Đâu Mái Nhà Xưa

CHƯƠNG 16



Pierre chịu đau đớn và thân phụ em gần như ngồi suốt ngày với em. Cậu bé cứ nhức đầu không ngớt; em thở gấp gáp và cứ mỗi hơi thở là có một tiếng rên ngắn, đau đớn. Có lúc cái thân hình bé tí ốm o của em rung lên với những cơn run rẩy ngắn hoặc tê cứng và cong vồng lên. Rồi tới một lúc lâu em nằm hoàn toàn yên lặng, và sau cùng em bị chế ngự bởi một cơn ngáp giật bắn người lên. Rồi em ngủ trong một giờ, và khi em thức dậy lại có tiếng tiếp tục thở dài, rõ ràng, quen thuộc như trước với mỗi hơi thở.
Em không nghe những gì được nói với em và khi họ nâng em dậy gần như bằng sức mạnh và đút thức ăn vào miệng em, em ăn một cách lãnh đạm như máy. Các tấm màn đều buộc cứng lại và trong làn ánh sáng lờ mờ ấy Veraguth ngồi một lúc lâu cúi xuống trên đứa bé, quan sát với con tim lạnh buốt là làm thế nào mà cái đặc chất thanh tú dịu dàng từ cái này đến cái kia đã biến khỏi gương mặt quen thuộc đáng yêu của đứa bé và biến mất. Cái gì còn lại là một gương mặt xanh xao, già nua trước tuổi, một cái mặt nạ với những diện mạo đã bị giản lược đi, mà trong đó không có gì có thể đọc ra ngoại trừ sự đau đớn, ghê tởm và kinh hoàng sâu đậm.
Đôi khi, lúc cậu bé thiu thiu ngủ, người cha thấy cái gương mặt biến hình đó dịu lại và phục hồi cái dấu vết quyến rũ bị mất mát của em, và lúc ấy ông nhìn một cách cố định, với tất cả lòng khao khát nhiệt thành cho tình yêu của ông, một lần và rồi một lần nữa để khắc ghi cái đứa bé yêu dấu đang hấp hối đó vào đầu óc ông. Lúc bấy giờ đối với ông có vẻ như trong suốt cả cuộc đời của mình chưa bao giờ biết đến tình yêu là gì, chưa bao giờ cho đến những giây phút ngồi nhìn này.
Dù rằng một thời gian dài bà Adele chẳng ngờ vực gì cả; sự căng thẳng và xa vắng lạ lùng của Veraguth chỉ làm cho bà chú ý một cách dần dà và cuối cùng làm nổi dậy sự ngờ vực của bà, nhưng đó là những ngày trước khi bà thu đoạt được một thông tri của sự thật. Một buổi chiều khi ông rời phòng Pierre bà đưa ông ra nói trong một giọng cay đắng, chống chế một cách đường đột:
– Nào, việc gì là vấn đề với Pierre? Đó là cái gì? Tôi thấy rằng ông có biết một việc gì đó.
Ông nhìn đến bà như thể từ chốn xa xôi, và nói với đôi môi ráo hoảnh:
– Tôi không biết đâu, bà. Nó rất yếu. Bà không thể thấy điều đó à?
– Tôi thấy chứ! Và tôi muốn biết đó là cái gì! Ông xử sự với nó gần như thể là nó phải chết vậy – ông và ông bác sĩ ấy. Ông ta đã nói với ông điều chi?
– Ổng nói với tôi là bệnh tình nghiêm trọng và chúng ta phải săn sóc rất là cẩn thận cho nó. Đó là một thứ viêm nào đó trong cái đầu bé tí đáng thương của nó. Chúng ta sẽ yêu cầu bác sĩ nói cho chúng ta nhiều hơn vào ngày mai.
Bà dựa vào kệ sách, vói tay nắm chặt các lằn xếp của tấm màn xanh ở bên trên bà. Bà chẳng nói gì và ông đứng đó một cách kiên nhẫn; gương mặt ông tái xám và đôi mắt ông trông đổ lửa. Tay ông hơi run run, nhưng ông chế ngự mình và trên gương mặt ông có một thứ mỉm cười, một cái bóng lạ lùng của sự cam phận, kiên nhẫn và lịch sự.
Chậm chạp bà đi tới với ông. Bà đặt tay bà lên tay ông và có vẻ như đầu gốì đứng không vững. Rất nhỏ nhẹ bà thì thào:
– Ông có nghĩ rằng nó sẽ chết không?
Veraguth vẫn còn cái nụ cười ngơ ngơ yếu ớt trên đôi môi ông nhưng những giọt nước mắt đã lãn nhanh xuống mặt ông. Ông chỉ gật đầu một cách yếu ớt, và khi bà quỵ xuống và đánh mất sự cầm nắm của mình, ông đỡ bà dậy và giúp bà tới chiếc ghế.
– Chúng ta không thể biết chắc được – Ông nói một cách chẫm rãi và rụt rè, như thể lập lại bài học cũ kỹ với sự chán mứa mà ông đã mất sự kiên nhẫn trước đây đã lâu – Chúng ta không nên thất vọng.
– Chúng ta không nên thất vọng, sau một lúc ông lập lại một cách máy móc, khi sức mạnh của bà đã trở lại và bà lại ngồi thẳng dậy.
– Phải – Bà nói – Phải, ông nói đúng – Và lại nói sau khi ngừng một lúc – Không thể thế được! Không thể thế được!
Và bất thần bà đứng dậy, có sức sống trong đôi mắt bà và khuôn mặt bà lại có đầy sự hiểu biết và thống khổ.
– Ông không trở lại chứ, có phải không? – Bà nói to lên – Tôi biết mà. Ông sẽ rời bỏ chúng tôi mà.
Ông thấy một cách rõ ràng rằng đây là cái khoảnh khắc mà nó không cho phép sự giả dốì. Và do đó ông phải nói một cách nhanh nhẹn và vô khí sắc: “Phải”.
Bà vỗ trán như thể bà phải suy nghĩ lung lắm và không thể suy nghĩ tất cả trong vầng trán ấy. Nhưng những gì bà nói hiện giờ không phải là một sản vật của sự suy nghĩ; nó tuôn ra một cách vô thức từ phút giây của cái tai ách tôi đen, vô vọng từ sự mỏi mệt và chán nản, và hơn hết cả là từ một nhu cầu tối tăm để nguyện cầu cho một cái gì và làm một sự hảo ý cho một kẻ nào đó vẫn niềm nở với sự hảo ý đó.
– Đó là cái gì tôi nghĩ – Bà nói – Nhưng hãy nghe tôi đây, Johann. Pierre không phải chết. Tất cả mọi sự không phải sụp để ngay bây giờ đây! Và ông có biết… có một cái gì khác nữa tôi muốn kể với ông: nếu nó lành bệnh, ông có thể có nó đấy. Ông có nghe tôi chứ? Nó sẽ ở lại với ông.
Veraguth không hiểu ngay lập tức. Chỉ một cách lần hồi ông mới hiểu biết những gì bà đã nói ra đó và nhận ra rằng những gì họ đã tranh chấp với nhau, những gì làm cho ông do dự và khốn khổ trong nhiều năm trời nay, giờ đây đã thừa nhận với ông rằng nó đã quá muộn.
Cái đó nó xúc động ông như một điều phi lý không thể nói lên được, không chỉ rằng giờ đây bất thần ông sẽ có những gì mà nó đã phủ nhận ông lâu đến như vậy, nhưng hơn thế nữa, Pierre sẽ trở thành nó ở ngay cái khoảnh khắc khi phần số của nó là phải chết. Giờ đây, đối với ông, đứa bé sẽ chết một cách gấp đôi! Đó là điều điên cuồng, đó là điều báng bổ! Cái đó nó phi lý và tức cười đến nỗi ông gần như sắp tới chỗ bật ra tiếng cười mỉa mai chua chát.
Nhưng, bên kia sự ngờ vực, bà định nói đến nó một cách nghiêm trọng. Rõ ràng là bà không hoàn toàn tin rằng Pierre phải chết. Đây là một hảo ý, đấy là một sự hy sinh phi thường mà một vài động lực tốt lành tối tăm đã đưa bà đến sự bối rối đau đớn của khoảnh khắc ấy. Ông thấy bà đã khốn khổ như thế nào, bà xanh xao nhợt nhạt như thế nào, và cố gắng nào mà đáng giá cho bà đứng vững trong sự tự lập của bà. Ông không nên chứng tỏ là ông đã chấp nhận sự hy sinh của bà, lòng quảng đại quá muộn xa lạ đó của bà như một sự chế nhạo chí tử.
Bà đã chờ đợi một cách khó chịu một lời nói ở ông. Tại sao ông không nói gì cả? Có phải ông không tin bà? Hay là ông đã trở nên mất thiện cảm cho nên ông không muốn chấp nhận bất cứ điều gì ở bà, không ngay cả với điều này, sự hy sinh lớn lao nhất mà bà có thể dành cho ông?
Gương mặt bà bắt đầu run rẩy với sự thất vọng, và rồi sau cùng ông đã lấy lại được sự tự chủ của mình. Ông nắm lấy tay bà, cúi lên đó, đụng vào nó với đôi môi lạnh lùng của ông, và nói:
– Xin cảm ơn.
Bấy giờ một ý nghĩ đến với ông và trong một giọng điệu nhiệt thành hơn ông nói thêm:
– Nhưng bây giờ tôi muốn phụ giúp trông nom săn sóc cho Pierre. Hãy để tôi ngồi đây với nó trong đêm.
– Chúng ta sẽ thay phiên nhau. – Bà nói giọng đanh thép.
Đêm hôm đó Pierre rất yên tĩnh. Trên bàn một chiếc đèn nhỏ để thắp suôi đêm; ánh sáng yếu ớt của nó không sáng khắp căn phòng nhưng ánh sáng mất lưng chừng chỗ cửa trong cái màu nâu của buổi hoàng hôn. Suốt một thời gian dài Veraguth lắng nghe hơi thở của đứa bé, rồi ông nằm xuống trên chiếc đi văng mà ông đã mang vào phòng.
Vào khoảng hai giờ sáng bà Adele thức giấc, đánh một que diêm và ngồi dậy. Bà mặc đồ ngủ vào và, cầm một cây nến, đi sang phòng Pierre. Bà nhận thấy tất cả đều yên lặng. Lông mi của Pierre hơi nhấp nháy khi ánh đèn chiếu vào mặt em, nhưng em không thức dậy. Và trên cái đi-văng là chồng bà nằm ngủ, mặc nguyên quần áo và nửa khoanh tròn lại.
Bà cũng để ánh đèn chiếu lên mặt ông như vậy, và đứng bên cạnh ông trong vài phút. Và bà thấy gương mặt ông mòn nhẵn cả cao vọng, với tất cả những nét nhăn nheo của nó và mái tóc đã ngả màu tro, đôi má hóp vào và đôi mắt suy nhược.
– Ông cũng đã già nua, bà nghĩ với một cảm giác thương hại lẫn hài lòng, và cảm thấy bị lôi cuốn để vuốt lên mái tóc rối bù ấy. Bà rời căn phòng không một tiếng động. Khi vào buổi sáng bà trở lại thì ông đã thức ngồi dậy từ lâu và chăm chú ở bên giường Pierre. Cái miệng và cái nhìn của ông mà ông đã chào hỏi bà lại quả quyết với cái giải pháp và sức mạnh bí mật mà so với mấy ngày cho đến bây giờ đã bao bọc lấy ông như binh giáp.
Về phần Pierre thì là một ngày tệ hại bắt đầu. Em ngủ được nhiều giờ với đôi mắt cứ nhất định mở ra cho đến khi một cơn đau đớn mới đánh thức em dậy. Em lăn lộn dữ dội trên giường, xiết chặt nắm tay tí xíu của em lại và ấn vào mặt; khuôn mặt em có lúc trắng dã như chết, có lúc đỏ rần lên. Và rồi em bắt đầu la hét trong sự tức giận vô vọng ở sự hành hạ không chịu nổi; em la hét lâu thế kia và tội nghiệp thế kia nên thân phụ em, tái mét và rụng rời, phải rời căn phòng bởi vì ông không thể nào chịu đựng nổi tiếng la hét đó lâu hơn.
Ông cho gọi bác sĩ, ông ta đã đến hai lần vào ngày hôm đó và buổi chiều đem theo một cô y tá với ông. Một lát sau đó thì Pierre hôn mê, cô y tá được đưa vào giường ngủ, và ông cha và bà mẹ canh chừng suốt đêm với cảm giác là cái kết cuộc không thể còn xa nữa. Đứa bé không cựa quậy và hơi thở của em bất thường nhưng mạnh.
Nhưng Veraguth và vợ ông cả hai người đều nghĩ đến cái thời gian khi mà Albert đã bị bệnh trầm trọng và họ đã cùng nhau săn sóc cậu ấy. Và cả hai người đều cảm thấy rằng những kinh nghiệm quan trọng đó không thể nào lập lại. Một cách dịu dàng và có phần mỏi mệt, họ nói những lời thì thào với nhau vọng qua trên chiếc giường bệnh, nhưng không nói một lời nào về quá khứ, về sự bệnh hoạn của Albert ấy. Sự giống nhau của hoàn cảnh đã xúc động họ giống như cái bóng ma, song họ đã đổi thay rồi, họ không còn là những con người tương tự ấy mà lúc đó cũng như bây giờ đã nhìn ngắm và khốn khổ với nhau, đã cúi đầu trên chiếc giường của một đứa bé bị bệnh gần chết.
Giữa lúc ấy, Albert, nặng trĩu những lo âu không thốt được nên lời, và đi lại rón rén lo lắng trong nhà, đâ không sao ngủ được. Vào nửa đêm cậu ở trần nhón gót đi tới cửa, bước vô, và hỏi trong một giọng thì thầm kích thích không biết có một việc gì đó để cậu có thể giúp cho một tay chăng.
– Cảm ơn, – Veraguth nói – nhưng chẳng có gì để làm cả. Hãy đi ngủ đi để giữ gìn sức khỏe của con!
Nhưng khi Albert đã đi khỏi, ông nói với vợ ông:
– Đi đến với nó một chốc và an ủi nó.
Bà đã vâng lời một cách hài lòng và bà cảm thấy rằng ông đã có hảo ý ân cần khi nghĩ đến điều đó.
Không cho mãi đến sáng bà mới sẵn sàng làm theo những lời yêu cầu nài nỉ của chồng bà và đi ngủ. Vào lúc rạng đông cô y tá xuất hiện và thay phiên cho ông. Pierre vẫn không có sự thay đổi nào cả.
Một cách quả quyết Veraguth băng qua công viên, ông đã không muốn ngủ. Nhưng cặp mắt bừng bừng và một cảm giác uể oải, tê cóng trong làn da ông đã cho ông biết rằng ông đã khá hơn. Ông tắm dưới ao và yêu cầu Robert pha cà phê cho. Rồi tại họa phòng ông nhìn vào sự nghiên cứu về rừng của ông. Bức họa linh hoạt và tươi thắm, nhưng nó không phải thực sự là cái gì mà ông nhắm đến, và hiện giờ nó đã xong với cái hình ảnh phóng chiếu của ông và ông sẽ chẳng bao giờ vẽ lại nó ở tại Rosshalde cả.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.