Cú Vọ và Đàn Bồ Câu
Chương VIII
– Không sai chút nào! – Bà Joan Sutcliffe kêu lên lúc rời khỏi cửa sổ trong phòng khách sạn. – Mẹ không sao hiểu nổi tại sao lần nào mẹ đi xa rồi trở về nước Anh, trời cũng mưa? Thật đáng ghét quá.
Cô bé Jennifer đáp:
– Con thì lại rất sung sướng được trở về quê hương. Ít nhất cũng được nghe thấy người xung quanh nói tiếng Anh, và chỉ lát nữa thôi, con sẽ được uống thứ trà ngon tuyệt cùng với mọi thứ kèm theo ly trà.
– Con đúng là nhà quê, con yêu quý ạ. Nghe con nói câu vừa rồi, mẹ thấy đưa con đi ngao du tận Vịnh Ba Tư đâm thành công cốc.
– Con có phàn nàn gì đâu, thưa mẹ? Nhưng quả là con rất sung sướng thấy mình lại được đứng trên mảnh đất này.
– Thôi được nhưng mẹ phải kiểm tra lại hành lý xem có thiếu gì không. Từ hồi chiến tranh, con người đâm ra gian giảo quá đáng. Mẹ tin rằng nếu mẹ đãng trí một chút thôi thì thế nào cũng có kẻ ăn cắp cái xắc xanh này của mẹ. Lúc ở Tilbury mẹ đã thấy có đứa cứ lảng vảng bên cạnh mấy cái va-li của mẹ con mình. Lúc lên tàu hỏa, mẹ lại thấy cũng vẫn thằng cha đó. Bọn chúng chỉ rình hễ hành khách say sóng hoặc mệt mỏi, không còn tỉnh táo nữa là chúng “chớp” liền.
– Ôi, mẹ! Mẹ làm như tất cả mọi người đều là kẻ gian hết.
– Có rất nhiều kẻ gian.
– Nhưng không phải ở nước Anh chúng ta.
– Ở nước Anh…? Nhưng ở nước Anh còn tồi tệ hơn mọi nơi khác. Sống ở ngoại quốc, bao giờ chúng ta cũng cảnh giác, nhưng về đến đây là chúng ta dễ buông lơi, coi thường, và thế là bọn lưu manh lọi dụng sự chủ quan đó… Thôi, bây giờ mẹ phải kiểm lại xem… Chiếc va li to màu đỏ này, chiếc va li đen này… cả hai chiếc mầu hung và cái xắc xanh… Kia là số gậy đánh gôn, cây vợt tennis. Ba cái xắc khác, hộp kim loại mẹ con mình mua dọc đường… mười bốn kiện… Đủ cả!
– Con đói rồi. – Jennifer kêu lên.
– Vậy thì con xuống dưới kia mà ăn điểm tâm. Mẹ thì cần nghỉ. Mà ba lại không ra đón kia chứ! Cuộc họp Giám đốc rơi đúng vào lúc vợ con về đến nhà.
Jennifer đang vội vã chuẩn bị xuống nhà thì chuông điện thoại kêu. Bà Joan Sutcliffe nhấc máy:
– Vâng, tôi đây. Ôi, xin đợi cho một chút.
Vì vừa lúc ấy có tiếng gõ cửa.
– Mời vào.
Một người đàn ông mặc bộ áo quần lao động mầu xanh, tay xách hòm đồ nghề bước vào.
– Xin lỗi, tôi là thợ điện của khách sạn. Người ta vừa yêu cầu tôi kiểm tra lại các đường dây phòng bà. Người khách hàng thuê phòng này trước bà phàn nàn là đèn tối quá. Tôi xin phép vào buồng tắm, được không ạ?
– Ông cứ làm công việc của ông. – Bà Joan Sutcliffe đáp.
Rồi bà lại cầm máy điện thoai.
– Tôi xin lỗi. Ông cần gì ạ?
– Bà tha lỗi, nhưng tôi cần gặp bà, về chuyện ông em của bà.
– Về Bob? Ông có tin tức gì về cậu em tôi à?
– Vâng.
– Nếu vậy mời ông lên phòng của tôi: tầng ba, số 110.
Joan Sutcliffe cau mày, ngồi xuống giường. Bob làm sao? Bà đã linh cảm thấy có chuyện chẳng lành.
Một tiếng gõ cửa kín đáo, rồi một người đàn ông trẻ tuổi từ tốn bước vào phòng. Nhìn vẻ mặt anh ta, bà Sutcliffe không còn hồ nghi gì nữa.
– Tên tôi là O’Connor, làm ở Bộ Ngoại giao. – Khách nói.
– Em tôi chết rồi phải không? – Chị người phi công hỏi độp ngay.
Khách khẽ cúi đầu rồi mới nói:
– Hoàng thân ngồi trong máy bay lúc máy bay bị nạn rơi xuống một ngọn núi.
Bà Sutcliffe rùng mình, kêu lên:
– Tại sao người ta không báo tin cho tôi biết bằng vô tuyến lúc tôi đang ngồi trên tàu biển?
– Lúc bấy giờ chưa có tin tức đích xác. Mới chỉ biết máy bay mất tích và người ta vẫn còn hy vọng. Sau này người ta mới tìm thấy xác máy bay. Dù sao cũng có một điều giảm bớt cho bà nỗi đau lòng là ông em bà đã không phải chịu đau đớn nhiều trước khi từ giã cõi đời.
– Cái kết thúc bi thảm đó không hề làm tôi ngạc nhiên. – Bà Joan ngắt lời.
Giọng bà run run, nhưng bà vẫn trán tĩnh được.
Khách thầm nghĩ “một phụ nữ sắt đá!”.
Bây giờ bà đã lại nói được.
– Tôi biết trước là Bob sẽ phải chết trẻ. Nó không biết sợ là gì, luôn làm những trò mạo hiểm. Ít ra thì tôi cũng được nghe người ta nói như vậy, bởi mấy năm vừa rồi tôi rất ít được gặp nó.
Một giọt nước mắt rơi xuống ngực áo bà. Joan Sutcliffe ngẩng đầu lên.
– Tôi quá xúc động, ông thứ lỗi. Ít ra thì tôi biết rõ em tôi, chắc chắn nó không thể không giúp đỡ Hoàng thân. Nếu nó không làm thế, tôi còn đau lòng hơn. Và tôi tin rằng tai nạn kia không phải do lỗi của em tôi.
– Đúng thế, thưa bà. Cuộc chạy trốn tiềm chứa rất nhiều hiểm nguy, nhưng ông em bà đã không hề ngần ngại.
– Tôi hiểu. Cảm ơn ông đã đến cho tôi biết.
Không khí im lặng một lúc, rồi O’Connor đưa ra câu hỏi:
– Xin bà cho phép tôi hỏi một câu. Ông em bà có nhờ bà chuyển hộ một thứ gì đó về nước Anh không?
– Không. Tại sao ông lại nghĩ là em tôi giao cho tôi thứ gì đó?
– Chúng tôi phỏng đoán như vậy vì trước giờ nổ ra cuộc đảo chính kia, ông em bà có ghé vào phòng khách sạn của bà.
– Có tôi biết. Cậu em tôi thậm chí còn để lại một lá thư, nhưng nội dung chẳng có gì quan trọng: cậu ấy mời tôi đến câu lạc bộ chơi gôn. Lá thư cho thấy đến lúc đó em tôi vẫn chưa biết là sẽ lái máy bay cho ông Hoàng thân chạy trốn khỏi Ramat.
– Tất cả chỉ có thế?
– Lá thư ấy ạ? Vâng, chỉ có thế.
– Bà còn giữ lá thư đó không?
– Tôi giữ làm gì? Nội dung chẳng có gì quan trọng cho nên tôi xé rồi.
– Tất nhiên là như thế. Tuy nhiên tôi cũng xin hỏi là…
– Là sao? Là ngoài lá thư ra còn có gì nữa phải không? Nói cho cùng thì còn có những điều viết ra bằng thứ mực vô hình.
– Vô hình?… Hẳn bà định nói đến thứ hóa chất thường được nói đến trong các truyện tình báo?
Có vẻ bà Joan Sutcliffe không hưởng ứng câu nói đùa của khách mà bà cho là nhạt nhẽo. Bà thầm nghĩ “Vô duyên!”.
– Tôi e rằng ông Bob Rawlinson có dùng thứ hóa chất đó thật. – O’Connor nói dường như để thanh minh.
– Dớ dẩn! Tôi tin chắc Bob không bao giờ sử dụng cách đó. Tính em tôi quá ngay thẳng thì có…
Lại một giọt nước mắt nữa lăn trên gò má bà Sutcliffe.
– Ôi, cái xắc tay của tôi đâu rồi nhỉ? Tôi cần lấy khăn tay. Chắc tôi để quên trong phòng tắm…
– Để tôi sang lấy cho bà.
Chưa nói hết câu, khách đã bước qua cửa vào buồng tắm và bỗng ông ta đứng sững lại: một người đàn ông mặc đồng phục xanh công nhân đang cắm cúi lục một chiếc va li bỗng bật nhổm dạy.
– Tôi là thợ điện. – Anh ta vội nói. – Một chỗ dây cần chữa gấp.
O’Connor ấn vào nút điện. Đèn buồng tắm bật sáng.
– Đèn vẫn sáng tốt, có làm sao đâu? – O’Connor lộ vẻ ngạc nhiên.
– Tại tôi vừa chữa xong mà lại. – Người thợ điện vừa đáp vừa vội vã thu dụng cụ bỏ vào hòm đồ nghề, bước nhanh ra ngoài.
Sau khi lấy chiếc xắc tay, O’Connor bước đến máy điện thoại.
– Phòng 110 đây. Khách sạn có cử thợ điện lên đây sửa chữa gì không? Vâng, tôi đợi… Không à? Không cử ai lên à? Không, không có hỏng hóc gì hết.
Bà Sutcliffe lộ vẻ lo lắng:
– Kẻ trộm à?
– Chắc thế!
Bà hoảng hốt mở xắc kiểm tra lại, rồi thở phào nhẹ nhõm:
– May chưa mất gì. Tiền còn nguyên.
Tuy nhiên, O’Connor lại có vẻ lo lắng.
– Đúng là bà tin chắc rằng ngoài lá thư ra, ông em bà không để lại cho bà thứ gì nữa chứ?
– Chắc chắn là như thế.
– Rất có thể ông Rawlinson nhét thứ gì đó vào giữa các đồ đạc mà bà không biết… Thí dụ một gói nhỏ nào đó chẳng hạn?
– Vô lý! Mà để làm gì kia chứ?
– Có khả năng là hoàng thân Ali Yusuf nhờ ông em bà giữ một vật quý nào đó, nhưng ông em bà lại cho rằng cất thứ đó trong hành lý của bà an toàn hơn là ông ta mang theo trong mình.
– Ôi! Nếu như thế thì tôi không biết thật.
– Hay bà cho phép tôi giúp bà thử lục các hành lý của bà xem sao, được không ạ?
Bà Joan Sutcliffe hoảng hốt:
– Lục tung tất cả lên hay sao?
– Tôi biết việc này làm phiền bà, nhưng kết quả lại có tầm quan trọng hết sức lớn. Và xin bà đừng ngại, tôi sẽ xếp mọi thứ lại y như cũ, mẹ tôi bảo tôi là đứa ngăn nắp không ai bằng.
Câu nói khéo của ông ta đã có tác dụng. Bà Joan Sutcliffe chịu để O’Connor làm:
– Nếu việc quan trọng đến thế thì tôi đành để ông làm vậy. – Bà nói rất khẽ.
O’Connor không chần chừ gì nữa. Ông ta cười nói:
– Vậy ta làm luôn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.