Émile Hay Là Về Giáo Dục

QUYỂN BỐN P2



CHÂM NGÔN THỨ NHẤT

Con người ta không ai muốn đặt mình vào địa vị kẻ hạnh phúc hơn mình, mà chỉ đặt mình vào địa vị những kẻ đáng thương hơn mình mà thôi.

Nếu có ai thấy những ngoại lệ cho châm ngôn này thì các ngoại lệ ấy chỉ là bề ngoài hơn là thực sự. Như vậy, người ta không đặt mình vào địa vị người giàu sang hoặc người quyền quý mà người ta kết thân; ngay cả khi quyến luyến một cách chân thành, người ta chỉ nhằm chiếm đoạt một phần hạnh phúc của họ mà thôi. Đôi khi người ta yêu họ trong cơn hoạn nạn của họ, nhưng chừng nào mà họ còn thịnh vượng, họ chỉ có bạn thực sự là người nào không bị vẻ hào nhoáng bên ngoài lừa phỉnh và xót thương họ hơn là ghen ghét với họ, mặc dù họ thịnh vượng.

Người ta xúc động với hạnh phúc của một vài tình trạng, thí dụ như đời sống điền dã ở vùng quê. Cái thú nhìn thấy những con người hiền lành sung sướng ấy, lại không bị lòng ghen ghét đầu độc làm cho mất thú vị đi, người ta mến họ thực lòng. Vì sao lại có điều ấy? Bởi vì người ta cảm thấy hoàn toàn đủ sức đi xuống tình trạng yên bình và chất phác ấy và hưởng thụ được chính cái hạnh phúc chân chính ấy; đó là một việc bất đắc dĩ nó chỉ đem lại những ý tường dễ chịu cho ta thôi, vì rằng chỉ cần muốn là có thể hưởng ngay hạnh phúc ấy. Người ta luôn thích thú được ngắm các tài nguyên của mình, được ngắm của cải riêng của mình, ngay cả khi người ta không muốn sử dụng đến các thứ ấy.

Do đó, muốn hướng một chàng thanh niên đến với lòng nhân đạo, thay vì làm cho anh ta ngưỡng mộ số phận vinh hiển của kẻ khác, ta cần phải cho anh ta thấy các khía cạnh đau buồn của số phận ấy, ta phải làm cho anh ta sợ hãi số phận ấy. Lúc đó thì do một hậu quả tất nhiên; anh ta phải tự mình vạch lấy một con đường dẫn tới hạnh phúc mà không theo dấu vết của ai cà.

CHÂM NGÔN THỨ HAI

Con người ta bao giờ cũng chỉ thương xót kẻ khác về những nỗi khổ mà người ta không tin mình được miễn trừ.

“Non ignara mali, miseris succurrere disco”[167]

Tôi không thấy được có gì cao đẹp hơn thâm thúy hơn, cảm động hơn, chân thật hơn câu thơ ấy.

Vì sao các vua chúa không thương xót thần dân của họ? Ấy là vì họ tin rằng họ không bao giờ phải là thường dân. Vì sao những người giàu có lại khắc nghiệt với người nghèo đến thế? Ấy là vì họ không sợ rằng họ trở nên nghèo khó. Vì sao tầng lớp quý tộc lại khinh miệt đám tiện dân ghê thế? Đó là vì một người quý tộc không khi nào trở thành tiện dân. Vì sao người Thổ Nhĩ Kỳ thường nhân đạo hơn, hiếu khách hơn chúng ta? Đó là vì dưới chính thể hoàn toàn độc tài của họ thì thế lực và sự nghiệp của các tư nhân luôn luôn bấp bênh và lung hay, họ không hề coi sự suy sụp và sự khốn cùng là xa lạ gì với họ[168]; ai cũng có thể mai đây lâm vào tình cảnh của kẻ mà hôm nay họ giúp đỡ. Tư tưởng này lặp đi lặp lại không ngớt trong các tiểu thuyết Đông phương, làm cho ai đọc đến cũng thấy có cái gì xúc động mà tôi không biết mô tả như thế nào, mà không có được trong tất cả sự cầu kỳ của sách luân lý khô khan của chúng ta.

Vậy các vị đừng tập cho đệ tử của các vị thói quen nhìn từ tầm cao vinh quang của nó xuống nỗi khổ cực của những kẻ xấu số, xuổng công việc của những kẻ khốn cùng; và các vị đừng mong dạy nó thương xót họ nếu như nó coi họ là xa lạ đối với nó. Hãy làm cho nó hiểu rằng số phận của những kẻ bất hạnh ấy có thể là số phận của nó, rằng tất cả những nỗi đau khổ của họ đang ở dưới chân nó, và hàng ngàn biến cố bất ngờ và không sao tránh được có thể ập đến dìm nó vào các tai ương ấy bất cứ lúc nào. Các vị hãy dạy nó không nên tin vào dòng dõi, sức khỏe, của cải và hãy chỉ cho nó mọi sự thăng trầm của số mệnh; hãy tìm cho nó cái thí dụ đã xảy đến bao giờ cũng rất thường xuyên với những người từ một địa vị còn cao hơn địa vị của nó mà rơi xuống một địa vị còn thấp hơn cả địa vị của những kẻ bất hạnh kia: Cho dù họ có lỗi hay không thì cũng không phải việc bàn luận bây giờ; nhưng liệu nó có biết thế nào là lỗi không? Xin đừng bao giờ vượt quá trật tự các kiến thức của nó và chỉ nên soi rọi cho nó bằng thứ ánh sáng vừa tầm hiểu biết của nó: Nó không cần phải thật là thông thái mới cảm thấy được rằng tất cả sự cẩn thận của loài người cũng không thể bảo đảm cho nó rằng trong một số giờ nữa thì nó có còn sống hay đã hấp hối; rằng các cơn đau của bệnh viêm thận sẽ không làm cho nó phải nghiến răng trước khi đêm đến, rằng trong một tháng nữa thì nó sẽ giàu lên hay nghèo đi; rằng có lẽ trong một năm nữa nó sẽ không phải chèo thuyền chiến đến từ Alger. Cốt nhất là các vị đừng có nói với nó tất cả những chuyện ấy một cách lạnh lùng như trong sách giáo lý cương yếu của nó, để sao cho nó thấy, nó cảm nhận được các tai ương của con người: Các vị hãy làm cho óc tưởng tượng của nó bị lung lạc, bị khiếp đảm trước các hiểm họa mà con người không ngừng bị bao vây, nó phải thấy quanh nó tất cả những vực thẳm ấy và khi nghe các vị mô tả những vực thẳm này, nó phải nép sát vào các vị vì sợ bị rơi xuống đó. Các vị sẽ bảo rằng chúng ta sẽ làm cho nó trở nên rụt rè và nhút nhát. Việc này ta xét đến ở phần sau; nhưng ngay bây giờ thì chúng ta hãy bắt đầu làm cho nó trở nên nhân đạo; đó là điều quan hệ nhất đối với chúng ta.

CHÂM NGÔN THỨ BA

Lòng thương xót của ta với tai họa của kẻ khác không đo bằng độ lớn của tai họa ấy mà theo mức độ tình cảm của ta trao cho những người đang chịu đựng tai họa đó.

Người ta chỉ thương xót một kẻ bất hạnh chừng nào mà người ta tin rằng kẻ ấy ở trong tình cảnh đáng thương. Sự cảm nhận của cơ thể về những tai họa của chúng ta bị hạn chế nhiều hơn chúng ta tưởng; nhưng chính là nhờ có ký ức mà chúng ta cảm thấy sự liên tục của các tai hoạ ấy, chính do trí tưởng tượng làm ta nghĩ đến các tai họa ấy trong tương lai, mà các tai họa ấy khiến cho chúng ta thực sự đáng thương hại. Theo tôi, đấy là một trong các nguyên nhân làm cho chúng ta vô tình trước các nỗi đau của loài vật hơn là trước các đau khổ của con người, dù rằng tính mẫn cảm trong cả hai trường hợp này đều phải đồng nhất hóa chúng ta với cả con vật lẫn con người đang đau khổ. Người ta không thương xót gì mấy cho con ngựa của anh đánh xe ở trong tàu ngựa, vì người ta không suy đoán ra rằng, trong khi nhai mớ cỏ khô của nó, nó nghĩ đến những trận roi mà nó đã phải chịu và những mệt nhọc đang chờ đợi nó. Người ta cũng không thấy thương xót một con cừu đang gặm cỏ, mặc dù người ta biết chắc rằng chẳng mấy chốc là nó bị chọc tiết vì người ta cho rằng nó không dự đoán được thân phận mình. Suy rộng ra người ta cũng vô cảm như thế trước số phận con người; và những người giàu có tự an ủi về sự thiệt hại mà họ gây ra cho những người nghèo bằng cách cho rằng kẻ bần hàn khá đần độn nên không cảm nhận được tí nào về việc ấy. Nói chung, tôi đánh giá cái giá trị mà người ta gán cho hạnh phúc của người đồng loại với mình tùy theo thái độ mà họ biểu lộ ra với những kẻ ấy. Lẽ tự nhiên là người ta coi rẻ hạnh phúc của những kẻ mà người ta khinh miệt. Vậy thì các vị đừng có lấy làm lạ nếu các nhà chính trị nói đến dân chúng với biết bao khinh miệt, cũng như phần đông các triết gia lại thích tạo ra con người thật là độc ác.

Chính nhân dân hợp lại thành nhân loại; cái gì không phải là nhân dân thì chẳng đáng gì phải đếm xỉa đến. Con người đều như nhau trong tất cả những giai tầng: Nếu điều này đúng thì tầng lớp nào đông đảo nhất thì đáng được kính trọng nhất. Trước một người biết suy tưởng, tất cả các sự phân biệt về dân sự đều biến mất, ông ta thấy cùng những đam mê ấy, cùng những tình cảm ấy đều có ở người thô kệch và người nổi tiếng; ông ta chỉ phân biệt được họ qua ngôn ngữ của họ ở sự bóng bẩy, cầu kỳ nhiều hay ít mà thôi; và nếu có sự khác biệt căn bản nào phân biệt được họ thì sự khác biệt ấy là bất lợi cho những kẻ hay giấu giếm tình cảm nhất. Đám bình dân biểu hiện ra đúng như chân tướng của họ, nên không được khả ái, nhưng những người xã giao thì cần phải giả trang cẩn thận; nếu họ xuất hiện đúng theo chân tướng của họ thì họ sẽ làm cho ta ghê tởm. Các nhà hiền triết của chúng ta còn nói thêm rằng, hàm lượng hạnh phúc và khổ đau trong mọi giai tầng đều ngang nhau. Châm ngôn này rất tệ hại cũng như là không đứng vững được: Vì nếu tất cả mọi người đều hạnh phúc như nhau thì tôi việc gì phải chịu phần khó nhọc cho ai? Thế thì mỗi người cứ dừng lại trong nguyên trạng của mình: Kẻ nô lệ thì cứ chịu ngược đãi, người tật nguyền thì cứ chịu đau khổ, kẻ ăn mày thì cứ chịu chết đi; vì chẳng có lợi gì cho họ mà phải thay đổi tình cảnh của mình. Họ liệt kê ra những nhọc nhằn của nhà giàu, họ nêu ra tính cách phù phiếm của các lạc thú hão huyền của nhà giàu: Cái lối ngụy biện sao mà vụng về đến thế! Cái nhọc nhằn của kẻ giàu có không do tình cảnh của y mà là do chính y thôi vì y lạm dụng tình cảnh ấy. Cứ cho là y có khốn khổ hơn cả người nghèo đi nữa, thì y cũng không đáng thương tí nào vì các tai hoạ của y đều là sản phẩm của y và vì hạnh phúc của yêu chỉ tùy ở y muốn hay không mà thôi. Nhưng nổi khố cực của kẻ khốn cùng thì do các sự việc, do sự khắt khe của số phận đè nặng lên họ. Không có thói quen nào có thể giúp họ xóa đi cái cảm giác nhục thể của sự mệt nhọc, sự kiệt sức, sự đói khát: Lương tri hay khôn ngoan cũng không giúp gì được để miễn trừ cho họ khỏi các tai ương của tình cảnh mình. Épictète[169] có được lợi gì nếu biết trước rằng chủ của ông sắp đập gãy chân ông? Có phải là biết trước được như vậy mà chủ của ông đập gãy chân ông ít hơn không? Vậy bên trên điều bất hạnh của ông, ông có điều bất hạnh của sự tiên đoán! Khi mà nhân dân hiểu biết điều ngay lẽ phải chứ không đần độn như ta giả thiết, thì họ có trở thành cái gì khác hơn là như họ hiện nay không? Họ có thể làm gì khác cái họ đang làm không? Các vị hãy nghiên cứu con người ở tầng lớp này, các vị sẽ thấy hết, tuy dùng một ngôn ngữ khác, song họ cũng tài trí chẳng kém gì các vị mà về lương tri thì lại có nhiều hơn các vị nữa. Vậy thì các vị hãy tôn trọng giống loài của mình; các vị hãy nghĩ rằng phần chủ yếu của giống loài mình là do sự gom góp của đám bình dân cấu thành, rằng khỉ loại trừ tất cả vua chúa và tất cả các triết gia ra khỏi giống loài này thì chuyện này cũng chẳng đáng kể gì và sự việc cũng chẳng phải là vì thế mà diễn tiến tệ hơn đâu. Nói tóm lại là các vị hãy tập cho học trò của mình biết yêu mến tất cả mọi người, và ngay cả những kẻ đánh giá thấp về nó nữa, các vị hãy làm thế nào cho nó đừng tự xếp mình vào một tầng lớp nào cả, nhưng sao cho nó hiện diện trong mọi tầng lớp: Trước mặt nó các vị hãy nói đến nhân loại với vẻ xúc động hoặc với vẻ thương xót cũng được nhưng không bao giờ được nói với vẻ khinh miệt. Hỡi con người! Xin đừng bêu xấu con người.

Chính bằng các con đường ấy và các con đường khác tương tự như thế, trái ngược hẳn với các con đường đã được vạch ra lâu nay, là những con đường thích hợp để thâm nhập vào lòng của một chàng trai mới lớn nhằm kích thích ở đó những xúc động đầu tiên của tự nhiên, phát triển tấm lòng ấy và trải rộng nó tới khắp các đồng loại của nó; về việc này tôi xin thêm một điều quan trọng là nên cho xen lẫn vào các xúc động ấy càng ít tư lợi càng tốt; nhất là không có một tý gì về thói huênh hoang, ganh đua, danh giá, và tuyệt không có một tí gì về những tình cảm mà buộc ta phải so sánh mình với kẻ khác; vì những so sánh ấy không bao giờ diễn ra mà lại không có đôi chút cảm tưởng thù ghét đối với những kẻ tranh giành sự ưu thế với chúng ta, dù rằng ưu thế đó chỉ là trong sự phán đoán của riêng ta. Lúc đó, tất phải làm ngơ hoặc tức giận, hoặc trở thành một kẻ ác hay một chàng ngốc, chúng ta hãy tránh cái tình thế phải lựa chọn trong hai điều này. Các đam mê quá nguy hiểm này chẳng chóng thì chầy rồi cũng nảy sinh dù rằng ta không muốn thế, người ta bảo tôi như vậy. Tôi không chối cãi điều này, mọi việc đều đến đúng lúc và đúng chỗ của nó: Tôi chỉ nói rằng chúng ta không nên giúp cho chúng nảy sinh.

Đấy là tinh thần của cái phương pháp cần phải quy định cho mình. Ở đây, các ví dụ và các chi tiết đều vô ích, bởi vì từ đây bắt đầu sự phân biệt gần như là vô tận các tính cách, mà mỗi ví dụ tôi sẽ đưa ra có thể là không phù hợp với một trong một trăm ngàn. Cũng chính là ở độ tuổi ấy mà người thầy giỏi bắt đầu thực hiện chức năng thực sự của người quan sát và của triết gia, ông ta biết nghệ thuật thăm dò lòng người trong khi làm việc để đào tạo tấm lòng ấy. Trong khi chàng thanh niên còn chưa biết nghĩ đến việc giả vờ và chưa học được cách giả vờ, người ta thấy rõ, qua mỗi đồ vật trình bày giới thiệu cho anh ta, trong thái độ của anh ta, trong đôi mắt, trong các cử chỉ biểu lộ ấn tượng của anh ta về đồ vật hay sự việc ấy: Người ta đọc được trên vẻ mặt mọi động thái trong tâm hồn anh ta; cứ dò xét mãi các động thái ấy, ta có thể đi đến dự báo được chúng và rốt cuộc là điều khiển được chúng.

Chúng ta nhận xét chung rằng máu, các vết thương, những tiếng kêu gào, những tiếng rên rỉ, các bộ đồ dùng cho các phẫu thuật đau đớn và tất cả những gì đem đến cho giác quan của các đối tượng sự đau đớn, đều làm động tâm sớm hơn và phổ biến hơn cho tất cả mọi người. Ý nghĩ về sự hủy diệt vì phức tạp hơn nên không gây xúc động giống như thế, hình ảnh cái chết gây xúc động chậm hơn và yếu hơn, bởi lẽ không ai từng tự mình biết rõ kinh nghiệm về cái chết: Phải được nhìn thấy thi hài để mà cảm nhận ra nỗi thống khổ của người đang hấp hối. Nhưng khi đã có một lần hình ảnh này được hình thành rõ nét trong đầu óc chúng ta, thật không có cảnh tượng nào ghê gớm hơn trước mắt chúng ta, vừa là ý tưởng về sự hủy diệt hoàn toàn nó gây ra cho ta qua các giác quan của mình, vừa là bởi vì biết được rằng cái thời điểm không sao tránh khỏi này là chung cho tất cả mọi người, ta cảm thấy bị tình huống này tác động dữ dội hơn là ta chắc chắn rằng không thể nào thoát được.

Các ấn tượng khác nhau này đều bị điều chỉnh và có các mức độ tùy thuộc vào tính cách riêng của mỗi cá thể và các thói quen từ trước của cá thể ấy: Nhưng các ấn tượng ấy là phổ biến và không ai được miễn trừ chúng hoàn toàn. Có điều là những gì mang tính đặc biệt riêng cho các tâm hồn nhạy cảm thì có thể bị kéo dài hơn và ít có tính chất bao dung hơn; đó là các ấn tượng về những dằn vặt trong lĩnh vực tinh thần, những nỗi đau nội tâm, những nỗi khổ nhục, sự suy nhược, những nỗi buồn. Có những người chỉ bị xúc động bởi tiếng kêu gào và than khóc; những rên rỉ thầm lặng và dai dẳng của một trái tim bị thắt lại vì thống khổ không bao giờ khơi được ở họ những tiếng thở dài; một thái độ ủ rũ, bộ mặt tiều tụy và xanh xám như chì, một ánh mắt vô hồn và không sao khóc được, không bao giờ khiến được bản thân họ rớt nước mắt, những nỗi đau của tâm hồn không là gì đối với họ: Chúng bị xét đoán, tâm hồn họ không cảm nhận gì hết; chỉ đón đợi ở họ được sự khắc nghiệt không hề nao núng, sự chai sạn, sự tàn nhẫn. Họ sẽ có thể là liêm khiết, chính trực nhưng không bao giờ nhân từ, cao thượng, có lòng trắc ẩn. Tôi nói rằng họ có thể là chính trực, nếu một người có thể là chính trực khi họ không có lòng bao dung!

Nhưng xin các vị đừng vội xét đoán thanh niên theo quy tắc này, nhất là những anh chàng vì được giáo dục như anh ta phải được như thế, chẳng hề có lấy một ý niệm gì về những dằn vặt tinh thần mà người ta chưa từng bao giờ cho chúng phải nếm trải, vì, một lần nữa, chúng chỉ có thể ái ngại cho những đau khổ mà chúng đã từng biết: Và cái vô cảm bề ngoài này là do không biết sẽ chuyển ngay thành lòng thương cảm ái ngại khi chúng bắt đầu cảm nhận được rằng trong đời người có hàng ngàn nỗi đau khổ mà chúng chưa từng được biết. Với Émile của tôi thì cậu ta sẵn có tính nhẹ dạ cả tin và lương tri từ khi còn thơ ấu, tôi chắc chắn rằng cậu sẽ có tâm hồn và tính đa cảm khi ở tuổi thanh niên; vì tính chân thật của các tình cảm có quan hệ rất nhiều với sự đúng đắn của các ý tưởng.

Mà tại sao lại nhắc đến điều đó ở đây? Rõ ràng phải có tới hơn một độc giả sẽ trách tôi quên mất những ý định đầu tiên của tôi và niềm hạnh phúc vĩnh hằng mà tôi đã hứa với học trò của mình. Những con người bất hạnh, những người đang chết dần chết mòn, những cảnh tượng đau lòng và khôn khổ! Hạnh phúc biết bao, vui sướng biết bao cho một trái tim non trẻ đang hình thành trước cuộc sống! Người thầy giáo không ra gì của nó, người đã đem lại cho nó sự giáo dục dịu hiền đến vậy mà chỉ làm cho nó chịu đau khổ khi thành người. Đấy là điều người ta sẽ nói: Thế thì có hệ trọng gì với tôi? Tôi đã hứa làm cho nó hạnh phúc, chứ không phải làm cho nó ra vẻ như vậy. Đâu phải là lỗi ở tôi, nếu, do cứ luôn luôn bị lừa vì cái bề ngoài, các vị coi bề ngoài đó là hiện thực?

Hãy lấy hai thanh niên cùng hoàn tất một sự giáo dục đầu tiên và bước vào đời qua hai cái cửa đối lập nhau trực diện. Một anh thì leo ngay một bước lên đỉnh Olympe và giao du rộng rãi trong một xã hội hoa lệ nhất đời; người ta dẫn anh ta vào triều, đến thăm các nhà quyền quý, đến thăm các nhà cự phú, đến thăm các phụ nữ đẹp. Tôi cho rằng, hẳn là anh ta được khoản đãi ở khắp mọi nơi, và tôi cũng không xét đến ảnh hưởng của sự tiếp đón này lên lý trí của anh ta; tôi cho rằng lý trí của anh ta chịu đựng nó. Các thú vui lượn lờ trước mặt anh ta, ngày này tiếp ngày kia các đối tượng mới làm anh ta vui thích, anh ta buông mình theo tất cả với một hứng thú làm các vị phải đẹp lòng. Các vị thấy anh ta ân cần, vồn vã, ham biết mọi việc; sự cảm phục đầu tiên của anh ta làm các vị động lòng; các vị tưởng rằng anh ta hài lòng: Nhưng các vị hãy xem trạng thái tâm hồn anh ta; các vị tin rằng nó đang hưởng thụ; tôi thì tôi cho rằng nó đang đau khổ.

Thoạt đầu anh ta thấy gì khi mở mắt ra? Vô số những điều bảo là tốt đẹp, và phần lớn, do chỉ dành chốc lát cho anh ta, nên dường như chỉ phô ra với anh ta để làm cho anh ta tiếc nuối rằng mình không có chúng. Anh ta mà có dạo chơi trong một tòa lâu đài thì các vị thấy ở cái hiếu kỳ xốn xang của anh ta có một câu tự hỏi lòng mình rằng vì sao ngôi nhà cha mẹ ta lại không được như thế. Tất cả những câu hỏi đó nói lên với các vị rằng, anh ta không ngừng so sánh mình với ông chủ của tòa nhà ấy và tất cả những gì anh ta lấy làm nhục nhã cho mình trong sự đối chiếu ấy mài sắc tính hợm mình của anh ta và làm cho nó nổi giận. Nếu anh ta có gặp một chàng ăn mặc tươm tất hơn mình, tôi thấy anh ta thầm cằn nhằn về thói keo kiệt của cha mẹ mình. Anh ta mà có trang điểm trội hơn kẻ khác, lại thấy đau lòng vì kẻ ấy làm cho mình mờ nhạt đi hoặc vì dòng dõi của y hoặc vì trí tuệ của y, và tất cả sự hào nhoáng của anh ta bị hạ nhục trước một bộ quần áo đơn giản bằng dạ. Riêng anh ta có được để ý đến trong một nơi tụ tập đông người, anh ta có kiễng chân lên để được mọi người nhìn thấy rõ hơn; ai mà chẳng thầm có ý muốn làm nhụt cái vẻ kiêu căng tự phụ của một anh chàng hợm mình non nớt? Tất cả đều hợp lại ngay như một dàn hòa tấu; những cái nhìn lo lắng của một con người nghiêm trang, những lời nhạo báng của một kẻ hay châm chọc chẳng muộn gì mà không đến tai anh ta; và, anh ta có bị riêng một ai đó coi khinh thì sự khinh bỉ của con người này lập tức làm hỏng những sự tán thưởng của những kẻ khác.

Chúng ta hãy cho anh ta mọi thứ, không tiếc gì anh ta cái vẻ thú vị dễ thương, và giá trị; để cho anh ta đẹp đẽ cân đối, đầy trí tuệ và khả ái: Anh ta sẽ được các bà săn đón; nhưng do họ săn đón trước khi anh ta yêu họ, các bà làm cho anh ta phát cuồng lên hơn là phải lòng các bà: Anh ta sẽ mang số đào hoa nhưng anh ta lại hờ hững cũng chẳng đam mê gì để mà hưởng thụ những chuyện đào hoa ấy. Những chuyện này luôn luôn đến trước những dục vọng của anh ta, vì dục vọng chưa đủ thời gian để nảy sinh, sống giữa vòng lạc thú mà anh ta chỉ cảm thấy chán ngán vì phiền toái: giới tính sinh ra vì hạnh phúc của anh ta mà anh ta lại thấy ghê ghê và chán ngấy ngay cả trước khi anh ta biết nó; nếu anh ta tiếp tục ngó ngàng đến chẳng qua chỉ vì thói kiêu căng và khi anh ta vướng vào đó vì thích thật sự thì anh ta cũng sẽ chẳng phải riêng mình là trẻ trung, riêng mình đáng được để mắt tới, riêng mình là đáng yêu và không phải bao giờ cũng thấy ở các tình nhân của mình những điều kỳ diệu của sự chung thủy.

Tôi không nói gì đến những điều phiền nhiễu, những phụ bạc, những điều nham hiểm, những nỗi ân hận đủ kiểu không thể nào tách rời một cuộc sống như vậy. Kinh nghiệm về giới giao tế khiến ta chán lợm nó, chúng ta đều biết vậy, tôi chỉ nói đến những phiền muộn gắn liền với mộng tưởng ban đầu.”

Ngang trái thay cho những kẻ mà xưa nay vẫn giam mình trong khuôn khổ gia đình mình và trong đám bạn bè, được coi là đối tượng duy nhất của mà mối quan tâm của họ, nay lại đột ngột bước vào một trật tự các sự vật mà ở đó hắn ta chẳng được đếm xỉa gì mấy; tự nhận ra mình bị chìm nghỉm trong một môi trường xa lạ trái hẳn với môi tường gia đình và bạn bè mà lâu nay hắn ta vốn là trung tâm! Chẳng phải là hắn ta đã phải chịu bao điều lăng mạ, biết bao là nhục nhã giữa những kẻ không quen biết trước khi mất sạch các thiên kiến đã được lập nên và nuôi dưỡng bấy lâu về vai trò quan trọng của hắn giữa người nhà và bạn bè của hắn. Là trẻ con, mọi người đều nhường nhịn nó, ân cần rối rít quanh nó: Là thanh niên, nó phải nhường nhìn mọi người; hoặc là có cơ hội một chút là hắn quên khuấy đi và cứ giữ thái độ cũ như khi hắn còn bé, thì có ngay những bài học nghiêm khắc buộc hắn trở về với chính mình! Thói quen có được các đồ vật mình muốn một cách dễ dàng đưa hắn tới chỗ muốn rất nhiều và làm cho hắn cảm thấy luôn luôn thiếu thốn. Tất cả những gì làm vui lòng hắn, hắn đều bị cám dỗ; tất cả những gì người khác có, hắn đều muốn có: Hắn thèm muốn tất cả mọi thứ, hắn ghen ghét với tất cả mọi người, hắn muốn hơn người ở mọi nơi; tính kiêu căng làm hắn mòn mỏi đi, nỗi khát khao của những ham muốn phóng túng kích động trái tim non trẻ của hắn; sự ghen tuông và thù hận cũng theo các thói xấu ấy mà sinh ra trong lòng hắn; đồng thời mọi đam mê ngấu nghiến nhân đó mà bùng lên; làm cho hắn xốn xang trong sự náo nhiệt của mọi người; hỗn mang theo tâm trạng ấy mỗi buổi tối; hắn về nhà mà không hài lòng về mình và về mọi người khác; hắn ngủ thiếp đi mà trong đầu chất đầy hàng ngàn dự định hão huyền, bị quấy rối bởi hàng ngàn cuồng vọng, và thói kiêu ngạo của hắn vẽ ra trong cả giấc mơ của hắn những điều tốt lành ảo tưởng mà lòng ham muốn từng giày vò hàn, và hắn làm sao mà có được trong đời thật. Đấy là học trò của các vị! Các vị hãy xem học trò của tôi như thế nào.

Nếu cảnh tượng đầu tiên làm hắn xúc động là một sự việc đáng buồn lần đầu quay về với chính mình là một tình cảnh dễ chịu. Vì rằng thấy bao nhiêu là đau khổ mà mình được miễn trừ, hắn cảm thấy sung sướng hơn là hắn nghĩ. Hắn chia sẻ những nỗi khổ cực của đồng loại, nhưng sự chia sẻ này là tự nguyện và dịu dàng. Cùng một lúc hắn thụ hưởng cả lòng thương cảm đối với những nỗi đau của họ lẫn niềm hạnh phúc vì mình được miễn trừ không bị như thế, nó tự nhận ra mình trong cái trạng thái có khả năng trải rộng lòng ta ra ngoài bản thân chúng ta làm cho chúng ta đem ra ngoài sự hoạt động dư thừa đối với niềm an lạc của mình. Để xót thương nỗi khổ của người khác rõ ràng là phải hiểu nó, nhưng không phải là cảm thấy đau khổ như vậy. Khi người ta đã từng đau khổ hoặc người ta sợ bị đau khổ thì người ta xót thương những ai đang đau khổ; nhưng khi người ta đang đau khổ, người ta chỉ xót thương cho bản thân mình. Nay nếu vì mọi người đều phải chịu đau khổ của cuộc sống thì chẳng ai lại chỉ cho người khác sự cảm thông mà lúc ấy anh ta không cần đến cho chính mình, kết quả là lòng trắc ẩn phải là một tình cảm rất dịu ngọt chính vì nó dành cho chúng ta, và ngược lại thì một con người khắc nghiệt bao giờ cũng là bất hạnh, bởi lẽ trạng thái tâm hồn của hắn không để cho hắn có chút nào là sự nhạy cảm thừa thãi để hắn có thể đem cho nỗi khổ của người khác.

Chúng ta thường xét đoán hạnh phúc dựa trên những vẻ bề ngoài quá nhiều và chúng ta cho rằng nó ở nơi mà nó ít ở nhất; chúng ta tìm nó ở nơi mà nó sẽ không thể có: Sự vui vẻ chỉ là một dấu hiệu rất khả nghi về hạnh phúc. Một người vui vẻ nhiều khi chỉ là một kẻ bất hạnh đang tìm cách lừa mọi người và tự huyễn hoặc mình. Những người rất hay cười, rất cởi mở, rất thanh thản ở ngoài câu lạc bộ nơi tụ tập đông người lại hầu như hoàn toàn buồn bực và gắt gỏng ở nhà họ, và những người hầu phải gánh chịu nỗi đau của sự vui chơi của họ ngoài xã hội. Sự thỏa mãn thực sự thì chẳng vui chẳng đùa; tha thiết với một tình cảm rất dịu dàng, khi hưởng thụ nó người ta nghĩ đến nó, thưởng thức nó, người ta sợ nó tan biến mất. Con người thực sự hạnh phúc không nói nhiều và cũng chẳng cười nhiều, có thể nói là hắn cất kín niềm hạnh phúc quanh trái tim mình. Những trò chơi ồn ào, sự vui vẻ cuồng nhiệt che giấu sự chán chường và nỗi phiền muộn. Những su ưu tư lại kết bạn với sự khoái trá: Sự mủi lòng và những giọt lệ lại đi kèm những hưởng thụ dịu ngọt nhất, và chính niềm vui quá mức lại bật ngay ra những tiếng khóc hơn là những tiếng thét.

Nếu trước tiên những cuộc chơi bời giải trí nhiều và da dạng có vẻ như là góp phần vào hạnh phúc, nếu sự đơn điệu của một cuộc sống phẳng lặng thoạt đầu có vẻ đáng chán thì khi nhìn kỹ, trái lại ta thấy rằng tập quán êm dịu nhất của tâm hồn lại là ở trong sự hưởng thụ ở mức vừa phải ít khi để cho dục vọng hay chán chường lôi cuốn. Nỗi khắc khoải của các dục vọng sinh ra tính ham của lạ, tính không chuyên nhất: Cái rỗng tuếch của thú vui đàng điếm rạo rực gây nên sự chán ngấy. Người ta không bao giờ chán cảnh sống của mình khi người ta biết rằng chẳng có gì dễ chịu hơn thế. Trong tất cả các loại người ở đời này thì người hoang dã là những người ít hiếu kỳ nhất và ít buồn chán nhất: mọi sự đối với họ đều không quan hệ, họ không hưởng thụ các đồ vật mà hưởng thụ chính họ; họ sống cuộc đời mình mà chẳng để làm gì và không bao giờ phiền muộn.

Con người của giới thượng lưu hoàn toàn sống trong cái mặt nạ của họ. Hầu như vì không bao giờ là chính mình nên hễ luôn luôn thấy xa lạ và khó chịu khi họ buộc phải quay về với chính mình. Thực chất của họ thế nào thì chẳng đáng kể làm gì, cái mà họ tỏ vẻ ra là thế nào mới là tất cả đối với họ.

Tôi không thể đừng được việc hình dung ra trên khuôn mặt người thanh niên mà tôi đã nói đến ở phần trên sao mà lại có cái gì như xấc xược, như là ngọt nhạt đầu lưỡi, như là giả dối làm phật ý và gai mắt những người dự họp mặt, còn trên khuôn mặt người của tôi: một vẻ mặt đáng chú ý và giản dị bộc lộ sự hài lòng, sự thanh thản thật sự của tâm hồn gợi cho người ta lòng quý mến, sự tin cậy và dường như là nó chỉ đợi có dấu hiệu thân tình là sẵn sàng kết bạn với những ai tiếp cận với mình. Người ta cho rằng, vẻ mặt chỉ là sự phát triển đơn thuần các nét đã được tự nhiên in dấu ấn. Còn tôi thì tôi nghĩ rằng, ngoài sự phát triển này thì các đường nét trên khuôn mặt con người từ từ được hình thành và tạo nên vẻ mặt bởi dấu ấn thường xuyên và quen thuộc của một số cảm xúc nào đó của tâm hồn. Các cảm xúc này hiện lên trên khuôn mặt, thật không còn gì là chắc chắn hơn; và khi chúng lặp lại thành thói quen thì các cảm xúc ấy phải để lại những dấu ấn lâu dài. Đấy là cách tôi hiểu vẻ mặt con người nói lên tính cách như thế nào, và ta có thể đôi khi xét đoán cái này bằng cái kia mà chẳng cần tìm đến những giải thích huyền bí đòi hỏi những kiến thức mà ta không có.

Một đứa trẻ chỉ có hai cảm xúc rất rõ rệt, vui mừng và đau đớn: Nó cười hay nó khóc; những cảm xúc trung gian không hề được nó biết tới, nó chuyển không ngừng từ cảm xúc này tới cảm xúc kia. Sự luân lưu liên tục như vậy cản trở không cho cảm xúc ấy tạo nên một dấu ấn hằng định nào trên khuôn mặt con trẻ và chưa tao ra vẻ mặt riêng: Nhưng đến một độ tuổi, khi đứa trẻ trở nên nhạy cảm hơn, nó cảm nhận mạnh mẽ hơn hoặc bị xúc động thường xuyên hơn, các ấn tượng sâu sắc hơn để lại những dấu vết khó mà biến đi được; và xuất phát từ trạng thái đã hình thành thói quen của tâm hồn mà tạo nên sự sắp xếp các đường nét mà thời gian làm cho nó thành ra không thể xóa nhòa đi được. Tuy nhiên, cũng không phải là hiếm thấy có những người thay đổi vẻ mặt theo tuổi tác. Tôi đã từng thấy nhiều người trong trường hợp này; và tôi luôn luôn thấy rằng, những người mà tôi có thể theo dõi và quan sát kỹ cũng đã thay đổi cả các đam mê quen thuộc. Riêng nhận xét này đã được xác định chắc chắn, với tôi là dứt khoát, và không phải là không thích đáng trong một quy trình về giáo dục ở đó cần phải học cách phán đoán các diễn biến trong tâm hồn qua các dấu hiệu bề ngoài.

Tôi không rõ nếu vì chưa học bắt chước những cung cách theo ước lệ và giả bộ những tình cảm mà mình không có thì chàng trai của tôi có kém phần khả ái hay không, nhưng ở đây không bàn về chuyện này: Tôi chỉ biết mỗi một điều là anh ta sẽ thương người hơn, và tôi khó mà tin rằng, kẻ nào chỉ yêu có bản thân mình có thể khéo giả bộ để được ưa ngang với kẻ rút ra từ mối quyến luyến với những người khác một cảm xúc mới về hạnh phúc. Nhưng chính về cảm xúc này, tôi cho rằng đã nói đầy đủ để hướng dẫn cho một độc giả chuộng lẽ phải và để chứng tỏ rằng tôi không tự mâu thuẫn với chính mình.

Vậy tôi trở về với phương pháp của mình và tôi nói rằng: Khi lứa tuổi đầy chuyển biến đến gần thì các vị hãy cho các chàng trai chứng kiến những cảnh tượng có tác dụng kiềm chế chứ không phải là những cảnh tượng kích thích họ; các vị hãy chuyển sự tưởng tượng mới nảy sinh sang những đối tượng nào không hề làm bốc lửa các giác quan của họ mà kiềm chế bớt hoạt tính của các giác quan ấy. Các vị hãy đưa họ tránh xa các thành phố là nơi mà đồ trang sức và cách ăn mặc khiếm nhã của phụ nữ thôi thúc gấp gáp làm cho các bài học của tự nhiên đến sớm, là nơi mà mọi thứ bày ra trước mắt họ những thú vui nhục thể mà họ chỉ cần biết đến khi họ biết sẽ lựa chọn chúng.

Hãy đưa họ về nơi ở đầu tiên của họ, nơi mà tính giản dị của đồng quê để cho những đam mê của lứa tuổi ấy phát triển bớt nhanh đi; hoặc là nếu thị hiếu nghệ thuật của họ vẫn còn gắn bó họ với thành phố thì hãy phòng ngừa cho họ chính vì cái thị hiếu ấy mà sinh ra sự rảnh rỗi nguy hiểm. Hãy chắt lọc thật cẩn thận các mối giao tiếp xã hội của họ, những quan tâm của họ và các thú vui của họ: Chỉ giới thiệu với họ những cảnh xúc động nhưng vừa phải, làm họ rung động nhưng không quyến rũ họ, nuôi dưỡng tính mẫn cảm của họ mà không gây rối loạn các giác quan của họ. Các vị cũng nên nghĩ rằng ở đâu cũng có những cái thái quá cần phải e sợ và những đam mê vô độ bao giờ cũng tạo nên các thói xấu mà chúng ta muốn tránh. Đây không phải nói về việc biến học trò của các vị thành một người chăm sóc bệnh nhân, thành một thầy dòng ở nhà tế bần, làm khó con mắt họ bằng những đối tượng trên tiếp từ đau đớn đến khổ ải, dắt họ đi thăm hết người tàn tật này đến người tàn tật khác, từ nhà thương này đến nhà thương khác và từ quảng trường Grève[170] đến các nhà ngục; cần phải do nó xúc động mà không sắt đá trước cảnh khổ ải của con người. Lâu ngày bị các cảnh cùng loại đập vào mắt mình thì người ta chẳng còn có ấn tượng gì về chuyện ấy: Thói quen làm cho người ta quen với tất cả mọi chuyện; khi người ta thấy cái gì đó quá nhiều lần thì người ta không tưởng tượng về nó nữa và chính là chỉ có sự tưởng tượng mới làm cho ta cảm nhận được những nỗi đau đớn khổ sở của người khác: Chính vì cứ nhìn thấy mãi chết chóc và đau khổ mà các linh mục và các thầy thuốc trở nên không biết thương xót. Vậy thì phải để cho học trò của các vị biết đến thân phận con người và những đau khổ của đồng loại nhưng sao cho nó đừng phải chứng kiến quá nhiều. Chỉ có một đối tượng thôi mà được lựa chọn kỹ lưỡng và được trình bày vào một ngày thích hợp sẽ làm cho nó hàng tháng phải mủi lòng và suy ngẫm. Chẳng phải cái nó nhìn thấy mà là việc nó trở lại với cái nó đã thấy mới quyết định sự phán đoán của nó về việc ấy; và ấn tượng lâu dài mà nó cảm nhận được về một đối tượng cũng do chính đối tượng ấy đem lại ít hơn là do góc độ nhìn đẽ gợi cho nó nhớ lại đối tượng. Cho nên chính vì thế mà khi vận dụng các ví dụ, các bài học, các hình ảnh, các vị làm nhụt bớt cái kích thích các nhục cảm và sẽ lừa được tự nhiên bằng cách tuân theo các phương hướng của chính tự nhiên.

Cứ theo mức tiếp thu kiến thức của hắn, các vị hãy chọn các ý tưởng có liên hệ với sự tìm hiểu ấy; cứ tùy theo mức các ham muốn bừng lên mà các vị hãy chặn các cảnh tượng thích đáng để kiềm chế bớt đi. Một quân nhân già nổi tiếng vì phẩm hạnh cũng ngang vì lòng dũng cảm đã kể lại với tôi rằng, vào lúc thiếu thời, cha ông là một con người biết lẽ phải chăng, nhưng rất sung đạo, vì thấy tính khí ông này đang nảy ra thói hám gái, đã làm không còn thiếu cách gì để kiềm chế con mình, thế mà cuối cùng bất chấp mọi biện pháp thận trọng của mình, ông bố cảm thấy con mình sắp tuột khỏi tay ông, ông dám đưa con vào một bệnh viện chữa giang mai và không hề nói trước cho con biết điều gì hết, ông bắt người con vào một gian nhà có một nhóm những kẻ bất hạnh ấy đang đền tội bằng một cách điều trị khủng khiếp, sự dâm loạn đã đưa họ đến nông nỗi này. Cái cảnh tượng gớm ghiếc ấy cùng một lúc kích động mọi giác quan của chàng trai làm cho anh ta suýt bị ngất. Lúc đó, người cha bảo con với một giọng dữ dằn: “Đi, đồ trụy lạc khốn nạn, cứ đi mà theo cái khuynh hướng đê tiện đã lôi kéo mày; chẳng mấy chốc mày sẽ sướng lắm đấy khi bị tống cổ vào cái phòng này mà chịu đựng những đau đớn ghê gớm nhất, mày buộc cha mày phải tạ ơn Chúa vì cái chết của mày.”

Một ít từ này gắn liền với cảnh tượng khốc liệt đã làm cho chàng trai xúc động mạnh, gây nên cho anh ta một ấn tượng không bao giờ phai. Vì nghề nghiệp mà buộc phải sống thời trai trẻ trong các nơi đồn trú, ông ta thích chịu đựng hết mọi lời chế giễu của bạn bè hơn là bắt chước thói phóng đãng của họ. Ông ta bảo tôi rằng: “Tôi là đàn ông, tôi có những điểm yếu mềm; nhưng đã đến tuổi này thì không bao giờ tôi có thể nhìn một gái điếm mà không ghê tởm. Hỡi các nhà giáo, xin nói ít thôi; nhưng hãy học lấy cách lựa chọn địa điểm, thời gian thuận tiện, các nhân vật, rồi đưa tất cả các bài học của mình thành những tấm gương và hãy tin chắc vào hiệu quả của chúng.

Vai trò của tuổi thơ ấu là không đáng kể: Cái sai len vào đó không phải là không có cách sửa; còn tính thiện được hình thành trong tuổi thơ có thể tới chậm hơn về sau. Nhưng chẳng phải là như thế ở cái tuổi đầu tiên khi con người bắt đầu sống thực sự. Thời kỳ này không bao giờ kéo dài đủ cho việc sử dụng cần phải tiến hành và tầm quan trọng của nó đòi hỏi một sự quan tâm không lơi lỏng: Đó là lý do vì sao tôi nhấn mạnh vào nghệ thuật kéo dài thêm thời kỳ đó. Một trong những châm ngôn tốt nhất cho việc rèn luyện con người là làm chậm mọi thứ đến chừng nào còn có thể được. Hãy làm cho các tiến độ chậm và chắc; hãy cản trở trẻ vị thành niên thành người lớn khi chúng đã đủ mọi điều kiện để trưởng thành. Trong khi cơ thể tăng trưởng, những tinh anh dành để cấp nhựa sống cho dòng máu và sức mạnh cho các đường gân thớ thịt, đang hình thành và nảy nở. Nếu như các vị làm cho chúng đi theo một tiến trình khác và cái gì dành để hoàn thiện một cá nhân này được dùng cho việc hình thành một cá nhân khác thì cả hai sẽ cùng ở lại một tình trạng yếu kém và tạo phẩm của tự nhiên vẫn chưa hoàn thiện được. Các thao tác tinh thần rồi cũng bị hỏng đi; và tâm hồn cũng bị suy yếu như thân xác chỉ có những hoạt động yếu ớt và lờ đờ. Các chi to lớn và mạnh mẽ không tạo ra được lòng dũng cảm và sự khéo léo; và tôi cho rằng sức mạnh tinh thần không đi theo sức mạnh thân xác. Vả chăng các cơ quan giữ việc liên hệ giữa hai phần chính này lại được chuẩn bị không tốt. Nhưng, dù cho chúng có được chuẩn bị tốt đến đâu chăng nữa thì chúng hoạt động vẫn yếu kém, nếu về căn nguyên chúng chỉ có một khí huyết đã mòn mỏi cạn kiệt, không có cái chất đem lại sức mạnh và sự vận hành cho mọi lò xo của một cỗ máy. Nhìn chung ta thấy sức sống mãnh liệt hơn trong tâm hồn của những người mà thời trẻ đã phòng bị được khỏi bị sớm hư hỏng so với những người mà sự dâm đãng phóng túng bắt đầu khi có thể buông mình vào đó, và rõ ràng là một trong những lý do giải thích vì sao những dân tộc có phẩm hạnh tốt thì thiện tâm và can đảm lại vượt cao hơn những dân tộc không có phẩm hạnh tốt này. Những dân tộc chỉ duy nhất nổi bật nhờ một số phẩm chất tinh tế nho nhỏ mà họ gọi là tài trí, sự minh mẫn, sự thanh tao; nhưng những chức năng lớn và cao cả của đạo lý và lý trí, từng đề cao và tôn vinh con người qua các hành động tốt đẹp, qua đức độ và qua những thận trọng thực sự có ích của họ lại chỉ thấy được trong những người nói đến lúc đâu.

Các thầy giáo than phiền rằng, ngọn lửa của lứa tuổi này làm cho thanh niên không chịu vào khuôn phép, và tôi biết điều đó: Nhưng phải chăng đó là sai lầm của các nhà giáo? Họ chỉ mới để cho ngọn lửa này vận hành nhục cảm thì họ chẳng biết là không thể hướng nó theo một con đường khác hay sao? Những lời quở trách lạnh lùng và dai dẳng của một ông giáo gàn liệu có xóa nhòa được các hình ảnh về những thú ăn chơi đã từng biết đến trong đầu óc học trò mình hay không? Liệu họ có trừ bỏ được những ham muốn đang giày vò nó ra khỏi trái tim nó hay không? Liệu họ có làm giảm bớt được sự cuồng nhiệt của một khí chất mà nó biết cách sử dụng hay không? Liệu nó có nổi xung lên với các cản trở chống lại cái hạnh phúc độc nhất mà nó nghĩ đến hay không? Và trong cái lê luật nghiêm ngặt ông ta đê ra cho nó mà không sao làm nó hiểu rõ được, nó sẽ nhìn thấy cái gì nếu không phải là tính thất thường và sự căm ghét của một người đang tìm cách làm khổ nó? Liệu có phải là lạ lung chăng khi nó nổi loạn và đến lượt nó lại căm ghét ông ta?

Tôi hiểu rõ rằng, khi tỏ ra dễ dãi thì người ta luôn cho mình trở nên dễ chịu đựng được hơn mà vẫn duy trì được một quyền uy bề ngoài. Nhưng tôi chẳng thấy dùng để làm gì cái quyền uy mà người ta chỉ duy trì được đối với học trò mình bằng cách thúc đẩy thêm các thói xấu mà lẽ ra nó phải kiềm chế, giống như thể muốn làm dịu một con ngựa bất kham thì kỵ sĩ đẩy nó xuống vực thẳm.

Cái ngọn lửa của tuổi vị thành niên chẳng hề là một trở ngại cho giáo dục, chính là phải dùng nó mà giáo dục tự hoàn thiện và hoàn tất được sứ mệnh của mình; chính nó làm cho các vị chiếm được trái tim của một chàng trai khi mà anh ta không còn là không mạnh bằng quý vị. Những xúc cảm đầu tiên của nó là những dây cương mà các vị điều khiển mọi hoạt động của nó: Nó được tự do và tôi thấy rõ nó bị chế ngự. Chừng nào nó chưa yêu thích cái gì hết thì nó chỉ phụ thuộc vào chính nó và những nhu cầu của nó; ngay khi mà nó yêu thì nó phụ thuộc vào những sự gắn bó của nó. Những mối quan hệ đầu tiên kết hợp nó lại với giống loài được thực hiện như vậy. Trong khi hướng sự nhạy cảm của nó vào giống loài thì hãy đừng tưởng rằng ngay từ đầu đã là bao gồm tất cả mọi người, cái từ loài người này đối với nó sẽ có ít nhiều ý nghĩa. Không, sự nhạy cảm này lúc đầu chỉ giới hạn trong những người đồng loại không phải là không hề quen biết nó mà chỉ có những người có quan hệ với nó, những người mà sự quen thuộc đã làm cho nó quý mến hoặc cần họ, những người mà nó thấy rõ là có cùng những cách suy nghĩ và cảm nhận giống như của nó, những ai mà nó thấy có nguy cơ bị những khổ cực mà nó đã phải chịu đựng và cảm nhận được những lạc thú mà nó đã nếm trải, những ai mà, nói gọn lại là sự đồng nhất về bản chất bộc lộ rõ hơn khiến nó có một trạng thái tinh thần thuận lợi hơn để yêu nhau. Chỉ sau khi đã trau dồi cái tự nhiên của nó bằng hàng ngàn phương cách, sau biết bao suy nghĩ về những tình cảm riêng của nó và về những tình cảm nó nhận xét được ở những người khác, nó mới có thể đi tới chỗ khái quát hóa những khái niệm cá nhân của nó thành ý tưởng trừu tượng về nhân loại, và gắn kết những xúc cảm có thể đồng nhất hóa nó với giống loài của nó, với những xúc cảm riêng của bản thân nó.

Trong khi có thể trở nên quyến luyến với người khác thì nó trở nên nhạy cảm với sự quyến luyến của người ta[171], và qua đó chính là để ý đến các dấu hiệu về sự quyến luyến này. Các vị có thấy đó là một quyền lực mới mẻ đến thế nào mà các vị sắp đạt được đối với nó? Biết bao nhiêu mối quan hệ thân thiết các vị đã đặt quanh trái tim nó trước khi nó kịp nhận ra! Sao nó lại không cảm nhận được gì khi mà ngoảnh nhìn lại bản thân, nó sẽ thấy điều các vị đã làm cho nó; khi nó có thể tự so sánh với những chàng trai cùng trang lứa, và so sánh quý vị với những người thầy khác! Tôi nói khi nó sẽ nhận ra, nhưng quý vị đừng có nói ra điều ấy với nó; nếu quý vị nói ra với nó điều đó, nó sẽ không nhận ra đâu. Nếu các vị đòi hỏi nó phải vâng lời để đáp lại những chăm sóc mà các vị đã dành cho nó, nó sẽ thấy rằng các vị đã đánh lừa nó: Nó sẽ tự nhủ rằng trong khi các vị giả bộ làm ơn cho nó một cách vô tư thì các vị lại dự tính đến việc bắt nó phải mang một món nợ phải trả và ràng buộc nó bằng một khế ước mà nó chẳng bằng lòng tí nào. Thật hoài công nếu các vị lại nói thêm rằng, điều mà các vị đòi hỏi ở nó chỉ là vì chính bản thân nó mà thôi: Rốt cuộc là các vị đòi hỏi, và các vị đòi hỏi nhân danh điều mà các vị đã làm mà không cần sự đồng ý hay thuận tình của nó. Khi một kẻ bất hạnh lấy tiền mà người ta giả bộ cho hắn, rồi thấy mình bị ghi tên đăng lính dù hắn không muốn thế, các vị kinh ngạc về sự bất công.: Thế thì liệu các vị phải chăng còn bất công hơn thế khi đòi hỏi học trò của các vị phải trả giá cho việc chăm sóc của các vị mà nó không hề chấp nhận?

Sự bạc bẽo sẽ ít hơn nếu những ân huệ được đền đáp gấp bội ít được ai biết đến. Người ta thích cái gì đem lại điều tốt cho ta: Đó là tình cảm quá tự nhiên! Sự bạc bẽo không có sẵn trong trái tim con người nhưng thói hám lợi thì có đấy: Có ít người chịu ơn mà bạc bẽo hơn là những người hảo tâm vụ lợi. Nếu anh bán cho tôi các quà tặng của anh, tôi sẽ mặc cả về giá; nhưng nếu anh giả bộ trao tặng để rồi về sau lại bán theo giá của anh thì đó là anh chơi trò gian lận: Chính vì cho không mà làm cho vật tặng trở thành vô giá. Trái tim chỉ chấp nhận luật lệ của trái tim, có ai muốn trói buộc nó thì người ta tháo gỡ ra; người ta chinh phục được nó vì để nó được tự do.

Khi người ta thả mồi xuống nước câu cá, con cá bơi đến, và cứ ở quanh quẩn bên người ấy không có chút gì ngờ vực, nhưng khi đã mắc phải lưỡi câu giấu kín trong miếng mồi, con cá nhận ra là cần câu giật lên, nó tìm cách chạy trốn. Người câu cá phải chăng là kẻ hàm ơn? Con cá phải chăng là kẻ bội bạc? Có bao giờ ta thấy ai quên người làm ơn cho mình vì người ấy đã quên anh ta chưa? Trái lại người ấy luôn nói về chuyện ấy với sự thích thú, họ không hề nghĩ tới chuyện này mà chúng mủi lòng: Nếu anh ta có tìm được cơ hội để tỏ lòng cho người mình chịu ơn bằng một bất ngờ nào đó rằng anh ta vẫn nhớ những sự giúp đỡ của người ấy thì lúc đó anh ta mới thỏa mãn được sự hàm ơn với bao nhiêu là hoan hỉ tận đáy lòng. Với niềm vui biết mấy anh ta đã làm cho mình được nhận ra! Với biết bao nhiêu rung cảm anh ta nói với người làm ơn cho mình: Bây giờ đã đến lượt tôi! Đấy là tiếng nói chân chính của tự nhiên; không bao giờ một ân huệ thực sự lại tạo ra kẻ bội bạc.

Vậy nếu sự hàm ơn là một tình cảm tự nhiên, và nếu các vị không làm mất hết ảnh hưởng của nó vì sai lầm của các vị, thì các vị hãy tin chắc rằng, học trò của mình bắt đầu biết giá trị của những chăm sóc của các vị, sẽ nhạy cảm với chúng, cốt là các vị chẳng hề lấy đó mà đếm xỉa công lênh của mình, và những chăm sóc ấy đem lại cho các vị một uy tín trong trái tim học trò của mình mà không hề có gì hủy đi được. Nhưng trước khi các vị tin chắc được vào những thành quả này, xin các vị đừng làm nó mất đi vì các vị tỏ ra đáng giá như thế trước học trò của mình. Khoe khoang những việc mình giúp đỡ nó, là làm cho nó không thể chịu nổi những sự giúp đỡ ấy; làm cho nó lãng quên các việc ấy, chính là làm cho nó ghi nhớ lấy việc đó. Cho đến tận cái lúc đối xử với nó được như người lớn thì chớ bao giờ bàn về cái mà nó chịu ơn các vị, mà chỉ bàn về nó cư xử thế nào cho phải với nó mà thôi. Muốn làm cho nó trở nên dễ bảo, các vị hãy để nó tự do hoàn toàn; các vị hãy tránh mặt để cho nó phải tìm đến các vị; hãy nâng tâm hồn nó lên với các tình cảm cao thượng về sự hàm ơn, bằng cách bao giờ cũng chỉ nói với nó về những lợi ích của nó. Tôi chẳng hề muốn người ta cứ nói với nó rằng, việc người ta làm là vì lợi ích của nó trước khi nó có khả năng hiểu được điều đó; trong cái lối nói ấy, nó chỉ thấy có sự phụ thuộc của các vị và khéo nó chỉ coi các vị là thằng đầy tớ của nó mà thôi. Nhưng bây giờ, khi mà nó bắt đầu biết thế nào là thương yêu, nó cũng cảm nhận được mối liên hệ dịu ngọt đến thế nào có thể kết liên một con người với những gì mà nó yêu thích; và, trong cái nhiệt tình mà các vị không ngừng săn sóc đến nó không còn thấy gì là sự gắn bó của một tên nô lệ, mà là sự trìu mến của một người bạn. Mà chẳng có gì có trọng lượng đến thế trong trái tim con người bằng tiếng nói của tình bạn được nhận rõ bởi vì người ta biết rằng tình bạn ấy bao giờ cũng chỉ nói với ta về lợi ích của chúng ta. Người ta có thể tin rằng, một người bạn bị nhầm lẫn, nhưng không tin được rằng người ấy muôn lừa mình. Có khi người ta không tán thành các lời khuyên của bạn bè, nhưng không bao giờ người ta xem thường những lời khuyên ấy.

Cuối cùng chúng ta đi vào phạm trù đạo đức: Chúng ta sắp đi bước thứ hai của con người. Nếu điều đó ở đây là đúng chỗ, tôi sẽ thử trình bày ở đây xem những chuyển động ban đầu của trái tim làm nổi lên những tiếng nói đầu tiên của lương tri như thế nào, và những khái niệm đầu tiên về cái thiện và cái ác nảy sinh ra từ tình yêu và lòng thù hận ra sao: Tôi sẽ làm rõ các từ công lý và lòng tốt chẳng hề là những từ trừu tượng, những tồn tại đạo đức thuần túy được hình thành bởi lý trí, mà là những xúc cảm thật sự của tâm hồn được soi sáng bởi lẽ phải, và đó không phải chỉ là một tiến bộ được chỉ định bởi những cảm xúc đầu tiên có tính chất nguyên khởi của chúng ta, mà do lẽ phải một mình nó, độc lập với ý thức, người ta không thể nào thiết lập được bất kỳ một quy luật tự nhiên nào; và mọi quyền năng của tự nhiên đều chỉ là ảo tưởng nếu nó không dựa trên cơ sở của nhu cầu tự nhiên của lòng người[172]. Nhưng tôi nghĩ rằng, tôi không có gì phải làm ở đây với các công trình siêu hình học và đạo đức, kể cả các bài giảng thuộc bất kỳ loại nào; tôi chỉ cần làm rõ trình tự và sự tiến triển của các tình cảm và sự hiểu biết của chúng ta trong mối quan hệ với thể trạng của mình. Những điều tôi mới chỉ nêu ra ở đây có thể sẽ được chứng minh bởi những người khác.

Vì Émile của tôi cho đến tận bây giờ vẫn chỉ nhìn thấy chính nó thôi, cái nhìn đầu tiên của nó vào đồng loại của mình đưa nó đến chỗ tự so sánh với họ; và tình cảm đầu tiên mà sự so sánh ấy kích động ở lòng nó là thèm muốn vi trí đứng đầu. Đấy là điểm mà lòng yêu bản thân biến thành lòng tự ái, và cũng từ đó mà bắt đầu nảy sinh ra tất cả các dục vọng bắt nguồn từ lòng tự ái ấy. Nhưng muốn xác định xem trong số các dục vọng chi phối tính tình của nó, những dục vọng nào sẽ nhân đạo và dịu dàng hay lại là tàn nhẫn và tai hại, đó sẽ là những dục vọng hào hiệp và thương xót, hay đố kỵ và thèm khát, thì ta lại cần phải biết đứa trẻ sẽ cảm thấy nó đứng vào địa vị nào giữa người đời, và nó sẽ tin tưởng phải thắng các loại trở ngại nào để đạt đến địa vị mà nó muốn chiếm.

Muốn hướng dẫn nó trong việc tìm tòi này thì sau khi đã chỉ cho nó thấy rõ người đời qua các tai biến chung cho cả giống loài, bây giờ lại phải cho nó thấy rõ người đời qua các điểm dị biệt của họ. Ở đây ta đi đến chỗ phải nghiên cứu sự bất bình đẳng tự nhiên và xã hội và bức tranh của toàn bộ trật tự xã hội.

Cần phải nghiên cứu xã hội qua con người và nghiên cứu con người qua xã hội: Những ai muốn luận giải một cách riêng biệt về chính trị, và đạo đức sẽ không hiểu được gì cả về một trong hai cái đó. Trước hết, bằng cách chú trọng đến những tương quan nguyên thủy, người ta thấy được các tương quan ấy ảnh hưởng đến con người như thế nào, và các ham muốn nào phải từ đó phát sinh ra: Người ta thấy rằng một cách tương hỗ, chính là do sự phát triển của các ham muốn mà các mối tương quan ấy trở thành nhiều hơn và mật thiết hơn. Chính sự ôn hòa của tấm lòng hơn là sức mạnh của cánh tay làm cho con người độc lập và tự do. Ai ít ham muốn thì ít cần đến người khác, nhưng vì luôn luôn nhầm lẫn các khát vọng hão huyền của mình với các nhu cầu vật chất, nên những ai mà coi các nhu cầu ấy là nền tảng của xã hội loài người thì luôn luôn coi các hậu quả là nguyên nhân và chỉ lạc lối trong tất cả các lập luận của họ mà thôi.

Trong trạng thái tự nhiên, có một sự bình đẳng về thực chất mang tính hiện thực và không thể xóa bỏ được, vì trong trạng thái ấy, sự khác biệt duy nhất từ người này đến người kia không thể đủ lớn để làm cho kẻ này phụ thuộc vào kẻ kia. Trong trạng thái dân sự có một sự bình đẳng về pháp lý hư ảo và vô hiệu, vì rằng chính các phương tiện được dùng để duy trì sự bình đẳng ấy lại được dùng để hủy hoại sự bình đẳng ấy, và vì rằng công quyền lại giúp thêm cho kẻ mạnh hơn để áp bức kẻ yếu làm phá vỡ thế cân bằng mà tự nhiên đã lập nên giữa các con người ấy[173]. Từ mâu thuẫn đầu tiên ấy nảy sinh ra tất cả các mâu thuẫn khác mà ta nhận thấy trong trật tự dân sự, giữa bề ngoài và thực tại. Luôn luôn đa số bị hy sinh cho thiểu số, và công lợi hy sinh cho tư lợi; luôn luôn các danh từ dùng để tô vẽ về công lý và phục tùng sẽ dung làm công cụ cho bạo lực và lợi khí cho sự bất công.: do đó, các tầng lớp ưu tú tự cho là hữu ích cho các tầng lớp khác thực ra là chỉ hữu ích cho chính tầng lớp ấy nhờ vào việc làm thiệt hại cho các tầng lớp khác: do vậy ta phải phê phán về sự trọng vọng dành cho họ căn cứ theo lẽ công bằng và lý trí. Lại còn phải biết xem đẳng cấp mà họ đã tự tiện dành lấy cho mình có thuận lợi hơn cho hạnh phúc của những kẻ đang chiếm giữ đẳng cấp ấy hay không để biết được mỗi người trong chúng ta phải phán đoán như thế nào về số phận của chính mình. Đấy, bây giờ là việc nghiên cứu của chúng ta, nhưng muốn làm việc này cho tốt thì cần phải bắt đầu bằng việc tìm hiểu lòng người.

Nếu chỉ là để chỉ cho bọn trẻ thấy con người qua cái mặt nạ của họ thì ta chẳng cần phải chỉ cho chúng, chúng rồi sẽ luôn luôn thấy họ; nhưng chính vì cái mặt nạ chẳng phải là người và không được để vẻ hào nhoáng của cái mặt nạ ấy quyến rũ chúng nên khi miêu tả con người cho chúng, thì các vị hãy miêu tả con người theo đúng chân tướng của nó, không phải là nhằm làm cho chúng ghét bỏ họ mà làm cho chúng ái ngại cho họ và không muốn giống như họ. Theo ý tôi, đó là sự cảm nhận thông minh hơn cả mà con người có thể có được đối với giống loài của mình.

Trong cách nhìn nhận này, cần phải chọn một con đường ngược lại với con đường chúng ta đã theo từ trước đến nay và phải dạy cho thanh niên bằng kính nghiệm của người ngoài hơn là bằng kinh nghiệm của bản thân nó. Nếu mọi người lừa nó, nó sẽ ghét họ; nhưng nếu được họ tôn trọng thì nó thấy họ lừa lẫn nhau, nó sẽ thấy thương hại họ. Tấn trò đời, như Pythagore đã nói, giống như quang cảnh các trò thi đấu Olympique: một số người này kinh doanh ở đó và chỉ nghĩ đến lợi nhuận, những người khác thì trả giá ở đó bằng sự liều mình và tìm kiếm danh vọng; những người khác nữa thì chỉ xem các trò thi đấu, và những người ấy chẳng phải là những người tệ nhất.

Tôi muốn rằng, chúng ta chọn lựa những mối giao tiếp của chàng thanh niên để cho anh ta nghĩ tốt về những người sống cùng với mình; và chúng ta dạy cho anh ta biết rất rõ xã hội; để anh ta nghĩ xấu về mọi chuyện xảy ra trong nhân gian. Anh ta phải biết rằng, con người bản chất là tốt, anh ta phải cảm nhận đưre điều đó, anh ta phải tự mình xét đoán đồng loại; nhưng anh ta phải thấy rõ xã hội làm biến chất và làm hỏng con người như thế nào, anh ta phải biết nguồn gốc của một thói xấu của con người nằm trong các thành kiến, anh ta phải có khả năng đánh giá từng cá nhân nhưng phải biết coi thường số đông; anh ta phải thấy rằng, mọi người đều mang gần như là cùng một thứ mặt nạ, nhưng anh ta cũng phải biết rằng có những bộ mặt còn đẹp hơn cái mặt nạ che đậy chúng.

Cần phải thú thật rằng, phương pháp này có những bất tiện của nó và không phải dễ dàng áp dụng vào thực tế, bởi vì, nếu chàng trai trở thành người quan sát quá sớm; nếu các vị tập luyện cho anh ta dò xét quá sát sao hành động của người khác, các vị sẽ biến anh ta thành hay gièm pha và nhạo báng; xét đoán một cách võ đoán và nóng vội; anh ta sẽ tạo ra cho mình sự thích thú khả ố là tìm những cách giải thích hiểm ác cho mọi sự, và không hề thấy có gì là tốt ngay cả với cái thật là tốt. Ít ra thì anh ta cũng quen với cảnh tượng của tật xấu, và với việc xem những kẻ ác độc mà không thấy gớm guốc, giống như là người ta quen nhiều những người đau khổ mà không xót thương. Chẳng mấy chốc sự hư hỏng phổ biến ít có tác dụng làm bài học cho anh ta hơn là làm cho anh ta khoan thứ: Anh ta sẽ tự nhủ rằng, nếu con người là như vậy thì anh ta chẳng cần phải muốn trở nên khác họ.

Còn nếu các vị muốn dạy anh ta về nguyên tắc và làm cho anh ta biết bản chất của lòng người, cùng tác dụng của những nguyên nhân bên ngoài làm biến đổi các khuynh hướng của chúng ta thành thói xấu, như vậy là chuyển anh ta ngay lập tức từ các đối tượng có thể cảm nhận được sang các đối tượng của nhận thức, là các vị sử dụng một phép siêu hình mà anh ta không có khả năng hiểu được; các vị lại rơi vào cái trở ngại mà từ trước đến nay ta cố tránh rất cẩn thận, là cho anh ta các bài học giống như các bài học, là đem vào đầu óc anh ta kinh nghiệm và uy tín của ông thầy thay thế cho kinh nghiệm riêng của anh ta và sự tiến bộ của lý trí anh ta.

Để cùng một lúc khắc phục được cả hai trở ngại này và để đặt lòng người vừa tầm hiểu biết của anh ta mà không làm hỏng tấm lòng của anh ta, tôi muốn chỉ cho anh ta thấy những con người ở xa xôi, giới thiệu cho anh ta thấy họ trong những thời kỳ khác hoặc ở những nơi khác và sao cho anh ta thấy cảnh tượng mà không bao giờ có thể hành động ở đó được. Đây là lúc dùng được đến lịch sử, chính nhờ lịch sử mà anh ta biết rõ lòng dạ con người mà không cần đến các bài học về triết học; chính là qua lịch sử mà anh ta sẽ trông thấy họ như một khán giả đơn thuần, không vụ lợi mà cũng không thiên kiến, giống như thẩm phán của họ chứ không phải là kẻ đồng lõa với họ hoặc như người buộc tội họ.

Muốn biết con người thì cần phải xem họ hành động. Trong xã hội ta nghe họ nói; họ phô diễn lời nói của họ và che giấu hành động của họ; nhưng trong lịch sử các hành động ấy bị bóc trần và ta xét đoán họ theo các sự kiện. Chính lời nói của họ cũng giúp vào việc đánh giá họ, vì khi đem so sánh điều họ làm với điều họ nói, người ta thấy cùng một lúc chân tướng của họ và cái mà họ muốn phô bày: Hạ càng giả dối bao nhiêu người ta lại càng biết rõ họ bấy nhiêu.

Rủi thay, việc nghiên cứu này có các nguy hiểm của nó, các điều bất tiện nhiều loại. Thật khó mà đặt mình vào một quan điểm để từ đó ta có thể phê phán đồng loại một cách công bằng. Một trong những khuyết điểm lớn của lịch sử là mô tả con người thiên về các khía cạnh xấu xa của họ nhiều hơn là những mặt tốt của họ; vì lịch sử chỉ đáng chú ý ở các cuộc cách mạng, các biến cố, nên chừng nào một dân tộc phát triển và thịnh vượng trong thanh bình của một chính thể an hòa thì lịch sử lại chẳng hề nói đến; nó chỉ bắt đầu nói đến dân tộc nọ khi thấy tự mình không tự túc được mà can thiệp vào công việc của các nước láng giềng hoặc để cho các nước láng giềng can thiệp vào việc của mình; lịch sử chỉ nêu bật họ lúc họ đã trên đường suy vong: Toàn bộ lịch sử của chúng ta bắt đầu ở chỗ đáng ra phải kết thúc. Chúng ta có tài liệu rất chính xác về các dân tộc tự tiêu diệt; cái mà chúng ta thiếu là lịch sử các dân tộc đang sinh sôi, họ khá là hạnh phúc và khá khôn ngoan khiến cho lịch sử chẳng có gì mà nói về họ: Và thực vậy chúng ta thấy ngay trong thời đại của mình các chính thể xử sự tốt nhất lại được người ta ít nói đến nhất. Vậy là chúng ta chỉ biết được cái xấu còn cái tốt thì chỉ mới tạo được thời cơ của mình trong lịch sử mà thôi. Chỉ có kẻ ác mới nổi danh còn người hiền thì bị quên lãng hay lại còn bị biến thành trò cười: Lịch sử cũng như triết học, cứ luôn luôn vu khống loài người như thế đó.

Hơn nữa, các sự kiện được miêu tả trong lịch sử chưa phải là bức tranh chính xác của cũng các sự kiện ấy như chúng đã xảy ra: Chúng biến dạng đi trong đầu óc các nhà sử học, bị cuốn theo các lợi ích của họ và bị nhuốm màu sắc các thành kiến của họ. Ai là kẻ biết đặt độc giả vào đúng địa điểm mà sự kiện đã xảy ra để nhìn rõ một biến cố đúng như diễn biến đã qua? Cái ngu dốt hoặc thói thiên vị đã cải trang tất cả: Ngay cả khi không làm sai lạc một nét lịch sử nào đi nữa thì chỉ cần mở rộng hoặc thu hẹp các hoàn cảnh liên quan đến nó là người ta đã có thể tạo cho nó biết bao bộ mặt khác nhau! Các vị hãy đặt cùng một đối tượng để xem xét ở những điểm nhìn khác nhau thì đối tượng ấy chỉ hao hao giống nhau thôi, tuy nhiên có gì thay đổi đâu, duy chỉ có cách nhìn của người quan sát là khác nhau mà thôi. Để vinh danh chân lý, nói cho tôi nghe về một sự kiện có thực mà lại làm cho tôi thấy nó khác hẳn so với nó đã từng xảy ra thì liệu có đáng không? Đã có bao nhiêu lần chỉ thừa hay thiếu có một cái cây, chỉ một tảng đá ở bên trái hay ở bên phải, chỉ một luồng gió cuốn đám bụi bốc lên đã quyết định kết quả của trận đánh mà có ai là người đã nhận ra điều ấy? Điều này có ngăn trở nhà sử học nói cho các vị biết nguyên do thất bại hay thắng lợi với sự tin chắc cứ như ông ta có mặt ở khắp nơi không? Song các sự kiện tự nó có quan hệ gì đến tôi khi tôi vẫn chẳng hay biết gì về lý do dẫn đến các sự kiện ấy? Và tôi có thể rút ra được bài học nào ở một biến cố mà tôi không biết được nguyên nhân đích thực của nó? Nhà sử học có đưa ra cho tôi một nguyên nhân của sự kiện ấy nhưng đó là ông ấy bịa ra; và ngay cả sự phê bình mà người ta làm rùm beng lên thì cũng chỉ là một nghệ thuật phỏng đoán, nghệ thuật lựa chọn giữa nhiều cách nói dối trá xem cách nói dối nào có vẻ giống hơn cả với sự thật mà thôi.

Các vị đã bao giờ đọc Cléopâtre hay Cassandre[174], hay các cuốn sách thuộc loại này chưa? Tác giả chọn một sự kiện nổi tiếng, rồi xào xáo nó lại theo cách nhìn nhận của mình, tô điểm thêm đôi ba chi tiết hư cấu, các nhân vật chưa bao giờ từng tồn tại trên đời, cùng với những chân dung tưởng tượng, chồng chất hết hư cấu này đến hư cấu nọ để làm cho người đọc nó thấy thoải mái. Tôi thấy ít có sự khác nhau giữa những tiểu thuyết này với những lịch sử của các vị, nếu không phải là người viết tiểu thuyết dành phần trội hơn cho sự tưởng tượng của ông ta còn nhà sử học thì lệ thuộc hơn vào những tưởng tượng của người khác: Nếu người ta muốn, tôi chỉ nói thêm vài lời rằng, nhà tiểu thuyết nêu ra một đối tượng đạo đức tốt hay xấu còn nhà sử học thì chẳng hề quan tâm đến chút nào.

Người ta sẽ bảo tôi rằng, sự chân thực của lịch sử kém hấp dẫn hơn sự thật về các phong tục và tính cách; miễn là trái tim con người được mô tả thật hay thì chẳng quan trọng mấy về các sự kiện phải được nêu ra một cách trung thực: Bởi lẽ, người ta nói thêm thế này, rốt cuộc thì các sự kiện xảy ra từ hai ngàn năm trước động chạm gì đến chúng ta chứ? Người ta có lý nếu các chân dung được mô tả đúng với bản chất; nhưng nếu phần lớn chỉ theo những hình mẫu trong tưởng tượng của nhà sử học, thế thì chẳng phải đã lại rơi vào sự phiền toái mà người ta muốn tránh xa và trả lại cho uy tín của nhà văn cái mà người ta muốn tước bỏ như tước đi ở uy tín của nhà giáo hay sao? Nếu học trò của tôi chỉ được thấy những quang cảnh tưởng tượng thì tôi thích bức tranh ấy do tay tôi vẽ nên hơn là bàn tay kẻ khác; ít ra là chúng cũng sẽ thích hợp hơn với học trò tôi.

Đối với một thanh niên thì các nhà sử học tệ hại nhất là những người hay phê phán. Chỉ các sự kiện thôi! Chỉ các sự kiện thôi và để cho người thanh niên tự mình phán đoán lấy, có như thế thì nó mới học cách biết được con người. Nếu sự phán đoán của tác giả cứ hướng dẫn nó mãi thì nó chỉ biết nhìn bằng con mắt của kẻ khác; và khi thiếu con mắt ấy thì nó không còn nhìn thấy gì cả.

Tôi để riêng lịch sử cận đại ra một bên, chẳng những là vì nó không còn những đường nét tạo nên một bộ mặt đặc thù và các nhân vật của chúng ta thì tất cả đều giống nhau, mà còn vì các nhà sử học của chúng ta chỉ cố làm sao cho nổi danh nên chỉ nghĩ đến việc tả chân dung tô vẽ cho thật đậm màu mà thường là chẳng lột tả được cái gì hết[175]. Các nhà sử học cổ điển thường hay tả chân dung ít hơn, để ít lý trí mà nhiều xúc cảm hơn trong sự phán đoán của họ, nhưng giữa các nhà sử học cổ điển này lại còn phải lựa chọn thật cẩn thận và trước hết là đừng chọn các vị chính xác nhất, mà nên chọn các vị giản dị nhất. Tôi không muốn đặt vào tay thanh niên sách của Polybe[176] hay Sal1uste[177]; sách của Tacite[178] là sách của các cụ già, các thanh niên không được đào tạo để hiểu nó: Cần phải học cách nhận ra trong các hành động của con người những đặc điểm đầu tiên của lòng người trước khi muốn thăm dò các tầng sâu thẳm; cần phải biết thấu hiểu chính xác các sự kiện trước khi hiểu thấu các châm ngôn. Triết học bằng châm ngôn chỉ thích hợp với kinh nghiệm mà thôi. Tuổi trẻ không nên khái quát hóa cái gì hết: Toàn bộ sự học hỏi của lứa tuổi này phải theo những quy tắc đặc thù.

Theo ý tôi thì Thucydide[179] thực sự là mẫu mực của các nhà sử học. Ông thuật lại các sự kiện mà không phê phán chúng; nhưng không hề bỏ sót một trường hợp nào tự nó giúp chúng ta tự phán đoán lấy về các sự kiện ấy. Ông đặt tất cả những gì ông kể lại dưới con mắt độc giả, không hề xen mình vào giữa các biến cố và độc giả, mà ông lánh đi; làm cho người ta không tưởng rằng đọc nữa mà tưởng rằng nhìn thấy. Rủi thay, ông luôn chỉ nói về chiến tranh và người ta hầu như chỉ thấy trong các truyện của ông cái điều ít bổ ích nhất cho sự hiểu biết ở đời, đó là các trận mạc. Cuộc rút lui của một vạn quân[180] và Bút ký của César[181] gần như là cũng cùng có các ưu điểm và khuyết điềm ấy. Hérodote[182] trung hậu không tả hình dáng, không dùng châm ngôn, nhưng lưu loát, chất phác, đầy những chi tiết có thể gây hứng thú và làm đẹp lòng người đọc nhất, có lẽ là nhà sử học giỏi nhất nêu những chi tiết ấy không thường hay biến thành những sự giản đơn ấu trĩ, thích hợp với việc làm hỏng đi hơn là đào tạo khiếu thưởng thức cho lớp trẻ: Cần phải có đầu óc biết suy xét rồi mới đọc ông được. Tôi không nói gì về Tite-live[183], mà nói đến sau, nhưng ông là nhà chính trị, giáo sư về khoa hùng biện, ông là tất cả những gì không thích hợp với lứa tuổi này.

Lịch sử nói chung là hay khiếm khuyết ở chỗ chỉ ghi lại những sự kiện dễ nhận ra và nổi bật, mà người ta có thể xác định được bằng những tên tuổi, những địa điểm, những niên hiệu; nhưng các nguyên nhân chậm chạp và tuần tiến của các sự kiện đó, vì không thể lộ rõ ra như thế cho nên vẫn không bao giờ được biết đến. Người ta thường thấy trong một trận thắng hay bại, nguyên nhân của một cuộc cách mạng đã trở nên không sao tránh khỏi từ trước khi trận đánh ấy xảy ra. Chiến tranh hầu như chỉ biểu lộ những biến cố đã được quyết định từ trước bởi các nguyên nhân tinh thần mà các nhà sử học ít khi biết cách nhận ra.

Đầu óc triết lý đã xoay chuyển các suy tưởng của nhiều nhà văn thuộc thế kỷ này[184] theo chiều hướng ấy, nhưng tôi không dám chắc rằng việc làm của họ có ích cho chân lý. Vì sự say mê các phương thức đã xâm chiếm họ tất cả, không còn một ai tìm tòi cho ra chân tướng của sự vật, mà sự nhìn nhận chúng theo kiểu chúng hợp với phương thức của họ.

Hãy thêm vào tất cả các suy tưởng ấy rằng lịch sử trình bày các hành động hơn là những con người vì lịch sử chỉ thấy được những con người ấy vào vài lúc đã được lựa chọn nào đó, trong bộ y phục phô trương của họ; lịch sử chỉ trình bày con người của công chúng vốn tự xếp đặt trước để được mọi người trông thấy: Lịch sử không hề theo dõi ở nhà họ, ở văn phòng của họ, trong gia đình họ, giữa bạn bè của họ; lịch sử chỉ mô tả họ khi họ phô diễn, đúng là mô tả chính y phục của họ hơn là con người họ.

Để bắt đầu nghiên cứu lòng người, tôi thích đọc các tiểu sử riêng hơn, vì lúc bấy giờ con người có lấn tránh cũng vô hiệu, nhà viết sử truy tìm họ khắp nơi; ông ta không để họ lúc nào yên, không một xó xỉnh nào trốn khỏi con mắt sắc sảo của khán giả; và chính cái lúc họ tưởng ẩn náu kín đáo nhất lại là lúc làm cho người ta hiểu họ rõ nhất. Montaigne đã nói: “Những người nào viết tiểu sử càng thích các nghị quyết hơn các biến cố, thích những gì xuất phát từ nội tâm hơn là những gì xảy ra từ bên ngoài thì người đó càng hợp với tôi: Chính vì thế, trong một vấn đề Plutarque là con người cần cho tôi.”

Quả thực, đặc tính của những người hợp quần cùng nhau hay của các dân tộc khác xa với tính cách của con người riêng lẻ và có lẽ ta sẽ hiểu lòng người rất không đầy đủ nếu ta không xét tấm lòng ấy trong quần chúng đông đảo: Nhưng có điều cũng không kém phần xác thực là phải bắt đầu bằng việc nghiên cứu con người riêng lẻ để phán đoán về những người khác, và ai hiểu biết được hoàn toàn các khuynh hướng của từng cá nhân thì sẽ có thể dự đoán được các tác dụng phối hợp của các khuynh hướng ấy trong toàn dân tộc.

Ở đây ta còn cần phải nhờ đến người xưa vì những lý lẽ mà tôi đã nói, và hơn nữa, tất cả các chi tiết quen thuộc và thấp hèn, nhưng lại xác thực và đặc sắc đã bị loại ra khỏi văn phong hiện đại, nên con người cũng được các tác giả của chúng ta tô điểm trong đời tư của họ như trên sân khấu xã hội. Vậy sự đoan trang, không kém phần nghiêm ngặt trong văn phạm cũng như trong hành động, chi còn cho phép chúng ta nói trước công chúng những gì mà nó cho phép làm ở đó, và, vì người ta chỉ có thể trình bày những con người luôn luôn phô diễn, nên người ta không biết được họ trong sách vở hơn là trên sân khấu của chúng ta. Người ta sẽ hoài công viết đi viết lại hàng trăm lần tiểu sử của các vua chúa, vì chúng ta không còn có các Suétone[185] nữa.

Plutarque sở trưởng về chính các chi tiết mà chúng ta không dám đi sâu vào chúng hơn nữa. Ông có cái duyên không sao bắt chước nổi khi mô tả các vĩ nhân trong các việc nhỏ nhặt và ông thật tài tình trong việc lựa chọn các nét tính cách đến nỗi thường chỉ một lời nói, một nụ cười, một điệu bộ đủ giúp ông biểu thị đặc tính nhân vật của mình. Với một lời pha trò, Annibal làm yên lòng đạo quân đang khiếp đảm của mình và khiến cho đoàn quân ấy vui vẻ tiến lên chiếm được nước Ý cho ông ta: Agésilas[186] đi ngựa bằng một cái gan, làm cho tôi yêu kẻ chiến thắng được đại đế, César khi đi qua một làng nghèo và trò chuyện với bạn bè đã vô tình để lộ ra con người xảo quyệt trong ông ta, ông ta nói rằng[187] chỉ muốn sánh ngang với Pompée[188], Alexandre uống một bát thuốc mà chẳng nói một lời: Đó là giây phút cao đẹp nhất của đời ông. Aristide viết tên ông trên một vỏ trai[189] và như thế ông biện chính được biệt danh của mình. Philopoemen[190] cởi áo choàng, xuống bếp chặt củi cho ông chủ nhà cho ông ở. Đấy mới là thực sự nghệ thuật mô tả. Diện mạo không lộ ra ở các đường nét lớn, tính cách không lộ ra ở những hành động lớn; chính trong các điều lặt vặt mà bản tính mới lộ ra. Các việc công thì hoặc quá nhàm, hoặc quá cầu kỳ, song hình như chỉ riêng về các việc ấy, vẻ trang trọng đương thời mới làm cho các tác giả của chúng ta quan tâm đến.

Một trong những con người vĩ đại nhất của thế kỷ trước hiển nhiên là ông Turenne. Người ta đã cả gan làm cho tiểu sử của ông trở nên thú vị bằng những tiểu tiết mà nhờ đó làm cho người ta hiểu biết về ông và yêu quý ông; nhưng người ta đã tự thấy phải bỏ bớt đi một số các chi tiết lẽ ra còn làm cho ông được hiểu biết và được yêu quý hơn nữa! Tôi sẽ kể ra một chi tiết thôi, mà tôi đã thu thập được ở chỗ đáng tin cậy, mà Plutarque chắc không muốn bỏ sót, nhưng Ramsai[191] có lẽ lại không muốn viết ra, dù cho ông ta biết chi tiết ấy.

Vào một ngày hè rất oi bức, tử tước Turenne mặc áo ngắn màu trắng và đội mũ trùm, đang đứng ở cửa sổ trong tiền sảnh, một người trong đám gia nhân của ông bất ngờ đi tới và lầm lẫn vì cách phục sức như vậy, tưởng đó là người phụ bếp mà người gia nhân này rất thân thiết. Anh ta bước nhẹ đến phía sau ông và dùng bàn tay phát thật mạnh vào mông ông tử tước. Người bị đánh lập tức quay ngoắt lại. Tên đầy tớ run bắn người khi nhìn thấy mặt ông chủ. Hắn cuống quýt quỳ xuống: Thưa ngài, tôi cử tưởng là thằng George...ông Turenne vừa xoa mông vừa hét lên: Thì có là thằng George đi chăng nữa… Cũng không nên đánh mạnh đến thế. Đấy, vậy đấy là điều mà các người không dám nói ra hỡi những kẻ khốn khổ kia? Vậy các người cứ mãi mãi không tự nhiên, không tâm tình. Hãy rèn đúc, tôi luyện trái tim sắt đá của các người trong sự đoan chính đê tiện của các người; hãy làm cho các người đáng bị khinh miệt vì cố ra vẻ trang trọng. Còn cậu, hỡi chàng thanh niên đáng mến, cậu đang đọc đoạn này và đang cảm thấy, với niềm xúc động, tất cả sự hiền hậu mà ông Turenne đã biểu hiện ra, ngay trong động thái cảm xúc đầu tiên, hãy đọc cả các chuyện nhỏ nhen của bậc vĩ nhân này khi chạm đến vấn đề dòng dõi và thanh danh của ông. Cậu hãy nghĩ rằng cũng chính ông Turenne ở chỗ nào cũng cố tỏ vẻ nhường người cháu của mình đi trước[192]để cho người ta thấy rõ rằng đứa trẻ này là một tộc trưởng của một vương gia. Cậu hãy so sánh những nét tương phản đó, hãy yêu tính tự nhiên, hãy xem thường dư luận và hãy hiểu biết con người.

Rất ít người có khả năng nhận thức được hiệu quả mà việc đọc sách được hướng dẫn như thế có thể gây ra cho trí tuệ hoàn toàn mới mẻ của một thanh niên. Vùi đầu vào sách vở từ bé, quen đọc mà không suy nghĩ, những gì ta đọc càng ít làm ta xúc động vì chúng ta đã mang sẵn trong mình những đam mê và những thành kiến đầy rẫy trong lịch sử và tiểu sử của các nhân vật, mọi việc họ làm chúng ta đều xem như có vẻ tự nhiên bởi vì chúng ta đứng ngoài tự nhiên mất rồi và vì chúng ta xét đoán người khác theo kiểu suy bụng ta ra bụng người. Nhưng xin hãy tưởng tượng rằng, một thanh niên được giáo dục theo các châm ngôn của tôi, xin hãy hình dung Émile của tôi mà mười tám năm không ngừng chăm sóc chỉ nhằm mục đích bảo tồn lấy một óc xét đoán công minh và một trái tim lành mạnh; xin hãy hình dung cậu ta, vào lúc kéo màn lên, đưa mắt nhìn lần đầu tiên sân khấu xã hội, hay tốt hơn nữa là để cậu ta ở hậu trường xem các diễn viên mặc vào và cởi bỏ y phục của họ và đếm các dây thừng và ròng rọc mà trò ảo thuật thô thiển lừa dối con mắt khán giả: Thì chẳng bao lâu, tiếp sau sự ngạc nhiên của cậu ấy sẽ là sự xấu hổ và khinh miệt đối với giống loài mình: Cậu sẽ tức giận thấy cả loài người đều là thế cả, tự dối mình, tự coi rẻ mình bằng những trò chơi trẻ con; cậu sẽ đau đớn nhìn thấy đồng bào của cậu xâu xé nhau vì những mơ tưởng và biến thành ác thú vị không yên phận làm người.

Chắc chắn rằng, với thiên tư của người học trò, chỉ cần ông thầy biết thận trọng và chọn lọc đôi chút trong việc đọc sách của nó, chỉ cần ông thầy biết đặt nó vào luồng các suy tưởng mà nó cần rút ra trong việc đọc đó, sự tập luyện này đối với nó sẽ là một bài giảng về triết học thực hành chắc chắn là hay hơn và dễ hiểu hơn tất cả mà suy lý rỗng tuếch mà người ta thường làm rối trí các thanh thiếu niên trong các học đường của ta. Sau khi đã theo dõi các dự tính viển vông của Pyrrhus, Cynéas[193] hỏi ông ta rằng, cuộc chinh phục thế giới sẽ đem lại cho ông ta lợi ích thực sự mà ngay hiện tại ông ta có thể hưởng thụ mà không bị biết bao nhiêu là giày vò; chúng ta chỉ thấy đó là ôn lại một câu hóm hỉnh: Nhưng Émile sẽ thấy ở đó một điều suy tưởng rất khôn ngoan, mà có lẽ nó nghĩ đến trước tiên, và điều suy tưởng ấy sẽ không bao giờ phai mờ được trong tâm trí cậu ấy bởi vì suy tưởng này không có thành kiến nào trái ngược[194] cản trở nó ghi khắc lại. Tiếp đó, khi đọc tiểu sử của con người điên khùng này, cậu sẽ thấy tất cả những mưu đồ đại sự của y đều khơi nguồn cho việc để mình bị giết bởi bàn tay một người đàn bà[195], thì thay vì ngưỡng mộ sự nghiệp anh hùng tự xưng đó, cậu sẽ thấy gì trong toàn bộ các chiến công của vị tướng soái tài ba như vậy, trong toàn bộ các âm mưu của một chính trị gia lỗi lạc như vậy, nếu không phải là chừng ấy bước đi để tìm đến viên ngói bất hạnh đó cho nó kết liễu đời y và các dự định của y bằng một cái chết ô nhục?

Tất cả những kẻ đi chinh phục không phải đều bị giết chết hết, tất cả những kẻ tiếm vị không phải đã thất bại hết trong sự chiếm đoạt của họ, và nhiều kẻ lại còn có vẻ hạnh phúc nữa đối với những người có đầu óc quá quen với những ý kiến tầm thường; nhưng nếu ai không để ý đến bề ngoài mà chỉ xét đoán hạnh phúc của con người theo trạng thái tâm hồn của người ấy, thì sẽ thấy những nỗi khổ ngay trong sự thành công, sẽ thấy các ham muốn của họ cùng những lo âu đang giày vò họ càng lan rộng ra và càng gia tăng cùng với vận may của họ, sẽ thấy họ hụt hơi khi tiến lên mà không bao giờ đạt đến giới hạn, sẽ thấy họ như hệt các du khách thiếu kinh nghiệm lần đầu tiên xông pha vào dãy núi Alpes, cứ tưởng rằng vượt một quả núi là sắp vượt được cả dãy Alpes, song khi lên tới đỉnh ngọn núi này lại sinh ra chán ngán vì trước mặt còn có những ngọn núi cao hơn.

Auguste sau khi đã khuất phục được đồng bào của mình và tiêu diệt hết các đối thủ, đã thống trị suốt bốn mươi năm trời một đế quốc rộng lớn chưa từng thấy: Nhưng tất cả cái quyền lực vô biên đó có ngăn cản được chăng ông ta đập đầu vào tường và thét vang trong lâu đài mênh mông khi ông ta đòi Varus đền cho ông các binh đoàn đã bị tiêu diệt của mình?[196] Khi ông ta đã thắng tất cả các kẻ thù của mình thì những chiến thắng vô ích ấy đã giúp gì được cho ông ta, trong khi những thống khổ đủ loại nảy sinh không ngớt quanh mình, trong khi các bằng hữu thân thiết nhất mưu sát mình và lại phải khóc than vì sự nhục nhã hay cái chết của tất cả những người thân thuộc của mình? Kẻ bất hạnh ấy đã muốn thống trị thiên hạ nhưng lại không biết tề gia. Những gì đã xảy ra do sự sao lãng ấy? Ông ta đã chứng kiến cái chết đang độ thanh xuân của cháu ông[197], của con nuôi[198] của con rể ông[199], cháu trai của ông đã phải lâm vào cảnh ăn lông thú nhồi đệm thường để mong sống them được vài giờ trong đời sống khốn khổ của nó; và cháu gái cùng con gái ông sau khi đã làm ô danh ông, kẻ thì vì khốn cùng và đói khát mà chết trên hoang đảo; kẻ thì bị một cung thủ giết chết trong ngục tối. Cuối cùng chính ông ta, người duy nhất còn lại của gia đình vô phúc này đã lâm vào cảnh chính vợ ông chỉ để lại mà con quái vật[200] để sau này kế vị ông ta. Đó là thân phận một chúa tể thiên hạ đã từng được ca tụng biết bao về vinh quang và hạnh phúc. Tôi tin rằng nếu có lấy một ai trong đám người sùng bái các vịnh quang và hạnh phúc ấy lại muốn chuốc lấy với cái giá phải trả như thế chăng?

Tôi lấy tham vọng làm ví dụ; những cuộc chơi của mọi dục vọng của con người đều cho những bài học giống nhau đối với ai muốn nghiên cứu lịch sử để tự biết về mình và trở nên đúng mực nhờ vào những người đã chết. Thời điểm đang tới gần là lúc mà cuộc đời của Antoine sẽ cho chàng thanh niên một bài học gần gũi hơn là bài học của Auguste. Émile sẽ không nhận ra được mình mấy nỗi trong các đối tượng xa lạ sẽ đập vào mắt mình suốt trong các nghiên cứu mới mẻ của cậu, nhưng cậu sẽ gạt được từ trước cái ảo tưởng của các đam mê khi nó chưa kịp nảy sinh; và vì thấy rằng bao giờ cũng vậy, các đam mê ấy làm cho con người mù quáng, cậu sẽ biết trước cái cách mà chúng sẽ làm cho đến lượt cậu bị mù quáng nếu có ngày cậu buông mình vào đó[201].

Tôi biết rằng, những bài học này là không thích hợp với cậu ấy; có thể nếu cần thì chúng sẽ là cho sau này và cũng không đầy đủ: Nhưng các vị hãy nhớ cho rằng, đó không phải là những bài học mà tôi muốn rút ra từ việc nghiên cứu này. Khi mở đầu việc nghiên cứa, tôi đưa ra một mục tiêu khác; và chắc chắn rằng nếu như mục tiêu ấy chưa được làm đầy đủ thì đó sẽ là lỗi của người thầy giáo.

Các vị hãy nghĩ rằng khi lòng tự ái vừa mới phát triển, là cái tôi tương đối không ngừng hoạt động, và không bao giờ chàng trai quan sát những kẻ khác mà không quay nhìn lại mình và tự so sánh mình với họ. Vậy là cần phải biết rằng, cậu ta tự xếp mình vào thứ bậc nào trong đồng loại sau khi đã xem xét kỹ về họ. Tôi thấy cái cung cách mà người ta bảo thanh niên đọc lịch sử, có thể nói là người ta muốn biến chúng thành tất cả các nhân vật mà chúng thấy, người ta cố gò cho chúng lúc thì trở thành Cieéron, lúc thì thành Trojan, lúc lại thành Alexandre, thế là làm chúng nản lòng khi trở về với chính mình; thế là làm cho mọi thanh niên đều tiếc rẻ rằng mình sao lại chỉ là mình thôi. Phương pháp này cũng có một vài lợi thế nào đó mà tôi không chối cãi đâu, nhưng với Émile của tôi nếu cậu, khi đối chiếu như thế mà có một lần duy nhất, thích làm một người khác hơn mình, dù cái người khác ấy có là Socrate, có là Caton, thì mọi sự hỏng hết: Con người bắt đầu tự trở nên xa lạ với chính mình, rồi chẳng lâu la gì mà quên mất mình hoàn toàn..

Thật chẳng phải là các triết gia hiểu biết hơn cả về con người đâu; họ chỉ thấy con người qua các thành kiến của triết học và tôi chẳng biết có nghề nghiệp nào nhiều thành kiến đến như thế. Một con người hoang dã xét đoán chúng ta lành mạnh hơn là cách xét đoán của nhà triết học. Nhà triết học nhận ra các tật xấu của mình và phẫn nộ trước những thói xấu của chúng ta và tự nhủ: Chúng ta đều độc ác cả; còn người hoang dã lại nhìn chúng ta mà chẳng hề động lòng và nói: Các anh là những thằng khùng. Anh ta có lý đấy, bởi vì chẳng có ai làm điều ác vì điều ác. Học trò của tôi là con người hoang dã này, với sự khác biệt ấy mà Émile vì suy nghĩ nhiều hơn, vì so sánh các ý tưởng nhiều hơn, vì thấy các sai lầm của chúng ta ở cận cảnh hơn, nên cảnh giác hơn với chính mình và chỉ nên xét đoán từ cái mà cậu ta biết rõ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.