ĐIỆP VỤ THÀNH BÁT ĐA

Chương V



Chiếc thuyền vừa ra khỏi vùng đầm lầy từ hai bữa trước, lửng lơ xuôi theo con nước trên dòng sông Shalttel Arab. Dòng sông êm đềm phẳng lặng, lão chèo thuyền xuôi mái mặc cho con thuyền trôi. Mắt lão chỉ khép hờ, mồm ngâm nga một khúc hát Ả Rập nghe não nề.

ASRI BI LEL YA YAMALI

HADHI ALEK YA IBN AU

Cũng như nhiều dạo trước kia, lão Abdul Suleiman của vùng đầm lầy Marsh Arabs xuôi thuyền về bến cảng Basrah. Hôm nay chở theo một khách đường xa, khuôn mặt không xa lạ gì lúc nào cũng mang sẵn những nét pha trộn màu sắc Đông và Tây nổi bật trong cách ăn mặc. Bên ngoài chiếc áo vải sọc, gã khoác thêm tấm áo choàng vải kaki cũ mèm, lem luốc. Chiếc khăn đan màu đỏ nhét vào bên trong chiếc áo khoác rách bươm. Đầu đội chiếc mũ biểu tượng trang phục người Ả Rập. Mắt gã lờ đờ nhìn theo bờ kênh. Gã cũng ngâm nga theo nhịp điệu bài hát. Trông gã cũng bình thường như bao nhiêu người dân ở vùng Mesopotamia. Nhìn gã không có dáng dấp một dân Ăng-lê mang theo trong người nhiều điều bí ẩn ngay cả đến những kẻ có thế lực đang ra sức ngăn chặn và tiêu diệt. Tâm trí gã đang nhớ về những biến cố mấy tuần vừa qua. Cuộc phục kích trong hẻm núi. Băng tuyết trên đèo trôi xuống. Đoàn lữ hành trên lưng lạc đà, bốn ngày lặn lội vượt sa mạc khô cằn cùng với hai người khiêng chiếc máy “chiếu bóng”. Những ngày sống trong lều bạt tối om và cuộc hành trình cùng với bộ lạc Aneizeh, những người bạn vong niên. Trải qua nhiều gian khổ, hiểm nguy rình rập – bao nhiêu lần thoát khỏi vòng vây lực lượng truy bắt.

Henry Carmichael, điệp viên người Anh. Tuổi độ ba mươi. Tóc nâu, mắt đen, chiều cao trên 1 mét rưỡi. Nói được tiếng Ả Rập, tiếng Kurd, Iran, Armenia, Hindu, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều thổ ngữ dân miền núi. Được dân bộ lạc che chở. Là một đối tượng đáng gờm.

Carmichael sinh tại thành phố Kashgar (TQ), cha làm công chức. Thuở nhỏ có tật nói chớt nhưng nói được nhiều thứ tiếng và thổ ngữ – vì những người giúp việc nhà thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Lớn lên Carmichael đi khắp nơi đến các xứ xa xôi vùng Trung Đông và nơi đâu gã cũng có bạn bè.

Ở giữa thành phố gã không tìm ra điểm liên lạc. Lúc này khi đang ở thành phố cảng Basrah gã nhận định ngay mình đương đầu với một điệp vụ gay go. Sớm muộn gì, gã cũng phải xâm nhập trở lại vùng dân cư của thành thị văn minh. Dù mục tiêu cuối cùng là thành Bát Đa, nhưng gã cần phải cảnh giác cao không nên xâm nhập ngay. Đến Iraq đã có đủ cơ sở vật chất sắp xếp lo liệu từ mấy tháng trước. Mọi việc đang chờ gã quyết định đâu là nơi dùng làm bãi đáp. Gã chưa tiện báo cáo cấp trên dù hệ thống liên lạc gián tiếp rất an toàn. Theo kế hoạch, một chiếc máy bay tập kết tại điểm hẹn – nhưng giờ chót lại không đến, gã đã tiên liệu trước kế hoạch sẽ hỏng. Bọn địch biết trước, vậy là thông tin đã bị rò rỉ. Có điều khó hiểu là tại sao âm mưu bị bại lộ.

Gã đánh hơi được nguy cơ đe dọa còn hơn thế nữa. Ngay cả khi lọt vào được thành phố cảng Basrah, nơi được xem là an toàn nhất, vậy mà gã có linh tính sắp phải đối mặt với nguy cơ gấp nhiều lần rủi ro trong suốt cuộc hành trình. Đến giờ phút cận kề này lỡ có thất bại thì rất khó ăn nói.

Tên chèo thuyền khua tay nhịp nhàng, lão già Ả Rập miệng lẩm bẩm chẳng thèm ngoái đầu lại.

“Thời cơ đã đến, con ạ. cầu xin thánh Allah ban ơn”.

“Cha đừng ở lâu một chỗ trong thành. Cha phải nhớ quay lại vùng đầm. Con không làm hại cha đâu”.

“Thì đấy, như lời Allah đã phán. Mọi sự đều nhờ ơn trên”.

“Cầu xin Allah phù hộ” – Người con nói.

Chợt gã nghĩ trong đầu ước gì ta làm người phương Đông, chứ không phải làm người mang dòng máu phương Tây. Lúc đó ta không còn âu lo chuyến đi thành công hay thất bại, không tính toán cân nhắc mọi chuyện rủi may. Ta sẽ phó thác số phận cho Trời cao, cho Thánh thần, cầu xin Allah lần này ta thành công!

Dù sao đi nữa gã vẫn nhận ra cái vẻ yên tĩnh và số phận của đất nước đang vây chặt quanh gã. Rồi trong thoáng chốc, gã rời con thuyền để len lỏi qua từng nẻo đường đô thị, căng mắt quan sát. Gã phải cảm nhận bằng khối óc, và cặp mắt một người Ả Rập mới đạt mục tiêu được.

Chiếc thuyền quay mũi theo con nước xuôi về dòng song. Tất cả phương tiện đi lại trên sông neo lại bến chờ và những con thuyền đến trước sau nối đuôi theo. Một dòng sông, thơ mộng không thua kém gì bên thành Veniseo Ý, mũi thuyền nhô cao, nước sơn bạc màu. Dọc theo bến sông có đến hàng trăm con thuyền neo đậu san sát.

Lão chèo thuyền cất tiếng hỏi “Đã đến giờ rồi. Mọi việc đã sẵn sàng cả chứ?”

“Dạ, mọi việc đã xong rồi. Giờ con phải ra đi”.

“Cầu xin ơn trên phù hộ cho con ra đi bình yên”.

Carmichael vén chiếc sà rông vải sọc qua khỏi đầu gối bước xuống đất rồi men theo mấy bậc tam cấp lát đá dẫn tới cầu tàu.

Cũng vẫn cảnh sông nước như ngày nào. Những đứa bé bán hàng rong ngồi phệt xuống đất bày những mâm trái cây nào là bánh mứt, dây giày, gương soi mặt, dây thun. Những người cầu nguyện âm thầm trên đường phố lâu lâu lại khạc nhổ, tay lần theo tràng hạt. Bên kia đường là cửa hiệu và nhà băng, những nhà thông thái trẻ trong bộ âu phục pha sắc tím chen chân nhau mà đi. Trên đường phố thấy cả người Âu, người Ăng-lê và đủ thứ dân tứ xứ. Không nơi nào như ở đây, mọi cặp mắt tò mò luôn nhìn theo một tên trong nhóm năm mười người Ả Rập từ dưới thuyền vừa đặt chân trên cầu tàu.

Carmichael lặng lẽ dạo trên đường phố, dõi mắt theo mọi sinh hoạt và thích thú như một đứa trẻ. Đôi lúc gã cũng khạc nhổ thô bạo và gã phải hỉ mũi vào tay đến hai lần.

Và rồi người khách lạ đi vào thành phố. Gã lướt qua cầu cuối bờ kênh, vòng một vòng rồi đi vào lối chợ.

Chợ nhằm buổi đông người, náo nhiệt. Những dân bộ lạc chen chúc nhau mà đi – kéo theo đàn lừa chất đầy hàng trên lưng, người chủ hàng rao giọng khàn khàn “Balek – Balek” Trẻ con la hét cãi nhau chạy theo khách người Âu xin tiền.

Trong chợ bày bán đầy đủ các sản phẩm Âu, Á, việc bán buôn cũng khá cạnh tranh. Nào soong nồi, ly tách ấm trà, đồ đồng, đồ bạc, đồng hồ rẻ tiền, cốc bình tráng men, đồ thêu, thảm lót của xứ Iran. Từ lớp đồng thau của xứ Kuwait đến quần áo cũ, áo len trẻ em. Sản phẩm mền đắp trải giường nội địa, đèn trang trí, bình gốm sứ…

Đối với gã mọi thứ đều bình thường. Những ngày lưu lạc trong vùng hoang vu, nay nhìn thấy sinh hoạt chen chúc, hỗn độn lạ lẫm làm sao, nhưng mà gã không hề nhìn thấy một dấu hiệu trái ngược, không ai để ý sự hiện diện của gã ngay lúc này. Và rồi bản năng của một một kẻ từng bị săn đuổi nhiều năm trỗi dậy, gã cảm thấy bồn chồn hơn bao giờ hết – một cảm giác chực chờ nguy cơ sẽ ập tới. Thì ra gã chẳng thấy một điều gì sai quấy. Chẳng có ai theo dõi cả, cũng không có ai dòm ngó bám theo sau lưng gã. Nhưng gã vẫn lo sợ một mối đe dọa khó tả sẽ xảy ra.

Gã đi tới khúc ngoặt tối om, rẽ qua phải rồi qua trái. Đến những quầy hàng nhỏ hẹp, gã đi về phía nhà trụ đang mở cửa, bước qua rồi dừng lại trước sân. Chung quanh cũng đầy quán xá. Carmichael bước tới gian hàng treo bán ferwahs – tấm áo da cừu ở miền Bắc. Gã đứng chăm chú nhìn ngắm lưỡng lự. Người bán hàng mang cà phê ra mời khách, một người cao ráo để râu hàm, bề ngoài nhìn lịch sự, đầu đội chiếc mũ fez, người khách đó là khách hành hương đi Mecca.

Carmichael đứng đó sờ tay xem tấm áo ferwah.

“Besh hahda?” – Gã khách lạ hỏi.

“Bảy đồng dinar”.

“Đắt quá”.

Người khách hành hương hỏi “Có thể giao tấm thảm đến nhà trọ được chứ?”

“Được thôi” – Người bán hàng đáp. “Sáng mai ông phải đi xa à?”

“Sáng mai tôi phải đi Kerbela”.

“Kerbela đó là, thành phố quê hương tôi”, – Carmichael chợt lên tiếng. “Đã mười lăm năm rồi tôi chưa trở lại, kể từ lúc tôi nhìn thấy lăng mộ vua Hussein”.

“Nơi đó là một thành địa”. – Người khách hành hương nói.

Người bán hàng đứng nói qua vai Carmichael.

“Tôi có hàng giá rẻ để phía sau kia”.

“Tôi chỉ cần hàng ferwah chính hiệu miền Bắc”.

“Tôi còn một chiếc ở bên gian hàng kia” – Người bán hàng chỉ tay về phía cửa sổ nằm ở cuối dãy tường.

Cuộc trao đổi diễn ra thường ngày là một nghi thức ở chợ – theo đúng trình tự – mấu chốt của mọi giao dịch – Thánh địa Kerbela – áo da ferwah màu trắng.

Carmichael đi theo lối đi dẫn tới gian hàng ngăn cách bên trong cùng, nếu gã không ngước mắt nhìn nét mặt người bán hàng – thì làm sao gã nhận ra ngay nét mặt không giống người gã định gặp. Dẫu vậy gã còn nhớ đã gặp hắn đâu một lần rồi. Nhìn bề ngoài thì giống nhưng gương mặt thì không. Gã dừng lại, giọng nói có vẻ kinh ngạc.

“Như vậy, Salah Hassan đâu rồi?”

“Anh tôi đấy à, ông ấy chết cách nay ba ngày. Tôi biết rất rõ mọi việc của anh tôi”.

Quả thật Salah Hassan là anh của gã. Thảo nào nhìn giống nhau quá. Và có thể là gã này được tuyển làm nhân viên của cửa hàng. Câu trả lời đúng với thực tế và ngay lúc này Carmichael đang có mặt ở một nơi tối tăm. Nơi đây có đủ mặt hàng chất đầy trên quầy, bình đựng cà phê, bộ đồ đạc của xứ Iran, hàng thêu, áo khoác sát nách, bộ khay gồm sứ Damas, bộ đồ pha cà phê.

Một tấm áo da ferwah xếp cẩn thận bày trên bàn cà phê. Carmichael bước tới nhặt lấy. Bên dưới là mấy bộ quần áo châu Âu, một bộ đồ vét màu mè đã cũ mèm. Một ví đựng tiền, một thư ủy nhiệm để sẵn trong túi áo vét. Chợt một người Ả Rập lạ mặt bước vào cửa hàng. Ngài Walter Williams thuộc Công ty anh em nhà Cross. Một số nhà giao dịch trước với gã. Dĩ nhiên là có một ngài Walter Williams thật một nhà doanh nghiệp làm ăn rất uy tín.

Nếu phương án hành động cần đến vũ khí là súng lục, thì nhiệm vụ của Carmichael coi như thất bại. Nếu sử dụng dao thì lợi thế hơn – nhất là không gây tiếng động.

Trên quầy hàng phía trước mặt Carmichael, bày một bình đựng cà phê bằng đồng vừa đánh bóng theo yêu cầu một khách du lịch Mỹ thích sưu tầm đồ cổ. Lưỡi dao thần chiếu trên mặt chiếc bình tròn vừa được đánh bóng – và khuôn mặt nhìn thấy méo mó rõ từng nét. Vừa nhác thấy một bóng người phớt qua bức màn che phía sau lưng chỗ Camichael, lập tức hắn rút lưỡi dao cong vút ra khỏi áo. Ngay tức khắc Carmichael xoay người lại, ra đòn gạt cho tên kia ngã xuống đất. Con dao văng ra xa bên kia. Carmichaell nhanh chân tháo lui nhảy qua người tên kia đang nằm dưới sân, vụt nhanh qua gian phòng, trước vẻ mặt hoảng hốt nham hiểm của người bán hàng, và vẻ kinh ngạc giả vờ của người khách hành hương béo phệ. Ra được bên ngoài Carmichael đi ngang qua dãy nhà trọ quay trở lại khu chợ náo nhiệt, rẽ ngoặt khuất sau một góc phố rồi qua một khúc cua nữa. Gã thong thả rảo bước như một khách dạo phố, không hấp tấp vội vã ngay trên một xứ sở mà cách đi đứng vội vàng là một hiện tượng khác thường.

Gã bước đi những bước vào định, đôi lúc dừng lại ngắm mấy món hàng, sờ xem một loại vải, đầu óc đang rối beng. Như vậy là cả một cỗ máy đã hỏng. Lần này gã như đang trở lại đất nước của mình, một đất nước thù địch. Gã cảm thấy bực tức về toàn bộ sự việc vừa xảy ra.

Gã không lo sợ kẻ tù đang bám theo sát gót. Cũng không sợ kẻ địch ngăn trở bước tiến đến một nền văn minh, vẫn còn có kẻ địch ẩn núp từ bên trong cơ cấu tổ chức, mật khẩu đã bị lộ. Trận đòn tấn công nhằm đúng lúc gã vừa lọt vào một nơi tưởng như an toàn nhất. Không còn phải ngạc nhiên, nội bộ gặp phải bọn tạo phản, mục tiêu của bọn địch là gài người vào tổ chức. Hoặc tìm cách mua chuộc người đang cần lôi kéo về phía địch. Mua chuộc một mạng người không khó như mọi người đã nghĩ – bọn địch có thể dùng ngón mua chuộc khác không phải đồng tiền.

Như vậy, mặc cho tình thế ra sao, chuyện cũng đã rõ. Gã đang trên đường tháo chạy. Không đồng xu dính túi, không tìm ra nhân vật nào đứng ra che chở, gã đã bị lộ tung tích. Ngay cả lúc này bọn địch vẫn âm thầm bám theo. Gã bước đi chẳng thèm quay đầu lại. Để làm gì nhỉ? Bọn địch không phải là những tay mới vào nghề.

Gã cứ lặng lẽ bước đi mà không biết sẽ đi về đâu. Bên trong cái vẻ hờ hững đó gã đang suy tính nhiều việc. Cuối cùng gã ra khỏi khu chợ băng qua chiếc cầu nhỏ bắc qua dòng kênh. Gã cứ đi tới, đến lúc liếc nhìn tấm bảng vẽ huy hiệu dựng trên lối cổng ra vào đề chữ: Lãnh sự quán Anh.

Gã dừng lại nhìn khắp mọi nẻo đường. Không thấy một dấu hiệu có kẻ đang theo dõi. Rõ rồi, không còn chỗ nào an toàn hơn là vào ngay bên trong Lãnh sự quán Anh.

Chợt gã nghĩ lại, biết đâu ta đang sa vào bẫy, một cái bẫy giăng sẵn ra đó với một miếng phó mát ngon lành chờ con mồi nhào vô.

Thôi thì đành phải liều, không còn lối thoát nào nữa.

Gã vội bước nhanh qua cánh cổng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.