Cho Là Nhận

Chương 13. LÒNG BIẾT ƠN



Sáng chủ nhật khi gặp lại nhà điều hành, chàng trai tự hào tuyên bố:

– Tôi đã làm theo đề nghị của ông. Tối hôm qua tôi đã liệt kê các hạnh phúc của mình.

– Chúng ta đi ngay để có thể bắt đầu sớm. Trước hết hãy cứ ghé qua văn phòng vài phút dù hôm nay mọi người không làm việc. – Nhà điều hành đề nghị. – Như vậy chúng ta có thể chia sẻ với nhau về bản danh sách của mình.

– Đồng ý. – Nhà môi giới trẻ nói.

Nhà điều hành đỗ xe ngay trước tòa nhà. Khi bước ra khỏi xe, nhà môi giới chợt nhìn thấy một tảng đá cẩm thạch lớn trên có gắn một tấm bảng đồng chạm nổi.

– Mấy hôm nay tôi không để ý đến chỗ này.

– Nó vẫn luôn ở đây đấy. – Nhà điều hành cười nói. – Đó chính là mục đích của công ty chúng tôi, hay anh có thể hiểu nôm na đó là lý do kinh doanh của chúng tôi.

Nhà môi giới đọc những dòng chữ trên tấm bảng:

MỤC TIÊU CỦA CÔNG TY

1. Làm rạng danh Thượng Đế bằng cách trở thành người quản lý trung thành đối với những gì Người đã tin cậy giao cho.

2. Tạo ảnh hưởng tích cực đến tất cả mọi người có quan hệ với công ty.

“Ngay cả mục tiêu của công ty ông ấy cũng hướng vào việc cho mà không hề nói tới việc nhận”, nhà môi giới thầm nghĩ. Sau đó anh nói lớn:

– Tôi nghĩ tất cả các công ty đều có những mục tiêu như “trở thành số một” hay “tạo ra những sản phẩm hoàn hảo nhất”, hoặc “kiếm được nhiều lợi nhuận hơn để thỏa mãn các cổ đông”.

– Đối với chúng tôi, cổ đông tối cao chính là Thượng Đế, và tôi cho là Người mong sao cũng có nhiều công ty có cùng mục tiêu như chúng tôi. – Nhà điều hành nhận xét khi họ bước vào trong để lên văn phòng.

Khi đã ngồi vào chiếc ghé bành êm ái đối diện với nhà môi giới, vị chủ nhà bèn hỏi:

– Thế anh đã ghi được những gì?

– Đây, ông hãy nhìn xem. – Nhà môi giới vừa trả lời vừa trao bản danh sách.

Nhà điều hành xem kỹ các mục đã được liệt kê. Ông đặt nó xuống bàn:

– Thú vị thật!

– Thế còn danh sách của ông? – Nhà môi giới thắc mắc. – Tôi có thể đọc được chứ?

– Tôi rất tiếc, anh không thể đọc nó.

Nhà môi giới trả lời khó khăn:

– Nhưng chẳng phải ông đã nói chúng ta sẽ chia sẻ với nhau về bản danh sách của từng người ư?

– Tôi đã nói với anh như thế, và tôi sẽ làm như thế. Chỉ có điều tôi vẫn chưa viết chúng ra. Tất cả vẫn còn đang ở trong tôi.

– Thôi được, ông đã nói chia sẻ. – Nhà môi giới thừa nhận đầy vẻ thất vọng. – Vậy mong ông hãy thực hiện nó.

Thế là nhà điều hành bắt đầu.

– Danh sách những điều tôi xem là hạnh phúc khá dài đấy. Tôi không muốn làm anh chán nên sẽ chỉ nói những điểm nổi bật. Đầu tiên, tôi biết ơn tình thương vô điều kiện của Thượng Đế đã dành cho mình.

– Còn gì nữa? – Nhà môi giới nôn nóng.

– Cùng những thứ khác. Ví dụ như hạnh phúc của tôi là tình yêu không vị kỷ, thủy chung với vợ mình, là ba đứa con – đặc biệt là Josh, cháu bị hội chứng Down. Nó thật có phúc!

– Ông nói sao? – Nhà môi giới như không tin vào tai mình.

– Đúng thế. Cháu nó rất có phúc! Josh giúp Carolyn và tôi nhận ra rằng mỗi người đều có một giá trị riêng. Mọi người đều có những món quà đặc biệt. Josh là một trong những người biết cho đi và đáng yêu nhất mà tôi biết.

– Nhưng những gì còn lại của ông quá hoàn hảo… – Nhà môi giới nói mà không cần suy nghĩ.

– Nghe này, Josh rất hoàn hảo. Cuộc sống chúng tôi phong phú hơn nhờ có thằng bé. Thượng Đế dạy chúng tôi về lòng tin cậy và sự lệ thuộc qua Josh. Nhờ Josh chúng tôi biết rằng mọi cuộc đời đều quan trọng. Và tất cả những gì chúng ta có thẻ làm là biết ơn về những điều đang có.

– Thật đáng kinh ngạc! – Nhà môi giới thừa nhận – Tôi thấy người ta thường oán trách Thượng Đế vì không được những thứ như ý. Trong khi ông lại cám ơn Ngài vì điều đó.

– Tôi còn có vô số niềm hạnh phúc khác. – Nhà điều hành từ tốn nói tiếp. – Tôi rất biết ơn khi thấy rất nhiều đứa bé được tôi giúp đỡ đã trở nên giỏi giang. Tôi rất biết ơn vì bệnh tật của vợ tôi, con tôi và của tôi trong những năm qua không có gì nghiêm trọng. Sức khỏe là món quà tuyệt vời và tôi rất biết ơn vì mỗi ngày được sống trên đời này! Riêng hôm nay, tôi tin mình được ban phúc vì đã gặp anh. Tôi xin cảm tạ vì có thể góp phần hướng dẫn cho anh về lòng chia sẻ trong cuộc sống.

Nhà môi giới chứng khoán trẻ tuổi ngồi trong yên lặng.

– Tôi nghĩ tôi đã hiểu sai mọi thứ. – Cuối cùng anh thừa nhận. – Khi tôi đếm hạnh phúc của mình, nhìn lại chúng toàn là các nhu cầu vật chất. Giờ thì tôi hiểu rồi. Khi bạn nhớ đến những điều hạnh phúc, chúng đều là những món quà được ban tặng. Mình không thể tự kiếm ra thứ gì cả. Đó quả thật là những món quà vô giá… Kể cả Josh, con trai ông.

Nhà điều hành mỉm cười:

– Đúng thế. Hạnh phúc là quà tặng. Tôi chỉ là người quản lý những gì đã được trao tặng. Và vì tôi được nhận quá nhiều nên cũng có nghĩa là tôi phải có nhiều trách nhiệm hơn. Tôi xin cảm tạ bằng việc nhận lấy trách nhiệm đó.

– Về lời ông đã nói, có thật là đối với ông tôi cũng chính là một niềm hạnh phúc không?

– Thật chứ! Nếu tôi có thể hướng dẫn cho anh hiểu về lý do, thời gian, địa điểm và cách thực hiện lòng chia sẻ, tôi tin rằng anh cũng có thể để lại tác động lâu dài đối với mọi người trong cuộc sống này. Thật là hạnh phúc biết bao!

Nhà môi giới không dám nhìn thẳng vào mắt nhà điều hành. Anh không chắc mình đã sẵn sàng trở thành niềm hạnh phúc của ai đó. Vì thế, anh quyết định lái câu chuyện sang hướng khác.

– Tôi thấy ông nhắc đến lòng biết ơn trong bản liệt kê những điều hạnh phúc của mình rất nhiều lần.

– Đó là chìa khóa cuối cùng để hiểu rõ về lòng chia sẻ. – Nhà điều hành nhấn mạnh. – Vì Thượng Đế mang đến cho tôi những thứ hiện tại, tôi nợ Người lòng biết ơn. Món quà của Người thật ngoài sức tưởng tượng của tôi. Và càng nhận thức rõ điều đó, tôi lại càng biết ơn Người nhiều hơn. Lòng chia sẻ là sản phẩm tự nhiên của lòng biết ơn thật sự.

– Dù vậy tôi vẫn chưa hiểu rõ vì sao ông lại có thể mang ơn về mọi thứ đang có. Tôi có thể hiểu chuyện của Josh, nhưng hẳn trong cuộc đời ông phải có những điều thật sự tồi tệ chứ?

– Anh nói đúng đấy. Cha tôi bỏ nhà đi từ khi tôi còn bé. Rồi tiếp theo, anh trai tôi lại mất ở Triều Tiên. Ban đầu, tôi đã nghĩ mình không thể cám ơn Người vì điều đó. Nhưng rồi đến một lúc tôi hiểu ra rằng anh ấy chỉ là sự vay mượn ở Người, cũng như cuộc đời tôi, vợ tôi con tôi, công việc, xe của tôi, tòa nhà này, và những thứ khác nữa. Tôi thấy mình nên biết ơn vì Người đã mang anh ấy đến cho tôi trong nhiều năm trên cõi đời này, thay vì oán giận vì Người đã chia lìa chúng tôi.

Một nhà văn và cũng là người thầy vĩ đại, Gordon McDonald, từng nói một câu như thế này: “Có những người sống vì động cơ và cũng có những người sống theo tiếng gọi của người khác. Nhóm thứ nhất luôn nghĩ mình làm chủ mọi thứ; trong khi nhóm thứ hai tin rằng mọi thứ đều là những món quà đang được vay mượn. Nhóm thứ nhất nghĩ mình làm chủ mọi mối quan hệ, tài sản, công việc kinh doanh. Họ dành hầu hết thời gian và năng lực để bảo vệ mọi thứ của bản thân. Còn nhóm thứ hai biết rằng các mối quan hệ của họ thậm chí cũng là những thứ đi vay, vì thế họ dành thời gian để nuôi dưỡng những mối quan hệ đó”.

Tôi không sống chỉ để kiếm tiền. Tôi sống theo lời kêu gọi giúp đỡ người khác – bằng cách cố gắng trong công việc, bằng việc tạo ra công ăn việc làm cho mọi người ở các trung tâm sửa chữa bảo trì ô tô của mình. Chúng tôi dạy cho nhân viên những kỹ năng sống quan trọng – dạy họ biết lắng nghe khách hàng, biết đứng dậy từ thất bại, cộng tác với những người khác, mở rộng niềm hy vọng và biết cảm thông. Chúng tôi chia sẻ thái độ và thói quen làm việc tích cực. Chúng tôi cố gắng mang nhân viên của mình vào trường đại học của cuộc đời.

– Trước đây tôi chưa từng gặp ai có quan điểm như ông. – Nhà môi giới nhận xét.

– Thật ra quan điểm của tôi cũng chẳng có gì quá đặc biệt. Một trái tim biết ơn thường trở thành một trái tim biết chia sẻ. Người ích kỷ luôn hỏi: “Tại sao điều này lại xảy ra với tôi?”. Điều đó sẽ tạo cho họ cảm giác trở thành nạn nhân, mà nạn nhân thì không bao giờ biết rộng lượng và chia sẻ cả. Họ không muốn cho. Họ chỉ muốn nhận bằng mọi cách.

– Ông nói có lý, nhưng sáng sớm mai tôi đã đi rồi mà tôi vẫn chưa hiểu hết ý ông về lòng chia sẻ. Tôi không hiểu bí mật mà ông đã hứa, thành thực mà nói, tôi hơi thất vọng vì không thể nào hiểu rõ hơn.

– Tất cả đã có sẵn trước mắt anh. Tôi vừa cho anh những thứ tôi có thể trao đi. Hãy nhẫn nại, cuối cùng anh sẽ thấy thôi.

* * *

Lúc này, nhà môi giới chỉ mong đang ngồi trong một quán cà phê ở New York cùng Stephanie vào một buổi sáng chủ nhật đẹp trời như hôm nay, hoặc ở bất kỳ một ngôi nhà thờ nào đó dự lễ sáng thường lệ. Thế nhưng anh lại đang ở đây, giữa một căn phòng nhỏ đầy những nam học sinh lớp tám – những chú bé ồn ào, hiếu động trong trang phục jeans và nhai kẹo cao su.

Hơn thế nữa, nhà điều hành lại là người thầy đáng kính của chúng.

“Làm sao một người già như ông ấy lại có thể nói chuyện với đám nhóc hiếu động này?”, anh thầm hỏi.

Điều thắc mắc của anh được giải đáp ngay lập tức. Đúng là nhà điều hành không có lối ăn mặc thời thượng, kiểu tóc, gu nhạc hay thói quen sử dụng tiếng lóng như bọn trẻ, nhưng họ chia sẻ với nhau tình thương, sự tôn trọng, và một thứ tình cảm “huynh đệ thắm thiết” mà nhà môi giới chưa bao giờ chứng kiến giữa hai thế hệ cách nhau hàng mấy chục tuổi như thế.

Nhà điều hành thâm trầm và kiên nhẫn mượn Kinh Thánh để giảng dạy cho đám trẻ những bài học về cuộc sống. Bọn trẻ chăm chú lắng nghe, đặt câu hỏi và mạnh dạn chia sẻ với nhau những thử thách mà chúng gặp phải ở trường và ở nhà.

Cuối cùng, nhà điều hành chấm dứt bài học với lời khuyên bọn trẻ hãy làm việc chăm chỉ, đối xử công bằng với mọi người, và luôn cố gắng làm tốt mọi việc. Bọn trẻ thực sự quấn quýt ông như hình với bóng mỗi khi ông đến thăm chúng.

– Tôi đã dạy bảo các cháu như thế hơn ba mươi năm qua. Nhiều đứa rất thành đạt trong cuộc sống – chúng trở thành những người chồng, người cha, và những công dân tốt. Vài em phải tranh đấu đôi chút trong đời, nhưng tôi luôn tự hào về chúng.

– Tôi dám cá là ông rất tự hào nữa là đằng khác! – Nhà môi giới nói với chút ghen tỵ.

Và, nhà môi giới càng bất ngờ thêm khi thấy Carolyn cũng nồng nhiệt và đáng mến như nhà điều hành:

– Chúng tôi rất vui nếu anh có thể ghé qua nhà dùng bữa trưa cùng chúng tôi sau buổi lễ. – Bà tươi cười niềm nở.

– Tôi rất sẵn lòng. – Nhà môi giới đồng ý không chút do dự.

* * *

Buổi cơm trưa hôm đó tại nhà người điều hành tràn đầy những câu chuyện thân mật. Chủ nhà dẫn khách tham quan khắp các phòng. Ngược với những gì nhà môi giới vẫn nghĩ, vị chủ nhà lại tỏ ra rất hãnh diện về đàn ngựa, về những chiếc xe gắn máy và mấy chiếc xe đạp cũ kỹ đầy bụi bặm.

– Bọn trẻ rất thích ngựa và xe đạp. Tôi muốn được chia sẻ với chúng bằng cách giúp đỡ chúng trong những chuyến phiêu lưu đầy thử thách.

– Tôi cảm thấy bài báo nói về ông hoàn toàn chính xác. – Nhà môi giới nhận xét. – Cho đi là niềm vui lớn nhất trong đời ông.

– Dĩ nhiên là thế, nhưng còn phải có niềm tin, gia đình và bạn bè của mình nữa chứ. – Nhà điều hành không hoàn toàn đồng ý.

Dù rất hăm hở quay lại công việc kinh doanh của mình, nhưng nhà môi giới không khỏi lưu luyến khi nhận ra rằng mình sắp phải chia tay nhà điều hành.

Đúng thế, chiếc xe hơi sang trọng đã đậu trước cửa chờ anh đúng như đã hẹn.

– Xin cám ơn ông bà đã nồng nhiệt đón tiếp tôi.

– Ô, chúng tôi rất lấy làm vinh hạnh được tiếp đón anh mà. – Bà mỉm cười.

Nhà môi giới cầm tay nhà điều hành:

– Xin cám ơn ông đã chia sẻ cuộc đời mình với tôi. Tôi còn nhiều điều để suy nghĩ và tự ngẫm. Thực sự tôi rất muốn hiểu hết về lòng chia sẻ.

– Rồi anh sẽ hiểu thôi. – Nhà điều hành nói với giọng quả quyết. – Tôi biết anh sẽ làm được mà. Rồi mọi thứ sẽ rõ ràng trước mắt anh.

Sau đó ông ôm chặt người học trò của mình trước khi chia tay. Chàng trai cảm thấy thật ấm áp, ông ấy cứ như một người cha mà trước nay mình chưa từng có.

Khi chiếc xe đã đi xa, nhà môi giới ngoái nhìn lần cuối hình ảnh của người cố vấn mới thấp thoáng nơi khung cửa.

“Thật là một đôi vợ chồng đáng kính. Họ thực sự đang giúp cuộc sống ngày càng trở nên tốt đẹp hơn cho từng con người một”, anh thầm nghĩ.

– Ngài có cần tôi vào ngày mai không ạ? – Người tài xế cắt ngang dòng suy nghĩ của anh.

– Có chứ, nhưng tôi chỉ cần anh đưa tôi ra sân bay vào buổi sáng.

– Vâng, mấy giờ ạ?

– Khoảng sáu giờ. Tôi bay chuyến 7 giờ 30.

– Sáng thứ hai đường có thể đông, tôi sẽ có mặt tại đây lúc 5 giờ 30. Nếu ông cần đi sớm hơn thì xin cứ gọi. Tôi rất biết ơn vì đã có cơ hội gặp ông.

Chiếc xe chìm trong sự im lặng. Cuối cùng nhà môi giới hỏi:

– Anh tin vào Thượng Đế đúng không?

– Vâng, thưa ông. Không thể không tin được. Người đã làm nhiều thứ cho tôi.

– Thế Ngài đã làm những gì?

– Ngài tạo cho tôi cơ hội giúp tôi từ bỏ ma túy, tìm cho tôi người vợ tuyệt vời, cho tôi hai chú nhóc thật dễ thương. Tôi chẳng làm được gì để xứng đáng với điều đó, ngoại trừ giao phó cả cuộc đời rối ren của tôi cho Ngài.

– Thật vậy sao?

– Đúng thế. Ngài đã thay đổi tâm hồn tôi, thay đổi cuộc đời tôi.

– Ước gì cuộc đời tôi cũng được dễ dàng như thế.

– Có thể đấy thưa ông.

Qua hai lần rẽ, họ về tới khách sạn. Anh cảm ơn người tài xế, bắt tay anh ta và không quên tặng anh ta món tiền boa hậu hĩnh và lời hẹn: “Gặp lại anh sáng mai nhé!”.

Vừa đi qua cửa, anh gọi ngay cho người trợ lý: “Tôi sẽ về tới La Guardia lúc 12 giờ 45 trưa ngày mai, và tôi muốn có xe ra đón. Cám ơn”.

Nhà môi giới lên phòng, xem ti-vi khoảng một giờ rồi tắt đèn đi ngủ. Đêm đó, anh ngủ rất say và chẳng hề biết những gì đang chờ đợi anh ở New York.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.