Cho Là Nhận

Chương 9. MỖI NGAY LÀ MỘT CƠ HỘI



Chương 9. MỖI NGAY LÀ MỘT CƠ HỘI

Trên đường về, nhà môi giới ngôi yên lặng và suy ngẫm về những gì mình đã chứng kiến tại trung tâm sửa chữa bảo trì ô tô của nhà điều hành. Cuối cùng, anh nói lên thắc mắc của mình:

– Tôi thật không hiểu vì sao ông lại quan tâm đến nhân viên đến thế? Đó có phải là trợ lý thân cận của ông đâu? Thậm chí ông còn không biết mặt họ kia mà?

“Mình còn phải giảng giải cho chàng trai này nhiều đấy”, nhà điều hành thoáng nghĩ với một nụ cười đầy ẩn ý.

– Một người có lòng chia sẻ luôn tìm thấy trong mỗi ngày mới một cơ hội để tác động đến cuộc đời của những người khác. Mỗi ngày chúng ta có thể tìm ra vô số cách, dù là lớn lao hay nhỏ bé, để làm cho cuộc sống người khác được tốt đẹp hơn.

– Nhưng ông cũng đã giúp họ khi cho họ công ăn việc làm rồi. Tại sao ông phải cho họ thêm nữa?

– Chia sẻ không có nghĩa là anh chỉ làm những gì tối thiểu, mà là thực hiện những gì được mong đợi. Mỗi ngày tôi đều tìm kiếm những cơ hội để được làm thêm nhiều điều nữa. Có thể nói, điều đó đã trở thành thói quen của tôi.

– Tôi e rằng mình không hiểu gì cả. – Nhà môi giới nói.

– Đối với một số người, họ xem việc chia sẻ với người khác là một sự kiện thật sự. Nghĩa là họ ủng hộ các hoạt động vì một mục đích nào đó. Sau khi đã lập thành tích, họ lại quay về với công việc làm ăn thường lệ. Nhưng lòng chia sẻ lại chính là một thái độ sống. Và chúng ta cần nuôi dưỡng nó mỗi ngày.

– Tôi hiểu. – Nhưng trong sâu thẳm, nhà môi giới biết mình vẫn chưa hiểu gì nhiều. – Tôi thật sự cảm kích vì ông đã hào hiệp dành chút thời gian quý báu cho tôi. Ông đã dạy cho tôi nhiều điều về lòng chia sẻ trong những giờ qua.

– Ô, chúng ta chưa làm được gì đâu, còn nhiều thứ lắm. Nếu anh thật sự muốn biết rõ thế nào là lòng chia sẻ thì anh phải ở lại đây vài ngày với tôi.

– Ông muốn tôi ở lại đến mai sao?

– Nếu anh về New York ngay bây giờ thì thật tình anh chẳng khám phá được gì về lòng chia sẻ đâu. – Nhà điều hành nói như thách thức chàng trai.

– Thôi được, tôi rất muốn khám phá bí mật đó. Bây giờ chúng ta đi đâu?

– Chúng ta sẽ tới thăm lũ cháu của tôi.

Nhà điều hành cho xe rời xa lộ và rẽ vào một khu dân cư thuận tiện nhưng khá bình thường. Ông dừng xe trước một căn nhà lớn kiểu trang trại, nhấn vài hồi còi rồi ra khỏi xe. Ngay lập túc, ba đứa trẻ từ 7 đến 10 tuổi gồm hai trai và một gái lao ra trong màn sương núi ẩm ướt chạy tới ôm chầm lấy ông hôn lấy hôn để. “Cháu chào ông! Cháu chào ông!”, chúng reo lên mừng rỡ.

Nhà điều hành ngồi ngay xuống bậc thềm trước hiên nhà, ôm hôn từng đứa và nói rằng ông rất yêu chúng.

– Ông có mang quà cho chúng cháu không?

– Có chứ. Ta mang cho các cháu món quà vô hình. Nó nằm ở đây, trong tim ta. Người ta gọi nó là tình yêu. – Đoạn ông nháy mắt với nhà môi giới, rồi rút trong túi ra ba viên kẹo nhỏ.

– Ta đãi các cháu này!

– Cám ơn ông. – Bọn trẻ vừa nói vừa cầm lấy viên kẹo.

– Ta còn những thứ này cho các cháu nữa đây. – Ông vừa nói vừa đút tay vào túi áo kia và lấy ra ba đồng 25 xu sáng loáng. – Ta cho thêm vào bộ sưu tập của các cháu đấy. Các cháu chưa có đồng 25 xu Georgia phải không nào?

– Thưa chưa ạ! – Bọn trẻ trả lời.

Nhà điều hành trỏ vào dòng chữ nhỏ xíu bao quanh hình bản đồ bang Georgia trên mặt sau đồng xu.

– Các cháu có nhìn thấy những dòng chữ này không? Đó là “Sự thông thái, Công bằng và Chừng mực”. Có nghĩa là chúng ta phải khôn ngoan và nỗ lực hết sức mình, chúng ta cũng phải công bằng và chừng mực trong cuộc sống.

– Chừng mực là gì hả ông?

– Điều này hơi khó giải thích đấy các cháu ạ. Nó có nghĩa là có vay có trả. Cho nên, đừng làm một điều gì đó quá nhiều hay điều kia quá ít.

– Cháu không hiểu.

– Cháu phải kiên nhẫn. Rồi một ngày nào đó cháu sẽ hiểu. – Nhà điều hành khuyên nhủ bọn trẻ.

Một người phụ nữ bước ra cửa và ôm lấy ông.

– Chào Ruth. Bọn trẻ thế nào?

– Chúng ổn cả ông ạ, và nhớ ông lắm. Để làm chúng toại nguyện có lẽ ông phải ở đây mỗi ngày. Mấy đứa lớn học hành cũng tốt, Jamie vừa đoạt giải trong cuộc thi ném lao tự do tuần rồi đấy ông.

– Ước gì ta cũng có mặt ở đó! – Giọng ông tiếc nuối. – Còn Don đâu rồi?

– Anh ấy không có ở đây. Anh ấy phải đưa Aaron đi bác sĩ.

– Không có gì nghiêm trọng đấy chứ?

– Không ạ, chỉ chích ngừa thôi.

– Thế thì tốt.

Nhà môi giới theo sau nhà điều hành bước vào nhà. Treo trên lối vào phòng khách là những tấm ảnh của mười hai đứa trẻ từ 4 đến 17 tuổi. Khi nhà điều hành bước vào trong, ông lộ rõ vẻ thất vọng khi không thấy những đứa khác.

– Giá như ta có thể ở chơi cho đến lúc bọn trẻ đi học về.

– Chúng cũng mong gặp ông lắm đấy.

– Ông ơi, chúng ta chơi trò xe tải đi! – Một cậu bé phấn khỏi vừa nói vừa bấu lấy tay ông.

– Được, anh bạn nhỏ. Có xe trong phòng đồ chơi không?

– Thưa, có ạ.

– Ông cho cháu chơi với nhé? – Một cậu bé khác rụt rè đề nghị.

– Được chứ! – Sau đó nhà điều hành quay sang cô bé còn lại có vẻ mặt buồn buồn. – Còn cháu thì sao? Cháu muốn cùng chơi hay ta sẽ đọc truyện cổ tích cho cháu nghe sau?

– Cháu thích nghe ông kể chuyện. – Đôi mắt cô bé sáng lên.

Nhà môi giới bất ngờ khi thấy nhà điều hành hồn nhiên chơi trò xe tải với bọn trẻ, thậm chí ông còn giả tiếng động cơ rì rầm như thật.

– Ông quả là đa tài! – Nhà môi giới nói, nhưng đồng thời anh cũng cảm thấy xót xa trong lòng. “Ước gì ngày nhỏ cha cũng dành thời gian chơi trò xe tải với mình – dù chỉ là một lần”

Khi đã chơi xong trò xe tải, nhà điều hành bế cô cháu gái vào lòng và đọc truyện cổ tích cho cô bé nghe, hai bên là hai cậu nhóc.

Ông đọc hết một truyện, rồi lại một truyện khác và bế từng đứa đi ra cửa.

– Chúng cháu yêu ông lắm! – Bọn trẻ hét thật to.

– Ta cũng rất yêu các cháu.

Hẳn đây là “sự quan tâm”, một trong bốn điều người ta có thể cho đi như ông ấy đã nói. Mình chưa từng gặp ai hào phóng trong cách thể hiện tình cảm của mình với trẻ con như thế.

Cả hai ngồi vào xe và tiếp tục cuộc hành trình. Đi chưa khuất dãy nhà, nhà môi giới đã phá tan sự yên lặng:

– Lũ trẻ đó là ai thế? Rõ ràng chúng khác màu da với ông, chúng không thể nào là người thân của ông.

– Anh nói đúng, nhưng trong tim tôi, chúng là gia đình tôi. Cách đây vài năm, tôi nhận thấy có nhiều đứa trẻ chẳng có gì cả, trong khi tôi lại được quá nhiều. Vì thế, tôi thấy đây là cơ hội tuyệt vời để chia sẻ. Tôi mua một căn nhà, cải tạo nó thành nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ cần tình thương và sự chăm sóc.

– Tại sao chúng đều gọi ông là “Ông”?

– Vì tôi gọi bọn trẻ là “cháu” – Nhà điều hành bật cười. – Chúng hiểu nên đã gọi tôi là ông. Tôi thích được gọi như vậy, vì thế tôi cố gắng dành thời gian cho chúng càng nhiều càng tốt. Nếu tôi nhớ không lầm thì lúc anh gọi điện cho tôi lần đầu tiên, tôi đang chơi với chúng. Lũ trẻ rất quan trọng đối với tôi.

– Tôi hiểu! Còn dòng chữ trên đồng 25 xu Georgia ông tặng chúng thì sao? Có phải ông hàm ý muốn nói với tôi những điều đó? – Anh mạnh dạn hỏi.

– Anh là một học trò nhanh nhạy đấy! – Nhà điều hành xác nhận. – Những chữ đó có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi.

Nhà môi giới thầm đoán mình sắp được nghe một bài thuyết giáo đây. Thực tế gần đúng như thế, nhưng dù sao thì anh cũng không cảm thấy phiền lòng.

– Sự khôn ngoan không phải tự tôi có. Tôi tin rằng đó là món quà tôi nhận từ Thượng Đế. Tự bản thân tôi không tạo nên công việc làm ăn. Tôi không tốt nghiệp đại học, thậm chí cũng chưa học xong trung học. Nhưng Thượng Đế ban cho tôi sự thông thái, và vì thế, trong kinh doanh tôi xem mình là người quản lý cho số phận may mắn mà Người đã ban cho tôi. Trách nhiệm của tôi là làm hết sức mình. Và tôi cũng tin rằng Người mong tôi biết sử dụng thế mạnh đó để giúp đỡ người khác.

– Thì ra đó là lý do ông lập nên nhà trẻ này?

– Phải. Xét về tính công bằng, tôi chọn cách tạo cho mọi người cơ hội để đền đáp lại món quà do Thượng Đế ban tặng, dù đó là thời gian, tài năng, sự khôn ngoan hay tiền bạc đang có. Đó có thể là một nhân viên đang theo học đại học, những đứa trẻ cần tình thương, hay một ai đó cần đến sự công bằng bất kể màu da và chủng tộc. Mỗi ngày, tôi tìm cơ hội để được tự mình mang đến cho họ một điều gì đó.

– Còn sự chừng mực có ý nghĩa gì trong chuyện này?

– Trước tiên anh phải hiểu về sự cực đoan. Người cực đoan chỉ quan tâm đến một thứ duy nhất và họ cho đó là ưu tiên số một trong đời họ, ví dụ như làm giàu. Hoặc người chỉ biết cho đi hết mọi thứ cũng là người cực đoan. Cả hai đều không mang lại kết quả có ý nghĩa. Họ tự làm mình rơi vào trạng thái không còn thời gian cho vợ chồng, gia đình, bạn bè hay cho chính sự nghỉ ngơi của bản thân. Chừng mực có nghĩa là anh biết giữ cân bằng trong mọi vấn đề để mang lại lợi ích cho mọi người.

Nhà môi giới trầm ngâm suy nghĩ. Nhà điều hành tiếp lời:

– Nếu anh cần ghi nhớ điều gì từ việc này, thì hãy nhớ rằng mỗi ngày là một cơ hội. Hôm nay tôi có cơ hội chia sẻ suy nghĩ của mình với bọn trẻ, và tôi hy vọng những suy nghĩ đó sẽ để lại một ấn tượng tốt đẹp nào đó trong cuộc đời chúng.

Nhà môi giới nhanh chóng ghi lại những điều vừa biết. Anh có cảm giác mình đã cảm nhận khá cụ thể về lòng chia sẻ, nhưng dường như mọi thứ hãy còn rời rạc với nhau. Anh mong nhanh chóng tìm ra cách kết nối các ý tưởng để có cái nhìn tổng thể về điều này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.