Ăn Cầu Nguyện Yêu

CHƯƠNG 59



Tôi kết bạn thân thiết với một cô gái Ấn mười bảy tuổi tên là Tulsi. Cô bé cùng tôi lau chùi sàn đền thờ mỗi ngày. Mỗi tối chúng tôi cùng đi dạo khắp các khu vườn của Ashram và nói về Thượng Đế và nhạc hip-hop, hai đề tài Tulsi sùng mộ ngang nhau. Tulsi gần như là một cô gái Ấn mọt sách nhỏ nhắn tinh khôn nhất tôi từng gặp, càng tinh khôn hơn vì một tròng “specs” của cô (như cô gọi kính mắt của mình) tuần trước bị vỡ thành ra một mạng nhện kiểm như biếm họa nhưng chẳng vì vậy mà cô thôi đeo nó. Tulsi là rất nhiều thứ thú vị và kỳ lạ với tôi cùng một lúc – một thiếu niên, một đứa con gái tinh nghịch như con trai, một cô gái Ấn, một người nổi loạn trong gia đình, một tâm hồn quá say mê Thượng Đế đến nỗi gần như cô phải lòng theo kiểu học trò với Ông Ấy. Cô cũng nói tiếng Anh du dương, thú vị – kiểu tiếng Anh ta chỉ có thể nghe ở Ấn Độ – bao gồm các từ thuộc địa như “splendid!” và “nonsense!” và đôi khi cô nói những câu hùng biện kiểu, “Đi bộ trên cỏ vào buổi sáng khi sương đã tích đầy là có ích vì nó làm giảm một cách tự nhiên và thú vị nhiệt độ cơ thể.” Một lần khi tôi bảo cô rằng tôi sắp đi Mumbai trong ngày, Tulsi nói, “Vui lòng đứng cẩn thận, vì cô sẽ thấy ở đó có nhiều xe buýt phóng vun vút khắp nơi.”

Cô bằng đúng nửa tuổi tôi, và thực tế thì bằng nửa kích thước tôi.

Gần đây trong những lần đi dạo Tulsi và tôi đã trò chuyện rất nhiều về hôn nhân. Cô ấy sắp sửa bước qua tuổi mười tám, và trong lứa tuổi này cô được xem là có một triển vọng hôn nhân hợp pháp. Chuyện sẽ xảy ra thế này – sau sinh nhật thứ mười tám của cô ấy, người ta sẽ yêu cầu cô dự các đám cưới gia đình, mặc một chiế xa ri báo hiệu cô đã đến tuổi trưởng thành. Một số Amma (“Dì”) tử tế sẽ đến ngồi cạnh cô, bắt đầu hỏi và tìm hiểu cô: “Cô bao nhiêu tuổi? Gốc gác gia đình cô ra sao? Cha cô làm gì? Cô xin vào những đại học nào? Sở thích cô là gì? Cô sinh ngày nào?” Chuyện tiếp theo các bạn biết rồi, bố Tulsi sẽ nhận được một bì thư lớn trong thùng thư với tấm hình đứa cháu trai của người phụ nữ này đang học ngành điện toán ở Delhi, cùng với lá số tử vi và bằng cấp đại học của anh ta và câu hỏi không thể tránh khỏi, “Con gái ông có vui lòng cưới cháu tôi không?”

Tôi nói, “Khiếp.”

Nhưng với gia đình thì việc này rất quan trọng, để được thấy con cái họ lấy vợ lấy chồng thành công. Tulsi có một bà dì vừa mới cạo đầu như một cử chỉ cảm tạ Thượng Đế vì con gái lớn nhất của bà – ở tuổi hai mươi tám kỷ nguyên Jura – cuối cùng cũng đã lập gia đình. Và còn là một cô gái khó mà gả tống đi; có rất nhiều công kích chống lại cô. Tôi hỏi Tulsi điều gì khiến một cô gái Ấn khó được gả đi, và cô nói có biết bao nhiêu là lý do.

“Nếu cô ấy có tử vi xấu. Nếu cô ấy quá già. Nếu da cô ấy quá đen. Nếu cô ấy quá học thức và ta không thể tìm thấy một người đàn ông có địa vị cao hơn cô, và đây là một vấn đề phổ biến hiện nay vì một phụ nữ không thể có học thức cao hơn chồng mình. Hay nếu cô ấy đã có một chuyện tình với ai đó mà cả cộng đồng đều biết, ồ, sẽ rất khó khăn để tìm một người chồng sau chuyện đó…”

Tôi nhanh chóng lướt qua danh sách, cố thử xem mình có vẻ đủ kiều kiện kết hôn đến chừng nào trong xã hội Ấn Độ. Tôi không biết tử vi mình tốt hay xấu, nhưng nhất định tôi quá già và quá học thức, và đạo đức tôi đã chứng tỏ công khai là rất nhiều tì vết… Tôi không phải là một triển vọng hấp dẫn lắm. Ít ra thì da tôi khá. Chỉ có mỗi điều này là có lợi cho tôi.

Tuần trước Tulsi phải đến đám cưới một người chị họ khác, và cô ấy nói (theo cách rất không Ấn Độ) cô ghét đám cưới vô cùng. Tất cả những trò múa may và chuyện tầm phào đó. Tất cả việc chưng diện đó. Cô thà ở Ashram lau sàn và thiền. Không ai trong gia đình cô có thể hiểu điều này; lòng mộ đạo của cô với Thượng Đế vượt quá xa bất kỳ điều gì họ cho là bình thường. Tulsi nói, “Trong gia đình em, họ đã chịu thua vì em quá khác biệt. Em đã nổi danh vì là người mà, nếu bảo em làm một điều, em gần như chắc chắn sẽ làm điều khác. Tính khí em cũng nóng nảy. Em không chuyên tâm học hành, ngoại trừ cái mà em giờ đây sẽ làm, vì giờ em sẽ đi học đại học và em có thể quyết định cho mình em hứng thú cái gì. Em muốn học tâm lý học, cũng như Sư phụ của chúng ta đã làm khi bà học đại học. Người ta cho em là một cô gái khó chịu. Em nổi tiếng là đứa phải nghe một lý do chính đáng để làm một điều gì thì mới làm. Mẹ em hiểu chuyện này ở em và luôn cố đưa ra những lý do chính đáng, nhưng bố thì không. Bố nêu lý do, nhưng em nghĩ không đủ chính đáng. Đôi khi em tự hỏi mình đang làm gì trong gia đình vì em chẳng giống họ chút nào.”

Chị họ Tulsi lập gia đình tuần trước chỉ mới hai mươi mốt tuổi, và chị của Tulsi là người tiếp theo trong danh sách hôn nhân ở tuổi hai mươi, nghĩa là sau đó sẽ có áp lực lớn buộc Tulsi phải tìm một đức ông chồng. Tôi hỏi cô có muốn lập gia đình không và cô nói:

“Khooooooooooông…” … và từ đó vang xa hơn hoàng hôn chúng tôi đang ngắm từ khu vườn.

“Em muốn lang thang!” cô nói. “Như chị vậy.”

“Em biết không, Tulsi, chị không thể luôn luôn lang thang như vậy. Chị đã từng lập gia đình.”

Cô chau mày nhìn tôi qua cặp kính rạn của mình, xem xét tôi với một cái nhìn hơi giễu cợt, gần như thể tôi vừa bảo cô tôi đã từng là một người đàn bà da ngăm đen và cô đang cố hình dung ra điều đó. Cuối cùng, cô nói, “Chị lập gia đình rồi? Em không thể hình dung điều đó.”

“Nhưng thật đấy – chị đã từng có gia đình.”

“Có phải chị là người chấm dứt cuộc hôn nhân không?” “Phải.”

Cô nói: “Em nghĩ việc chị chấm dứt cuộc hôn nhân của mình là điều đáng tuyên dương nhất. Giờ chị có vẻ hạnh phúc tuyệt vời. Nhưng về phần em – làm sao em lại đến đây? Tại sao em sinh ra là một cô gái Ấn? Điều đó thật quá đáng! Tại sao em bước vào gia đình này? Tại sao em phải dự quá nhiều đám cưới vậy?”

Rồi Tulsi vừa chạy vòng quanh nản chí vừa la lớn (rất to đối với các tiêu chuẩn của Ashram), “Tôi muốn sống ở Hawaii!!!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.