Cho Là Nhận

LỜI TÁC GIẢ



Ngày xưa, ông bà ta thường dạy: “Cho là vạn phúc”; ngày nay, giữa sự quay cuồng của cuộc sống hiện đại, con người dường như đang hướng đến một quan niệm trái ngược hoàn toàn: “Nhận mới quan trọng nhất”.

Hầu như mỗi ngày chúng ta đều nghe thấy những câu đại loại như: “Hãy tận hưởng mọi thứ mà cuộc đời có thể mang lại”, “Hãy không ngừng tìm kiếm những điều tốt nhất”, “Chúng ta cần nhiều hơn nữa đề đạt đến đỉnh cao”, “Tôi đã tự kiếm phần mình. Nếu muốn, anh hãy tự đi mà tìm lấy”, “Chỉ có kẻ mạnh mới tồn tại”…

Hãy thử chiêm nghiệm công việc kinh doanh của chúng ta. Lợi nhuận sẽ được tái đầu tư để tăng sức hấp dẫn cho thị giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Thay vì giúp đỡ những người khốn khó hơn, nhiều người giàu có chỉ biết đầu tư tiền của vào những kế hoạch nhằm bảo đảm sự an toàn cho tuổi già của họ. Do đó, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn hơn. Và, trong khi nền kinh tế các nước đang ngày càng lớn mạnh thì các khoản đóng góp cho từ thiện vẫn là những con số thật khiêm tốn.

Có bao giờ bạn nghĩ đến những tác động sâu sắc mà thế giới phải hứng chịu từ những nghịch lý trên?

Có bao giờ bạn tự hỏi rằng:

– Liệu mọi trẻ em trên thế giới có được ăn no mặc ấm trong tình yêu thương của cha mẹ, người thân?

– Liệu chúng ta đã làm hết khả năng để ngăn chặn những căn bệnh của thế kỷ đang hoành hành trên hành tinh này không?

– Liệu mọi sinh viên hiếu học đều có đủ tiền để theo học đại học?

– Liệu những người vô gia cư có được một nơi đủ ấm để qua đêm?

Một số người trả lời rằng:

– Tôi làm lụng cả đời và có ai cho không tôi cái gì đâu!

– Chúng ta tìm ra thuốc chữa căn bệnh này thì căn bệnh khác lại phát sinh!

– Thì tôi cũng đang tự lo học phí đại học của mình đấy thôi!

– Nếu chịu khó tìm kiếm việc gì đó để làm thì họ cũng mua được nhà mà!

– Đó là việc của nhà nước, chẳng phải của cá nhân tôi.

Rõ ràng, những câu trả lời thiếu chia sẻ ấy ít khi giải quyết được vấn đề. Để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội rất cần những con người tận tụy, sẵn sàng cống hiến thời gian và đóng góp tiền bạc cho những mục đích cao đẹp.

Cho là hy sinh. Khi phải cho – dù đó là thời gian, công sức hay tiền bạc – người ta thường hay xót lòng. Để cho, chúng ta có thể phải hy sinh chiếc máy vi tính mới mua hoặc một chiếc vé hạng nhất xem trận bóng mà chúng ta hằng mong đợi. Khi quyết định cho đi, gia đình chúng ta có thể phái hy sinh hai ngày nghỉ cuối tuần, và một công ty có thể phải từ chối một số đòi hỏi về mặt tài chính của các cổ đông…

Nhưng có một điều thú vị là khi cho đi, bạn sẽ nhận được những phần thưởng lớn hơn. Đó chính là điều chúng tôi muốn chia sẻ với bạn qua quyển sách này. Vậy, hãy cùng chúng tôi tham gia cuộc hành trình khám phá kỳ lạ này và cảm nhận sự màu nhiệm của nó đối với cuộc đời của chính bạn!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.