Đoạn đường để nhớ
Chương 1(tiếp)
Trước đây, ông nội tôi là người đã dắt bố tôi đi săn và đi câu, dạy ông chơi bóng, có mặt trong các bữa tiệc sinh nhật, tất cả những điều nhỏ nhặt như thế đã bồi đắp đáng kể cuộc đời ông trước khi trường thành. Trái lại, bố tôi là người xa lạ, tôi gần như không biết gì về ông. Trong năm năm đầu đời tôi đã nghĩ rằng tất cả các ông bố đều sống ở nơi khác. Phải đến hôm ở nhà trẻ khi Eric Hunter, thằng bạn thân nhất của tôi, hỏi tôi rằng người đàn ông xuất hiện ở nhà tôi đêm hôm trước là ai thì tôi mới nhận ra có gì đó không ổn trong hoàn cảnh của mình.
“Ông ấy là bố tao,” tôi tự hào nói.
“Ồ,” Eric nói trong khi lục lọi hộp đựng bữa trưa của tôi để tìm thanh sô cô la Milky Way, “tao không biết mày có bố đấy.”
Nó đốp thẳng vào mặt tôi như vậy.
Vì thế, tôi lớn lên với sự chăm sóc của mẹ. Ngày ấy bà là một quý bà dễ thương, ngọt ngào và dịu dàng, kiểu người mẹ hầu hết mọi người đều ao ước. Nhưng bà đã không, mà cũng chưa bao giờ, có ảnh hưởng kiểu đàn ông đối với cuộc đời tôi, và sự thật đó, cộng với việc lớn lên không có bố bên cạnh, khiến tôi trở thành một kẻ nổi loạn, ngay từ lúc còn nhỏ. Không phải một kẻ xấu, các bạn chú ý nhé. Thỉnh thoảng tôi cùng lũ bạn chỉ lẻn ra ngoài lúc tối muộn và xát xà phòng lên cửa sổ xe ô tô hoặc ăn lạc luộc trong nghĩa địa phía sau nhà thờ, nhưng trong những năm năm mươi đó là điều khiến các ông bố bà mẹ khác lắc đầu và thì thầm với con cái họ rằng, “Con không nên giống thằng bé Carter đó. Sớm hay muộn nó cũng vào tù thôi.”
Tôi. Một thằng bé hư hỏng. Vì ăn lạc luộc trong nghĩa địa. Thử tưởng tượng mà xem.
Dù sao, bố tôi và ông Hegbert cũng không ưa nhau, nhưng đó không chỉ là chính trị. Không, có vẻ như bố tôi và ông Hegbert biết nhau từ lâu lắm rồi. Hegbert hơn bố tôi chừng hai chục tuổi, và trước khi trở thành mục sư ông từng làm việc cho ông nội tôi.
Ông tôi – mặc dù dành cho bố tôi rất nhiều thời gian – thực sự là một kẻ xấu xa, nếu thật có loại người như vậy. Xin nói, ông chính là người gây dựng nên cơ ngơi của cả gia đình, nhưng tôi không muốn bạn hình dung ông là kiểu người nô lệ của công việc, làm lụng cần mẫn, ngắm nhìn việc kinh doanh phát triển rồi chậm rãi phát đạt cùng với thời gian. Ông tôi khôn ngoan hơn thế nhiều. Cái cách ông kiếm tiền rất đơn giản – ông khởi nghiệp bằng việc bán rượu lậu, tích lũy của cải trong suốt thời kỳ Cấm Rượu bằng cách phân phối rượu mạnh từ Cuba. Rồi ông bắt đầu mua đất và thuê những người lính canh làm việc. Ông lấy chín mươi phần trăm số tiền mà những người lĩnh canh thu được nhờ trồng thuốc lá, rồi lại cho họ vay tiền bất cứ khi nào họ cần với lãi suất cắt cổ. Đương nhiên, ông chẳng bao giờ định đòi tiền – thay vào đó ông tịch thu đất hoặc bất cứ công cụ sản xuất nào mà họ sở hữu. Rồi sau đó, trong lúc ông gọi là “giây phút cảm hứng”, ông thành lập một ngân hàng tên là Ngân hàng và Tín dụng Carter. Ngân hàng duy nhất khác nằm trong bán kính hai hạt đã bị cháy rụi một cách bí ẩn, và cùng với sự tấn công mạnh mẽ của thời kỳ Đại suy thoái, nó chẳng bao giờ hoạt động trở lại. Mặc dù tất cả mọi người đều biết thực sự chuyện gì đã xảy ra, nhưng không ai dám hé một lời vì sợ bị trả thù, và sự sợ hãi của họ là có lý do. Ngân hàng đó không phải là tòa nhà duy nhất bị thiêu rụi một cách bí ẩn.
Tỷ lệ lãi suất của ông tôi rất tàn bạo, và rồi từng chút từng chút một, khi người dân vỡ nợ, ông bắt đầu tích lũy thêm tài sản và đất đai. Khi cuộc Đại suy thoái vào hồi khốc liệt nhất, ông tịch thu hàng tá cơ sở làm ăn trên khắp hạt để gán nợ và cùng lúc đó giữ lại những người chủ cũ làm công ăn lương, chỉ trả vừa đủ để giữ họ ở lại, bởi vì họ chẳng có nơi nào khác để đi hết. Ông nói khi kinh tế khá hơn ông sẽ bán cơ sở kinh doanh vốn của hộ này lại cho họ, và ai cũng tin.
Tuy nhiên, ông chưa từng một lần giữ lời hứa. Cuối cùng, ông kiểm soát phần lớn kinh tế của hạt và lạm dụng quyền lực của mình theo mọi cách.
Tôi rất muốn nói với bạn rằng cuối cùng ông chết tức tưởi, nhưng không hề. Ông qua đời khi đã rất già, lúc đang ngủ với cô bồ trên chiếc thuyền buồm của mình ở ngoài đảo Cayman. Ông sống lâu hơn cả vợ và người con trai độc nhất của mình. Một lão già như thế mà kết thúc như vậy hả? Cuộc đời, theo như tôi biết, chẳng bao giờ công bằng hết. Người ta nên cho bạn biết điều đó, nếu họ có ý định dạy bạn thứ gì ở trường.
Nhưng quay trở lại với câu chuyện… Khi nhận ra ông tôi thực sự là một kẻ tồi tệ như thế nào, Hegbert đã không làm việc cho ông tôi nữa mà tham gia đoàn mục sư, sau đó ông trở lại Beaufort và bắt đầu giảng đạo tại chính nhà thờ chúng tôi đi lễ. Ông ấy dành vài năm đầu tiên để trau dồi truyền thuyết lửa – và – lưu huỳnh bằng những bài giảng đạo hàng tháng về những con quỷ tham lam, và việc này khiến ông chỉ còn rất ít thời gian làm bất kỳ thứ gì khác. Ông lấy vợ khi ngoài bốn mươi ba tuổi và ông bước sang tuổi năm lăm lúc con gái của ông, Jamie Sullivan, chào đời. Vợ ông, một người phụ nữ nhỏ bé, mong manh trẻ hơn ông hai mươi tuổi, sẩy thai sáu lần trước khi sinh hạ Jamie, và cuối cùng bà chết trong lúc sinh nở, khiến Hegbert trở nên góa bụa và một mình nuôi con gái.
Đây, tất nhiên, chính là câu chuyện đằng sau vở kịch.
Mọi người biết câu chuyện thậm chí trước khi vở kịch lần đầu tiên được trình diễn. Đó là một trong những câu chuyện được nhắc đi nhắc lại bất cứ khi nào Hegbert rửa tội cho một đứa bé hay tham dự đám tang. Tất cả mọi người đều biết rõ câu chuyện, và tôi nghĩ đó là lý do tại sao rất nhiều người xúc động khi xem vở kịch Giáng Sinh. Họ biết dựa trên một sự việc có thật, khiến vở kịch mang một ý nghĩa đặc biệt.
Jamie Sullivan, cũng giống như tôi, là học sinh năm cuối trung học, và con bé được chọn để đóng vai thiên thần từ trước, những người khác thậm chí không có lấy một cơ hội. Điều này, tất nhiên, khiến cho vở kịch đặc biệt gấp bội. Đó là một việc lớn, có thể là lớn nhất từ trước đến giờ – ít nhất là theo đánh giá của cô Garber. Cô là giáo viên môn kịch, và khi tôi gặp cô lần đầu, cô rất hào hứng về biết bao triển vọng cho vở kịch đó.
Lúc bấy giờ tôi không định tham gia lớp kịch năm học đó. Tôi thực sự không có ý định, nhưng tôi phải chọn hoặc là lớp kịch đó, hoặc là lớp hóa học II. Chuyện là, tôi nghĩ đây có thể là lớp học nhàn nhã, đặc biệt khi so sánh với lựa chọn còn lại. Không bài luận, không bài kiểm tra, không bảng số nơi tôi phải ghi nhớ các proton và neutron và các nguyên tố kết hợp trong công thức phù hợp của chúng… còn gì tốt hơn với một học sinh cuối cấp chứ? Đó có vẻ như là điều hiển nhiên, và khi ghi danh vào lớp kịch tôi nghĩ mình có thể ngủ gật trong hầu hết mọi giờ học, điều này, tính đến những buổi tối thức khuya ăn lạc luộc của tôi, thì thực sự rất quan trọng.
Vào ngày đầu tiên của lớp kịch, tôi là người cuối cùng có mặt, bước vào lớp chỉ vài giây trước khi chuông reo, rồi chiếm một chỗ ở cuối lớp. Cô Garber quay lưng lại với cả lớp, đang bận viết tên của mình với những chữ cái to tướng dính vào nhau, như thể chúng tôi không biết cô là ai vậy. Cô rất to lớn, cao ít nhất là một mét chín, với mái tóc đỏ rực và làn da tai tái cho thấy rõ những vết tàn nhang ở tuổi bốn mươi. Cô còn quá béo nữa – tôi nói thật, cô ăn đứt một tạ hơn – và cô đặc biệt thích mặc những chiếc váy hoa dài. Cô có cặp kính gọng sừng dày màu đen, và cô chào mọi người bằng kiểu “Xin chàooooo”, gần như hát lên âm tiết cuối vậy. Cô Garber là người rất đặc biệt, điều đó là chắc chắn, và cô độc thân, điều này thậm chí còn khiến sự việc tồi tệ hơn. Một anh chàng, không cần biết bao nhiêu tuổi, không thể khỏi cảm thấy ái ngại cho một cô gái như cô.
Dưới tên mình, cô viết những mục tiêu mà cô muốn đạt được trong năm đó. “Tự tin” là số một, theo sau “Tự nhận thức”, và thứ ba, “Tự thực hiện”. Cô Garber rất mê những thứ “Tự”, điều này khiến cô đi trước hẳn một bước trong lĩnh vực tâm lý học trị liệu, mặc dù lúc ấy có lẽ cô cũng không nhận ra. Cô Garber là người tiên phong trong lĩnh vực này. Có thể là do vẻ bề ngoài của cô; có lẽ cô chỉ đang cố gắng để cảm thấy dễ chịu hơn về bản thân.
Nhưng tôi đang lạc đề.
Không phải cho đến khi lớp học bắt đầu tôi mới nhận thấy điều gì đó không bình thường. Mặc dù trường trung học Beaufort không lớn, tôi biết sự thật nó được chia đều theo tỷ lệ 50-50 giữa nam và nữ, đó chính là lý do tôi ngạc nhiên khi thấy lớp học này có ít nhất chín mươi phần trăm là nữ. Có duy nhất một thằng con trai khác trong lớp, điều này theo tôi là điềm lành, và trong một giây tôi cảm thấy đỏ mặt với cảm giác kiểu như “thế giới hãy coi chừng, tôi đến đây”. Bọn con gái, con gái, con gái… Tôi không thể không nghĩ đến. Con gái, con gái và không có bài kiểm tra nào trước mắt.
Té ra tôi không phải là đứa duy nhất suy tính về tương lai…
Thế rồi cô Garber nhắc đến vở kịch Giáng sinh và thông báo với tất cả mọi người rằng Jamie Sullivan sẽ đóng vai thiên thần năm đó. Cô Garber vỗ tay ngay lập tức – cô cũng là một thành viên của nhà thờ – và rất nhiều người nghĩ cô đang theo đuổi Hegbert. Tôi nhớ rằng, lần đầu tiên nghe tin ấy, tôi đã nghĩ may mà họ quá già để có thể có con, nếu họ có lấy nhau. Thử tưởng tượng mà xem – mờ nhạt và những đốm tàn nhang ư? Ý nghĩ này khiến mọi người đều rùng mình, nhưng tất nhiên chẳng ai dám hé răng về chuyện đó, ít nhất trong khoảng cách mà cô Garber và ông Hegbert nghe được. Tin đồn là một chuyện, tin đồn ác ý lại là chuyện khác, và ngay cả trong trường trung học chúng tôi cũng không xấu tính đến vậy. Cô Garber tiếp tục vỗ tay một lúc, có mỗi mình cô, cho đến khi cuối cùng tất cả chúng tôi cũng tham gia, bởi rõ ràng đó là điều cô muốn. “Đứng dậy nào, Jamie,” cô nói. Rồi Jamie đứng dậy và xoay người lại với cả lớp, cô Garber bắt đầu vỗ tay thậm chí còn nhanh hơn, như thể cô đang đứng cạnh một ngôi sao điện ảnh sáng giá.
Jamie Sullivan là một con bé dễ thương. Thực sự là như vậy. Beaufort rất nhỏ nên chỉ có một trường tiểu học duy nhất, vì thế chúng tôi học chung lớp suốt từ trước tới giờ, và sẽ là nói dối nếu bảo tôi chưa bao giờ trò chuyện với con bé. Hồi lớp hai, nó từng ngồi cạnh tôi suốt cả năm học, và chúng tôi thậm chí còn có vài lần nói chuyện với nhau, nhưng điều này không có nghĩa là tôi hay chơi với nó những lúc rảnh rỗi, ngay cả hồi đó. Người tôi gặp ở trường là một chuyện; người tôi gặp sau giờ học là chuyện hoàn toàn khác, và Jamie chưa bao giờ có mặt trong chương trình vui chơi của tôi.
Không phải vì Jamie không hấp dẫn – đừng hiểu nhầm tôi. Nó không xấu xí hay làm sao hết. Thật may con bé giống mẹ nó, người mà, theo như những bức ảnh tôi đã xem, trông không hề tệ, đặc biệt khi so với người mà kết cục bà đã lấy làm chồng. Nhưng dù sao Jamie cũng không hẳn là kiểu phụ nữ tôi coi là hấp dẫn. Mặc dù con bé có thân hình mảnh mai, mái tóc màu mật ong và đôi mắt xanh nhạt, nhưng hầu như lúc nào trong nó cũng có vẻ… thô sơ, ấy là khi có ai đó thèm để mắt đến nó. Jamie không quan tâm lắm đến vẻ bề ngoài, bởi nó luôn luôn tìm kiếm những thứ như “vẻ đẹp nội tâm”, và tôi đoán đó là một phần lý do con bé có hình thức như vậy. Suốt khoảng thời gian tôi biết Jamie – và điều này sẽ còn lặp lại, hãy nhớ nhé – con bé luôn búi tóc thật chặt, gần giống kiểu một bà cô không chồng, và chẳng trang điểm tí nào. Kèm thêm chiếc áo len nâu tầm thường và cái váy kẻ ô vuông, lúc nào trong nó cũng như đang trên đường đi phỏng vấn để vào làm ở thư viện vậy. Chúng tôi từng nghĩ đó chỉ là một trạng thái nhất thời và thể nào rồi con bé cũng sẽ vượt qua giai đoạn đó, nhưng chẳng bao giờ hết. Thậm chí trong suốt ba năm đầu tiên ở trường trung học, nó cũng chẳng thay đổi chút nào. Thứ duy nhất thay đổi là kích cỡ quần áo của nó.
Nhưng không chỉ vẻ bề ngoài khiến Jamie khác biệt, mà còn do cách con bé hành xử nữa. Jamie chẳng bao giờ chịu bỏ thời gian đàn đúm ở quán Cecil’s hay tới những bữa tiệc ngủ của bọn con gái, và tôi biết chắc rằng từ trước đến giờ nó chưa từng có bạn trai. Con bé mà có bồ, ông Hegbert dám lên cơn đau tim lắm. Nhưng ngay cả khi một sự thay đổi điên rồ nào đó khiến Hegbert cho phép chuyện này thì đó vẫn chẳng phải là vấn đề. Jamie mang cuốn Kinh thánh theo mình khắp nơi, và nếu Hegbert và hình thức của con bé vẫn chưa đủ khiến bọn con trai tránh xa thì cuốn Kinh thánh chắc chắn làm được điều này. Hồi đó tôi thích Kinh thánh như một thằng con trai mới lớn thôi, nhưng Jamie có vẻ thích thú nó theo cách hoàn toàn lạ lẫm với tôi. Nó không chỉ tham dự kỳ nghỉ của trường Dòng tháng Tám hàng năm, mà còn đọc Kinh thánh trong giờ nghỉ trưa ở trường. Trong đầu tôi việc đó không hề bình thường, thậm chí con bé có là con mục sư đi chăng nữa. Dù bạn có phân tích thế nào thì đọc những bức thư của Thánh Paul gửi người Ephesian cũng không thể vui bằng trò tán tỉnh, nếu bạn hiểu điều tôi muốn nói.
Nhưng Jamie không chỉ dừng ở đó. Vì đọc Kinh thánh nhiều quá, hoặc có lẽ do ảnh hưởng của Hegbert, Jamie tin rằng giúp đỡ người khác là hết sức quan trọng và cứu tế chính xác là việc con bé làm. Tôi biết nó làm tình nguyện tại một trại trẻ mồ côi ở thành phố Morehead, nhưng với nó đơn giản thế thôi thì chưa đủ. Nó lúc nào cũng phải phụ trách gây quỹ này hay quỹ khác, giúp đỡ tất cả mọi người từ hội Hướng đạo sinh tới hội Những nàng công chúa da đỏ, và tôi biết là lúc mười bốn tuổi nó đã dành phần lớn thời gian nghỉ hè để sơn lại tường căn nhà của người hàng xóm già. Jamie là kiểu con gái sẵn sàng gieo hạt trong vườn của một người nào đó mà không cần chờ nhờ vả, hay là chặn xe cộ để giúp bọn trẻ con qua đường. Nó sẽ tiết kiệm tiền tiêu vặt để mua một quả bóng rổ cho lũ trẻ mồ côi, hoặc quay lại bỏ tiền vào hòm công đức của nhà thờ vào ngày Chủ nhật. Nói một cách khác, con bé là kiểu con gái khiến bọn còn lại chúng tôi cảm thấy mình thật xấu xa, và bất kỳ khi nào nó liếc tôi, tôi không khỏi cảm thấy tội lỗi, mặc dù tôi chẳng làm gì sai cả.
Lòng tốt của Jamie không chỉ giới hạn với đồng loại. Giả sử nếu con bé vô tình bắt gặp một con vật bị thương, nó cũng cố gắng giúp đỡ con vật đó. Sóc chuột, sóc, chó, mèo, cóc… chẳng là vấn đề với nó. Bác sĩ thú y Rawlings chỉ cần nhìn từ xa là đã nhận ra Jamie, ông lắc đầu mỗi khi thấy con bé bước tới cửa mang theo chiếc hộp các tông đựng một con vật nữa bên trong. Ông tháo kính ra lau bằng khăn tay trong lúc Jamie giải thích nó đã tìm thấy con vật tội nghiệp như thế nào và chuyện gì đã xảy ra. “Nó bị ô tô đâm, bác sĩ Rawlings. Cháu nghĩ Chúa đã sắp xếp để cháu tìm ra và cứu sống nó. Bác sẽ giúp cháu chứ ạ?”
Với Jamie, mọi thứ đều nằm trong dự tính của Chúa. Đây là một chuyện khác nữa. Cứ khi nào bạn nói chuyện với Jamie, bất kể là chủ đề gì con bé cũng sẽ đề cập đến dự tính của Chúa. Trận đấu bóng bầu dục bị hoãn do trời mưa ư? Hẳn phải là kế hoạch của Chúa để ngăn chặn một điều gì đó tồi tệ hơn xảy ra. Một bài kiểm tra lượng giác bất ngờ mà cả lớp đều trượt ư? Hẳn là do Chúa muốn thử thách chúng tôi. Dù sao, bạn cũng hình dung được rồi đấy.
Rồi tất nhiên là còn chuyện toàn bộ hoàn cảnh của Hegbert, điều này chẳng hề ảnh hưởng gì đối với con bé. Là con gái mục sư hẳn không dễ dàng gì, nhưng con bé khiến việc đó nghe như là điều tự nhiên nhất trên thế giới và nó thật may mắn được ban phước theo cách này. Đây cũng chính là câu con bé hay nói. “Mình thật may mắn có người bố như bố mình.” Bất cứ khi nào nó nói vậy, chúng tôi chỉ có thể lắc đầu và tự hỏi không hiểu con bé từ hành tình nào rơi xuống.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều đáng chú ý khác, điều thực sự khiến tôi phát điên về con bé là lúc nào nó cũng vui vẻ, bất kể chuyện gì đang xảy ra xung quanh. Tôi thề, con bé đó chưa khi nào nói xấu về bất cứ thứ gì hay về bất cứ ai, thậm chí với bọn tôi, những đứa chưa bao giờ từng tử tế với nó cho lắm. Nó sẽ ngân nga một mình khi đi xuống phố, vẫy tay với những người lạ lái xe ngang qua. Nhiều khi các bà các cô còn chạy ra khỏi nhà nếu họ trong thấy Jamie đi qua, mời con bé bánh bí đỏ nếu họ vừa nướng bánh cả ngày hay nước chanh nếu hôm đó trời nóng. Có vẻ như tất cả người lớn trong thị trấn đều yêu mến con bé. “Thật là một cô bé đáng yêu,” họ nói vậy bất cứ khi nào nghe thấy tên Jamie. “Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu có nhiều người giống như con bé.”
Nhưng bọn tôi thì không thấy thế. Trong đầu chúng tôi, một Jamie Sullivan đã là quá nhiều rồi.
Tôi đang nghĩ về những điều này khi Jamie đứng trước mặt chúng tôi trong ngày đầu tiên của lớp kịch, và phải nói rằng tôi cũng chẳng thích nhìn con bé cho lắm. Nhưng thật kỳ lạ, ngay khi Jamie quay lại, tôi gần như bị sốc, giống như đang ngồi trên dây điện vậy. Con bé mặc váy kẻ sọc cùng áo cánh trắng, khoác ngoài chiếc áo len màu nâu quen thuộc cũ kĩ tôi đã thấy hàng triệu lần, nhưng chiếc áo lên không thể giấu nổi hai quả cau mới nhú trên ngực nó mà tôi thề là ba tháng trước chưa từng thấy. Nó chưa bao giờ trang điểm và vẫn chẳng trang điểm, nhưng da nó rám nắng, có lẽ là do ở Trường Kinh tháng, và lần đầu tiên tôi thấy nó – ừ, gần như là xinh. Tất nhiên, tôi phản bác điều đó ngay lập tức, nhưng khi con bé nhìn quanh lớp học, nó dừng lại và mỉm cười với chính tôi, rõ ràng rất vui khi thấy tôi ở trong lớp. Phải đến mãi sau này tôi mới hiểu vì sao.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.