Đâu Mái Nhà Xưa

CHƯƠNG 2



Robert ở trong phòng rửa chén nhỏ kế với họa phòng đang bận rộn kỳ cọ tấm điều sắc và một bó cọ. Bé Pierre xuất hiện ở cánh cửa mở. Em dừng lại và lặng nhìn.
– Đó là một việc làm bẩn thỉu – Sau một lúc em lên tiếng – Vẽ viếc thì tất cả tuyệt lắm, nhưng tôi chẳng bao giờ muốn là một họa sĩ cả.
– Có lẽ cậu nên xét lại cái đó – Robert nói – Với một người cha là một họa sĩ trứ danh thế kia.
– Không, – Cậu bé nói một cách quả quyết cái đó không phải cho tôi. Luôn luôn dơ dáy và lúc nào cũng có cái mùi sơn nồng nặc. Tôi thích cái mùi ấy chỉ một chút thôi, chẳng hạn trên một bức họa mới, khi nó được treo trong phòng và cái mùi sơn dầu chỉ còn có chút xíu; nhưng ở họa phòng thì cái mùi sơn dầu ấy nhiều quá xá, tôi không thể chịu nổi, cái mùi ấy nó sẽ làm cho tôi nhức đầu ấy.
Người giúp việc nhìn cậu bé một cách hiếu kỳ. Thật ra trước đây đã lâu y đã cho cậu bé được nuông chiều này, đã tìm ra nhiều khuyết điểm về mùi sơn dầu ấy, một bài học tốt lành. Nhưng khi Pierre đứng đó trước y và nhìn vào mặt y thì không thể nào làm thế được. Gương mặt em tươi thắm, xinh xắn và trang trọng thế kia; tất cả mọi điều về em có vẻ vừa vặn, và đúng vào lúc có cái nét chán ngấy này, cái ngạo mạn hoặc cái khôn trước tuổi này, thì nó hợp với em một cách lạ lùng.
– Vậy hiện thời cậu thích cái gì chứ? – Robert hỏi với một sự nghiêm khắc nào đó.
Pierre ngó xuống và nghĩ ngợi.
– Ồ, chú biết đấy, thật ra thì tôi chẳng đặc biệt muốn cái gì cả. Tôi chỉ muốn tôi được thôi học mà thôi, về mùa hè, tôi chỉ thích mặc toàn quần áo trắng, giầy trắng nữa, và không bao giờ có một vết dơ nhỏ nhất dính trên các thứ ấy.
– Để tôi xem lại đã – Robert nói giọng đầy trách móc – Đó là những gì cậu nói hiện giờ ấy. Nhưng khi cậu đi ra ngoài với chúng tôi hôm nọ thì bỗng nhiên bộ đồ trắng tinh của cậu dính đầy vết bẩn màu hồng và vết cỏ, và cậu cũng còn đánh mất cái nón nữa chứ. Cậu nhớ chưa?
Pierre tái mặt. Em nhắm mắt lại chỉ để một kẽ hở nhỏ và nhìn chăm bẳm qua đôi lông mi dài của em.
– Mẹ rầy dữ về chuyện ấy đấy, – Em nói chậm rãi – và tôi không tin bà lại ra lệnh cho chú nêu lại chuyện ấy ra và hành hạ tôi với câu chuyện ấy.
Robert tỏ một thái độ hòa giải.
– Vì thế mà cậu vẫn sẽ luôn luôn thích mặc quần áo trắng và không bao giờ làm vấy bẩn nó chứ?
– Không phải, thỉnh thoảng tôi cũng làm vấy bẩn ấy. Đúng là chú không hiểu! Dĩ nhiên thỉnh thoảng tôi muốn nằm yên trên bãi cỏ hay trên cỏ khô hay nhảy qua vũng bùn hoặc leo lên một cành cây. Chuyện ấy rõ như ban ngày mà. Nhưng khi tôi hết chạy nhảy loạn xà ngầu thì tôi không muốn bị rầy la. Tôi chỉ muốn lặng lẽ đi vô phòng tôi và thay áo quần sạch sẽ, và bấy giờ tất cả mọi sự lại sẽ đâu vào đấy. Chú biết không chú Robert, tôi thực sự chẳng thấy có công dụng gì trong việc rầy la cả.
– Đó là điều ích lợi mà. Sao thế?
– Phải, đây này: nếu chú đã làm một việc gì đó không đúng, chú biết điều đó và chú lấy làm xấu hổ. Nếu một người nào đó rầy la chú thì tôi càng ít hổ thẹn hơn nữa. Và thỉnh thoảng họ rầy la chú khi chú chẳng có làm việc gì quấy cả, chỉ vì lúc họ gọi chú không có mặt ở đó hoặc tại vì Mẹ đang bực bội.
Robert cười.
– Đúng là cậu nâng điều đó lên trên mức trung bình. Hãy nghĩ đến tất cả những điều tệ hại mà cậu đã làm mà không một ai thấy và không một ai rầy la cậu về chuyện ấy cả.
Pierre không trả lời. Lúc nào cũng như vậy. Hễ lần nào em để mình bị lôi cuốn vào cuộc bàn luận với một người trưởng thành về một việc gì đó thực sự quan trọng cho em thì cứ như rằng kết thúc của nó là thất vọng hoặc cả đến còn nhục nhã nữa.
– Tôi lại muốn xem tranh – Em nói trong một giọng bất thần đặt em biệt cách với người giúp việc. Robert có thể lên tiếng ngang nhau như một lời ra lệnh hoặc một lời yêu cầu – Vô đi, đợi tôi trong một phút.
Robert đã vâng lời. Y mở cánh cửa của họa phòng, để Pierre bước vào và bước theo em, vì y đã nhận được những chỉ thị nghiêm ngặt là không cho bất kỳ ai một mình trong họa phòng.
Họa phẩm mới của Veraguth, lồng trong cái khung tạm mạ vàng, được đặt trên cái giá vẽ tại giữa một căn phòng rộng lớn, quay về phía ánh sáng. Pierre đứng trơ trơ trước họa phẩm. Robert đứng phía sau em.
– Chú có thích bức họa không Robert?
– Cố nhiên là tôi thích chứ. Tôi phải là kẻ đần độn mới là không thích.
Pierre chớp mắt nhìn bức tranh.
– Tôi tin được – Em nói có vẻ suy nghĩ – chú có thể đưa cho tôi xem một chồng họa phẩm và tôi biết ngay bốc nếu có một trong các họa phẩm ấy là của ba tôi. Đấy là nguyên do tôi thích các họa phẩm của ổng, vì tôi cảm thấy rằng ba tạo ra các họa phẩm ấy. Nhưng, xin nói thực với chú nhé, tôi chỉ thích các họa phẩm ấy có một nửa.
– Đừng có nói vớ vẩn thế. – Robert nói, đã hoảng sợ, với một cái nhìn trách móc đến cậu bé, hoàn toàn bình thản, đứng đấy chớp mắt nhìn vào họa phẩm.
– Chú thấy không – Em nói – Có một số tranh sơn dầu treo ở đằng nhà tôi thích cái lô ấy hơn. Khi tôi lớn lên, tôi muốn có những bức tranh như thế. Ví dụ như rặng núi lúc mặt trời đang lặn và tất cả mọi vật đều đỏ ối và vàng vọt hay là các đứa bé con trông xinh xắn bụ bẫm, các cô các bà và bông hoa. Hết thảy những cái ấy mới thật là đẹp hơn cái ông lão ngư phủ như thế này, ông lão cũng không có cái gương mặt thực sự nữa, và chiếc thuyền đen đủi ghê tởm kia. Chú có đồng ý không?
Tận thâm tâm thì Robert đã hoàn toàn đồng ý; y đã lấy làm ngạc nhiên và quả đã thích thú ở sự thật thà của cậu bé. Song y chẳng dám chấp nhận điều đó.
– Cậu còn quá nhỏ để mà hiểu biết những điều như thế – Y nói một cách cộc lốc – Nào thôi đi, tôi phải khóa cửa đây.
Vào phút giây đó có tiếng nổ bành bạch và tiếng cười ha hả nghe từ hướng của ngôi biệt thự.
– Ồ, một chiếc xe hơi! – Pierre kêu lên một cách khoái trá và chạy ùa ra dưới các cây dẻ, chạy tắt ngang qua chỗ bồn hoa bị cấm và nhảy qua bờ luống hoa. Thở không ra hơi, em đi tới con đường xe chạy lát sỏi ở trước ngôi nhà đúng vào lúc thấy ba em và một người đàn ông đang bước xuống xe.
– Pierre! – Ba em kêu lên và ẵm em vào lòng – Đây là một người bạn mà con chưa biết. Hãy đưa tay ra cho chú và hỏi chú ở đâu đến vậy.
Cậu bé nhìn thẳng vào mắt người lạ. Em đưa tay ra cho người đàn ông và nhìn vào cái khuôn mặt nâu sậm và đôi mắt xám lóng lánh đang cười đó.
– Chú ở đâu đến thế? – Em hỏi một cách tuân lời.
Người lạ đưa tay nhấc em lên.
– Cậu cũng quá nặng cho tôi rồi đây nghe – Y nói với cái thở phì vui vẻ và lại đặt em xuống – Chú ở đâu đến hả? Từ Genoa và trước đó từ Suez, và trước đó từ Aden, và trước đó từ….
– Ô, từ Ấn Độ, cháu biết rồi, cháu biết rồi! Và chú là chú Otto Burkhard đấy mà. Chú có mang cho cháu một con cọp hoặc trái dừa không?
– Cọp nó chạy mất rồi, nhưng cháu có thể có dừa, vỏ sò và tập ảnh hình Trung Hoa.
Họ đi vô nhà và Veraguth dẫn bạn ông đi lên các bậc cấp, y cao hơn ông một chút, tay quàng qua vai ông một cách trìu mến. Trên lầu tại hành lang họ gặp bà chủ nhà. Với sự chế ngự nhưng niềm nở chân thành bà chào mừng người khách, mà cái gương mặt vui vẻ khỏe mạnh của y đã nhắc gợi bà nhớ đến khoảng thời gian hạnh phúc trong những năm đã qua. Y nắm lấy tay bà trong tay y trong một chốc và nhìn vào mặt bà.
– Chị không già gì cả chị Veraguth ạ – Y ca ngợi bà – Chị chậm già hơn là anh Veraguth đấy.
– Và anh cũng chẳng đổi thay gì cả. – Bà nói với hảo ý.
Y cười.
– Ô, cái vỏ ngoài thì vẫn còn tốt vó đấy, nhưng tôi phải từ bỏ khiêu vũ rồi. Vả lại, nó cũng chẳng đem tôi đến đâu, tôi vẫn còn là một tên độc thân.
– Tôi hy vọng rằng lần này anh đến Âu châu thì tìm ra một bà vợ.
– Không đâu, chị Veraguth, cái đó quá muộn rồi. Và tôi cũng không muốn phá hư việc ở lại Âu châu của tôi. Chị biết đấy, tôi còn có họ hàng thân thích, và tôi dần dần phát triển vào trong một sự thừa kế chú bác đấy. Tôi sẽ không dám về nhà với một người vợ.
Cà phê đã được mang vào phòng bà Veraguth. Họ uống cà phê, rượu mùi và chuyện vãn hằng giờ về các chuyến du hành xuyên đại dương, những đồn điền cao su và đồ sứ Trung Hoa. Thoạt tiên nhà họa sĩ im lặng và hơi nản. Trong nhiều tháng ông đã không hề đặt chân vào căn phòng này. Song tất cả đều diễn ra một cách trơn tru vui vẻ, và với sự hiện diện của Otto một không khí thoải mái hơn, vui vẻ hơn, giống như con trẻ hơn có vẻ như đã đi vào ngôi nhà.
– Tôi tin rằng nhà tôi sẽ muốn nghỉ ngơi một chút – Sau cùng nhà họa sĩ nói – Thôi đi Otto, tôi sẽ chỉ cho anh các căn phòng của anh.
Họ ngỏ lời chia tay và đi tới các căn phòng dành cho khách khứa. Veraguth đã chuẩn bị hai căn phòng dành cho bạn ông, chính ông đã đích thân để ý tất cả mọi sự. Ông đã sắp xếp đồ đạc và nghĩ tới tất cả từ các bức tranh trên vách cho đến các quyển sách trên kệ. Bên trên giường ngủ có treo một tấm hình đã nhạt màu, một tấm hình lớp học làm động tâm buồn cười trở lui lại từ cái tuổi mười bảy.. Nó đập vào mắt người khách, và y tới gần hơn để xem.
– Trời ơi! – Y ngạc nhiên kêu lên – Chúng ta đấy, tất cả tuổi mười sáu của chúng ta! Thật là một ý nghĩa cảm động! Tôi đã không thấy trong hai mươi năm trời!
Veraguth mỉm cười.
– Phải, tôi nghĩ nó sẽ làm cho anh hài lòng. Tôi hy vọng anh tìm thấy mọi sự anh cần đến. Anh có muốn mở va li ra bây giờ không?
Burkhardt ngồi ngay thẳng trên cái rương đi tàu thủy với các cạnh rương bằng đồng và nhìn vào mình với sự thỏa lòng.
– Phòng này hoàn hảo rồi. Và phòng anh ở đâu? Kế cửa đây không? Hay là ở trên lầu?
Nhà họa sĩ mân mê chiếc quai của một cái bao da.
– Không – Ông nói ngay không nghĩ ngợi – Bây giờ thì tôi ở tại họa phòng bên kia kìa. Tôi đã xây thêm.
– Anh phải chỉ tôi nơi đó sau. Nhưng… anh cũng ngủ luôn ở đó à?
Veraguth buông cái bao xuống và quay lại.
– Phải, tôi cũng ngủ ở đó nữa.
Bạn ông rơi vào một sự im lặng đầy nghĩ ngợi. Rồi y tới cái bao lấy ra một xâu chìa khóa và y bắt đầu làm nó kêu loảng xoảng.
– Chúng ta sẽ mở ra vài cái chứ? Anh có thể đi tìm cậu bé, cháu sẽ thích đấy.
Veraguth đi ra và chẳng mấy chốc đã trở vô với Pierre.
– Chú Otto, chú có hành lý đẹp quá, cháu đã xem rồi. Và có nhiều miếng thẻ thế kia. Cháu đã đọc một ít. Một trong các tấm thẻ ấy cho biết là Penang. Penang là gì thế?
– Đó là một thành phố ở Mã Lai Á nơi thỉnh thoảng chú có đến. Tới đây, cháu có thể mở cái này ra.
Y trao cho cậu bé một chiếc chìa khóa dẹp, rắc rối và bảo em mở một cái va-li. Chiếc va-li mở bật ra, và vật trước nhất đôi mắt gặp phải là một chiếc giỏ đẹp của Mã Lai màu sắc loè loẹt làm bằng mây nằm úp xuống. Họ lật lên và bóc lớp giấy gói ra; bên trong được bọc giấy và rơm có những cái vỏ sò xinh xắn hình thể lạ lùng như đã được bày bán tại các hải cảng ở ngoại quốc.
Các vỏ sò ấy là quà tặng cho Pierre, em quá đỗi vui sướng không thốt được nên lời, và sau các vỏ sò là tới một con voi bằng gỗ mun và món đồ chơi Trung Hoa với những hình tượng quái gở bằng gỗ có thể cử động được, và sau hết là một cuộn giấy in Trung Hoa có màu loè loẹt, đầy các vị thần, ma quỉ, vua chúa, chiến sĩ và các con rồng.
Trong khi nhà họa sĩ dự phần với cậu bé ngắm nghía trầm trồ các quà tặng của em, trong lúc ấy Burkhardt đã mở cái bao da ra và đặt quần lót, áo thun và vân vân vào chỗ của chúng. Đoạn y trở lại với bạn y.
– Nào – Y nói một cách vui vẻ – bấy nhiêu đó đã đủ cho hôm nay rồi. Bây giờ thì vui cái đã. Chúng ta có thể xem qua họa phòng chứ?
Pierre nhìn lên, và một lần nữa, cũng như khi chiếc xe hơi chạy vô, cái gương mặt có sinh khí của thân phụ em, trở nên trẻ trung với sảng khoái, đã làm cho em rất đỗi ngạc nhiên.
– Ba vui vẻ thế kia hả ba. – Em nói giọng tán đồng.
– Phải thật vậy. – Veraguth gật đầu.
Nhưng bạn ông hỏi:
– Bộ ổng không thường vui vẻ hay sao thế?
Pierre luống cuống nhìn từ người này đến người kia.
– Cháu không biết ạ – Em nói một cách do dự. Nhưng rồi em lại cười và nói – Không, chú cũng chưa bao giờ vui đến như vậy cơ.
Em chạy mất với cái bị vỏ sò của em, Otto Burkhandt nắm lấy tay bạn mình và họ bước ra ngoài. Veraguth dắt y đi qua trang viên để đến họa phòng.
– Vâng, – Burkhardt nhận xét lập tức – tôi có thể thấy có sự biến đổi. Tôi phải nói rằng trông nó rất đẹp. Anh xây khi nào thế?
– Khoảng ba năm trước đây. Cái họa phòng cũng nới rộng ra nữa.
Burkhardt nhìn quanh.
– Cái ao tuyệt vời đấy. Chiều nay chúng ta hãy bơi lội một chút. Johann, anh có một chỗ ở thơ mộng ở đây. Nhưng bây giờ tôi muốn xem cái họa phòng. Anh có bất kỳ họa phẩm mới nào ở đây không?
– Không có nhiều lắm. Nhưng có một bức mà tôi muốn cho anh xem, tôi chỉ mới hoàn tất vào hôm kia. Tôi cho rằng nó là một họa phẩm đẹp.
Veraguth mở cửa ra. Cái họa phòng cao ráo ngăn nắp một cách thoải mái, sàn nhà lau bóng mới tinh và đồ đạc ngăn nắp đâu vào chỗ đó. Bức họa mới một mình đứng tại giữa phòng. Họ im lặng đứng đối diện với bức họa. Cái không khí ẩm ướt thê lương của một buổi rạng đông mưa gió âm u tương phản với cái không khí nóng nực, sáng trưng và tắm đẫm mặt trời đến qua các cánh cửa.
Họ ngắm nghía tác phẩm trong một lúc.
– Có phải đây là tác phẩm cuối cùng anh đã vẽ?
– Phải, cần phải có một cái khung khác đấy, nếu không thì chẳng phải làm gì nữa cả. Anh có thích không?
Hai người bạn nhìn vào mắt nhau một cách tìm tòi. Cái anh chàng Burkhardt cao lớn và khỏe mạnh với gương mặt hồng hào và đôi mắt nhiệt thành có đầy sự thỏa mãn của đời sống đứng đó giống như một chú bé khổng lồ trước mặt nhà họa sĩ, mà khuôn mặt ông có vẻ như khắc khổ và nghiêm nghị ở mái tóc đã sớm ngã sang màu xám.
– Có lẽ đấy là họa phẩm tuyệt nhất của anh – Người khách từ tốn nói – Tôi có thấy một bức ở Brussels và hai bức tại Paris. Tôi chẳng bao giờ dám mơ tới điều đó, nhưng anh lại còn tiến xa hơn nữa trong mấy năm nay.
– Tôi vui sướng nghe anh nói đến điều đó. Tôi cũng cho như vậy. Tôi đã làm việc cật lực. Một đôi khi tôi nghĩ rằng tôi chẳng có gì cả ngoại trừ một tay tài tử ở trước mặt. Tôi đã trễ tràng khi học hỏi làm thế nào để làm việc một cách thích đáng, nhưng nay thì tôi đã chế ngự nó được rồi. Có lẽ tôi sẽ không tiến thêm chút nào nữa. Tôi không thể nào vẽ bất kỳ họa phẩm nào mà tuyệt hơn họa phẩm này.
– Tôi hiểu. Phải, anh đã trở nên rất nổi tiếng, tôi còn nghe thiên hạ nói về anh ngay cả trên những chiếc tàu chạy bằng hơi nước cổ lỗ sĩ ở miền Đông Á, và tôi đã rất hãnh diện. Cảm thấy ra sao về việc nổi tiếng đó? Cái đó có làm anh hạnh phúc?
– Hạnh phúc ư? Không, tôi sẽ không nói đến điều đó. Nó có vẻ đúng đấy. Có lẽ có hai, ba, bốn họa sĩ họ làm nên nhiều hơn và đưa ra nhiều họa phẩm hơn tôi. Tôi chẳng bao giờ kể mình vào hạng thực sự vĩ đại đó cả; những gì mà các nhà báo nói đến thì đều vô lý. Tôi có cái quyền đề cập đến một cách đúng đắn, và vì lẽ tôi là tôi, nên tôi đã bằng lòng. Tất cả điều còn lại chỉ là sự ca tụng của báo chí hay là một vấn đề tiền bạc mà thôi.
– Tôi cũng cho là thế. Nhưng anh định nói gì bởi việc đề cập đến kẻ vĩ đại thực sự?
– Các vua chúa và các ông hoàng. Hạng người tôi có thể trở thành một tướng lãnh hay một bộ trưởng theo khả năng hắn có thể đạt tới. Điều tối đa chúng ta có thể làm là làm việc cật lực và coi thiên nhiên tạo vật một cách nghiêm trọng được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Các vua chúa là anh em và bầu bạn với thiên nhiên tạo vật, họ chơi đùa với thiên nhiên tạo vật, họ sáng tạo phối dựng nơi mà chúng ta chỉ có thể mô phỏng mà thôi. Nhưng cố nhiên là các vua chúa không có nhiều lắm đâu, không có lấy một người suốt cả một trăm năm đằng đẵng.
Họ đi tới đi lui trong họa phòng. Để tìm kiếm lời lẽ, nhà họa sĩ nhìn sững xuống nền nhà, bạn ông đi bên ông và cố đọc ra ở cái gương mặt vàng mét gầy gò của ông.
Tới chỗ cửa nối liền căn phòng, Otto dừng lại.
– Chỉ cho tôi xem căn phòng trú ngụ của anh có làm sao không? – Ynói – Và hãy hút thuốc cái đã.
Veraguth mở cửa ra. Họ đi qua căn phòng ngủ và xem xét các căn phòng nhỏ khác. Burkhardt đốt một điếu xì gà. Y bước vào căn phòng ngủ của bạn y, nhìn chiếc giường ngủ của ông, và cẩn thận xem xét các phòng xép bừa bãi nào là dụng cụ để vẽ và tàn thuổc. Cái xúc động đại quan là gần như túng thiếu, căn nhà của một nhà khổ hạnh, một kẻ độc thân làm việc đầu tắt mặt tối.
– Vậy ra anh ở tại đây. – Y nói một cách khô khan. Nhưng y có thể thấy và cảm nhận mọi điều đã xảy ra trong mấy năm qua. Y đã quan sát với sự hài lòng những vật dụng có tính cách gợi đến những môn thể thao, thuộc về thể dục, cưỡi ngựa, và chú ý với sự liên quan đến sự vắng mặt bất cứ dấu hiệu của một con người giàu có, an lạc hoặc thừa hưởng sự nhàn nhã nào.
Rồi họ quay sang hội họa. Như vậy đây là những tác phẩm đã được tạo ra như thế nào, những họa phẩm đã được treo tại những chỗ danh dự tại các phòng triển lãm khắp nơi trên thế giới và bán với những giá cao. Các họa phẩm ấy đã được tạo ra tại các căn phòng chỉ biết đến có làm việc và quên mình mà thôi, nơi mà ta có thể tìm thấy chẳng có gì là vui vẻ, chẳng có gì là vô ích, chẳng có những món đồ chơi nâng niu của trẻ con hay món đồ cổ, chẳng có hương vị của rượu vang hay bông hoa và cũng chẳng có kỷ niệm của những người đàn bà.
Hai bức hình được đóng đinh treo trên giường ngủ nhỏ hẹp, một bức của bé Pierre và một bức của Otto Burkhardt. Burkhardt đã nhớ bức hình ấy rất rõ. Một bức ảnh chụp lẹ sơ sài cho thấy y trong chiếc nón cối miền nhiệt đới với mái hiên của căn nhà gỗ Ấn Độ một tầng của y ở phía sau; ngay ở dưới ngực, bức hình tan hòa trong những chùm ánh sáng bình minh của bắc và nam cực thần bí, nơi ánh sáng đã phủ trên tấm kính máy ảnh.
– Cái họa phòng thật tuyệt. Và anh đã thành ra một người thật là chuyên cần! Ông bạn cũ, hãy cho tôi nắm lấy tay anh, thật là tuyệt diệu được gặp lại anh. Nhưng bây giờ thì tôi mệt rồi, hãy cho tôi biến mất một giờ thôi. Sau đó anh sẽ gọi tôi đi bơi hoặc bách bộ chứ? Tôi sẽ tươi tỉnh ngay trong một giờ đồng hồ. Hãy đợi đến lúc đó vậy.
Thong thả y bước đi dưới những cành cây và Veraguth nhìn theo y, quan sát cái dáng dấp và bộ dạng bước đi của y và mỗi lằn gấp của áo quần y toát ra lòng tự tin và tận hưởng cái thanh thản của đời sống như thế nào.
Burkhardt bước vào căn nhà, nhưng đi qua các căn phòng của y, leo lên các bậc cầu thang và gõ cửa phòng bà Veraguth.
– Tôi có quấy rầy chị hay tôi có thể hầu chuyện với chị một chút được không?
Bà nhận lời y với một cái mỉm cười; y nhận thấy cái nụ cười vắn tắt không thường có đó trên cái gương mặt đạo mạo của bà lạc lõng một cách lạ lùng.
– Thật là tráng lệ nguy nga ở đây tại Rosshalde. Tôi đã có mặt tại trang viên và dưới ao. Và Pierre thì mau lớn thế kia! Cháu thật dễ thương biết bao, cháu làm tôi cảm thấy gần như buồn rầu khi thấy mình vẫn còn là một tên độc thân.
– Cháu trông xinh xắn đó chứ, có phải không? Anh có cho rằng nó giống nhà tôi chứ?
– Vâng, giống chút ít. Phải, thật ra là giống nhiều hơn là chút ít. Tôi không biết Johann vào tuổi ấy, song tôi nhớ rõ là cháu giống ảnh như thế nào khi ảnh được mười một hoặc mười hai tuổi – Một cách bất ngờ thì cháu có vẻ như mệt mỏi một chút. Cái gì? Không, tôi muốn nói về Johann. Có phải gần đây ảnh đã làm việc dữ lắm không?
Bà Veraguth nhìn vào mặt y; bà cảm thấy rằng y đang lưu ý bà.
– Tôi cũng tin vậy. – Bà nói một cách lạnh lùng – Ảnh ít nói đến công việc của ảnh lắm.
– Hiện nay anh ấy đang vẽ gì thế? Phong cảnh chăng?
– Anh hay vẽ tại trang viên, thường vẽ với các hình mẫu. Anh đã thấy bất cứ họa phẩm nào của ảnh chưa?
– Vâng, tại Brussels.
– Ảnh đã cho triển lãm tại Brussels à?
– Ồ vâng, quả thật có một số họa phẩm. Tôi có đem theo bảng danh mục đây. Chị biết đấy, tôi cũng thích mua một trong số các họa phẩm ấy và tôi lấy làm hài lòng khi được biết chị nghĩ gì về nó.
Y đưa bảng danh mục ra và chỉ bức họa thu nhỏ. Bà nhìn bức họa, lật hết bảng danh mục và đưa trả lại.
– Anh Burkhardt ạ, tôi e rằng tôi không thể giúp anh được. Tôi tin rằng mùa thu vừa rồi ảnh có vẽ tại Pyrenees và không bao giờ có ở đây.
Ngừng một lúc bà đổi đề tài.
– Anh đã cho Pierre rất nhiều quà tặng, anh rất là tử tế. Xin cảm ơn anh.
– Ồ, những vật nhỏ mọn ấy mà. Nhưng chị phải cho phép tôi biếu chị một cái gì ở Á Châu nữa nhé. Chị không quan tâm chứ? Tôi có một ít vải vóc mà tôi ưng phô trương với chị, chị phải chọn lấy thứ nào chị thích.
Bằng cách chuyển những lời lẽ lịch sự của bà trong cuộc đấu khẩu ngông cuồng nho nhỏ thành ra một điều dễ chịu, y đã sắp đặt để chế ngự sự dè dặt của bà và đặt bà trong một trạng thái vui vẻ. Y đi xuống dưới cái kho tàng hiếm có của y và trở lui với đôi tay đầy tơ lụa Ấn Độ. Y trải ra nào là vải ba-tít của Mã Lai, vải vóc dệt bằng tay và giắt ren và lụa lên phía sau thành ghế, trong khi đó nói với bà y đã tìm ra thứ này hay thứ nọ tại đâu, y đã mặc cả giá cả và mua nó vì một bài hát như thế nào. Căn phòng biến thành một cửa hàng ba-za nho nhỏ đầy màu sắc. Y hỏi ý kiến bà, treo một giải ren lên tay bà, giải thích nó đã được làm ra như thế nào và bảo bà trải ra những thứ đẹp nhất, xem xét chúng, cảm nhận chúng, khen ngợi chúng và sau cùng giữ lại chúng.
– Không – Bà cười lên khi y bắt bà giữ lại – Tôi biến thành kẻ ăn xin của anh mất. Tôi không thể nào giữ lại tất cả tơ lụa này đâu.
– Đừng có ngại – Y cười đáp lại – Tôi vừa mới trồng thêm sáu ngàn cây cao su nữa, chẳng bao lâu tôi sẽ là một tay cự phú chính cống mà.
Khi Veraguth đến tìm y, ông nhận thấy hai người bọn họ đang tán chuyện một cách vui vẻ như có thể có được. Ông ngạc nhiên thấy rằng vợ ông đã trở nên lắm lời như thế nào, cố gắng dự phần vào cuộc chuyện trò đó và ngắm nghía các tặng phẩm ấy có phần vụng về.
– Hãy quên đi, – Bạn ông nói – đấy là gian hàng của các bà mà lỵ. Thôi hãy đi bơi lội.
Y kéo bạn y ra ngoài lộ thiên.
– Thực đấy, vợ anh chẳng già đi tí nào cả từ cái dạo tôi gặp chị lần cuối. Chị vui vẻ như bầy giờ. Có vẻ như tất cả anh đã làm đúng. Nhưng còn đứa con trai cả của anh thì sao? Có chuyện gì với cậu ta thế?
Nhà họa sĩ rùng vai và cau mày lại.
– Anh sẽ gặp hắn mà, hắn sẽ có mặt tại đây ít ngày nữa thôi. Tôi có viết cho hắn về anh.
Và bất thần ông đứng lặng người lại, cúi về phía bạn ông, nhìn thẳng vào mắt y và nói một cách dịu dàng.
– Otto, rồi anh sẽ thấy tất cả mọi sự. Tôi cảm thấy không cần nói với anh làm gì. Anh sẽ thấy mà – Thực ra chúng tôi phải vui vẻ trong khi anh có ở đây thôi. Thôi hãy đi xuống ao. Tôi muốn có một cuộc bơi đua với anh chơi, giống như khi chúng ta còn bé đó.
– Ý kiến hay đấy. – Burkhardt nói, y có vẻ như không chú ý đến sự bứt rứt của Johann.
– Và anh sẽ thắng, ông cụ, một điều không phải là trường hợp luôn luôn. Tôi xấu hổ mà phải nói ra như vậy, thực ra thì cái bụng tôi đã phát triển to tướng.
Lúc đó đã xế chiều. Cả cái ao nằm dưới bóng mát, một cơn gió nhẹ lất phất trên các ngọn cây và băng qua cái nội đảo xanh biếc nhỏ hẹp của bầu trời mà cái ao mở ra trên mặt nước có những đám mây có màu tím nhạt trôi qua, tất cả đều cùng một loại và một hình thể, trong một hàng mỏng manh như anh em và kéo dài ra giống như những chiếc lá liễu. Hai người đứng ở bên ngoài căn nhà tắm nhỏ nằm lẩn khuất dưới các bụi cây; chiếc chìa khóa mở ra không được.
– Không hề gì – Veraguth nói – Nó bị sét rỉ rồi. Chúng tôi không bao giờ sử dụng nhà tắm này cả.
Ông bắt đầu cởi quần áo ra và Burkhardt làm theo. Khi họ đã ở trên bực ao để sẵn sàng lội, lấy ngón chân khỏa mặt nước lặng lờ rợp mát ấy thì một hơi thở ngọt ngào của niềm vui từ những ngày niên thiếu xa xôi lập tức kéo ùa lên cả hai người; họ đứng lại một hay hai phút trong sự tiên cảm cái lạnh dễ chịu, và cái thung lũng sáng chói xanh rờn của những mùa hè ấu thời đã mở ra một cách dịu dàng trong tâm hồn họ. Không quen với cái cảm xúc âu yếm dịu dàng ấy, họ đứng đó nửa bối rối và im lặng, thọc chân họ xuống nước và nhìn ngắm những khỏa nước có hình bán nguyệt dần tan trên tấm gương nước có màu xanh thẫm ấy.
Đoạn Burkhardt bước xuống nước.
– A, tuyệt quá – Y kêu lên một cách khát khao khoái trá – Anh biết đấy, cả hai chúng ta vẫn có thể thấy rằng, ngoại trừ cái bụng phệ của tôi, còn thì chúng ta vẫn là hai kẻ hoàn toàn khỏe mạnh.
Y vỗ tay bôm bốp, lắc lư thân mình và phóng xuống nước.
– Anh không biết là anh đã có được điều tốt đẹp như thế nào – Y nói với sự thèm muốn – Con sông yêu kiều nhất chảy qua đồn điền của tôi, và nếu anh sải cẳng của anh ra mà thôi thì anh chẳng bao giờ còn thấy dòng sông đó nữa. Nó đầy dẫy những con cá sấu dữ tợn. Và hiện giờ thì cái vòm Rosshalde bốc hơi phía trước. Chúng ta sẽ lội tới các bậc cấp bên kia rồi lội trở về. Anh sẵn sàng chưa? Một… hai… ba!
Cả hai với một khuôn mặt hớn hở, họ bắt đầu lội ở mức trung bình, nhưng cái quang cảnh của một khu vườn thanh xuân vẫn còn phủ lên người họ, và trong một khoảnh khắc họ bắt đầu ra sức tranh đua với lòng hăng hái; gương mặt họ trở nên căng thẳng, mắt họ ánh lên và tay họ lóng lánh khi họ sải dài trên mặt nước. Họ cùng tới bậc cấp một lượt và họ lại phóng ra lội trở về. Họ lại bắt đầu nữa, và bây giờ thì nhà họa sĩ vượt lên trên với những cái sải tay mạnh mẽ, đã dẫn đầu, và lội tới mức ăn thua trước bạn ông một lúc.
Thở hồng hộc, họ dưới nước đứng dậy, dụi mắt và cười với nhau trong sự im lặng thích thú. Bây giờ đối với cả hai người bọn họ thì có vẻ như họ mới chỉ trở nên hai người bạn cũ, bởi không thể tránh được cái sự hơi xa lạ và mối bất hòa đã đến giữa hai người bạn họ chỉ mới vừa bắt đầu tan biến.
Khi họ mặc áo quần vào, họ ngồi bên nhau với bộ mặt tươi tắn và một cảm giác lâng lâng trên các bậc cấp bằng đá dẫn xuống chiếc ao. Họ nhìn qua mặt nước đen sẫm chính nó đã mất đi dưới ánh hoàng hôn màu nâu sậm của một chiếc vung phủ qua mặt ao, ăn những trái anh đào béo ngậy màu đỏ nhạt mà người giúp việc đã mang ra cho họ trong cái bao giấy màu nâu, và cùng nhìn xem với một tâm hồn khinh khoái khi bóng chiều trở nên sâu thẳm cho đến khi vầng dương tàn tạ chiếu vắt ngang qua các thân cây và ánh tà huy vàng vọt long lanh trên những đôi cánh của lũ chuồn chuồn. Và họ đã tán chuyện không ngừng nghỉ hoặc nghĩ đến những giờ thú vị về những ngày còn mài đũng quần ở nhà trường, về các thầy giáo và bạn học của họ, và về việc kẻ này đã trở thành thế này hoặc kẻ kia đã trở thành thế nọ.
– Trời ơi – Otto Burkhardt kêu lên trong một giọng tươi tắn thanh thản của y – Đấy là cả một thời gian đằng đẵng! Có ai biết đến nàng Meta Heilemann đã ra sao?
– Chao, Meta Heilemann! – Veraguth xen vào một cách say sưa – Nàng chẳng phải là một cô gái đáng yêu ư? Trong cái cặp của tôi có đầy hình chân dung của nàng mà tôi đã vẽ trên các tờ giấy chặm trong các buổi học. Tôi chưa bao giờ vẽ mái tóc của nàng hoàn toàn đúng cả. Anh nhớ không, nàng có để hai bính tóc lớn rũ xuống trên tai nàng.
– Anh có được tin tức gì về nàng chăng?
– Không. Lần đầu tiên tôi từ Paris trở về thì nàng đã đính hôn với một luật sư. Tôi gặp nàng trên đường với em nàng, và tôi nhớ lại là tôi đã tức tôi cho mình biết bao bởi vì tôi không khỏi đỏ mặt và mặc dù tôi đã râu ria xồm xoàm và có cái dáng dấp Paris của tôi, tôi cũng cảm thấy y như một chú học trò nhỏ khờ khạo – nếu nàng chỉ đừng có được gọi là Biến-thể. Tôi chẳng bao giờ chịu nổi cái tên đó cả.
Burkhardt lắc lắc cái đầu tròn trịa của y một cách mơ màng.
– Johann ạ, anh yêu cũng chưa thấm vào đâu. Tôi nghĩ rằng Meta thật tuyệt diệu, nàng có thể gọi là Eulalia để tôi dốc lòng săn sóc, tôi xin chịu đựng mọi thử thách ở cái nhìn trong khóe mắt nàng.
– Ồ, tôi cũng yêu đương ra rít đấy chứ. Một hôm trên đường trở lại giờ học tự do lúc 5 giờ của chúng tôi – tôi đã cố ý đi trễ, chỉ có một mình và không có ý nghĩ nào khác trên đời ngoại trừ Meta, đã biết là bị phạt mà cũng đếch cần – nàng ở đấy, đang tiến về phía tôi ở gần vách tròn. Nàng đang tay trong tay với một cô bạn. Bỗng nhiên tôi không thể nghĩ rằng nàng sẽ tay trong tay với tôi như thế nào thay vì đi với con ngỗng đần độn đó. Nàng gần bên tôi cho đến nỗi đầu tôi bắt đầu quay cuồng và tôi phải đứng lại trong chốc lát và ngã người vào vách. Sau cùng khi tôi trở lại thì cánh cổng đã khóa cứng; tôi phải nhận chuông và họ đã phạt tôi một giờ cấm túc.
Burkhardt mỉm cười và nhớ đến nhiều cuộc gặp gỡ hi hữu của họ đã làm cho họ nhớ đến Meta như thế nào. Như những đứa học trò đã rút vào những niên cách lớn lao nhứt để giữ kín chuyện yêu đương của họ với nhau, và chỉ có những năm về sau này dần dà họ mới vén tấm màn bí mật đó lên và trao đổi những kinh nghiệm vụn vặt của họ. Song ngay cả hiện thời chẳng người nào trong bọn họ kể lại toàn bộ câu chuyện yêu đương đó cả. Otto Burkhardt hồi tưởng lại những tháng trời y đã cất giữ và chiêm ngưỡng một trong những đôi găng tay của Meta như thế nào, đôi găng tay mà y nhận thấy hoặc đánh cắp vào lúc ấy, đấy là một tiết mục mà bạn y vẫn chưa hề biết. Hiện giờ y cân nhắc để trút bỏ cái gánh nặng của câu chuyện ấy cho mình, song cuối cùng y mỉm cười một cách tinh quái và không nói gì cả, lấy làm khoái trá ở việc giữ lại cái ký ức nhỏ nhặt cuối cùng này cho mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.