Đâu Mái Nhà Xưa

CHƯƠNG 1



Mười năm trước đây khi Johann Veraguth mua Rosshalde và dọn về đó, thì nơi này là một ngôi biệt thự cũ có trang viên bỏ hoang với những lối đi trong vườn rậm rịt, những chiếc ghế dài phủ đầy rêu phong, những bực cấp bằng đá nứt nẻ và một trang viên hoang lương quạnh quẽ. Chỉ có những dinh cơ của tài sản đó, đo được vào khoảng nửa mau, là cái biệt trang còn tốt đẹp hơi ngả nghiêng với sự kiên cố của nó, và tại trang viên có một ngôi nhà nhỏ giống hệt như biệt trang mùa hè, cánh cửa của nó mắc nghiêng theo những cái bản lề và các bức tường, trước kia được mắc lên bằng lụa xanh, nay phủ đầy rêu phong và mốc meo.
Ngay sau khi mua ngôi biệt thự đó, người chủ mới đã cho phá đổ cái biệt trang đã xiêu vẹo đi, chỉ để lại mười bậc tam cấp cũ bằng đá từ bậc cửa dẫn xuống bờ nước của một cái ao cá. Tại chỗ ấy cái họa phòng của Veraguth đã được dựng lên. Tại đây trong nhiều năm trời ông đã họa vẽ và ở lại hầu hết thì giờ của ông ở đây, nhưng ông đã sống tại ngôi biệt thự cho đến khi mối bất hòa gia tăng trong gia đình ông đã đưa ông đến chỗ cho gởi đứa con trai cả của ông vào nội trú, để lại ngôi biệt thự cho vợ ông và các người giúp việc ở, và cho ông sử dụng thêm hai căn phòng để vẽ, tại đây ông đã sống như một người độc thân từ dạo ấy. Thật đáng thương cho ngôi biệt thự diễm lệ đó; bà Veraguth và đứa con trai lên bảy là Pierre chỉ sử dụng có tầng trên; bà tiếp các người viếng thăm và khách khứa, nhưng bọn họ không bao giờ có nhiều lắm, cho nên một số các căn phòng trống vắng suốt quanh năm.
Chú bé Pierre là cục cưng của cả cha mẹ, là đầu mối ràng buộc duy nhất giữa ông cha và bà mẹ; ông không chỉ duy trì một sự giao tiếp nhất định nào đó giữa ngôi biệt thự và họa phòng, trong một ý nghĩa thì ông là người có thẩm quyền và là chủ nhân duy nhất của Rosshanlde. Phạm vi của ông Veraguth là cái họa phòng, bờ hồ và khu dành riêng cho trò chơi từ trước, trong khi đó vợ ông cai quản căn nhà, bồn hoa, hằng đám cây chanh và cây dẻ. ít khi một trong hai người bọn họ thăm viếng lãnh địa kia, ngoại trừ vào giờ dùng cơm, khi đó nhà họa sĩ thường đi đến ngôi biệt thự. Chỉ có mỗi mình bé Pierre là không nhận ra, thật vậy, em khó lòng nhận thức được sự chia cách của đời sống và địa phận này. Em đến và đi một cách tự do tại ngôi nhà cũ cũng như tại căn nhà mới, em rất tự nhiên tại họa phòng và thư viện của thân phụ em cũng như tại tiền sảnh và hành lang có treo tranh ảnh tại ngôi biệt thự, hoặc tại căn phòng của mẹ em; em là chúa tể các bụi dâu tây và cây dẻ, các bông hoa trong vườn chanh, cá dưới ao, nhà tắm và chiếc thuyền độc mộc. Trong các cuộc tiếp xúc với các người giúp việc của mẹ em và Robert, chú giúp việc cho ba em, thì em cảm thấy mình là cả chủ nhân và người được che chở; trong mắt của các người viếng thăm và khách khứa của mẹ em thì em là đứa con trai duy nhất của bà chủ nhà, và trong mắt của các tao nhân mặc khách thỉnh thoảng đến họa phòng của Papa em và nói tiếng Pháp thì em là đứa con trai của nhà họa sĩ. Các họa phẩm và hình chụp của em được treo trong phòng ngủ của thân phụ em và tại các căn phòng của mẹ em ở ngôi nhà cũ được treo trên vách dán giấy màu nhạt. Pierre rất sung sướng, thật thế, sung sướng hơn các đứa bé mà cha mẹ của chúng sống hòa thuận với nhau; việc nuôi nấng dạy dỗ em không theo quy tắc bởi bất cứ kế hoạch nào, và khi mà, như một đôi khi xảy ra, em bị phiền phức dưới phạm vi của mẹ em thì cái địa phận cạnh bờ ao đã hiến dâng cho em một chốn nương náu an toàn.
Em lên giường ngủ trước đấy đã lâu, và vào lúc mười một giờ cánh cửa sổ cuối cùng của ngôi biệt thự tối sầm lại. Lâu mãi sau nửa đêm, Johann Veraguth một mình từ thị trấn trở về, nơi ông đã ở lại đêm với các bạn bè tại một tửu quán. Khi ông sải bước qua một đêm chớm hè thơm ngát, đầy mây, thì cái không khí của rượu vang và khói thuốc, tiếng cười của khuôn mặt đỏ kè và những lời đùa cợt đã rơi khỏi người ông; một cách ý thức hít thở cái không khí ấm áp, ẩm ướt, hơi nôn nao khi ông một cách nhanh nhẹn bước xuống con đường giữa các miếng ruộng tối tăm, lúa đã mọc cao, ông đã về tới Rosshalde với từng đám những ngọn cây im lặng đối lại cái bầu trời đêm nhợt nhạt.
Đi qua lối vào điền sản, ông thoáng nhìn ngôi biệt thự, cái mặt tiền uy nghi, sáng chói của nó chiếu tỏa một cách quyến rũ đối lại cái bóng đêm đen đúa của những cành cây, và trong một ít phút ông đưa mắt nhìn cái quang cảnh đáng yêu đó với sự lạ lùng và thích thú của một du khách đi qua; rồi ông tiếp tục bước đi trong một vài trăm bước nữa dọc theo mé cao của địa điểm nơi ông đã dọn trống mà từ đó một con đường mòn bí mật dẫn qua các bụi chồi đưa đến họa phòng. Giác quan của ông tỉnh thức một cách sắc bén, con người nhỏ thó đầy nghị lực đó đi qua cái trang viên tối tăm, cây cỏ um tùm để đến căn nhà của ông; những ngọn cây đen đúa nhô lên chiếc ao hình như phô mình ra, cái bầu trời rộng lớn xám xịt khô khan hiện ra, và bỗng nhiên ngôi nhà đã ở trước mặt ông.
Chiếc ao nhỏ đen đúa đó gần như nằm trong sự im lặng hoàn toàn, ánh sáng nhợt nhạt yếu ớt nằm trên mặt nước giống như một màng da mỏng hay lớp phấn hoa. Veraguth xem đồng hồ, nó chỉ gần một giờ. Ông mở cánh cửa hông dẫn vào phòng ngủ của ông. Tại đây ông thắp một ngọn đèn sáp và vội vàng cởi áo quần ra; mình trần, ông rời căn nhà và thong thả bước xuống các bậc cấp bằng đá rộng lớn đưa xuống nước, trong khoảnh khắc làn nước đã lấp lánh trong những vòng tròn nho nhỏ dịu dàng trước đầu gối ông. Ông nhào xuống và lội ra chiếc ao một chút, bất thần cảm thấy sự mỏi mệt của một buổi tối ở lại trong một cách thức không quen, bèn quay lui, và bước vào nhà nước còn nhểu từng giọt xuống. Ông thẩy chiếc áo tắm lên vai, lau nước từ mái tóc bện chặt lấy nhau, và chân không leo lên mấy bậc cấp dẫn đến họa phòng của ông, một căn phòng mênh mông gần như trống trải, tại đây với một vài cử động nôn nao ông vội vàng bật tất cả các ngọn đèn sáng lên.
Ông đi nhanh tới một giá vẽ có treo một khung vải nhỏ mà ông đã làm việc trong mấy ngày qua. Cúi tới trước với hai tay ông trên đầu gối, ông đứng trước bức họa và nhìn lên bề mặt của nó, các màu sắc tươi thắm phản chiếu lại cái ánh sáng chói chang. Như thế ông giữ y điệu bộ trong hai hoặc ba phút. Nhìn trừng trừng trong im lặng cho đến khi toàn thể bức tranh, đến tận cái nét cọ đưa đi lần cuối, trở nên linh động dưới mắt ông; trong mấy năm qua ông đã trở nên quen thuộc với những đêm trước những ngày làm việc để không đem hình ảnh nào khác vào giấc ngủ và ngủ với ông hơn là họa phẩm mà ông đang làm việc. Ông tắt đèn, lấy cây đèn sáp và đi sang phòng ngủ của mình, nơi cửa có treo một tấm bảng đen nhỏ. Ông nhặt viên phấn viết trong những chữ to tướng: “Thức dậy lúc 7 giờ, uống cà phê lúc 9 giờ”, khép cánh cửa lại phía sau và leo lên giường ngủ. Ông nằm một lúc trong khi bất động với đôi mắt mở ra, hình dung ra hình thể họa phẩm trong võng mạc. Khi đã thấm nhuần tới cùng với họa phẩm ấy, ông khép đôi mắt xám trong suốt của ông lại, khẽ thở dài và chẳng mấy chốc thì ngủ mất.
Buổi sáng Robert đã đánh thức ông dậy theo giờ chỉ định; ông tức thì tung dậy, rửa ráy bằng nước lạnh ở vòi nước, khoác vào chiếc áo nỉ xám thô đã nhạt màu đoạn đi sang họa phòng; người giúp việc đã kéo các tấm ván bửng nặng nề lên. Trên chiếc bàn nhỏ có để một dĩa trái cây, một bình pha lê đựng nước và một khúc bánh mì đen. Một cách trầm tư ông lấy miếng bánh mì lên nhơi nhơi trong khi đứng chỗ giá vẽ nhìn vào bức họa của ông. Đi tới đi lui, ông nhai vài miếng bánh mì, thoa một ít mứt dâu lấy ở cái tộ bằng thủy tinh, và chú ý đến vài bức thư và báo chí để trên bàn nhưng làm như không biết tới. Một lát sau ông ngồi vào chiếc ghế xếp nhìn một cách căng thẳng vào tác phẩm của ông.
Bức họa nhỏ đó có hình thể chiều ngang tiêu biểu cái quang cảnh của một buổi rạng đông mà nhà họa sĩ từng chứng kiến và đã làm nhiều bản họa phác trong dịp hành trình. Ông đã dừng lại tại một chiếc quán nhỏ ở miền quê thuộc thượng lưu sông Rhine. Người bạn mà ông đến thăm đã gặp gỡ ở một nơi nào đó. Ông đã ở lại một buổi tối trời mưa chẳng thú vị gì trong một phòng bán rượu đầy khói và một đêm tệ hại tại một phòng ngủ có mùi nước vôi và mốc meo. Trước khi mặt trời mọc, ông đã thức dậy, nóng nực và bất mãn. Nhận thấy cánh cửa cái vẫn còn khóa, ông leo ra cửa sổ quán rượu, mở dây chiếc thuyền ở gần bờ sông Rhine, và một cách uể oải chèo ra ngoài con sông vừa lúc mới rạng đông. Cách xa bờ sông đúng vào lúc ông sắp sửa quay thuyền trở lại, ông thấy một ngư phủ chèo đến ông. Nét đại quan đen tối của chiếc thuyền tắm đẫm trong làn ánh sáng run rẩy nhợt nhạt của cơn mưa bụi vào lúc rạng đông, chiếc thuyền con đó có vẻ to lớn một cách khác thường. Ngay khi bị lôi cuốn trước cái quang cảnh ấy và bởi cái ánh sáng lạ lùng đó, ông đã gác mái chèo trong khi gã ngư phủ đến gần hơn, dừng lại tại chỗ phao nổi làm dấu, và kéo lưới cá từ dưới dòng nước lạnh lẽo lên. Hai con cá to lớn có màu bạc khô khan xuất hiện, ướt sũng lóng lánh trong một lúc trên con sông xám xịt, và rồi rơi đánh bạch một cái trên thuyền gã ngư phủ. Ra dấu cho gã đàn ông đó đợi, Veraguth lấy hộp sơn màu dùng để vẽ phác, và phác họa một bức họa nhỏ màu nước. Ban ngày ông ở lại trong làng, vẽ phác và đọc sách; sáng hôm sau ông lại vẽ ngoài trời, và rồi tiếp tục các cuộc hành trình của ông. Từ lúc đó ông đã trở đi trở lại mãi với họa phẩm ấy trong đầu, giày vò khốn khổ cho đến khi nó thành hình. Hiện giờ ông đã làm việc cho họa phẩm ấy trong nhiều ngày và nó gần như hoàn tất.
Như một lề luật ông vẽ dưới mặt trời tỏ rạng hay trong công viên ấm áp có tia sáng lỗ chỗ hay trong rừng, đến nỗi cái sự mát lạnh tan chảy như bạc của họa phẩm đã đem đến cho ông nhiều bực bội. Song nó đã chứng tỏ với ông một hòa hợp mới mẻ, ông đã nhận thấy một giải pháp thỏa đáng cho ngày hôm trước, và hiện tại ông cảm thấy đây là một tác phẩm tốt đẹp, lạ thường, một cái gì còn hơn là điểm tương đồng của cái đáng ca ngợi, mà trong khoảnh khắc ấy ở nó đã toát ra cái bản chất huyền nhiệm tuôn chảy qua cái bề mặt như kiếng, đưa ra sự cáo tri của cái hoang vu man dã, có trọn vẹn cái hơi thở của thực tại.
Nhà họa sĩ nghiên cứu họa phẩm với đôi mắt chăm chú và pha trộn màu trên tấm điều sắc, mà cái màu đỏ và màu vàng đã mất gần hết cả, nó hơi giống với tấm điều sắc thông thường của ông. Cái phần nước và bầu trời đã hoàn tất, bề mặt tắm đẫm trong làn ánh sáng lạnh lẽo, không thân hữu, những bụi cây và các cây cọc trên bờ sông bềnh bồng giống như những cái bóng dưới sự ẩm ướt, ánh sáng tái xám hết một nửa; chiếc thuyền con thô sơ dưới nước được biểu tượng hóa và phi thực, khuôn mặt gã ngư phủ thì câm lặng và phi định nghĩa, chỉ có bàn tay y là đưa ra một cách lặng lẽ để bắt lấy con cá còn sống với cái thực tại không hứa hẹn gì cả? Một trong các con cá ấy nhảy lên lấp lánh trên mạn thuyền; con khác nằm xuôi lơ và bất động, cái miệng tròn trịa của nó há ra và đôi mắt cứng ngắc hoảng sợ của nó có đầy nỗi khốn khổ của sinh vật. Toàn diện bức tranh thì lạnh lẽo và buồn thảm một cách gần như cay nghiệt, nhưng sự tĩnh mịch, tự do không sao trách cứ được với phái tượng trưng ngoại trừ một thứ giản đơn mà không có nó có thể là không sao có được tác phẩm nghệ thuật, cái đó nó không chỉ làm cho chúng ta cảm thấy một bất công không thể hiểu nổi của tất cả thiên nhiên tạo vật nhưng nó cũng còn làm cho chúng ta yêu thích nó với một thứ ngạc nhiên dịu dàng nữa.
Khi nhà họa sĩ đã ngồi làm việc cho tác phẩm của ông khoảng hai giờ, thì người giúp việc gõ cửa và để phản ứng lại sự vắng mặt của chủ nhân của y, y đã gọi lên để bưng thức điểm tâm vào. Y im lặng đặt cái bình quai, tách và dĩa xuống, nhấc ghế lại, chờ đợi một chốc trong im lặng và rồi nói lên một cách rụt rè:
– Điểm tâm đã dọn rồi, thưa ông Veraguth.
– Tới ngay, – Nhà họa sĩ nói, lấy ngón tay cái ông chà chà vào chỗ cây cọ lướt qua mà ông vừa mới vẽ cái đuôi con cá nhảy – Có nước uống không?
Ông rửa tay và ngồi xuống dùng cà phê.
– Robert, chú có thể nhồi cho tôi một vố thuốc – Ông nói một cách vui vẻ – Cái ống vố nhỏ không có nắp đậy nhé, chắc ở trong phòng ngủ.
Chú giúp việc đi ra. Veraguth uống cà phê đậm với lòng sốt sắng, và cái phảng phất mơ hồ của sự choáng váng và mỏi mệt, mà sau đấy nó đã đến với ông sau sự cố gắng không ngừng nghỉ đó, đã nâng lên giống như làn sương muối của một sớm mai.
Ông lấy ống điếu từ chú giúp việc, để y châm lửa, và một cách thèm thuồng hít thở cái làn khói thơm lừng ấy đã gia tăng thêm cho cà phê cái hương vị đậm đà. Ông chỉ đến họa phẩm và nói:
– Robert, tôi tin rằng khi còn bé chú có đi câu cá chứ?
– Dạ có ông Veraguth.
– Hãy nhìn con cá kia, không phải con cá trên không đâu, con kia với cái miệng há ra đấy. Cái miệng có giống không?
– Giống đấy – Robert nói một cách hồ nghi – Nhưng ông biết rõ hơn tôi mà – Chú nói thêm trong một giọng trách cứ, như thể ý thức đến sự chế giễu trong câu hỏi đó.
– Không đâu, ông bạn ạ, cái đó không đúng. Chỉ ở vào buổi đầu của tuổi trẻ, đến cái tuổi mười ba hay mười bốn, lúc đó con người mới nhận thức những sự việc trong tất cả cái nổi bật và thắm tươi của nó; tất cả thời gian còn lại của đời hắn, hắn nuôi dưỡng trong cái kinh nghiệm đó. Tôi chẳng có làm gì với cá khi tôi còn là một cậu bé, đó là vì đâu tôi mới hỏi đấy. Vậy nên hãy nói cho tôi biết, cái mũi nó giống không?
– Tuyệt, nó hoàn toàn giống, – Robert nói, đã hãnh diện.
Veraguth lại đứng dậy và quan sát tấm điều sắc của ông. Robert nhìn ông. Y đã quen thuộc với sự tập trung tinh thần này xuất hiện trong đôi mắt của chủ nhân của y và đem đến cho đôi mắt ấy có một cái nhìn gần giống như kiếng; y biết rằng y, cà phê, và cuộc đàm thoại ngắn ngủi của họ đã biến mất khỏi đầu óc Veraguth và nếu y có nói với ông trong ít phút thôi thì nhà họa sĩ sẽ tỉnh thức như thể từ một giấc ngủ say. Nhưng đó là điều nguy hiểm. Khi Robert lau bàn, y thấy rằng bức thư còn nằm đó chưa được sờ tới.
– Ông Veraguth. – Y dịu dàng nói.
Nhà họa sĩ vẫn còn có thể ân cần. Ông ném một cái thoáng nhìn thù nghịch lên vai ông, đã có nhiều cái cách thế của một người đã bị mệt nhoài mà phải nói lên khi đã đến chỗ buồn ngủ chết được.
– Thư ông đấy.
Với lời nói đó, Robert ra khỏi căn phòng. Veraguth một cách nóng nảy bóp bẹp cái ông màu xanh kim khí của ông trên tấm điều sắc, ném ống màu lên cái vỏ chì nhỏ trên bàn vẽ, bắt đầu pha trộn màu sắc. Nhưng rồi ông cảm thấy khó chịu bởi lời nhắc nhở của người giúp việc. Một cách cáu kỉnh ông đặt tấm điều sắc xuống và nhặt lấy các bức thư.
Sự giao thiệp các công việc thông thường, một thư mời đóng góp vào cuộc triển lãm tập thể, một bức từ một tờ báo xin cho biết tài liệu thuộc về tiểu sử, một hóa đơn – nhưng rồi một cái rùng mình của niềm vui ngập tràn người ông khi ông thoáng thấy nét chữ mà ông từng biết rõ; ông nhặt bức thư lên và một cách thích thú đọc chính cái tên ông và mỗi chữ của địa chỉ, lấy làm khoan khoái ở cái đặc tính táo bạo của lối phóng bút phóng khoáng, cuồn cuộn. Ông cố đọc ra dấu bưu điện. Con tem ở Ý, bức thư chỉ có thể là ở tại Naples hoặc Genoa. Thế là bạn ông đã có mặt tại Âu châu, không xa ở đây và có thể chờ đợi trong ít hôm.
Với sự xúc động ông mở bức thư ra và xem với sự hài lòng ở cái trật tự chặt chẽ của những hàng ngăn ngắn thẳng tắp. Nếu ký ức của ông không đánh lừa ông thì các bức thư thất thường này của bạn ông từ ngoại quốc là niềm vui thuần khiết duy nhất mà ông đã kinh qua trong năm hoặc sáu năm cuối cùng của ông, ngoại trừ công việc và những giờ ở lại với bé Pierre. Và hiện thời một lần nữa, ở giữa cái niềm vui hằng trông đợi của ông, một cảm giác mơ hồ, khó chịu của sự tủi hổ đã xô ùa đến với ông ở cái ý nghĩ của một đời sống không có tình yêu, khô kiệt của ông. Thư thả ông đọc.
Naples, đêm 2 tháng Sáu
Johann thân,
Như thường khi, một miệng đầy Chianti với mì ông đầy mỡ, và sự la lối của các tay bán hàng rong bên ngoài tiệm rượu vang, đó là các dấu hiệu đầu tiên của nền văn hóa Âu châu mà một lần nữa tôi lại quy hồi. Tại đây ở Naples. Chẳng có gì đổi thay trong năm năm trời, còn ít đổi thay hơn ở Tân Gia Ba hay Thượng Hải; tôi coi điều này như là một dấu hiệu tốt đẹp và khích lệ để hy vọng rằng tôi sẽ tìm ra tất cả mọi sự trong cái khuôn khổ tốt đẹp đó cũng như ở tại quê nhà. Ngày kia chúng tôi sẽ có mặt tại Genoa, nơi đây cháu tôi sẽ đón tôi. Chúng tôi cũng sẽ viếng thăm các họ hàng thân thích của chúng tôi. Tôi không mong những thổ lộ lớn lao về mối giao cảm trong hai mươi lăm năm ấy bởi vì một cách hoàn toàn thành thực thì tôi đã không viết được mười truyện trong bốn năm cuối cùng. Tôi hình dung trong bốn năm ngày cho các phận sự bắt buộc cho gia đình, rồi tới công việc tại Hòa Lan, nói rõ là năm sáu ngày, như vậy tôi phải có mặt với anh vào khoảng mười sáu. Anh sẽ nhận được một điện tín. Tôi sẽ thích ở lại với anh ít ra là mười ngày hoặc nửa tháng, và làm trở ngại công việc của anh. Anh đã trở nên nổi danh một cách dễ sợ, và nếu những gì anh vẫn thường nói khoảng hai mươi năm trước đây về thành công và danh vọng thì nó cũng còn mới đúng có một nửa, hiện tại anh phải đã hoàn toàn già khụ rồi. Tôi định mua một số các họa phẩm của anh và những lời ta thán trước đây của tôi về tình trạng buôn bán là một thủ đoạn để hạ giá anh đấy.
Johann, chúng ta đang trở nên già nua rồi. Lần du lịch thứ mười hai băng qua Hồng Hải này của tôi là lần đầu tiên khốn đốn vì nóng. Gần 50 độ dưới bóng mát.
Hãy nghĩ tới điều đó, ông cụ, chỉ có hai tuần lễ thôi ấy! Nó sẽ đáng giá cho anh một chai Moselle. Chuyện đó đã hơn bốn năm rồi.
Thư nên gởi đến tôi từ ngày chín cho đến mười bốn ở Antwerp, Hôtel de l’Europe. Nếu anh có bất kỳ họa phẩm nào triển lãm trên lộ trình của tôi thì hãy cho tôi biết với!
Người bạn
Otto
Trong sự vui vẻ, ông đọc lại bức thư ngắn ấy với những chữ mạnh bạo, thẳng thóm và cách chấm dứt bất thường đó, lấy quyển lịch từ cái hộc của chiếc bàn nhỏ trong góc ra, và lắc lắc đầu ông với sự hài lòng khi ông nhìn vào đó. Cho đến giữa tháng, hơn hai mươi họa phẩm của ông sẽ được triển lãm tại Brussels. Đó là một điều tốt đẹp. Cái đó có nghĩa rằng bạn ông, mà đôi mắt sắc bén của y có phần làm cho ông sợ hãi và người mà ở y ông sẽ không thể nào che giấu được sự huỷ hoại tàn tạ của đời ông trong mấy năm cuối cùng, ít ra sẽ có cái cảm tưởng tốt đẹp về ông, một cảm tưởng mà ông có thể hãnh diện. Điều đó sẽ làm cho mọi sự dễ dàng hơn. Ông thấy Otto với vẻ tao nhã hơi có phần chân chất mộc mạc của một kẻ xuyên đại dương đang lướt qua bảo tàng viện Brussels, nhìn vào các họa phẩm của ông, các họa phẩm tuyệt nhất của ông, và trong một khoảnh khắc ông hoàn toàn thỏa lòng ở việc ông đã gởi những họa phẩm ấy đi triển lãm. Dù rằng vẫn chỉ bán được có một ít bức mà thôi. Và ông lập tức viết một bức thư ngắn để gởi đi Antwerp.
– Hắn vẫn còn nhớ tất cả – Ông nghĩ ngợi một cách biết ơn – Hắn đúng đấy; lần cuối cùng chúng tôi đã uống cạn nhẵn một chai Moselle, và một đêm chúng tôi đã say thực sự.
Nghĩ lại chuyện đó, ông kết luận rằng chắc chắn là rượu Moselle không còn ở trong hầm, và nơi này cũng chẳng mấy khi lui tới, nên đã quyết định ra lệnh cho mua mấy kết nội ngày hôm đó.
Đoạn ông lại ngồi xuống với công việc, song cảm thấy rối trí, khó chịu và không thể chiếm lại được sự tập trung thuần tuý mà do đó những ý tưởng tốt lành nó đến chẳng cần phải triệu đến. Ông đặt cọ vào bình pha lê, bỏ vào túi bức thư của bạn ông và một cách do dự bách bộ ra ngoài lộ thiên. Mặt ao lấp lánh phản chiếu đến ông, một ngày mùa hè không mây đã hiển hiện, và cái trang viên ngập ánh dương đã vang vọng âm thanh của nhiều chim chóc.
Ông nhìn đồng hồ. Đấy là giờ học sáng của bé Pierre đã hết. Một cách vô định ông rảo bước qua trang viên, lơ đãng nhìn xuống những con đường mòn màu nâu lốm đốm mặt trời, lắng nghe về phía ngôi nhà, đi qua sân chơi của bé Pierre với cái xích đu và đống cát. Sau cùng ông đã tới khu vườn nhà bếp và với sự chú ý chốc lát nhìn lên ngọn cao của những cây đu đủ tía với hằng đám lá xùm xuề che mát của nó và ánh nắng rực rỡ của những cây đèn nến cuối cùng. Đàn ong kêu vo vo từng đàn quây quần trong những đợt sóng dịu dàng khi chúng bu quanh những nụ hồng vừa hé nở trong bờ giậu khu vườn, và qua cái bóng tối của cây lá có thể nghe tiếng đổ leng keng vui vẻ của chiếc đồng hồ trên chiếc tháp con trên ngôi biệt thự. Cái tiếng đổ của con số đã bị sai, và Veraguth lại nghĩ đến Pierre và tham vọng đắc ý nhất là về sau, khi em đã lớn hơn, để sửa lại chiếc đồng hồ đổ giờ cổ lỗ đó.
Bấy giờ ông nghe thấy, từ phía kia của bờ giậu, giọng nói và bước chân trong cái không khí đầy nắng của khu vườn đã pha trộn một cách dịu dàng giữa tiếng vo vo của đàn ong và tiếng kêu hót của chim chóc, với mùi hương phảng phất giữa hương thơm hoa cẩm thạch và các thứ hoa đậu. Đấy là vợ ông với Pierre, ông đứng lặng người và lắng nghe một cách chăm chú.
– Tuy thế mà nó chưa chín đâu, con sẽ phải đợi một ít hôm nữa. – Ông nghe người mẹ nói.
Tiếng trả lời của đứa bé là một giọng cười liếng thoắng. Vì lẽ ở khoảnh khắc của một khu vườn xanh rờn yên tĩnh mong manh qua mau ấy và cái âm vang dịu dàng của cuộc đàm thoại giống như con trẻ này được vây phủ bởi cơn gió hiu hiu, đã có vẻ như ở trong sự tĩnh lặng của một mùa hè mong ngóng đã đến với Veraguth từ một khu vườn mịt mùng thăm thẳm của thuở ấu thời của ông. Ông bước lên hàng rào và trố mắt nhìn qua đám lá vào khu vườn, nơi vợ ông trong bộ y phục buổi sáng đứng trên lối mòn đầy nắng, tay cầm cái kéo cắt hoa và trên tay mang một cái giỏ màu nâu mảnh mai. Bà cách bờ rào vừa đúng hai mươi bước.
Nhà họa sĩ nhìn bà trong một lúc. Cái dáng điệu cao cao đó đang cúi xuống bông hoa; khuôn mặt trang trọng, tỉnh táo của bà hoàn toàn bị che phủ bởi chiếc nón rơm lớn rộng vành.
– Hoa đó gọi tên là hoa gì thế? – Pierre hỏi. Ánh sáng tung tăng trên mái tóc màu nâu của em, đôi chân trần ốm o và sạm nắng của em sáng rực lên, và khi em cúi xuống, chiếc áo khoác không cài nút của em để lộ ra cái làn da trắng phía sau dưới cái cổ cháy nắng của em.
– Hoa cẩm thạch đấy. – Người mẹ nói.
– Ô, con biết rồi – Pierre nói – Con muốn biết cái tên nào mà lũ ong nói với nhau cơ. Chắc phải có một tên trong tiếng nói của lũ ong nữa mà!
– Cố nhiên, nhưng chúng ta không thể biết được, chỉ có lũ ong chúng biết mà thôi. Có lẽ nó gọi chúng là hoa mật.
Pierre nghĩ ngợi.
– Không phải thế đâu – Sau cùng cậu cả quyết – Lũ ong cũng tìm ra được nhiều mật ở hoa xa trục thảo hoặc hoa kim liên hoa; chúng không thể có cái tên giống nhau cho tất cả bông hoa đâu.
Cậu bé chăm chú theo dõi một con ong khi nó bay quanh cái đài hoa cẩm thạch, dừng sững giữa khoảng không với đôi cánh vo vo, và rồi một cách vội vàng thẩm nhập vào cái lỗ màu hồng ấy.
– Hoa mật ong! – Em kêu lên một cách tỏ vẻ khinh thị, và rơi vào im lặng. Em khám phá ra đã lâu trước đây là những sự vật tốt đẹp nhất và đáng chú ý nhất là những vật quan trọng mà không thể nào biết hoặc giải thích được.
Veraguth đứng phía sau bờ giậu và lắng nghe; ông quan sát cái gương mặt say mê điềm tĩnh của vợ ông và cái gương mặt mảnh dẻ, non dại, đáng yêu của đứa con cưng quý của ông, và tim ông đã biến thành đá ở chỗ nghĩ đến những mùa hè khi đứa con trai đầu lòng của ông vẫn còn là một đứa bé như vậy. Ông đã đánh mất nó, cũng như ông đã đánh mất mẹ nó. Nhưng cái đứa bé này thì ông sẽ không đánh mất được, không, không. Y như một kẻ cắp ở sau bờ giậu ông sẽ dò la về em, ông sẽ nhử mồi em và chiếm đoạt em, và nếu thằng bé này cũng sẽ ngoảnh mặt quay lưng với ông thì ông cũng chẳng thiết gì sống nữa.
Không gây tiếng động ông se sẽ rẽ sang con đường mòn đầy cỏ và rút lui dưới những tàng cây.
Lãng phí thì giờ không phải là tôi, ông nghĩ ngợi một cách dễ giận và cứng rắn với mình. Ông trở lui với họa phẩm của ông và thật thế, chế ngự sự miễn cưỡng của ông và khuất phục trước thói quen cũ kỹ của ông, ông phục hồi lại sự chuyên cần quyết liệt mà nó không dung thứ cho những sự lạc đề và nắm chắc sự tập trung tất cả những năng lực của ông vào công việc.
Ông mong đợi tới giờ dùng bữa trưa ở ngôi biệt thự và buổi trưa đến ông ăn mặc một cách cẩn thận. Cạo râu, đánh răng, và mặc vào bộ đồ xanh mùa hè, có lẽ trông ông không trẻ trung hơn nhưng tươi tắn hơn và có sinh khí hơn là bộ đồ tơi tả ở tại họa phòng của ông. Ông đưa tay lên lấy cái mũ rơm và sắp sửa mở cửa thì khi đó cánh cửa đẩy về phía ông và Pierre bước vô.
– Mạnh giỏi chứ Pierre? Thầy giáo con có dễ chịu không?
– Ồ phải, ông ta đúng là chán chết như vậy. Khi ông kể cho con nghe một câu chuyện thì đó chẳng phải là chuyện thú vị gì, đấy chỉ là một bài học khác nữa, và cuối cùng thì luôn luôn nói rằng các đứa bé ngoan ngoãn thì phải làm thế này hoặc phải làm thế kia – Ba có vẽ chứ, hả ba?
– Có, vẽ về cá. Đã gần xong rồi, ngày mai con có thể xem được đấy.
Ông nắm lấy tay cậu bé và đi ra với em. Trên đời chẳng có gì vỗ về an ủi ông hoặc động chạm đến lòng hảo tâm sâu xa và dịu dàng ở ông như vậy khi đi bên cạnh em bé đó, để điều chỉnh bước đi ngắn lại của ông, và để cảm thấy cái bàn tay mảnh mai của đứa bé phó thác trong tay ông.
Khi họ rời trang viên và bắt đầu băng qua cánh đồng cỏ dưới những cây phong cao khẳng khiu rủ mình xuống, em bé nhìn quanh và hỏi:
– Ba ạ, lũ bướm có sợ ba không?
– Tại sao, ba không nghĩ vậy. Mới hồi nãy có một con trên ngón tay ba đây.
– Vâng, nhưng bây giờ chẳng có con nào ở đây cả. Thỉnh thoảng khi con một mình đến thăm ba và con đi theo con đường này thì luôn luôn có hàng đàn bướm trên dường, và chúng nó được gọi là những con bướm xanh, con biết thế, và lũ chúng nó cũng biết con và thích con. Có thể nào nuôi bướm được không nhỉ?
– Được chứ, chúng ta nên cố thử ngay đi. Con để một giọt mật trên bàn tay con và đưa tay ra rất yên lặng cho đến khi lũ bướm đến và uống mật ấy.
– Tuyệt diệu đấy ba ạ, chúng ta sẽ cố xem. Ba có nói với má cho con một ít mật không? Rồi má sẽ biết là con cần thực sự chứ không phải chỉ làm chuyện rồ dại.
Pierre chạy trước qua cái cổng mở và tiền sảnh rộng thênh thang; bị chói bởi mặt trời nên ba em vẫn còn tìm cái giá mắc nón trong ánh sáng lờ mờ, và sờ soạng ở chỗ cửa phòng ăn, lâu sau khi cậu bé đã ở bên trong, đang nài nỉ xin xỏ với mẹ em.
Nhà họa sĩ bước vô và đưa tay ra cho vợ ông. Bà có phần cao hơn ông, mạnh mẽ và thích ứng, nhưng không còn trẻ, và mặc dù bà đã thôi yêu thương chồng bà, bà vẫn còn coi sự mất mát mối cảm tình với ông như một điều buồn rầu không thể hiểu được và nỗi bất hạnh không đáng bị.
– Chúng ta có thể ăn được rồi – Bà nói trong một giọng điềm tĩnh – Pierre đi rửa tay đi con.
– Tôi có tin – Nhà họa sĩ nói, đưa ra bức thư của bạn ông – Otto sẽ đến đây không lâu, tôi hy vọng có một chuyến ở lại lâu. Bà không phiền phức chớ?
– Anh Burkhardt có thể ở hai phòng ở tầng dưới, rồi chẳng ai quấy rầy anh ta và anh ta sẽ có thể đi về tùy thích.
– Phải, thế sẽ tốt đấy.
Một cách do dự bà nói:
– Tôi nghĩ anh ta không đến cho mãi đến sau này chứ.
– Anh ta lên đường sớm hơn là dự liệu. Tôi chẳng biết gì cả mãi đến hôm nay. Vâng, như thế càng tốt hơn.
– Thế thì anh ta sẽ có mặt tại đây cùng lúc với Albert đấy.
Ở chỗ đề cập đến tên con trai ông, gương mặt của Veraguth bỗng mất đi cái vẻ sáng rỡ thích thú yếu ớt đó và giọng ông trở nên lạnh lùng.
– Albert à? – Ông kêu lên một cách tức bực – Thiết tưởng nó đi đến Tyrol với bạn bè của nó chứ.
– Tôi chưa nói với ông bất kỳ điều gì sớm hơn là điều cần thiết. Bạn bè của nó đã được mời thăm viếng họ hàng nên đã bãi bỏ cuộc du hành rồi. Albert sẽ về ngay khi kỳ nghỉ hè của nó bắt đầu.
– Và ở lại đây suốt thời gian ấy à?
– Tôi tin vậy. Tôi có thể du hành với nó vài tuần lễ, nhưng việc đó sẽ không tiện cho ông.
– Tại sao? Pierre sẽ đến ở với tôi tại họa phòng.
– Làm ơn đừng có bắt đầu lại chuyện đó. Ông biết là tôi không thể bỏ Pierre ở lại đây một mình.
Nhà họa sĩ trở nên tức giận.
– Một mình ư! – Ông kêu lên một cách chua chát – Nó không có ở một mình khi ở với tôi mà.
– Tôi không thể để nó ở lại đây và tôi cũng không muốn làm thế. Thôi đừng có cãi cọ về chuyện ấy nữa.
– Tôi xem cái đã. Bà không muốn thế mà.
Ông im lặng, vì Pierre đã trở lại, và họ ngồi vô bàn ăn. Cậu bé ngồi giữa cha mẹ bất hòa của em cả hai người đều chìu chuộng và làm khuây khỏa em cũng như em vẫn hay làm thế với họ. Ba em, cô kéo dài bữa ăn lâu bao nhiêu tốt bây nhiêu, bởi vì sau bữa cơm trưa đó cậu bé ở lại với mẹ em và ngờ rằng không biết em có sẽ trở lại họa phòng trong ngày hôm đó hay không.
——————————–
1 Trích trong truyện ngắn Thành Phố Đi Rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.