Bản Lĩnh Putin

CHƯƠNG 14: CUỘC BẦU CỬ TỔNG THỐNG NHIỆM KỲ HAI



1. Ứng cử viên Tổng thống

Cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga vừa kết thúc thì cuộc đại tuyển cử Tổng thống Nga cũng bắt đầu.

Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng, ông sẽ tham gia cuộc tranh cử Tổng thống. Một số chính đảng lớn ở Nga đang gấp gáp bàn bạc để quyết định có nên cử đại biểu của đảng mình ra tranh cử Tổng thống lần này hay không. Nhưng một số người lãnh đạo của những đảng lớn đều không phải là đối thủ của Putin.

Vì vậy, sự nhiệt tình của các đảng phái chính trị với cuộc bầu cử tổng thống lần này đều rất thấp. Một số chính đảng đã quyết định không đưa ứng cử viên tham gia tranh cử, thậm chí có đảng còn đang ấp ủ âm mưu ngăn cản cuộc bầu cử.

Trong khi cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga vừa kết thúc, liên minh lực lượng cánh hữu và đảng Yabloko bị loại khỏi cuộc đua tranh cử và quốc hội Nga đã xuất hiện cục diện không có đại diện cánh hữu. Cánh hữu sau sự thất bại trong cuộc tranh cử vào Duma quốc gia vẫn đang phải đối mặt với việc lựa chọn có nên cử người tham gia bầu cử Tổng thống không. Người lãnh đạo hai chính đảng lớn của cánh hữu hiểu rất rõ rằng, sựủng hộ của cử tri với lãnh đạo hai đảng này trong cuộc bầu cử đã xuống rất thấp.

Hai đảng lớn của cánh hữu đã từng tuyên bố, họ sẽ cùng nhau lựa chọn nhà chính trị độc lập Vladimir Ryzhkov tham gia ứng cử, Ryzhkov cảm thấy rất thích thú với điều này, nhưng sau này hai chính đảng đã không đạt được sự thống nhất và họ đã gặp nhiều khó khăn trong công tác bầu cử.

Nhiều nghị sĩ cấp tiến trong hai đảng này thậm trí còn cho rằng, điều bất lợi trong cuộc bầu cử Duma chính là kết quả của việc Chính phủ Putin đã khống chế dư luận, ứng cử viên của hai đảng tham gia bầu cử lần này cũng sẽ gặp phải những điều bất lợi tương tự như vậy.

Ngày 20 tháng 12 năm 2003, Đảng Yabloko đã khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc tại Moscow, như vậy rõ ràng là đảng này sẽ không tham gia ứng cử Tổng thống. Tham gia ứng cử tổng thống là quyền lợi của mỗi chính đảng và mỗi công dân, các chính đảng kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử này, cần phải suy nghĩ về hậu quả nghiêm trọng của hành động đó.

Trước mắt, Nga chưa có bất cứ đảng phái nào công khai tẩy chay cuộc bầu cử.

Kết quả bầu cử Duma đã chứng tỏ tỷ lệ cử tri ủng hộ Putin là rất cao. Qua cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông lên đến 80% và ông có niềm tin hoàn toàn vào việc có thể tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Ông cũng không hề cảm thấy lo lắng trước việc tranh cử của các ứng cử viên khác, bởi vì dù là ai tham gia tranh cử đi nữa cũng không thể thay đổi được cục diện.

Điều mà Putin lo lắng nhất là vấn đề số lượng người tham gia tranh cử tổng thống, nếu như người tham gia tranh cử chỉ có một mình ông, thì rất thuận lợi cho việc trúng cử, nhưng hình ảnh và danh dự của ông sẽ bị tổn thất rất lớn.

Có người nói, Putin không hề bị lẻ loi mà có người sẽ tự nguyện giúp đỡ ông. Lãnh tụ đảng dân chủ tự do Zhirinovsky là chính khách thường xuyên tham gia tranh cử, mỗi lần nước Nga bầu cử Tổng thống, ông ta đều tham gia. Tuy rằng đảng dân chủ tự do chính thức tuyên bố tham gia tranh cử, nhưng mọi người đều biết rằng Zhirinovsky sẽ không bỏ lỡ cơ hội để thể hiện mình. Liên minh tổ quốc trong cuộc bầu cử Duma quốc gia đã có 10% số phiếu trong Quốc hội, hai lãnh đạo lớn nhất của đảng này rất có thể tham gia tranh cử.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga Zyuganov là đối thủ lớn nhất trong cuộc bầu cử tổng thống thời Yeltsin. Nhưng hiện nay Đảng Cộng sản Nga đã đi xuống. Những người trong đảng yêu cầu ông ta phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của Đảng Cộng sản Nga trong cuộc bầu cử Duma quốc gia.

Đảng Cộng sản Nga lúc này đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn đó là: có tham gia bầu cử tổng thống hay không? Bầu ai làm ứng cử viên? Nội bộ Đảng Cộng sản Nga đưa ra ý kiến tẩy chay cuộc bầu cử lần này. Nếu như thực sự Đảng Cộng sản Nga từ bỏ tham gia tranh cử tổng thống, vậy thì ảnh hưởng của việc này trong cục diện chính trị Nga không chỉ đối với cuộc bầu cử mà còn đánh dấu sự kết thúc của một thời đại.

Ngày 8 tháng 2 năm 2004, Ủy ban bầu cử trung ương Nga tuyên bố, tổng cộng có 7 ứng cử viên chính thức tham gia tranh cử tổng thống. Họ gồm: tổng thống Putin; lãnh đạo liên minh “tổ quốc” Sergei Yulyevich Glaziev; lãnh đạo liên minh lực lượng cánh tả trước đây Hakamada; nguyên chủ tịch Duma quốc gia ông Rybkin; Chủ tịch Ủy ban liên bang Mironov; lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga Kharitonov; lãnh đạo Đảng dân chủ tự do Rokryshkin.

Trong 7 ứng cử viên chỉ có Putin là có ưu thế tuyệt đối, 6 người còn lại có tỷ lệ ủng hộ của cử tri rất thấp.

Đứng trước tình hình nhiều ứng cử viên rút khỏi cuộc bầu cử tổng thống, Mironov tuyên bố, ông sẽ độc lập tham gia tranh cử Tổng thống. Mục đích tham gia ứng cử của ông là để ủng hộ cho Putin. Người lãnh đạo đảng Dân chủ tự do Zhirinovsky tuyên bố rút khỏi danh sách ứng cử và đề cử Rokryshkin tham gia ứng cử Tổng thống.

Trong bầu cử Quốc hội, Đảng Thống nhất đã chiếm ưu thế trong Quốc hội, kết thúc tình trạng quốc hội và tổng thống hợp tác thì ít mà đối đầu thì nhiều trong vòng mười năm trở lại đây, điều này có lợi cho ổn định cục diện lâu dài và nâng cao hiệu quả công tác của Chính phủ. Như vậy, có thể tạo điều kiện thực hiện mục tiêu phục hưng nước Nga mà Putin đã đề ra.

Tổng thống và Chính phủ sẽ không bị lực lượng cánh tả hoặc cánh hữu kiểm soát hay bị quấy nhiễu bởi thế lực của các ông trùm như trước đây.

Nếu như cuộc cải cách của Nga giành được thành công, Putin và Đảng Thống nhất sẽ được củng cố hơn nữa, Quốc hội mới có thể sửa đổi Hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ của ông. Nếu như không làm được điều này, Putin có thể đưa thân tín của mình lên giữ cương vị Tổng thống, còn bản thân mình sẽ trở thành Chủ tịch Đảng “Thống nhất Nga”. Như vậy, cục diện chính trị Nga vẫn có thể bảo đảm ổn định trong vòng 8 năm nữa.

Nhưng trong số các ứng cử viên tham gia tranh cử Tổng thống rõ ràng vẫn còn một số người là ứng cử viên của các phe đối lập. Những người này thông qua tranh cử để thể hiện sự tồn tại và sức mạnh chính trị của họ, ngoài ra còn tập trung cho sự phát triển trong tương lai của họ trên chính trường nước Nga.

Sergei Yulyevich Glaziev là ứng cử viên nặng ký nhất sau Putin. Tháng 8 năm 2003, ông ta trở thành người lãnh đạo của hơn 20 tổ chức đảng phái mặt trận liên hợp các lực lượng yêu nước nhân dân. Tháng 9, đảng khu vực, đảng

Ý trí nhân dân và đảng Xã hội thống nhất đã liên kết thành Đảng liên minh “tổ quốc”. Sergei Yulyevich Glaziev là một trong những người lãnh đạo của Đảng liên minh “tổ quốc”. Việc Sergei Yulyevich Glaziev tham gia tranh cử với tư cách là người ứng cử độc lập, đã dẫn đến sự chia rẽ to lớn trong nội bộ Đảng bộ liên minh “tổ quốc”.

Trước mắt tỷ lệ cử tri ủng hộ cho lãnh đạo cộng sản Nga Kharitonov là 2,3%.

Hakamada là nữ chính trị gia duy nhất tham gia tranh cử tổng thống, bà đã từng tham gia diễn đàn chính trị từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đã từng đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch Duma quốc gia lần thứ ba và lãnh đạo liên minh lực lượng cánh hữu. Sau khi liên minh lực lượng cánh hữu tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử tổng thống, Hakamada tuyên bố độc lập tham gia ứng cử. Tỷ lệ ủng hộ bà là 1,4%.

Putin chưa đồng ý cho Đảng “Thống nhất Nga” bầu ông làm ứng cử viên tổng thống mà ông tham gia tranh cử với tư cách ứng cử độc lập. Ông không hy vọng mọi người nhìn thấy Đảng “thống nhất Nga” công khai ủng hộ mình trong cuộc tranh cử mà hy vọng trở thành một Tổng thống được tất cả nhân dân ủng hộ.

Ông tuyên bố, trước ngày 12 tháng 2 năm 2004 sẽ không tiếp xúc với giới báo chí và các nhà tuyên truyền về ông, không tham gia các hoạt động tranh luận công khai trên Đài truyền hình. Vì việc tham gia tranh cử tổng thống lần này phần thắng của Putin đã nằm trong tầm tay.

2. Đối thủ của Putin lần lượt rút lui

Ngày 6 tháng 3 năm 2004, Ủy ban bầu cử trung ương Nga tuyên bố hủy bỏ tư cách ứng cử tổng thống của Rybkin. Trong bản tuyên bố ngày 5 tháng 3 gửi cho Ủy ban bầu cử trung ương Nga, Rybkin đã nói, do tình hình trước mắt, ông ta rút khỏi danh sách ứng cử tổng thống. Căn cứ theo pháp luật, trong vòng 2 tiếng đồng hồ sau khi Ủy ban bầu cử trung ương Nga nhận được đơn đề nghị của Rybkin, phải tuyên bố hủy bỏ tư cách ứng cử viên tổng thống của ông ta.

Rybkin đã từng làm Chủ tịch hạ viện Duma quốc gia Nga, trong thời gian Yeltsin nắm quyền đã từng làm Phó Thủ tướng chính phủ và Thư ký Ủy ban an ninh. Rybkin là người tham gia bầu cử dưới sự trợ giúp của nhà tỷ phú Boris Berezovsky đang lưu vong ở Anh quốc.

Sau khi được 2 triệu cử tri ký tên ủng hộ, ngày 7 tháng 2, Rybkin được Ủy ban bầu cử trung ương Nga đồng ý cho ra ứng cử viên tổng thống.

Thượng tuần tháng 2, Rybkin đã từng mất tăm tích một thời gian, điều này đã gây xôn xao trong dân chúng Nga.

Sau khi “lặn mất tăm” được 5 ngày thì ngày 10 Rybkin “xuất hiện trở lại” và tuyên bố với các phóng viên Đài phát thanh Mascow, thủ đô Ucraina rằng: “Tôi không hề lẩn trốn ở bất kỳ đâu, mà chỉ đi thăm bạn bè ở Kiev một thời gian.

Trước khi công khai xuất hiện, ê kíp tranh cử tổng thống của Rybkin đã từng liên lạc với ông ta.

Họ giải thích rằng, Rybkin không hề mở điện thoại di động, cũng không xem truyền hình, không biết sự “mất tích” của ông đang gây xôn xao trên diễn đàn chính trị như thế nào.

Rybkin nói, để chạy trốn khỏi áp lực của cuộc tranh cử, ông đã đến Kiev thăm lại bạn bè và chủ yếu là để nghỉ ngơi.

“15 năm trong cuộc đời chính trị tôi chưa từng bao giờ phải chịu đựng áp lực đến như vậy. Tôi giống như đã trải qua một cuộc đàm phán đầy khó khăn với Chechnya. Tôi cảm thấy rất mãn nguyện khi về nước lần này…”. Rybkin đã nói như vậy.

Có người đoán rằng, Rybkin có thể đã tiến hành đàm phán bí mật với bọn ly khai ở Ucraina và Chechnya.

Ngay từ khi Ủy ban bầu cử tổng thống trung ương Nga phê chuẩn Rybkin đủ tư cách tham gia ứng cử tổng thống, một ủy viên trong ủy ban đã nói, trong bản đăng ký ứng cử mà Rybkin đã đưa ra có tới mấy vạn chữ ký là giả tạo.

Rybkin có quan hệ mật thiết với ông trùm kinh tế Boris Berezovsky, và đã từng ủng hộ Boris Berezovsky làm lãnh đạo trong “Đảng Nga tự do”.

Rybkin tuyên bố rằng, bởi vì ông ta đã đưa ra những lời phê bình và chỉ trích Putin cho nên cảnh sát đã có hành động đối với ông ta.

Rybkin đã từng tuyên bốở Luân Đôn rằng, trước ngày bầu cử tổng thống ngày 14 tháng 3, ông sẽ không trở về nước Nga mà sẽ chỉ huy công tác bầu cửở Luân Đôn, nhưng ngày 4 tháng 3, Rybkin lại trở về Moscow, ngay ngày hôm sau ông ta rút khỏi danh sách tranh cử.

Việc Rybkin rút lui chính là do tỷ lệ cử tri ủng hộ ông ta rất thấp, đến mức chỉ còn 0,1%.

Sau khi Rybkin xin rút ra khỏi cuộc tranh cử, cuộc bầu cử chỉ còn 6 ứng cử viên tham gia tranh cử. Căn cứ theo quy định của pháp luật, ứng cử viên có quyền rút khỏi cuộc tranh cử trước khi bầu cử 5 ngày, 6 ứng cử viên này đều biết rõ họ không thể so tài cao thấp với Putin.

3. “Cơn sốt Putin” vẫn không ngừng tăng lên.

Trước mắt, không cần tiến hành trưng cầu dân ý cũng có thể hiểu được mức độ sùng bái đối với Putin ở nước Nga cao đến mức nào; chỉ cần bật máy thu âm là thấy rất nhiều đài phát thanh phát bài hát “Nếu lấy chồng thì tôi sẽ lấy người như Putin”.

“Nếu lấy chồng tôi sẽ lấy người như Putin”, bài hát này đang được các đài phát thanh phát thường xuyên điều đó chứng tỏ “cơn sốt Putin vẫn không ngừng tăng lên”. Rất nhiều người Nga nói, họ sẽ bỏ phiếu cho Putin. Đại đa số người dân Nga cũng nói, trong vấn đề xử lý sự kiện con tin ở Moscow, Putin đã hành động quả đoán, đã hóa giải thành công được các cuộc khủng hoảng con tin.

Do trong quá trình giải cứu con tin, bộ đội đặc nhiệm đã sử dụng loại hơi bí mật khiến 117 con tin đã thiệt mạng, có rất nhiều người thân của nạn nhân và các đảng phái chống đối đã chỉ trích Putin về việc chỉ huy không tốt.

Mặc dù, những lời lẽ phản đối Putin không phải là ít nhưng ngược lại những người hoan nghênh ca ngợi ông cũng không vì thế mà giảm đi.

Putin không ngừng được người dân ca ngợi và tin tưởng ông là con người “bình dị gần dân”, “khéo ngoại giao”, “dồi dào sinh lực”.

Năm 1999, khi chiến tranh Chechnya mới bùng nổ, Putin nói, “cho dù bọn khủng bố có nấp ở đâu cũng phải tróc nã cho ra”. Ông đã tỏ rõ quyết tâm tiêu diệt các phần tử vũ trang của Chechnya.

Để cổ vũ động viên sĩ khí cho quân đội, Putin đã từng ngồi trong buồng lái máy bay chiến đấu đi thị sát Chechnya.

Putin cũng đã từng ngồi trong tàu ngầm hạt nhân lặn sâu dưới nước mấy trăm mét để cùng với các chiến sĩ quân đội “thể nghiệm cuộc sống” dưới biển.

Để hòa mình với quần chúng nhân dân, Putin đã công bố địa chỉ hộp thư điện tử trên mạng và đã từng hai lần lên mạng trả lời những vấn đề mà hàng vạn dân chúng quan tâm.

Putin với lòng yêu thích môn võ Judo đã giành từng được giải quán quân tại thành phố St Peterburg, khi sang thăm Nhật Bản, ông đã thi đấu với tuyển thủ võ Judo, sau khi bị quật ngã, ông vui vẻ đứng lên nhận thua. Việc xử lý quyết đoán các công việc trọng đại ở trong nước, phong cách giản dị trong xử lý công việc hàng ngày đã làm cho ông trở thành người được nhân dân yêu quý, tín nhiệm nhất và sùng bái nhất ở Nga.

Ngày 14 tháng 3 năm 2004, đúng một tháng trước ngày bỏ phiếu bầu cử Tổng thống, nhiều ứng cử viên còn phải tận dụng giờ phút cuối cùng để cố tranh thủ sựủng hộ của cử tri.

Khi tổng kết công tác chính phủ trong nhiệm kỳ 4 năm, Putin cho rằng, tình hình kinh tế Nga đã “có sự thay đổi cơ bản”, sự độc lập và sự ổn định của đồng rúp là thành công lớn nhất.

Từ năm 1999 trở lại đây, tăng trưởng GDP của Nga đạt khoảng 30%, thu nhập thực tế của người dân đã tăng lên rất nhanh, tỷ lệ thất nghiệp hạ thấp chỉ còn 30%, dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga đạt 84 tỷ đô la.

Putin nói, các vấn đề như Chính phủ can thiệp vào công việc kinh tế quá nhiều, việc lạm dụng quyền lực cơ quan bảo vệ luật pháp cần phải chấm dứt ngay!.

Đối với yêu cầu sửa đổi Hiến pháp, Putin đã khẳng định, một khi Hiến pháp sửa đổi sẽ dẫn đến các cuộc tranh cãi nên và tốt nhất là không sửa đổi gì.

Tỷ lệ dân chúng ủng hộ Putin luôn đạt 80% trở lên, vượt xa các ứng cử viên khác. Cuộc bầu cử tổng thống Nga lần này sẽ là một cuộc cạnh tranh không có đối thủ.

Trong 6 ứng cử viên còn lại, Mirinov – Chủ tịch Ủy ban Liên bang Nga (thượng viện) là người ủng hộ Putin. Mục đích tham gia tuyển cử của ông vừa là để làm nền cho Putin vừa là công tác chuẩn bị cho Đảng Cuộc sống trong cuộc bầu cử Duma quốc gia nhiệm kỳ sau.

Sergei Yulyevich Glaziev tham gia tranh cử nhằm mục đích thay đổi chính sách xã hội hiện hành của Nga và xây dựng một quốc gia phục vụ cho toàn xã hội. Một trong những mục đích khác khi tham gia tranh cử Tổng thống của ông còn là để phân tán phiếu bầu của những người ủng hộ lực lượng cánh tả và làm giảm tỷ lệ cử tri ủng hộứng cử viên của Đảng Cộng sản Nga.

Ứng cử viên tổng thống Kharitonov do Đảng Cộng sản Nga tiến cử lại không phải là đảng viên Đảng Cộng sản, mà ông ta là người sáng lập ra Đảng Nông nghiệp và có sự hợp tác mật thiết với Đảng Cộng sản Nga. Do mâu thuẫn nội bộ của Đảng Cộng sản Nga rất gay gắt và tỷ lệ ủng hộ của cử tri rất thấp cho nên triển vọng tranh cử của Kharitonov rất ảm đạm.

Đảng Cộng sản Nga sau khi bị thất bại trong cuộc bầu cử Duma quốc gia, phe phản đối nội bộ đảng đã yêu cầu mạnh mẽ Zyuanov phải từ chức, buộc ông ta phải rút khỏi danh sách đề cử.

Người lãnh đạo liên minh lực lượng cánh hữu Hakamada ở vào thế đối lập với Putin. Bà tham gia tranh cử nhằm mục đích không để cho phe cánh hữu đi xuống do thất bại trong cuộc bầu cử Duma. Nội bộ chính đảng cánh hữu đã phát sinh mâu thuẫn, việc tranh cử của họ chỉ nhận được sựủng hộ của một số bộ phận.

Có thể nhìn rõ thực lực của các ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống là rất thấp, không đủ khả năng uy hiếp đến việc tái đắc cử nhiệm kỳ tiếp theo của Putin. Nếu không xảy ra những việc ngoài dự đoán thì Putin sẽ giành thắng lợi với số phiếu cao nhất – và thực tế đã đúng như vậy.

4. “Người mình” trong trái tim ánh mắt nhân dân

Cuộc sống hơn nửa cuộc đời là người dân bình thường khiến Putin thấu hiểu được cuộc đời khốn khổ của nhân dân, ông luôn nhận thức sâu sắc về những yêu cầu của nhân dân.

Khi đi thị sát các địa phương, Putin đã cố ý phá vỡ kế hoạch tiếp đón của chính quyền các địa phương, tranh thủ tìm hiểu cuộc sống của những người dân không nằm trong kế hoạch đã sắp xếp.

Khi đi thị sát khu vực Viễn Đông, Putin đến thăm một ngôi làng. Một người đàn ông mặc khố đang bổ củi, người vợ hét to: “Về nhà đi, Tổng thống đến”. “Tổng thống nào chứ? Bà nằm mơ hay sao đấy!”. Anh ta trả lời. Anh ta không tin. Nhưng vừa ngẩng đầu lên thì đã thấy Tổng thống ngay trước mặt. “Đấy là ngài thật ư?”. “Không! Không phải tôi!” – Putin trả lời. Người đàn ông đó mời Putin xuống bơi cùng với con trai ông ta, khi đó nhiệt độ của nước chỉ có 21 độ C, Putin đã lao xuống nước một cách rất thoải mái. Việc này hoàn toàn trái ngược với thời Yeltsin và Gorbachov. Ông ta chỉ thích nghe các quan chức địa phương báo cáo, rồi thích đi thăm quan du lịch ở những nơi danh lam thắng cảnh. Putin thì ngược lại, ngay cả việc tiếp xúc với quần chúng, Putin cũng tránh gặp các “đại biểu công nông” do các quan chức địa phương bố trí mà ông chỉ thích tìm hiểu những người dân bình thường chưa từng được “huấn luyện” để tìm hiểu về tình hình cuộc sống của họ.

Một lần, một cụ già đã từng tham gia chiến tranh vệ quốc tỏ ra oán trách Putin. Cụ kể rằng, đồng lương hưu của cụ còn thấp hơn cả mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước và cụ không hề được hưởng một chế độ đãi ngộ nào.

Đối với những vấn đề mà Putin phát hiện trong quá trình đi thị sát thì rất ít khi ông thể hiện nỗi bất bình trên nét mặt, không giống như những nhà lãnh đạo quốc gia trong những nhiệm kỳ trước, chỉ cau mày trách móc những quan chức địa phương trước ống kính quay phim chụp ảnh, còn sau đó đã sớm lãng quên.

Sau khi trở lại thủ đô, Putin khẩn trương chất vấn hội trưởng hội quỹ hưu trí. Theo quy định, những người muốn được hưởng ưu đãi thì phải làm đơn trình bày hoàn cảnh gửi đến các cấp có thẩm quyền để xin được hưởng chế độ ưu đãi. Còn như không làm đơn xin thì dứt khoát không được hưởng chế độ ưu đãi.

Theo chỉ thị của Putin, quy định này lập tức được thay đổi. Nhân viên công tác trong quỹ hưu trí phải ưu tiên phục vụ làm chế độ ưu đãi cho vị cựu chiến binh này.

Để thực sự hiểu được về đất nước Nga, năm 2003 Putin đã sử dụng kỳ nghỉ hè để đi thăm vùng Tây Bắc. Năm 2004, ông đã dành thời gian nghỉ để đến thăm vùng Viễn Đông. Đó là những nơi mà những người tiền nhiệm trước đây chưa bao giờ đến, sự khác biệt đó là rất lớn, ở đó không có gì đáng để đến thăm, nhưng lòng dân ai oán và những vấn đề xảy ra ở đó thì thật không nhỏ.

“Thật không dễ gì mong đợi được, chỉ toàn là những lời trống rỗng”, đó là cách nhìn nhận đánh giá của người dân đối với các nhà lãnh đạo đất nước trước đây khi họ đi thị sát.

Nhưng Putin thì hoàn toàn không phải là người như vậy. Có lần ông đang ở Surgut tại khu vực Bắc Cực, thời tiết đột ngột thay đổi. Ba chiếc máy bay trực thăng cùng với phi hành đoàn không dám cất cánh. Phóng viên và toàn bộ thiết bị quay phim buộc phải ở lại, còn Putin lên đường chỉ cần phi công láy máy bay trực thăng chuyên dụng đưa ông đến nơi. Ông đã có được một buổi nói chuyện hết sức tự nhiên và cởi mở với công nhân khai thác khí tự nhiên.

Trong 7 khu vực hành chính của cả nước, Putin đều đã đi thị sát. Có nơi ông đến nhiều lần, thường xuyên tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban quốc hội, cho phép các đài truyền hình truyền trực tiếp, mục đích là để cho dân chúng giám sát xem có ai đó lừa bịp nhân dân hay không.

Lịch trình sắp xếp việc đi thị sát của Putin rất dày và rất ít nhân viên đi cùng. Có lần khi Putin đang đi thị sát, có một bà già nông dân mời ông đến ăn món nấm, lúc đó ông và các nhân viên hộ tống chỉ đi bằng hai chiếc xe con.

Có lần, ông đã tham gia hoạt động chúc mừng ngày tết dân gian ở Kazan, thủ phủ của nước Cộng hòa Tatarstan, lần đầu tiên mọi người ở đây đã cảm nhận được tình cảm của ông mà trước đây họ vốn cho ông là người rất lạnh lùng. Trong công viên ở Kazan, từng đoàn dân chúng vây quanh Putin. Ông vừa dùng ngôn ngữ Tatra để thăm hỏi bà con, vừa cầm tay nhảy múa với họ.

Mấy cô gái chạy lên trước ôm hôn thắm thiết Putin. Ông vui vẻ đón nhận sự chúc mừng của họ. Putin đã tham gia múa cùng mọi người trong hội trường. Mặc dù động tác múa của ông hơi cứng và thiếu uyển chuyển nhưng vẫn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của mọi người.

Putin còn thi đấu một trận quyết liệt với một nữ võ sĩ đã từng giật giải quán quân môn vật và ông đã giành thắng lợi, không biết nữ quán quân vật có phải là đã cố ý nhường thắng lợi cho vị Tổng thống của mình không, nhưng Putin đã phấn chấn hẳn, ông kéo tay nữ võ sĩ lại và đặt một nụ hôn lên đó.

Đoạn sau mới thật sự xúc động. Putin đã nhanh chóng cởi phăng chiếc áo sơ mi đang mặc mà rất ít khi thấy ông cởi trước đám đông, để trần trùng trục úp mặt vào một bát sữa bò, một lát sau dùng miệng để gắp một đồng xu lên rồi giao cho người tổ chức ở bên cạnh.

Ngay trong ngày hôm đó, Putin đến xem cuộc đua chiến sa và cùng uống rượu với hai người lính già đeo trang sức truyền thống đang tự đàn hát. Putin xúc động nói: “Khi còn nhỏ, mẹ tôi thường đem không khí náo nhiệt trong những ngày lễ này để cười chế nhạo về căn phòng lộn xộn của tôi. Tôi không ngờ rằng, ngày lễ này lại vui đến như vậy”.

Khi không có người ngoài ở hội trường, Putin có lúc cảm thấy thoải mái, cười nói vui vẻ.

Mọi người phát hiện, lúc này Tổng thống Mintimes Shaimiyev của vùng lúa Tatarstan và tổng thống Rakhimov của Bashkortostan đều ở bên cạnh ông. Mintimes Shaimiyev và Rakhimov luôn có tư tưởng độc lập, hai nước cộng hòa này lại đều là khu vực tập trung chủ yếu của lực lượng các phần tử ly khai.

Có thể thấy rõ, chuyến đi lần này của Putin là để cải thiện quan hệ giữa trung ương và địa phương.

Putin đã thông qua hàng loạt hoạt động thực tế của mình để rút ngắn khoảng cách với nhân dân và đã trở thành người gần gũi thân thiết trong mắt người dân ở đây.

5. “Cao thủ Judo” lấy nhu thắng cương

Trong trí nhớ của mọi người, nước Nga dường như chỉ là một đế quốc tiến hành chiến tranh liên miên và không ngừng bành trướng ra bên ngoài. Kỳ thực, trong lịch sử, nước Nga cũng đã từng nhiều lần trải qua những thời khắc khó khăn của thù trong giặc ngoài. Mỗi khi đứng trước những nguy nan, người Nga lại sử dụng chiến thuật nằm gai nếm mật, lấy nhu thắng cương.

Nước Gorden Horse đã thống trị nước Nga suốt hai trăm năm. Với người Mông Cổ, mặc dù bề ngoài phải tiến cống tiền vàng và dâng hiến gái đẹp, nhưng người Nga vẫn âm thầm suy nghĩ làm sao thoát ra được kiếp nhục trần gian này. Về sau, công quốc Moscow đã đánh bại công tước Mông Cổ, thu hồi lại được những vùng đất đã bị mất.

Sau chiến tranh Crimean, Sa hoàng Nga đã không thể gượng dậy sau thất bại, Bộ trưởng ngoại giao Goschakov lúc đó đã phải dâng cống các chiến lợi phẩm, lợi dụng mâu thuẫn gay gắt trong châu Âu để biến nước Nga trở thành một cường quốc.

Sau cách mạng tháng 10 Nga, chính quyền Xô Viết vừa mới ra đời thì cũng là lúc quân đội Đức đưa quân áp sát biên giới, lại thêm bọn phản động trong nước đang lớn mạnh, Lenin đã phải ký “Hòa ước Brest” với Đức bất chấp sự phản đối của dân chúng, mặc dù đã phải trả giá rất lớn, nhưng chính quyền Xô Viết đã tồn tại và phát triển.

Putin, người lên nắm quyền Tổng thống khi mà nước Nga đang rơi vào thời kỳ tồi tệ nhất và ông cũng đã kế thừa truyền thống lịch sử đó.

Các quan chức ngoại giao Nga kiến nghị, hy vọng Putin tích cực học theo kinh nghiệm ngoại giao rất có hiệu quả của Trung Quốc, “xóa bỏ đối đầu với các nước phương Tây, ra sức thúc đẩy xây dựng kinh tế trong nước, kiên trì ngoại giao cứng rắn trong khu vực”.

Dựa theo tình hình quốc tế không thuận lợi lúc bấy giờ, Putin đã điều chỉnh cơ bản phương châm ngoại giao của chính phủ là chủ động tăng cường hợp tác với các nước phương Tây, hội nhập cùng thế giới, tranh thủ hơn nữa môi trường quốc tế để xây dựng kinh tế trong nước. Sau “sự kiện ngày 11 tháng 9”, Nga đã tăng cường hợp tác với các quốc gia phương Tây hơn.

Nga chủ động triển khai liên minh chống khủng bố với Mỹ, tích cực phát triển thương mại hai bên; Nga đang cố gắng đưa NATO từ một tập đoàn quân sự thành một tổ chức kinh tế. Nước Nga và Liên minh châu Âu tiến hành đàm phán về các vấn đề lớn như nhất thể hóa nền kinh tế châu Âu và hợp tác năng lượng.

Trong sự nỗ lực không ngừng của chính phủ Putin, các nước Châu Âu và Mỹ đã phải thừa nhận Nga là một quốc gia có nền kinh tế thị trường, đồng thời đẩy nhanh tiến trình đàm phán về việc Nga gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và có thái độ thay đổi hoàn toàn trong vấn đề Chechnya. Môi trường bên ngoài của Nga được cải thiện rõ rệt.

Putin nói, võ Judo không đơn giản chỉ là bộ môn thể thao mà còn là một môn triết học “lấy nhu thắng cương”, “lùi để tiến”. Bất kể đối thủ mạnh thế nào, chỉ cần nắm chắc được sơ hở và chỗ yếu của họ là có thể giành chiến thắng.

Trên thực tế, cái “nhu” của Putin hoàn toàn không có gì là thỏa hiệp vô nguyên tắc mà đều là hành động theo sức mạnh, không tham gia quá sâu vào các vấn đề quốc tế không liên quan đến mình, không theo đuổi bá quyền thế giới với Mỹ, tập trung xây dựng sự ổn định với các nước xung quanh, tập trung tài chính đầu tư vào những lĩnh vực có lợi ích thiết thực cho nước Nga, thay đổi chính sách ngoại giao từ việc coi trọng thể diện sang chính sách ngoại giao vì lợi ích quốc gia, luôn bảo vệ lợi ích quốc gia trên mọi lĩnh vực. Về sách lược thì luôn chú trọng đến tính linh hoạt để mang lại lợi ích quốc gia.

Putin cho rằng, nước Nga chưa thể mất đi tiềm lực để trở thành cường quốc, sự nhường nhịn nhẫn nại của ông cũng là để cho nước Nga phục hưng trở lại.

Vì thế có người ca ngợi Putin thật xứng đáng với danh hiệu “cao thủ Judo” lấy “nhu thắng cương”.

6. “Tư tưởng nước Nga mới” thuận theo thời đại.

Sau khi lên nắm quyền, Putin đã kết hợp được truyền thống lịch sử xã hội hiện thực và phương hướng phát triển của tương lai; đồng thời đề xướng “tư tưởng nước Nga mới” được đại đa số người Nga chấp nhận.

Ngọn cờ tiên phong trong “tư tưởng nước Nga mới” chính là truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Nga. Sau khi trúng cử Tổng thống, Putin đã thay đổi thái độ hạ thấp lịch sử Liên Xô mà Gorbachov và Yeltsin đã làm; đồng thời nhấn mạnh “phủ định hoàn toàn lịch sử sẽ làm cho dân tộc Nga quên đi tổ tiên của mình”.

Thời kỳ Liên Xô có rất nhiều lĩnh vực rất đáng tự hào, phủ định những thành tựu của thời kỳ Liên Xô là không chính xác. Putin nhấn mạnh, chỉ có kết hợp giữ hiện thực và lịch sử thì tương lai của đất nước Nga mới có thể tốt đẹp hơn.

Theo tư tưởng này, Putin ra lệnh cho tổng bộ của Cục An ninh liên bang phải dựng lại bức tượng của Andropov để thành viên của ngành An ninh lấy lại niềm vinh dự của mình.

Trong ngày lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít, 5.000 vị cựu chiến binh từ thời Liên Xô đã đi đầu trong đội ngũ nghi thức duyệt binh làm cho người Nga được sống lại không khí lịch sử hào hùng của những ngày chiến thắng phát xít, mọi người đều cảm thấy tăng thêm lòng tin và lòng tự hào dân tộc.

Putin quyết định lấy quốc ca của Liên Xô làm quốc ca của Nga, khiến cho nhiệt huyết và tinh thần của người dân Nga phấn trấn trở lại.

Putin khẳng định lại, Cơ đốc giáo có vai trò to lớn trong việc bồi dưỡng đạo đức con người. Ông thường xuyên đến giáo đường và xin ý kiến của giáo chủ Alexy II về các vấn đề trọng đại.

Ngọn cờ thứ hai trong “tư tưởng nước Nga mới” là chủ nghĩa yêu nước.

Putin từ nhỏ đã sớm tiếp thu giáo dục chủ nghĩa yêu nước của Liên Xô và cũng sớm nuôi chí cống hiến cho Tổ quốc. Khi phát hiện “một tình báo viên có thể làm tốt được việc mà cả đơn vị bộ đội không thể làm được”, ông đã quyết tâm gia nhập KGB.

Putin cho rằng, chủ nghĩa yêu nước là ngọn nguồn của sức mạnh, đánh mất tinh thần yêu nước chính là đánh mất đi những người có thể tạo nên kỳ tích cho nhân dân.

Về vấn đề Chechnya, cho dù phải lao vào cuộc mạo hiểm quyết chiến với các nước phương Tây, ông cũng không cho phép để quốc gia bị chia cắt, thà phải mang tiếng bạo chúa cũng quyết phải tiêu diệt tận hang ổ những phần tử vũ trang ly khai Chechnya.

Trong lĩnh vực ngoại giao, điều ông trăn trở chính là lợi ích quốc gia. Mặc dù quân Mỹ điên cuồng tiến công Iraq, nhưng khi xem xét đến lợi ích to lớn của Nga ở Iraq thì ông đã kiên quyết phản đối Mỹ dùng vũ lực tiến công Iraq. Putin đã giành được sự tôn trọng của lãnh đạo các nước phương Tây. Ông Blair rất khâm phục Putin. Tổng thống Bush mỗi khi nhìn thấy ánh mắt của Putin, đã cảm nhận được sự chân thành trong ông.

Ngọn cờ thứ ba trong “tư tưởng nước Nga mới” là từ bỏ tư tưởng đế quốc, gắn kết cùng thế giới.

Putin là người xuất thân từ KGB, từng nhiều năm công tác ở nước Cộng hòa dân chủ Đức, thường xuyên qua lại các nước Liên bang Đức, Thụy Sỹ… Ông rất có cảm tình với thể chế thị trường, xã hội kiểu Đức.

Putin có tầm nhìn quốc tế rộng lớn, ông đã nhận thức được rằng hậu quả nghiêm trọng của Liên Xô cũ là tự mình đóng chặt vào cuộc tranh bá thế giới.

Putin cho rằng, quan niệm đế quốc truyền thống không phù hợp với lợi ích quốc gia của Nga, nước Nga phải hòa nhập với thế giới thì mới có thể không đánh cũng thắng. Khi tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã chiếm thế thượng phong thì tất nhiên sẽ có lúc suy thoái.

Putin nhấn mạnh, nước Nga luôn phải gắn liền với sự phát triển của các nước trên thế giới, phải tham gia tích cực vào quá trình nhất thể hóa với kinh tế thế giới, tích cực hợp tác với các quốc gia khác để giàu mạnh lên.

Để thích ứng với thời đại, tư duy chính trị của ông cũng đã có những thay đổi quan trọng, từ đó mà xuất hiện “tư tưởng nước Nga mới”. Ông không nhấn mạnh “tư tưởng Nga” mới có ưu thế vượt trội, vận dụng biện pháp linh hoạt để kết thúc sự hỗn loạn chính trị, thực hiện thống nhất chính trị, hy sinh chế độ dân chủ để xây dựng hệ thống chính trị nhà nước lấy quyền lực tổng thống làm trung tâm.

Trước mắt, Putin phải đối mặt với những vấn đề sau: Nạn bành trướng quyền lực, nạn thoái hóa trong hành chính của Nga đang rất nghiêm trọng; vấn đề lũng đoạn cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế của Nga.

Về chính trị, vấn đề thoái hóa nhân cách của một số lãnh đạo dẫn đến sự bất mãn trong quần chúng nhân dân đối với chính phủ, dễ gây kích động mâu thuẫn và ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị.

Điểm chủ yếu trong cải cách hành chính của Putin là thu nhỏ quyền hạn hành chính, giảm bớt quyền phê chuẩn dự án và cắt giảm nhân viên chính phủ. Do “Đảng thống nhất Nga” là một đảng quan liêu nên nếu việc cải cách của Putin gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của họ thì ông sẽ làm mất đi sự ủng hộ của “Đảng thống nhất Nga”.

Putin yêu cầu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển. Nhưng trong khi giải quyết vấn đề tiêu cực đã cho thấy cơ cấu quốc gia Nga khó mà đáp ứng được nhiệm vụ phát triển mà Putin đã đề ra.

Công tác cải cách hành chính của Putin chủ yếu thể hiện dưới hai mặt sau:

Một là, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính, loại bỏ mọi hành vi tiêu cực quan liêu. Hai là, cải cách chế độ liên bang.

Biện pháp cải cách cụ thể mà Putin áp dụng là: Xóa bỏ cách làm cũ giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau có thể tuỳ ý ký kết các hiệp định song phương trong phạm vi quyền lực của mình; đồng thời quy định rõ việc ký kết các hiệp định phải tuân theo pháp luật, tiến hành cải cách chế độ tự trị của địa phương; phá vỡ thế độc quyền của địa phương ảnh hưởng xấu đến kinh tế; cải cách quân sự, tăng thêm kinh phí quân sự, đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự, thực hiện hiện đại hóa cơ cấu quân sự.

Xem xét các biện pháp mà Putin đã áp dụng cho thấy, để thực hiện mục tiêu chấn hưng nước Nga, thúc đẩy quá trình cải cách phát triển thì quyền lực tập trung vào tổng thống Nga là không thể tránh khỏi.

Biện pháp cải cách của Putin đã thể hiện “tư tưởng nước Nga mới” là thuận theo thời đại, thuận theo lợi ích quốc gia và thuận theo lòng dân.

7. Nước Nga bắt đầu căng buồm xa khơi

12 giờ đêm một ngày cuối cùng của năm 1999, Putin nhận lời ủy thác của Tổng thống Yeltsin: “Phải đối xử tốt với nước Nga” và tiếp nhận văn bản hiến pháp, biểu tượng quyền lực tổng thống, huân chương tổ quốc hạng nhất và chìa khóa hòm điều khiển hạt nhân.

Putin lên làm Tổng thống nhưng vẫn không quên ân nghĩa của Yeltsin. Putin vẫn luôn cho người bảo vệ Yeltsin và gia đình ông ta ở những nơi công cộng, ông vẫn rất tôn trọng và ca ngợi Yeltsin. Nhưng bên cạnh đó, Putin cũng nỗ lực thoát ra khỏi sự ràng buộc đó để xây dựng một thời đại mới của chính mình. Putin là con người có lòng vị tha nhưng cũng rất nguyên tắc, ông đã giành được ngày càng nhiều niềm tin của dân chúng Nga.

Trong lịch sử Nga từng xuất hiện rất nhiều nhân vật vĩ đại, và cũng đã từng ghi nhận rất nhiều sự kiện lịch sử vĩ đại của thế giới. Mười năm cuối cùng của thế kỷ 20, những diễn biến đầy kịch tính về xã hội Nga một lần nữa lại thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Thế kỷ sang trang, nước Nga đã kết thúc thời đại Yeltsin kéo dài 10 năm và bắt đầu mở ra một thời đại Putin mới tràn đầy hứa hẹn.

Theo kết quả trưng cầu dân ý được công bố ngày 20 tháng 12 năm 2001 của “Mạng quốc gia” cho thấy, 74% người dân Nga cho rằng, đối với quốc gia thì năm 2001 không bằng năm 2000 nhưng đối với cuộc sống gia đình thì năm 2001 không hề kém hơn năm trước.

Từ kết quả trưng cầu dân ý nói trên có thể thấy rõ trong thời gian từ khi Putin giữ chức Thủ tướng cho đến sau này giữ chức Tổng thống, cuộc sống của đại đa số người dân Nga đã được cải thiện, từ đó người dân đã có niềm tin và kỳ vọng vào nhà nước Nga.

Đối với nhân dân Nga, năm 2001 là năm lạc quan nhất trong vòng 9 năm trở lại đây. Mức lương của công nhân viên chức và quân nhân đều được nâng cao, ngoài ra còn tăng thêm trợ cấp đáng kể cho mức lương của những người về hưu, tỷ giá đồng đô la cơ bản ổn định với mức trên dưới 30 rúp, doanh nghiệp nhỏ được nhà nước giúp đỡ và phục hồi trở lại. Cuộc sống của đa số người dân được cải thiện. Đặc biệt đối với các giảng viên, lương bổng được tăng gấp đôi, cơ bản giải quyết được vấn đề khó khăn lớn trong sự nghiệp giáo dục. Thời đại dùng giấy lau tay hoặc vật dụng khác để trả lương cho các giáo viên đã không còn nữa.

Cách nhìn nhận đánh giá và kỳ vọng của dân chúng Nga đối với nền kinh tế trong tương lai làm cho chính phủ Nga càng tràn đầy niềm tin.

Theo dự toán ngân sách năm 2002, tổng giá trị sản phẩm quốc nội tăng trưởng 4,3%, dự toán thu nhập quốc gia lần đầu tiên đạt cao hơn ngân sách chi tiêu kể từ vài năm trở lại đây.

Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính Nga lúc đó là ông Kudrin lạc quan nói rằng, chỉ sau một, hai năm nữa, nền kinh tế Nga sẽ hoàn toàn thoát khỏi nỗi ám ảnh khủng hoảng tiền tệ năm 1998 hơn nữa còn đạt đến mức của những năm trước khủng hoảng, mức sống của người dân Nga trong năm 2004 cũng sẽ đạt đến mức của những năm trước năm khủng hoảng.

Chúng ta có thể tổng kết sơ lược như sau:

Putin sẽ tiếp tục “mò đá vượt sông”, nằm gai nếm mật. Ông sẽ không thể sử dụng bất cứ biện pháp quá khích nào. Nước Nga sẽ dựa vào ưu thế “nước lớn hạt nhân”, phát huy vai trò cường quốc giữa các nước lớn trên thế giới để tạo ra điều kiện có lợi nhất nhằm chấn hưng nền kinh tế. Putin sẽ dựa vào những kinh nghiệm phong phú của các nước trên thế giới để tìm ra con đường phát triển phù hợp với nước Nga.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.