Chuyện Của Ana - Một Hành Trình Hy Vọng

Kỳ 2: Vì sao con không thể nói sự thật?



5. Từ lâu Ana đã thôi không hỏi chi tiết về bệnh tình của mẹ nữa. Em cũng thôi không hỏi về cái chết của Lucía. Em cũng thôi không hỏi tại sao, sáng sáng và đêm đêm trước lúc đi ngủ, abuela – bà nội (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên văn – ND) lại mở tủ bếp, dốc từ cái chai màu vàng ra những viên thuốc màu trắng đưa cho em uống.

Ana làm theo những gì người lớn bảo. Em chấp nhận cuộc sống như nó có. Sau khi mẹ chết, Ana và Isabel chuyển đến ở với abuela. Ở tuổi hai mươi mốt, cha không nghĩ mình có thể tự nuôi được hai nhóc mới chập chững biết đi, nên đã đưa cả về nhà mẹ đẻ. Ana và Isabel ngủ chung trên một chiếc giường trong ngôi nhà chật chội của bà nội.

Nhà bà nội lợp mái tôn, thuộc một khu nghèo nằm bên trong những quả đồi nhấp nhô ngay cạnh thành phố. Ô tô con, xe buýt phóng như bay trên con đường đầy bụi trước nhà, cùng với lũ chó, gà, ngựa tự do lang thang.

Khu vực Ana ở chẳng có hình bóng gì của thành phố hiện đại nằm nơi đường chân trời, chỉ cách chỗ này vỏn vẹn 10 dặm. Đất nước của em mang hình ảnh tương phản giữa giầu và nghèo, hiện đại và truyền thống.

Abuela của Ana phải làm việc vất vả để kiếm cái đút vào mồm cho lũ cháu. Bà thuộc loại người khắc nghiệt, luôn tin vào kỷ luật thép. Ở tuổi bốn mươi, bà đã nuôi bốn đứa con khôn lớn. Bà chỉ cao 1m52, thân hình khỏe mạnh, chắc nịch. Bà nuôi mái tóc đen dài mới chỉ có vài sợi bạc viền quanh thái dương, buộc túm ra đằng sau thành một búi xấu xí.

Khi Ana gặng hỏi abuela chuyện cũ, như tại sao mẹ và em Lucía chết, bà nội xưng xỉa: “Đấy không phải việc của mày. Hãy làm đúng như những gì tao bảo.”

Nên Ana đã thôi không hỏi nữa. Em không rõ vì sao mình phải uống thuốc hàng ngày cho đến năm lên mười, khi abuela cho rằng em đã đủ lớn để biết sự thật.

Mi nieta – cháu ta, những viên thuốc này dành cho bệnh nhân HIV/AIDS đấy”, bà nói: “Mày đã bị nhiễm HIV ngay từ lúc lọt lòng. Nhiễm từ mẹ mày.” Qua cách nói của abuela.

Ana hiểu là câu chuyện rất nghiêm trọng, nhưng em chưa hiểu hết ý nghĩa của HIV/AIDS.

Nó nghĩa là gì hở abuela?” Ana hỏi.

Nghĩa là mày phải uống thuốc. Uống hàng ngày,” abuela gắt lên. “Biết thế đủ rồi.”

Thật ra, những viên thuốc Ana phải uống dành cho người tiền nhiễm HIV, giúp bệnh nhân kiềm chế virus HIV phát triển dẫn đến bệnh AIDS. Nếu không uống thuốc, hệ miễn dịch của Ana sẽ bị suy yếu và em sẽ dễ bị các căn bệnh khác tấn công. Nhưng tất cả những gì abuela nói với em là “Ana, đây là bí mật, bí mật này mày vĩnh viễn không được nói với bất cứ ai. Ngay cả những đứa bạn thân nhất. Không bao giờ, nghe chưa.”

Ana gật đầu.

Với Ana, phải giữ bí mật khó chịu hơn rất nhiều so với mang virus HIV trong người. Ana còn chưa biết gì về căn bệnh thế kỷ. Em cho là nó giống như bệnh cảm lạnh, có điều là cảm lạnh vĩnh viễn.

Ana không lo mình sẽ bị ốm, nhưng em lo người ra ngẫu nhiên nhìn em và phát hiện ra điều bí mật em phải giấu. Em nghĩ điều bí mật này hẳn phải tệ hại lắm – một cái gì đáng hổ thẹn – nên không muốn để ai biết. Em vâng lời abuela. Em nhét bí mật ngược trở vào trong óc, sâu tít nơi cất những ký ức về Lucía và mẹ, nơi lưu giữ những điều mà em không muốn thổ lộ với ai.

6. Khi Ana lên mười, vừa uống thuốc em vừa bày trò chơi. Em tự bịa ra trong mỗi viên thuốc bé xíu ấy có một món tráng miệng ngon lành. Mỗi đêm, món tráng miệng ấy phải khác nhau. Có đêm em hình dung đang tự thết mình kem rưới nước sôcôla. Đêm khác, em lại ăn bánh caramel, hoặc tres leches – bánh kem, phết mứt dâu hay bánh quế tẩm đường.

7. Sẽ chẳng còn phải bận tâm đến điều bí mật mỗi khi Ana được ở bên cha. Cha là tài xế taxi, làm việc cả tuần, nhưng riêng chiều Chủ Nhật, cha lái xe từ nơi mình ở vượt qua những khu ổ chuột trong thành phố tới nhà bà nội, đón Ana và Isabel đi chơi.

Papá – cha à, chúng ta đi đâu bây giờ?” Ana hỏi, lần nào cũng một câu đó khi em và Isabel nhảy tót vào băng ghế sau chiếc taxi màu xanh cũ kỹ.

Làm một chuyến phiêu lưu nhé, mis hijas – các con của cha” bao giờ cha cũng trả lời như vậy.

Với papá, bất cứ cái gì cũng có thể trở thành một cuộc phiêu lưu. Những lần ấy, cha con thường đi mua sắm hoặc xem phim, và nếu các cô con gái gặp may thì sẽ được ăn hamberger ở hiệu McDonald’s, thịt rán kiểu Pháp và thịt gà xé. Những hôm trời đẹp, papá sẽ đưa hai chị em ra bến tầu, nơi có thể xem không chán mắt những chiếc tàu chở dầu to lớn và những con thuyền đánh cá nhỏ bé ra ra vào vào trên vịnh.

Papá thường xuyên tán dương hai cô con gái và nói rằng yêu chúng mỗi lần nhìn thấy hai chị em.

Te amo,” cha thì thầm với từng đứa, “Cha yêu các con”, cha là người luôn biết cách làm cho chúng cảm thấy mình mạnh mẽ và an toàn.

Cho dù rất thích đi mua sắm và xem phim, nhưng với Ana phần lôi cuốn nhất của buổi chiều là lúc mặt trời lặn, vẽ lên đường chân trời một màu vàng rực rỡ, và những ban nhạc đường phố thu xếp chỗ biểu diễn trên vỉa hè. Khi nhạc nổi lên, papá cùng hai cô con gái dừng bước nơi góc phố gần một ban nhạc, bắt đầu đung đưa bàn tay và bước theo tiếng nhạc. Trái tim nhỏ bé của Ana đập theo nhịp salsa (một vũ điệu nóng bỏng và quyến rũ của châu Mỹ Latinh – ND) và tiếng trống bập bùng; xung lực âm thanh chảy tràn trong cơ thể em. Ngay lập tức, ba cha con – papá, Ana và Isabel – bị những âm thanh làm cho mê hoặc, cùng thả hồn trong điệu nhảy. Những lần được nhảy cùng cha là những khoảnh khắc thân thương nhất còn lại trong lòng Ana.

8. Trong thế giới của Papá, Ana cảm thấy an toàn. Nhưng khi ở bên abuela, Ana cảm thấy bị tổn thương, dường như em đã làm điều gì đó sai trái. Chưa bao giờ abuela nói bà yêu em, âu yếm hoặc hôn chúc em ngủ ngon. Ana luôn phải cẩn thận để không nói quá nhiều hoặc đưa ra quá nhiều câu hỏi. Em cố tỏ ra vâng lời, làm một cô bé hiền lành vì em nghĩ abuela muốn vậy.

Một lần, Ana và Isabel chuẩn bị ra chơi với chúng bạn thì abuela gọi giật lại: “Isabel, ra trước đi. Bà có chuyện phải nói riêng với Ana.”

Sao cháu không thể cùng nghe ạ?” Isabel hỏi lại. “Chuyện bí mật phải không ạ? Cháu muốn biết điều bí mật ấy.”

Bước ngay,” abuela nghiêm nghị “tí nữa chị mày sẽ ra”.

Isabel bĩu môi, dậm mạnh chân đi ra. Chỉ còn một mình Ana với abuela.

Ana, tao muốn nhắc mày không được nói cho bất cứ đứa nào biết về bệnh của mày nhé.”

Cháu biết, cháu biết mà,” Ana nói. Điều này em đã từng nghe bà dặn.

Tao phải nói điều đó vì sự an toàn và sức khỏe của mày,” abuela tiếp tục, mắt bà nhìn chòng chọc vào mắt Ana. “Tao từng nghe chuyện những con nhóc, thằng nhóc giống như mày bị tống cổ khỏi trường vì thầy cô giáo phát hiện ra chúng nó mang virus HIV đấy.”

Sao? Sao lại thế ạ? Chơi thế không đẹp!”

Cuộc sống chẳng có gì tốt đẹp cả. Nếu mày nói ra, người ta sẽ xử tệ với mày. Họ sẽ gọi mày bằng những cái tên xấu xí.” Abuela nói. Ana ỉu xìu. Chẳng lẽ mọi người sẽ trở mặt với em khi biết em mang trong mình HIV? Vì sao? Em không phải là con quỷ. Các bạn của em không hề bị lây nhiễm HIV khi ngồi gần em, ôm em hay ăn chung bữa trưa với nhau. Em biết thế và cảm thấy mọi chuyện vẫn ổn. Nên em không hiểu những gì bà em vừa nói.

Ana, giữ mồm giữ miệng cho chắc nhé. Cấm không nói với ai mày có HIV đấy, nếu không muốn bị nhạo báng và tống cổ đi như lũ kia nghe chưa.” Đó là tất cả những gì abuela dặn em.

Và Ana đã giữ im lặng, vì em yêu ngôi trường và không muốn bị đá ra ngoài. Em không bao giờ nói với ai mình có HIV, ngay cả với Ramona, bạn thân nhất của em. Khi tiếng chuông tan học vang lên, Ana chạy như bay về nhà Ramona, mặc cho đôi tất ống tuột xuống bắp chân vì em chạy quá nhanh, em chỉ dừng lại và kéo nó lên khi đã vào trong nhà rồi. Thỉnh thoảng Ana ở chơi đến tận chiều muộn, abuela của Ramona mời em ăn tối với món arroz con carne – cơm trộn thịt. Ana thích được ở cùng Ramona và gia đình bạn, em chẳng muốn bất cứ điều gì phá đi niềm vui ấy.

Chỉ với Ramona, Ana mới tin cậy thổ lộ nỗi buồn nhớ mẹ của mình. Em biết Ramona sẽ hiểu bởi vì bạn ấy cũng phải ở với abuela giống em. Mẹ Ramona sinh ra bạn ấy khi mười bốn tuổi, quá trẻ để có thể chăm sóc con thơ. Ana nghĩ rằng mình có thể tâm sự với Ramona tất cả mọi điều, nhưng em chưa lần nào tiết lộ bí mật HIV của mình. Và em thấy vui vì biết chắc, giờ đây bí mật này em sẽ chẳng bao giờ nói cho bất cứ ai.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.