Émile Hay Là Về Giáo Dục

LỜI NÓI ĐẦU



Tập sách gồm những suy tư và quan sát này, không thứ tự và hầu như không mạch lạc, được khởi thảo để chiều lòng một bà mẹ hiền biết suy nghĩ. Thoạt tiên tôi chỉ dự định viết một bài thuyết minh chừng vài trang; do đề tài lôi cuốn tôi ngoài ý muốn, bài thuyết minh dần dà thành một công trình hẳn là quá to tát đối với nội dung của nó, nhưng lại quá nhỏ bé đối với vấn để mà nó bàn luận.

Tôi đã cân nhắc rất lâu việc công bố nó; và trong khi soạn thảo, nhiều lần nó đã khiến tôi cảm nhận rằng từng viết vài tập mong mỏng không đủ để biết cấu thành một cuốn sách. Sau nhiều nỗ lực vô bổ để làm tốt hơn, tôi cho rằng phải đưa nó ra đúng như nó vốn thế, bởi xét thấy cần hướng sự chú ý của công chúng về phía đó; và xét rằng, dù các ý tưởng của tôi có dở, song nếu tôi làm nảy ra được những ý hay ở người khác, thì tôi không hoàn toàn uổng phí thì giờ của mình. Một con người, từ nơi ẩn cư, tung những trang viết của mình ra với công chúng, không người ca ngợi, hưởng ứng, không có phe phái bênh vực, thậm chí chẳng biết mọi người nghĩ gì hoặc nói gì về những trang viết ấy, thì nếu như có lầm lẫn, cũng chẳng phải sợ mọi người chấp nhận những sai lầm đó mà không kiểm tra xem xét.

Tôi sẽ nói ít về tầm quan trọng của một sự giáo dục tốt; tôi cũng sẽ không dừng lại để chứng minh rằng sự giáo dục hiện hành là dở; hàng ngàn người khác đã làm việc đó trước tôi, và tôi không thích viết đầy một cuốn sách những điều mà ai cũng biết. Tôi chỉ nhận xét rằng, từ lâu lắm rồi, chỉ có một sự kêu ca phàn nàn về cách làm đã được xác lập, mà không người nào tính đến chuyện đề xuất một cách làm tốt hơn. Văn chương và tri thức thời đại chúng ta có khuynh hướng phá hủy nhiều hơn là xây dựng. Người ta chỉ trích với giọng ông thầy; để đề xuất, phải dùng một giọng điệu khác, mà triết lý cao ngạo không ưa thích lắm. Mặc dù đã có bao nhiêu sách vở, như người ta nói, chỉ nhằm mỗi mục tiêu là công ích, song lợi ích đầu tiên của mọi lợi ích, là nghệ thuật đào tạo con người, hãy còn bị lãng quên. Đề tài của tôi hãy còn hoàn toàn mới mẻ sau cuốn sách của Locke[11], và tôi rất sợ là nó vẫn còn mới mẻ sau cuốn sách của tôi.

Người ta không hề hiểu biết tuổi thơ: dựa trên những ý tưởng sai lầm của ta về tuổi thơ, thì càng đi, càng lạc lối. Những bậc hiền minh nhất chuyên chú vào những điều con người cần biết, mà không coi trọng những điều trẻ con có thể học được. Họ luôn tìm kiếm người lớn trong đứa trẻ, mà không nghĩ về hiện trạng của đứa trẻ trước khi nó là người lớn. Đó là điều tôi đã chuyên tâm nghiên cứu hơn cả, để nếu như toàn bộ phương pháp của tôi đề xuất có sai lầm và hão huyền, thì mọi người vẫn có thể lợi dụng được các quan sát của tôi. Tôi có thể đã nhìn rất kém điều cần làm; nhưng tôi cho rằng mình đã nhìn rõ chủ thể mà trên đó ta cần thao tác. Vậy xin các vị hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu kỹ hơn các học trò của mình; bởi chắc chắn rằng các vị không hề hiểu chúng; mà nếu các vị đọc cuốn sách này với ý đó, thì tôi nghĩ cuốn sách chẳng phải là vô ích đối với các vị. Về những gì mà người ta sẽ gọi là phần hệ thống, ở đây chẳng là gì khác ngoài sự vận hành của tự nhiên, đó chính là điều sẽ khiến độc giả khó nghĩ nhất; chắc người ta cũng sẽ công kích tôi ở điều này, và có lẽ họ không sai đâu. Người ta sẽ nghĩ rằng mình đang đọc những mơ mộng của một nhà ảo tưởng về giáo dục hơn là một khảo luận về giáo dục. Làm thế nào được? Tôi không căn cứ vào các ý tưởng của người khác mà viết; tôi căn cứ vào các ý tưởng của mình. Tôi không hề nhìn như những người khác; từ lâu người ta đã trách tôi về điều này. Nhưng việc cho mình những con mắt khác; những ý tưởng khác có tùy thuộc vào tôi hay chăng?. Không. Tùy thuộc vào tôi là việc đừng tự tán thành, đừng tưởng rằng riêng mình khôn ngoan hơn toàn thể thiên hạ; tùy thuộc vào tôi, không phải việc thay đổi cảm nghĩ, mà là nghi ngờ cảm nghĩ của mình: Đó là tất cả những gì tôi có thể làm, và là những gì tôi đang làm. Nếu đôi khi tôi lấy giọng quả quyết, thì đó không hề là để áp đặt với độc giả; đó là để nói với độc giả giống như tôi nghĩ. Tại sao tôi lại đề xuất dưới hình thức nghi vấn, điều mà, về phần mình, tôi chẳng hề nghi ngờ?. Tôi nói đúng điều đang diễn ra trong đầu óc mình. Trong khi trình bày một cách thoải mái cảm nghĩ của mình, tôi rất ít muốn cảm nghĩ ấy có uy quyền, thành thử tôi luôn kèm theo đó các lý lẽ của tôi, để mọi người cân nhắc chúng và xét đoán tôi: Nhưng, dù tôi không hề định khăng khăng bênh vực các ý tưởng của mình, tôi vẫn cho rằng mình buộc phải đề xuất chúng; bởi các phương châm mà vì chúng tôi có ý kiến trái ngược với ý kiến những người khác không hề vô sự. Chúng thuộc những phương châm mà ta cần phải biết là đúng hay sai, những phương châm tạo nên hạnh phúc hay bất hạnh cho loài người.

Hãy đề xuất điều gì đó có thể làm được, người ta không ngừng nhắc đi nhắc lại với tôi như vậy. Cứ như thể người ta bảo tôi: Hãy đề xuất làm điều người ta đang làm; hoặc chí ít hãy đề xuất điều thiện nào đó dung hòa được với điều ác hiện hữu. Một dự án như thế, về một số vấn đề, còn hão huyền hơn các dự án của tôi rất nhiều; bởi, trong sự dung hòa ấy, cái thiện hỏng đi, còn các ác không chữa khỏi. Chẳng thà tôi nhất nhất tuân theo cách làm đã được xác lập, còn hơn là có một cách làm tốt nửa vời; như vậy trong con người có lẽ sẽ ít mâu thuẫn hơn; con người không thể đồng thời hướng về hai mục đích đối lập. Hỡi các bậc cha mẹ, điều có thể làm được là điều các vị muốn làm. Tôi có phải chịu trách nhiệm về ý muốn của các vị hay không?

Trong mọi loại dự án, có hai điều cần xem xét: Thứ nhất, tính tốt đẹp tuyệt đối của dự án; thứ hai, tính dễ dàng của việc thực hiện.

Về điều thứ nhất, để cho bản thân dự án có thể được chấp nhận và bản thân nó có thể thực thi, chỉ cần những gì tốt đẹp ở nó thuộc về bản chất của sự vật; thí dụ như ở đây, sự giáo dục được đề xuất cần phù hợp với con người, và rất thích ứng với lòng người.

Điều thứ hai phụ thuộc vào các quan hệ nhất định trong một số tình thế: Đó là những quan hệ ngẫu nhiên với sự vật, do vậy, chúng không hề là tất yếu, và có thể biến thiên đến vô tận. Chẳng hạn sự giáo dục này có thể thực thi tại Thụy Sĩ, mà không thực thi được tại Pháp; sự giáo dục kia có thể thực thi ở tầng lớp thị dân, còn sự giáo dục nọ ở giới quyền quý. Tính dễ dàng nhiều hay ít của việc thi hành phụ thuộc vào hàng ngàn trường hợp không thể xác định bằng cách nào khác ngoài việc ứng dụng riêng biệt phương pháp cho xứ sở này hay xứ sở nọ, cho trạng thái này hay trạng thái nọ. Mà tất cả những sự ứng dụng riêng biệt ấy, do không thiết yếu đối với đề tài, nên không ở trong kế hoạch của tôi. Những người khác có thể lo điều đó nếu họ muốn, mỗi người lo cho xứ sở hoặc quốc gia mà họ sẽ nhằm tới. Đối với tôi, chỉ cần nơi đâu sẽ ra đời những con người, ta có thể đào tạo họ theo những gì tôi đề xuất; và trong khi đào tạo họ theo những gì tôi đề xuất, ta đã làm điều tốt nhất cả cho họ cả cho người khác, thế là đủ. Nếu tôi không làm trọn lời hứa này, chắc hẳn là tôi sai trái; nhưng nếu tôi làm trọn lời hứa, thì mọi người cũng sai trái khi đòi hỏi nhiều hơn ở tôi, bởi tôi chỉ hứa có vậy mà thôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.