Chuyện Của Ana - Một Hành Trình Hy Vọng
Kỳ 17: “Tôi là María, tôi sống cùng AIDS 10 năm nay”
63. Bữa ăn gia đình đầu tiên của em ở hogar, Ana ngồi dọc theo chiếc bàn gỗ dài cùng tất cả các thành viên trong ngôi nhà. Silvia và Pablo, những người phụ trách ở đây tuy không bị HIV/AIDS nhưng vẫn sống cùng mọi người và điều hành công việc. Trước khi ăn, tất cả ngồi quanh bàn nắm tay nhau và cầu nguyện.
Amén,” mọi người đồng thanh nói khi việc cầu nguyện kết thúc.
Các món đều tươi ngon làm Ana thực sự bất ngờ. Em ăn gà hầm với cơm cùng rau sống và súp cà chua. Em đặc biệt để ý đến màu sắc tươi sáng của bàn ăn – màu xanh, vàng, cam, đỏ – khác xa với mầu xám xịt mà em đã quen nhìn thấy ở trung tâm.
Thức ăn hôm nào cũng thế này ư?” Ana hỏi Berto, ngồi cạnh em.
Sáng Chủ Nhật, thậm chí sẽ còn ngon hơn,” Berto đáp sau khi nuốt xong miếng thịt. Berto không rời mắt khỏi chiếc đĩa của mình; Ana nhớ lại cảm giác dễ chịu khi em phát hiện ra sự rụt rè của Berto lúc hai người ngồi bên nhau dưới tán cây trong trung tâm giáo dưỡng.
Berto cũng chỉ nói được với Ana đúng một câu ấy. Bởi vì mọi người ngồi chung quanh thi nhau hỏi thăm Ana và kể cho em nghe chuyện của họ, quê quán, thời gian sống ở đây, có người còn kể cho em họ đã bị nhiễm HIV/AIDS trong trường hợp nào.
Đó không phải những lời thì thào, chứa đầy sự xấu hổ mà là việc công bố ra một sự thật. “Tôi là María, tôi đã sống cùng AIDS mười lăm năm nay,” người phụ nữ trung niên ngồi đan khi trước nói. “Tôi bị lây nhiễm từ chồng tôi, một người nghiện ma túy.”
Ana không thể tưởng tượng nổi sự cởi mở thế này khi nói về AIDS. Quanh chiếc bàn này, một nhóm người đang gắng bằng mọi cách sống chung với HIV/AIDS mà không phải xấu hổ, nhục nhã hay sợ hãi. Em sẽ không cần phải giấu diếm những viên thuốc và lén lút uống nó một mình nữa. Cuối bữa ăn, một phụ nữ khác nói, “Thôi nào, vamos – ta cùng đi, uống thuốc nhé.”
Tôi từng phải gọi đó là món tráng miệng”, Ana nói chen vào làm tất cả phá lên cười. Mọi người cầm lấy những viên thuốc đặt ngay cạnh đĩa của họ.
64. Sau bữa cơm tối, Silvia chỉ cho Ana phòng của em. Tất cả các cư dân ở đây ngủ trong những căn phòng có đầy đủ cửa, mặt quay ra một cái sân chung. Ana ngủ trong căn phòng rộng, cùng bốn phụ nữ khác. Nam giới, trong đó có Berto ở chỗ riêng. Khu dành cho nữ ở bên này sân còn khu dành cho nam ở phía bên kia.
Ana yêu sắc mầu dịu dàng của những bông oải hương trên tường. Một phụ nữ khác lấy hộ em tấm vải trải giường sạch và trải giúp em. Đó là chiếc giường đôi đặt ở góc phòng, ngay cạnh cửa ra vào.
Vì Ana không có nhiều quần áo nên Silvia đưa em đến một nhà kho rộng, nơi để những đồ bỏ đi hoặc không dùng được nữa, đặt trên rất nhiều các ô khác nhau. Silvia bảo Ana tự chọn lấy bất cứ thứ gì vừa với em.
Ana tìm thấy chiếc áo sơmi màu hồng, quần bò soóc, một đôi dép xăngđan có dây buộc lên bắp chân, một chiếc váy bò màu trắng và một áo hai dây màu đỏ. Ana vốn là người thích ăn mặc, nhưng em chẳng có điều kiện bởi theo nội quy của trung tâm giáo dưỡng em đã chỉ được mặc duy nhất quần soóc và áo sơmi trong vòng gần hai năm.
Ana mang đống quần áo về phòng, cuộn chúng lại cho vào ngăn kéo, ngăn kéo của em. Em mở cái hộp giấy, thận trọng lấy ra tấm ảnh photocopy của mẹ và những bức ảnh papá, Isabel và Yolanda.
Ana ghim chúng lên tường cạnh giường ngủ, đặt bức ảnh của mẹ vào vị trí trung tâm. Em sắp xếp lại hình ảnh những người thân trong quá khứ. Bây giờ em có thể nhìn ngắm thoải mái khi nằm trên giường, giống như khi em còn là một cô bé con, ở trong nhà của abuela.
65. Vào độ tuổi mười lăm, Ana và Berto là những cư dân trẻ nhất ở hogar. Chẳng ai ngạc nhiên khi hai người nhanh chóng thành một đôi bạn thân, làm mọi việc cùng nhau; Ana và Berto ăn sáng cùng nhau, rồi cùng nhau làm các việc vặt, bao gồm rửa bát đĩa, lau sàn bếp và thu quần áo bẩn đem đi giặt.
Sau bữa cơm trưa, chúng ngồi trong phòng Berto xem phim trên tivi và chia sẻ những chuyện cuộc sống trước đây.
Berto kể cho Ana nghe tuổi thơ của mình, hóa ra cũng gần giống như của chính Ana. Berto là đứa trẻ mồ côi không biết cha mẹ mình là ai. Cậu sống cùng bác gái, người bác thường đánh đập và chế nhạo cậu bị sinh ra trong sự hủ bại, bảo cậu là đứa yếu đuối, bệnh tật, dơ dáy và thật đáng tởm. Năm Berto mười hai tuổi, cậu bỏ nhà ra đi. Cũng năm mười hai tuổi, Ana đã phải rời khỏi nhà abuela.
Tại thời điểm ấy, cuộc đời Berto rẽ sang hướng khốc liệt hơn. Berto bỏ học năm lớp sáu, sống ngoài đường với một nhóm trẻ bụi đời, thó đồ trong cửa hàng tạp phẩm, ăn cắp xe ô tô để lấy tiền chi tiêu. Năm mười lăm tuổi, cậu đã bị cảnh sát tóm và tống vào trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên.
Berto thuật lại cuộc sống đã qua như một người ngoài cuộc, rành mạch nhưng vô cảm. Ana hiểu rằng, cảm xúc thực của Berto thì không lời nào diễn tả được, nó ẩn bên dưới những các sự việc, còn bề ngoài thì nó đã bị giấu kín. Ana biết không phải Berto cố ra vẻ cứng đầu hoặc tìm cách gây ấn tượng với em; em biết thế bởi vì em đã từng kể về mình theo cách ấy. Làm việc ấy sẽ dễ dàng hơn nếu mình không bị xúc động và để hết tâm trí vào đó. Khi ấy, sẽ đỡ đau đớn hơn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.