Ăn Cầu Nguyện Yêu
CHƯƠNG 36
Tôi chỉ còn một tuần ở đây. Tôi đang định trở lại Mỹ cho dịp Giáng sinh trước khi bay qua Ấn Độ, không chỉ vì tôi không chịu nổi ý nghĩ trải qua kỳ Giáng sinh vắng gia đình mình mà còn vì tám tháng hành trình tới của tôi – Ấn Độ và Indonesia – đòi hỏi phải đóng gói lại đồ đạc. Rất ít đồ ta cần khi sống ở Ý cũng là những thứ ta cần khi lang thang khắp Ấn Độ.
Và có lẽ vì để chuẩn bị cho chuyến đi đến Ấn Độ của mình mà tôi đã quyết định dành tuần lễ cuối cùng này rong ruổi khắp Sicily – khu vực đậm tính thế giới thứ ba nhất của Ý, va do vậy đúng là một nơi phải đến nếu ta cần chuẩn bị mình để trải nghiệm sự bần cùng cơ cực. Hay là tôi chỉ muốn đến Sicily vì điều Goethe đã nói, “Không thấy Sicily người ta không thể có một khái niệm rõ ràng về Ý.”
Nhưng đến hay đi loanh quanh Sicily thật không dễ dàng. Tôi phải sử dụng tất cả mọi kỹ năng tìm thông tin của mình để kiểm tra một chuyến xe lửa chạy vào ngày Chủ nhật thẳng xuống bờ biển và rồi tìm ra đúng cái phà đến Messina (một thành phố cảng Sicily đáng ngờ và đáng sợ dường như đang gào rú từ phía sau những cánh cửa bị chặn, “Tôi xấu xí không phải lỗi tại tôi! Tôi cũng bị động đất, bị ném bom rải thảm và bị Mafia thao túng nữa!”) Đến được Messina rồi, tôi phải tìm ra một trạm xe buýt (đầy bụi như phổi người hút thuốc) và tìm ra người đàn ông mà việc của ông ta là ngồi đó trong quầy vé, nuối tiếc đời mình và xem ông ta có vui lòng bán cho tôi một vé đến thành phố ven biển Taormina không. Rồi xe tôi chạy dọc các vách đá và bãi biển của bờ đông mang dáng vẻ kỳ lạ của hội họa trừu tượng Sicily cho tới khi đến được Taormina, rồi tôi phải tìm ra một chiếc taxi và rồi phải tìm cho được một khách sạn. Rồi tôi phải tìm ra đúng người để hỏi câu hỏi ruột của mình trong tiếng Ý, “Trong thành phố này có chỗ nào có thức ăn ngon nhất?” Ở Taormina, người tôi hỏi hóa ra lại là một cảnh sát ngái ngủ. Anh ta đưa cho tôi một trong những thứ tuyệt nhất ai đó có thể cho tôi trong đời – một mẩu giấy nhỏ có ghi tên một quán ăn mơ hồ, một bản đồ vẽ tay chỉ cách tìm ra địa điểm đó.
Hóa ra đó là một nhà hàng Ý nhỏ có bà chủ cao tuổi thân thiện đang chuẩn bị đón những thực khách buổi tối của mình bằng cách đứng trên bàn với đôi chân mang vớ, cố để không làm đổ cái máng cỏ Giáng sinh, lau bóng mấy cái cửa sổ của quán. Tôi nói với bà tôi không cần xem thực đơn nhưng bà có thể mang cho tôi thức ăn ngon nhất có thể không vì đây là đêm đầu tiên của tôi ở Sicily. Bà xoa tay vui vẻ rồi hét cái gì đó bằng thổ ngữ Sicily với bà mẹ còn già hơn trong bếp, và trong khoảng thời gian hai mươi phút tôi cắm cúi ăn bữa ăn ngon lành đáng kinh ngạc nhất tôi chưa từng ăn ở đâu trên khắp nước Ý. Đó là mì ống, nhưng một hình dạng mì ống tôi chưa từng thấy trước đó – lớn, tươi, những dải mì ống gấp như kiểu bánh bao Ý thành hình thù (tuy không chính xác về kích thước) cái mũ Giáo hoàng, được nhồi vào một thứ chất lỏng đặc sệt, nóng, thơm phức gồm tôm cua, mực phủ và mực ống, trộn đều rồi được dọn ra như món xà lách nóng ăn kèm với sò tươi và những dải rau thái mỏng dài, tất cả bơi trong thứ nước xốt màu ô liu tràn trề. Tiếp đến là thịt thỏ hầm với húng tây.
Nhưng Syracuse, ngày hôm sau, còn hay hơn. Chiếc xe buýt thả tôi trên một góc đường trong mưa lạnh cuối ngày. Tôi thích thành phố này ngay lập tức. Dưới chân tôi đã có ba ngàn năm lịch sử Syracuse. Đó là địa điểm của một nền văn minh cổ đến nỗi nó khiến Roma trông như Dallas. Thần thoại nói rằng Daedalus đã từ Crete bay đến đây và rằng Hercules đã từng ngủ ở đây. Syracuse từng là một thuộc địa của Hy Lạp mà Thucydides gọi là “một thành phố bản thân nó không thấp kém hơn Athens chút nào.” Syracuse là mối liên thông giữa Hy Lạp cổ đạ và Roma cổ đại. Nhiều nhà viết kịch và nhà nghiên cứu di tích cổ tên tuổi đã sống ở đây. Plato đã nghĩ nó có thể là một địa điểm lý tưởng cho một thử nghiệm không tưởng nơi có lẽ “nhờ một số phận thần thánh nào đó” vua chúa có thể trở thành những nhà hiền triết, và những nhà hiền triết có thể trở thành vua chúa. Các nhà sử học nói rằng lối nói hoa mỹ được phát minh ở Syracuse, và cả (đây chỉ là một điều phụ) âm mưu nữa.
Tôi đi khắp các chợ của cái thành phố dễ sụp này và tim tôi rộn ràng với một tình yêu tôi không thể trả lời hay giải thích khi xem người đàn ông lớn tuổi đội mũ len đen moi ruột một con cá cho khách hàng (ông cắm điếu thuốc vào môi để giữ lại như kiểu cô thợ may ngậm cái ghim ở miệng khi may; con dao của ông chặt những khúc cá với một sự hoàn hảo sùng tín). Rụt rè, tôi hỏi người đánh cá rằng tôi nên ăn tối ở đâu và tôi quay gót đi sau cuộc chuyện trò, giữ chặt trong tay một mẩu giấy nhỏ nữa, chỉ cho tôi đến một quán ăn nhỏ không tên, nơi – khi tôi vừa ngồi vào bàn đêm đó – người phục vụ mang đến một suất pho mát ricotta lờ lững như mây có rắc hồ trăn, những khúc bánh mì bềnh bồng trong dầu thơm tho, mấy đĩa nhỏ xíu đựng thịt và ô liu xắt, một phần xà lách cam ướp lạnh trộn cùng hành sống và ngò tây. Đây là những thứ trước khi tôi nghe nói đến món mực calamari đặc sản của quán.
Plato viết, “Không thành phố nào có thể sống thanh bình, bất luận luật lệ của nó là gì, khi công dân của nó… chẳng làm gì ngoài yến tiệc và rượu chè và làm kiệt sức mình vì chăm lo chuyện yêu đương.”
Nhưng có phải là tồi tệ lắm không nếu sống như vậy chỉ trong một thời gian thôi? Chỉ vài tháng trong đời một người, có tồi tệ lắm không nếu du lịch suốt mà không có tham vọng gì lớn hơn là lùng sục bữa ăn dễ thương kế tiếp? Hay biết nói một ngôn ngữ không vì mục đích nào cao hơn là nó làm vui tai ta? Hay chợp mắt trong một khu vườn, trong nắng, giữa ngày, ngay cạnh đài phun nước ưa thích? Và rồi tiếp tục vào ngày hôm sau?
Tất nhiên, người ta không thể sống như thế này mãi mãi. Đời sống thực và chiến tranh, tổn thương và chết chóc cuối cùng sẽ can thiệp. Ở Sicily này với đói nghèo khủng khiếp, đời sống thực không bao giờ là xa vời trong tâm trí bất cứ ai. Mafia là kinh doanh thành công duy nhất ở Sicily trong nhiều thế kỷ (điều hành việc bảo vệ công dân khỏi chính nó), và nó vẫn, bóp hầu bóp họng người ta. Palermo – một thành phố mà Goethe đã từng tuyên bố là sở hữu một vẻ đẹp không thể mô tả được – giờ có lẽ là thành phố duy nhất ở Tây Âu nơi ta vẫn có thể thấy mình rón rén từng bước qua đống đổ nát của Thế chiến II, chỉ để đem lại một cảm giác phát triển ở đây. Thành phố bị những khối căn hộ không an toàn và gớm guốc Mafia xây dựng vào những năm 1980 như là những hoạt động rửa tiền, làm xấu xí đi một cách có hệ thống, quá sức tưởng tượng. Tôi hỏi một người dân Sicily có phải những tòa nhà đó được xây bằng bê tông rẻ tiền không và ông nói, “Ồ, không – bê tông này rất đắt. Trong mỗi khối có một vài thi thể người bị Mafia giết, và cái đó được trả giá bằng tiền. Nhưng bê tông chắc chắn hơn khi được gia cố bằng tất cả xương và răng đó.”
Trong một môi trường như thế, phải chăng có chút gì hời hợt khi chỉ nghĩ về bữa ăn tuyệt vời kế tiếp của mình? Hay có lẽ đó là điều tốt nhất ta có thể làm, căn cứ vào những hiện thực còn nặng nề hơn? Luigi Barzini, trong kiệt tác Người Ý năm 1964 của mình (được ông viết khi ông đã chán ngấy chuyện người nước ngoài viết về Ý hoặc là thích hoặc ghét nó quá nhiều) đã cố đính chính lại sự hiểu lầm về nền văn hóa của chính ông. Ông cố trả lời câu hỏi tại sao người Ý đã sản sinh ra những trí tuệ khoa học, chính trị, nghệ thuật vĩ đại nhất mọi thời đại, nhưng vẫn chưa bao giờ trở thành một cường quốc thế giới. Tại sao họ là những bậc thầy ngoại giao ngôn từ của hành tinh, nhưng vẫn không có khả năng cai trị nước nhà như thế? Tại sao họ là những cá nhân quả cảm như vậy, nhưng lại không thành công đến thế với tư cách là một tập thể quân đội? Làm sao họ lại có thể là những thương gia linh lợi như vậy trên bình diện cá nhân, nhưng lại là những nhà tư bản không thành công đến thế xét như một dân tộc?
Trả lời của ông cho các câu hỏi này phức tạp hơn tôi có thể tóm lược rõ ràng ở đây, nhưng có liên quan rất nhiều đến lịch sử đau buồn của Ý với sự tham nhũng của lãnh đạo địa phương và sự khai thác của kẻ thống trị nước ngoài, tất cả những cái đó nói chung đã khiến dân Ý rút ra kết luận có vẻ chính xác là không ai và không có gì trên thế giới này có thể tin cậy được. Vì thế giới là tham nhũng, dối trá, bất ổn, cường điệu và bất công đến vậy, ta chỉ nên tin tưởng điều ta chứng nghiệm bằng chính giác quan của mình, và điều này làm cho giác quan ở Ý nhạy hơn bất kỳ nơi đâu ở châu Âu. Đấy là lý do, Barzini nói, người Ý sẽ khoan dung với những vị tướng, những tổng thống, những bạo chúa, những giáo sư, viên chức quan liêu, nhà báo và những người điều hành cơ sở ocong nghiệp lớn bất tài kinh khủng, nhưng sẽ không bao giờ tha thứ cho những “ca sĩ opera, chỉ huy dàn nhạc, vũ công ba lê, gái điếm hạng sang, diễn viên, đạo diễn phim, đầu bếp, thơ may kém cỏi…”. Trong một thế giới của hỗn loạn, thảm họa và lưa đảo, đôi khi chỉ có thể tin tưởng vào cái đẹp. Chỉ có sự hoàn hảo của nghệ thuật là không thể bị hủy diệt. Thú vui không thể bị mặc cả. Và đôi khi bữa ăn là thứ tiền tệ thật duy nhất.
Vậy thì, tận tụy với sáng tạo và thưởng thức cái đẹp có thể là một công việc nghiêm túc – không hẳn luôn là một phương tiện để thoát khỏi hiện thực, mà đôi khi là một phương tiện để bám chặt vào hiện thực khi tất cả mọi thứ khác đang bong ra thành… lối nói hoa mỹ và âm mưu. Không lâu trước đây, các nhà cầm quyền đã bắt một hội ái hữu các tu sĩ Công giáo ở Sicily đang thông đồng chặt chẽ với Mafia, vậy thì ta có thể tin vào ai đây? Thế giới độc ác và bất công. Đương đầu với bất công này và ở Sicily, chí ít, ta sẽ có một kết cục giống như nền móng của một tòa nhà mới xấu xí. Ta có thể làm gì trong một hoàn cảnh như vậy để giữ vững ý thức nhân phẩm cá nhân? Có lẽ chẳng có gì. Có thể chẳng có gì ngoài, có lẽ, lấy làm tự hào là ta luôn róc xương con cá của mình với sự hoàn hảo, hay là ta làm món pho mát ricotta nhẹ nhất trong cả thành phố?
Tôi không muốn xúc phạm bất kỳ ai khi đưa ra quá nhiều so sánh giữa mình và những người Sicily cam chịu. Nhưng bi kịch trong đời tôi có tính cá nhân và phần lớn do bản thân tự tạo ra, không phải bị áp bức như trong anh hùng ca. Tôi đã trải qua một vụ ly hôn và tình trạng suy nhược, không phải là vài thế kỷ bạo ngược giết người. Tôi đã có một cuộc khủng hoảng bản thể, nhưng tôi cũng có các nguồn lực (tài chính, nghệ thuật và cảm xúc) để cố giải quyết nó. Dù sao, tôi sẽ nói rằng điều đã giúp bao thế hệ người Sicily giữ phẩm giá cũng là điều đã giúp tôi bắt đầu giành lại được phẩm giá của mình – đó là ý niệm hiểu rõ giá trị của vui thú có thể là một nơi nương tựa cho nhân tính của ta. Tôi tin đây là điều Goethe muốn nói khi cho rằng ta phải đến đây, đến Sicily này, để hiểu được nước Ý. Và tôi cho đó là cái tôi đã cảm thấy, theo bản năng, khi quyết định là mình cần đến đây, đến Ý, để hiểu chính mình.
Chính trong bồn tắm lúc còn ở New York, đọc to những từ tiếng Ý trong từ điển, là lần đầu tiên tôi bắt đầu hàn gắn lại tâm hồn mình. Cuộc sống của tôi đã tan thành từng mảnh và tôi không thể nhận ra chính mình nữa, đến nỗi nếu có đứng trong hàng người chờ nhận diện ở sở cảnh sát thì có lẽ tôi cũng chẳng thể chỉ được mặt chính tôi. Nhưng tôi đã cảm nhận được một tia hạnh phúc lấp lánh khi bắt đầu học tiếng Ý, và khi cảm thấy niềm hạnh phúc tiềm tàng mong manh sau những giai đoạn âm u như thế, ta phải bám chặt lấy mắt cá chân của nó và không buông ra cho đến khi nó kéo ta ngẩng mặt lên khỏi cát bụi – đó không phải là ích kỷ mà là nhiệm vụ. Ta được trao cho cuộc sống; nhiệm vụ của ta (mà cũng là quyền của ta như một con người) là phải tìm ra cái gì đó đẹp đẽ trong kiếp sống, dù mong manh thế nào chăng nữa.
Tôi đã đến Ý ốm yếu gày gò. Tôi đã không biết mình xứng đáng nhận được điều gì. Có lẽ tôi vẫn chưa biết trọn vẹn mình xứng đáng với điều gì. Nhưng tôi biết mình vừa mới gom nhặt lại chính mình – bằng thưởng thức những thú vui vô hại – thành một ai đó toàn vẹn hơn nhiều. Cách thức tự nhiên cơ bản nhất, dễ dàng nhất để nói điều đó là tôi đã tăng cân. Giờ đây tôi tồn tại nhiều hơn bốn tháng trước. Tôi sẽ rời Ý rõ ràng mập hơn khi đến đây. Và tôi sẽ ra đi với hy vọng rằng sự phát triển của một con người – sự mở rộng của một cuộc đời – quả thực là một việc làm có giá trị trong thế giới này. Ngay cả khi cuộc đời đó, chỉ một lần này thôi, không phải của ai ngoài của chính tôi.
ẤN ĐỘ – Hay – “Hân Hạnh Được Gặp Quý Vị” – Hay – Ba Mươi Sáu Câu
Chuyện Về Theo Đuổi Tín Ngưỡng
ẤN ĐỘ
Hay
“Hân Hạnh Được Gặp Quý Vị”
Hay
Ba Mươi Sáu Câu Chuyện Về Theo Đuổi Tín Ngưỡng
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.