Đâu Mái Nhà Xưa

CHƯƠNG 14



Gấp rút vội vàng hình như cũng không giúp được gì. Pierre nằm co quắp trên giường, tách tra của em vẫn chưa đụng tới. Riêng về phần có thể được, các người khác để em yên tĩnh, bởi vì em không bao giờ trả lời khi được nói đến và chùn lại một cách tức tối khi có bất kỳ ai bước vào căn phòng. Thỉnh thoảng mẹ em ngồi bên cạnh giường em, nửa lẩm bẩm, nửa hát những lời dịu dàng và vỗ về. Bà cảm thấy khó chịu lạ lùng; đối với bà thì chú bé bệnh nhân đó có vẻ như đã vây bọc quanh mình một nỗi sầu muộn kín đáo một cách bướng bỉnh. Em không đáp ứng với bất kỳ câu hỏi nào hoặc vỗ về hoặc gợi ý, nhìn trừng trừng một cách buồn bã vào khoảng không, và không chứng tỏ muốn ngủ hoặc chơi hoặc uống hoặc đọc nữa. Viên bác sĩ đã đến hai ngày liên tiếp; ông nói ít và dặn dò đắp nước nóng. Rất nhiều giờ Pierre nằm nửa thức nửa ngủ như là cơn sốt đến, nói những lời lầm bầm không thể hiểu được trong sự trấn áp của cơn hôn mê như nằm mơ.
Veraguth đã đi vẽ ở bên ngoài trong nhiều ngày. Khi ông về nhà vào lúc chạng vạng, ông đã dò la tin tức về đứa bé. Vợ ông yêu cầu ông đừng đi vô phòng bệnh bởi vì Pierre phản ứng một cách bén nhạy thế kia với sự xáo động nhỏ nhất và hiện tại hình như em đã thiu thiu ngủ. Vì lẽ bà Adele không phải là người hay nói và kể từ khi có cuộc đàm đạo của họ mới đây hình như đã cảm thấy ngượng ngập trước sự hiện diện của ông, ông không hỏi thêm nữa và lặng lẽ đi tắm. Ông ở lại buổi chiều trong sự xao động ấm áp, thú vị mà ông luôn luôn cảm thấy thế trong khi chuẩn bị cho một tác phẩm mới. Ông đã vẽ nghiên cứu nhiều và dự định tấn công chính vào họa phẩm ấy ngày hôm sau. Với thỏa mãn ông tuyển chọn giấy cạc tông và khung họa, sửa lại một số giá vẽ đã bị lỏng ở các góc, tập trung cọ và tất cả các thứ vật liệu để vẽ, và sửa soạn cho mình như thể cho một cuộc hành trình ngắn, ngay cả còn sẵn sàng nhận đầy bao thuốc hút, ống điếu và diêm quẹt của ông, trong cung cách của một nhà du lịch dự định leo núi vào buổi sáng và biết rằng không có cách nào khác dành ra những giờ mong đợi trước khi đến giờ ngủ hơn là một cách yêu quý nghĩ ngợi đến cái ngày tới và để làm sẵn sàng mỗi vật vặt vãnh mà y sẽ cần tới.
Sau đấy ông làm cho mình bình tĩnh với một ly rượu vang và xem qua thư từ buổi chiều. Có một bức thư vui vẻ, trìu mến từ Burkhardt, người mà với sự tỉ mỉ từng chi tiết một của một bà nội trợ giỏi đã tái bút một danh sách mọi đồ vật mà Veraguth sẽ đem theo trong cuộc hành trình của ông. Với niềm vui Veraguth đọc trọn hết cái bảng danh sách ấy, chẳng sót một món nào cả dù là các cái dây thắt lưng bằng len hoặc các quần lót tắm biển, dù là y phục ban đêm hoặc các đôi ghệt. Ở cuối danh sách ấy Burkhardt viết bằng bút chì: “Tôi sẽ lo mọi điều khác nữa, kể cả những cái phòng riêng trên tàu của chúng ta. Đừng có để bất kỳ kẻ nào bảo anh mua những hóa phẩm chống say sóng hoặc văn học Ấn Độ nhé. Tôi sẽ lo tất cả các thứ ấy cho”.
Mỉm cười, ông quay sang một cuộn giấy cạc tông lớn gồm có một số bản khắc bằng axít mà nhà họa sĩ trẻ vùng Diisseldorf đã gởi đến ông với sự đề tặng cung kính. Hôm nay ông dành thì giờ cho những việc như vậy vì ông đang vui, ông xem xét các bản khắc ấy với sự thận trọng và chọn bản đẹp đẽ nhất cho các cặp đựng giấy tờ của ông; ông sẽ cho Albert số còn lại. Ông đã viết cho nhà họa sĩ một thư ngắn thân mật.
Sau cùng, ông dỡ tập vẽ phác của ông ra và nghiên cứu chi tiết nhiều họa phác mà ông đã vẽ. Ông không hoàn toàn bằng lòng với bất cứ bức nào trong số đó, ông sẽ cố gắng lại vào hôm sau, đem vào ít nhiều quan điểm, và nếu bức họa vẫn chưa đúng thì ông sẽ tiếp tục cho đến khi ông có họa phẩm ấy. Dù sao đi nữa, hôm sau ông sẽ làm việc chăm chỉ, cái còn lại phải do nó trông nom lấy. Và họa phẩm này sẽ là lời từ biệt của ông với Rosshalde; đây không còn ngờ chi là một tác phẩm phong cảnh gây ấn tượng và hấp dẫn nhất trong vùng, và nó sẽ không phải không có cái gì cả, ông hy vọng là ông còn có thì giờ và lại đình hoãn họa phẩm ấy. Đây là một đề tài mà không thể nào giải quyết trong một bức họa phác lanh lẹ cho được, nó đòi hỏi sự cân nhắc đắn đo cẩn thận. Sau này tại miền nhiệt đới ông lại sẽ hứng thú mạo hiểm với những cuộc tấn công nhanh nhẹn vào thiên nhiên, với những khó khăn, thất bại và chiến thắng của nó.
Ông đi ngủ sớm và ngủ rất say cho đến khi Robert đánh thức ông dậy. Rồi ông thức dậy trong sự hối hả vui thú, run rẩy trong không khí lạnh buốt buổi mai, đứng uống một tách cà phê, trong khi hối thúc Robert nhanh lên, chú phải mang các khung họa, ghế dựa, và hộp sơn cho ông. Một lát sau đó ông rời khỏi căn nhà và biến mất vào trong những cánh đồng nhợt nhạt buổi mai, có Robert đi theo. Ông định tạt vào nhà bếp để hỏi xem Pierre có được một đêm yên tĩnh không, nhưng nhận thấy ngôi nhà còn đóng cửa và không có ai thức cả.
Bà Adele đã ngồi thức một phần đêm với cậu bé, em có vẻ như hơi bị sốt nhẹ. Bà lắng nghe tiếng lầm bầm không mạch lạc của em, nghe mạch em đập, và sửa em nằm ngay thẳng trên giường. Khi bà nói chúc em ngủ ngon và hôn em, thì em mở mắt ra và nhìn vào mặt bà nhưng không trả lời. Đêm thật yên tĩnh.
Pierre thức dậy khi bà đi vô phòng em vào buổi sáng. Em không muốn dùng điểm tâm nhưng hỏi xin một quyển sách hình. Mẹ em đi lấy quyển sách ấy. Bà kê một chiếc gối khác dưới đầu em, kéo các tấm màn cửa sổ qua một bên, và đặt quyển sách vào đôi tay Pierre; nó mở ra một bức hình mà em đặc biệt ưa thích, phô bày một chiếc hoa hướng dương to lớn vàng óng lóng lánh.
Em nâng quyển sách lên mặt, ánh mai tưng bừng rực rỡ chiếu rọi trên trang giấy. Nhưng trong khoảnh khắc một cái bóng đen của sự đau đớn và thất vọng phủ qua cái gương mặt mẫn cảm của em.
– Ự, nó hại rồi! – Em kêu lên trong sự hành hạ và để quyển sách rơi xuống.
Bà bắt gặp và cầm nó đưa lên mắt em trở lại.
– Nhưng đây là hoa hướng dương mà con thích ghê lắm đó. – Bà dỗ dành.
Em đưa tay ngang trước mắt em.
– Không, mang nó đi đi. Nó có cái màu vàng vọt ghê tởm thế kia!
Với một tiếng thở dài bà lấy quyển sách đi. Có thể có vấn đề gì với thằng bé. Bà đã từng biết tính tình và sự dồi dào cảm xúc của em, nhưng em chưa bao giờ có như thế này cả.
– Mẹ có một ý kiến, bà nói đầy hy vọng. Giả thử mẹ mang cho con một tách trà xinh xắn và con có thể bỏ đường vào và có một khúc bánh bông lan xinh xinh để ăn với trà nhé.
– Con không muốn đâu!
– Thử cố xem. Rồi con sẽ thấy, cái đó sẽ làm cho con khỏe khoắn.
Em ném đến bà một cái nhìn khổ hình, phẫn nộ.
– Nhưng con không muốn đâu!
Bà rời căn phòng và ở lại bên ngoài một ít lâu. Em chớp mắt với ánh sáng, nó có vẻ như chói lói và làm em khó chịu lạ lùng. Em quay mặt đi. Sẽ chẳng bao giờ lại có được bất cứ sự tiện lợi nào, bất kỳ một chút thích thú, bất cứ một chút niềm vui nào cho em chăng? Rên rỉ, em vùi mặt xuống gối và một cách giận dữ cắn vào vải gai mềm mại, vô vị đó. Đây là một hồi thanh lãng đãng mù khơi của cái thuở ấu thơ trước nhất của em. Khi như là một đứa bé rết nhỏ, em đã được đặt lên giường và giấc ngủ không đến nhanh, việc cắn vào chiếc gối và nhai nó một cách nhịp nhàng đó đã là thói quen của em, cho đến khi em trở nên mệt mỏi và rơi vào giấc ngủ. Bây giờ em lại làm việc đó và như vậy lần hồi đã làm em rơi vào một sự im lặng tê dại đã làm cho em cảm thấy tót hơn. Lúc bấy giờ em nằm lặng yên.
Một giờ sau mẹ em trở lại. Bà cúi trên người em và nói:
– Nào, bây giờ Pierre sẽ là một đứa bé ngoan trở lại chứ? Trước đây con rất bướng bỉnh và mẹ buồn lắm đó nghe.
Vào những lần trước kia thì điều này đã là một liều thuốc mạnh mà em ít khi chống chế. Bây giờ khi bà nói những lời ấy, bà gần như sợ rằng em sẽ coi những lời ấy quá nhiều cho con tim và trào nước mắt ra. Nhưng hình như em chẳng để ý, và khi bà hỏi em với một giọng nghiêm trang: “Con có biết là trước đây con mất dạy không?” thì môi em trề ra một cách gần như khinh miệt và em nhìn đến bà với cái nhìn hoàn toàn lãnh đạm.
Đúng lúc đó viên bác sĩ đến.
– Em có mửa lại không? Không chứ? Tốt. Và em có một đêm yên lành chứ? Điểm tâm cho em ăn cái gì nào?
Khi ông ẵm cậu bé ngồi lên giường, và quay mặt em về phía cửa sổ, thì Pierre nhăn nhó với sự đau đớn và nhắm mắt lại. Viên bác sĩ đã xúc động bởi cái nhìn đột biến và thống khổ dữ dội trong gương mặt cậu bé.
– Có phải em cũng không chịu nổi tiếng động? – Ông hỏi bà Adele giọng thì thầm.
– Phải – Bà nói khẽ – Chúng tôi không thể còn chơi đàn dương cầm được nữa, cái đó khiến cháu nó thất vọng.
Viên bác sĩ gật đầu và kéo các tấm màn lại một nửa. Đoạn ông ẵm cậu bé ra khỏi giường, lắng nghe tim em, và gõ các đường gân ở dưới xương bánh chè với một cái búa con.
– Đúng vậy đó – Ông nói trong một giọng thân mật – Chúng tôi sẽ không quấy rầy em nữa đâu, chú bé ạ.
Ông cẩn thận đặt em lại giường ngủ, nắm lấy tay em và mỉm cười với em.
– Có thể nào tôi tạt vô bà một chút được chăng? – Ông hỏi bà Veraguth với một giọng lịch sự và bà đưa ông ta vào phòng khách của bà.
– Bây giờ hãy kể cho tôi nghe về đôi điều về đứa con trai của bà – Ông nói giọng khuyến khích – Đối với tôi thì có vẻ như em rất dễ bị kích động; chúng ta sẽ phải săn sóc chu đáo cho em một thời gian, bà và tôi. Việc hỗn loạn bao tử em chẳng có gì. Tuyệt đối em phải bắt đầu trở lại. Các thức ăn tốt lành sẽ tạo ra sức mạnh cho em: trứng, súp bò lọc lấy nước, kem tươi, cố cho em ăn lòng đỏ trứng. Nếu em thích ăn ngọt thì đập trứng ra trong một cái tách với đường. Và bây giờ xin cho tôi biết, bà có chú ý bất cứ điều gì khác nữa không?
Hoảng kinh tuy đã được yên tâm bởi giọng nói thân mật, tự tin của ông ta, bà đã tường trình. Điều làm bà sợ hơn hết là sự lãnh đạm của Pierre, cái đó như thể là em không còn yêu thương bất kỳ ai nữa cả. Tất cả đối với em đều như nhau dù ta nói một cách tử tế ân cần với em hay mắng mỏ em. Bà kể cho bác sĩ nghe chuyện cuốn sách và ông lắc đầu.
– Cứ để em làm theo ý của em – Ông nói, đứng dậy – Hắn bệnh và trong giây lát hắn không thể không cư xử tệ hại. Để cho em nghỉ ngơi được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Nếu em bị nhức đầu, bà có thể đắp nước đá cho em. Và vào buổi chiều cho em tắm nước ấm lâu càng tốt, cái đó sẽ làm cho em ngủ được.
Ông ngỏ lời ra đi và sẽ không để bà đưa ông xuống thang lầu.
– Nhất định hôm nay phải cho em ăn một cái gì đó. – Ông bác sĩ nói khi ông ra đi.
Xuống dưới nhà, ông đi qua cánh cửa mở của nhà bếp và hỏi người giúp việc của Veraguth.
– Gọi Robert sang – Chị bếp gọi người tớ gái – Chắc hắn có ở họa phòng.
– Không hề gì – Viên bác sĩ nói – Tôi sẽ đi qua đó. Không, đừng có làm phiền, tôi biết đường đi.
Ông ta rời nhà bếp với một lời nói mập mờ. Rồi bất thần trang trọng và trầm ngâm, ông chẫm rãi bước xuống con đường dưới những cây dẻ.
Bà Veraguth suy nghĩ đắn đo mỗi lời mà bác sĩ đã nói và bà không thể hoàn toàn quyết định được. Rõ ràng là ông cho cơn bệnh cua Pierre trầm trọng hơn trước, nhưng thật ra ông chẳng nói gì gây hoảng sợ, và ông đã điềm tĩnh và bình dị thế kia nên khó mà nghĩ rằng có bất cứ điều gì nguy hiểm quan trọng. Hình như đó là một trạng thái yếu đuối và dễ bị kích động nó sẽ qua đi với sự kiên tâm và săn sóc chu đáo.
Bà đi vào phòng âm nhạc và khóa chiếc đàn dương cầm lại vì sợ rằng Albert có thể quên đi và khởi sự đánh đàn. Và bà đã tự hỏi có căn phòng nào đây để bà có thể dời cây đàn dương cầm đi nêu việc này sẽ tiếp tục trong một thời gian dài.
Cứ mỗi vài phút bà vào xem thử Pierre như thế nào, mở cánh cửa của phòng em một cách cẩn thận và lắng nghe để xem nếu em ngủ hay là rên rỉ. Mỗi lần em đều nằm thức ở đó, nhìn thẳng tới trước một cách hờ hững và bà buồn rầu bỏ đi. Thà là bà sẽ săn sóc trông nom cho em trong cơn hiểm nghèo và đau đớn hơn là thấy em nằm đó khép kín thế kia, buồn bã và lãnh đạm thế kia; cái đó đối với bà có vẻ như hai người bọn họ đã bị chia cách ra bởi một khoảng cách của giấc mộng lạ lùng, một chướng ngại vật đầy sức mạnh, đáng sợ mà tình yêu thương và sự chăm sóc của bà không thể chọc thủng nó được. Một kẻ thù phản phúc, đáng ghét nằm trong bụi; bản chất và chủ đích độc ác của hắn xa lạ với bà và bà không có vũ khí để chống lại hắn. Có lẽ cậu bé sẽ lộ ra chứng ban đỏ hoặc một vài chứng bệnh trẻ con khác.
Phiền muộn, bà nghỉ ngơi một lúc trong phòng bà. Một bó trần châu mai đập vào mắt bà. Bà cúi xuống trên chiếc bàn tròn gỗ đào hoa tâm, màu gỗ nâu sẫm sáng bóng đậm đà và ấm cúng dưới chiếc khăn trải có lỗ. Bà nhắm mắt lại và vùi mặt vào những đóa hoa êm mịn mùa hè, mà cái hương vị ngọt nồng của nó, khi bà hít thở sâu vào, đã có một lời thầm thì cay đắng một cách lạ lùng.
Khi bà đứng dậy, hơi bị tê cóng, và để đôi mắt bà bơ phờ thơ thẩn trên các đóa hoa, cái bàn, căn phòng, thì một làn sóng của nỗi buồn thảm đắng cay dâng lên trong người bà. Bất thần đầu óc bà trở nên hoảng sợ, bà nhìn quanh căn phòng và dọc theo các bức vách, và lập tức nhìn đến tấm thảm, cái bàn với các bông hoa trên đó, chiếc đồng hồ, và các bức họa trông lạ lùng và không ăn nhập gì với nhau; bà thấy tấm thảm cuộn lên, các bức tranh xếp lại, và tất cả đồ đạc được chất lên một chiếc xe hàng sẽ mang đi tất cả đồ vật này, bây giờ không nhà hoặc người, mang đi tới một nơi mới mẻ, xa lạ, lãnh đạm. Bà thấy Rosshalde đứng hoang vắng với các cánh cửa cái và cửa sổ đóng lại, và bà cảm thấy nỗi bơ vơ và buồn thảm của sự chia tay nhìn trừng trừng đến bà từ các luống hoa của khu vườn.
Chỉ trong một vài giây phút tất cả cái đó cùng đến một lượt. Cái cảm giác ấy đến và đi giống như một tiếng kêu hạ giọng nhưng khẩn thiết từ trong bóng tối, giống như sự phóng chiếu một cách vắn tắt từng mảnh cái hình ảnh của tương lai. Và tư tưởng dâng lên một cách rõ ràng với ý thức của bà từ cái cõi mù mịt của cảm tính rằng chẳng mấy lâu nữa bà sẽ là kẻ không nhà với Albert và với Pierje bệnh hoạn của bà, chồng bà sẽ rời bỏ bà, và cái nỗi lạnh lùng bơ vơ trông trải của những năm không có tình yêu sẽ nằm trong linh hồn bà suốt cả thiên thu. Bà sẽ sống cho các đứa con của bà, nhưng bà sẽ chẳng bao giờ tìm thấy trở lại cái đời sống diễm lệ của bà mà bà đã hy vọng Veraguth sẽ trao tặng cho bà, và cái đòi hỏi kín đáo mà bà đã không ngừng tích lũy và nâng niu cho đến ngày hôm qua và ngày nay. Về cái đó nó đã quá muộn. Và điều tỉnh mộng sự hiểu biết đó của bà đã làm bà lạnh buốt tâm hồn.
Nhưng cái bản chất cường tráng của bà trỗi dậy ngay để tự vệ. Những ngày âu lo và bất nhất nằm trước mặt bà, Pierre thì đau ốm, và kỳ nghỉ hè của Albert chẳng mấy lâu sẽ chấm dứt. Nó sẽ không thể được, đúng là nó sẽ không làm cho bà yếu đuối hiện giờ và nghe những giọng điệu ở dưới đất. Trước nhất Pierre phải khỏe mạnh trở lại và Albert trở lại trường học và Veraguth ở Ấn Độ, rồi bà sẽ xem, rồi sẽ vẫn còn nhiều thời gian để nổi loạn chống lại cái định mệnh của bà và khóc cho tới khô nước mắt. Bây giờ nó là vô chủ đích, bà không phải thế, cái đó nó ở ngoài vấn đề.
Bà đặt cái bình hoa trân châu mai ra ngoài bệ cửa sổ. Bà đi vô phòng ngủ, đổ nước hoa lên chiếc khăn tay và lau trán bà, xem xét kiểu uốn tóc công phu cẩn thận của bà trong gương, và bước đi với những bước chân đều đặn, điềm tĩnh xuống nhà bếp để làm một cái gì đó cho Pierre ăn.
Rồi bà đi vô phòng cậu bé, đỡ em ngồi dậy, bất kể những cử chỉ chống đối của em, cẩn thận và không cười đút cho em ăn lòng đỏ trứng. Bà lau miệng em, hôn em trên trán, và sửa giường em ra nệm thẳng thóm và bảo em bây giờ hãy là một đứa bé ngoan và hãy ngủ đi.
Khi Albert trở về nhà từ một cuộc bách bộ, bà dắt cậu ta ra ngoài mái hiên, nơi có những miếng mái che nắng màu nâu và trắng được căng thẳng ra, đập phần phật trong cơn gió hiu hiu mùa hè.
– Ông bác sĩ lại có mặt tại đây. – Bà bảo cậu. – Ông nói rằng có một cái gì sai trật với bộ thần kinh của Pierre và nó phải được yên tĩnh bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Mẹ rất tiếc về phần con, nhưng hiện thời thì không thể chơi đàn dương cầm gì nữa trong nhà. Mẹ biết điều đó làm con khó chịu đấy cưng ạ. Có lẽ sẽ là một ý kiến tốt cho con để đi xa một ít ngày trong khi thời tiết tốt, đến các rặng núi hay là đi Munich? Ba chắc chắn không phản đối đâu.
– Xin cảm ơn mẹ, mẹ rất tử tế. Có thể con sẽ đi một ngày, nhưng không hơn nữa. Mẹ không có ai ở lại với mẹ trong khi Pierre nằm trên giường. Và ngoài ra, con phải bắt đầu làm bài tập của con, con đã hoang phí thì giờ cho đến hiện nay. Ước gì Pierre mạnh khỏe ngay!
– Đó là một đứa bé ngoan đấy, Albert ạ. Thật ra không phải thời kỳ dễ dàng cho mẹ, và mẹ lấy làm hài lòng có con ở đây. Và rốt cuộc thì con đã hòa hợp tốt hơn với ba chớ, có phải không?
– Ồ phải, từ khi ổng quyết định bỏ đi. Vả lại, con ít gặp ổng thế kia. Ba vẽ suốt cả ngày. Mẹ biết đấy, một đôi khi con cảm thấy hối tiếc rằng con đã gắt gỏng với ổng – ồ dĩ nhiên là ổng đã hành hạ con, nhưng có một cái gì về ổng luôn luôn gây ấn tượng cho con. Ba là người có sức chịu một cách dễ sợ, ổng không biết mấy về âm nhạc, nhưng ba là một nghệ sĩ vĩ đại và ba đã dành đời ba cho việc làm ấy. Đấy là cái gì cũng làm con cấm kích nữa. Ba không làm bất cứ cái gì cho danh tiếng của ba, và cũng chẳng phải vì tiền nữa: đó không phải là cái gì ba làm việc cho nó.
Cau mày lại, cậu sờ soạng tìm những lời nói ấy. Nhưng cậu không thể diễn tả như điều cậu mong muốn, mặc dầu đó là một cảm giác rất minh bạch. Mẹ cậu mỉm cười và vuốt đuôi mái tóc cậu.
– Chiều nay chúng ta sẽ đọc Pháp ngữ với nhau chứ? – Bà hỏi giọng vuốt ve.
Cậu gật đầu và rồi cậu cũng mỉm cười, ở khoảnh khắc đó nó đã xúc động bà như một điều vô lý không thể tin được rằng chỉ một chốc trước đó thôi bà có thể đã không mong mỏi ao ước bất kỳ số phận nào hơn là để sống với các đứa con trai của bà.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.