Ăn Cầu Nguyện Yêu

CHƯƠNG 65



Cái mà tôi sẽ tiếp đón, chính xác là một loạt những kỳ ẩn dật sẽ được tổ chức tại Ashram mùa xuân này. Trong mỗi kỳ ẩn dật, khoảng một trăm tín đồ từ khắp mọi miền thế giới sẽ đến đây trong khoảng thời gian một tuần đến mười ngày, để đi sâu vào các thực hành thiền định của họ. Vai trò của tôi là chăm sóc những người này khi họ ở lại đây. Phần lớn thời gian ẩn dật, những người tham gia sẽ ở trong im lặng. Đối với một số trong bọn họ, đây sẽ là lần đầu tiên họ trải qua sự im lặng như một thực hành sùng tín, và điều đó có thể rất căng thẳng. Tuy nhiên, tôi sẽ là người trong Ashram mà họ được phép liên hệ nếu có gì đó không ổn.

Đúng vậy – công việc của chính thức đòi hỏi tôi là người ăn nói thu hút.

Tôi sẽ lắng nghe những vấn đề của những người tham gia kỳ ẩn dật và rồi cố tìm ra giải pháp cho họ. Có lẽ họ sẽ cần thay đổi người cùng phòng vì chuyện ngáy, hay có lẽ họ sẽ cần gặp bác sĩ vì rắc rối tiêu hóa do ở Ấn Độ – tôi sẽ cố gắng giải quyết. Tôi sẽ cần biết tên tất cả mọi người, và họ từ đâu đến. Tôi sẽ đi quanh với một tấm bảng, ghi chú và theo sát. Tôi là Julie McCoy, giám đốc con tàu Yoga của quý vị.

Và, đúng, chức vụ quả là có đi kèm với một cái máy nhắn tin.

Khi kỳ tu tập bắt đầu, mọi chuyện thật nhanh chóng rõ ràng là tôi phù hợp với công việc này đến chừng nào. Tôi ngồi đó ở Bàn Chào Đón với phù hiệu Xin Chào, Tên Tôi Là, và những người này đến từ ba mươi nước khác nhau, một số họ là người thâm niên nhưng nhiều người khác lại chưa từng đến Ấn Độ. Lúc này là 10 giờ sáng, nhiệt độ đã hơn 38 độ C, và hầu hết những người này đã bay cả đêm trong toa hành khách. Một số họ bước vào Ashram này trông như vừa tỉnh dậy trong một thùng hành lý sau xe – như họ hoàn toàn chẳng hình dung ra được mình đang làm gì ở đây. Bất kể ban đầu khát khao tìm kiếm sự siêu nghiệm nào đã khiến họ đăng ký vào kỳ tu tập tâm linh này thì họ cũng đã quên từ rất lâu rồi, có lẽ vào lúc nào đó trong khoảng thời gian hành lý của họ bị thất lạc ở Kuala Lumpur. Họ khát, nhưng vẫn chưa biết mình có thể uống nước không. Họ đói, nhưng không biết buổi ăn trưa là mấy giờ, hay quán ăn tự phục vụ ở đâu. Họ ăn mặc hoàn toàn lệch lạc, mặc vải sợi tổng hợp và ủng nặng nề trong cái nóng nhiệt đới. Họ không biết có ai ở đây nói tiếng Nga không.

Tôi có thể nói chút đỉnh tiếng Nga.

Tôi có thể giúp họ. Tôi đã được trang bị đến vậy để giúp đỡ. Tất cả những ăng ten tôi đã phát triển suốt đời mình đã dạy tôi làm sao để đọc được cái mà người ta đang cảm thấy, tất cả trực giác tôi đã phát triển được giờ đang lớn lên như một đứa trẻ nhỏ cực kỳ nhạy cảm, tất cả những kỹ năng lắng nghe tôi đã học được khi còn là một người phục vụ quầy rượu đáng mến và một nhà báo tọc mạch, tất cả sự chăm sóc thành thạo tôi nắm vững sau nhiều năm là vợ hay bạn gái của ai đó – tất cả các tích lũy để tôi có thể giúp những người này bước vào một nhiệm vụ khó khăn họ nhận lãnh. Tôi thấy họ đến từ Mexico, từ Philippin, từ châu Phi, từ Đan Mạch, từ Detroit và đây có vẻ giống cảnh trong phim Close Encounters of the Third Kind[36] khi Richard Dreyfuss và những người khác bị thu hút giữa Wyoming vì những lý do họ không hiểu chút nào, bị lôi kéo vì tàu không gian tới. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì sự can đảm của họ. Những người này đã rời bỏ gia đình và cuộc sống của mình sau lưng vài tuần để đi vào kỳ ẩn dật yên tịnh giữa một đám đông hoàn toàn xa lạ ở Ấn Độ. Trong đời mình không phải ai cũng làm được việc ấy.

Tôi yêu quý tất cả những người này, tự động và vô điều kiện. Tôi thậm chí yêu quý cả những người khó chịu. Tôi có thể thấy rõ chứng loạn thần kinh chức năng của họ và nhận ra rằng họ gần như sợ phát khiếp cái họ sắp đối mặt khi đi vào tĩnh lặng và thiền trong bảy ngày. Tôi yêu quý người đàn ông Ấn đã giận dữ đến gặp tôi, báo là trong phòng anh có một bức tượng thần Ấn Độ Ganesh dài bốn inch bị mất một bàn chân. Anh ta nổi cơn thịnh nộ, nghĩ đây là một điềm khủng khiếp và muốn người ta đem bức tượng đi – cách lý tưởng là nhờ một thầy tu Bà la môn, trong một nghi lễ tẩy rửa “thích hợp theo truyền thống”. Tôi trấn an anh ta và lắng nghe anh trong cơn giận dữ, rồi cử cô bạn Tulsi tinh nghịch như con trai của mình đến phòng người đàn ông để dẹp pho tượng đi trong khi anh ta ăn trưa. Ngày hôm sau tôi chuyển cho người đàn ông một mẩu thư, nói rằng tôi hy vọng giờ thì anh ta cảm thấy khá hơn vì không còn bức tượng gãy nữa, và nhắc anh ta là tôi ở ngay đây nếu anh ta có cần bất cứ gì khác; anh ta tưởng thưởng tôi bằng một nụ cười ngoác tận mang tai, nhẹ nhõm. Anh ta chỉ sợ thôi. Người phụ nữ Pháp gần như kinh hãi với chứng dị ứng lúa mì – bà nữa, đừng sợ. Người đàn ông Argentina muốn một buổi gặp đặc biệt với toàn thể nhân viên bộ phận Hatha Yoga để được hướng dẫn làm sao ngồi đúng cách khi thiền, để mắt cá chân anh ta không đau; anh ta chỉ sợ. Tất cả họ đều sợ. Họ sẽ đi vào im lặng, đi sâu vào tâm thức và linh hồn họ. Ngay cả đối với một người thiền đã có kinh nghiệm, không có gì xa lạ hơn lãnh thổ này. Bất cứ gì cũng có thể xảy ra ở đó. Trong kỳ ẩn dật này họ sẽ được một phụ nữ tuyệt vời hướng dẫn, một thầy tu ở độ tuổi năm mươi, mỗi cử chỉ và lời nói của bà là hiện thân của lòng bi mẫn, nhưng họ vẫn sợ vì – dù đáng mến đến như thầy tu này – bà cũng không thể đi cùng họ đến nơi họ sắp đến. Không ai có thể.

Khi kỳ ẩn dật bắt đầu, tôi tình cờ nhận được một lá thư trong hộp thư từ một người bạn ở Mỹ vốn là một nhà sản xuất phim về đời sống hoang dã cho kênh National Geographic. Anh kể anh vừa dự một buổi ăn tối sang trọng tại Waldorf-Astoria ở New York, tôn vinh các thành viên của Câu lạc bộ những Nhà thám hiểm. Anh nói thật kinh ngạc khi được ở giữa những người dũng cảm đến không thể tin được như vậy, tất cả họ đã rất nhiều lần mạo hiểm tính mạng để khám phá những dãy núi, những hẻm núi, những con sông, những đại dương sâu thẳm, những đồng băng và núi lửa nguy hiểm và xa xôi nhất thế giới. Anh nói rằng rất nhiều người trong số họ qua nhiều năm đã mất những phần thân thể chính của họ – ngón chân, mũi và ngón tay cho cá mập, phát cước và gặp những nguy hiểm khác.

Anh viết, “Cô chưa từng thấy nhiều người dũng cảm đến vậy tập hợp ở một nơi vào cùng một lúc.”

Tôi tự nhủ: Anh chưa thấy gì cả, Mike.

Chú thích:

[36] Tạm dịch: Cuộc chạm trán loài thứ ba – Một bộ phim khoa học giả tưởng năm 1977 của Steven Spielberg kể nỗi ám ảnh và những lần chạm trán của nhân vật Roy Neary (Richard Dreyfuss thủ vai) với các UFO.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.