Émile Hay Là Về Giáo Dục
QUYỂN BA P1
Dù cả đoạn đường đời cho đến tuổi thanh niên là một thời kỳ yếu đuối song trong khoảng thời gian của tuổi ấu niên này, có một điểm ở đó sự tăng tiến của sức lực vượt quá sự tăng tiến của nhu cầu, và động vật đang tăng trưởng, hãy còn yếu một cách tuyệt đối, trở nên mạnh một cách tương đối. Vì các nhu cầu của nó chưa phát triển hết thảy, nên sức lực hiện thời của nó thừa thãi để cung cấp cho những nhu cầu mà nó có. Giả sử là người lớn thì nó sẽ rất yếu, song là trẻ con thì nó lại rất mạnh.
Sự yếu đuối của con người từ đâu mà ra? Từ tình trạng không ngang bằng giữa sức lực của anh ta và ham muốn của anh ta. Chính các đam mê của chúng ta khiến chúng ta thành yếu đuối, bởi lẽ để thỏa mãn chúng cần nhiều sức lực hơn sức lực mà thiên nhiên ban cho chúng ta. Vậy các vị hãy giảm bớt ham muốn, thế cũng như các vị tăng thêm sức lực: Người nào có thể nhiều hơn là ham muốn thì có sức lực dư thừa; Chắc chắn người ấy là một sinh thể rất mạnh. Đó là trạng thái thứ ba của tuổi thơ, và đó là trạng thái mà bây giờ tôi cần nói đến. Tôi tiếp tục gọi nó là tuổi thơ, vì không có từ ngữ thích hợp để diễn tả nó; vì thời đó tiến gần tới tuổi thanh niên, song vẫn chưa là tuổi dậy thì.
Ở tuổi mười hai hay mười ba sức lực của đứa trẻ phát triển nhanh chóng hơn rất nhiều so với các nhu cầu của nó. Nhu cầu dữ dội nhất, nhu cầu ghê gớm nhất, hãy còn chưa để nó cảm nhận thấy; bản thân khí quan vẫn còn ở trạng thái chưa hoàn chỉnh, và để ra khỏi trạng thái này, dường như chờ đợi ý chí của nó buộc phải làm điều đó. Ít bị ảnh hướng do những tác hại của không khí và của các mùa, nó đương đầu với những tác hại này chẳng khó khăn gì, nhiệt khí mới nhen nơi nó thay cho quần áo; sự ngon miệng của nó thay cho gia vị; Ở tuổi nó tất cả những gì có thể nuôi dưỡng đều ngon hết; nếu thấy buồn ngủ, nó nằm dài xuống mặt đất và ngủ: Ớ đâu nó cũng thấy bao quanh mình là mọi thứ cần thiết cho mình; chẳng một nhu cầu tưởng tượng nào giày vò nó; dư luận chẳng làm gì được nó; ham muốn của nó không đi xa hơn những cánh tay nó: Chẳng những nó có thể tự túc, mà nó còn có sức lực vượt quá những gì cần cho nó; đó là thời gian duy nhất trong đời mà nó ở vào trường hợp như vậy.
Tôi cảm thấy trước điều phản bác. Người ta sẽ không nói rằng đứa trẻ có nhiều nhu cầu hơn những nhu cầu tôi cho nó, nhưng người ta sẽ phủ nhận sức lực mà tôi gán cho nó: Người ta không nghĩ rằng tôi đang nói về học trò của tôi, chứ không phải về những hình nhân di động du hành từ căn phòng này sang căn phòng khác, cày bừa trong một chiếc rương và mang vác những gánh giấy bồi. Người ta sẽ bảo tôi rằng sức mạnh nam nhi chỉ bộc lộ cùng với năng lực nam giới; rằng duy chỉ có các sinh khí, được tinh luyện trong các mạch thích hợp, và lan truyền khắp thân thể, là có thể đem lại cho các cơ bắp mật độ hoạt động, trạng thái căng, tính đàn hồi, từ đó mà có một sức mạnh thực sự. Đó là triết lý của thư phòng; còn tôi thì tôi cầu viện đến kinh nghiệm. Tôi nhìn thấy ở những vùng quê của các vị những đứa con trai cao lớn bừa, xới, cầm cày, vác một thùng rượu, đánh xe, y như bố chúng: Người ta có thể tưởng chúng là người lớn, nếu tiếng nói của chúng không làm lộ chúng ra. Ngay ở các thành phố của chúng ta, những thợ thuyền thiếu niên, thợ rèn, thợ làm dao kéo, thợ đóng móng ngựa, cường tráng gần bằng thợ cả của chúng, và có lẽ chẳng kém khéo léo là mấy, nếu người ta cho chúng tập luyện kịp thời. Nếu có sự khác biệt, và tôi thừa nhận là có, thì sự khác biệt ấy ít hơn nhiều, tôi xin nhắc lại điều này, so với sự khác biệt giữa những ham muốn hung hăng của một người lớn và những ham muốn hạn hẹp của một đứa trẻ. Vả chăng ở đây không chỉ bàn đến các sức mạnh thể chất, mà đặc biệt bàn đến sức mạnh và năng lực của trí tuệ thay thế cho các sức mạnh thể chất hoặc chỉ huy chúng.
Quãng thời gian mà cá nhân có thể nhiều hơn là ham muốn, dù không phải là thời gian của sức mạnh tuyệt đối lớn nhất nơi cá nhân, song như tôi đã nói, là thời gian của sức mạnh tương đối lớn nhất ở nó. Đó là thời gian quý báu nhất của cuộc đời, thời gian chỉ đến một lần; thời gian rất ngắn, và như ta sẽ thấy sau đây, vì việc sử dụng tốt thời gian ấy càng quan trọng nên thời gian ấy lại càng ngắn ngủi hơn nữa.
Vậy cá nhân sẽ làm gì với phần khả năng và sức lực thặng dư mà giờ đây nó có thừa, và ở một tuổi khác nó sẽ thiếu? Nó sẽ cố gắng sử dụng phần thặng dư này vào những chăm lo có thể có lợi cho nó khi cần; có thể nói là nó sẽ ném vào tương lai phần quá thừa của con người nó hiện tại; đứa trẻ cường tráng sẽ dự trữ cho người lớn yếu ớt; nhưng nó sẽ không thiết lập kho tàng của mình trong những rương hòm mà người ta có thể lấy trộm, cũng như ở các nhà kho xa lạ bên ngoài mình; để thực sự chiếm hữu những gì thu hoạch được, nó sẽ để những cái đó trong cánh tay nó, trong đầu nó, trong bản thân nó. Vậy đó là thời gian của công việc, của giáo dục, của học tập, và xin các vị hãy chú ý rằng không phải tôi chọn lựa như vậy một cách võ đoán, chính thiên nhiên chỉ ra như vậy.
Trí năng của con người có những giới hạn của nó, và một con người chẳng những không thể biết tất cả, mà anh ta thậm chí không thể biết được toàn bộ cái phần ít ỏi mà những người khác biết. Bởi điều đối lập lại mỗi luận điểm sai lầm là một chân lý, nên con số các chân lý là vô tận cũng như con số các sai lầm. Vậy có một sự lựa chọn về các điều ta phải dạy dỗ cũng như về thời gian thích đáng để học những điều ấy. Trong các tri thức vừa tầm với chúng ta, thì một số sai lầm, số khác vô bổ, số khác dùng để nuôi dưỡng lòng kiêu ngạo của người nào có được chúng. Duy chỉ con số ít ỏi những tri thức thực sự góp phần vào sự an lạc của chúng ta mới xứng đáng với những tìm kiếm của một con người hiền minh, và do đó của một đứa trẻ mà ta muốn nó trở thành người như vậy. Vấn đề không phải là biết những gì đang tồn tại, mà là chỉ biết những gì hữu ích thôi.
Từ con số ít ỏi này, ở đây còn phải trừ đi những chân lý đòi hỏi một trí năng đã hình thành trọn vẹn để mà hiểu được chúng; những chân lý coi như phải có hiểu biết về các quan hệ của con người, điều mà một đứa trẻ không thể có được; những chân lý tuy bản thân chúng đúng, song lại hướng cho một tâm hồn ít kinh nghiệm suy nghĩ sai về những vấn đề khác.
Thế là chúng ta chỉ còn rút lại một phạm vi rất nhỏ bé so với sự tồn tại của các sự vật; nhưng cái phạm vi ấy hãy còn là một lĩnh vực mênh mông biết mấy đối với kích thước trí tuệ một đứa trẻ! Hỡi những tối tăm mông muội của trí năng con người, bàn tay táo bạo nào dám chạm vào tấm màn của các ngươi? Tôi thấy biết bao nhiêu vực thẳm mà những học vấn vô bổ của chúng ta đào xung quanh thằng bé rủi ro kia! Hỡi bạn là người sẽ dẫn dắt nó trên những nẻo đường nguy hiểm ấy, và kẻo ra trước mắt nó tấm màn thiêng của tự nhiên, bạn hãy run sợ. Trước hết hãy xem cho thật chắc đầu óc của nó và đầu óc của bạn, hãy sợ rằng đầu óc người này hay người kia, và có thể là cả hai, choáng váng hóa điên. Hãy sợ sức hấp dẫn chỉ tốt đẹp bề ngoài của điều dối trá và hãy sợ những chếnh choáng say lòng của niềm kiêu ngạo. Hãy nhớ, hãy nhớ không ngừng rằng sự dốt nát chưa bao giờ gây hại, rằng chỉ có sự sai lầm là độc hại, rằng người ta không hề lầm lạc vì điều mình không biết, mà vì điều mình tưởng là biết.
Những tiến bộ của nó trong môn hình học có thể dùng để thử thách và để ước lượng chắc chắn về sự phát triển của trí năng nó: Nhưng ngay khi nó vừa biết phân biệt cái gì hữu ích với cái không hữu ích, thì điều quan hệ là phải sử dụng rất nhiều sự cẩn trọng và rất nhiều kỹ năng để dẫn nó đến những môn học mang tính tư biện. Chẳng hạn các vị mượn nó tìm một tỷ lệ trung bình giữa hai đường kẻ; xin hãy bắt đầu bằng việc làm sao cho nó cần tìm ra một hình vuông bằng với một hình chữ nhật cho sẵn-nếu vấn đề là hai tỷ lệ trung bình, thì thoạt tiên phải làm cho vấn đề về tính gấp đôi của thể lập phương thành thú vị đối với nó, v.v… Các vị hãy xem ta tiến dần từng nấc như thế nào đến các khái niệm đạo đức phân biệt cái thiện và cái ác. Cho đến lúc này về quy luật thì ta mới chỉ biết quy luật tất yếu: Bây giờ ta lưu tâm đến cái gì hữu ích; chẳng bao lâu ta sẽ đi tới cái gì thích đáng và tốt.
Cùng một bản năng kích thích các năng lực khác nhau của con người. Kế tiếp hoạt động của thân thể tìm cách tự phát triển, là hoạt động của trí óc, tìm cách học hỏi. Mới đầu trẻ em chỉ hiếu động, sau đó chúng hiếu kỳ; và long hiếu kỳ được điều khiển đúng đắn là động cơ của lứa tuổi mà giờ đây chúng ta đạt tới. Ta hãy luôn phân biệt những khuynh hướng bắt nguồn từ tự nhiên và những khuynh hướng bắt nguồn từ dư luận. Có một nhiệt tình hiểu biết chỉ dựa trên ham muốn được đánh giá là thông thái; có một nhiệt tình khác nảy sinh từ lòng hiếu kỳ tự nhiên ở con người đối với tất cả những gì có thể có quan hệ gần hay xa với mình. Mong muốn bẩm sinh được an lạc và tình trạng không thể thỏa mãn hoàn toàn mong muốn đó khiến con người không ngừng tìm kiếm những phương sách mới để giúp cho việc này. Đó là căn nguyên đầu tiên của lòng hiếu kỳ; căn nguyên tự nhiên đối với tâm hồn con người, nhưng sự phát triển lại chỉ diễn ra tương xứng với các đam mê và các trí thức của chúng ta. Hãy giả định một triết gia bị đày ra hoang đảo cùng với dụng cụ và sách vở, tin chắc rằng mình sẽ đơn độc ở đấy suốt phần đời còn lại; ông sẽ chẳng mấy băn khoăn bối rối về hệ thống của thế giới, về các luật hấp dẫn, về toán vi phân nữa: Cả đời có lẽ ông sẽ chẳng mở ra một cuốn sách nào, nhưng sẽ chẳng bao giờ ông không thăm thú hòn đảo của mình cho đến xó xỉnh cuối cùng, dù đảo có thể rộng lớn đến đâu chăng nữa. Vậy chúng ta lại gạt them khỏi những môn học đầu tiên của chúng ta những tri thức mà sở thích không hề là tự nhiên ở con người, và hãy giới hạn ở những tri thức mà bản năng hướng chúng ta tìm kiếm.
Hòn đảo của loài người, đó là Trái đất; vật thể tác động nhiều nhất đến mắt chúng ta, đó là Mặt trời. Ngay khi chúng ta vừa bắt đầu tách ra xa khỏi bản thân, những quan sát đầu tiên của chúng ta ắt phải rơi vào một trong hai thứ đó. Bởi vậy triết lý của hầu hết các dân tộc hoang dã chỉ duy nhất xoay quanh những phân chia tưởng tượng của Trái đất và xoay quanh thần Mặt trời.
Sao cách xa đến thế! Có lẽ mọi người sẽ nói như vậy. Vừa rồi chúng ta chỉ quan tâm đến những gì động chạm tới chúng ta, đến những gì trực tiếp bao quanh ta; bỗng nhiên giờ đây ta đi khắp Địa cầu và nhảy đến các cực của thế giới! Sự cách xa này là kết quả của bước tiến nơi sức lực chúng ta và của chiều hướng trí tuệ chúng ta. Trong tình trạng yếu đuối và vô năng, mối chăm lo tự bảo tồn khiến chúng ta tập trung vào bên trong mình; trong tình trạng có năng lực và sức mạnh, mong muốn khuếch trương bản thể mình hướng chúng ta ra bên ngoài, và khiến chúng ta lao đi xa hết mức có thể; nhưng, vì thế giới tinh thần hãy còn lạ lùng chưa biết với chúng ta, nên tư duy của ta không đi xa hơn mắt ta, và trí năng ta chỉ khuếch trương cùng với không gian mà nó ước lượng. Hãy biến các cảm giác của chúng ta thành ý tưởng, nhưng đừng nhảy vọt một cái từ những đối tượng hữu hình sang những đối tượng tinh thần. Chúng ta phải từ những đối tượng đầu tiên mà đi đến những đối tượng khác. Trong những hoạt động đầu tiên của trí tuệ, sao cho các giác quan luôn hướng dẫn trí tuệ: Không hề có sách vở nào khác ngoài thế giới, không hề có điều giáo huấn nào khác ngoài các sự kiện. Đứa trẻ đọc sách không suy nghĩ, nó chỉ đọc mà thôi; nó không học hỏi, nó học các từ ngữ.
Các vị hãy làm cho học trò của mình chú ý đến các hiện tượng của thiên nhiên, chẳng bao lâu các vị sẽ làm cho nó thành hiếu kỳ; nhưng, để nuôi dưỡng lòng hiếu kỳ của nó, các vị đừng bao giờ vội vã thỏa mãn lòng hiếu kỳ ấy. Hãy đặt ra những vấn đề vừa sức nó, và hãy để nó tự giải quyết các vấn đề đó. Sao cho nó hiểu biết điều gì cũng không phải do quý vị đã bảo cho nó, mà vì nó đã tự hiểu lấy; sao cho nó đừng học khoa học, mà tìm ra khoa học. Nếu có khi nào các vị thay thế lý trí bằng quyền uy trong đầu óc nó, thì nó sẽ không lý luận nữa; nó sẽ chỉ là món đồ chơi cho ý kiến kẻ khác.
Các vị muốn dạy môn địa lý cho đứa trẻ đó, và các vị đi kiếm cho nó những quả Địa cầu, thiên cầu, những bản đồ: Bao nhiêu là khí cụ! Tại sao phải có tất cả những biểu tượng ấy? Sao các vị không bắt đầu chỉ cho nó ngay đối tượng, để ít ra nó biết được các vị đang nói với nó về cái gì!
Vào một buổi chiều đẹp, ta đi dạo ở một nơi thuận tiện, ở đó chân trời rất trống trải cho thấy trọn vẹn Mặt trời đang lặn, và ta quan sát các vật thể giúp ta nhận ra nơi Mặt trời lặn. Ngày hôm sau, để thở không khí mát mẻ, ta trở lại cũng nơi ấy trước khi Mặt trời mọc. Ta thấy vầng dương tự báo hiệu từ xa bằng những tia lửa mà nó phóng ra phía trước. Đám cháy gia tăng, phương Đông dường như rực lửa; qua ánh lửa rực rỡ ta chờ đợi vầng dương rất lâu trước khi nó xuất hiện; cứ mỗi lúc ta lại tưởng như thấy nó hiện ra; cuối cùng ta thấy nó. Một điểm chói lọi xuất phát nhanh như chớp và lập tức tràn ngập cả không gian; bức màn tăm tối mờ phai và tan biến. Con người nhận ra nơi mình lưu trú và thấy nó đẹp ra. Trong đêm cỏ cây đã nhận được một khí lực mới; ánh ngày vừa rạng chiếu sáng chúng, những tia nắng đầu tiên dát vàng lên chúng, phô bày chúng được phủ một màn sương lóng lánh, phản chiếu vào mắt ánh sáng và sắc màu. Chim chóc đồng thanh tụ hợp và cùng nhau chào mừng vị tổ của sự sống; vào khoảnh khắc ấy không một con nào im tiếng; tiếng líu lo của chúng, hãy còn yếu ớt, chậm rãi hơn và dịu dàng hơn ở phần thời gian còn lại trong ngày, tiếng líu lo còn mang vẻ uể oải của một sự tỉnh giấc êm đềm. Sự tụ hội của tất cả những ngoại vật ấy mang lại cho giác quan một cảm giác tươi mát dường như thấm vào tận tâm hồn. Ở đó có nửa giờ thần tiên mà không một người nào kháng cự nổi; một cảnh tượng hùng vĩ đến thế, mỹ lệ đến thế, tuyệt vời đến thế, khiến không ai bình tĩnh được.
Lòng tràn đầy hứng khởi, ông thầy muốn truyền niềm hứng khởi này sang đứa trẻ: Ông ngỡ làm nó xúc động bằng cách khiến nó chú ý đến những cảm giác làm chính ông xúc động. Thật là ngu ngốc! Sức sống của cảnh tượng thiên nhiên ở chính trong lòng người; muốn thấy được điều đó, phải cảm nhận nó. Đứa trẻ nhận thấy các sự vật, nhưng nó không thể nhận thấy các mối liên hệ gắn bó chúng, nó không thể nghe thấy hòa âm êm dịu nơi bản hợp tấu của chúng. Cần phải có một kinh nghiệm mà đứa trẻ chưa hề thu nhận được, cần phải có những tình cảm mà nó chưa hề nếm trải, để cảm nhận ấn tượng phức hợp là kết quả đồng thời từ tất cả những cảm giác trên. Nếu nó chưa từng đi khắp các dải đồng bằng khô cằn trong thời gian dài, nếu cát nóng bỏng chưa từng thiêu đốt bàn chân nó, nếu phản xạ gây nghẹt thở của các tảng đá bị Mặt trời nung nấu chưa bao giờ khiến nó ngột ngạt, thì làm thế nào nó sẽ thưởng thức được không khí tươi mát của một buổi sáng đẹp đẽ? Làm thế nào mà hương thơm của hoa, duyên sắc của cỏ cây, làn hơi ẩm của sương, bước đi mềm và êm trên bãi cỏ, sẽ khiến được giác quan nó hân hoan ngây ngất? Làm thế nào mà tiếng chim hót gây được cho nó một xúc động khoái trá, nếu những âm điệu của tình yêu và lạc thú hãy còn lạ lùng chưa biết đối với nó? Nó sẽ nhìn một ngày đẹp đẽ đến thế hình thành với những mối cảm kích nào, nếu như trí tưởng tượng của nó không biết miêu tả cho nó những cảm kích có thể tràn đầy một ngày như vậy? Cuối cùng làm thế nào nó sẽ mềm lòng trước vẻ đẹp của cảnh tượng thiên nhiên, nếu nó không biết bàn tay nào đã chăm lo tô điểm cho cảnh ấy?
Xin đừng nói với đứa trẻ những lời lẽ mà nó không sao hiểu nổi. Không miêu tả, không hùng biện, không hình tượng, không thi ca gì hết. Hiện giờ không có vấn đề tình cảm cũng như sở thích. Xin hãy tiếp tục sáng tỏ, giản dị và lạnh lùng; thời gian dùng một giọng điệu khác sẽ chỉ đến quá sớm mà thôi.
Được nuôi dạy theo tinh thần các châm ngôn của chúng ta, được tập quen khai thác mọi phương tiện của mình từ bản thân và bao giờ cũng chỉ cầu viện người khác sau khi đã nhận ra sự bất toàn của mình, khi nhìn thấy một đối tượng mới mẻ, nó đều quan sát rất lâu mà không nói gì hết. Nó tư lự và không hay hỏi han. Các vị chỉ đưa ra cho nó đúng lúc các đối tượng là đủ; rồi, khi các vì thấy lòng hiếu kỳ của nó bị thu hút khá đủ, các vị hãy đề ra cho nó một câu hỏi vắn tắt nào đó đặt nó trên con đường giải đáp câu hỏi ấy.
Trong dịp này, sau khi đã cùng nó ngắm kỹ cảnh Mặt trời mọc, sau khi đã làm cho nó chú ý đến, cũng ở phía đó, núi non và các vật thể khác kế cận, sau khi đã để cho nó thỏa sức trò chuyện về điều ấy, các vị hãy giữ yên lặng vài khoảnh khắc như một người đang mơ mộng, rồi các vị sẽ bảo nó: Thầy nghĩ rằng chiều hôm qua Mặt trời đã lặn ở đằng kia, còn sáng nay đã mọc ở đây. Làm thế nào điều ấy lại có thể thực hiện được nhỉ? Các vị đừng nói thêm gì cả: Nếu nó đặt cho các vị những câu hỏi, xin đừng trả lời; hãy nói sang việc khác. Cứ để điều ấy cho chính nó, và hãy tin chắc là nó sẽ suy nghĩ về điều đó.
Muốn cho một đứa trẻ quen chú ý, và muốn cho nó rất xúc động vì một sự thật rõ rệt, thì sự thật ấy phải khiến nó bồn chôn áy náy vài hôm trước khi khám phá ra. Nếu theo cách ấy mà nó vẫn không quan niệm được khá rõ sự thật này, thì có phương kế làm cho sự thật đó thành rõ rệt hơn nữa đối với nó, và kế này là lật ngược vấn đề. Nếu nó không biết làm thế nào mà Mặt trời đi từ nơi lặn đến nơi mọc, thì ít ra nó cũng biết Mặt trời đi từ nơi mọc đến nơi lặn như thế nào, chỉ riêng mắt nó cũng cho nó biết điều ấy. Vậy các vị hãy làm sáng tỏ câu hỏi thứ nhất bằng câu hỏi đó: Hoặc học trò của các vị hoàn toàn đần độn, hoặc sự tương tự quá rõ ràng thành thử nó không thể không hiểu. Đó là bài học đầu tiên của nó về vũ trụ học.
Vì chúng ta luôn đi chậm rãi từ ý niệm có thể cảm giác này đến ý niệm có thể cảm giác kia, vì chúng ta làm quen trong thời gian dài với cùng một ý niệm trước khi chuyển sang một ý niệm khác, và cuối cùng vì chúng ta không bao giờ ép buộc học trò của mình phải chú ý, nên từ bài học thứ nhất này đến việc hiểu biết sự vận hành của Mặt trời và hình dạng Trái đất còn xa lắm: Nhưng vì mọi vận động nhìn thấy được của các thiên thể đều theo cùng một nguyên tắc, và vì quan sát đầu tiên dẫn đến mọi quan sát khác, nên ta ít phải cố gắng, dù phải mất nhiều thời gian, để đi từ một vòng nhật động đến việc tính toán các nhật thực nguyệt thực, hơn là để hiểu rõ ngày và đêm.
Vì Mặt trời quay xung quanh Địa cầu, nên nó vẽ thành một vòng tròn và bất kỳ vòng tròn nào cũng phải có một tâm điểm; ta đã biết điều đó rồi. Tâm điểm này không thể nhìn thấy được, là nó ở trong lòng Trái đất, nhưng ta có thế đánh dấu trên bề mặt hai điểm đối lập tương ứng với nó. Một chiếc xiên đi qua ba điểm và kéo dài đến tận trời ở cả phía này lẫn phía kia sẽ là trục của Địa cầu và của vận động hàng ngày của Mặt trời. Một con quay tròn xoay trên đầu nhọn của nó tượng trưng bầu trời xoay trên trục; hai đầu nhọn của con quay là hai cực: Đứa trẻ sẽ rất thích được biết một trong hai cực ấy; tôi chỉ cho nó cực này ở đuôi của chòm Tiểu Hùng Tinh. Đó là trò vui ban đêm; dần dần ta quen với các vị sao và từ đó nảy sinh hứng thú đầu tiên hiểu biết các hành tinh và quan sát các chòm tinh tú.
Chúng tôi đã thấy Mặt trời mọc vào ngày Thánh Jean[126]; chúng tôi cũng đi xem Mặt trời mọc vào ngày Noel hay một ngày đẹp trời nào đó vào mùa đông; vì mọi người biết rằng chúng tôi không lười biếng, và chúng tôi coi việc khinh thường cái lạnh là một trò vui. Tôi chú trọng thực hiện quan sát thứ hai này ở cùng địa điểm mà chúng tôi đã thực hiện quan sát thứ nhất; và nhờ một sự khéo léo nào đó để chuẩn bị cho nhận xét, người này hay người kia sẽ không khỏi reo lên: Ồ! Ồ! Thật là thú vị! Mặt trời không mọc lên ở cùng một chỗ nữa! Đây là nơi ta đã thu thập các thông tin trước, còn bây giờ nó lại mọc ở đằng kia, v.v… Vậy là có một phương đông mùa hạ, và một phương đông mùa đông, v.v… Hỡi thầy giáo trẻ, ông đang ở trên đường rồi đấy. Các thí dụ này ắt đủ cho ông để dạy một cách thật rõ ràng về thiên cầu, bằng cách dùng Địa cầu để giảng về Địa cầu, và dùng Mặt trời để giảng về Mặt trời.
Thường thường, các vị bao giờ cũng chỉ nên thay thế sự vật bằng ký hiệu khi các vị không thể chỉ ra sự vật ấy; vì ký hiệu thu hút sự chú ý của đứa trẻ và làm nó quên đi sự vật được biểu thị.
Tôi thấy thiên văn cầu dường như là một khí cụ được cấu tạo kém cỏi và chế tác theo những tỷ lệ rất dở. Sự lộn xộn của các vòng và những hình dạng kỳ dị mà người ta đánh dấu lên đó khiến nó có một vẻ của sách pháp thuật phù thủy làm đầu óc trẻ em kinh hãi. Trái đất thì quá nhỏ, các vòng tròn lại quá to, quá nhiều; một vài vòng, như những vòng chí tuyến kinh tuyến hoàn toàn vô ích; vòng nào cũng rộng lớn hơn Trái đất; bề dày của giấy bồi khiến các vòng đó có một vẻ vững chắc khiến người ta coi chúng là những khối vòng tròn thực sự hiện tồn; và khi các vị bảo đứa trẻ rằng các vòng đó là tưởng tượng, thì nó không biết cái nó đang nhìn thấy, nó không còn hiểu gì nữa.
Chúng ta không bao giờ biết đặt mình vào địa vị trẻ em; chúng ta không thâm nhập các ý tưởng của chúng, chúng ta gán cho chúng các ý tưởng của mình; và bằng cách luôn luôn đi theo những suy luận của bản thân mình, với những chuỗi chân lý nối tiếp, chúng ta chỉ chồng chất vào đầu óc chúng toàn những điều ngông cuồng vô lý và sai lầm mà thôi.
Người ta tranh cãi về việc lựa chọn sự phân tích hay sự tổng hợp để nghiên cứu học tập các môn khoa học; không phải bao giờ cũng cần chọn lựa. Đôi khi người ta có thể giải quyết và tổ hợp trong cùng những sự tìm tòi, và dẫn dắt đứa trẻ bằng phương pháp giáo dục trong khi nó tưởng là nó chỉ phân tích mà thôi. Lúc đó, bằng cách đồng thời dùng cả phân tích lẫn tổng hợp, hai cách sẽ chứng minh lẫn cho nhau. Xuất phát cùng một lúc từ hai điểm đối lập, không nghĩ rằng mình đi cùng một con đường, nó sẽ hết sức ngạc nhiên khi tự gặp gỡ và niềm ngạc nhiên ấy chỉ có thể rất thú vị mà thôi. Chẳng hạn, tôi muốn xem xét môn địa lý bằng hai hạn giới của nó, và kết hợp việc nghiên cứu các chu chuyển của Địa cầu với việc trắc định các bộ phận của nó, bắt đầu từ nơi chốn ta đang ở. Trong khi đứa trẻ học về thiên cầu và như vậy là đưa mình lên bầu trời, các vị hãy dẫn nó trở về mặt đất, và trước hết hãy chỉ cho nó nơi lưu trú của chính nó.
Hai vị trí địa lý đầu tiên của nó sẽ là thành phố nơi nó ở và ngôi biệt thự miền quê của ông bố, sau đó là các nơi chốn trung gian, sau đó là các dòng song vùng lân cận, cuối cùng là trạng huống của Mặt trời và cách tìm phương hướng. Đó là điểm tập hợp. Nó hãy tự mình làm lấy bản đồ về tất cả những thứ đó; bản đồ rất đơn giản và mới đâu chỉ gồm hai vật thể duy nhất, dần dần nó thêm vào đó các vật thể khác, theo chừng mực nó biết được hoặc ước lượng được khoảng cách của chúng và vị trí của chúng. Các vị xem ta đã cung cấp trước cho nó một lợi thế đến thế nào rồi khi đặt một chiếc compas trong mắt nó.
Mặc dù vậy, chắc hẳn cũng phải hướng dẫn nó chút ít; nhưng rất ít thôi, mà không tỏ ra là hướng dẫn. Nếu nó nhầm lẫn, các vị cứ để nó lầm, chớ sửa chữa các sai lầm của nó, hãy lặng lẽ đợi nó thấy được và tự sửa chữa lấy; hoặc nhiều lắm thì trong một dịp thuận tiện, các vị tạo ra một hoạt động nào đó làm nó cảm thấy những sai lầm ấy. Nếu nó không bao giờ nhầm lẫn, nó sẽ chẳng học được tốt đến thế. Vả lại, vấn đề không phải là nó biết chính xác địa hình của miền, mà là biết cách tìm hiểu địa hình ấy; việc nó có những tấm bản đồ trong đầu không quan trọng, miễn là nó hiểu rõ những gì được các bản đồ ấy biểu thị, và nó có một ý niệm rành rọt về kỹ năng giúp cho việc lập bản đồ. Các vị đã thấy điều khác biệt giữa sự hiểu biết của học trò các vị với sự không hiểu biết của học trò tôi rồi đó. Học trò các vị hiểu biết bản đồ, còn học trò tôi làm ra bản đồ. Đây là những thứ trang in mới cho căn phòng của nó.
Các vị hãy luôn nhớ rằng tinh thần sự giáo dục của tôi không phải là dạy cho đứa trẻ rất nhiều điều, mà là bao giờ cũng chỉ để cho đi vào trí não nó những ý niệm đúng đắn và rõ ràng mà thôi. Giả sử nó không biết gì hết, với tôi ít quan trọng, miễn là nó không lầm lẫn, và tôi chỉ đặt các chân lý vào đầu óc nó để tránh cho nó những sai lầm mà có lẽ nó sẽ học hỏi thay vào chỗ các chân lý nọ. Lý trí, sự phán đoán, đến từ từ chậm rãi, các thành kiến thì chạy tới ào ào; chính là phải phòng giữ nho nó những thành kiến ấy. Nhưng nếu các vị nhìn khoa học ở bản thân nó, các vị sẽ đi vào một biển cả không đáy, không bến bờ, đầy những đá ngầm; các vị sẽ không bao giờ thoát ra khỏi đó. Khi tôi nhìn thấy một người say mê kiến thức để mình bị quyến rũ bởi sức mê hoặc của chúng và chạy từ kiến thức này sang kiến thức khác mà không biết dừng lại, tôi ngỡ nhìn thấy một đứa trẻ nhặt vỏ sò vỏ ốc trên bờ biển, và khởi đầu bằng việc mang nặng những vỏ ấy, rồi, bị cám dỗ bởi những vỏ lại nhìn thấy nữa, vứt bớt đi, nhặt thêm vào, cho đến khi khổ sở vì cơ man vô số là vỏ và chẳng biết chọn cái gì, cuối cùng quẳng đi hết và trở về tay không.
Trong tuổi ấu niên, thời gian thật dài: Chúng ta chỉ tìm cách tiêu thì giờ, vì sợ sử dung thì giờ không tốt. Ở đây hoàn toàn ngược lại, và chúng ta không đủ thời gian để làm tất cả những gì sẽ là hữu ích. Các vị hãy nghĩ rằng những đam mê đang lại gần, và, ngay khi chúng vừa gõ cửa, là học trò các vị chỉ còn quan tâm đến chúng mà thôi. Thời gian an bình của trí năng rất ngắn, nó trôi qua rất nhanh, nó có biết bao sự sử dụng cần thiết, thành thử muốn nó đủ để khiến một đứa trẻ thành thông thái thì thật là điên rồ. Vấn đề không phải là dạy cho nó các môn khoa học, mà là đem lại cho nó hứng thú để yêu khoa học và đem lại cho nó các phương pháp để học những môn đó, khi hứng thú này phát triển hơn lên. Chắc chắn rằng đó là một nguyên lý cơ bản của bất kỳ nền giáo dục tốt nào.
Đây cũng là thời gian để tập cho nó dần dần quen chú ý liên tục đến cùng một đối tượng: Nhưng không bao giờ là sự bó buộc, mà bao giờ cũng phải là niềm vui thích hoặc nỗi mong muốn làm nảy sinh sự chú ý này; phải hết sức chăm lo sao cho sự chú ý ấy không đè nặng lên nó và không đi đến chỗ chán ngán. Vậy xin hãy luôn để mắt; và, dù xảy ra chuyện gì đi nữa, cũng xin rời bỏ tất cả trước khi nó buồn chán; vì việc nó học không bao giờ quan trọng bằng việc nó đừng làm một điều gì bất đắc dĩ.
Nếu tự nó hỏi han các vị, xin hãy trả lời đủ mức cần thiết để nuôi dưỡng lòng hiếu kỳ của nó, chứ không phải để làm thỏa thích lòng hiếu kỳ ấy: Nhất là khi các vị thấy thay vì hỏi để học tập, nó bắt đầu nói lung tung và dồn lên các vị những câu hỏi ngớ ngẩn, xin hãy dừng lại tức khắc, chắc chắn rằng lúc đó nó không còn quan tâm đến sự việc nữa, mà chỉ quan tâm bắt các vị phục tùng những lời chất vấn của nó mà thôi. Cần chú ý đến động cơ khiến nó nói nhiều hơn là những lời nó thốt ra. Điều khuyến cáo này, cho đến bây giờ vẫn ít cần thiết, trở nên quan trọng bậc nhất ngay khi đứa trẻ vừa bắt đầu suy luận.
Có một chuỗi nối tiếp các chân lý khái quát qua đó tất cả các môn khoa học gắn với những nguyên lý chung và phát triển kế tiếp nhau: Chuỗi này là phương pháp của các trí giả. Ở đây không bàn đến phương pháp ấy. Có một phương pháp khác hẳn, qua đó mỗi đối tượng riêng biệt thu hút một đối tượng khác và luôn chỉ ra đối tượng theo sau nó. Trật tự này, nhờ một niềm hiếu kỳ liên tục, nuôi dưỡng được sự chú ý mà tất cả các đối tượng đòi hỏi, chính là trật tự được đa số mọi người theo, và đặc biệt cần đối với trẻ em. Trong khi chúng tôi định phương hướng để lập các bản đồ của mình, chúng tôi đã phải kẻ các đường kinh tuyến. Hai điểm giao nhau giữa các bóng ngang bằng vào buổi sáng và buổi chiều cung cấp một kinh tuyến tuyệt vời cho nhà thiên văn mười ba tuổi. Nhưng những đường này mờ xóa đi, phải có thời gian để vẽ chúng; chúng buộc ta phải luôn làm việc ở đúng chỗ cũ: Nhiều sự cẩn thận đến thế, nhiều sự bó buộc đến thế, cuối cùng sẽ làm đứa trẻ chán. Chúng tôi đã dự liệu điều đó chúng tôi đã chuẩn bị trước cho chuyện này.
Thế là tôi lại đang đi vào những chi tiết dài dòng và tỉ mỉ của mình. Độc giả, tôi nghe thấy các vị lẩm bẩm bất bình, và tôi không sợ điều ấy: Tôi không muốn hy sinh phần hữu ích nhất của cuốn sách này vì sự sốt ruột của các vị. Xin các vị đành lòng cam chịu những lời dài dòng của tôi; vì về phần tôi thì tôi đã đành lòng cam chịu những lời phàn nàn của các vị rồi.
Từ lâu rồi học trò tôi và tôi đã nhận thấy rằng hổ phách, sáp, nhiều vật thể được cọ sát thì hút các cọng rơm, còn những vật thể khác lại không hút chúng. Tình cờ chúng tôi tìm được một vật thể có một tính chất lạ lùng hơn nữa: Đó là thu hút mạt sắt và một số mảy sắt khác ở một khoảng cách nào đó và không cần cọ sát. Đặc tính này làm chúng tôi thích thú biết bao lâu mà chúng tôi không thể thấy gì hơn nữa trong đó! Cuối cùng chúng tôi thấy rằng đặc tính này truyền sang ngay cả sắt có nam châm theo một hướng nào đó. Một hôm chúng tôi đi chợ phiên[127] một người làm trò ảo thuật với những chiếc chén dùng một mẩu bánh mì thu hút mà con vịt bằng sáp bập bềnh trên một chậu nước. Hết sức ngạc nhiên, song chúng tôi không bảo: Đây là một thầy phù thủy; vì chúng tôi không biết thế nào là một phù thủy. Không ngừng bị kích động bởi các kết quả mà mình không rõ nguyên nhân, chúng tôi không vội phán đoán điều gì hết, và chúng tôi cứ ở yên trong tình trạng không biết của mình cho đến khi nào tìm được cơ hội ra khỏi tình trạng ấy.
Trở về nhà, do cứ nói mãi về con vịt ở chợ phiên, chúng tôi quyết định bắt chước nó: Chúng tôi lấy một cây kim nạp nhiều nam châm, chúng tôi bọc nó bằng sáp trắng mà chúng tôi cố nặn thành hình con vịt, sao cho cây kim xuyên qua thân hình và đầu kim là cái mỏ. Chúng tôi đặt con vịt xuống nước, chúng tôi để gần mỏ nó một vòng chìa khóa, và chúng tôi thấy, với một niềm vui mừng dễ hiểu, con vịt của mình đi theo chiếc chìa khóa hệt như con vịt ở chợ phiên đi theo mẩu bánh. Quan sát xem con vịt dừng lại trên mặt nước theo hướng nào khi người ta để nó nghỉ, điều này chúng tôi sẽ có thể làm vào một lần khác. Còn bây giờ, vì hoàn toàn chú ý vào mục tiêu của mình, chúng tôi không muốn gì hơn nữa.
Ngay chiều hôm ấy chúng tôi quay lại chợ phiên với bánh mì chuẩn bị sẵn trong túi; và, khi người làm ảo thuật vừa diễn xong trò của anh ta, thì nhà bác học tí hon của tôi, khó kìm được mình, bảo anh ta rằng trò ấy chẳng khó, rằng chính nó cũng sẽ làm được như thế. Nó buộc phải làm theo lời nói: Lập tức nó rút trong túi ra mẩu bánh mì trong có giấu mảnh sắt; khi đến gần bàn, tim nó đập mạnh; nó giơ mẩu bánh ra gần như run rẩy; con vịt đi tới và theo nó; đứa trẻ reo lên và mừng rỡ. Trước những tiếng vỗ tay, những tiếng hoan hô của cử tọa, nó chóng mặt, nó phát cuồng. Người làm trò sửng sốt tuy thế vẫn đến ôm hôn nó, khen ngợi nó và yêu cầu nó ngày hôm sau lại có mặt nữa để làm vinh dự cho anh ta, và nói thêm rằng anh ta sẽ lo tập hợp đông người hơn để hoan nghênh tài khéo léo của nó. Nhà vạn vật học tí hon của tôi đắc chí muốn bẻo lẻo nhưng lập tức tôi bịt miệng nó lại và đưa nó đi trong lúc nó đang được cảm thấy ngợi nhiệt liệt.
Đứa trẻ, cho đến ngày hôm sau, cứ đếm từng phút với một nỗi bồn chôn tức cười nó mời tất cả những ai nó gặp; nó những muốn toàn nhân loại chứng kiến niềm vinh quang của mình; nó khó nhọc đợi đến giờ, nó đi trước giờ; chúng tôi phóng như bay đến chỗ hẹn; phòng đã đông chật người. Khi bước vào, trái tim non trẻ của nó nở ra. Có những trò khác phải biểu diễn trước; người làm ảo thuật tỏ ra xuất sắc khác thường và thực hiện những điều kỳ lạ. Ở tất cả các trò này đứa trẻ chẳng nhìn thấy gì hết; nó cựa quậy, nó toát mồ hôi, nó gần như không thở: Nó dùng thời gian để mân mê mẩu bánh trong túi với bàn tay run rảy vì sốt ruột. Cuối cùng đến lượt nó; ông thầy long trọng loan báo điều này với công chúng. Nó tiến lại gần hơi thẹn thùng, nó rút mẩu bánh của nó ra… Biến thiên mới của sự đời! Con vịt, hôm trước thuần dưỡng đến thế, hôm nay lại thành hoang dã; thay vì chìa mỏ ra, nó quay đuôi và chạy trốn; nó tránh mẩu bánh và bàn tay giơ bánh ra cũng cẩn thận như trước đây nó đã đi theo những thứ đó. Sau hàng ngàn lần thử vô ích và luôn bị la ó phản đối, thằng bé phàn nàn, bảo rằng người ta lừa nó, rằng đó là một con vịt khác mà người ta đã thay vào con vịt đầu tiên, và thách người làm trò thu hút được con này.
Người làm ảo thuật, không trả lời, lấy một mẩu bánh, chìa ra cho con vịt; lập tức con vịt đi theo mẩu bánh, và đến với bàn tay đang rút mẩu bánh lại. Đứa trẻ cầm lấy cũng mẩu bánh ấy; nhưng chẳng hề thành công hơn lần trước, nó lại thấy con vịt chế nhạo nó và xoay tròn khắp xung quanh chậu nước: Cuối cùng nó lánh ra xa hết sức xấu hổ, và không dám hứng lấy những tiếng la ó phản đối nữa.
Thế là người làm ảo thuật cầm lấy mẩu bánh mà đứa trẻ đã mang đến, và sử dụng cũng thành công như với mẩu bánh của mình: Anh ta lôi mảnh sắt trong bánh ra trước mặt tất cả mọi người, lại một tràng cười nữa chế giễu chúng tôi; rồi, với mẩu bánh rỗng ruột như thế, anh ta vẫn thu hút con vịt như trước. Anh ta cũng làm việc đó với một mẩu bánh khác do bàn tay của một người thứ ba cắt ra trước mặt tất cả mọi người, anh ta lại làm như vậy với chiếc bao tay của mình, với đầu ngón tay của mình; cuối cùng anh ta ra giữa phòng, và với giọng khoa trương riêng thuộc loại người này, tuyên bố rằng con vịt của anh ta sẽ vâng theo tiếng nói của anh ta không kém vâng theo cử chỉ, anh ta nói với con vịt và nó vâng theo; anh ta bảo nó đi sang:bên phải thế là nó đi sang bên phải, bảo trở lại thế là nó trở lại, bảo đi vòng thế là nó đi vòng: Động tác cũng nhanh như mệnh lệnh. Những tiếng vỗ tay tăng gấp bội cũng là chừng ấy sự sỉ nhục đối với chúng tôi. Chúng tôi lẩn ra ngoài không ai nhìn thấy, và chúng tôi giam mình trong phòng, chẳng đi kể lại thành công của chúng tôi với tất cả mọi người như đã dự định.
Sáng hôm sau người ta gõ cửa phòng chúng tôi; tôi mở ra: Đó là người làm ảo thuật. Anh ta phàn nàn một cách nhũn nhặn về cách cư xử của chúng tôi. Anh ta đã làm gì chúng tôi để chúng tôi muốn làm các trò của anh ta mất tín nhiệm và tước đi kế sinh nhai của anh ta? Có gì kỳ diệu đến thế trong kỹ năng thu hút mà con vịt bằng sáp, để mua lấy vinh dự ấy bằng cách gây thiệt hại cho sinh kế của một người lương thiện? Quả thật, thưa các vị, nếu như tôi có một tài nào khác để sinh sống, tôi sẽ chẳng mấy tự phụ về cái tài này. Các vị phải nghĩ rằng một người đã suốt đời tập luyện cái kỹ xảo xoàng xĩnh ấy ắt hiểu về điều đó hơn các vị là những người chỉ bận vào đó vài khoảnh khắc mà thôi. Nếu thoạt tiên tôi chưa trình ra với các vị những ngón điêu luyện của tôi, thì đó là vì không nên vội phô bày một cách khinh xuất những gì mình biết; bao giờ tôi cũng cẩn thận để dành những trò hay nhất của mình chờ cơ hội, và sau trò này, tôi còn những trò khác nữa để ngăn chặn những cậu bé vô ý vô tứ. Vả lại thưa các vị, tôi vui lòng đến để cho các vị biết điều bí mật đã khiến các vị xiết bao lúng túng, nhưng xin các vị đừng lợi dụng điều đó để hại tôi, và lần khác xin hãy thận trọng hơn.
Thế là anh ta phô ra với chúng tôi khí cụ của mình, và chúng tôi cực kỳ ngạc nhiên thấy đó chỉ là một thỏi nam châm mạnh và có cốt sắt chắc chắn, do một đứa trẻ nấp dưới gầm bàn làm chuyển động mà mọi người không nhận thấy.
Anh ta xếp khí cụ của mình lại; còn chúng tôi sau khi đã cám ơn và xin lỗi anh ta, chúng tôi muốn tặng anh ta một món quà; anh ta từ chối. “ Không, thưa các vị, tôi không đủ mãn ý về các vị để nhận quà tặng của các vị; tôi để các vị mắc nợ tôi dù các vị không muốn; đó là sự trả thù duy nhất của tôi. Các vị hãy biết rằng ở mọi địa vị đều có lòng hào hiệp tôi đòi thù lao cho các trò diễn của mình chứ không cho các bài học của mình.”
Khi đi ra, anh ta trách cứ tôi đích danh và lớn tiếng. Anh ta bảo tôi rằng: “Tôi sẵn lòng tha thứ cho cậu bé này; cậu ta chỉ phạm tội vì không biết. Nhưng còn ông, thưa ông, ông ắt phải biết lỗi của cậu ấy, thế tại sao ông lại để cho cậu ấy mắc lỗi? Bởi các vị sống cùng nhau, là người nhiều tuổi hơn ông có bổn phận chăm sóc và khuyên nhủ cậu ấy; kinh nghiệm của ông phải là uy quyền để dẫn dắt cậu ấy. Đến lúc trưởng thành, khi tự trách về những sai lầm thời niên thiếu, hẳn cậu ấy sẽ trách ông về những sai lầm mà ông không khuyến cáo cậu[128].”
Anh ta ra đi để lại hai chúng tôi rất thẹn thùng. Tôi tự trách về sự dễ dãi nhu nhược của mình; tôi hứa với đứa trẻ rằng lần khác sẽ hy sinh sự dễ dãi này vì lợi ích của nó, và sẽ khuyến cáo nó về các lỗi lầm của nó trước khi nó phạm phải; vì đã gần đến thời kỳ mà các quan hệ giữa chúng tôi sắp thay đổi, và sự nghiêm khắc của ông thầy phải tiếp theo sự chiều chuộng của người bạn; sự thay đổi này phải đến từng nấc một; cần phải dự liệu mọi việc, và dự liệu mọi việc từ rất xa.
Ngày hôm sau chúng tôi trở lại chợ phiên để xem lại cái trò mà chúng tôi đã biết được bí quyết. Chúng tôi đến gần nhà ảo thuật Socrate của chúng tôi với niềm tôn trọng sâu xa; chúng tôi chỉ hơi dám ngước mắt nhìn anh ta: Anh ta hết sức lịch sự với chúng tôi và mời chúng tôi ngồi với sự biệt đãi làm chúng tôi càng xấu hổ hơn nữa. Anh ta diễn trò như thường lệ; nhưng anh ta đùa vui và thích thú rất lâu với trò con vịt, trong khi đó thường hay nhìn chúng tôi với vẻ khá tự hào. Chúng tôi biết hết mọi điều, song chúng tôi không hé một lời. Nếu học trò của tôi chỉ dám mớ miệng thôi, thì đó sẽ là đứa trẻ cần phải xéo bẹp.
Toàn bộ chi tiết của thí dụ này quan trọng hơn người ta tưởng. Biết bao nhiêu bài học trong chỉ một bài thôi. Biết bao hậu quả nhục nhã do động thái khoe khoang đầu tiên đem lại! Hỡi ông thầy trẻ tuổi, hãy rình cho kỹ càng động thái đầu tiên ấy. Nếu ông biết cách làm cho từ động thái ấy xuất hiện nỗi nhục nhã, những điều không hay[129], thì hãy tin chắc rằng trong thời gian dài sẽ không tái diễn một động thái thứ hai như vậy. Các vị sẽ bảo: Sao nhiều sự chuẩn bị đến thế! Tôi đồng ý như vậy, nhưng tất cả là để tạo cho chúng tôi một địa bàn thay cho đường kinh tuyến.
Đã biết được rằng nam châm tác động xuyên qua các vật thể khác, chúng tôi chẳng có gì vội vã hơn là làm một khí cụ giống như thứ chúng tôi đã thấy: một cái bàn khoét rỗng, một chiếc chậu thật dẹt đặt vừa khít trên bàn, đựng vài ligne[130] nước, một con vịt được làm cẩn thận hơn đôi chút, v.v… Thường chăm chú quanh chậu nước, cuối cùng chúng tôi nhận xét thấy con vịt khi nằm yên bao giờ cũng gần như theo một hướng. Chúng tôi theo dõi thí nghiệm này, chúng tôi quan sát chiều hướng ấy: Chúng tôi thấy ra rằng nó đi từ nam lên bắc. Chẳng cần nhiều hơn nữa: Địa bàn của chúng tôi đã được tìm ra, hoặc tương đương như vậy; chúng tôi đang ở trong môn vật lý học rồi.
Có những khí hậu khác nhau trên Trái đất, và những nhiệt độ khác nhau cho các khí hậu ấy. Càng đến gần cực, các mùa thay đổi càng rõ rệt hơn; tất cả các vật thể đều co lại trước cái lạnh và dãn nở trước cái nóng; tác động này đã được dễ hơn trong các chất nước, và rõ rệt hơn trong các nước có chất rượu; từ đó mà có nhiệt kế. Gió đập vào mặt; vậy không khí là một vật thể, một thế lưu động; người ta cảm thấy nó, dù người ta không có cách nào nhìn thấy nó. Hãy lật ngược một chiếc cốc trong nước, nước sẽ không vào đầy cốc trừ phi các vị để một lối thoát cho không khí; vậy không khí có khả năng đề kháng. Hãy dìm cốc sâu hơn, nước sẽ lấn không khí trong khoảng trống, song không thể lấp đầy hẳn khoảng trống này; vậy không khí có khả năng nén ép đến một mức độ nhất định. Một quả bóng chứa đầy khí nén nảy hơn là chứa đầy bất kỳ chất
liệu nào khác; vậy không khí là một vật thể đàn hồi. Nằm dài trong khi tắm, hãy nhấc ngang cánh tay ra ngoài nước, các vị sẽ cảm thấy cánh tay chứa một sức nặng kinh khủng; vậy không khí là một vật thể có trọng lượng. Bằng cách đặt không khí trong thế cân bằng với những thế lưu động khác, có thể đo được trọng lượng của nó: Từ đó mà có phong vũ biểu, vòi chuyền nước, gậy đỡ gió, máy bài khí. Tất cả những luật về tĩnh lực học, thủy tinh học đều được tìm ra từ những thí nghiệm thô sơ như vậy cả. Tôi không muốn vì bất kỳ điều gì trong đó mà bước vào một phòng vật lý thực nghiệm: Toàn thể bộ sậu những dụng cụ và máy móc ấy khiến tôi không ưa. Không khí khoa học giết chết khoa học. Hoặc tất cả những máy móc đó làm một đứa trẻ hoảng sợ, hoặc hình dạng của chúng chia sẻ và lấy mất sự chú ý mà lẽ ra đứa trẻ phải dành cho kết quả của chúng.
Tôi muốn chúng tôi tự làm lấy mọi khí cụ của mình; và tôi không muốn bắt đầu bằng việc làm dụng cụ trước khi làm thí nghiệm; nhưng tôi muốn rằng sau khi đã như thế tình cờ mà thoáng thấy ra thí nghiệm, thì chúng tôi sang chế dần dần dụng cụ phải kiểm tra lại thí nghiệm ấy. Tôi thích thà dụng cụ của chúng tôi không thật hoàn hảo và thật chính xác, song chúng tôi lại có những ý niệm rành rọt hơn về việc những dụng cụ đó phải như thế nào, và về những hoạt động ắt phải từ đó mà ra. Về bài tĩnh lực học đầu tiên, thay vì đi tìm những chiếc cân, tôi đặt một cây gậy nằm ngang trên lưng một chiếc ghế dựa, tôi đo chiều dài của hai phần cây gậy ở thế thăng bằng, tôi thêm vào bên này bên kia các quả cân, khi ngang nhau khi không ngang nhau; và, bằng cách kéo lại hay đẩy đi theo chừng mực cần thiết, cuối cùng tôi tìm ra thế thăng bằng là do một tỷ lệ tương hỗ giữa số lượng các quả cân và chiều dài các đòn cân. Thế là nhà vật lý tí hon của tôi đã có khả năng chỉnh những chiếc cân trước khi nhìn thấy cân rồi đó.
Chắc chắn là người ta rút ra được những khái niệm rõ ràng hơn nhiều và vững vàng hơn nhiều từ những sự vật mà ta tự học hiểu lấy như vậy, hơn là từ những sự vật được người khác giáo huấn; và, ngoài việc ta không hề làm cho lý trí mình quen phục tùng một cách nô lệ trước uy quyền, ta còn khiến mình thành giỏi giang hơn trong việc tìm ra các quan hệ, kết nối các ý tưởng, sang chế các dụng cụ, so với trường hợp ta tiếp nhận tất cả những điều này y như người ta đem lại cho mình, và để trí óc mình tiêu trầm trong trạng thái uể oải, giống như thân thể một người luôn được gia nhân hầu hạ, mặc y phục cho, đi giày cho, và được ngựa kéo đi, cuối cùng chẳng còn sức lực và chẳng sử dụng được tứ chi của mình. Boileau tự khoe đã dạy cho Racine làm thơ một cách khó khăn vất vả. Trong bao nhiêu phương pháp tuyệt vời để rút ngắn việc học tập các môn khoa học, có lẽ chúng ta sẽ rất cần ai đó cho chúng ta một phương pháp để học các môn đó với sự gắng công gắng sức.
Lợi ích rõ rệt nhất của những sự tìm tòi chậm rãi và cần cù khó nhọc ấy là, giữa những môn học tư biện, vẫn duy trì được thân thể trong trạng thái hoạt động của nó, duy trì được tứ chi trong tính mềm dẻo của chúng, và không ngừng luyện cho các bàn tay quen với lao động và với các tập quán hữu ích cho con người. Quá nhiều dụng cụ được sáng chế để hướng dẫn ta trong các thí nghiệm của ta, và để thay thế cho tính đúng đắn của giác quan, làm ta sao nhãng việc rèn luyện giác quan. Thước đo góc miễn trừ việc ước lượng độ lớn của các góc; con mắt ước chừng chính xác các khoáng cách lại tin cậy vào chuỗi thước dây đó thay cho nó; chiếc cân móc tránh cho tôi khỏi phán đoán bằng tay trọng lượng mà tôi biết được nhờ nó. Công cụ của chúng ta càng tinh khéo thì khí quan của chúng ta càng trở nên thô lỗ và vụng về: Cứ ra sức tập hợp các khí cụ xung quanh mình, ta không còn tìm ra khí cụ trong bản thân ta nữa.
Nhưng khi ta đem vào việc chế tạo các khí cụ sự khéo léo vẫn thay cho khí cụ đối với ta, khi ta sử dụng để làm ra các khí cụ sự minh mẫn phải có để không cần đến khí cụ, thì ta được mà không mất gì hết, ta bổ sung kỹ năng cho tự nhiên, và ta trở nên tài giỏi hơn mà không thành kém khéo léo đi. Thay vì để một đứa trẻ dính chặt vào sách vở, nếu tôi để nó bận rộn trong một xưởng, thì bàn tay nó làm việc để có lợi cho trí óc nó: Nó thành trí giả song tưởng mình chỉ là thợ. Cuối cùng việc rèn tập này có những sự sử dụng khác nữa mà tôi sẽ nói sau đây; và ta sẽ thấy bằng cách nào mà từ những vận dụng của triết học người ta có thể nâng mình lên các chức năng đích thực của con người.
Tôi đã nói rằng các tri thức thuần túy tư biện không mấy thích hợp với trẻ em, ngay cả khi gần đến tuổi thanh niên; nhưng tuy không đưa chúng tiến quá sâu vào vật lý học hệ thống, các vị hãy làm sao cho tất cả các thí nghiệm của chúng cái nọ liên kết với cái kia qua một kiểu suy luận nào đó, để nhờ vào chuỗi tiếp nối ấy chúng có thể xếp các thí nghiệm này trong óc theo trật tự, và nhớ lại được khi cần; vì các sự kiện và ngay cả các lập luận tách riêng rất khó ở lâu trong ký ức, khi ta không có chỗ nắm bắt để dẫn chúng quay lại đó.
Trong khi nghiên cứu các quy luật của thiên nhiên, xin hãy luôn bắt đầu từ những hiện tượng thông thường nhất và rõ rệt nhất, và hãy tập cho học trò thói quen không coi các hiện tượng này là các lý do mà là các sự kiện. Tôi lấy một hòn đá, tôi giả vờ đặt nó trên không; tôi mở bàn tay, hòn đá rơi xuống. Tôi nhìn Émile đang chú ý đến việc tôi làm, và tôi bảo nó: Tại sao hòn đá này lại rơi xuống?
Có đứa trẻ nào không trả lời được câu hỏi ấy? Chẳng đứa nào hết, kể cả Émile, nếu tôi đã không hết sức cẩn thận chuẩn bị cho nó biết không trả lời điều đó. Tất cả sẽ nói rằng hòn đá rơi vì nó có trọng lượng. Thế cái gì có trọng lượng? Đó là cái gì rơi xuống. Vậy hòn đá rơi vì nó rơi? Đến đây thì trí giả tí hon của tôi tắc hẳn. Đó là bài học đầu tiên của nó về vật lý hệ thống, và dù có lợi cho nó hay không về bộ môn ấy, thì vẫn sẽ luôn là một bài học về lương tri.
Dần dà đứa trẻ càng tiến lên về trí năng, thì những lý do quan trọng khác càng buộc chúng ta phải lựa chọn kỹ hơn trong các công việc của nó. Ngay khi nó vừa nhận biết được bản thân đủ để hiểu sự an lạc của mình là gì, ngay khi nó vừa thấy ra được các quan hệ khá rộng để phán đoán cái gì thích hợp với mình và cái gì không thích hợp, thì từ đó nó đủ trình độ cảm nhận sự khác biệt từ công việc đến trò vui, và chỉ coi trò vui như sự giải lao cho công việc. Lúc đó các đối tượng hữu ích thực sự có thể đi vào việc học tập của nó, và khuyến khích nó dành cho chúng một sự chuyên tâm kiên nhẫn hơn sự chuyên tâm dành cho các trò vui đơn thuần. Định luật của sự tất yếu, luôn luôn tái xuất hiện, sớm dạy cho con người biết làm điều mình không thích để phòng ngừa một cái hại còn khiến mình không thích hơn nhiều. Đó là tập quán lo xa tính trước: Và, từ sự lo xa được điều chỉnh tốt hay dở ấy, nảy sinh toàn bộ sự minh triết hay toàn bộ nỗi khốn khổ của con người.
Con người nào cũng muốn được hạnh phúc; nhưng để đạt được hạnh phúc, phải bắt đầu bằng việc hiểu hạnh phúc là gì. Hạnh phúc của con người tự nhiên cũng đơn giản như cuộc sống của người đó; hạnh phúc là không đau đớn: Sức khỏe, tự do, nhu yếu phẩm cấu tạo nên hạnh phúc ấy. Hạnh phúc của con người tinh thần là chuyện khác; nhưng ở đây không bàn đến vấn đề đó. Tôi nhắc lại bao nhiêu cũng không thừa rằng chỉ có những mục tiêu thuần túy vật chất mới có thể khiến trẻ em hứng thú, nhất là những trẻ mà người ta chưa đánh thức tính khoe khoang, và người ta chưa làm hư hỏng trước bởi chất độc của dư luận.
Vào lúc nào trẻ tiên đoán được các nhu cầu của mình trước khi cảm thấy nhu cầu, thì trí năng của chúng đã rất tiến bộ, chúng bắt đầu biết giá trị của thời gian. Lúc đó cần phải tập cho chúng quen hướng việc sử dụng thời gian vào những mục tiêu hữu ích, nhưng là một sự hữu ích rõ rệt với lứa tuổi của chúng, vừa tầm với các tri thức của chúng. Tất cả những gì liên quan đến phạm trù tinh thần và đến tập quán của xã hội đều không nên đưa ra cho chúng ngay, bởi lẽ chúng chưa đủ sức hiểu. Thật là một sự ngu xuẩn nếu đòi hỏi chúng chuyên tâm vào những điều mà người ta nói với chúng một cách mơ hồ rằng đó là vì tốt cho chúng, song chúng chẳng hiểu cái tốt ấy là gì, những điều mà người ta đảm bảo với chúng rằng sẽ có lợi cho chúng khi chúng lớn lên, song giờ đây chúng chẳng có một hứng thú nào với cái bảo là lợi mà chúng không thể hiểu được ấy.
Sao cho đứa trẻ đừng làm một điều gì vì tin lời: Chỉ điều gì nó cảm thấy tốt cho nó mới là điều tốt cho nó. Bằng cách luôn ném nó lên phía trước các tri thức của nó, các vị tưởng mình lo xa, song các vị lại thiếu lo xa. Để trang bị cho nó vài lợi khí vô bổ mà có lẽ nó sẽ chẳng bao giờ sử dụng, các vị tước mất của nó lợi khí phổ quát nhất của con người, đó là lương tri; các vị làm cho nó quen để mình luôn bị dẫn dắt, để mình bao giờ cũng chỉ là một cỗ máy trong tay người khác. Các vị muốn nó dễ bảo khi còn bé: Đó là muốn nó cả tin và bị lừa khi lớn. Các vị không ngừng bảo nó: “Tất cả những gì thầy yêu cầu em là để có lợi cho em; nhưng em chưa đủ sức hiểu điều ấy. Em làm hay không làm điều mà thầy đòi hỏi có can hệ gì đến thầy đâu? Em làm việc chỉ cho riêng mình em mà thôi.”
Với tất cả những lời lẽ hay ho mà giờ đây các vị nói với nó để khiến nó thành ngoan ngoãn, các vị đang chuẩn bị cho sự thành công của những lời lẽ mà một ngày nào đó một nhà linh giác, một thuật sĩ luyện đan, một kẻ lừa bịp, một gã giảo quyệt, hay một thằng điên đủ kiểu sẽ nói với nó, để đưa nó vào bẫy của hắn, hoặc để khiến nó theo sự điên rồ của hắn.
Một người lớn cần biết rõ những điều mà một đứa trẻ không sao hiểu nổi tính hữu ích; nhưng một đứa trẻ có nên và có thể học tất cả những gì mà một người lớn cần biết hay không? Hãy cố gắng dạy cho đứa trẻ tất cả những gì hữu ích với lứa tuổi nó, và các vị sẽ thấy toàn bộ thời gian của nó quá là đầy ắp. Tại sao các vị lại muốn bắt nó chuyên tâm vào những môn học của một lứa tuổi mà chắc gì nó đạt tới được, để thiệt hại cho những môn học giờ đây đang thích hợp với nó? Các vị sẽ bảo nhưng thời gian có còn kịp hay không để học những gì người ta phải biết, khi thời điểm sử dụng những điều ấy đến nơi? Tôi không biết: Nhưng điều tôi biết, đó là tôi không thể học điều đó sớm hơn; vì những ông thầy thực sự của chúng ta là kinh nghiệm và ý thức, và bao giờ con người cũng chỉ cảm nhận rõ những gì thích hợp với con người trong những mối quan hệ mà mình ở bên trong. Một đứa trẻ biết rằng nó được tạo ra để thành người lớn, tất cả những ý niệm nó có thể có được về trạng thái của người lớn đều là những cơ hội giáo dục đối với nó; nhưng những ý niệm về trạng thái đó mà không vừa với trình độ của nó thì nó phải tuyệt đối không hay biết gì. Toàn bộ cuốn sách của tôi chỉ là một số chứng minh liên tục nguyên lý giáo dục này.
Ngay khi chúng ta vừa đạt tới cho cho học trò của chúng ta một ý niệm về từ hữu ích, là chúng ta có thêm một chỗ nắm bắt quan trọng nữa để dạy dỗ nó; vì từ ấy khiến nó xúc động rất nhiều, do chỗ đối với nó từ ấy chỉ có một nghĩa liên quan đến thời nó, và do chỗ nó thấy rõ ràng mối tương quan giữa từ ấy với sự an lạc hiện tại của nó. Những đứa trẻ của các vị không hề xúc động vì từ đó bởi lẽ các vị đã không chú trọng đem lại cho chúng một ý niệm vừa với trình độ của chúng về từ đó, và bởi những người khác luôn đảm nhận việc cung cấp cho chúng những gì hữu ích với chúng, nên chúng chẳng bao giờ cần tự mình nghĩ đến điều ấy, và chẳng biết tính hữu ích là gì.
Điều đó có ích lợi gì? Từ nay về sau đó là cái lời thiêng liêng, cái lời quyết định giữa nó và tôi trong mọi hành vi của đời sống chúng tôi: Về phần tôi đó là câu hỏi nhất thiết theo sau mọi câu hỏi của nó, và dùng để ghìm lại vô số câu hỏi ngu đần và vô vị mà trẻ em làm mệt mỏi tất cả những ai ở quanh chúng, không ngơi nghỉ và không kết quả, nhằm thực thi một thứ quyền lực nào đó với họ hơn là để thu được một lợi ích nào đó. Đứa trẻ nào được dạy trong bài học quan trọng nhất của nó là chỉ muốn biết điều gì hữu ích mà thôi, sẽ chất vấn như Socrate; nó không đặt một câu hỏi nào mà tự nó không rõ lý do của câu hỏi ấy, lý do mà nó biết rằng người ta sẽ hỏi nó trước khi giải đáp câu hỏi.
Các vị thấy tôi đặt vào tay các vị một lợi khí mạnh mẽ biết mấy để tác động đến học trò các vị. Vì không biết lý do của điều gì hết, thế là nó hầu như phải im lặng khi các vị muốn; còn các vị thì ngược lại, các kiến thức và kinh nghiệm của các vị chẳng đem lại cho các vị một lợi thế biết mấy hay sao, để chỉ ra cho nó tính hữu ích của tất cả những gì các vị đề xuất với nó vì, xin chớ nhầm lẫn về điều này, đặt ra cho nó câu hỏi ấy, chính là dạy cho nó đến lượt mình hỏi lại các vị; và các vị phải tin rằng, về tất cả những gì các vị sẽ đề xuất với nó sau này, noi gương các vị nó sẽ không quên bảo: Điều đó có ích lợi gì?
Đây có lẽ là cạm bẫy khó tránh nhất đối với một ông thầy. Nếu, trước câu hỏi của đứa trẻ, vì chỉ tìm cách trả lời cho xong chuyện, các vị đưa ra cho nó chỉ một lý do mà nó không đủ sức hiểu, thì nó, do thấy các vị lập luận theo ý tưởng của các vị chứ không theo ý tưởng của nó, sẽ cho rằng những gì các vị nói là hợp với tuổi của các vị, chứ không hợp với tuổi nó; nó sẽ không tin cậy ở các vị nữa, và mọi sự hỏng hết. Nhưng đâu là ông thầy muốn tắc tị và thừa nhận với học trò những sai trái của mình? Tất cả đều tự đặt một định lệ là không thừa nhận ngay cả những sai trái họ phạm phải; còn tôi thì tôi sẽ đặt cho mình một định lệ là thừa nhận ngay cả những sai trái mà tôi không phạm phải, khi tôi không thể làm cho các lập luận của mình vừa với trình độ của nó: Như vậy cách xử sự của tôi, luôn minh bạch trong trí óc nó, sẽ không bao giờ đáng ngờ đối với nó, và bằng cách tự coi như mình có lỗi lầm, tôi sẽ duy trì được cho mình nhiều uy tín hơn là những ông thầy duy trì bằng cách giấu giếm lỗi lầm của họ.
Trước hết, xin hãy nhớ kỹ rằng hiếm khi chính các vị có bổn phận đề xuất những gì nó phải học; chính nó có bổn phận mong muốn điều đó, tìm kiếm điều đó, thấy ra điều đó; bổn phận của các vị là khiến cho điều đó vừa trình độ của nó, là làm nảy sinh một cách khéo léo mong muốn ấy và cung cấp cho nó những phương tiện để thỏa mãn mong muốn ấy. Do vậy mà những câu hỏi của các vị phải ít thường xuyên, nhưng chọn lọc kỹ; và, do đứa trẻ sẽ hỏi các vị nhiều hơn là các vị hỏi nó, các vị sẽ luôn ít bị sơ hở, và thường được ở vào cái thế hỏi nó: Có ích lợi gì để biết điều mà em hỏi thầy?
Hơn nữa, vì việc nó học điều này hay điều kia không quan trọng mấy, miễn là nó hiểu rõ những điều nó học và hiểu rõ việc sử dụng những điều ấy, nên ngay khi các vị không có một lời giải thích hữu ích cho nó về điều mà các vị nói với nó, thì đừng giải thích gì hết. Hãy bảo nó mà đừng áy náy: Thầy không có câu trả lời đúng để nói với em; thầy sai rồi, thôi ta hãy bỏ chuyện ấy lại. Nếu điều các vị giáo huấn thực sự không thích hợp, thì bỏ hẳn điều ấy đi cũng chẳng hại gì; nếu nó thích hợp, thì lưu tâm một chút, chẳng mấy chốc các vị sẽ tìm được dịp cho đứa trẻ thấy rõ tính hữu ích của điều ấy.
Tôi không hề ưa những lời giải thích dài dòng; thanh niên ít chú ý đến những lời đó và chẳng ghi nhớ là mấy. Sự vật! Sự vật! Tôi sẽ chẳng bao giờ nhắc lại đủ rằng chúng ta cho lời lẽ quá nhiều quyền lực; với lối giáo dục lắm lời của chúng ta thì chúng ta chỉ tạo nên những kẻ lắm lời mà thôi.
Ta hãy giả định rằng, trong khi tôi đang nghiên cứu cùng với học trò mình về sự vận hành của Mặt trời và về cách tìm phương hướng, thì đột nhiên nó ngắt lời tôi để hỏi tôi rằng tất cả những điều ấy dùng để làm gì. Tôi sẽ nói với nó những lời lẽ hay ho biết mấy! Tôi nắm lấy cơ hội để giáo huấn nó biết bao điều trong khi trả lời câu hỏi của nó, nhất là nếu cuộc đàm thoại của chúng tôi có người chứng kiến[131]. Tôi sẽ nói với nó về tính hữu ích của các cuộc du hành, về các lợi ích trong giao dịch, về các sản phẩm đặc biệt của một khí hậu, về phong tục của các dân tộc khác nhau, về cách sử dụng lịch, về sự tính toán các biến thiên thời tiết đối với nghề nông, về nghệ thuật hàng hải, về cách thức thực hiện hành trình trên biển và theo đúng hải đạo của mình mà không biết hiện mình đang ở đâu. Chính trị, vạn vật học, thiên văn học, cả đạo đức học và quốc tế công pháp sẽ đi vào sự giải thích của tôi, để học trò tôi có một ý niệm lớn lao về tất cả những môn khoa học ấy và một ham muốn lớn lao học các môn đó. Khi nói xong, là tôi đã phô trương mọi điều của một người lên mặt thông thái thực sự, trong những điều ấy học trò tôi chẳng hiểu được một ý tưởng nào. Nó sẽ rất muốn hỏi tôi như trước là việc tìm phương hướng dung để làm gì; nhưng nó không dám, sợ tôi giận. Nó thấy tốt hơn là giả vờ hiểu những gì người ta đã bắt nó nghe. Những sự giáo dục tốt đẹp được thực hiện như vậy đó.
Nhưng Émile của chúng ta, được nuôi dạy theo lối quê mùa hơn và được ta hết sức vất vả tạo cho một quan niệm cứng rắn, sẽ không nghe một điều gì hết trong tất cả những điều ấy. Ngay tiếng đầu tiên mà nó không hiểu, nó sẽ chuồn, nó sẽ đùa giỡn trong phòng và để tôi ba hoa một mình. Chúng ta hãy tìm một giải pháp thô sơ hơn; bộ sậu khoa học của tôi chẳng có giá trị gì đối với nó.
Chúng tôi đang quan sát vị trí của khu rừng ở phía bắc Montmorency, thì nó ngắt lời tôi bằng câu hỏi rầy rà của nó: Cái đó để làm gì? Em nói đúng đấy, tôi bảo nó, phải thư thả nghĩ về điều này và nếu ta thấy việc đó không ích lợi gì, ta sẽ không làm tiếp nữa, vì ta chẳng thiếu gì những trò vui hữu ích. Chúng tôi bàn sang việc khác, và cho đến hết ngày không bàn đến địa lý nữa.
Sáng hôm sau, tôi đề nghị với nó đi dạo một vòng trước bữa ăn trưa; nó chẳng đòi hỏi gì hơn; để chạy nhảy thì trẻ con bao giờ cũng sẵn sàng, mà cậu bé này có đôi chân khỏe. Chúng tôi lên rừng, chúng tôi đi khắp các đồng cỏ, chúng tôi lạc đường, chúng tôi không còn biết mình đang ở đâu; và, khi phải quay về, chúng tôi không sao tìm lại được đường đi của mình nữa. Thì giờ trôi qua, sự nóng nực đến, chúng tôi đói; chúng tôi vội vã, chúng tôi lang thang vô hiệu phía này phía khác, đâu đâu chúng tôi cũng thấy rừng cây, hầm đá, đồng bằng, chẳng có một chỉ dẫn nào để nhận ra phương hướng. Rất nóng bức, rất mệt, rất đói, chạy đi chạy lại chúng tôi chỉ càng lạc đường thêm. Cuối cùng chúng tôi ngồi xuống để nghỉ, để bàn bạc. Émile, mà tôi giả định là được nuôi dạy như một đứa trẻ khác, chẳng bàn bạc gì hết, nó khóc; nó không biết rằng chúng tôi đang ở lối ra Montmorency, rằng chỉ có một khoảng rừng thưa che mất nơi đó thôi; nhưng khoảng rừng thưa ấy là cả một cánh rừng đối với nó, một người vóc dáng như nó bị vùi lấp trong các bụi rậm.
Sau vài khoảnh khắc thinh lặng, tôi bảo nó với vẻ lo lắng: Émile thân mến, ta sẽ làm thế nào để ra khỏi nơi đây?
Émile, mồ hôi đầm đìa, và khóc sướt mướt: Em chẳng biết gì cả đâu. Em mệt; em đói; em không chịu được nữa.
Jean –jacques: Em tưởng tình trạng thầy khá hơn em sao? Và em nghĩ rằng thầy không khóc sao nếu thây có thể dùng bữa trưa bằng nước mắt của mình? Vấn đề không phải là khóc, mà là nhận ra mình đang ở đâu. Ta hãy xem đồng hồ của em nào; mấy giờ rồi?
Émile: Đúng mười hai giờ trưa, và bụng em rỗng không.
Jean –jacques: Đúng thế, mười hai giờ trưa, và bụng thầy rỗng không.
Émile: Ôi! Chắc thầy phải đói lắm!
Jean –jacques: Điều không may là bữa ăn của thầy chẳng đến đây tìm thầy. Mười hai giờ trưa đúng là giờ mà hôm qua ta đã quan sát từ Montmorency vị trí của khu rừng. Nếu ta có thể cũng quan sát như vậy từ khu rừng vị trí của Montmorency!…
Émile: Vâng; nhưng hôm qua ta nhìn thấy khu rừng, còn ở đây ta không nhìn thấy thành phố.
Jean –Jacques: Đấy chính là điều dở… Nếu ta có thể không cần nhìn thấy thành phố mà vẫn tìm được vị trí của nó nhỉ!..
Émile: Ôi thầy ơi!
Jean –Jacques: Ta đã chẳng nói rằng khu rừng ở về…
Émile: Phía bắc của Montmorency.
Jean –Jacques: Do đó Montmorency phải ở về..
Émile: Phía nam của khu rừng.
Jean –Jacques: Ta có một phương kế để tìm ra hướng Bắc vào mười hai giờ trưa không?
Émile: Có ạ, nhờ chiều hướng của bóng.
Jean – Jacques: Nhưng còn hướng nam?
Émile: Phải làm thế nào ạ?
Jean –Jacques: Hướng nam đối lập với hướng Bắc.
Émile: Đúng thế, vậy chỉ cần tìm hướng đối lập với bóng. Hướng nam kia rồi! Hướng nam kia rồi! Chắc chắn Montmorency ở về phía đó.
Jean –Jacques: Có thể là em đúng! Ta hãy đi theo con đường nhỏ này xuyên qua rừng.
Émile, vừa vỗ tay, vừa reo lên mừng rỡ, A! Em nhìn thấy Montmorency rồi! Nó ở kia ngay trước mặt chúng ta, lộ hẳn ra. Ta đi ăn trưa, ta đi ăn trưa nào, chạy nhanh lên: Thiên văn học cũng có ích lợi cho một việc gì chứ.
Xin hãy chú ý rằng, nếu nó không nói ra câu sau cùng này, thì nó sẽ nghĩ câu đó; điều ấy không mấy quan hệ, miễn là không phải tôi nói ra câu ấy. Mà xin hãy tin chắc rằng suốt đời nó sẽ không quên bài học ngày hôm đó, còn như, nếu tôi chỉ giả định tất cả những điều này với nó trong phòng của nó, thì bài diễn giảng của tôi sẽ bị quên đi ngay ngày hôm sau. Cần phải nói bằng hành động nhiều hết mức có thể, và chỉ nói suông điều mình không làm được mà thôi.
Độc giả chẳng chờ đợi tôi khá coi thường độc giả để mỗi loại môn học lại đưa ra một thí dụ: Nhưng, dù bàn vấn đề gì chăng nữa, tôi khuyến khích mấy cũng không thừa ông thầy hãy ước lượng cho đúng thành tích của mình qua năng lực của học trò; vì, một lần nữa, cái hại không ở những gì nó không hiểu, mà ở những gì nó tưởng là hiểu.
Tôi nhớ lại rằng, do muốn khiến cho một đứa trẻ hứng thú với môn hóa, nên sau khi đã chỉ ra cho nó nhiều hiện tượng lắng kim loại, tôi giải thích mực được làm như thế nào. Tôi bảo nó rằng màu đen của mực chỉ do một chất sắt được phân ly rất nhiều, được tách khỏi chất toan, và làm lắng nhờ một thứ nước có tính kiềm. Đang giữa bài giảng uyên bác của tôi, thằng bé phản bội chặn đứng tôi lại bằng câu hỏi mà tôi đã dạy nó: Thế là tôi hết sức lúng túng.
Sau khi mơ màng đôi chút, tôi quyết định; tôi sai đi lấy rượu vang trong hầm rượu của chủ nhân, và một thứ vang khác giá tám xu ở hang rượu. Tôi lấy dung dịch của chất kiềm vào một bình nhỏ; rồi, khi có trước mặt mình hai chiếc cốc đựng hai loại vang khác nhau[132], tôi nói với nó như sau:
Người ta giả mạo rất nhiều thực phẩm để làm chúng có vẻ tốt đẹp hơn sự thật. Những sự giả mạo này đánh lừa thị giác và vị giác; nhưng chúng có hại, và khiến sự vật giả mạo, với bề ngoài tốt đẹp, tồi tệ hơn chính nó khi trước. Đặc biệt người ta giả mạo các đồ uống, và nhất là rượu vang, vì sự lừa bịp khó biết hơn, và đem lại cho kẻ lừa bịp nhiều lời lãi hơn.
Việc giả mạo các loại vang non hoặc chua được làm với diêm toan, là một chế phẩm từ chì. Chì kết hợp với các axít tạo thành một chất diêm rất dịu, cải tạo được cái chua của vang đối với vị giác, nhưng lại là một chất độc với những ai uống nó. Vậy trước khi uống loại vang khả nghi, cần phải biết liệu rượu vang ấy có pha diêm toan hay không. Mà để phát hiện điều đó thầy lập luận như sau.
Rượu vang không chỉ chứa tinh chất dễ cháy, như em đã thấy qua rượu mạnh rút từ vang ra; vang còn chứa axít, như em có thể nhận biết qua dấm và chất cáu cũng rút ra từ vang.
Axít có quan hệ với các chất kim loại, và kết hợp với những chất này nhờ sự dung giải để tạo thành một diêm toan phức hợp, thí dụ như rỉ, nó chỉ là một chất sắt được hòa tan bởi axít chứa trong không khí hay trong nước, và thí dụ như rỉ đồng, nó chỉ là chất đồng hòa tan do dấm.
Nhưng cũng axít này có quan hệ với các chất kiềm nhiều hơn với các chất kim loại, thành thử, do sự can thiệp của các chất kiềm trong những diêm toan phức hợp mà thầy vừa nói với em, axít buộc phải nhả kim loại mà nó kết hợp, để gắn với chất kiềm.
Lúc đó chất kim loại, thoát khỏi axít giữ nó hòa tan, bèn lắng lại và khiến rượu trở nên mờ đục.
Vậy nếu một trong hai loại vang này có pha diêm toan, thì axít của nó giữ diêm toan ở thể hòa tan. Nếu thầy rót vào đó chất nước kiềm, chất này sẽ buộc axít nhả ra để kết hợp với nó; chất chì, không còn bị giữ ở thể hòa tan nữa, lại hiện ra, làm đục rượu, và cuối cùng sẽ lắng ở đáy cốc.
Nếu không hề có chì[133] cũng không có một kim loại nào trong vang, thì chất kiềm sẽ kết hợp êm ả[134]với axít, tất cả sẽ vẫn hòa tan, và không có hiện tượng lắng nào hết.
Sau đó tôi lần lượt rót chất nước kiềm của mình vào hai cốc: Cốc rượu vang của nhà vẫn cứ mờ mờ trong trẻo; cốc kia sau một lát thì vẫn đục, và sau một giờ người ta nhìn thấy rõ chất chì lắng ở đáy cốc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.