Chuyện Của Ana - Một Hành Trình Hy Vọng
Kỳ 11: Rời bỏ ngôi nhà bị hành hạ
40. Ana chấp nhận bị đánh đập ở nhà, nhưng em lại thấy vô cùng nhục nhã khi bị bác và anh chị họ đánh ở nơi công cộng. Để tránh những cuộc va chạm xấu hổ ấy, Ana thường giữ im lặng và thái độ thụ động khi ra ngoài đường với bác và các anh chị, bởi nếu Ana phản kháng hoặc cãi lại, họ sẽ công khai đấm đá em.
Cái tồi tệ hơn sự đau đớn do bị đánh đập là nỗi xấu hổ em phải chịu khi nhìn lên và thấy ai đó em quen ở trường học, đang đứng bên kia đường, chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc. Phần lớn những lần ấy, các bạn đều quay mặt đi khi nhận ra Ana, vờ không thấy nỗi khó xử của em, để hôm sau gặp lại trong trường, họ có thể cùng lờ đi sự việc. Ana thấy bất hạnh, em thấy đau đớn, và em cần được giúp đỡ.
41. Thầy giáo mà Ana thích nhất ở trường là thầy García. Thỉnh thoảng thầy dành thời gian học trên lớp để trò chuyện với học sinh và lắng nghe các em tâm sự. Thầy trao đổi với học sinh về chương trình nghỉ cuối tuần, kế hoạch mùa hè, những dự định trong cuộc sống tương lai. Thầy khuyến khích học sinh thổ lộ bất cứ vướng mắc gì các em phải đối mặt ở trường cũng như ở nhà.
Thầy García trẻ lắm và là người dễ chịu nhất trong số các thầy cô giáo. Thầy mặc guayaberas – áo cộc tay và quần bò màu xanh thay vì những bộ quần áo nghiêm chỉnh như hầu hết các thầy giáo khác vẫn mặc; thầy có phong cách văn hóa bình dân mỗi lần lên lớp. Thầy đúng là một thầy giáo tuyệt vời và học sinh yêu thích tất cả các tiết học của thầy.
Ana, sau giờ học, con ở lại một lát nhé,” một hôm thầy García bảo em.
Sau khi các học sinh khác ra khỏi lớp, đi đến chỗ tủ đựng đồ, thầy García đóng cửa lại và quay sang Ana.
Thầy không định làm con khó xử, nhưng thầy nhìn thấy những vết thâm tím trên tay và chân con,” thầy García dịu dàng nói. “Con có ổn không? Thầy muốn con biết rằng, nói chuyện với thầy rất an toàn.”
Con vẫn ổn ạ,” Ana trả lời theo bản năng, kéo ống tay áo đồng phục che đi những vết thâm tím. Em xấu hổ vì những vết bầm ấy lộ ra khi có bất cứ ai để mắt tới.
Ý của con là, bác con, bác ấy thỉnh thoảng…” Ana ngừng lại, rồi nói tiếp. “Thỉnh thoảng bác ấy đánh và đá con.” Tiếp theo, những lời nói như tuôn trào ra. Em kể cho thầy nghe em đã bị bác đánh và lăng nhục thế nào. Em nói với thầy rằng em bị đuổi khỏi nhà abuela đến đây với cùng một nguyên nhân.
Con muốn đi khỏi nhà bác Sonia,” em bí mật nói, “nhưng con không muốn rời xa Isabel. Con không biết phải làm gì bây giờ.”
Thầy sẽ tìm cách giúp con,” thầy García an ủi, và Ana tin lời thầy.
42. Cuộc nói chuyện với thầy García tiếp thêm cho Ana quyết tâm thay đổi tình thế của em. Trên đường về, em đi thẳng đến nhà mẹ Yonlanda và nói: “Cháu rất khổ khi ở nhà bác cháu. Cháu có thể về sống tạm ở đây một thời gian được không? Por favor – Có được không ạ?”
Ana nín thở, cảm thấy mình thật liều lĩnh khi đưa ra một đòi hỏi quá mức, quá mạo hiểm; nếu mẹ Yolanda nói không, Ana sẽ thấy mình bị từ chối và sẽ đau và mọi việc ở đây sẽ không thể như cũ được nữa.
Dĩ nhiên là được, Ana ạ,” mẹ Yolanda trả lời, dịu dàng ôm lấy Ana, như cố xoa dịu những vết bầm tím trên cơ thể em.
Ana chạy như bay về nhà và nhét tất cả quần áo vào túi. Tim em như ngừng đập khi nhìn chiếc giường đôi nơi em và Isabel ngủ chung; em không muốn bỏ rơi em gái mình.
Nhưng Isabel không hề có những mâu thuẫn như Ana với bác Sonia. Isabel thường thu mình lại và biến mất mỗi khi bác ấy nổi cơn thịnh nộ. Isabel không bao giờ cãi lại và vì thế nó thoát khỏi những trận đòn.
Tạm thời Isabel sẽ chưa gặp chuyện gì không hay,” Ana tự an ủi. “Ta sẽ thuyết phục mẹ Yolanda đón cả Isabel về nữa”. Mong ước giản dị đó đủ để Ana thấy hết áy náy với quyết định của mình. Em đã không phụ lại lời trăng trối của cha: Ana sẽ tiếp tục chăm sóc em gái, nhưng sẽ phải chờ một thời gian em mới quay lại đón Isabel được.
Isabel đi học chưa về, nên Ana không có cách nào giải thích cho nó nghe về tình thế hiện tại. Em chộp lấy cây bút và viết nguệch ngoạc vào cuốn vở của Isabel, ngay bên dưới những bài tập đại số.
Chào hermana – em gái,
Chị chuyển đến nhà Yolanda đây. Yolanda và mẹ chị ấy đồng ý cho chị ở nhờ một thời gian. Chị không thể chịu đựng sự sỉ nhục ở đây lâu hơn được nữa.
Chị hứa là sẽ trở về đón em đi.
Chị sẽ bảo vệ em.
Te amo – chị yêu em,
Tu hermana – chị của em,
Ana
43. Đêm hôm ấy, Ana không tài nào ngủ được. Thầy García gọi điện cho mẹ của Yolanda ngay buổi chiều, giải thích rằng thầy có thể giúp hoàn chỉnh hồ sơ nếu gia đình Yolanda muốn nhận Ana làm con nuôi một cách hợp pháp. Mẹ Yolanda yêu Ana như con đẻ của mình, và bà nói rằng sẽ cân nhắc việc này một cách nghiêm túc.
Ana biết rằng, trước khi em đồng ý để mẹ Yolanda nhận làm con nuôi, em cần phải nói ra toàn bộ sự thật về bệnh tật của em. Nếu không, việc này sẽ chẳng tốt đẹp gì cho gia đình Yolanda.
Sáng hôm sau, khi Ana dậy thì Yolanda và mẹ bạn ấy đang ngồi trong bếp, ăn sáng bằng món trứng và chuối rán. Những tia nắng hồng, vàng làm bừng sáng căn phòng. Có một chỗ ngồi dành riêng cho em ở bàn ăn.
Ana ngồi xuống. Em chỉ có thể ăn sau khi đã bộc bạch lòng mình.
Có một vài điều bác cần phải biết ạ,” Ana mở đầu. “Cháu bị…” Em ngừng bặt, mắt cụp xuống nhìn cái đĩa. Em không biết diễn đạt thế nào. Điều gì sẽ xảy ra khi em nói sự thật và gia đình Yolanda sẽ bảo là em không thể ở lại trong căn nhà này được nữa? Em sẽ đi đâu?
Ana hít mạnh một hơi và bắt đầu nói lại.
Cháu đang mang trong người virus HIV/AIDS”, câu như nói vuột ra ngoài. “Cháu bị lây từ bố mẹ cháu. Bố mẹ cháu chết rồi, nhưng khi nào còn uống thuốc thì cháu vẫn khỏe mạnh. Không sợ lây đâu ạ. Bác và Yolanda sẽ vẫn ổn ạ.”
Ana ngước nhìn mẹ Yolanda. Nước mắt trào ra như suối.
Đúng thế”, mẹ Yolanda nói và đi vòng sang chỗ Ana ngồi. “Mọi chuyện sẽ ổn.”
Bác lấy tay lau những giọt nước mắt cho Ana và nói tiếp: “Cháu cứ ở lại đây. Bây giờ thì ăn đi. Bữa sáng nguội hết rồi còn gì.”
Ana không ngờ được chấp nhận dễ dàng như thế. Em cũng không ngờ mình lại được đối xử như một cô bé bình thường, cho dù cô bé ấy là người đang sống chung với HIV.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.