Đâu Mái Nhà Xưa

CHƯƠNG 9



Nhà họa sĩ đã làm việc liên tiếp cho đến chiều. Bây giờ đây, đã mệt nhoài người ra ông mới ngồi một chốc trên chiếc ghế bành, tay ông đặt lên lòng, hoàn toàn kiệt quệ, với đôi má hóp vô và khóe mắt hơi đỏ ngầu, già nua và gần như uể oải nặng nề, giống như người nông dân hoặc bác tiều phu sau khi làm việc nặng nề cực nhọc.
Hẳn ông thích nhất được cứ ngồi yên trong chiếc ghế và khuất phục trước sự mỏi mệt và thèm ngủ của ông. Nhưng thói quen và kỷ luật nghiêm ngặt sẽ không cho ông làm vậy; sau mười hay mười lăm phút ông nhảy tưng lên để thức giấc. Ông đứng dậy và không cả liếc qua bức họa đi xuống cầu ao cởi quần áo ra và chậm rãi lội quanh hồ.
Đấy là một buổi chiều trời nhợt nhạt màu sữa; được bao bọc bởi cánh rừng chồi, tiếng kêu kẽo kẹt của những chiếc xe chở cỏ khô và tiếng kêu mỏi mệt cùng tiếng cười đùa của những người làm ở nông trại trở về sau một ngày làm việc có thể nghe thấy từ một con đường kế cận. Veraguth run rẩy bước ra khỏi mặt nước, cẩn thận lau khô mình mẩy cho ấm, đoạn đi vô căn phòng trú ngụ nhỏ bé của ông và đốt một điếu thuốc.
Chiều nay ông đã định viết mấy bức thư bầy giờ ông mở ngăn tủ ra và ông không cả quyết gì hết, nhưng ông lại đóng ngăn tủ lại một cách bực dọc và bấm chuông gọi Robert.
Người giúp việc xuất hiện.
– Hãy nói cho tôi biết, mấy đứa bé và chiếc xe về lúc nào vậy?
– Thưa ông Veraguth, mấy cậu chưa về ạ.
– Cái gì, chúng nó hãy chưa về à?
– Dạ chưa, ông Veraguth. Tôi chỉ hy vọng là cậu Albert không quá nhọc mệt lắm với con ngựa hồng. Cậu có mòi hơi vất vả về các con ngựa.
Chủ nhân y không trả lời. Hẳn ông muốn ở bên Pierre nửa giờ, đứa bé mà ông thiết tưởng, đã trở về trước đây lâu rồi chứ. Bây giờ thì ông tức giận và có phần hoảng sợ ở cái tin ấy.
Ông chạy qua ngôi biệt trang và gõ vào cánh cửa của vợ ông. Có một sự ngạc nhiên trong câu trả lời của bà, vì ông chưa bao giờ đến gặp bà vào cái giờ này cả.
– Xin tha thứ tôi – Ông nói, cố nén sự xúc động của ông – Nhưng Pierre đâu rồi?
Bà Adele nhìn vào chồng bà với sự ngạc nhiên:
– Mấy đứa nó đánh xe đi rồi, ông không nhớ à?
Ý thức đến sự tức tối của ông, bà nói thêm:
– Ông không lo ngại chứ?
Ông rùng vai một cách nóng nảy.
– Không. Nhưng đó là sự vô tâm của Albert. Xin đi một ít giờ – Ông nói – Ít ra nó có thể điện thoại chứ.
– Nhưng hãy còn sớm mà. Chắc chắn là chúng nó sẽ về trước bữa cơm ấy.
– Cái thằng nhỏ cứ luôn luôn đi mất khi tôi muốn ở bên nó một ít thì giờ.
– Xúc động nôn nao thế chẳng ích gì. Những việc này đã từng xảy ra. Pierre đã ở lại nhiều giờ với ông rồi mà.
Ông cắn môi và rời khỏi không nói một lời. Bà nói đúng, nôn nao xúc động thế chẳng ích gì, chẳng công dụng gì trong sự kịch liệt và đòi hỏi bất kỳ cái gì trong khoảnh khắc. Tốt hơn là kiên nhẫn ngồi đó và lãnh đạm như bà.
Một cách giận dữ, ông đặt chân xuống các bậc cấp và đi ra cổng để ra ngoài đường. Không, đó là một cái gì ông chẳng hề ao ước được biết đến, ông muốn có niềm vui và cơn phẫn nộ của ông. Những gì mà người đàn bà tiu nghỉu này đã đặt vào ông, và ông đã trở nên già nua và chừng mực như thế nào, ông, một kẻ mà ngày xưa đã kéo dài những ngày hạnh phúc một cách ào ạt vào đêm tối và đã đập vỡ những chiếc ghế trong cơn giận dữ như thế nào. Tất cả nỗi đắng cay và phẫn hận của ông dâng lên trong người ông, và đồng thời một khát khao quyết liệt cho đứa bé, mà chỉ nội cái giọng nói và cái thoáng nhìn của nó cũng có thể đem đến cho ông niềm vui rồi.
Với những bước sải dài, ông bắt đầu đi ra đường. Nghe thấy tiếng bánh xe và ông đã dừng bước lại một cách sốt sắng. Không có gì cả. Một bác nông phu với chiếc xe chất đầy rau cải. Veraguth gọi y.
– Ông có chạy qua mặt một chiếc xe ngựa có hai đứa bé trai ngồi trong mui không?
Bác nông phu gật đầu mà không dừng lại, và con ngựa nông trại của y tiếp tục lắc lư cỗ xe chất đầy một cách vô tình trong buổi chiều mát dịu.
Khi ông bước đi, nhà họa sĩ cảm thấy cơn phẫn nộ của ông nguôi ngoai và lần hồi biến mất. Bước chân của ông trở nên thoải mái hơn, một sự mệt mỏi vỗ về tràn ngập người ông, và khi ông sải bước một cách ung dung trên đường, đồi mắt ông ngừng lại một cách đầy biết ơn trên cái miền quê tĩnh lặng phong nhiêu đang nằm nhợt nhạt và mát dịu trong làn ánh sáng nhạt nhòa của buổi chiều.
Ông vừa nghĩ tới các đứa con trai ông thì lúc ấy, sau khi ông đã bách bộ được nửa giờ, chiếc xe của chúng nó chạy về hướng ông. Nó chạy sát bên ông trước khi nó bắt gặp sự chú ý của ông, Veraguth dừng lại dưới cây lê lớn. Khi ông nhận ra gương mặt Albert, ông bước lui, không muốn cho chúng thấy ông và kêu ông.
Albert ngồi một mình bên ngoài. Pierre ngồi ngã nhoài trong góc xe, cái đầu trần của nó gục xuống và có vẻ như đã ngủ. Chiếc xe lăn qua và nhà họa sĩ nhìn theo nó, đứng bên cạnh đường đầy bụi cho đến khi nó biến mất không thấy nữa. Đoạn ông quay lại và bắt đầu đi về. Hẳn là ông muốn thấy Pierre, nhưng lúc đó gần như là tới giờ ngủ của thằng bé và Veraguth không muốn chường mặt mình ở nhà vợ ông ngày hôm đó.
Và như vậy, đi qua công viên, qua ngôi nhà, và đi qua cánh cổng, ông tiếp tục đi ra thị trấn, nơi đây ông dùng bữa tại một quán rượu và lật qua hết các tờ báo.
Vào lúc ấy các con trai ông đã về tới nhà từ lâu. Albert ngồi với mẹ cậu, kể cho bà nghe về cuộc hành trình, Pierre thì đã rất mỏi mệt, em không muốn dùng bữa, và bây giờ thì em đang nằm ngủ trên cái giường ngủ nhỏ xinh xắn của em. Khi thân phụ em đi qua ngôi nhà trên đường về nhà ông, thì không còn trông thấy ánh đèn nữa. Đêm êm đẹp không sao đã vây phủ công viên, ngôi nhà và chiếc hồ với sự tĩnh lặng tối đen, những giọt mưa lất phất mỹ miều rơi xuống từ một bầu trời bất động.
Veraguth vặn đèn trong căn phòng ngủ của ông và ngồi xuống bên chiếc bàn. Ông lấy một tờ giây viết thư và viết cho Otto Burkhardt. Những con mối cánh bé bỏng nhẹ lướt vào qua các cánh cửa sổ mở. Ông viết:
Bạn thân mến.
Có lẽ anh không mong nhận được thư tôi sớm đến như vậy. Nhưng vì lẽ bây giờ tôi viết đây nên chắc chắn là anh mong đợi nhiều hơn là tôi có thể trao gởi. Anh cho rằng sự minh bạch ấy đã đến với tôi, rằng hiện thời tôi đã thấy cái cách hoạt động tổn hại của cuộc sống của tôi một cách rõ ràng trong thiết đồ như anh tin rằng anh đã thấy. Tiếc thay, cái đó không phải là nguyên cớ. Vâng, đã có những tia chớp của mùa hè bên trong người tôi kể từ khi chúng ta nói đến những điều đó, và một đôi khi một mặc khải cực độ đau đớn đã nhìn trừng trừng vào mặt tôi; nhưng tuy vậy vẫn chưa phải là rạng đông.
Cho nên, anh thấy đó, tôi không thể nói tôi sẽ làm gì hoặc sẽ không làm gì từ sau đó trở đi. Nhưng chúng ta sẽ cùng đi với nhau. Tôi sẽ đến Ấn Độ với anh, làm ơn kiếm cho tôi một cái giường ngủ ngay sau khi anh biết kỳ hạn.
Tôi không thể ra đi trước cuối mùa hè, nhưng vào mùa thu càng sớm càng tốt.
Tôi muốn biếu anh bức họa mà anh thấy tại đây, bức họa với các con cá ấy, nhưng nó sẽ làm tôi hài lòng nếu bức họa ấy được ở lại Âu châu. Tôi sẽ gởi nó đến đâu?
Ở đây mọi sự điều như thường lệ. Albert đang chơi cái trò quý phái giả tạo, anh không thể tưởng tượng nổi chúng tôi đã đối xử với nhau một cách cung kính như thế nào, giống như các ông đại sứ của hai quyền lực đối nghịch.
Trước khi chúng ta lên đường, tôi mong anh sẽ lại đến Rosshalde lần nữa. Tôi phải chỉ cho anh xem một họa phẩm mà hiện thời nó sẽ hoàn tất bất cứ ngày nào. Đó là một tác phẩm đẹp, một điều tốt đẹp để kết thúc nghề nghiệp của tôi trong trường hợp các con cá sấu của anh có nhai ngâu nghiến kết thúc tôi, điều mà tôi phải nhận rằng, sẽ gây bất mãn cho tôi bất chấp tất cả mọi sự.
Bây giờ tôi phải đi ngủ đây, mặc dù tôi chẳng buồn ngủ.
Hôm nay tôi ở bên giá vẽ của tôi suốt 9 giờ đồng hồ.
Bạn anh,
Johann
Ông viết địa chỉ lên bức thư và để ngoài tiền sảnh cho Robert ngày hôm sau đem đi bỏ bưu điện.
Nhìn ra ngoài cửa sổ trước khi lên giường ngủ, nhà họa sĩ nghe tiếng xào xạc của cơn mưa mà ông đã không để ý trong khi đang viết thư. Cơn mưa rơi xuống trong những lằn êm dịu từ bóng tôi và trong một lúc lâu ông thức nằm đó lắng nghe như thể cơn mưa ấy rơi xuống trong tiếng kêu lách chách nho nhỏ đều đặn từ một thân cây đầy lá ướt sũng rơi xuống mặt đất khát nước vậy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.