Cú Vọ và Đàn Bồ Câu

Chương XXIV



Thoạt nhìn, cô giáo dạy tiếng Pháp Blanche trạc ba mươi nhăm tuổi. Không một chút son phấn. Tóc màu hạt dẻ, chải gọn gàng. Quần áo nghiêm túc, hoàn toàn không làm duyên chút nào.

Đúng, cô mới đến làm việc ở trường từ đầu niên học này và không định ở đây lâu.

– Không thú vị gì khi dạy ở một trường có án mạng. – Cô bĩu môi nói. – Mà ở đây lại không có hệ thống báo động nữa chứ.

– Vì trong trường không có vật quý giá nào khiến kẻ gian muốn ăn trộm. – Thanh tra Kelsey nhận xét.

Cô giáo người Pháp nhún vai:

– Sao ông biết? Học sinh ở đây toàn con nhà giàu. Có nhiều đứa bố mẹ rất giầu. Bọn gian phi rất có thể nghĩ học sinh ở đây mang theo vào trường những nữ trang quý.

– Nhưng nếu có nữ trang quý, không đời nào chúng để ở Cung Thể thao.

– Có chắc như thế không? Mỗi học sinh có một ngăn riêng để đựng đồ đạc, có khóa kia mà.

– Nhưng chỉ để cất quần áo và dụng cụ thể thao.

– Về nguyên tắc thì như thế, nhưng chúng rất có thể giấu một vật quý nào đó trong một chiếc áo len cũ kỹ chẳng hạn.

– Thí dụ vật quý gì?

Cô giáo Blanche không đưa ra được thí dụ cụ thể.

– Kể cả những ông bố giàu nhất và nuông chiều con nhất cũng không đời nào cho con mang một dây chuyền gắn kim cương vào trường nội trú. – Thanh tra Kelsey nói. – Xin hỏi, trước khi dạy ở trường này, cô đã dạy tiếng Pháp ở đâu chưa?

– Trước đây ít lâu, tôi dạy ở một trường miền Bắc nước Anh, rồi ở Thụy Sĩ và ở Pháp. Có một lần ở Đức. Tôi tính sang đây làm để hoàn chỉnh thêm tiếng Anh của tôi. Một trong số bạn tôi đang dạy ở trường nữ học Meadowbank này thì bị ốm, phải nghỉ việc. Chị ta đã giới thiệu tôi với bà Hiệu trưởng Bulstrode. Nhưng tôi không thích nơi này, tôi đã nói với ông rồi.

– Tại sao?

– Ngoài chuyện vụ án mạng vừa rồi thì còn chuyện học sinh trường này rất vô lễ.

– Các học sinh đều không còn là trẻ con nữa, đúng như vậy không, thưa cô?

– Một số thì đúng là vẫn như trẻ con, số khác thì xử sự đã như đàn bà thật sự. Và tất cả đều được rất tự do. Tôi thích những trường có học sinh lành hiền.

– Cô biết rõ cô giáo Springer chứ?

– Thật ra tôi hầu như không trò chuyện với chị ấy bao giờ. Tính chị ấy thô lỗ, tôi còn tránh khỏi phải tiếp xúc với chị ấy nữa kia. Đã thế người lại xấu mặt đầy tàn nhang, ăn nói thì lỗ mãng. Chị ta thường vô lễ với tôi.

– Về chuyện gì chẳng hạn?

– Chị ta không muốn để tôi vào Cung Thể thao. Có một lần, tôi sang đó chỉ vì muốn tham quan tòa nhà mới xây và khá đẹp. Tôi đang ngắm nghía thì chị ta chạy đến nói: “Chị không có phận sự gì phải vào đây”. Chị ta dám nói như thế với tôi, một giáo viên dạy ở trường này! Chị ta làm như tôi là học sinh vậy.

– Đúng là thiếu lễ độ thật. – Thanh tra Kelsey nói để xoa dịu cơn giận dữ của cô giáo tiếng Pháp.

Nhưng Blanche đã nói tiếp:

– Thế là tôi bước ra, sập cửa lại, chìa khóa trong ổ bật ra, tôi cúi xuống nhặt lên, thì chị ta giật lấy làm như thể tôi định ăn cắp chiếc chìa khóa ấy.

– Hay cô giáo Springer sợ bà nhìn thấy một thứ gì mà cô ấy muốn giấu?

Viên thanh tra định thả câu để tóm được “con cá” nào đấy, nhưng cô giáo Blanche đã cười vang.

– Chị ta thì có gì đáng phải giấu? Thư tình chăng? Tôi cam đoan với ông là không đàn ông nào gửi thư tình cho Springer.

Sau một số câu trả lời vô giá trị, cô giáo Blanche đi ra.

– Một phụ nữ kỳ quái. – Nhân viên cảnh sát nhận xét.

– Nhưng tôi lại thấy cô ta lộ ra một điều bổ ích, đó là nạn nhân rất không muốn ai vào Cung Thể thao của cô ta. Tại sao lại như thế?

– Có thể là cô giáo dạy tiếng Pháp kia theo dõi nạn nhân.

– Nhưng cô giáo tiếng Pháp tò mò để làm gì, trong khi nạn nhân không có gì phải giấu giếm ai? Còn ai nữa nhỉ?

– Hai giáo viên phụ, Blake và Rowan, và cô thư ký của bà Hiệu trưởng.

– Vậy ta làm tiếp.

***

Cô Blake trẻ măng và khuôn mặt rất dễ mến.

Do biết rất ít về nạn nhân nên cô không cung cấp được điều gì bổ ích.

Trái lại, như thường thấy ở những người tốt nghiệp cử nhân “vật lý”, cô Rowan lại đưa ra được một giả thuyết bất ngờ: “Có thể đây là một vụ tự sát?”

Viên thanh tra cảnh sát nhún vai:

– Cô giáo Springer có nỗi đau khổ nào lớn không?

– Chị ta có tính hay gây gổ. – Ánh mắt cô phụ giáo Rowan lóe sáng sau cặp mắt kính trắng dầy cộm. – Một cách che giấu niềm tự ti của chị ta.

– Những người khác lại bảo cô giáo Springer rất tự tin, thậm chí quá tự tin. – Thanh tra Kelsey nói.

– Chị ta cố tình làm ra vẻ tự tin thế thôi. – Cô phụ giáo Rowan nói. – Một số câu chị ta nói làm tôi rất ngạc nhiên.

– Thí dụ?

– Chị Springer hay nói bóng gió đến những người mà chị ta bảo là “đóng kịch” và chị ta còn kể rằng ở nơi làm việc trước đây, chị ta đã từng vạch mặt một số người. Tuy nhiên bà Hiệu trưởng không tin, còn các cô giáo khác thì đều chống lại Springer.

Đang cơn sôi nổi, cô phụ giáo Rowan chồm dậy, dướn người về phía viên thanh tra cảnh sát, nói tiếp:

– Ông biết thế nghĩa là sao không? Đó chính là cơn điên cuồng trước khi tự sát.

Thanh tra Kelsey điềm tĩnh nói rằng những phỏng đoán của cô giáo Rowan nghe có thể có lý, nhưng trên thực tế, không thể có chuyện tự tử ở đây vì khẩu súng nhả đạn ở vị trí cách nạn nhân ba mét… Cô giáo Springer không thể với tay ra xa đến thế để tự bắn vào mình được.

Trước khi bước ra và đóng sập cửa lại, cô phụ giáo Rowan lớn tiếng tuyên bố, bệnh cố hữu của giới cảnh sát nói chung là coi thường khoa tâm lý học.

***

Tiếp theo là cô Ann Shapland, thư ký của bà Hiệu trưởng.

– Chào cô Shapland, cô có thể cung cấp được thêm gì giúp vào việc làm sáng tỏ vụ án mạng nào? – Thanh tra Kelsey nói, sau khi nhận thấy tấm áo dài giản dị nhưng may cắt rất có “gu” và dáng điệu rất tự tin của người vừa bước vào.

– Tôi e rằng tôi không cung cấp được gì thêm. Tôi ngủ ở một phòng cách xa phòng ngủ của mọi người, và phòng làm việc của tôi cũng lánh ra một góc. Tôi lại hầu như không quan hệ với ai. Vụ án mạng này đúng là không thể tưởng tượng nổi.

– Cô nói thế là theo nghĩa thế nào?

– Thế này nhé. Cô giáo Springer đã bị giết. Ta cứ cho rằng có một kẻ lẻn vào Cung Thể thao, và cô giáo Springer thấy động bèn sang đó dò xem kẻ đó là ai và lẻn vào để làm gì. Nhưng kẻ nào lại có ý nghĩ lẻn vào cái Cung Thể thao ấy kia chứ?

– Có thể một chàng trai nào đó muốn vào lấy đi một thứ gì, hoặc muốn tạo một trò cười cho các cô gái học sinh.

– Nếu chỉ là như thế thì tôi cam đoan cô giáo Springer sẽ chỉ mắng rồi đuổi thằng cha kia đi.

– Cô có thấy cô giáo Springer có một thái độ đặc biệt nào đó đối với Cung Thể thao không?

Cô thư ký Ann Shapland tròn xoe mắt tỏ vẻ ngạc nhiên:

– Một thái độ…

– Ý tôi muốn nói cô Springer coi Cung Thể thao như của riêng cô ấy và không muốn cho giáo viên hoặc nhân viên nào vào đó?

– Điều đó thì tôi không biết. Nhưng tại sao chị ấy lại nghĩ như thế được, bởi Cung Thể thao chỉ là một bộ phận của trường.

– Thế có lần nào cô vào Cung chưa, và nếu có thì cô có thấy thái độ khó chịu của cô giáo Springer không?

– Tôi có vào đấy một hoặc hai lần, để truyền đạt một mệnh lệnh của bà Hiệu trưởng cho một học sinh nào đó, nhưng tôi không thấy thái độ của chị Springer có gì khó chịu cả.

– Cô có biết một lần cô Blanche dạy tiếng Pháp vào và bị cô Springer đuổi ra không?

Cô thư ký ngập ngừng một chút rồi nói.

– Tôi nhớ hình như có chuyện ấy thì phải. Nhưng theo tôi, thái độ chị Springer không phải như chị Blanche thuật lại bằng giọng phẫn nộ. Tính chị Blanche như thế. Quá nhiều tự ái, hơi một tí là nổi nóng. Tôi chứng kiến đã có một lần, cô giáo dạy vẽ chỉ góp ý một câu rất nhẹ, thế mà chị Blanche đùng đùng nổi giận. Blanche dạy rất ít giờ, vì chỉ dạy có một môn phụ là tiếng Pháp, cho nên chị ta rất rỗi rãi, và chị ta còn có tính tò mò nữa.

– Cô có nghĩ rằng khi cô Blanche vào Cung Thể thao, cô ấy dám tự ý mở các ngăn riêng của học sinh để xem trộm không?

– Các ngăn đựng quần áo dụng cụ thể thao ấy à? Tôi không nghĩ rằng chị ấy dám làm thế. Nếu có thì chỉ là để thỏa một cơn tò mò chốc lát thôi.

– Cô giáo Springer có một ngăn riêng của cô ấy không?

– Tất nhiên là có.

– Và nếu cô Springer bắt gặp bà giáo Blanche đang lục lọi ngăn riêng của cô ấy, tôi tin rằng cô Springer sẽ rất cáu.

– Tất nhiên.

– Cô có biết gì về đời tư của cô Springer không?

– Theo tôi, không ai có thể trả lời câu ông vừa hỏi. Vì chị Springer không hề có đời tư!

– Cô có thấy gì lạ về Cung Thể thao ấy không?

Cô thư ký Shapland ngập ngừng.

– Có, nhưng tôi nghĩ chẳng quan trọng. Chỉ là một trong hai người làm vườn, anh phụ việc của bác Briggs ấy, có một lần tôi thấy anh ta trong Cung Thể thao đi ra, mà anh ta có phận sự gì trong đó đâu? Cũng có thể anh ta vào đó chỉ do tò mò, hoặc để dừng tay trong lúc căng lại lưới quần vợt hôm đó bác Briggs giao cho anh ta làm. Sự việc đó đúng là chẳng có gì quan trọng.

– Vậy mà cô lại nhớ! Tại sao?

– Vị thái độ anh ta lúc đó có gì đó tôi thấy không bình thường. Anh ta giống như một kẻ gây gổ. Nhất là câu anh ta nói về các khoản tiền phụ huynh học sinh đóng góp cho nhà trường. Anh ta bảo tất cả những phúc lợi học sinh được hưởng ở đây chỉ là do tiền của phụ huynh móc túi chi ra.

– Tôi hiểu loại người đó… và tôi sẽ lưu ý.

– Chúng ta vẫn chỉ như kiến bò miệng chén, chưa đi đến đâu. – Nhân viên cảnh sát nói, sau khi cô thư ký Ann Shapland ra khỏi phòng. – Tôi hy vọng đám nhân viên lao công sẽ cung cấp cho chúng ta được thông tin nào đó có giá trị.

***

Nhưng tình hình lại không phải như thế. Bà già nấu bếp thì càu nhàu:

– Tôi thì biết gì đâu mà hỏi tôi? Tai tôi nghễnh ngãng, các anh hỏi gì tôi đâu có nghe thấy? Với lại tôi ở lì trong bếp. Ban đêm tôi ngủ thì lại ngủ say như chết. Mãi sáng nay tôi mới nghe chuyện.

Thanh tra Kelsey phải hét vào tai bà cụ vài câu hỏi, nhưng cũng chỉ thu được những chi tiết chẳng quan trọng gì: đúng là cô Springer không được mọi người mến như cô giáo dạy thể dục năm trước. Cô thư ký Shapland cũng là người mới đến làm. Những điều này thì thanh tra Kelsey đã biết.

Các nhân viên lao động khác đều không biết gì hơn, bởi họ bận công việc. Cuộc thẩm vấn đang tiến hành thì bị ngắt quãng: bà Hiệu trưởng Bulstrode vào.

– Một em học sinh muốn nói chuyện với ông thanh tra. – Bà nói với Kelsey.

Viên thanh tra xem chừng rất chú ý:

– Cô bé biết được chuyện gì phải không, thưa bà?

– Tôi chưa biết. Để rồi ông nghe xem sao. Em này là một trong số học sinh người nước ngoài, là Công nương Shaila, cháu của Ngài Giáo chủ Ibrahim. Tôi chỉ muốn ông lưu ý là em học sinh này thích làm ra vẻ em là nhân vật quan trọng.

Bà hiệu trưởng Bulstrode đi ra và bước vào là một thiếu nữ vóc trung bình, gầy guộc và nước da mầu nâu xám. Cặp mắt đen lánh chăm chú nhìn viên thanh tra cảnh sát, nhưng không hề có vẻ xấc xược.

– Ông là người của cơ quan cảnh sát?

– Vâng. – Kelsey đáp, cố ghìm một nụ cười. – Mời cô ngồi rồi kể tôi nghe cô biết những gì.

Shaila chậm rãi ngồi xuống, dướn người về phía viên thanh tra cảnh sát, nói nhỏ:

– Có những kẻ đang rình mò trong tòa nhà này, tất nhiên chúng giấu mặt, nhưng việc có mặt của chúng ở đây là chắc chắn.

Viên thanh tra cảnh sát thấy ngay cô gái này đang làm ra vẻ quan trọng.

– Nhưng họ theo dõi trường học này để làm gì?

– Bởi chúng muốn bắt cóc tôi.

Câu trả lời vượt ra khỏi những dự đoán của thanh tra Kelsey. Ông chăm chú nhìn cô gái da nâu.

– Tại sao họ muốn bắt cóc cô?

– Tất nhiên để đòi tiền chuộc.

– Có thể. – Thanh tra Kelsey hỏi vẻ nghi ngờ. – Nhưng chuyện đó liên quan gì đến việc cô giáo Springer bị giết?

– Chắc cô Springer đã khám phá ra được âm mưu của chúng và chúng đã biết điều đó. Chúng bèn đút lót tiền để cô không nói lộ ra. Đêm qua cô ấy ra Cung Thể thao để nhận tiền, vì đó là nơi kín đáo nhất, và cô đã bị chúng giết.

– Nhưng cô Springer không phải loại người chịu nhận tiền theo kiểu như thế?

– Ông tưởng làm chân giáo viên thể dục lương cao lắm sao? – Shaila đáp bằng giọng mỉa mai. – Ông không cho rằng có nhiều tiền là sung sướng hay sao? Có nhiều tiền là được du lịch mọi nơi, được hưởng mọi thứ gì mình thích. Nhất là đối với một phụ nữ loại như cô Springer, không được người đàn ông nào để mắt tới. Có nhiều tiền, cô ấy sẽ có điều kiện để trả thù đời.

– Chà! Tôi không biết phải trả lời câu hỏi vừa rồi của cô thế nào đây.

Vấn đề là viên thanh tra cảnh sát chưa bao giờ nhìn sự việc theo góc độ này.

– Tôi đoán tất cả những điều cô vừa nói chỉ là cảm tưởng riêng của cô. Hay cô giáo Springer đã có thổ lộ tâm sự với cô?

– Cô Springer không bao giờ nói câu gì khác ngoài những câu hầu như muôn thuở: “Nhấc cao đầu gối! Đưa cánh tay lên! Nhanh thêm!”. – Công nương Shaila nhắc lại những câu kia bằng giọng khinh bỉ.

– Vậy là cô đã tưởng tượng ra toàn bộ âm mưu bắt cóc kia?

Shaila lộ vẻ tự ái:

– Ông vẫn chưa hiểu gì hết! Anh họ tôi là Hoàng thân Ali Yusuf, quốc trưởng nước Ramat. Anh tôi bị tử nạn trên đường chạy trốn cuộc cách mạng ở đó. Trước đó, tôi được nghe nói anh ấy định cầu hôn với tôi. Do đó, tôi không phải là nhân vật bình thường… Cho nên, cũng có thể không phải bọn chúng muốn bắt cóc tôi, mà chúng muốn giết tôi!

Thanh tra Kelsey mỗi lúc một thêm nghi hoặc.

– Câu chuyện khá ly kỳ đấy.

Công nương Shaila không hiểu lời nói kháy của viên thanh tra cảnh sát.

– Chắc chắn là chúng quan tâm đến số đá quý. – Cô thốt lên.

– Số đá quý nào?

– Anh họ tôi, Hoàng thân Ali, cùng cha của anh ấy, vị Vua Ramat trước anh, đã tích cóp được một số khá lớn kim cương và đá quý. Thế là bọn người hiện đang bám sát tôi tưởng rằng tôi biết số đá quý kia giấu ở dân. Trước khi giết tôi, chúng hy vọng sẽ moi được ở miệng tôi nơi cất giấu kho báu đó mà chúng tin rằng tôi biết.

– Theo đúng pháp luật thì ai là người được quyền sở hữu số đá quý đó?

– Anh họ tôi đã chết, thì người thừa kế hợp pháp số đá quý đó chính là tôi. Bởi trong số họ hàng thân cận nhất còn sống của Ali Yusuf, chỉ có tôi, chưa kể tôi là vị hôn thê của anh ấy, dì tôi là vợ của Ngài Giáo chủ Ibrahim.

– Vậy mà cô không biết số đá quý kia hiện đang ở đâu?

– Tất nhiên là tôi không biết! Còn có khả năng khác: một kẻ nào đó ở Ramat đã đoạt lấy số đá quý kia, và đang tìm cách bán đi hoặc bắt liên lạc với tôi để bán lại cho tôi lấy một khoản tiền nào đó.

– Trên thực tế là chưa ai gặp cô để thương lượng việc này.

– Đúng thế. – Shaila công nhận.

Thanh tra Kelsey quyết định:

– Qua tất cả những chuyện đó, tôi đánh giá toàn bộ chỉ là chuyện viển vông. – Ông ta nói bằng giọng khoái trá.

Công nương Shaila trợn mắt lên giận dữ:

– Tôi đã kể hết những điều tôi biết.

– Rất cảm ơn cô.

Thanh tra Kelsey tiễn công nương ra đến tận cửa.

– Một câu chuyện trong “Nghìn lẻ một đêm”! – Ông kêu lên lúc quay lại bàn giấy. – Nào bắt cóc, nào kho báu! Còn gì gì nữa chứ?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.