Cú Vọ và Đàn Bồ Câu
Chương XXXVII
Thanh tra Kelsey hình như chưa hoàn toàn thỏa mãn, ông nói với thám tử Poirot:
– Chúng tôi công nhận ông nói và làm được nhiều việc mà chúng tôi chưa làm được. Và tôi cũng thán phục thủ pháp của ông, thoạt đầu làm Shapland tưởng ông nghi cô giáo Eileen Rich cho nên không phòng bị, cho đến khi bà Upjohn bước vào chị ta mới bị bất ngờ đến như thế.
– Chẳng khó khăn gì trong việc đoán trước phản ứng của chị ta.
– Thì cứ cho là như vậy, thưa ông Poirot. Nhưng tôi chưa hiểu làm sao Ann Shapland lại giết cô giáo Vansittart được? Hơn nữa, chị ta có bằng chứng ngoại phạm đêm hôm đó. Chẳng lẽ ông Dennis trẻ tuổi kia và toàn thể những người làm trong nhà hàng đó đều là tòng phạm của chị ta?
Thám tử Poirot lắc đầu:
– Bằng chứng ngoại phạm của Ann Shapland là đúng. Nếu chị ta giết cô Springer và cô giáo Blanche, thì cô giáo Vansittart lại là do…
Hercule Poirot ngập ngừng một chút rồi đưa mắt về phía chỗ ngồi của bà hiệu trưởng Bulstrode. Lúc này bà đang chăm chú lắng nghe. Ông nói:
– Hung thủ giết cô giáo Vansittart… – Ông nói rất chậm. – chính là bà giáo Chadwick.
– Ông nói sao? – Cả bà hiệu trưởng Bulstrode lẫn thanh tra Kelsey đều sửng sốt bật dậy. – Vô lý!
Bà hiệu trưởng còn nói thêm:
– Không thể có chuyện ấy được!
– Điều này tôi hoàn toàn khẳng định. – Poirot nói.
– Nhưng. Tại sao lại như thế được? Bà Chadwick giết cô giáo Vansittart để làm gì?
Thám tử chậm rãi đáp:
– Vì bà ấy quá yêu trường Meadowbank. Tôi đoán thế.
Rồi ông trầm ngâm nhìn chăm chú bà hiệu trưởng Bulstrode.
Cuối cùng bà hiệu trưởng Bulstrode nói rất khẽ.
– Ông định nói rằng…
– Bà Chadwick đã cùng với bà là hai người sáng lập ra trường nữ học này. Từ ngày đó, bà Chadwick coi trường như đứa con… mà bà ấy với bà là hai người mẹ…
– Về một góc độ nào đó thì bà Chadwick nghĩ thế là đúng. – Bà hiệu trưởng gật đầu thừa nhận.
– Vâng, bà ấy nghĩ thế là đúng, tôi công nhận. Nhưng khi bà tính đến chuyện nghỉ hưu, bà Chadwick đinh ninh người thay bà làm hiệu trưởng dĩ nhiên phải là bà ấy.
– Nhưng Chadwick cũng đã cao tuổi rồi!
– Đúng, nhưng bà ấy lại không nghĩ như thế. Đến khi thấy bà định chọn cô giáo Vansittart thì trong thâm tâm bà Chadwick nảy sinh một phản ứng. Bà ấy không tin và không ưa cô giáo Vansittart. Kết quả là càng ngày bà ấy càng căm ghét cô giáo Vansittart.
– Điều này thì ông nhận xét đúng, thưa ông Poirot. Quả thật, cô giáo Vansittart có nhược điểm là quá tự tin cho rằng mình giỏi về tất cả mọi mặt. Đó là điều mà những người có thói ghen ghét không chịu nổi! Mà bà Chadwick lại có cái thói đó. Ông suy luận như thế chứ gì?
– Đúng, thói ghen ghét đó là do bà Chadwick quá yêu trường Meadowbank, đồng thời lại không tin ở tài năng cô giáo Vansittart. Bà ta cảm thấy không thể chịu nổi phải làm việc dưới quyền cô giáo ấy. Bên cạnh đó, bà Chadwick lại thấy bản thân bà, thưa bà hiệu trưởng, cũng do dự trong việc chọn cô giáo Vansittart để thay chân mình.
– Đúng thế! Tôi muốn tìm một người nào đó năng động hơn cô Vansittart. Đã có lúc tôi nhắm một cô giáo khác, nhưng cô này còn trẻ quá… Và Chadwick biết điều đó.
– Bà Chadwick cho rằng bà đã quay lại cô giáo Vansittart. Tấn bi kịch đã diễn ra như sau: nửa đêm, bà Chadwick thức dậy, thấy một vệt ánh sáng bên Cung Thể thao, thế là bà ấy băng ra khỏi tòa nhà chính, chạy sang đó. Mục đích là bắt quả tang kẻ đêm khuya đột nhập vào Cung, rất có thể tên đó chính là thủ phạm của mấy vụ án mạng trước. Trước khi sang đó, bà Chadwick kiếm một thứ vũ khí để phòng thân, đó là một bao cát nhỏ. Vào đến Cung Thể thao, bà Chadwick bắt gặp cảnh tượng gì? Cô giáo Vansittart đang lúi húi trước ngăn đựng quần áo, dụng cụ thể thao của công nương Shaila. Bà bỗng như người mất trí, giơ cao bao cát, quật xuống gáy cô giáo kia… Bà Chadwick không phải kẻ quen giết người, cho nên sau khi phạm tội ác vào một lúc không tỉnh táo, bà đã hoảng sợ hết hồn…
Cô giáo Vansittart chết. Bà Chadwick tất nhiên không dám thú nhận mình là hung thủ. Khi người ta hỏi về cây gậy đánh hockey lăn lóc trong góc phòng, bà đã bảo chính bà đem cây gậy đó đến đây… Thật ra hung khí của bà ta là một trong những túi đựng cát vẫn nằm ở gậm cầu thang trong tòa nhà chính, từ ngày chiến tranh.
– Nhưng tại sao Ann Shapland lại cũng dùng thứ hung khí đó để giết cô giáo Blanche? – Bà hiệu trưởng Bulstrode hỏi.
– Chỉ đơn giản là túi cát rất nặng, có thể làm chết người nhưng lại không gây tiếng động. Bà hãy nhớ lại vụ án mạng đầu tiên, cô giáo Springer: tiếng súng nổ làm hung thủ phải vội vã bỏ trốn ngay. Hơn nữa, Ann Shapland rất xảo quyệt. Chị ta giết cô giáo Blanche bằng đúng thứ hung khí bà Chadwick đã dùng để giết cô giáo Vansittart, khiến mọi người sẽ cho thủ phạm của hai vụ án mạng đó chỉ là một người.
– Tôi vẫn chưa hiểu cô giáo Vansittart đêm khuya vào Cung Thể thao để làm gì?
– Tôi đoán, sau khi công nương Shaila mất tích, cô giáo Vansittart rất băn khoăn, tuy không để lộ ra. Cô băn khoăn lo lắng không kém gì bà giáo Chadwick. Rất có thể, với tư cách người sắp thay bà hiệu trưởng, cô Vansittart thấy mình có trách nhiệm đối với tình hình nhà trường. Cô giáo Vansittart bèn bí mật vào Cung Thể thao, dò xem trong ngăn của Shaila có gì đặc biệt, giúp cô hiểu được vụ bắt cóc không…
– Mọi thứ, ông đều có được cách cắt nghĩa, thưa ông Poirot!
– Đấy là nghiệp vụ chuyên môn của ông ấy mà. – Thanh tra Kelsey nói, giọng hơi mỉa mai.
– Còn việc ông nhờ cô giáo Eileen Rich vẽ chân dung những người trong trường là để làm gì?
– Tôi muốn thẩm tra xem em học sinh Jennifer liệu có khả năng nhận diện một con người không? Tôi đã thấy em nhận xét rất đại khái. Và như thế, thật dễ hiểu là em đã không nhận ra cô giáo Blanche, khi trên bức vẽ, cô này thay đổi cách chải tóc. Và Jennifer cũng không nhận ra Ann Shapland trong vai “bà khách Hoa Kỳ”.
– Ông cho rằng người phụ nữ đem đổi cây vợt cho Jennifer chính là Ann Shapland?
– Đúng thế. Hôm đó Ann Shapland chỉ cần đội mớ tóc giả mầu vàng, kẻ lại lông mày, mặc một kiểu áo và đội một kiểu mũ khác ngày thường, bắt chước thêm giọng nói của người Hoa Kỳ nữa, thế là xong. Những bức vẽ của cô giáo Eileen Rich cho tôi thấy thay đổi bộ mặt không khó khăn.
– Eileen Rich… – Bà hiệu trưởng Bulstrode nói khẽ. – Nhưng tôi vẫn chưa hiểu…
– Xin bà cho cô giáo Rich vào đây, đó là cách tốt nhất để bà hiểu. – Thám tử Poirot ngắt lời bà hiệu trưởng.
Poirot kín đáo đưa mắt cho thanh tra Kelsey và ông này xin phép ra ngoài một lát.
Lát sau, cô giáo Eileen Rich bước vào, vẻ mặt uất hận, nhưng thái độ hết sức bướng bỉnh. Vừa vào đến nơi, cô hỏi luôn bà hiệu trưởng Bulstrode:
– Bà muốn biết tôi sang Ramat làm gì phải không?
– Đúng thế, hiện nay tôi vẫn còn hồ nghi. – Bà hiệu trưởng nói.
– Chính xác. – Thám tử Poirot nói. – Thời nay lớp trẻ ít hiểu biết cuộc sống, nhưng cặp mắt của họ lại luôn ánh lên một sự vô tư.
Nói xong, ông xin phép ra ngoài.
Bà hiệu trưởng Bulstrode nói tiếp.
– Jennifer nhận xét rằng người phụ nữ em gặp ở Ramat to béo hơn, và khỏe mạnh hơn nhiều so với chị. Con bé không biết rằng đó là một người có thai.
– Bà nói đúng. – Eileen Rich đáp không chút ngập ngừng. Lúc đó tôi có thai, nhưng tôi lại không muốn bỏ việc ở trường Meadowbank. Một bác sĩ cấp cho tôi giấy xác nhận sức khỏe và tôi quyết định trên một nơi thật xa để sinh con, nơi không ai biết tôi. Cháu đã mất. Tôi quay về trường vào tam cá nguyệt sau đấy, hy vọng chuyện tôi sinh con không ai biết. Vậy bây giờ bà đã hiểu tại sao lần đầu tôi trả lời bà rằng giá như bà mời tôi cùng quản lý cái trường này sớm hơn thì tôi đã từ chối. Chỉ đến bây giờ, khi trường ta sa vào những tai họa như thế này, tôi lại muốn nhận lời bà.
Một lát sau, cô nói thêm, giọng bình thản:
– Bây giờ bà có muốn tôi rời ngay khỏi trường không, hay đợi cho đến hết tam cá nguyệt này?
– Chị đừng đi đâu nữa. – Bà hiệu trưởng Bulstrode đáp. – Nếu trường này không phải đóng cửa, tôi muốn chị vẫn ở lại đây.
– Nghĩa là bà vẫn muốn giữ tôi?
– Tất nhiên! Chị không giết người, không chiếm đoạt đá quý! Chị chỉ vướng một thứ, đó là trong một thời gian dài chị đã sống buông thả, và cuối cùng chị đã say mê người đàn ông theo đuổi chị. Tội đoán chị không thể lấy ông ta, đúng thế không?
– Tôi đã biết từ trước là không thể nghĩ đến chuyện hôn nhân giữa tôi và anh ấy. Anh ấy không đáng trách.
– Tóm lại, chị đã có một cuộc tình vụng trộm. Chị muốn có đứa con phải không?
– Tất nhiên!
– Thôi được! Tôi chỉ muốn nói thêm rằng, theo ý tôi thiên chức của chị vẫn là nghề dạy học. Tôi cho rằng, nghề dạy học đem lại cho chị nhiều niềm vui hơn là cuộc sống bình thường với một người chồng và những đứa con.
– Tôi cũng tin là như thế. – Cô giáo Eileen Rich đáp. – Nguồn vui duy nhất còn lại của tôi là dạy học, đúng như thế.
Bà hiệu trưởng trìu mến nhìn cô gái trẻ:
– Nếu vậy, chị nên dứt khoát đi. Tôi đã ngỏ lời mời chị làm người cộng sự với tôi. Tất cả những chuyện không vui này sẽ qua đi, chỉ và tôi sẽ cùng chung lưng đấu cật vực cái trường này lên. Tôi biết chị có những ý đồ trong việc này. Tôi cũng có. Hai chúng ta sẽ trình bày cho nhau nghe rồi cùng thống nhất một hướng đi. Tôi tin chắc rằng trong số ý tưởng của chị có nhiều ý tưởng rất quý. Hẳn chị đã từng suy nghĩ về hướng thay đổi cách thức tổ chức và giảng dạy của cái trường Meadowbank này rồi?
– Về một góc độ nào đó thì bà đoán đúng. Một trong những ý tưởng đầu tiên của tôi là trong cách thức tuyển chọn học sinh.
– Tôi hiểu. Chị muốn giảm bót những tiêu chuẩn mang tính thời thượng.
– Đúng thế… Tôi cho rằng những tiêu chuẩn đó hạn chế các tài năng.
– Chị còn trẻ, Eileen, và dễ không thực tế. Nhưng phần nào chị có lý. Cái quan trọng trong việc tuyển chọn học sinh là tài năng và thiên hướng chứ không phải gia đình có thuộc tầng lớp thượng lưu hay không. Tuy nhiên tôi nghĩ chúng ta cũng không được coi thường yếu tố thương mại. Khi con cái một số nhân vật cao cấp vào học trường này, mọi người sẽ đua nhau chạy chọt để con em họ được nhận vào trường nữ học Meadowbank. Chị cứ để tôi làm theo hướng này cho đến khi trường ta nổi danh lừng lẫy, rồi chị tha hồ thực hiện phương pháp của chị.
Eileen Rich reo lên sung sướng:
– Trường nữ học nổi tiếng nhất nước Anh!
– Ta sẽ còn phải bàn bạc với nhau nhiều… Nhưng thôi, tôi phải lên thăm chị Chadwick đã…
***
Bà giáo Chadwick nằm bất động trên giường. Da mặt bà nhợt nhạt như không còn máu. Một nhân viên cảnh sát ngồi túc trực bên cạnh giường. Bà tổng giám thị Johnson nhìn bà hiệu trưởng Bulstrode, lắc đầu.
– Chadwick? – Bà hiệu trưởng khẽ hỏi, cầm tay người bạn gái thân thiết đã bao năm gắn bó.
Bà giáo Chadwick khẽ mở mắt:
– Tôi thấy cần phải nói với chị rằng… – Bà mấp máy môi thều thào. – Rằng chính tôi…
Tôi đã biết. – Bà hiệu trưởng ngắt lời bạn.
– Tôi ghen ghét… Tôi muốn…
– Chị đừng nói nữa, Chadwick! – Bà hiệu trưởng trìu mến nói.
Nước mắt chảy dòng dòng trên má người hấp hối.
– Khủng khiếp quá! Tôi không hiểu tại sao tôi lại làm như vậy? – Bà giáo Chadwick thều thào.
Bà hiệu trướng bóp nhẹ thêm bàn tay bạn.
– Chadwick, chị hãy nghe tôi nói: chị đã cứu sống tôi. Chị đã cứu sống cả bà Upjohn. Điều ấy không đáng kể sao?
– Tôi muốn hiến dâng cả cuộc đời tôi cho chị. Tôi muốn hy sinh mọi thứ chỉ cốt cho trường chúng ta lấy lại được uy tín như xưa… – Giọng bà đã nhỏ đến mức bà hiệu trưởng phải cúi xuống mới nghe được.
Bà gật đầu thương xót nhìn bạn.
Bà giáo Chadwick lấy hơi, cố mỉm cười. Rồi đột nhiên đầu bà ngoẹo sang một bên… Bà thở hơi cuối cùng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.