Đoạn đường để nhớ

Chương 6



Việc đầu tiên chúng tôi làm là nói chuyện với cô Garber về kế hoạch tới trại trẻ mồ côi, và cô nghĩ đó là một ý kiến tuyệt hảo. Nhân tiện – tuyệt hảo – đó là từ cô yêu thích sau khi nói “Xin ch…à…oooo.” Ngay thứ hai, sau khi nhận ra tôi thuộc hết tất cả lời thoại của mình, cô nói, “Tuyệt hảo!” và trong vòng hai tiếng đồng hồ tiếp theo, cứ mỗi khi tôi diễn xong một cảnh, cô lại nói từ đó lần nữa. Vào cuối buổi tập, tôi đã nghe từ đó tới bốn tỉ tỉ lần.

Nhưng cô Garber thực sự khiến ý tưởng của chúng tôi trở nên thú vị hơn. Cô thông báo với cả lớp những gì chúng tôi đang làm, và hỏi liệu các diễn viên khác có sẵn lòng tham gia cùng không, để bọn trẻ mồ côi có thể thực sự thưởng thức toàn bộ vở kịch. Cách mà cô hỏi khiến bọn chúng chẳng còn lựa chọn nào khác, rồi cô nhìn khắp cả lớp, chờ đợi đứa nào đó gật đầu để ra quyết định chính thức. Không ai di chuyển lấy một milimet, ngoại trừ Eddie. Bằng cách nào đó, nó hít một con bọ vào mũi vào đúng giây phút đó, và nó hắt hơi rất mạnh. Con bọ bay ra khỏi mũi nó, bắn ngang qua bàn, và đậu xuống sàn nhà ngay ở chân Norman Jean. Con bé nhảy khỏi ghế và hét toáng lên, và những đứa ngồi bên cạnh nó hét theo, “Eo!… kinh!”. Bọn còn lại trong lớp bắt đầu nhìn quanh và nghển cổ lên, cổ dòm xem chuyện gì đã xảy ra, và trong mười giây tiếp theo lớp học hoàn toàn hỗn loạn. Đối với cô Garber, đó chính là câu trả lời đồng ý tốt đẹp mà cô cần.

“Tuyệt hảo,” cô nói, kết thúc buổi thảo luận.

Trong lúc đó, Jamie thực sự trở nên háo hức với việc trình diễn cho bọn trẻ mồ côi. Trong giờ giải lao giữa các buổi tập, nó kéo tôi ra một chỗ và cảm ơn vì đã nghĩ đến bọn trẻ. “Cậu không biết đâu,” con bé nói một cách gần như bí mật, “mình đã suy nghĩ xem nên làm gì cho trại trẻ mồ côi năm nay. Mình cầu nguyện điều đó hàng tháng trời nay vì muốn Giáng sinh này sẽ thật đặc biệt.”

“Tại sao Giáng sinh năm nay lại quan trọng đến vậy?” tôi hỏi con bé, và nó nhẫn nại mỉm cười như thể tôi đã hỏi một câu hoàn toàn vô nghĩa.

“Chỉ vì nó quan trọng thôi,” con bé nói đơn giản.

Bước tiếp theo là bàn chuyện đó với ông Jenkins, giám đốc trại trẻ. Tôi chưa bao giờ gặp ông Jenkins trước đó, bởi trại trẻ mồ côi nằm trong thành phố Morehead, bên kia cầu so với Beaufort, nên tôi chẳng có lý do gì để đi đến đó. Lúc Jamie báo tin bất ngờ là chúng tôi sẽ gặp ông Jenkins vào lúc chiều muộn ngày hôm sau, tôi ngạc nhiên và có phần lo rằng mình ăn mặc không đủ lịch sự. Tôi biết đó là trại trẻ mồ côi, nhưng bọn con trai chúng tôi luôn muốn tạo ấn tượng tốt. Mặc dù không hào hứng với chuyện đó bằng Jamie (chẳng ai hào hứng như con bé), tôi cũng không muốn bị liên tưởng là lão Grinch kẻ chuyên phá hoại Giáng sinh của bọn trẻ mồ côi.

Trước khi tới cuộc hẹn ở trại trẻ mồ côi, chúng tôi phải đi bộ về nhà để lấy ô tô của mẹ tôi, và tôi định thay thứ gì đó trông đẹp đẹp hơn một tí trong lúc ở nhà. Việc cuốc bộ mất khoảng mười phút, và Jamie không nói nhiều trên đường, ít nhất cho đến khi tới khu tôi ở. Những ngôi nhà xunh quanh nhà tôi đều rất rộng và được chăm sóc cẩn thận, con bé hỏi ai sống ở đây và các ngôi nhà đó được xây bao lâu rồi. Tôi trả lời những câu hỏi của con bé mà không suy nghĩ nhiều lắm, nhưng khi tôi mở cửa vào nhà, tôi chợt nhận ra thế giới này khác với thế giới của con bé tới mức nào. Trông con bé có vẻ sốc khi nhìn quanh phòng khách, và ghi nhận những gì xung quanh.

Không nghi ngờ gì nữa, đây là ngôi nhà sang trọng nhất mà con bé từng đặt chân tới. Một lúc sau tôi nhìn thấy mắt con bé di chuyển qua những bức tranh treo tường. Đó chính là tổ tiên của tôi. Giống như nhiều gia đình miền Nam, toàn bộ dòng dõi nhà tôi có thể nhìn thấy trong hàng tá bức chân dung treo trên tường. Con bé nhìn họ đăm đăm, tìm kiếm sự giống nhau, tôi nghĩ thế, rồi nó hướng sự chú ý tới đồ đạc trong nhà, những đồ vật trông vẫn còn mới, thậm chí sau hai mươi năm. Đồ đạc được làm thủ công, lắp ghép và chạm trổ từ gỗ dái ngựa hoặc gỗ sơ ri, và được thiết kế một cách đặc biệt cho từng phòng. Rất đẹp, tôi phải thừa nhận, nhưng đó không phải là thứ tôi thực sự quan tâm. Với tôi, nó chỉ là một ngôi nhà. Phần tôi yêu thích nhất trong ngôi nhà là cửa sổ phòng tôi, nơi dẫn tới phần mái hiên của tầng cao hơn. Đó chính là lối tẩu thoát của tôi.

Mặc dù vậy, tôi dắt con bé đi xem nhà, qua phòng khách, thư viện, phòng giải trí, rồi phòng sinh hoạt chung của gia đình, mắt của Jamie mở to hơn khi tới mỗi phòng. Mẹ tôi đang ngồi ngoài hiên phơi nắng, nhấm nháp rượu whiskey đá pha bạc hà và đọc sách. Nghe tiếng chúng tôi, bà liền vào trong để chào hỏi.

Tôi đã nói với bạn là tất cả người lớn trong thị trấn đều yêu mến Jamie phải không? Trong số họ có cả mẹ tôi. Mặc dù Hegbert luôn đưa ra những bài giảng đạo có tên gia đình tôi, mẹ tôi không bao giờ vì thế mà ghét bỏ Jamie, bởi con bé dễ thương biết chừng nào. Vì thế trong khi hai người trò chuyện với nhau một lúc, tôi lên gác lục tung tủ, tìm một chiếc sơ mi và cà vạt sạch. Hồi đó, bọn choai choai chúng tôi mang cà vạt rất nhiều, đặc biệt khi đi gặp những người có chức vụ. Lúc tôi xuống lầu sau khi đã ăn vận đàng hoàng, Jamie đã kể cho mẹ tôi về kế hoạch của chúng tôi.

“Đó là một ý kiến tuyệt vời,” Jamie nói, tươi cười với tôi. “Langdon thực sự có một tấm lòng đặc biệt.”

Mẹ tôi – sau khi đảm bảo vừa nghe Jamie nói một cách chính xác – nhướng lông mày nhìn tôi. Bà nhìn tôi chằm chằm như thể tôi là người ngoài hành tinh vậy.

“Vậy ra đây là ý tưởng của con à?” mẹ tôi hỏi. Giống như tất cả những người khác trong thị trấn, bà biết Jamie không nói dối.

Tôi hắng giọng, nghĩ tới Eric và những trò tôi định làm để trả đũa nó. Nhân tiện, vụ này liên quan đến mật đường và kiến lửa.

“Đại khái thế,” tôi nói.

“Hay thật.” Đó là từ duy nhất bà có thể nói ra. Bà không biết chi tiết, nhưng bà biết tôi hẳn bị ép thì mới làm điều gì đó như thế này. Các bà mẹ luôn biết rõ mọi chuyện, rồi bà chăm chú nhìn sát mặt tôi, cố gắng đoán xem lý do là gì. Để thoát khỏi cái nhìn dò hỏi đó, tôi nhìn đồng hồ, giả bộ ngạc nhiên, và tự nhiên bảo Jamie rằng chúng tôi nên đi. Mẹ tôi lấy chìa khóa ô tô từ trong túi, đưa cho tôi, tiếp tục nhìn tôi dò hỏi cho tới khi chúng tôi đi ra khỏi cửa. Tôi thở phào nhẹ nhõm, tưởng tượng mình vừa thoát khỏi việc này bằng cách nào đó, nhưng ngay khi tôi cùng Jamie tới chỗ đậu xe ô tô, tôi lại nghe thấy tiếng mẹ tôi.

“Jamie đến chơi lúc nào cũng được nhé!” mẹ tôi nói to. “Cháu luôn được chào mừng ở đây.”

Thậm chí đôi khi các bà mẹ cũng khó làm bạn.

Vào đến trong xe rồi tôi tiếp tục lắc đầu.

“Mẹ cậu thật là một phụ nữ tuyệt vời,” Jamie nói.

Tôi nổ máy. “Ừ,” tôi nói, “Mình đoán vậy.”

“Nhà của cậu cũng đẹp thật.”

“Ừ…hử.”

“Cậu nên biết ơn Chúa về sự may mắn của mình.”

“ Ồ,” tôi nói. “Có chứ. Mình có khi lại là thằng bé may mắn nhất còn sống cũng nên.”

Thế nào đó mà, con bé đã không nhận ra giọng mỉa mai trong câu nói của tôi.

Chúng tôi tới trại trẻ mồ côi vừa lúc trời sẩm tối. Hai đứa đến sớm vài phút, ông giám đốc còn đang nói chuyện điện thoại. Đó là cuộc gọi quan trọng nên ông không thể gặp chúng tôi ngay được, vì thế chúng tôi cứ tự nhiên. Bọn tôi ngồi đợi trên ghế băng ở hành lang bên ngoài. Jamie quay sang tôi, cuốn Kinh thánh đặt trên đùi con bé. Tôi đoán Jamie muốn cuốn sách động viên tinh thần, nhưng cũng có thể đó chỉ là thói quen của con bé.

“Hôm nay thực sự cậu làm rất tốt,” con bé nói. “Mình muốn nói đến lời thoại của cậu.”

“Cảm ơn,” tôi nói, cảm thấy tự hào và chán nản chính xác cùng một lúc. “Tuy nhiên mình vẫn chưa học các phân đoạn,” tôi nói thêm. Chúng tôi không thể thực hành những phân đoạn đó ngoài hiên nhà con bé, tôi hi vọng con bé sẽ không đề xuất điều này.

“Cậu làm được mà. Khi học thuộc tất cả các từ rồi, việc đó sẽ dễ dàng thôi.”

“Mình hi vọng thế.”

Jamie mỉm cười, và một lúc sau con bé đổi chủ đề, phần nào khiến tôi bối rối. “Cậu có bao giờ nghĩ về tương lai không Langdon?” con bé hỏi.

Câu hỏi của con bé khiến tôi giật mình bởi nói nghe có vẻ…thật bình thường.

“Có chứ. Mình đoán vậy,” tôi trả lời một cách cảnh giác.

“Vậy, cậu muốn làm gì với cuộc đời mình?”

Tôi nhún vai, thận trọng không hiểu con bé sẽ dẫn dắt chuyện này tới đâu. “Mình không biết. Mình vẫn đang suy nghĩ. Mùa thu tới mình sẽ vào Đại học Bắc Carolina, ít nhất mình hi vọng vậy. Trước tiên, mình phải được nhận vào học đã.”

“Cậu sẽ được nhận mà,” con bé nói.

“Làm sao cậu biết chứ?”

“Bởi mình đã cầu nguyện như vậy.”

Khi con bé nói điều này, tôi nghĩ sẽ xảy ra một cuộc thảo luận về sức mạnh của cầu nguyện và đức tin, nhưng Jamie đã nói sang chuyện khác.

“Học xong đại học thì sao? Cậu làm gì sau đó?”

“Mình không biết,” tôi nói, nhún vai. “Có thể mình sẽ làm tiều phu đốn củi một tay.”

Con bé không thấy điều tôi vừa nói có gì buồn cười.

“Mình nghĩ cậu nên trở thành mục sư,” con bé nói nghiêm túc. “Mình thấy cậu rất tốt với mọi người và ai cũng tôn trọng những điều cậu nói.”

Mặc dù khái niệm này cực kỳ lố bịch, nhưng với Jamie, tôi biết lời khen tặng này bắt nguồn từ trái tim con bé.

“Cảm ơn,” tôi nói. “Làm mục sư hay không mình cũng không biết, nhưng chắc chắn mình sẽ tìm được việc gì đó.” Mất một lúc để tôi nhận ra cuộc trò chuyện đã bắt đầu và giờ đến lượt tôi đặt câu hỏi.

“Còn cậu thì sao? Cậu muốn làm gì trong tương lai?”

Jamie quay đi chỗ khác, mắt nhìn xa xăm, tôi tự hỏi con bé đang nghĩ gì, nhưng rồi ánh mắt đó biến mất ngay, như khi nó đến.

“Mình muốn kết hôn,” con bé khẽ nói. “Trong đám cưới, mình muốn bố dắt tay mình vào thánh đường làm lễ và mình muốn tất cả những người mình quen biết có mặt ở đó. Mình muốn nhà thờ chật ních người.”

“Vậy thôi sao?” Mặc dù tôi không ghét ý tưởng về đám cưới, nhưng có vẻ thật ngu ngốc khi coi hi vọng đó là mục tiêu của cả cuộc đời.

“Ừ,” con bé nói. “Đó là tất cả những gì mình muốn.”

Cái cách con bé trả lời khiến tôi ngờ rằng con bé nghĩ nó có thể kết thúc giống như cô Garber. Tôi cố gắng khiến con bé cảm thấy tốt hơn, mặc dù ý tưởng đó vẫn có vẻ ngốc nghếch đối với tôi.

“Rồi một ngày nào đó, cậu sẽ lấy chồng. Cậu sẽ gặp một anh chàng, hai người tâm đầu hợp ý, và anh ta sẽ hỏi cưới cậu. Và mình chắc rằng bố cậu sẽ rất vui sướng được đưa cậu tới thánh đường.”

Tôi không đề cập đến phần có nhiều người trong nhà thờ. Tôi nghĩ đó là điều thậm chí tôi không thể tưởng tượng nổi.

Jamie cẩn thận suy nghĩ về câu trả lời của tôi, thực sự cân nhắc cách mà tôi vừa nói, mặc dù tôi không biết vì sao.

“Mình hi vọng thế,” cuối cùng con bé nói.

Có thể Jamie không muốn bàn về chuyện đó nữa, đừng hỏi tôi vì sao, thế nên tôi chuyển sang một chủ đề mới.

“Vậy cậu thường xuyên tới trại trẻ này được bao lâu rồi?” tôi vui vẻ hỏi.

“Đến giờ là bảy năm rồi. Lần đầu tiên tới đây mình mười tuổi. Hồi ấy mình còn ít tuổi hơn nhiều trẻ mồ côi ở đây.”

“Điều này khiến cậu thích thú hay cảm thấy buồn?”

“Cả hai. Một vài đứa trẻ ở đây có hoàn cảnh thực sự khủng khiếp. Chỉ cần nghe những điều này cũng đủ khiến trái tim cậu tan vỡ. Nhưng khi bọn trẻ thấy cậu đến cùng vài cuốn sách từ thư viện hay một trò chơi mới, những nụ cười của chúng sẽ xua đi mọi nỗi buồn. Đó là cảm xúc tuyệt vời nhất trên thế giới.”

Jamie nói, khuôn mặt rạng rỡ. Mặc dù con bé không nói điều này để khiến tôi thấy mình tội lỗi, tôi vẫn cảm thấy chính xác như vậy. Đó là một trong những lý do khiến việc chịu đựng con bé thật khó khăn, nhưng vào lúc đó tôi thấy mình đã khá quen với điều này. Tôi đã nhận ra rằng con bé có thể xoay chuyển ta theo mọi cách trừ cách bình thường.

Đúng lúc đó, ông Jenkins mở cửa mời chúng tôi vào. Văn phòng gần giống một phòng trong bệnh viện, sàn nhà lát gạch ca rô đen trắng, tường và trần nhà đều màu trắng. Nơi thường đặt giường bệnh có một chiếc bàn bằng kim loại giống như được đóng dấu sản xuất hàng loạt. Nó sạch bóng một cách bệnh hoạn, không có gì mang tính cá nhân. Không có lấy một bức ảnh hay bất cứ thứ gì.

Jamie giới thiệu tôi, và tôi bắt tay ông Jenkins. Sau khi chúng tôi đã an tọa, Jamie gần như là người nói hết trong cuộc trò chuyện. Họ đã quen thân từ rất lâu, có thể thấy điều đó ngay lập tức, ông Jenkins ôm choàng lấy Jamie ngay khi con bé bước vào. Sau khi vuốt lại váy, Jamie giải thích kế hoạch của chúng tôi. Ông Jenkins đã xem vở kịch vài năm trước, và ông biết chính xác ý định con bé gần như ngay khi nó vừa bắt đầu. Tuy nhiên, dù rất quý Jamie và biết con bé có ý tốt, ông Jenkins không nghĩ đây là một ý kiến hay.

“Ta không nghĩ đó là một ý hay đâu,” ông nói.

Nghe vậy là tôi đã hiểu ông đang nghĩ gì.

“Tại sao ạ?” Jamie hỏi, con bé cau mày. Nó có vẻ thực sự bối rối bởi sự thiếu thiện cảm của ông.

Ông Jenkins nhặt một chiếc bút chì lên và bắt đầu gõ lên bàn, rõ ràng đang nghĩ làm thế nào để giải thích. Cuối cùng, ông buông bút chì xuống và thở dài.

“Mặc dù đó là một đề nghị tuyệt vời và ta biết cháu muốn làm điều gì đó đặc biệt, nhưng vở kịch này kể về một người cha mà rốt cuộc đã nhận ra ông ấy yêu con gái mình nhiều đến thế nào.” Ông để điều đó lắng xuống một lúc rồi lại cầm biết chì lên. “Không nhắc lũ trẻ nhớ lại những mất mát trong khi không khí Giáng sinh tràn ngập đã là khó khăn lắm rồi. Ta nghĩ nếu bọn trẻ xem một vở kịch giống như thế…”

Ông thậm chí không phải nói hết. Jamie lấy tay che miệng. “Ôi trời,” con bé nói ngay lập tức, “bác nói đúng. Cháu đã không nghĩ tới điều đó.”

Thật ra, tôi cũng chưa nghĩ tớ điều này. Nhưng rõ ràng ông Jenkins nói đúng.

Dù vậy ông ấy vẫn cảm ơn chúng tôi và trò chuyện một lúc về những dự định thay thế. Chúng ta sẽ có một cây thông nhỏ và một ít quà tặng – một thứ gì đó mà tất cả bọn trẻ có thể san sẻ. “Các cháu có thể đến chơi vào đêm Giáng sinh…”

Sau khi chia tay ông Jenkins, Jamie và tôi rảo bước trong im lặng mà không nói thêm điều gì. Tôi có thể thấy con bé buồn thế nào. Càng chơi với Jamie, tôi càng nhận ra con bé có rất nhiều tâm tư – không phải con bé lúc nào cũng vui vẻ và hạnh phúc. Tin hay không, đây chính là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng, ở một vài khía cạnh, con bé cũng giống như tất cả chúng ta.

“Mình rất tiếc vì chuyện không thành,” tôi nói nhẹ nhàng.

“Mình cũng thế.”

Con bé lại nhìn xa xăm, chỉ ít lâu trước khi tiếp tục.

“Mình chỉ muốn làm điều gì đó khác biệt vào năm nay cho bọn trẻ thôi. Điều gì đó thật đặc biệt mà chúng sẽ nhớ mãi. Mình cứ tưởng chuyện này chắc chắn…” Con bé thở dài. “Có vẻ như Chúa hẳn có một kế hoạch nào khác mà mình chưa biết.”

Con bé yên lặng một lúc lâu, và tôi nhìn nó. Nhìn thấy con bé buồn còn tệ hơn cảm thấy buồn vì nó. Không như Jamie, tôi đáng phải cảm thấy tồi tệ vì bản thân mình – tôi biết tôi là loại người nào. Nhưng với con bé.

“Nhân tiện đang ở đây, cậu có muốn ghé qua thăm bọn trẻ không?” Tôi hỏi để xua tan im lặng. Đó là điều duy nhất tôi nghĩ có thể khiến con bé cảm thấy đỡ hơn. “Mình có thể đợi ở ngoài này trong khi cậu nói chuyện với bọn trẻ, hoặc đợi ở ô tô nếu cậu muốn.”

“Cậu có muốn vào thăm bọn trẻ cùng mình không?” con bé đột nhiên hỏi.

Thú thật, tôi không chắc có thể đảm đương được chuyện này, nhưng tôi biết Jamie thực sự muốn tôi có mặt ở đó. Và con bé cảm thấy tuyệt vọng đến nỗi những lời nói này tuôn ra một cách tự động.

“Chắc chắn rồi, mình sẽ cùng đi.”

“Chắc bây giờ bọn trẻ đang ở trong phòng đồ chơi. Chúng thường có mặt ở đó vào khoảng giờ này,” con bé nói.

Chúng tôi xuôi xuống hành lang tới đoạn cuối của sảnh lớn, nơi hai cánh cửa dẫn vào một căn phòng khá rộng. Một chiếc ti vi nhỏ đặt trên cao ở góc xa cùng với khoảng ba mươi chiếc ghế kim loại gấp xung quanh. Bọn trẻ ngồi trên ghế, chen chúc quanh ti vi, và có thể thấy ngay rằng chỉ những đứa ngồi hàng đầu tiên mới có thể nhìn rõ.

Tôi liếc quanh. Có một bàn bóng bàn trong góc phòng. Mặt bàn đã rạn và bụi bặm, không nhìn thấy lưới đâu. Hai chiếc cốc giấy trống không đặt ở trên, và tôi biết nó đã không được sử dụng nhiều tháng rồi, có thể là nhiều năm. Dọc theo bức tường cạnh bàn bóng bàn là các giá đựng đồ, với một ít đồ chơi rải rác – những khối xếp hình và miếng ghép hình, vài đồi chơi. Chẳng có gì nhiều, một vài đồ đạc như thể đã ở trong căn phòng này một thời gian dài. Dọc theo các bức tường gần đó là những chiếc bàn cá nhân nhỏ với các chồng báo viết nguệch ngoạc bằng bút chì màu.

Chúng tôi đứng ở ngưỡng cửa chỉ khoảng một giây. Bọn trẻ vẫn chưa để ý tới chúng tôi, và tôi hỏi những tờ báo đó để làm gì.

“Bọn trẻ không có sách tô màu,” con bé thì thầm, “vì vậy chúng dùng báo thay thế.” Con bé không nhìn tôi trong khi nói – thay vào đó sự chú ý của con bé tập trung hoàn toàn vào lũ trẻ. Con bé bắt đầu mỉm cười trở lại.

“Đây là tất cả đồ chơi mà bọn trẻ có đúng không?” tôi hỏi.

Con bé gật đầu. “Ừ, ngoại trừ thú nhồi bông. Bọn trẻ được phép giữ chúng trong phòng riêng. Đây là nơi để những thứ còn lại.”

Tôi đoán con bé đã quen với điều đó. Mặc dù vậy, với tôi, sự trống trải của căn phòng khiến cho mọi thứ trở nên buồn bã. Tôi không thể tưởng tượng được chuyện lớn lên ở một nơi như thế này.

Cuối cùng Jamie cùng tôi bước vào bên trong căn phòng và vài đứa quay lại khi nghe tiếng bước chân của chúng tôi. Trong đó có một thằng bé khoảng tám tuổi hoặc hơn một chút, với mái tóc đỏ và những nốt tàn nhang, sún hai răng cửa.

“Jamie!” nó hét lên hạnh phúc khi nhìn thấy con bé, và tất cả bọn trẻ lập tức quay đầu lại. Lũ trẻ nằm trong độ tuổi từ năm tới mười hai, con trai nhiều hơn con gái. Sau này tôi mới biết, sau mười hai tuổi, bọn trẻ phải tới sống với cha mẹ bảo trợ.

“Chào Roger,” Jamie đáp lại, “em khỏe không?”

Thế là, Roger và mấy đứa trẻ bắt đầu vây quanh chúng tôi. Vài đứa khác lờ chúng tôi đi và dịch lại gần chiếc ti vi hơn khi giờ đây đã có những chiếc ghế trống ở hàng đầu. Jamie giới thiệu tôi với một trong những đứa trẻ lớn hơn, nó đến và hỏi tôi có phải là bạn trai của con bé không. Nghe giọng của nó, tôi nghĩ nó có cùng quan điểm về Jamie với hầu hết những đứa trong trường trung học của bọn tôi.

“Anh ấy chỉ là bạn thôi,” con bé nói. “Nhưng anh ấy rất dễ thương.”

Hơn một tiếng sau, chúng tôi chuyện trò thân mật với bọn trẻ. Chúng hỏi tôi rất nhiều về việc tôi sống ở đâu, nhà của tôi có lớn không hay là chiếc xe mà tôi sở hữu là loại gì, và cuối cùng khi chúng tôi phải về, Jamie hứa sẽ sớm quay lại. Tôi nhận ra rằng con bé không hứa tôi sẽ đi cùng với nó.

Lúc quay lại chỗ chiếc xe ô tô, tôi nói. “Bọn chúng thật đáng yêu.” Tôi nhún vai ngượng ngập. “Mình vui vì cậu muốn giúp bọn trẻ.”

Jamie quay sang nhìn tôi và mỉm cười. Con bé biết chẳng có gì nhiều để thêm vào sau đó, nhưng tôi có thể nói con bé vẫn còn đang băn khoăn sẽ làm gì cho bọn trẻ vào Giáng sinh năm ấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.