Đêm hôm đó trên đường từ thị trấn trở về, Veraguth đã đi qua ngôi nhà một cách âm thầm rón rén, nơm nớp hướng về cánh cửa sổ còn thắp đèn sáng, cánh cửa cái mở rộng, hoặc là một giọng nói sẽ kể cho ông biết đứa con yêu dấu của ông vẫn còn bệnh và khốn khổ. Nhận thấy tất cả đều lặng yên và ngủ cả, ông cảm thấy nỗi hoảng sợ của ông đã tuột ra khỏi người ông giống như một bộ áo quần nặng nề ướt sũng, và lòng thầm tạ một cách sâu xa khi ông nằm thức trong giường ngủ. Một chốc trước khi sau cùng ông đã ngủ, ông mỉm cười nghĩ ngợi điều đó nó ít làm cho một tâm hồn ủ dột được cổ vũ phấn khích lên như thế nào. Mọi sự đã hành hạ ông và đè nặng lên người ông, tất cả cái gánh nặng khốn khổ đần độn của đời ông nó chẳng trở thành cái gì cả, trở nên nhẹ nhõm và vô nghĩa bên cạnh mối tình yêu thương khốn khổ của ông đối với đứa bé này, và chẳng chóng thì chầy cái bóng tối hắc ám đó cũng lùi dần và mọi sự trông sáng sủa hơn và toàn bộ cuộc đời ông hình như có thể chịu đựng nổi hơn.
Sáng hôm sau ông thức dậy trong sự sảng khoái và đi đến ngôi biệt trang vào một giờ sớm sủa khác thường. Thỏa mãn nhận thấy Pierrre vẫn còn ngủ một cách vô vàn hạnh phúc, ông dùng điểm tâm một mình với vợ ông – Albert vẫn chưa thức. Vì lẽ hàng năm trời Veraguth không hề xuất hiện bên bàn bà Adele vào cái giờ này, và bà đã ngó ông với sự ngạc nhiên gần như hồ nghi khi ông yêu cầu bà một cách bình dị nhưng với sự thân hữu, vúi vẻ cho một tách cà phê như trong những ngày xa xưa.
Sau cùng ông chú ý đến sự bứt rứt của bà và nhận ra việc ông xuất hiện vào cái giờ này trong ngày nó lạ thường như thế nào.
– Tôi vui thế kia, – Ông nói, trong một giọng nhắc gợi lại vợ ông những năm đầm ấm – Tôi vui vẻ thế kia cho nên chú bé hình như gần bình phục rồi. Điều chỉ vừa mới đến với tôi là tôi đã lấy làm quan ngại cho nó một cách nghiêm trọng.
– Phải, – Bà đồng ý – ngày hôm qua tôi không hài lòng nó gì hết cả.
Ông mân mê chiếc muỗng cà phê bạc và ném đến bà một cái nhìn gần như là chòng ghẹo, phản ảnh lờ mờ cái vui vẻ của con trẻ – bất thần vọt ra và chẳng mấy chốc qua ngay – đấy là một trong những phẩm tính mà ông đã âu yếm nhất đối với bà trong thời gian đã qua; một cái tỏa rạng mong manh mà chỉ có Pierre là đã được thừa kế.
– Phải, – Ông bắt đầu một cách vui vẻ – cái đó thực sự là điều phúc đức. Và sau cùng giờ đây tôi có thể bàn đến chương trình mới nhất của tôi với bà. Tôi nghĩ rằng bà phải đem cả hai đứa con đến St. Moritz để ở lại lâu dài vào mùa đông này.
Bà nhìn xuống vẻ lưỡng lự.
– Còn ông? – Bà hỏi – Ông có định vẽ tại đó không?
– Không, tôi sẽ không đi với bà. Tôi sẽ để cho bà ở một mình ít lâu, và tôi làm một cuộc hành trình. Tôi dự trù vào mùa thu rời khỏi nơi đây và đóng cửa họa phòng. Tôi sẽ cho Robert nghỉ việc. Cái đó hoàn toàn tuỳ bà, bà có thể ở lại mùa đông tại đầy ở Rosshalde nêu bà thích. Tôi sẽ không khuyên can gì. Tốt hơn là đi Geneve hoặc Paris và chớ có quên St. Moritz, nơi ấy sẽ tốt cho Pierre đây.
Bà nhìn lên ông, phân vân. “Ông đùa à”, bà nói một cách không tin.
– Ô, không đâu – Ông nói với cái mỉm cười nửa buồn bã – Tôi đã mất thói quen rồi. Tôi nghiêm trang và bà nên tin tôi. Tôi sẽ hành trình xuyên đại dương, tôi sẽ đi xa một thời gian.
– Một hành trình xuyên đại dương?
Bà đã cố gắng vất vả để tập trung các ý nghĩ của bà. Những gợi ý của ông, những lời nói bóng gió của ông, cái giọng điệu vui vẻ của ông, tất cả điều này đều là xa lạ và làm bà hồ nghi. Nhưng bất thần những chữ “hành trình xuyên đại dương” đã gợi dậy một hình ảnh: Bà thấy ông leo lên một con tàu, theo sau bởi các bác phu khuân vác với những chiếc va ly; bà nhớ đến các bác phu khuân vác của đoàn tàu chạy hơi nước và các du thuyền Địa Trung Hải mà chính bà đã có đi qua, và trong một khoảnh khắc bà đã hiểu tất cả.
– Ông đi với Otto! – Bà kêu lên.
Ông gật đầu.
– Phải, tôi sẽ đi với Otto.
Cả hai đều im lặng một lúc. Bà đã ý thức được cái tầm quan trọng của sự thông tri đó và đã hốt hoảng. Có phải ông đã có ý định rời bỏ bà, để cho bà tự do? Dù sao đi nữa, thì đó là cái cử chỉ nghiêm trọng đầu tiên của ông trong đường hướng ấy và bà đã thất kinh để ghi nhận cái điều ít xúc cảm biết bao, ít báo nguy hoặc hy vọng mà bà đã cảm thấy ở cái viễn cảnh ấy như thế nào, và nó cũng chẳng vui vẻ gì cả. Có lẽ đổi với ông thì một đời sống mới mẻ là điều khả hữu, còn đối với bà thì không. Bà sẽ có được một thời gian dễ chịu thoải mái hơn với Pierre; phải, bà sẽ chinh phục Pierre; nhưng bà sẽ luôn luôn là một người đàn bà bị bỏ rơi. Bà từng suy nghĩ đến điều khả thể này có tới hàng trăm lần, bà đã nhìn thấy nó như một hứa hẹn của giải thoát và tự do; nhưng hiện giờ có vẻ như điều khả thể ấy có thể trở nên sự thực, đã có lắm nỗi ái ngại, hổ thẹn và một ý thức lỗi lầm buộc ràng với điều đó cho nên bà mất cả hy vọng không có khả năng ao ước nó. Cái đó nên được xảy ra sớm hơn, bà cảm thấy thế, vào những ngày bão tố và đau khổ dữ dội, trước khi bà học được sự cam phận. Bây giờ thì nó đến quá muộn, đó là điều vô ích, nó không hơn gì là một đường vạch dưới công việc đã kết thúc rồi, một kết luận và sự xác nhận đắng cay của tất cả mọi sự mà đã che giấu và chỉ mới thú nhận có một nửa với chính mình; điều đó không còn duy trì một ngọn lửa của một đời sống mới mẻ nữa.
Veraguth đọc những nét chế ngự của vợ ông một cách chăm chú và ông cảm thấy ái ngại cho bà.
– Chúng ta sẽ cố gắng vậy – Ông nói giọng an ủi – Bà sẽ sống với nhau không bị rầy rà, bà và Albert – và còn Pierre nữa – thôi cứ cho là một năm đi. Tôi nghĩ thời gian ấy sẽ thuận tiện cho bà, và chắc chắn nó cũng sẽ là một điều tốt đẹp cho các đứa bé. Việc ấy có đè nặng lên lũ chúng một ít đấy… cái đó tại chúng ta không thu xếp đời sống của chúng ta tốt đẹp cho lắm. Và về phần mình chúng ta phải nhìn thấy sự việc rõ ràng hơn sau một cuộc chia tay kéo dài. Bà có nghĩ như thế không?
– Có lẽ – Bà nói nhỏ nhẹ – Đầu óc ông có vẻ đã quyết định rồi.
– Tôi đã viết cho Otto. Cái đó không dễ gì cho tôi, bà biết đây, chia tay tất cả lâu đến như vậy.
– Ông định nói Pierre.
– Phải, đặc biệt là Pierre. Tôi biết bà sẽ trông nom nó chu đáo. Tôi không thể mong gì bà nói với nó rất nhiều về tôi. Nhưng đừng để cho nó cũng giống như với Albert.
Bà gật đầu trong sự phản đối.
– Tôi không có chịu trách nhiệm về việc đó. Ông biết tôi đâu có muốn thế.
Một cách thận trọng, ông đặt tay lên vai bà với sự dịu dàng ngượng ngập vì đã lâu không làm thế.
– Ồ, Adele, đừng có nói trách nhiệm với không trách nhiệm. Cứ nói rằng tôi chịu trách nhiệm về tất cả mọi sự. Tôi chỉ muốn xin được như nguyện, còn chẳng có gì nữa cả. Tôi chỉ yêu cầu bà đừng để tôi đánh mất Pierre nếu chuyện ấy còn có thể giúp đỡ được. Nó vẫn còn là sợi dây ràng buộc giữa hai chúng ta. Cứ xem việc yêu thương nó đó là dành cho tôi chứ không phải làm cho nó quá khốn đôn vất vả.
Bà nhắm mắt lại như thể để che chở mình chống lại một điều cám dỗ.
– Nhưng nếu ông ở lại lâu như vậy – Bà nói một cách ngập ngừng – Nó sẽ là một đứa bé…
– Dĩ nhiên. Cứ để cho nó tiếp tục là một đứa bé. Cứ để cho nó quên tôi đi nếu chẳng có cách nào khác. Nhưng hãy nhớ rằng nó là một con tin mà tôi để lại cho bà và, hãy nhớ là tôi phải tin tưởng bà lắm mới có thể để nó lại cho bà đấy.
– Tôi nghe Albert đến kìa – Bà nói nhanh giọng thì thào – Nó sẽ có đây trong chốc lát. Chúng ta sẽ nói thêm một đôi điều nữa sau đó. Việc không giản dị như ông tưởng. Ông ban cho tôi sự tự do, tự do hơn là tôi chưa bao giờ có hoặc muốn, và đồng thời ông cũng đem đến cho tôi một trách nhiệm mà nó tước đoạt tất cả ý thức tự do của tôi. Hãy để cho tôi suy nghĩ ít lâu đã. Chính ông cũng không chọn cái quyết định này trong một giờ, cho tôi một ít thời gian nữa.
Có nghe tiếng bước chân bên ngoài cửa và Albert bước vô.
Ngạc nhiên thấy thân phụ cậu đang ngồi đó, cậu miễn cưỡng chào ông, hôn bà Adele và ngồi xuống dùng điểm tâm.
– Tôi lấy làm ngạc nhiên cho anh – Veraguth nói một cách hảo ý – Anh có thể ở lại kỳ nghỉ mùa thu của anh với má và Pierre bất cứ ở đâu anh thích, và vào dịp nghỉ giáng sinh nữa. Tôi sẽ đi xa trong nhiều tháng.
Cậu trai không thể che đậy niềm vui của mình, nhưng cậu ra vẻ cố gắng và nói giọng nhiệt thành:
– Ba sẽ đi đâu?
– Tôi hãy chưa biết chắc. Trước hết tôi sẽ đi Ấn Độ với Burkhardt.
– Ồ, xa đến thế à? Một thằng bạn học của tôi sinh trưởng tại đó, ở Tân Gia Ba, tôi nghĩ thế. Họ vẫn còn đi săn cọp tại đó.
– Tôi hy vọng thế. Nếu tôi bắn được một con cọp dĩ nhiên tôi sẽ mang da về. Nhưng hầu hết tôi muốn vẽ thôi.
– Tôi cũng nghĩ vậy. Tôi có đọc đâu đó một họa sĩ người Pháp ở một nơi nào đó ở miền nhiệt đới, trên một vài nội đảo ở Nam Thái Bình Dương, tôi nghĩ thế… cái đó phải là tuyệt diệu.
– Cái đó chỉ là cái gì tôi nghĩ tới thôi. Và trong khi ấy thì anh sẽ vui sướng và chơi một số nhiều âm nhạc và trượt tuyết. Nhưng bây giờ thì tôi sẽ đi xem coi chú bé con đang làm gì. Cứ ngồi đi.
Ông đã đi mất trước khi có bất cứ ai trả lời.
– Một đôi khi ba thật tuyệt diệu – Albert nói trong niềm vui của cậu – Một cuộc du hành đến Ấn Độ! Con thích đấy. Cái đó độc đáo đấy.
Mẹ cậu mỉm cười với sự khó khăn. Sự quân bình của bà đã bị rung chuyển, bà cảm thấy như thể là bà đang ngồi trên một cành cây bị cưa. Nhưng bà mỉm cười và tạo một sự biểu lộ thân mật; bà đã từng thực hành điều đó.
Nhà họa sĩ đi vào phòng Pierre và ngồi xuống bên cạnh giường ngủ của em. Ông lặng lẽ lấy cuốn sổ nhỏ vẽ phác ra và bắt đầu vẽ cái đầu và cánh tay cậu bé đang ngủ. Ông không muốn hành tội thằng nhỏ với những kiểu ngồi, nhưng nhất quyết vẽ phác em ta thường xuyên cũng như có thể vẽ được bao nhiêu tốt bấy nhiêu trong những ngày còn ở lại, và như vậy để ghi khắc hình ảnh em trong ký ức của ông. Với sự cẩn trọng dịu dàng ông nghiên cứu những hình thể yêu dấu, độ xiên tuột và đường rẽ của mái tóc thanh tú, cái mũi tuấn tú kiều diễm, cánh tay mảnh mai bất động và cái khoé miệng ngậm chặt lại một cách quí phái, bướng bỉnh ấy.
Ông ít khi nhìn thấy cậu bé trên giường ngủ, và trước đó ông chưa bao giờ thấy em ngủ khác hơn là với đôi môi há ra giống như bé con ấy. Quan sát cái miệng bộc lộ sự khôn trước tuổi đó, ông đã xúc động bởi sự tương tự với thân phụ ông, tức ông nội của Pierre, cụ là một người có tinh thần và giàu tưởng tượng nhưng là một người bồn chồn nôn nao dễ sợ. Khi ông nhìn đứa bé và phác họa em, ông đã hâm nóng lại trong cái trò chơi đầy ý nghĩa này mà thiên nhiên tạo vật đã đùa bỡn với những dung mạo và số mệnh của những người cha, những người con, cháu chắt, và sự phiền muộn âu lo, sự hấp dẫn, bí ẩn của cái tất yếu và biến dịch đã lướt qua đầu óc của một người mà ông ta không phải là một tư tưởng gia này.
Bất thần người ngủ thức dậy và nhìn vào mắt ba em, và Veraguth lại xúc động bởi cái phẩm chất nghiêm trang, không như con trẻ ở cái thoáng nhìn và thức giấc đó. Vội vàng ông dẹp bút chì đi và gấp cuốn sổ phác họa lại. Bây giờ ông cúi xuống đứa bé hôn lên trán em và nói một cách vui tươi:
– Chào con, Pierre. Con cảm thấy khỏe khoắn chớ?
Đứa bé mỉm cười sung sướng và bắt đầu duỗi tay chân. Ồ phải, em đã cảm thấy khỏe khoắn, khỏe khoắn nhiều. Dần dà em đã nhớ lại. Phải, ngày hôm qua em bị ốm, em vẫn còn có thể cảm thấy cái bóng dáng đe dọa của một ngày xui xẻo. Nhưng hiện giờ thì sự việc tốt đẹp hơn, em chỉ muốn nằm trên giường một chốc nữa, để thưởng thức sự nồng hậu của nó trong sự lặng lẽ biết ơn, rồi em sẽ ngồi dậy đi dùng điểm tâm và đi ra vườn với mẹ.
Veraguth đi gọi mẹ em. Pierre lóa mắt nhìn tới phía cửa sổ, ánh sáng ban mai tung tăng rực rỡ đang chiếu rọi qua những tấm màn màu vàng nhạt. Hiện giờ đây là một ngày đưa ra một vài hứa hẹn nào đó với hương thơm của mỗi lạc thú. Ngày hôm qua thật nông cạn, lạnh lùng và nặng nề biết bao! Em nhắm mắt lại để quên nó đi, và cảm thấy đời sống mỉm cười duỗi tay chân nó ra trong giấc ngủ uể oải của em.
Và hiện thời mẹ em đến với một quả trứng và một ly sữa, và ba em đã hứa với em những cây bút chì màu mới, tất cả họ đều yêu thương và trìu mến, sung sướng mà thấy em đã khỏe trở lại. Cái đó gần giống như một ngày sinh nhật, và cái việc không có bánh trái cũng không thành vấn đề, bởi vì thật ra thì em hãy chưa thấy đói.
Ngay sau khi đã mặc quần áo vào, một bộ đồ xanh thắm mùa hè, em đến gặp ba tại họa phòng. Em đã quên cái giấc mơ xấu xí hôm qua, nhưng nó vẫn. còn một hồi thanh run rẩy, mờ nhạt của nỗi khiếp đảm và khốn khổ trong tâm hồn em, và giờ đây em phải nhìn ngắm và thưởng thức ánh dương quanh và tình yêu ở xung quanh em, và để chắc chắn rằng chúng thực sự có đấy.
Thân phụ em, ông đang đo cái khung cho một họa phẩm mới của ông, đã rất đỗi vui mừng khi thấy em. Nhưng Pierre không định ở lại lâu lắm, em chỉ muốn ngỏ lời chào buổi sáng và để cho mình được tưng tiu một chút thôi. Rồi em phải tiếp tục đi để xem con chó, các con bồ câu, và Robert và ngó qua nhà bếp, và chào mừng hết cả bọn họ trở lại và lại chiếm hữu bọn họ. Đoạn em đi ra vườn với mẹ và Albert, và đôi với em thì hình như một năm trời đã trôi qua kể từ lúc em nằm lăn ra khóc lóc trên cỏ ấy. Em không cảm thấy thích đánh đu, nhưng em đã đặt tay lên cái đu. Rồi em đi xem các bụi cây và các luống hoa, lúc bấy giờ một hoài niệm đen tối như một cuộc sống trước kia đã đến với em, như thể em đã một lần đánh mất nó giữa các luống hoa, mất mát, bơ vơ và buồn bã khôn nguôi. Bây giờ thì mọi sự đều rực rỡ và sinh động trở lại, lũ ong lại kêu vo vo và không khí lại nhẹ nhàng và hớn hở để thở.
Má em đưa cho em chiếc giỏ hoa để cầm, bà để vào đó những chiếc hoa cẩm chướng và những chiếc hoa thược dược to tướng, và giữa khi ấy thì em đã kết một bó hoa riêng, em định bụng sẽ mang về cho ba em sau đó.
Khi họ trở lại nhà, thì em đã mỏi mệt. Albert đề nghị chơi đùa với em, nhưng trước hết em muốn nghỉ ngơi một chút đã. vẫn còn cầm bó hoa của ba, em ngồi tuột sâu vào chiếc ghế mây to lớn của mẹ em trên mái hiên. Cảm thấy mỏi mệt một cách dễ chịu, em nhắm mắt lại, quay về phía mặt trời, và lấy làm thích thú ở tia nắng đỏ ấm áp chiếu qua đôi mi em. Rồi em vui vẻ nhìn xuống bộ y phục tươm tất đẹp đẽ của em và đưa đôi giày vàng óng của em ra ánh nắng, tuần tự thay nhau chiếc phải rồi chiếc trái. Em nhận thấy thú vị được ngồi yên lặng như thế này và hơi uể oải trong sự khuây khỏa và sạch sẽ; chỉ có cái mùi hoa cẩm chướng là quá nồng. Em đặt bó hoa xuống và đẩy qua bên kia bàn, đẩy xa chừng nào mà tay em sẽ đẩy được. Em sẽ phải đem nhúng nước bó hoa ngay, hay là bó hoa sẽ héo xèo trước khi ba thấy nó.
Em nghĩ đến ba em với lòng âu yếm lạ thường. Bây giờ thì hôm qua đã xảy ra việc gì? Em đã đến gặp ông tại họa phòng, ba đang làm việc và không có thì giờ, ba đang đứng tại bức tranh của ba, trơ trọi một mình, làm việc chuyên cần và hơi buồn. Cho tới bây giờ, em có thể nhớ lại tất cả mọi việc một cách đích xác. Nhưng rồi cái gì? Không phải em đã gặp ba ở khu vườn sau đó sao? Em cố nhớ lại. Phải, ba em đang đi lui đi tới trong vườn, một thân trơ trọi với một gương mặt bất hạnh, lạ lùng, em muốn gọi lên cho ông biết… Việc gì đã xảy ra? Một cái gì ghê gớm và khiếp đảm đã xảy ra hôm qua, hay là em đã nghe về điều đó ngày hôm qua, và em không thể tìm ra manh mối trở lại.
Dựa mình vào sâu trong lòng ghế, em dõi theo các ý nghĩ của em. Mặt trời chiếu vàng rực và ấm áp trên hai đầu gổì em, nhưng một cách rất dần dà nỗi vui sướng của em đã rời khỏi em. Em cảm thấy các ý nghĩ của em càng lúc càng đến gần hơn với điều ghê gớm đó, và em cảm thấy rằng ngay khi em nhận ra nó, nó sẽ có sức mạnh trên người em trở lại; nó đang đứng phía sau em, chờ đợi. Hễ khi nào ký ức của em tiến đến cái đường vạch chia lìa đó, thì một cảm giác nôn mửa và choáng váng dâng lên trong người em, và đầu em bắt đầu nhức nhối.
Những đóa hoa cẩm chướng đã quấy rầy em với cái mùi nồng nặc của nó. Chúng đang nằm trên cái bàn mây đầy nắng và đã nhạt màu; nếu em muốn đem cho ba em các đóa hoa ấy thì hiện giờ là thời gian ấy đây. Nhưng em không còn cảm thấy thích thế nữa, hoặc, đúng hơn, em cảm thấy thích thế nhưng em mỏi mệt thế kia và ánh nắng đã làm tai hại cho đôi mắt em. Và một điều hơn hết cả là em phải suy nghĩ và nhớ lại việc gì đã xảy ra hôm qua. Em cảm thấy rằng em rất gần gũi với cái đó, rằng các ý nghĩ của em chỉ vươn ra là đạt tới cái đó, nhưng mỗi lần nó đều tan tác và biến mất.
Chứng nhức đầu của em đã trở nên tệ hại. ồ, tại sao nó phải có chi vậy? Hôm nay em đã sung sướng thế kia mà.
Bà Adele từ lối cửa gọi lên tên em và một khoảnh khắc sau đó bà đi ra. Bà thấy các đóa hoa nằm dưới ánh nắng và sắp sửa đi lấy nước cho Pierre, nhưng rồi bà nhìn đến em và thấy em nằm nhoài trong chiếc ghế với những giọt nước mắt to lớn trên đôi má.
– Pierre, con, có việc gì thế? Phải con không được khỏe à?
Em nhìn đến bà không nhúc nhích và nhắm mắt lại.
– Trả lời mẹ đi cưng, có việc gì thế? Con có muốn đi ngủ không? Chúng ta sẽ chơi trò chới chứ? Phải con bị đau nhức không?
Em gật đầu và làm một bộ mặt không thân thiện, như thể bà quấy rầy em vậy.
– Hãy để con một mình, em thì thào.
Và khi bà đỡ em ngồi thẳng dậy và choàng tay bà quanh người em, trong khoảnh khắc em đã phát giận như thể trong cơn phẫn nộ và kêu hét lên trong một giọng cao vút khác thường: “Ồ, để con một mình!”
Một chốc sau đó sự phản kháng của em đã ngưng, em tuột xuống dưới tay bà và khi bà đỡ em dậy, em rên rỉ một cách yếu ớt, để cái mặt xanh xao nhợt nhạt của em rủ xuống tới trước, và đã quằn quại trong một cơn nôn mửa ra.