những chọn lựa nghề nghiệp sau này. Rồi bỗng dưng bạn tốt nghiệp đại học, và thế là bạn lao vào cuộc đời vốn rất thiếu những cấu trúc trách nhiệm, và rất ít công cụ giúp bạn giữ kỷ luật cho bản thân”.

Rachel có một đồng nghiệp muốn nghỉ việc để mở công ty viết lời quảng cáo của riêng mình. “Tôi sẽ làm người bạn trách nhiệm cho chị,” Rachel đề nghị. Cả hai sẽ gặp gỡ ăn tối mỗi tháng hai lần và thảo luận về mọi thứ mà chị đồng nghiệp phải làm – từ thu thập một danh mục công việc nhận làm đến dự tính tiền công mỗi ngày hay cơ cấu tính phí cho một số dự án khác nhau. Và Rachel buộc bạn mình phải chịu trách nhiệm. “Chị cần phải làm những gì và theo thứ tự ưu tiên nào?” Rachel hỏi, sau đó đảm bảo rằng chị đồng nghiệp thật sự làm đúng kế hoạch. Kết quả? Chị bạn đồng nghiệp đã mở được công ty riêng.

Một lần nữa, thiết kế mô hình trách nhiệm có thể khác nhau. Bạn đồng nghiệp của

Rachel là một người có động lực tự thân, vì vậy Rachel chỉ cần đá đít nhẹ thôi. Nhưng bằng việc đặt cho mối quan hệ giữa hai người một cái tên và một cơ cấu hoạt động – bạn bè trách nhiệm – Rachel đã chính thức hóa vấn đề trách nhiệm giữa hai người, ngay cả trong bối cảnh gặp gỡ chỉ có hai người. Điều này rất quan trọng, vì rất nhiều người trong chúng ta thường dễ tha thứ và không đủ lì đòn để đóng vai người huấn luyện hay tạo động lực hiệu quả. Nếu không thông hiểu một cách chính thức, người ta rất dễ bỏ qua. Hãy nghĩ thế này: “trách nhiệm” – accountability có nguồn gốc từ “kế toán” – accounting, vốn là một môn rất nghiêm ngặt.

Dĩ nhiên, không phải ai cũng muốn làm kế toán. Và không phải ai cũng thấy dễ chịu khi đá đít bạn. Vì vậy những người bạn tìm đến phải cảm thấy họ bị buộc phải làm thế. Tôi phát hiện ra rằng cách tốt nhất để nuôi dưỡng trách nhiệm là hãy biến nó thành một việc có qua có lại. Nói cách khác, bạn cũng sẽ giúp cho những nhà cố vấn tin cậy như cách họ đang giúp bạn. Như Bob Kerrigan nói, “Không có ai là không được hưởng lợi từ việc chịu trách nhiệm. Nó làm cho bạn sắc bén hơn. Điều này đặc biệt quan trọng với những doanh nhân trẻ, bởi vì theo lẽ tự nhiên họ muốn nắm quyền kiểm soát; vì thế nên họ mới tự mở công ty riêng. Và họ hoàn toàn tin tưởng vào những giá trị họ đang xây dựng”.

Billionaires’ Club là một tổ chức trong đó các thành viên giúp đỡ nhau đạt đến tham vọng thành công rực rỡ. Câu lạc bộ tìm cho mỗi thành viên một người bạn với mục đích chịu trách nhiệm lẫn nhau. “Chúng tôi đề ra một bài tập là bạn phải làm một cái gì đó khác biệt mỗi ngày trong vòng một tháng, biến nó thành một phần công việc hàng ngày của bạn,” như lời của Andrew Warner, một thành viên trong tổ chức và là nhà sáng lập Mixergy.com, một cộng đồng những doanh nghiệp mới thành lập trên mạng mà ban đầu là một trang web về lên kế hoạch chương trình sự kiện. “Sau đó chúng tôi bắt cặp với nhau và liên lạc qua điện thoại trong suốt tháng. Mục tiêu của tôi là phải luôn luôn suy nghĩ tích cực trong suốt một tháng; tôi tự hứa mỗi ngày rằng tôi sẽ tránh xa những suy nghĩ hay hành động hạ thấp bản thân mình”.

Một mô hình trách nhiệm khác là liên kết nó vào những hoạt động hàng ngày của bạn,

đưa nó thành một công việc mà bạn không tránh né được. Một ví dụ hay về mô hình này có thể thấy trong quân đội. Trung tá Rob “Waldo” Waldman, nguyên là một phi công chiến đấu và một diễn giả về cố gắng hết mình, cho biết trách nhiệm đã được đưa vào trong những buổi diễn tập chiến dịch, hay “bay giả định”. “Chìa khóa thành công trong mọi sứ mệnh là lập kế hoạch dự phòng. Chúng tôi thực hiện bằng cách tự hỏi Chuyện gì xảy ra nếu? Chuyện gì xảy ra nếu một trong số chúng tôi bị bắn rơi? Chuyện gì xảy ra nếu xe bồn không kịp tiếp nhiên liệu? Sân bay gần nhất là ở đâu? Chuyện gì xảy ra nếu? nếu? Chúng tôi lần lượt giải quyết tất cả những câu hỏi này để trong trường hợp khẩn cấp chúng tôi biết phải làm gì và mỗi người cần làm gì. Chúng tôi đưa ra những kỳ vọng bằng miệng và bằng văn bản rõ ràng, thảo luận chúng trong buổi họp trước chiến dịch, và nếu có ai không làm tròn phần việc của mình, người đó sẽ phải chịu trách nhiệm”.

Có nhiều cách khác nhau để buộc mọi người chịu trách nhiệm. Marc, một nhà tư vấn 53 tuổi, tham gia vào một nhóm chiến hữu cùng nhau thiết lập một “quyển sổ bìa đỏ”. “Khi chúng tôi cùng thảo luận về vấn đề của ai đó và cuộc chuyện trò đã đến lúc đưa ra một kế hoạch hành động, chúng tôi sẽ ghi nhận lại vào quyển sổ bìa đỏ. Anh chàng đó phải đưa ra cam kết, bằng chính nét chữ của anh ta. Tuần sau khi chúng tôi gặp lại, chúng tôi sẽ lật lại và theo dõi những gì đã được viết vào trong sổ”.

Viết ra lời hứa là một cách rất tuyệt vời để ghi nhận và chính thức hóa trách nhiệm. Một cách khác nữa là chỉ cần bốc điện thoại thường xuyên hơn. Cứ mỗi hai tuần, nhà doanh nghiệp Greg Hartle lập kế hoạch cho một cuộc hội thảo trách nhiệm qua điện thoại với bốn người khác trong nhóm hỗ trợ của mình. “Gần đây tôi có kể cho họ nghe rằng tôi đang quan tâm đến một chế độ ăn chay trường,” ông nói, “nhưng tôi không chắc tác động của nó đến sức khỏe của mình, bởi vì tôi đã từng ghép thận. Tôi cứ trì hoãn không tìm hiểu sâu hơn. Vì thế mục tiêu cho cuộc gọi sắp tới của tôi là tìm hiểu về chế độ ăn kiêng này và giải thích với họ vì sao tôi cho rằng đây là một gợi ý tốt hay không tốt đối với tôi”.

Greg Hartle và những người bạn trong nhóm không giới hạn thời gian gọi điện mỗi hai

tuần. Trong khoảng thời gian giữa hai lần gọi chính thức, họ vẫn chú trọng giữ liên lạc với nhau. Greg thường nhận được điện thoại hay email từ các thành viên trong nhóm, hỏi thăm xem tình hình tiến triển như thế nào, hay gửi kèm một bài báo mà họ nghĩ là có thể giúp ích cho Greg. “Chúng tôi hỗ trợ nhau qua mạng mỗi ngày,” Greg cho biết, “và điều này rất quan trọng”.

Cho dù bạn dùng điện thoại hay hẹn gặp trong công viên, hay ghi nhận vào sổ tay hay viết lên mạng, điều quan trọng vẫn là chính thức hóa mối quan hệ trách nhiệm, tạo cho nó một cơ chế và một kế hoạch thường xuyên. Nếu chỉ trông đợi cho anh bạn trách nhiệm gọi điện nhắc nhở khi bạn không làm theo đúng kế hoạch thì chưa đủ. Nếu thẳng thắn đòi hỏi phải có một không gian an toàn, trách nhiệm sống được nhờ một không gian cụ thể. Kỳ vọng phải được trình bày rõ ràng từ hai phía: “Đây là những gì tôi sẽ làm, vào lúc nào. Nếu tôi không làm theo đúng như vậy, đây là điều bạn phải làm ngược lại với tôi”.

Khi tôi nói đến trách nhiệm, người ta thường đặt câu hỏi về hậu quả. Hậu quả phải tồi tệ đến mức nào trong trường hợp chúng ta không hoàn thành (một điều vẫn thường xuyên xảy ra với chúng ta)? Câu trả lời được biết là sẽ không làm ai hài lòng: cái đó còn tùy. Một số người cần được đá đít thật đau – ví dụ như những người đăng ký tặng tiền cho tổ chức mà họ ghét nhất nếu họ không hoàn thành trách nhiệm. Đối với một số người khác, chỉ cần được biết là có người đang theo dõi cũng đủ để họ làm tốt trách nhiệm. Đây chính là cách hoạt động của Billionaires’ Club: “Bạn không muốn quay lại gặp mặt nhóm và làm họ thất vọng”, theo lời một trong những thành viên sáng lập Amir Tehrani.

Elizabeth Amini, một thành viên khác của Billionaires’ Club và là nhà sáng lập Anti-AgingGames.com (được thiết kế để cải thiện trí nhớ tức thời), thì nói thẳng thắn: “Nếu ai đó liên tục không làm theo đúng cam kết với bản thân, tất cả chúng tôi sẽ tránh xa họ”.

Đây là một ý nghĩ đáng sợ, bởi vì không ai muốn bị bỏ rơi. Sống xứng đáng với những người đồng đẳng thường là một động lực lớn hơn rất nhiều so với bị mắng

chửi, bị hạ nhục, hay thậm chí phần thưởng tài chính. Vì danh dự cá nhân, chị tôi không muốn làm thất vọng Jan hay những người bạn mới tại Weight Watchers. Tương tự, tôi cũng không lo ngại nhà cố vấn tin cậy Greg sẽ bẻ tay tôi nếu tôi có lúc nào lơ là mất tập trung. Vấn đề là tôi không muốn làm ông ấy thất vọng – hoặc những đồng nghiệp tại FG. Tôi không thể tiếp tục giả lơ xem như không nhìn thấy sự thất vọng của họ trước hoạt động của tôi. Nhà lãnh đạo là người phải chịu trách nhiệm với nhóm và với thành công của tổ chức. Nếu chúng ta có kế hoạch đạt được một tầm mức cao hơn trong năng lực, chúng ta cần có thông tin đầy đủ để biết được chúng ta đang đi đến đâu.

Cuối cùng, dĩ nhiên, chúng ta phải tự chịu trách nhiệm với bản thân mình. Nhưng nếu thiếu một cấu trúc chính thức để buộc chúng ta phải có trách nhiệm bằng áp lực của những người xung quanh – nếu thiếu cú đá vào lúc chúng ta cần nhất – chúng ta dễ chấp nhận một lề thói thoải mái và chẳng bao giờ cải thiện.

Kiến thức, chuyên môn, phản hồi nhận được từ mối quan hệ cứu sinh rất cần thiết để hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng chỉ có trách nhiệm mới biến chúng thành kết quả mà thôi.

ADN mối quan hệ của bạn là gì?

Giờ đây sau khi đã đọc xong Bốn Đặc điểm tư duy, bạn tự hỏi mình đang đứng ở đâu? Bạn đang thực hiện những giá trị cốt lõi này đến mức nào – bạn cần phải đi bao xa nữa? Ferrazzi Greenlight đã phát triển rADN, một công cụ chẩn đoán để giúp công ty xác định điểm mạnh và điểm yếu trong mối quan hệ của nhân viên. Tôi có để một phiên bản cho bạn đọc trên KeithFerrazzi.com. Hãy sử dụng thử đi. Khám phá xem điểm mạnh của bạn nằm ở đâu trong lĩnh vực xây dựng và quản lý mối quan hệ trong cuộc đời, và làm thế nào để cải thiện điểm yếu của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.