Émile Hay Là Về Giáo Dục

QUYỂN BỐN P1



Sao mà đời sống của chúng ta trên Trái đất này qua nhanh đến thế! Một phần tư đầu tiên của đời người đã trôi qua, trước khi người ta biết được cách sử dụng nó. Một phần tư cuối cùng còn đang trôi, sau khi người ta đã ngừng thưởng thức nó. Lúc đầu chúng ta không biết sống, chẳng bao lâu nữa chúng ta lại không thể sống; và trong khoảng giữa phân cách hai đầu vô ích ấy xem như ba phần tư còn lại cho chúng ta được tiêu dùng vào giấc ngủ, vào công ăn việc làm, vào đau khổ bệnh tật, vào sự câu thúc mất tự do, vào những nỗi nhọc nhằn đủ kiểu. Đời sống ngắn ngủi, do cuộc đời kéo dài chừng được bao lâu thì ít mà bởi vì trong thời gian ít ỏi đó chúng ta hầu như chưa kịp thưởng thức cuộc đời thì nhiều. Lúc nhắm mắt xuôi tay mà có xa buổi lọt long đi nữa thì cũng chẳng ích gì, cuộc đời vẫn cứ là quá ngắn ngủi khi khoảng cách thời gian ấy không được sử dụng đủ đầy.

Cũng có thể coi như chúng ta được sinh ra làm hai lần: một lần để tồn tại, một lần để sống, lần này cho giống loài, lần kia cho tình dục. Những ai coi người đàn bà như một người đàn ông không hoàn chỉnh thì rõ ràng là lầm rồi: Nhưng sự giống nhau ở bề ngoài lại ủng hộ họ. Cho đến tuổi cập kè thì trẻ em cả hai giới không có gì phân biệt được chúng từ dáng vẻ bên ngoài: Cũng khuôn mặt ấy, cũng dáng vẻ ấy, cũng nước da ấy, cũng giọng nói ấy, tất cả đều như nhau: Các trẻ em gái là trẻ con, các trẻ em trai là trẻ con, cùng một danh từ đủ để chỉ các sinh thể giống nhau đến thế. Các trẻ nam mà sự phát triển giới tính về sau bị cản trở còn giữ nguyên sự giống nhau ấy suốt đời, họ mãi mãi là những trẻ em to lớn, còn những người nữ do không hề mất đi sự giống nhau ấy nên về nhiều phương diện dường như không bao giờ là cái gì khác.

Nhưng người đàn ông nói chung không phải là sinh ra để ở lại mãi mãi với tuổi thơ. Anh ta ra khỏi đó vào thời gian đã định bởi tất nhiên; và cái thời khắc khủng hoảng này, dù có khá ngắn ngủi, vẫn có những ảnh hưởng lâu dài. Giống như tiếng gầm gào của biển cả đến trước xa cơn bão, cuộc tiến hóa đầy giông tố này báo hiệu bằng lời thì thào của những đam mê đang nảy sinh một sự bốc men âm ỉ báo hiệu sự nguy hiểm đang tới gần. Sự thay đổi tính tình, những kích động xảy ra luôn, tinh thần luôn xáo động làm cho đứa trẻ gần như trở nên khó bảo. Nó bỏ ngoài tai tiếng nói khiến nó vâng lời; đó là một con sư tử đang trong cơn sốt; nó không đếm xỉa gì đến người hướng dẫn mình, nó không muốn bị điều khiển nữa.

Gắn kết vào những dấu hiệu tinh thần của sự biến đổi tính tình này là sự thay đổi dễ nhận thấy trên khuôn mặt. Diện mạo thay đổi đi và lộ rõ tính cách; những sợi mềm và thưa biếc dưới má màu xạm dần và rậm dần. Giọng nói của nó thay đổi hay đúng hơn là nó mất giọng: Nó chẳng ra trẻ con mà cũng chưa ra người lớn, giọng nói của nó chẳng phải giọng trẻ con mà cũng không phải của người lớn. Đôi mắt của nó, những khí quan của tâm hồn ấy chẳng nói ra điều gì cho đến lúc này, lại tìm ra một ngôn ngữ và sự biểu đạt; một ngọn lửa đang nhen nhóm làm cho chúng trở lên linh động, cái nhìn của chúng trở lên sắc sảo hơn, vẫn còn có sự ngây thơ thánh thiên, nhưng còn đâu nữa vẻ dại khờ trước kia, đứa trẻ đang lớn cảm nhận được rằng đôi mắt mình có thể nói lên quá nhiều điều; nó bắt đầu biết nhìn xuống và đỏ mặt, nó trở nên mẫn cảm trước khi nhận rõ mình cảm thấy gì; nó cũng thấy bồn chồn mà không có cớ gì xác đáng. Tất cả những điều này đến từ từ và vẫn còn để cho bạn thời gian: Nhưng nếu tính hoạt bát của nó trở nên quá nóng nảy, sự kích động của nó chuyển thành cuồng nhiệt, nếu nó nổi cáu rồi thỉnh thoảng lại dịu đi, nếu nó khóc vô cớ, nếu ở cạnh các đối tượng có thể là nguy hiểm cho nó mà mạch nó nhanh lên và mắt nó rực lửa, nếu tay một phụ nữ đặt lên tay nó làm nó rùng mình, nếu nó luống cuống hoặc nhút nhát cạnh cô ta, thì Ulysse, ôi Ulysse khôn khéo, hãy coi chừng đó, những cái bao da[160] kia mà người đậy cẩn thận biết bao nay đã bỏ ngỏ; gió đã nổi lên ào ạt, đừng có phút nào rời tay lái nếu không là mất hết.

Đây chính là lần sinh thứ hai mà tôi đã nói đến; chính đây là lúc thật sự ra đời và không có gì thuộc về con người là xa lạ với nó. Từ trước đến nay những thận trọng của chúng ta chỉ là những trò trẻ con; chỉ lúc này chúng mới có tầm quan trọng thực sự. Đây là thời kỳ chấm dứt sự giáo dục thông thường và chính là thời kỳ phải khởi đầu cuộc giáo dục của chúng ta mà để trình bày cho rõ hơn kế hoạch mới này, chúng ta hãy nhắc lại tình trạng của sự việc ứng với thời kỳ này đã nói qua ở trên.

Các đam mê của chúng ta là những phương tiện chính cho cuộc thảo luận này: Nếu như muốn tiêu hủy chúng đi thì thật là một việc vừa uổng công vừa lố bịch; đó là kiềm chế cái tự nhiên, đó là cải tạo tác phẩm của Thượng đế. Nếu Thượng đế có phán bảo con người thủ tiêu các đam mê mà Người đã ban cho thì dù muốn hay không Người cũng đã tự mâu thuẫn với chính mình. Không bao giờ Người lại ban ra một cái lệnh vô lý như vậy, không có cái gì tương tự như thế được ghi trong trái tim con người; và điều mà Thượng đế muốn con người làm, Người không sai bảo một ai khác nói với con người; Người đích thân phán bảo cho anh ta, người khắc ghi vào đáy lòng anh ta.

Mà tôi sẽ coi kẻ nào muốn cản trở sự phát sinh ra các đam mê cũng gần như là điên khùng y như kẻ nào muốn thủ tiêu các đam mê ấy; và tất cả những ai cho rằng dự án của tôi từ trước đến nay từng là như thế thì chắc chắn sẽ hiểu quá sai về tôi.

Nhưng liệu chúng ta có lập luận đúng nếu rút ra từ chỗ coi bản chất của con người là có các đam mê để đi đến kết luận rằng mọi đam mê mà ta cảm nhận được trong mình và ta trông thấy ở những kẻ khác đều là do tự nhiên chăng? Nguồn gốc của chúng là tự nhiên thì đúng rồi; nhưng hàng ngàn luồng lạch ngoại lai đã làm cho chúng lớn lên; đó là một con sông lớn không ngừng lớn thêm lên và trong dòng sông đó ta sẽ phải khó khăn lắm mới tìm lại được một vài giọt nước lúc đầu của nó. Những đam mê tự nhiên của chúng ta là rất hạn hẹp; chúng là những phương tiện của tự do của chúng ta, chúng có khuynh hướng bảo tồn cho chúng ta. Tất cả những đam mê nào mà bắt ta phải khuất phục nó và hủy diệt ta đều đến từ bên ngoài; tự nhiên không ban chúng cho ta, chúng ta chỉ chiếm hữu chúng để làm hại cho tự nhiên mà thôi.

Nguồn gốc của những đam mê của chúng ta, xuất xứ và khởi phát của mọi đam mê khác, nguồn gốc duy nhất sinh ra cùng với con người và không bao giờ rời bỏ con người chừng nào nó còn sống: Đó là đam mê nguyên thủy, bẩm sinh, có trước mọi đam mê khác, đó là tình yêu bản thân mình, và theo một nghĩa nào đó thì mọi thứ đam mê khác chỉ là những biến hình của thứ tình yêu ấy mà thôi. Theo nghĩa này, nếu muốn thì cũng có thể coi mọi đam mê đều là tự nhiên cả. Nhưng phần lớn các biến hình ấy đều có nguyên nhân ngoại lai mà thiếu các nguyên nhân này thì các đam mê ấy chẳng bao giờ xảy ra; và chính các biến hình ấy không hề đem lại sự tốt lành cho ta mà chỉ có hại cho ta; chúng làm thay đổi cái đối tượng đầu tiên và đối lập với cái nguyên khởi của chúng: Vì thế mà con người lúc đó hóa ra là đứng ngoài tự nhiên và trở nên tự mình mâu thuẫn với chính mình.

Tình yêu bản thân thì bao giờ cũng tốt lành, bao giờ cũng phù hợp với trật tự Ai cũng, được đặc biệt giao trách nhiệm bảo toàn bản thân mình, điều đầu tiên và quan trọng nhất trong các mối quan tâm của con người là không ngừng chăm sóc sự bảo toàn ấy và làm sao mà chăm lo như vậy nếu không quan tâm nhất đến điều ấy?

Vậy cho nên chúng ta phải tự yêu bản thân mình để bảo tồn lấy chúng ta, chúng ta phải yêu chúng ta hơn là yêu tất cả mọi thứ khác; và theo một hệ quả trực tiếp từ chính tình cảm này, chúng ta yêu cái gì bảo vệ ta. Đứa trẻ nào cũng quấn quýt với vú nuôi của chúng: Romulus[161] phải gắn bó với con sói mẹ đã cho bú sữa. Thoạt đầu sự quyến luyến này là thuần túy máy móc. Cái gì tạo thuận lợi cho sự an lạc của một cá nhân thì sẽ lôi cuốn nó; cái gì có hại đến nó thì nó sẽ tránh xa: Đó chỉ là một bản năng mù quáng. Cái mà biến bản năng này thành tình cảm, sự gắn bó quấn quýt thành tình yêu, sự ghét bỏ thành ác cảm, đó là ý đồ biểu lộ ra cho thấy nó làm hại ta hay có ích cho ta. Người ta chẳng có đam mê gì với những sinh thể vô cảm chỉ tuân theo xung động mà người ta đặt vào nó; nhưng những gì mà ta chờ mong là tốt hay xấu do khuynh hướng nội tại của chúng, do ý chí của chúng, những gì mà ta thấy rõ là hành động thuận theo hay chống lại một cách tự do, làm phát sinh ở chúng ta những tình cảm hệt như những gì chúng bày tỏ với ta. Điều gì giúp ta, ta tìm đến, nhưng điều gì muốn phục vụ ta thì ta yêu nó. Điều gì có hại cho ta, ta tránh xa; nhưng điều gì muốn làm hại ta, ta ghét nó.

Tình cảm đầu tiên của một đứa trẻ là tự yêu chính nó; và tình cảm thứ nhì dẫn xuất từ tình cảm thứ nhất, là yêu những người gần gũi nó; vì rằng, trong tình trạng yếu đuối của nó lúc đó, nó chỉ biết người nào qua sự hỗ trợ và săn sóc mà nó nhận được thôi. Lúc chịu sự quyến luyến của nó với chị vú nuôi và cô giáo chỉ là thói quen. Nó tìm kiếm họ vì nó cần đến họ, và vì nó cảm thấy dễ chịu khi có họ; cái đó là nhận thức hơn là thiện ý. Phải cần đến rất nhiều thời gian về sau nó mới hiểu được rằng chẳng những họ có ích cho nó, mà chính họ muốn như thế và lúc bấy giờ nó mới bắt đầu yêu họ.

Như vậy, một đứa trẻ tự nhiên thiên về thiện ý bởi vì nó thấy rằng những ai gần gũi với nó đều nhằm để hỗ trợ cho nó. Và từ nhận xét ấy nó quen có một thiện cảm với đồng loại của nó nhưng tùy theo chừng mục mở rộng các mối giao tiếp, các nhu cầu, các sự phụ thuộc chủ động hay bị động của nó thì ý thức về các mối quan hệ giữa nó và người khác xuất hiện và tạo ra ý thức về bổn phận và sự ưa chuộng. Lúc bấy giờ đứa trẻ trở nên hống hách, ganh tị, lừa gạt, thù hằn. Nếu người ta bắt nó phải vâng lời, thì, vì không thấy có ích lợi gì trong việc mà người ta sai nó làm, nó cho rằng việc ấy là do tính khí bất thường, do ý định muốn hành hạ nó và nó tỏ ra bướng bỉnh. Nếu người ta vâng chiều theo ý của chính nó, thì ngay khi có chuyện gì cưỡng lại ý nó, nó lập tức coi đó là chống đối, có ý định chống cự lại nó; nó đập bàn đập ghế vì đã không vâng theo. Lòng ái kỷ, chỉ chú trọng đến mình thôi, được mãn nguyện khi các nhu cầu thực sự của mình được thỏa mãn, nhưng lòng tự ái, mà cứ so sánh cho bằng được, thì không bao giờ thỏa mãn và không thể thỏa lòng được, vì tình cảm này trong khi khiến ta yêu chuộng mình hơn người khác, lại cứ đòi hỏi kẻ khác phải yêu chuộng ta hơn chính họ; điều đó là không thể nào có được. Đấy là sự giải thích tại sao các dục vọng dịu dàng và trìu mến thì phát sinh từ lòng ái kỷ còn các dục vọng thù ghét và cáu kỉnh lại phát sinh từ long tự ái. Như vậy, cái làm cho con người căn bản là thiện tâm, là do có ít nhu cầu, và chẳng mấy khi muốn so sánh với kẻ khác; cái làm cho con người căn bản là độc ác là do có quá nhiều nhu cầu và chú trọng quá nhiều đến dư luận. Trên nguyên tắc này ta rất dễ thấy rằng có thể làm thế nào đề điều khiển được mọi dục vọng của trẻ con và người lớn hướng về thiện hay hướng về ác. Đã đành rằng con người ta không thể nào sống đơn độc, thật là khó khăn khi luôn luôn muốn giữ được tính thiện: Chính khó khăn này lại càng tăng thêm một cách tất yếu cùng với các mối giao tiếp của con người, và chính vì điều này nhiều nhất mà các nguy cơ trong xã hội làm cho tài nghệ và sự thận trọng càng cần thiết cho chúng ta hơn để ngăn ngừa trong lòng người những hư hỏng phát sinh từ gcác nhu cầu mới của con người.

Sự nghiên cứu thích hợp với con người là nghiên cứu các mối quan hệ của nó. Chừng nào mà con người chỉ nhận biết được mình qua hữu thể vật chất của mình thì nó phải tự tìm hiểu qua các mối quan hệ của nó với các đồ vật: Đó là cách dùng trong tuổi thơ ấu; khi nó bắt đầu cảm nhận được hữu thể tinh thần của mình, nó phải tự tìm hiểu về mình qua quan hệ của nó với người khác: Đó là việc làm trong suốt cả đời người, khởi phát từ điểm mà chúng ta đã đạt tới ở đây. Con người vừa mới cần đến một người bạn khác giới, thì nó không còn là một sinh thể cô lập nữa, tấm lòng nó không còn đơn lẻ nữa. Mọi quan hệ của nó với giống loài, mọi xúc cảm của tâm hồn nó nảy sinh cùng với mối quan hệ này. Dục vọng đầu tiên của nó làm lên men các dục vọng khác.

Khuynh hướng của bản năng còn chưa được xác định. Giới tính này bị lôi cuốn về giới tính khác: Đấy là sự vận động của tự nhiên. Sự lựa chọn, sự ưa thích, sự quyến luyến cá nhân là tạo phẩm của sự hiểu biết, của các định kiến, của thời gian: Cần phải có thời gian và có các kiến thức mới làm cho chúng ta đủ khả năng để có được tình yêu: Người ta chỉ yêu sau khi đã xét đoán, người ta chỉ ưa thích sau khi đã so sánh. Những xét đoán này cứ xảy ra mà ta không thấy rõ, nhưng không vì thế mà chúng kém phần thiết thực. Tình yêu chân chính, dù ai có nói gì đi nữa, bao giờ cũng được con người ca ngợi: Bởi vì dù cho các khích động của nó có mê hoặc chúng ta, dù cho tình yêu mà tim ta đã cảm nhận được có không loại bỏ được ở trái tim ấy những tính chất khả ố, và thậm chí tình yêu làm phát sinh tính chất khả ố đi nữa thì bao giờ tình yêu cũng vẫn cứ mang những phẩm chất đáng quý mà thiếu chúng thì người ta không có khả năng cảm nhận được là yêu. Sự lựa chọn này mà ta đem đối lập với lý trí là xuất phát từ lý trí. Người ta đã tạo nên tình yêu mù quáng vì chính tình yêu có những con mắt sáng hơn chúng ta và tình yêu thấy rõ các mối liên hệ mà chúng ta không sao nhận ra được. Với những ai chẳng có chút ý niệm gì về tài và sắc thì mọi người đàn bà sẽ là tốt ngang nhau, và người đàn bà nào đến đầu tiên sẽ là người đáng yêu nhất. Tình yêu không những không xuất phát từ tự nhiên mà nó còn là cái quy chuẩn và cái chốt hãm cho những khuynh hướng của tự nhiên: Chính do tình yêu mà trừ đối tượng được yêu ra thì giới này chúng là gì đối với giới kia.

Sự ưa thích mà người ta chấp thuận, người ta cũng muốn mình được như vậy, tình yêu phải là quan hệ tương giao. Dễ được yêu, phải làm cho mình trở nên đáng yêu; để được ưa thích hơn, phải làm cho mình đáng yêu hơn người khác, đáng yêu hơn tất cả những người khác, ít ra là trước mắt đối tượng được yêu. Từ đó có những cái nhìn đầu tiên đến những ai cũng yêu như mình, từ đó có những so sánh đầu tiên với họ, từ đó mà có đua tranh, đối đầu, ghen tuông. Một trái tim ngập tràn tình cảm thì ưa thổ lộ: Từ nhu cầu có một cô người yêu nảy ngay ra nhu cầu có một anh bạn. Ai mà cảm nhận được rằng được yêu là dịu ngọt đến thế nào sẽ muốn được mọi người đều yêu, và không phải ai cũng muốn ưa thích, vì thế mà có nhiều người bất mãn. Cùng với tình yêu và tình bạn phát sinh ra những mối bất hòa, oán trách, ghét bỏ. Ở giữa bấy nhiêu dục vọng khác nhau, tôi thấy dư luận chiếm được ngôi cao không gì lay chuyển nối, và những kẻ ngu ngốc phục tùng đế chế này chỉ còn biết sống trên nền tảng của những xét đoán của người khác.

Các vị hãy mở rộng những ý tưởng này, và các vị sẽ thấy do đâu lòng tự ái của chúng ta lại có cái dạng mà chúng ta tưởng là thuộc về tự nhiên; và tại sao lòng ái kỷ, vì không còn là một tình cảm tuyệt đối, trở nên kiêu ngạo ở những người hùng tâm, khoe khoang ở kẻ nhỏ nhen và trong tất cả mọi người, nó không ngừng tự nuôi dưỡng nhờ phương hại đến đồng loại của mình. Các loại dục vọng này vì không hề có mầm mống trong lòng trẻ con nên không thể tự nó sinh ra trong đó; chính là tự chúng ta mang đến và bao giờ cũng chỉ bám rễ được vào đó nhờ lỗi lầm của chúng ta; nhưng sự việc lại không như vậy trong lòng người thanh niên: dù chúng ta có thể làm gì đi nữa thì các dục vọng cứ nảy sinh ở đó dẫu ta không muốn. Vậy thì đã đến lúc thay đổi phương pháp.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng một số suy tưởng quan trọng về bước ngoặt đang được đề cập đến ở đây. Sự chuyển biến từ tuổi thơ sang tuổi dậy thì không phải do tự nhiên quyết định đến mức không thay đổi ở các cá nhân tùy theo tố chất và ở các dân tộc tùy theo khí hậu. Ai cũng biết những dị biệt về điều này đã được quan sát giữa xứ nóng và xứ lạnh và ai cũng đều thấy rằng những khí chất mãnh liệt được hình thành sớm hơn những khí chất khác: Nhưng người ta có thể nhầm lẫn về các nguyên nhân và thường là gán cho thể chất cái mà đáng ra phải quy về tinh thần; đó chính là một trong những lạm dụng hay gặp nhất của triết học ở thế kỷ chúng ta. Các bài học của tự nhiên đến muộn và từ từ còn của con người luôn luôn quá sớm. Trong trường hợp đầu tiên, các giác quan khêu gợi sự tưởng tượng; trong trường hợp thứ hai thì sự tưởng tượng thức tỉnh các giác quan, nó làm cho các giác quan hoạt động quá sớm không sao tránh khỏi làm suy yếu, gây bực bội cho cá nhân trước tiên rồi về lâu dài là cho cả giống nòi. Một nhận xét khái quát hơn và chắc chắn hơn nhận xét về ảnh hưởng của khí hậu là tuổi dậy thì và sức mạnh tình dục bao giờ cũng đến gấp gáp hơn ở những người có học và văn minh so với những dân tộc vô học và hoang dã[162]. Những đứa trẻ có sự minh mẫn riêng để phát hiện được chân giả qua mọi trò hề của sự đoan trang đứng đắn dùng che đậy các phong tục xấu. Thứ ngôn ngữ cao nhã mà người ta nói với chúng, những bài học về lòng trung thực mà người ta dạy chúng, tấm màn huyền bí mà người ta làm ra vẻ giăng ra trước mắt chúng là chừng ấy vật kích thích tính hiếu kỳ của chúng. Theo cái cung cách ấy thì rõ ràng cái mà người ta giả bộ giấu chúng lại chỉ để mà dạy cho chúng và chính là cái đem lợi ích lại cho chúng nhiều nhất trong số các bài học mà họ dạy cho chúng.

Các vị hãy tham khảo kinh nghiệm thì các vị sẽ hiểu cái phương pháp cuồng điên vô lý này đẩy nhanh công việc của tự nhiên và làm hỏng khí chất đến mức nào. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính làm suy thoái nòi giống những người sống ở các thành phố. Thanh niên, suy kiệt quá sớm, nên tầm vóc nhỏ bé, yếu ớt, xấu đi, già đi và thay vì lớn lên, giống như cây nho mà người ta cho ra quả mùa xuân thì rạc đi và chết vào mùa thu.

Phải từng chung sống với các dân tộc hoang sơ và giản dị mới biết được rằng sự dốt nát đầy hạnh phúc có thể kéo dài sự trong trắng của trẻ con đến độ tuổi nào. Đó là một cảnh tượng vừa xúc động vừa tức cười khi ở đó phó mình cho sự bảo đảm của trái tim mình, thanh niên cả hai giới cứ tiếp tục hoài các trò chơi còn trẻ ngây thơ khi sắc đẹp và độ tuổi đương đến thì và bộc lộ sự tinh khiết của các thú vui của chính họ qua tình thân với nhau. Rồi lớp trẻ đáng yêu ấy cũng đến lúc lấy nhau, đôi vợ chồng trao cho nhau trái chín đầu mùa của con người mình, người này lại càng quý giá hơn với người kia; rồi đông con, lành mạnh và khỏe khoắn, chúng trở thành bảo chứng cho một mối liên kết không hề phai lạt và là thành quả của sự ngoan hiền của những năm đầu đời của họ.

Nếu con người đến tuổi có ý thức về giới tính của mình mà tuổi này có chênh lệch do tác dụng giáo đục cũng như do tác động của tự nhiên, thì theo đó người ta có thể đẩy nhanh hay làm chậm tuổi ấy theo cung cách mà người ta sẽ giáo dục trẻ con; và nếu cơ thể có được thêm hoặc mất đi sự ổn định tùy theo mức độ mà người ta làm chậm hay đẩy nhanh tiến trình này thì cũng theo đó mà thấy rằng người ta càng tác động để làm chậm tiến trình này, thì người thanh niên lại càng có thêm khí lực và cường tráng. Tôi vẫn chỉ nói về các tác dụng thuần túy thể chất: Ta sẽ thấy ngay rằng chúng không giới hạn ở đó.

Từ những suy tưởng này, tôi rút ra lời giải cho câu hỏi luôn luôn làm ta phải lo lắng đến thế, đó là liệu có thích hợp chăng nếu ta sớm làm rõ cho bọn trẻ biết về các đối tượng tò mò của chúng, hay đem tráo vào đó những sai biệt vừa phải thì sẽ tốt hơn cho chúng. Tôi nghĩ rằng, chẳng nên làm cả cách nọ lẫn cách kia. Thứ nhất là sự tò mò này nếu ta không gợi ra thì chẳng hề đến với chúng. Vậy thì phải làm sao để chúng không có nó. Thứ hai là những câu hỏi mà ta không bắt buộc phải giải đáp không hề đòi hỏi ta phải đánh lừa kẻ đã nêu ra chúng. Buộc kẻ đó im đi tốt hơn là trả lời dối trá. Đứa trẻ sẽ ít ngạc nhiên vì cái luật này, nếu như ta từng chú trọng cho nó phục tùng luật ấy trong những chuyện không can hệ. Cuối cùng là nếu người ta phải chọn việc giải đáp thì phải giải đáp sao cho đơn giản nhất không có gì là huyền bí, không lung túng, không cười mím. Thật ít nguy hiểm hơn rất nhiều khi thỏa mãn tính tò mò của đứa trẻ so với khơi gợi cho nó sự tò mò ấy.

Sao cho các lời giải đáp của các vị phải luôn luôn nghiêm chỉnh, ngắn gọn, dứt khoát, không bao giờ được lộ vẻ ngập ngừng. Tôi cũng không cần phải nói thêm rằng các lời giải đáp này phải đúng sự thực. Ta không thể dạy cho con trẻ sự nguy hiểm khi nói dối người lớn mà không cảm thấy rằng về phía người lớn, sự nguy hiểm càng lớn hơn khi nói dối trẻ con. Chỉ một lần nói dối mà bị lộ tẩy sẽ làm hỏng vĩnh viễn mọi thành quả giáo dục.

Sự không biết hoàn toàn về một vài lĩnh vực có khi lại là điều phù hợp nhất với trẻ con: Nhưng hãy cho chúng sớm biết điều mà không thể che giấu mãi được. Cần phải, hoặc là đừng có làm bất cứ cách nào làm để thức tỉnh long hiếu kỳ của chúng, hoặc là thỏa mãn tính hiếu kỳ ấy trước cái tuổi mà tính hiếu kỳ trở nên nguy hại. Về điều này, cách hành xử của các vị với học trò của mình phụ thuộc rất nhiều vào tình cảnh riêng của từng đứa, vào xã hội xung quanh nó, vào các hoàn cảnh mà ta dự kiến là nó sẽ lâm vào v.v… Ở đây bắt buộc phải đừng để điều gì xảy ra bất ngờ, và nếu các vị không chắc là đã làm cho chúng không biết phân biệt về giới tính cho đến mười sáu tuổi thì các vị hãy chú trọng để nó biết sự phân biệt này trước mười tuổi.

Tôi không thích người ta giả bộ nói với trẻ con bằng một ngôn ngữ quá cao nhã, cũng chẳng thích người ta quanh co dài dòng, mà trẻ nhận ra sự quanh co ấy, để tránh gọi ra tên thật của sự vật. Những thuần phong mỹ tục về các lĩnh vực này bao giờ cũng rất giản dị; nhưng những tưởng tượng bị vấy bẩn bởi các thói xấu làm cho cái tai trở nên tinh tế và buộc phải sàng lọc không ngừng các cách diễn đạt. Những từ thô tục thật chẳng can hệ gì, mà cái chính là cần phải tránh những ý tưởng dâm đãng.

Cho dù sự xấu hổ là tự nhiên đối với loài người, thì con trẻ lại chẳng hề xấu hổ một cách rất tự nhiên. Sự xấu hổ chỉ phát sinh cùng với việc biết cái xấu: Và con trẻ không có và không phải biết đến điều này thì làm sao có cái cảm giác nó là hiệu quả của điều đó? Dạy cho chúng sự xấu hổ và sự lương thiện tức là dạy cho chúng rằng có những việc đáng xấu hổ và không lương thiện, chính là tạo ra cho chúng sự ham muốn thầm lặng hiểu biết các việc ấy. Sớm muộn gì chúng cũng biết rõ và tia sáng đầu tiên tác động vào óc tưởng tượng chắc chắn là đẩy nhanh sự bùng cháy ở các giác quan. Ai đó mà đỏ mặt hẳn là có lỗi; sự trong trắng thật sự thì chẳng có gì phải xấu hổ.

Con trẻ không có những ham muốn giống như người lớn; nhưng cũng như người lớn, có thể bị sự ô uế làm tổn thương các giác quan, chúng có thể từ riêng sự kiềm chế ấy mà nhận được bài học về sự đoan trang. Các vị hãy theo tinh thần của tự nhiên, vì tự nhiên đặt các cơ quan của những khoái cảm thầm kín và những cơ quan của các nhu cầu đáng tởm vào cùng những chỗ như nhau nên tự nhiên gợi cho ta cùng những sự chăm sóc giống nhau cho những lứa tuổi khác nhau, khi thì theo một ý tưởng này, khi lại theo một ý tưởng khác; với người lớn là sự điều độ với trẻ con là sự trong trắng.

Tôi chỉ thấy có một cách tốt để bảo tồn tính trong trắng cho trẻ con là tất cả những ai quanh nó đều tôn trọng và yêu nó. Thiếu cái đó thì mọi sự gìn giữ mà người ta đem ra sử dụng với chúng đều sớm muộn bị bại lộ; một nụ cười, một cái nháy mắt, một cử chỉ buột ra cũng làm cho chúng biết tất cả những gì mà người ta muốn tìm cách không nói với chúng; thấy ta muốn giấu chúng cái gì là đủ để chúng biết được cái đó. Sự tế nhị của những dáng vẻ bề ngoài và của các cách diễn đạt mà những người có lễ độ đối xử với nhau tưởng chừng như là những kiến thức mà trẻ con không có được lại hóa ra không hợp với chúng; nhưng khi mà người ta thực sự tôn trọng sự giản dị của chúng, người ta dễ dàng nói được với chúng rất giản dị bằng các từ phù hợp. Có một cái gì đó chân chất, hơi khờ khạo trong ngôn ngữ hợp với sự ngây thơ và làm cho tính ngây thơ trong trắng ưa thích: Đó là cái giọng điệu thực sự chuyển hướng được đứa trẻ khỏi mất trạng thái hiếu kỳ nguy hiểm. Bằng cách nói với nó rất giản dị về mọi chuyện, ta sẽ không để cho chúng phải ngờ vực gì, rằng còn có điều gì đó mà ta chưa nói hết với chúng. Bằng cách gắn kết với các ngôn từ thô tục, những ý tưởng chẳng hay ho, phù hợp với các từ ấy, ta dập tắt được ngọn lửa đầu tiên của sự tưởng tượng: Ta chẳng cấm đoán trẻ nói ra các từ này và có những ý tưởng này; nhưng ta làm cho nó thấy gớm guốc khi nhắc lại chúng mà nó không nghĩ rằng ta có chủ ý như vậy. Và cái tự do chất phác này giúp được cho những kẻ vốn sẵn có nó trong lòng thoát được bao sự lúng túng, họ luôn luôn nói ra điều phải nói và bao giờ cũng nói điều ấy đúng y như họ đã cảm nhận chúng!

Đứa trẻ thành hình như thế nào? Câu hỏi rắc rối này đặt ra khá tự nhiên cho con trẻ và câu trả lời không kín kẽ hay là thận trọng đôi khi lại có ảnh hưởng quyết định đến phẩm hạnh và sức khỏe của con trẻ suốt đời chúng. Cái cách gọn nhất mà người mẹ nghĩ ra để tránh câu hỏi này mà không lừa con mình là bắt nó im đi. Điều này sẽ là tốt nếu từ lâu người ta đã rèn cho nó quen im đi với những câu hỏi chẳng quan hệ và nó chẳng hề ngờ việc có điều bí ẩn qua giọng điệu mới mẻ này. Nhưng ít khi bà mẹ dừng lại ở đấy. Bà bảo con rằng đó là bí mật của những người đã thành hôn, những đứa bé không nên tò mò đến vậy. Như thế thật tốt để giải thoát cho bà mẹ: Nhưng bà ta phải biết rằng, thằng bé con bà bị chọc tức bởi thái độ coi thường nó như thế, sẽ không lợi phút nào là không tìm hiểu bí mật của các cặp vợ chồng, và chẳng bao lâu nó sẽ biết được hết.

Xin cho tôi nhắc đến một cách trả lời khác hẳn mà tôi đã được nghe về chính câu hỏi này, và nó lại càng làm cho tôi xúc động nhiều hơn vì đó là cách giải đáp của một bà mẹ có lối nói và cung cách khiêm nhường, nhưng bà ta biết cần phải coi thường sự sợ hãi giả tạo đối với các lời chê bai và những câu chuyện vô bổ của những kẻ thích đùa, nhằm bảo vệ lợi ích của con trai bà và bảo vệ đức hạnh. Không lâu trước đó, thằng bé đi tiểu ra một viên sỏi nhỏ làm rách niệu quản; nhưng rồi cái đau cũng bị lãng quên.

Thằng bé khờ dại nói với mẹ, mẹ ơi những đứa bé thành hình như thế nào? Bà mẹ trả lời ngay không do dự, con ạ, những người đàn bà đi tiểu ra chúng, bị đau đớn lắm có khi còn bị đe doạ đến tính mạng đấy. Dù cho những kẻ điên thì cười nhạo, những kẻ ngu thì bực bội, nhưng những người hiểu biết thì chưa từng thấy có câu trả lời nào chí lý hơn và đạt tới các mục đích của nó tốt hơn thế.

Thoạt tiên ý nghĩa về một nhu cầu tự nhiên khiến đứa trẻ đã biết xoay chuyển hẳn ý nghĩ về một hành vi huyền bí. Những ý nghĩ đi kèm với sự đau đớn và cái chết bao phủ một bức màn buồn bã làm giảm sự tưởng tượng và kiềm chế tính tò mò; tất cả những cái đó đặt đầu óc suy nghĩ về những hậu quả của việc sinh đẻ chứ không nghĩ đến các nguyên nhân của nó. Nhược điểm của bản chất con người, những đối tượng đáng tởm, những hình ảnh đau đớn, đấy là những chứng giải do lời giải đáp này dẫn đến, nếu sự gớm tởm mà lời giải đáp ấy gợi ra cho phép đứa trẻ hỏi tiếp về chúng. Mối băn khoăn của các ham muốn có cơ hội nảy sinh từ chỗ nào trong các cuộc trò chuyện theo hướng này? Và trong khi đó thì các vị thấy rằng sự thật không hề bị xuyên tạc mà người ta cũng chẳng cần gì phải lừa phỉnh học trò của mình thay vì dạy dỗ chúng.

Con em của các vị đọc sách; chúng thu nhận được các kiến thức trong việc đọc sách mà nếu không đọc thì không khi nào chúng có được. Nếu chúng nghiên cứu, sự tưởng tượng bùng lên và được mài sắc trong tĩnh lặng của căn phòng. Nếu chúng sống giữa mọi người, chúng sẽ nghe thấy những tiếng long kỳ quái, chúng thấy những tấm gương làm chúng xúc động: mọi người đã thuyết phục chúng rất kỹ rằng chúng là người lớn thành thử trong tất cả mọi chuyện người ta làm trước mặt chúng, chúng lập tức tìm xem chuyện ấy có thể hợp với chúng như thế nào: Hành động của người khác cần phải làm mẫu cho chúng, vì những xét đoán của người khác là luật đối với chúng. Những người đầy tớ mà người ta bắt phụ thuộc vào chúng, do thế muốn chiều theo ý thích của chúng, nịnh hót chúng làm phương hại đến thuần phong mỹ tục; các bà quản gia hay cười nịnh hót với chúng lúc được bốn tuổi những lời lẽ mà ngay những bà trâng tráo nhất cũng chỉ dám nói lúc chúng lên mười lăm. Thế rồi các bà ấy quên ngay lập tức những gì các bà ấy đã nói ra nhưng bên trẻ thì quên sao được những gì chúng đã nghe thấy. Những cuộc nói chuyện tục tĩu chuẩn bị cho các thói dâm đãng: gã người hầu bợm bãi làm cho đứa trẻ trở nên dâm dật và cứ thế mà cậu chủ và kẻ tòng bộc đảm bảo giữ kín bí mật cho nhau.

Đứa trẻ được nuôi dạy theo độ tuổi thật đơn độc. Nó chỉ biết đến những sự quyến luyến theo tập quán; nó yêu chị mình như yêu cái đồng hồ của mình, và yêu bạn như yêu con chó. Nó chẳng cảm thấy mình thuộc một giới tính nào, một loài người nào: Đàn ông và đàn bà đối với nó đều xa lạ như nhau, những điều hết làm và những gì hề nói chẳng hề quan hệ gì đến nó: Nó không nhìn thấy và cũng chẳng nghe thấy điều đó, hoặc là không hề để ý gì đến chuyện ấy những lời nói của họ cũng chẳng gây được cho nó chú ý hơn là những gương họ nêu: mà chuyện ấy không phải là dành cho nó. Đây không phải là một sai lầm giảo quyệt mà người ta gây ra cho nó bằng phương pháp này, mà chính là sự không biết đến cái tự nhiên. Sẽ đến lúc chính cái tự nhiên quan tâm mach bảo cho người học trò của nó; và chỉ tới lúc ấy cái tự nhiên mới tạo cho nó khả năng tận dụng bài học tự nhiên dạy cho nó mà không bị nguy hiểm. Đó là nguyên tắc: Còn chi tiết về các quy tắc thì không thuộc chủ đề của tôi; và những phương tiện mà tôi đề xuất về các đối tượng khác còn được dùng làm ví dụ cho nguyên tắc này.

Các vị có muốn sắp đặt trật tự và quy củ vào các ham muốn đang phát sinh, thì các vị hãy mở rộng khoảng phạm mà theo đó các ham muốn ấy phát triển để cho chúng có thời gian tự sắp xếp theo chừng mực chúng phát sinh ra. Lúc đó, không phải con người sắp đặt cho chúng mà chính là tự nhiên làm lấy việc đó; sự thận trọng của các vị chỉ là để cho tự nhiên thu xếp lấy công việc của mình. Nếu học trò của các vị sống một mình, các vị sẽ chẳng có việc gì phải làm; nhưng mọi thứ xung quanh đứa trẻ thắp lên ngọn lửa của trí tưởng tượng của nó. Dòng thác các thành kiến lôi kéo nó: muốn giữ nó lại, thì phải đẩy nó theo hướng ngược lại. Phải làm sao cho tình cảm kiềm chế được sức tưởng tượng và sao cho lý trí dập tắt được dư luận của mọi người. Nguồn gốc của mọi đam mê là tính nhạy cảm, trí tưởng tượng xác định khuynh hướng của chúng. Tất cả các hữu thể nào cảm nhận được các mối quan hệ của mình đều phải chịu tác động khi các mối quan hệ ấy biến chất và nó tưởng tượng ra hoặc ngỡ là tưởng tượng ra những quan hệ phù hợp hơn với bản chất của nó. Đó là những sai lầm của sự tưởng tượng biến các đam mê của mọi sinh thể thiển cận, ngay cả của các thiên thần nữa thành những thói xấu, nếu như thiên thần có đam mê; bởi vì họ cần phải biết bản chất của mọi hữu thể để biết được những mối quan hệ nào là thích hợp nhất với bản chất của họ.

Đây là khái lược về toàn bộ sự hiền minh của con người trong việc sử dụng các đam mê: Lo cảm nhận những quan hệ thực sự của con người cả trong từng loại người lẫn trong từng cá nhân; 20 xếp đặt các mối quyến luyến của tâm hồn theo các mối quan hệ ấy. Nhưng liệu con người có chủ động hoàn toàn trong việc sắp xếp các mối quyến luyến của mình theo các quan hệ này hay quan hệ nọ không? Chắc hẳn là có, nếu nó làm chủ được sự điều khiển trí tưởng tượng của mình về đối tượng này hay đối tượng kia, hoặc chủ động định ra cho trí tưởng tượng thói quen này khác. Vả chăng ở đây đề cập đến việc con người có thể hành xử theo chính mình ít hơn là nói về việc chúng ta có thể làm gì cho học trò của mình bằng các lựa chọn những hoàn cảnh để đặt nó vào. Trình bày các phương sách thích đáng để gìn giữ trong trật tự của tự nhiên chính là đủ để nói rằng có thể vượt ra khỏi đó như thế nào.

Chừng nào mà sự nhạy cảm của con người còn hạn chế trong cá thể của mình, thì chẳng làm gì có đạo đức trong các hành động của mình; chỉ có khi nào sự nhạy cảm ấy bắt đầu mở rộng ra bên ngoài nó thì thoạt tiên là nó có những tình cảm, tiếp đó là các khái niệm về cái thiện và cái ác, cái đó mới thực sự tạo dựng nó thành con người và bộ phận hợp thành loài người. Vậy chính là trước hết phải tập trung các nhận xét của chúng ta vào điểm đầu tiên này.

Thật là khó đưa ra các nhận xét này bởi phải vứt bỏ những tấm gương mà ta quan sát thấy dưới mắt mình và tìm ra những tấm gương nào có sự phát triển liên tiếp diễn ra theo đúng trật tự của tự nhiên.

Một đứa trẻ đã được rèn luyện, lễ phép, văn minh, chỉ đợi đến lúc có năng lực thực thi các điều giáo huấn sớm đón đầu mà nó đã tiếp nhận được thì không bao giờ nhầm lẫn về thời điểm mà năng lực ấy xuất hiện. Thay vì chờ đợi thời điểm ấy, nó thúc đẩy nhanh thêm, nó tạo ra cho dòng máu nó sớm bốc men, nó biết cái gì là đối tượng của các ham muốn của mình, thậm chí từ rất lâu trước khi nó trải nghiệm chúng. Đó không phải là cái tự nhiên kích thích nó, mà lại là nó ép buộc cái tự nhiên: Tự nhiên không còn dạy nó được gì nữa hết trong khi biến nó thành người lớn; nó đã thành người lớn từ lâu trong tư tưởng trước khi trở thành người lớn thật sự.

Bước tiến thực sự của tự nhiên thì có chừng mực hơn và chậm rãi hơn. Dần dần dòng máu bùng cháy, trí tuệ được tạo dựng, khí chất được hình thành. Người thợ khéo điều khiển sự chế tạo phải cẩn thận hoàn thiện mọi công cụ trước khi dùng nó: Có sự lo âu lâu dài đi trước những ham muốn đầu tiên, một sự không biết lâu dài lừa phỉnh các ham muốn, người ta ham muốn mà chẳng biết ham muốn cái gì. Dòng máu lên men và linh động; một sự quá phong phú của sự sống tìm cách trải rộng ra bên ngoài. Con mắt linh hoạt lên và lướt qua các sinh thể khác, chúng ta bắt đầu quan tâm để ý đến những ai đang ở quanh ta, chúng ta sinh ra chẳng phải để sống đơn độc một mình: Trái tim mở ra cho những sự trìu mến của con người như vậy đó và trở nên có khả năng quyến luyến.

Tình cảm đầu tiên mà mà người thanh niên được nuôi dạy cẩn thận có thể có được là tình bạn chứ không phải tình yêu. Hành vi đầu tiên của sự tưởng tượng mới nảy sinh dạy cho chàng thanh niên rằng nó có những người đồng loại, và giống loài tác động vào nó trước tình dục. Vậy đấy là một lợi thế khác của sự ngây thơ được kéo dài: Chính là để tận dụng tính mẫn cảm đang được phát sinh ra để gieo vào lòng người vị thành niên những hạt giống đầu tiên của tình nhân loại; lợi thế này càng quý báu hơn ở chỗ đó là thời điểm duy nhất trong đời mà những chăm sóc cùng loại như thế có thể có được một thành tựu thật sự.

Tôi luôn luôn được chứng kiến các chàng trai sớm hư hỏng và hiến mình cho đàn bà và sự dâm đãng thường là bất nhân và độc ác; tính hung hăng của khí chất làm cho chúng thành bồn chồn nóng nảy, hay thù hận, cuồng bạo, trí tưởng tượng của chúng chỉ có mỗi một đối tượng và khước từ mọi thứ còn lại: Chúng không biết đến cả lòng xót thương lẫn lòng khoan dung: Chúng sẽ hy sinh cha, mẹ và tất thảy vũ trụ vì một cái nhỏ nhất trong các thú vui của chúng. Trái lại, một thanh niên được nuôi dưỡng trong sự giản dị tốt lành những vận động đầu tiên của tự nhiên đem anh ta hướng về những đam mê dịu hiền và trìu mến: Con tim đồng cảm của anh ta rung động về những khó nhọc của đồng loại, anh ta rùng mình vì hoan hỉ khi gặp lại bạn mình, đôi tay anh ta biết tìm ra cái ôm ấp vuốt ve bạn, đôi mắt anh biết nhỏ ra giọt nước mắt của sự mủi lòng; anh ta nhạy cảm với nỗi xấu hổ vì làm phật lòng người khác và với sự hối tiếc vì đã xúc phạm ai đó. Nếu bầu nhiệt huyết bốc lửa làm cho anh ta trở nên nóng tính, bị kịch động, phẫn nộ, thì sau đó một lúc anh ta lại thấy cả tấm lòng tốt của anh ta trong sự hối hận tràn trề; anh ta khóc lóc, rên rỉ trên vết thương mà mình gây nên; anh ta muốn đền bù cho người đã bị chảy máu bằng chính dòng máu của mình; mà sự kích động của anh ta tắt hẳn, tất cả niềm tự hào của anh ta nhún nhường trước ý thức về lầm lỗi của mình. Nếu như bản thân anh ta bị xúc phạm: Lúc sự phẫn nộ của anh ta lên đến cực điểm, một lời xin lỗi, một từ đủ để giải tỏa nó; anh ta tha thứ cho sự lầm lẫn của người khác cũng sẵn lòng như khi sửa chữa lỗi lầm của chính mình. Tuổi vị thành niên không phải là lứa tuổi của sự trả thù cũng như sự căm ghét: Đó là lứa tuổi của sự đồng cảm, của lòng nhân hậu và của lòng cao thượng. Vâng, tôi ủng hộ điều đó và tôi không hề sợ mình bị kinh nghiệm nói trái lại, một đứa trẻ không phải sinh ra đã ác và ai giữ được sự ngây thơ trong trắng của mình cho đến thời hai mươi thì ở tuổi ấy là người cao thượng nhất, tốt nhất, có lòng nhân ái nhất và là người đáng yêu nhất trong tất cả mọi người. Người ta chưa bao giờ nói với các vị chuyện tương tự như thế, tôi biết rõ điều đó mà, các triết gia của các vị được giáo dục trong toàn bộ sự hư hỏng của nhà trường, không hề muốn biết điều ấy.

Chính sự yếu ớt của con người làm cho nó có tính hợp quần, chính những nỗi đau khổ chung của chúng ta đưa trái tim ta hướng về nhân loại: Chúng ta không mang ân gì với nhân loại nếu chúng ta chẳng phải là con người. Mọi sự quyến luyến đều là dấu hiệu của sự bất túc: Nếu ai trong chúng ta cũng bất cần người khác, thì hẳn ta sẽ chẳng nghĩ gì đến việc kết hợp với họ. Như vậy là chính từ nhược điểm của chúng ta mà có được niềm hạnh phúc mỏng manh của chúng ta. Một hữu thể thực sự sung sướng là một hữu thể cô độc: Một mình Thượng đế hưởng niềm hạnh phúc tuyệt đối; những ai trong chúng ta có ý tưởng về điều đó? Nếu có hữu thể không hoàn thiện nào đó có thể tự đủ cho chính mình thì theo chúng ta anh ta hưởng thụ cái gì? Anh ta sẽ đơn lẻ, anh ta sẽ khốn khổ. Tôi không thể hiểu được rằng có kẻ nào không cần gì hết mà lại có thể yêu một cái gì đó, tôi không thể hiểu được rằng có ai đó không yêu bất cứ cái gì lại có thể hạnh phúc.

Từ đó rút ra rằng, chúng ta quyến luyến với đồng loại của mình do cảm nhận được các niềm vui của họ thì ít mà do cảm nhận được những nỗi khổ của họ thì nhiều; bởi vì, ở đấy chúng ta nhìn thấy rõ ràng hơn sự giống hệt nhau của bản chất con người và những đảm bảo cho sự quyến luyến của họ với chúng ta. Nếu các nhu cầu chung của mình khiến chúng ta đoàn kết lại với nhau vì lợi ích thì những nỗi đau khổ chung của chúng ta khiến chúng ta đoàn kết lại vì cảm tình. Cảnh tượng một con người sung sướng ít gợi được lòng yêu thương hơn là sự ghen ghét trong lòng người khác; có lẽ người ta sẵn sang buộc tội người ấy đã đoạt lấy một quyền đáng ra hắn không có, đó là tự tạo lấy một hạnh phúc độc chiếm; và lòng tự ái còn bị giày vò thêm bằng cách làm cho chúng ta cảm thấy rằng con người ấy chẳng còn cần gì đến chúng ta cả. Nhưng ai là người không xót thương kẻ bất hạnh mà mình thấy đang đau khổ? Ai là người không muốn giải thoát cho kẻ ấy khỏi những nỗi thống khổ của y, nếu việc này chỉ tốn có mỗi một lời cầu chúc mà thôi? Óc tưởng tượng đặt chúng ta vào vị thế của con người khốn khổ dễ hơn là vào vị thế của kẻ hạnh phúc: Người ta cảm thấy rằng một trong các tình cảnh này có quan hệ gần gũi hơn với chúng ta so với tình cảnh nọ[163]. Lòng thương xót thì có tính chất êm dịu, vì khi tự đặt mình vào địa vị kẻ đau khổ, thì dù sao người ta vẫn cảm thấy thích thú vì không bị đau khổ như kẻ ấy[164]. Lòng ghen ghét thì đắng cay vì cảnh tượng một con người hạnh phúc, không hề đặt kẻ ganh ghét vào địa vị của y mà còn khiến kẻ đó nuối tiếc vì không được ở vào địa vị nọ. Dường như người này miễn trừ cho ta đau khổ mà anh ta đang chịu đựng còn người kia thì tước đoạt ở chúng ta những hạnh phúc mà anh ta đang hưởng.

Vậy các vị có muốn kích thích và nuôi dưỡng trong lòng một thanh niên những xao động đầu tiên của tính nhạy cảm vừa phát sinh, và hướng tính cách của người thanh niên ấy về lòng từ thiện và về lòng nhân từ thì đừng có bao giờ làm nảy mầm trong anh ta lòng kiêu ngạo, thói khoe khoang, tính ghen ghét, do hình ảnh giả dối về hạnh phúc của con người; trước hết xin đừng phô bày trước mắt anh ta cảnh tráng lệ của các triều đình, cảnh xa hoa của các lâu đài sự quyến rũ của các cuộc biểu diễn nghệ thuật, xin đừng đưa anh ta đi dạo trong các nơi tụ hội sang trọng mà chỉ nên cho anh ta cái khả năng có thể tự mình đánh giá được xã hội thượng lưu sau khi đã tạo ra cho anh ta khả năng Có thể tự mình đánh giá được xã hội ấy. Giới thiệu với anh ta xã hội trước khi anh ta hiểu biết về con người thì không phải là đào tạo mà chính là làm hỏng anh ta, đó chẳng phải là giáo huấn mà lừa gạt anh ta.

Con người ta xét về bản chất chẳng phải là vua chúa, chẳng phải vĩ nhân, chẳng phải đình thần, chẳng phải phú hào, mà người đều sinh ra trần trụi và nghèo khó, mọi người đều có thể lâm vào tình trạng cơ cực của cuộc đời, chịu đựng những nỗi buồn lo, các tai ương, các nhu cầu và các nỗi đau đớn đủ kiểu; rốt cuộc ai cũng phải chết. Đó là thực trạng của con người; đó là cái mà không có ai được miễn trừ. Vậy các vị hãy bắt đầu nghiên cứu về bản chất của con người xem cái gì là gắn bó chặt chẽ nhất với bản chất ấy, cái gì tạo nên nhân tính nhiều nhất.

Ở tuổi mười sáu chàng thiếu niên biết thế nào là đau khổ vì chính hắn đã đau khổ; nhưng chỉ biết đại khái là những người khác cũng đang đau khổ; trông thấy điều đó mà không cảm nhận được nó thì chẳng phải là biết điều đó, và như tôi đã nói về điều này hàng trăm lần rồi, đứa trẻ vì không tưởng tượng ra được tí gì về cái mà kẻ khác cảm nhận được, chỉ biết những đau khổ của chính hắn thôi; nhưng khi sự phát triển đầu tiên của các giác quan nhóm lên ngọn lửa tưởng tượng trong con người hắn, thì hắn bắt đầu tự cảm thấy bản thân trong những đồng loại của mình, xúc động trước những lời rên rỉ của họ và đau xót cho những khổ đau của họ. Chính đó là lúc mà thảm cảnh của nhân loại phải gieo vào trái tim nó sự xúc động đầu tiên mà nó chưa cảm thấy bao giờ.

Nếu cơ hội này không để cho các vị dễ dàng nhận ra ở con cái các vị thì các vị đổ lỗi cho ai đây? Các vị dạy cho chúng bộc lộ tình cảm giả dối quá sớm, các vị dạy cho chúng ngôn ngữ dối trá sớm đến nỗi, vì luôn nói cùng một giọng như các vị, chúng trả ngược các bài học của các vị để chống lại chính các vị và không để cho các vị phân biệt được lúc nào chúng mới thôi không nói dối nữa và bắt đầu cảm nhận được điều chúng ta nói. Nhưng các vị hãy xem Émile của tôi: Vào tuổi mà tôi dìu dắt nó đến, Émile chưa cảm nhận, chưa giả dối. Trước khi biết thế nào là yêu thương, nó không hề nói với ai: “Tôi yêu ông lắm”; không ai quy định cho nó phải có thái độ như thế nào khi bước vào phòng cha nó, mẹ nó[165] hoặc vào phòng thầy giáo nó đang đau ốm, không ai chỉ cho nó nghệ thuật giả vờ tỏ thái độ buồn bã mà thực ra nó không buồn. Nó không giả vờ khóc lóc trước cái chết của ai cả vì nó không biết chết là như thế nào. Chính sự vô tình mà nó mang trong tâm tư cũng biểu lộ ra các cử chỉ của nó. Cũng như mọi trẻ con khác, nó thờ ơ với tất cả, ngoại trừ bản thân nó, nó chẳng quan tâm đến một ai, tất cả những gì nổi bật ở nó là nó không muốn tỏ ra là mình quan tâm và nó không giả dối như họ.

Vì ít suy nghĩ về những sinh thể có cảm giác cho nên Émile sẽ biết rất muộn thế nào là đau đớn và chết chóc. Những lời rên rỉ và những tiếng kêu la sẽ bắt đầu lay động tâm can nó, cảnh tượng máu chảy sẽ làm cho nó ngoảnh mặt đi, những quằn quại của một con vật sắp chết sẽ gây cho nó một thứ lo âu mà tôi không biết mô tả như thế nào, trước khi nó biết được từ đâu sinh ra trong lòng những xúc động mới mẻ ấy. Nếu nó vẫn còn ngu đần và man rợ, nó sẽ không có được những xúc động ấy; nếu nó được dạy dỗ nhiều hơn, nó sẽ biết được những xúc động ấy: Nó đã so sánh quá nhiều ý tưởng nên không phải là không cảm nhận được gì nhưng lại chưa đủ đến mức hiểu được cái mà nó cảm nhận được.

Lòng thương xót nảy sinh ra như thế, tức là tình cảm tương lân[166] đầu tiên làm xúc động lòng người theo trật tự của tự nhiên. Muốn trở nên nhạy cảm và lay động lòng thương xót, đứa trẻ cần phải biết rằng có những sinh vật giống như nó đang đau khổ về những gì mà nó đã từng đau khổ, đang cảm thấy những đau đớn mà nó đã từng cảm thấy, và những nỗi đau khác mà nó ắt phải ý niệm được vì nó cũng cảm thấy như thế. Thực vậy, chúng ta cảm động như thế nào để đi đến được lòng thương xót, nếu không phải là bằng cách thoát ra khỏi bản thân ta và tự đặt mình vào con vật đang đau đớn, bằng cách coi như là rời bỏ bản thể của mình đề khoác lấy bản thể của con vật? Chúng ta chỉ đau đớn bằng mức độ đau đớn của con vật theo sự xét đoán của chúng ta; chính là trong con vật chứ không phải trong chúng ta, mà ta đau đớn. Như vậy chẳng ai trở nên mẫn cảm trừ khi óc tưởng tượng của anh ta hoạt động và bắt đầu mang anh ta ra ngoài bản thân anh ta.

Muốn kích hoạt và nuôi dưỡng tính nhạy cảm chớm nở ấy, muốn hướng dẫn nó hay muốn chiều theo nó trong khuynh hướng tự nhiên của nó thì chúng ta phải làm gì, nếu không phải là hiến cho chàng thanh niên các đối tượng, trên đó sức thổ lộ chân tình của anh ta có thể tác động đến, làm cho anh ta cởi mở, hướng cõi lòng anh ta về các sinh thể khác, làm cho anh ta tìm thấy lại con người mình ở mọi nơi bên ngoài anh ta; nếu không phải là cẩn thận gạt ra những gì bó buộc anh ta, dồn ép anh ta và kéo căng cái lò xo của bản ngã con người, nghĩa là, nói cách khác, kích thích ở anh ta lòng tốt, long nhân đạo, lòng trắc ẩn, lòng từ thiện, tất cả các ham muốn hấp dẫn và dễ dàng mà con người ưa thích một cách tự nhiên và ngăn cản phát sinh thói ghen ghét, tính tham lam, sự căm ghét, tất cả những tham vọng gớm guốc và tàn bạo làm cho, có thể cho là, tính nhạy cảm không những bị mất hẳn mà lại còn thành số âm nữa và giày vò kẻ nào đã trải nghiệm chúng?

Tôi cho rằng, có thể tóm tắt các suy tư trên đây vào hai hay ba câu châm ngôn chính xác, rõ ràng và dễ hiểu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.