Ăn Cầu Nguyện Yêu

CHƯƠNG 76



Bali là một đảo Hindu nhỏ nằm giữa quần đảo Indonesia dài hai ngàn dặm, cái nôi của một dân tộc Hồi giáo đông dân nhất trên thế giới. bali do vậy là một thứ kỳ lạ và lạ thường; thậm chí lẽ ra nó đã không tồn tại, vậy mà nó tồn tại. Đạo Ấn của đảo được du nhập từ Ấn Độ bằng con đường Java. Những nhà buôn Ấn đã mang tôn giáo này về phía Đông vào thế kỷ thứ tư. Những vị vua Java đã thành lập một triều đại Hindu hùng mạnh mà rất ít thứ của nó còn lại đến ngày hôm nay trừ những tàn tích đền đài ấn tượng ở Borobudur. Vào thế kỷ mười sáu, một cuộc đảo chính dữ dội của lực lượng Hồi giáo đã tràn qua khắp vùng và hoàng tộc Hindu thờ Shiva đã trốn khỏi Java, chạy tới Bali, làm thành những đoàn người trong cái về sau sẽ được nhớ đến như là cuộc Di cư Majapahit. Những người Java đẳng cấp cao, tầng lớp trên chỉ đem theo đến Bali hoàng tộc, những thợ thủ công và thầy tu – vì vậy nên không phải là phóng đại tùy tiện khi người ta nói tất cả mọi người ở Bali đều là con cháu của hoặc một ông vua hoặc một thầy tu hoặc một nghệ sĩ, và rằng vì vậy mà người Bali có sự tự hào và sáng chói đến thế.

Những nhà khai phá thuộc địa Bali mang hệ thống đẳng cấp Hindu của mình đến Bali, dù phân chia đẳng cấp chưa bao giờ bị buộc thi hành một cách tàn bạo như đã từng thế ở Ấn Độ. Thế nhưng, người Bali công nhận một hệ thống thứ bậc xã hội phức tạp (riêng Bà la môn đã có năm nhóm) và tôi có thể còn có may mắn khi tự mình giải mã hệ gen người hơn là cố để hiểu hệ thống thị tộc đan cài, rắc rối vẫn còn mạnh mẽ ở đây. (Nhiều tiểu luận chính xác của nhà văn Fred B.Eiseman về văn hóa Bali đã đi sâu hơn, giải thích chi tiết bằng chuyên môn những cái quá tỉ mỉ này, và chính từ nghiên cứu của ông mà tôi lấy hầu hết thông tin tổng quát cho mình, không chỉ ở đây mà khắp cuốn sách này). Với các mục đích của chúng ta, chỉ cần nói rằng tất cả mọi người ở Bali đều thuộc một thị tộc, rằng tất cả mọi người đều biết tất cả những người khác thuộc thị tộc nào. Và nếu ta bị đá ra khỏi thị tộc của mình vì một bất phục tùng nghiêm trọng nào đó, chính xác là ta nên nhảy vào núi lửa cho xong, vì, thành thật mà nói, ta cũng như đã chết rồi.

Văn hóa Bali là một trong những hệ thống tổ chức xã hội và tôn giáo có phương pháp nhất trên thế giới, một cái tổ ong phi thường với các nhiệm vụ, vai trò và các nghi lễ. Người Bali được đặt vào, được giữ hoàn toàn trong một cái lưới phong tục phức tạp. Một kết hợp của vài yếu tố đã tạo ra mạng lưới này, nhưng cơ bản chúng ta có thể nói rằng Bali là kết quả của các nghi thức phong phú của Ấn giáo truyền thống chồng lên trên một xã hội nông nghiệp trồng lúa rộng lớn, cùng vận hành, do sự cần thiết, với sự hợp tác cộng đồng tỉ mỉ. Các ruộng lúa bậc thang đòi hỏi một lượng không thể tin nổi sức lao động chung, hoạt động bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật để thịnh vượng, vậy nên mỗi làng Bali có một banjar – một tổ chức thống nhất giữa những công dân để quản trị, theo nguyên tắc nhất trí, những quyết định chính trị, kinh tế, tôn giáo và nông nghiệp của làng. Ở Bali, tập thể tuyệt đối quan trọng hơn cá thể, nếu không sẽ không ai có cái ăn.

Các nghi lễ tôn giáo có tầm quan trọng tối cao ở Bali này (một đảo, đừng quên, với bảy núi lửa không dự đoán được trên đó – các bạn có thể cầu nguyện nữa). Người ta ước tính là một phụ nữ Bali điển hình dành một phần ba thời gian thức của mình để hoặc chuẩn bị cho nghi lễ, tham gia vào một nghi lễ hoặc dọn dẹp sau nghi lễ. Cuộc sống ở đây là một chu ỳ liên miên những cúng dường và nghi thức. Ta phải thực hiện tất cả chúng, theo thứ tự chính xác và với tâm ý đúng đắn, nếu không toàn thể vũ trụ sẽ mất cân bằng. Margaret Mead đã viết về “sự bận rộn không thể tin được” của người Bal, và điều đó đúng – hiếm khi có một giây phút an nhàn trong một khu nhà Bali. Ở đây có các nghi lễ phải được thực hiện năm lần một ngày và những nghi lễ khác phải được thực hiện mỗi ngày một lần, mỗi tuần một lần, mỗi tháng một lần, mỗi năm một lần, mỗi mười năm một lần, mỗi trăm năm một lần, mỗi một ngày năm một lần. Tất cả những ngày tháng và nghi thức này được các thầy tu và những bậc chân tu sắp xếp với sự tham khảo một hệ thống phức tạp với ba loại lịch riêng biệt.

Ở Bali có mười ba nghi thức chuyển tiếp chính cho mỗi con người, mỗi nghi thức được đánh dấu bằng một nghi lễ rất có tổ chức. Những nghi lễ có tính xoa dịu tâm linh tỉ mỉ được tiến hành suốt đời, để bảo vệ linh hồn khỏi 108 thói tật (108 – lại con số ấy!), bao gồm những thứ làm hư hỏng như bạo lực, trộm cắp, lười biếng và nói dối. Mỗi trẻ Bali trải qua một nghi lễ tuổi dậy thì quan trọng khi răng chó, hay “răng nanh”, sẽ được giũa bằng để làm đẹp. Ở Bali điều tệ nhất là ta thô tục và thú tính, và những cái răng nanh này được xem là vật nhắc nhở về bản chất tàn bạo trong chúng ta và do vậy phải loại trừ. Trong một xã hội gắn bó với nhau như vậy sẽ rất nguy hiểm nếu người ta tàn bạo. Cả một mạng lưới hợp tác của một làng có thể bị chẻ dọc bởi ý đồ sát nhân của một người. Do vậy điều tốt nhất ta có thể là ở Bali là alus, nghĩa là “tao nhã”, hay thậm chí “làm dáng”. Ở Bali cái đẹp sẽ tốt, cho cả đàn ông và đàn bà. Cái đẹp được tôn sùng. Cái đẹp là an toàn. Trẻ con được dạy tiếp cận tất cả những khó khăn và bất tiện với một “gương mặt sáng ngời”, một nụ cười rộng mở.

Toàn bộ ý niệm về Bali là một ma trận, một tấm lưới khổng lồ và vô hình của tinh thần, sự dẫn dắt, những con đường và phong tục. Mỗi người Bali biết chính xác anh ta hay cô ta thuộc về đâu, định hướng trong cái bản đồ vô hình to lớn này. Chỉ nhìn bốn cái tên của gần như tất cả mọi công dân Bali – Cả, Hai, Ba, Tư – cái tên nhắc tất cả bọn họ sinh ra trong gia đình khi nào, và họ thuộc về đâu. Ta không thể có một hệ thống bản đồ xã hội rõ hơn nếu ta gọi con mình là Bắc, Nam, Đông và Tây. Mario, anh bạn Ý – Indonesia mới của tôi bảo tôi là anh chỉ hạnh phúc khi anh có thể duy trì đường ngang và đường dọc, trong một trạng thái cân bằng hoàn hảo. Vì vậy mà anh cần biết chính xác anh đang ở đâu tại mỗi thời điểm, cả trong quan hệ đối với thiêng liêng và với gia đình anh ở đây, trên trần thế này. Nếu anh đánh mất sự cân bằng đó, anh sẽ mất sức mạnh của mình.

Do vậy, không phải là một giả thuyết buồn cười khi nói người Bali là những bậc thầy cân bằng toàn cầu, những nghệ thuật, một khoa học và một tôn giáo. Đối với tôi, trong cuộc kiếm tìm cân bằng cá nhân, tôi đã hy vọng học hỏi rất nhiều từ người Bali cách làm sao đứng vững trong thế giới hỗn loạn này. Nhưng càng đọc và thấy nhiều hơn về nền văn hóa này, tôi càng nhận ra rằng mình đã văng xa khỏi tấm lưới cân bằng ra sao, chí ít là theo quan điểm Bali. Thói quen lang thang khắp thế giới mà quên đi định hướng tự nhiên của tôi ấy, cộng với quyết định bước ra ngoài mạng lưới hôn nhân và gia đình kiềm tỏa khiến tôi – theo những mục tiêu cần đạt được kiểu Bali – là thứ gì đó như một con ma. Tôi thưởng thức cuộc sống theo cách này, nhưng đó là một ác mộng cuộc đời theo các tiêu chuẩn của bất kỳ người Bali tự trọng nào. Nếu ta không biết ta đang ở đâu hay ta thuộc về thị tộc nào, làm sao ta có thể tìm thấy sự cân bằng?

Theo như tất cả những điều này, tôi không chắc mình sẽ có thể kết hợp bao nhiêu thế giới quan Bali vào thế giới quan của mình, vì dường như lúc này tôi đang dùng một định nghĩa Tây phương và hiện đại hơn về từ thăng bằng. (Tôi đang dịch nó với ý nghĩa như “tự do ngang nhau”, hay khả năng như nhau rơi vào bất cứ phương hướng nào vào bất kỳ lúc nào, tùy thuộc vào… bạn biết đấy… mọi chuyện diễn tiến ra sao.) Người Bali không chờ và xem “mọi việc diễn tiến ra sao”. Điều đó hẳn sẽ làm kinh hãi. Họ tổ chức cách mọi chuyện diễn tiến, để giữ mọi chuyện không mất kiểm soát.

Ở Bali khi ta ra đường và đi qua một người lạ, câu hỏi đầu tiên anh ta hay cô ta sẽ hỏi ta là, “Anh đi đâu?” Câu hỏi thứ hai là, “Anh từ đâu tới?” Đối với người Tây phương điều này có thể như một sự dò hỏi khá xâm phạm riêng tư từ một người hoàn toàn xa lạ, nhưng họ chỉ cố có một định hướng về ta thôi, cố gắn ta vào tấm lưới vì mục đích an toàn và tiện nghi. Nếu ta nói với họ là ta không biết mình đi đâu, hay ta chỉ lang thang không mục đích, ta có thể gây ra một chút xíu đau buồn trong trái tim người bạn Bali mới. Sẽ tốt hơn nhiều nếu chọn một loại phương hướng cụ thể nào đó – bất kỳ đâu – chỉ là để tất cả mọi người cảm thấy khá hơn.

Câu hỏi thứ ba người Bali gần như chắc chắn sẽ hỏi ta là, “Anh có gia đình chưa?” Một lần nữa, đó là một dò hỏi định hướng và xác định vị trí. Họ cần biết chuyện này, để yên trí là ta đang hoàn toàn trong trật tự đời sống của mình. Họ thật sự muốn ta nói: rồi. Họ sẽ thấy rất nhẹ nhõm khi nghe ta nói là rồi. Nếu ta còn độc thân, tốt hơn đừng đề cập trực tiếp điều đó. Và tôi thật sự khuyên bạn tuyệt đối đừng nói tới chuyện ly dị của bạn, nếu chẳng may từng ly dị. Điều đó chỉ khiến người Bali lo lắng. Sự đơn độc của bạn chỉ chứng tỏ cho họ một điều duy nhất là bạn đã xa rời các ràng buộc một cách nguy hiểm. Nếu ta là một phụ nữ độc thân du lịch khắp Bali và ai đó hỏi ta, “Cô có gia đình chưa?” thì câu trả lời khả dĩ tốt nhất là, “Vẫn chưa.” Đây là một cách lịch sự để nói “không” trong khi vẫn đồng thời chỉ ra ý định lạc quan của ta sẽ quan tâm đến việc đó ngay khi ta có thể.

Ngay cả nếu ta đã tám mươi tuổi, hay là một người đồng tính luyến ái nữ, hay một người luôn lớn tiếng đòi bình quyền cho phụ nữ hay một nữ tu, hay một nữ tu tám mươi tuổi đồng tính luyến ái luôn lớn tiếng đòi bình quyền cho phụ nữ chưa từng và chưa bao giờ định kết hôn, câu trả lời lịch sự nhất khả dĩ vẫn là, “Vẫn chưa.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.