Émile Hay Là Về Giáo Dục

QUYỂN BỐN P4



“Ta chỉ biết ý chí bằng ý thức về ý chí của riêng mình và với ta thì lý trí lại không được biết rõ hơn. Khi người ta hỏi ta rằng nguyên nhân nào quyết định nên ý chí của ta, đến lượt ta, ta lại hỏi rằng nguyên nhân nào quyết định sự phán đoán của ta: Bởi lẽ rõ ràng là hai nguyên nhân ấy chỉ là một; và nếu như người ta hiểu rõ ràng con người là hoạt động trong những phán đoán của mình, lý trí chỉ là quyền năng của con người dùng để so sánh và xét đoán, chúng ta sẽ thấy rằng dũng khí của con người cũng chỉ là một quyền năng tương tự như thế hoặc là dẫn xuất từ quyền năng kia; con người chọn điều tốt nếu nó xét đoán được điều đúng, nếu nó xét đoán nhầm, thì nó chọn sai. Vậy thì nguyên nhân quyết định ý chí của con người là gì? Đó là sự phán đoán của nó. Và cái gì là nguyên nhân quyết định sự phán đoán của con người. Đó là năng lực trí tuệ, đó là khả năng xét đoán của nó; cái nguyên nhân quyết định là ở chính nó. Tới đây, ta chẳng còn hiểu thêm gì nữa.

“Rõ ràng là ta không tự do để không muốn điều hay cho chính mình, ta không tự do để muốn sự đau khổ cho mình; nhưng tự do của ta lại ở chính điều đó đến nỗi ta chỉ có thể mong muốn điều gì là phù hợp với ta, hoặc là ta đánh giá là phù hợp, mà chẳng có điều gì ở ngoài ta lại quyết định được cho ta. Có phải kết quả là ta không phải là chủ của ta bởi vì ta không làm ông chủ được một người khác với ta không?

“Nguyên phát cho mọi hành động là nằm trong ý chí của một bản thể tự do; chúng ta sẽ không vượt quá được chỗ đó. Chẳng phải là hai từ tự do không có nghĩa gì mà đó là hai từ cần thiết. Giả sử rằng có hành động nào, ảnh hưởng nào lại không bắt nguồn từ một nguyên phát hoạt động, đó là thực sự cho rằng các hiệu quả mà không có nguyên nhân, thế là rơi vào cái vòng luẩn quẩn. Hoặc là không có kích động đầu tiên, hoặc là mọi kích động đầu tiên không hề có nguyên nhân từ trước, và chúng làm gì có ý chí thực sự mà lại không có tự do. Vậy thì con người là tự do trong hành động của mình, và, vì thế, được khích lệ từ một thực thể phi vật chất, đó là điều xác tín thứ ba của ta. Từ ba điều xác tín đầu tiên này con có thể suy ra mọi điều khác một cách dễ dàng mà không cần ta phải kể ra.

“Nếu như con người là hoạt động và tự do, nó tự mình hành động, tất cả những gì nó làm một cách tự do đều không hề tham gia vào hệ thống đã được Thượng đế sắp đặt, và nó không thể bị quy kết cho Thượng đế. Người không muốn con người làm điều ác bằng cách lạm dụng tự do được người ban cho; nhưng người không cản trở hắn làm điều đó, hoặc là do một sinh thể yếu ớt như thế làm thì điều ác ấy chẳng là gì cả dưới mắt của Người, hoặc là Người không thể ngăn chặn điều ác của con người mà không hạn chế tự do của nó và lại làm điều ác lớn hơn là làm hỏng bản chất của nó. Người ban cho nó tự do để nó không làm điều ác mà làm điều thiện do lựa chọn. Người ban cho nó khả năng thực hiện sự lựa chọn này bằng cách khéo sử dụng các năng lực Người đã ban cho nó; nhưng Người đã hạn chế các khả năng của nó sao cho nó không lạm dụng được tự do mà Người đã ban cho để có thể làm rối loạn trật tự chung. Điều ác mà con người gây ra lại giáng xuống nó mà chẳng thay đổi gì hệ thống của thế giới, cũng không cản trở được loài người thì mình bảo tồn dù có phải chịu đau khổ. Cứ cằn nhằn về chuyện Thượng đế không ngăn chặn việc gây tội ác tức là cằn nhằn về việc Người đã phú cho loài người một bản chất tuyệt vời; về việc người đã ban cho các hành động của loài người một phẩm chất đạo đức làm cho các hành động ấy trở nên cao thượng, về việc Người đã ban cho loài người quyền có đức hạnh. Niềm hứng khởi cao cả nhất là ở trong sự bằng lòng về chính mình; chính là để xứng đáng với sự hài lòng ấy mà chúng ta được ở trên Trái đất và được có tự do, mà chúng ta bị cám dỗ bởi các đam mê và lại bị kiềm chế bởi lương tâm. Thế thì quyền lực của Thượng đế còn có thể làm gì được nhiều hơn cho chúng ta nữa chăng? Có lẽ nào quyền lực ấy lại đưa mâu thuẫn vào trong bản chất của chúng ta và lại tặng thưởng vì đã làm việc thiện cho kẻ không có khả năng làm điều ác? Sao thế! Muốn ngăn cản con người trở nên độc ác thì liệu có phải giam hãm nó trong bản năng và biến nó thành con vật hay không? Không, Thượng đế của linh hồn con, con không bao giờ dám trách người vì đã làm cho linh hồn con giống hình ảnh của Người, để cho con có thể được tự do, có thiện tâm và sung sướng như Người.

“Chính là sự lạm dụng các năng lực của chúng ta đã làm cho chúng ta khổ sở và độc ác. Những nỗi buồn, lo âu, đau khổ của chúng ta đều tự chúng ta gây ra cho mình. Nỗi khổ tinh thần thì không cần bàn cãi gì mà hiển nhiên là sản phẩm của chúng ta, nỗi khổ về thể chất sẽ không là gì nếu không có những tật xấu của chúng ta, chúng đã làm cho chúng ta cảm nhận được cái khổ ấy. Phải chăng là để bảo tồn chúng ta mà tự nhiên đã làm cho chúng ta cảm nhận được các nhu cầu của mình? Cái đau đớn của thân xác có phải là dấu hiệu của bộ máy bị trục trặc và là sự báo hiệu để chăm nom đến nó? Cái chết… Những kẻ độc ác chẳng đầu độc cuộc sống của chúng và của chúng ta đó ư? Ai là kẻ muốn cho mình sống mãi? Cái chết là đơn thuốc cho những nỗi đau mà anh tự mình gây ra; tự nhiên không muốn anh phải chịu đau khổ mãi mãi. Có biết bao nhiêu người sống trong cảnh hoang sơ nguyên thủy mà đâu có nhiều bệnh tật! Họ sống hầu như không ốm đau mà cũng chẳng có nhiều đam mê, mà cũng không đoán trước, cũng chẳng cảm thấy cái chết; khi họ cảm nhận được nó thì sự khốn khổ của họ làm cho cái chết trở nên đáng ước ao: Từ đó nó chẳng còn là nỗi khổ đối với họ. Nếu như chúng ta bằng lòng là như chúng ta hiện nay thì chúng ta sẽ chẳng còn xót xa gì cho thân phận mình; nhưng để tìm kiếm một hạnh phúc tưởng tượng thì chúng ta tự chuốc lấy hàng ngàn nỗi đau khổ thực sự. Ai mà không biết chịu đựng đôi chút khổ đau thì phải đón đợi nhiều đớn đau hơn. Khi người ta làm hư hỏng thể chất của mình vì một cuộc sống không có chừng mực, người ta lại muốn phục hồi nó bằng các phương thuốc, người ta đồ thừa cái khổ mà người ta sợ vào cái khổ mà người ta cảm thấy; cái chết được báo trước làm cho bệnh tật trở nên gớm guốc và càng mau nặng thêm lên, càng muốn trốn tránh cái chết, càng cảm thấy nó hơn, và suốt đời chết vì sợ hãi trong khi phàn nàn than vãn chống lại tự nhiên về các bệnh tật tự mình gây ra vì hành động trái tự nhiên.

“Hỡi con người, ngươi đừng tìm kẻ gây ra điều ác nữa, kẻ đó chính là ngươi vậy. Không có điều ác nào khác hơn điều mà ngươi tạo ra hay điều khiến ngươi đau khổ, và cả điều này lẫn điều kia đều do ở ngươi mà ra cả. Điều ác chung của mọi người chỉ có thể có được trong sự vô trật tự thôi, song ta trông thấy trong hệ thống vũ trụ, một trật tự không hề tự mâu thuẫn. Điều ác riêng biệt chỉ có ở cảm nhận của hữu thể đau khổ thôi: Và cảm nhận ấy con người không tiếp nhận ở thiên nhiên mà tự mình chuốc lấy. Sự đau khổ ít bấu víu được vào những ai vì suy nghĩ ít nên không có hoài niệm mà cũng không dự liệu. Con hãy vứt bỏ những tiến bộ tai hại của chúng ta: Con hãy vứt bỏ các sai lầm và các tật xấu của chúng ta, con hãy vứt bỏ công trình của con người và mọi sự đều tốt đẹp.

“Ở nơi nào vạn sự đều tốt, thì không có gì bất công. Công lý không thể nào tách rời khỏi lòng nhân từ mà lòng nhân từ là hiệu quả tất yếu của một sức mạnh không giới hạn và của một lòng ái kỷ, cố hữu ở mọi bản thể tự giác. Có thể nói rằng Đấng Toàn năng khuyếch trương sự hiện hữu của mình cùng với sự hiện hữu của các sinh thể. Phát huy và duy trì là sự biểu hiện bất tuyệt của sức mạnh; nó không hề tác động lên cái gì không tồn tại; Thượng đế không phải là Thượng đế của những người chết, Người không thể trở thành kẻ hủy diệt và độc ác mà không tự làm hại mình. Đấng Toàn năng chỉ có thể mong muốn cái gì là tốt đẹp[221]. Vậy thì bản thể tuyệt đối có thiện tâm là vì bản thể đó có quyền năng tuyệt đối, cũng vì thế mà tuyệt đối công bằng, nếu khác đi là tự mâu thuẫn với chính mình; bởi vì lòng yêu trật tự tạo nên bản thể gọi là Thiện tâm, và lòng yêu trật tự bảo vệ bản thể gọi là Công lý.

“Người ta nói rằng Thượng đế không có bổn phận gì với các tạo phẩm của Người. Ta cho rằng Người có bổn phận với họ về tất cả những gì Người đã hứa khi ban cho họ sự tồn tại. Mà chính là hứa với họ một sự an lành khi ban cho họ ý tưởng về sự an lành và khiến họ có nhu cầu về sự an lành ấy. Ta càng trở về với chính mình, ta càng tự tra vấn mình, thì ta càng đọc thấy những từ này ghi trong tâm hồn ta: Hãy công bằng, và ngươi sẽ hạnh phúc. Tuy nhiên, khi xem xét hiện trạng của các sự vật thì lại chẳng hề như vậy; kẻ ác cứ thịnh vượng còn kẻ công bằng cứ bị dày xéo. Hãy nhìn xem sự phẫn nộ biết chừng nào đang bùng lên trong chúng ta khi mà hy vọng ấy đã thành thất vọng. Lương tri nổi dậy và phàn nàn chống lại kẻ tạo tác ra mình, lương tâm rên rỉ kêu lên: Người đã lừa ta!

“Ta mà lừa ngươi, tên liều lĩnh kia? Và kẻ nào bảo rằng ta lừa ngươi? Tâm hồn ngươi đã bị hủy diệt rồi chăng? Hay ngươi không còn tồn tại nữa? Ôi Brutus, ôi con trai ta! Đừng có bôi nhọ cuộc sống cao thượng của con bằng cách chấm dứt nó; đừng vứt bỏ vinh quang và niềm hi vọng của con cùng với thân xác mình trên chiến trường Philippes. Sao con lại bảo: Đức hạnh chẳng là gì hết khi con sắp hưởng giá trị đức hạnh của mình? Con sắp chết, con nghe như vậy: Không, con sẽ sống, và lúc đó chính là lúc ta giữ nguyên mọi điều ta đã hứa với con.

“Nghe những lời phàn nàn của những con người thiếu nhẫn nại thì cứ như thế Thượng đế phải ân thưởng trước khi họ có công lao và phải đền đáp từ trước cho đức hạnh của họ. Ôi! Hãy cư xử tốt trước tiên rồi sau đó chúng ta sẽ có hạnh phúc. Chúng ta hãy đừng đòi trả giá trước khi có thành công, cũng không đòi tiền công trước khi làm việc. Plutarque đã nói rằng không phải trong sân vận động mà người thắng các cuộc thi thiêng liêng được ban thưởng mà đó là sau khi họ thi xong.

“Nếu linh hồn là phi vật chất thì nó vẫn còn sống sau thân xác; và nếu như nó còn sống, Thượng đế được công nhận. Vì tôi không đưa ra được chứng cớ nào khác về tính phi vật chất của linh hồn ngoài sự chiến thắng của kẻ ác và sự ức hiếp người công bằng ở đời này, nên chỉ riêng việc ấy sẽ ngăn ta ngờ vực điều trên. Một sự lạc điệu chướng đến thế trong sự hài hòa phổ quát sẽ làm cho ta phải tìm cách giải đáp. Ta sẽ tự nhủ: Với chúng ta mọi chuyện chẳng phải là kết thúc cùng với sự sống, mọi thứ đều đi vào trật tự với cái chết. Sự thực là ta sẽ băn khoăn tự hỏi mình rằng con người là ở đâu khi mà mọi cái có thể cảm nhận được đã bị hủy diệt. Câu hỏi này không còn là một khó khăn cho ta nữa khi ta đã nhận ra ngay rằng có hai thực thể. Suốt cuộc đời thể chất của ta, do chỉ nhận biết được bằng các giác quan của mình, nên chuyện rất đơn giản là cái gì không phục tùng các giác quan thì ta không nắm được. Khi mà sự thống nhất của thân xác với linh hồn bị phá vỡ, ta tin rằng cái này thì có thu mất đi còn cái kia được bảo tồn. Tại sao sự hủy diệt của cái này lại kéo theo sự huỷ diệt của cái kia chứ! Trái lại, vì bản chất là khác nhau quả nên chúng lâm vào tình trạng bị cưỡng ép bởi sự hợp nhất của chúng; và khi sự hợp nhất này không còn thì chúng, cả hai cái cùng trở lại với trạng thái tự nhiên của mình: Thực thể hoạt động và sống động lấy lại toàn bộ mãnh lực mà nó đã sử dụng để làm cho thực thể thụ động và chết vận động. Than ôi! Ta cảm thấy điều đó quá rõ qua các thói xấu của ta, suốt đời mình con người chỉ mới sống được có một nửa, và cuộc sống của linh hồn chỉ bắt đầu từ cái chết của thân xác.

“Nhưng cuộc sống ấy là như thế nào? Và linh hồn liệu có là bất tử do bản chất của nó không? Lý trí hạn hẹp của ta không quan niệm được cái không có giới hạn: Tất cả những gì người ta gọi là vô hạn thì ta không nắm bắt được. Ta có thể phủ nhận, chấp nhận cái gì? Ta có thể lập luận như thế nào về cái mà ta không thể quan niệm được? Ta tin rằng linh hồn vẫn sống sau khi thân xác đã không còn nữa đủ cho sự duy trì trật tự; ai mà biết được như thế đã đủ để kéo dài mãi được chưa? Tuy nhiên ta hiểu được thân xác tàn tạ đi và tự hủy diệt bởi sự phân chia các bộ phận như thế nào: Nhưng ta lại không hiểu được một sự hủy diệt giống như thế của bản thể tư duy; và vì không hề tưởng tượng nổi nó có thể chết đi như thế nào nên ta coi như nó không chết. Chính bởi sự suy đoán này an ủi ta và không có gì là không hợp lý, thì sao ta lại sợ phó mình cho suy đoán đó chứ?

“Ta có cảm thấy linh hồn ta, ta biết nó qua tình cảm và qua tư duy; ta biết nó là có đấy nhưng chẳng biết bản chất nó là thế nào; ta không thể lập luận về những ý tưởng mà ta không có. Cái mà ta biết rõ là tính đồng nhất của bản ngã chỉ liên tục kéo dài ra được nhờ ký ức, và để giữ nguyên được bản sắc ấy thì thực sự ta cần phải nhớ lại mình đã từng là thế nào. Mà ta sẽ không sao nhớ lại được ta đã từng là gì suốt cả cuộc đời sau khi ta đã chết, mà ta cũng không nhớ lại được ta đã từng cảm nhận được điều gì, rốt cuộc là ta đã từng làm điều gì, và ta cũng không ngờ vực gì rằng những hoài niệm ấy ngày nào đó tạo nên phúc lạc cho những người tốt và đau khổ cho những kẻ ác. Trong cõi trần ai này hàng ngàn nỗi đam mê cháy bỏng thu hút tình cảm nội tâm và lừa phỉnh niềm ân hận. Những điều nhục nhã, những tai họa phải chịu do thực hành các đức hạnh cản trở người ta cảm thấy mọi sự thú vị của việc thực hành này. Nhưng khi nào trút hết đi được các ảo tưởng mà thân xác và các giác quan tạo ra cho chúng ta thì chúng ta sẽ được hưởng niềm suy ngẫm về Thượng đế và các chân lý vĩnh hằng mà Người là nguồn cội, khi mà vẻ đẹp của trật tự in dấu vào một mãnh lực của linh hồn ta làm cho chúng ta sẽ chỉ còn lo đến một việc là so sánh điều chúng ta đã làm với điều chúng ta phải làm, thì lúc ấy chính tiếng nói của lương tri sẽ nắm lại được quyền lực và quyền thông trị của mình, lúc đó chính là lúc khoái cảm thuần khiết nảy sinh từ sự hài lòng về chính mình và niềm tiếc nuối đắng cay vì đã cư xử đê tiện, sẽ phân biệt qua những cảm nghĩ vô tận, số phận mà từng người sẽ tự chuẩn bị cho mình. Ôi, người bạn tốt của ta, đừng có hỏi gì ta rằng liệu có cội nguồn nào khác cho hạnh phúc và đau khổ nữa không; ta không biết về điều đó; và những cội nguồn ta tưởng tượng ra đã khá đủ để tự an ủi mình về cuộc đời này, và khiến ta hy vọng một cuộc đời khác. Ta không hề nói rằng những người tốt sẽ được ân thưởng; bởi vì một bản thể ưu tú còn có thể mong đợi ân huệ nào khác là được tồn tại theo bản chất của mình? Nhưng ta nói rằng họ sẽ hạnh phúc bởi vì người tạo tác ra họ, và tạo nên mọi công lý, vì đã làm cho họ cảm nhận được, đã không hình thành ra họ để họ phải đau khổ; và vì họ không hề lạm dụng tự do của mình trên Trái đất này nên họ đã không làm sai mục đích bởi lỗi lâm của mình: Thế nhưng họ có chịu đau khổ trong cuộc đời này, thì họ sẽ được đền bù ở một kiếp khác. Sự cảm nhận này căn cứ vào công lao của con người ít hơn vào khái niệm về thiện tâm mà ta cho rằng không tách rời bản thể của Thượng đế. Ta chỉ giả định rằng các điều luật của trật tự được tuân thủ và Thượng đế tự mình là vĩnh hằng[222].

“Đừng hỏi thêm ta gì nữa rằng liệu những đau khổ của những kẻ độc ác có là vĩnh hằng chăng; ta vẫn không biết điều đó, và cũng chẳng uổng công tò mò làm gì mà làm rõ những vấn đề vô bổ. Những kẻ độc ác sẽ ra sao thì có can hệ gì đến ta? Ta ít quan tâm đến số phận chúng. Tuy nhiên ta khó mà tin rằng chúng phải chịu đau khổ mãi. Nếu công lý tối thượng trừng phạt, nó sẽ trừng phạt ngay trong cuộc đời này. Các vị và sai lầm của các vị, ôi các quốc gia! Các vị là người thừa hành của công lý đó. Công lý đem dùng các điều ác mà các vị tự gây ra cho các vị để trừng phạt những tội ác đã gây nên việc đó. Chính trong lòng tham vô độ của các vị, mòn mỏi vì đố kỵ, vì keo kiệt, và vì tham vọng mà những ham muốn trả thù trừng trị những tội ác của các vị ngay trong lòng sự thịnh vượng giả tạo của các vị. Như thế thì cần gì đi tìm địa ngục ở cuộc sống bên kia? Nó đã có ngay từ cuộc sống này trong lòng những kẻ ác.

“Đâu là cho kết thúc các nhu cầu cả thèm chóng chán của chúng ta, đâu là nơi ngưng lại các dục vọng cuồng điên cũng ngưng luôn cả những đam mê và tội lỗi của chúng ta. Những đầu óc trong sáng có thể mặc sự tà ác nào chứ? Bởi họ chẳng còn gì hết thì tại sao họ lại độc ác thế chứ? Nếu như tước bỏ hết các giác quan thô bạo của chúng ta, mọi hạnh phúc của họ là ở sự suy ngẫm về các sinh thể, thì họ chỉ có thể mong muốn điều thiện, và ai mà không còn độc ác nữa lại có thể cứ mãi mãi khốn khổ chăng? Đấy là điều mà ta có xu hướng tin theo mà chẳng cần gì phải dứt khoát cho mình về điều đó. Ôi! Chúa khoan dung và lòng lành! Các phán quyết của Người thế nào con vẫn tôn thờ chúng; nếu người trừng phạt những kẻ ác, con từ bỏ ngay cái lý lẽ mềm yếu của mình trước công lý của Người. Nhưng nếu những ăn năn của những kẻ bất hạnh sẽ phai tàn đi theo thời gian, nếu những đau khổ của họ phải chấm dứt và nếu cùng một gu an bình chờ đợi tất cả chúng con như nhau vào một ngày nào đó, con xin xưng tụng người về điều đó. Kẻ ác chẳng là người anh em của con sao? Biết bao lần con đã từng muốn giống như hắn! Mà trút đi được nỗi khốn khổ của mình, hắn cũng mất luôn cái ác đi kèm theo nỗi khốn khổ đó; hãy cho hắn cũng được hạnh phúc như con: Hạnh phúc của hắn chẳng hề khêu gợi long ghen ghét ở con mà sẽ chỉ làm tăng thêm hạnh phúc của con mà thôi.

“Chính thế mà vì nguyện ngắm Chúa qua các tạo tác của Người, và nghiền ngẫm về Người qua những gì mà Người biểu hiện ra mà ta cần phải biết, ta đi tới chỗ đem trải rộng và tăng thêm từng cấp độ ý tưởng lúc đầu còn chưa hoàn chỉnh và hạn hẹp mà ta từng suy nghĩ về bản thể vô cùng ấy. Nhưng nếu ý tưởng này có trở nên cao quý hơn và lớn lao hơn thì nó cũng ít cân xứng hơn với lý trí của con người. Chừng nào mà tinh thần ta tiếp cận được với ánh sáng vĩnh hằng thì hào quang của nó làm cho ta lóa mắt, làm cho ta bối rối, và buộc ta phải từ bỏ một khái niệm trần tục đã giúp ta mường tượng ra ánh sáng ấy. Thượng đế không phải là có thân xác và có thể cảm nhận được nữa, trí năng tối thượng điều hành thế giới không chỉ là chính thế giới nữa: Ta uổng công nâng cao và làm mệt trí tuệ của mình để quan niệm rõ được bản chất của Người. Khi ta nghĩ rằng Trí năng tối thượng ban cuộc sống và khả năng hành động cho thực thể sống và hoạt động để nó chi phối các sinh vật; khi ta nghe nói rằng linh hồn ta là thuộc về tinh thần, còn Chúa là một Trí năng, ta phẫn nộ chống lại sự hạ thấp giá trị này đối với bản chất của Chúa; như thể Chúa và linh hồn ta là cùng một bản chất, như thế Chúa không phải là thực thể tuyệt đối duy nhất, chỉ riêng Chúa mới thực sự hoạt động, cảm nhận, suy nghĩ, tự thân mong muốn và Người ban cho ta tư tưởng, tình cảm, hoạt động, ý chí, tự do, và sự tồn tại! Chúng ta chỉ tự do vì Người muốn cho chúng ta được như thế, và thực chất khó hiểu của Người đối với linh hồn chúng ta giống như linh hồn chúng ta đối với thể xác chúng ta. Có phải là Người đã sáng tạo ra vật chất, các thân xác, các trí tuệ, cả thế giới, về điều này ta không biết gì. Ý tưởng về sự sáng tạo làm cho ta bối rối và vượt quá tầm hiểu biết của ta: Ta tin điều đó chừng nào ta hiểu được nó; nhưng ta biết rằng Người đã hình thành nên vũ trụ và mọi thứ đang tồn tại, Người đã làm tất cả, xếp đặt tất cả. Chúa là vĩnh hằng, rõ ràng là như thế, nhưng đầu óc ta làm sao có thể bao quát được ý tưởng về tính vĩnh hằng? Tại sao ta cứ huyên thuyên những từ không có ý tưởng? Điều mà ta quan niệm được chính là người tồn tại trước mọi sự vật, là người sẽ tồn tại chừng nào còn sự vật, và người vẫn cứ tồn tại mãi nếu như mọi thứ phải kết thúc vào một ngày nào đó. Một bản thể mà ta không quan niệm nổi lại ban sự tồn tại cho các bản thể khác, điều đó thật chỉ là sự tối tăm và không sao hiểu được, nhưng bản thể và hư vô chuyển hoán lẫn nhau cái này trong cái kia, thì đó hiển nhiên là một mâu thuẫn, đó rõ ràng là sự phi lý.

“Chúa là thông minh; nhưng Người thông minh như thế nào? Con người thông minh khi nó lập luận, còn Trí năng tối thượng thì chẳng cần đến lập luận; đối với Trí năng tối thượng thì không có tiền đề mà cũng không có hậu quả ngay cả đề khởi cũng không có nốt: Trí năng tối thượng là thuần túy trực giác, coi là ngang nhau mọi cái gì tồn tại và mọi cái gì có thể tồn tại; mà chân lý chỉ được coi là một ý tưởng độc nhất, giống như mọi địa điểm chỉ là một điểm độc nhất, và mọi khoảng thời gian chỉ là một thời điểm độc nhất. Sức mạnh của con người tác động bằng các phương tiện còn quyền năng của Chúa tác động bằng chính mình. Chúa có thể vì Người muốn; ý chí của người tạo ra quyền lực của Người. Chúa lòng lành không gì rõ ràng hơn điều đó: Nhưng lòng tốt của con người là tình yêu đồng loại, còn lòng lành của Chúa là tình yêu trật tự: Bởi vì chính là nhờ có trật tự mà người duy trì được cái đang tồn tại và ràng buộc mỗi bộ phận với tổng thể. Chúa là công minh, ta tin chắc điều đó, đó chính là hậu quả của thiện tâm của người; sự bất công của con người là do chính họ tạo ra và không phải tạo phẩm của Chúa; sự rối loạn về đạo đức bài bác chống lại Thượng đế theo quan điểm của các triết gia chỉ chứng minh rằng người hiện hữu trước mắt ta. Nhưng công lý của con người là trả cho mọi người cái gì là thuộc về họ, và công lý của Chúa là mọi người phải biết về cái mà Người đã ban cho họ. Mà nếu như ta cứ phát hiện được liên tiếp những biểu hiện mà ta chẳng có ý tưởng gì thật chắc chắn hoàn toàn, chính là do những quy kết gượng ép, chính là do sử dụng tốt lý trí của ta; nhưng ta không định chúng mà chẳng hiểu gì về chúng và thực ra là chẳng khẳng định gì hết. Ta hoài công tự nhủ rằng: Chúa là như thế, ta cảm nhận được người, ta chứng minh được cho ta về người; chẳng vì thế mà ta hiểu được rõ hơn làm thế nào Chúa có thể như vậy được.

“Cuối cùng ta cũng cố suy ngẫm về bản chất vô hạn của Người, lại càng hiểu được ít hơn về bản chất ấy; nhưng bản chất vô tận ấy tồn tại, thế là đủ cho ta rồi; ta càng ít hiểu về bản chất đó ta lại càng tôn thờ nó. Ta tự sỉ vả mình và nói với Người: Hỡi bản thể của mọi sinh thể, con tồn tại vì Người tồn tại; ngẫm nghĩ về người không ngừng nghỉ chính là con nâng mình lên đến ngọn nguồn của con. Việc hành xử xứng đáng nhất cho lý trí của con là tịch diệt trước Người, đó là sự mê say của tinh thần con, đó là cái duyên của cái yếu đuối của con, cho con cảm thấy mình nhỏ nhoi trước tầm vóc vĩ đại của người.

“Sau khi đã từ những ấn tượng về các đối tượng có thể cảm nhận và từ tình cảm nội tâm hướng ta phán đoán các nguyên nhân theo hiểu biết tự nhiên của ta, mà suy ra các chân lý chủ yếu mà ta cần phải biết, ta còn phải tìm xem các châm ngôn nào ta phải rút ra từ đó để hành xử và các quy tắc nào ta phải định ra cho mình để làm tròn mục đích tiền định cho mình trên Trái đất này, theo đúng ý định của Người đã đặt ta ở đó. Bằng cách luôn luôn theo đúng phương pháp của mình, ta không hề rút các quy tắc ấy từ các nguyên lý của một nền triết học cao siêu nào, mà ta tìm thấy chúng trong đáy lòng mình, được viết ra bởi tự nhiên bằng một thứ chữ không thể xóa nhòa. Về những gì ta muốn làm, ta chỉ cần tự tra vấn mình: Tất cả những gì ta cảm thấy là thiện thì đều là thiện, tất cả những gì ta cảm thấy là ác thì đều là ác: Người tài ba nhất trong tất cả các nhà thần học chuyên giải các nghi nghĩa là lương tâm và chỉ khi nào người ta mặc cả với lương tâm, người ta mới cần dùng đến những điều tinh tế trong lập luận mà thôi. Trong mọi việc chăm sóc thì việc đầu tiên là chăm sóc cho chính mình: Tuy nhiên biết bao lần tiếng nói nội tâm bảo chúng ta rằng khi nào làm lợi cho mình bằng cách gây thiệt hại cho kẻ khác thì đó là chúng ta làm điều ác! Chúng ta cứ tưởng rằng hành động theo đúng sự thúc đẩy của tự nhiên nên chúng ta cưỡng lại tiếng nói ấy; chúng ta nghe theo những gì nó nói với các giác quan của mình song chúng ta coi rẻ những gì nó nói với trái tim mình; hữu thể tác động vâng lời, hữu thể thụ động sai khiến[223]. Lương tâm là tiếng nói của tâm hồn còn các đam mê là tiếng nói của thân xác. Chuyện mâu thuẫn luôn xảy ra giữa hai tiếng nói ấy có lạ lùng chăng? Vậy ta phải nghe theo tiếng nói nào? Lý trí hay lừa dối chúng ta quá, mà chúng ta đã được quá nhiều quyền khước từ nó, nhưng lương tâm thì không khi nào lừa dối; nó là hướng dẫn viên chân thực của con người: Lương tâm đối với linh hồn cũng y như là bản năng đối với thân xác[224], ai nghe theo lương tâm là tuân theo tự nhiên và không hề sợ bị lầm lạc. Điểm này có tính chất quan trọng, vị ân nhân của tôi nói tiếp, khi thấy tôi sắp sửa ngắt lời ông: Con hãy chịu khó cho ta dừng lại một chút nữa để làm rõ điều ấy.

“Toàn bộ tính đạo đức trong các hành động của chúng ta nằm trong sự phán đoán mà tự mình phải gánh lấy. Nếu quả thực điều thiện là thiện, thì nó phải ở đáy lòng chúng ta cũng như uổng công việc của chúng ta và khi thấy được người ta thực hiện như vậy thì đó là phần thưởng đầu tiên của công lý. Nếu tính thiện trong đạo đức phù hợp với bản chất của chúng ta, thì con người chỉ có thể lành mạnh về tinh thần và có thể trạng tốt chừng nào người đó có thiện tâm. Nếu tính thiện trong đạo đức không là bản chất của chúng ta và nếu bản chất tự nhiên còn người là độc ác, thì con người không thể thôi không độc ác nữa mà không tự mình bị biến chất và tính thiện ở con người chỉ là một tật xấu phản tự nhiên. Nếu con người được tạo nên để làm hại đồng loại cũng như chó sói được sinh ra để cắn đứt cổ con mồi của nó thì một con người có long nhân đạo sẽ là một con thú hư hỏng y như là một con sói mà biết thương hại, và chỉ có đức độ là để lại cho chúng ta những ân hận mà thôi.

“Hỡi người bạn trẻ của ta! Chúng ta hãy trở về với chính mình, hãy xem xét, mọi lợi ích riêng tư dẹp sang một bên xem các khuynh hướng của chúng ta dẫn ta đi đến cái gì. Cảnh tượng nào làm ta vui thích nhất, cảnh khốn cùng hay cảnh hạnh phúc của người khác? Điều gì mà chúng ta làm một cách êm đềm nhất và để lại cho chúng ta một ấn tượng dễ chịu hơn sau khi đã làm xong, đó là một hành động từ thiện hay một hành động độc ác? Con lưu tâm đến nhân vật nào trên sân khấu mà con xem? Liệu con có thấy thích thú các việc độc ác? Liệu con có khóc chăng cho kẻ ác bị trừng phạt? Các nhà triết học bảo rằng chúng ta thờ ơ với mọi việc trừ quyền lợi của chúng ta: Song trái lại sự dịu dàng của tình bạn, của lòng nhân đạo thì an ủi cho ta trong những nỗi khổ cực của mình, và ngay cả trong những khoái cảm của mình, chúng ta sẽ quá cô đơn, quá khốn khổ nếu không có một ai để mà chia sẻ những niềm hoan lạc ấy. Nếu không có gì là đạo đức trong lòng người vậy từ đâu mà con người lại có những rung cảm thán phục đối với những hành động anh hùng, có những tình yêu mê say đối với các tâm hồn cao thượng? Cái nhiệt tình ấy của đức hạnh có quan hệ gì với lợi ích riêng tư của chúng ta. Tại sao ta lại muốn được như Caton[225] tự xé ruột gan mình hơn là muốn làm César kẻ chiến thắng? Nếu như con tước bỏ đi tình yêu cái cao đẹp ấy của trái tim con tức là con trút bỏ hết mọi hứng thú ở đời. Kẻ nào mà những đam mê đê hèn đã bóp nghẹt các tình cảm dịu ngọt ấy trong tâm hồn hẹp hòi của hắn, kẻ nào mà cứ cố thu mình vào bên trong của chính hắn thôi, rốt cuộc chỉ yêu có chính mình, thì không còn cảm kích nữa, trái tim băng giá của hắn không còn đập rộn ràng vì vui sướng nữa, một sự mủi lòng hiền dịu không khi nào làm ướt mặt hắn; hắn không còn hưởng thụ được bất cứ cái gì nữa; kẻ bất hạnh ấy không còn cảm nhận được gì nữa, hắn không còn “sống” nữa, hắn đã “chết” rồi.

“Nhưng dù cho số kẻ độc ác có nhiều đến đâu trên Trái đất này đi nữa, thì cũng rất ít các tâm hồn khô kiệt như xác chết ấy, chúng trở nên vô cảm, ngoài lợi ích của chúng, với tất cả những gì là công bằng và điều thiện. Sự bất công chỉ làm vui thích chừng nào người ta lợi dụng được nó; còn thì người ta muốn kẻ vô tội được bảo vệ. Người ta trông thấy trên phố hay trên một con đường một hành vi bạo lực hay bất công, lập tức sự phẫn nộ và uất hận nổi lên từ đáy lòng và khiến chúng ta đứng ra bênh vực kẻ bị áp bức[226]: Nhưng một nghĩa vụ mạnh mẽ hơn ngăn chúng ta lại, và các luật lệ lấy đi ở chúng ta quyền che chở cho kẻ vô tội. Trái lại nếu một hành vi khoan hồng hay đại lượng nào đó đập vào mắt chúng ta thì hành vi ấy gây cho chúng ta biết bao cảm phục, biết bao ham thích? Ai mà chẳng tự nhủ rằng: Ta những muốn làm như thế? Việc một người đã hung ác hay công bằng cách đây hai ngàn năm chắc chắn rất ít quan hệ đến chúng ta, nhưng, tuy nhiên, chính cùng một mối quan tâm làm chúng ta xúc động khi đọc cổ sử như thế tất cả các việc ấy đã xảy ra trong thời đại chúng ta vậy.

“Các trọng tội của Catilina[227] có làm gì được ta? Ta có sợ rằng mình là nạn nhân của hắn ta đâu? Vậy tại sao ta lại ghê tởm hắn như thể hơn là người đương thời với ta? Chúng ta ghét những kẻ hung ác, không những vì chúng làm hại chúng ta, mà vì chúng hung ác. Không những chúng ta muốn được hạnh phúc, chúng ta cũng muốn người khác được hạnh phúc nữa và khi hạnh phúc ấy không làm hại gì đến hạnh phúc của chúng ta thì nó lại làm tăng thêm hạnh phúc của chúng ta. Sau cùng, người ta thương xót những kẻ xấu số, dù rằng không muốn; khi người ta chứng kiến những nỗi khổ sở của họ, người ta đau đớn vì nỗi khổ ấy. Những kẻ gian tà nhất cũng không thể nào mất hẳn khuynh hướng ấy; thường thường là khuynh hướng này làm cho chúng tự mâu thuẫn với chính mình. Tên kẻ cướp lột hết của khách đi đường nhưng vẫn cứ giúp cho người nghèo khổ khỏi cảnh trần truồng; và tên sát nhân hung tàn nhất vẫn cứ đỡ cho người bị ngất xỉu khỏi ngã.

“Người ta nói đến tiếng nói của lòng hối hận âm thầm trừng phạt các tội ác được giấu kín và rất hay làm chúng lộ ra. Than ôi! Có ai trong chúng ta mà chẳng từng nghe tiếng nói phiền toái ấy? Người ta bảo đó là do kinh nghiệm, và người ta có lẽ muốn bóp nghẹt cái tình cảm mãnh liệt ấy vì nó đã đem lại cho chúng ta biết bao nhiêu nỗi giày vò. Chúng ta hãy tuân theo tự nhiên, chúng ta sẽ thấy tự nhiên ngự trị êm dịu đến thế nào và sau khi nghe theo tự nhiên người ta tìm được một hứng thú đến thế nào khi tự mình đem lại một bằng chứng tốt đẹp về bản thân mình. Kẻ ác sợ chính bản thân hắn và tự xa lánh hắn; hắn vui mừng vì thoát ra được con người của hắn; hòn đảo mắt quanh mình một cách lo lắng và tìm kiếm một đối tượng làm cho hắn được huây khỏa; không có lời châm chắc đắng cay, không có lời chế nhạo lăng mạ, hắn sẽ luôn luôn buồn bã tiếng cười ngạo nghễ là thú vui duy nhất của hắn. Trái lại sự thanh thản của người công bằng là thuộc về nội tâm, tiếng cười của họ không tinh quái mà vui tươi, anh ta lấy niềm vui ấy từ chính mình; anh ta vui vẻ lúc ngồi một mình cũng y như lúc ở nơi tụ hợp đông người; sự hài lòng của anh ta không lấy từ những người gần gũi với mình mà anh ta truyền cảm cho họ.

“Con hãy nhìn xem trên mọi quốc gia ở thế giới này, con hãy đọc qua tất cả các lịch sử: giữa biết bao tôn giáo phi nhân tính và kỳ quái, giữa những khác biệt dị thường về phong tục và tính cách ấy, con sẽ tìm thấy ở mọi nơi cũng những ý tưởng công lý và ngay thật ấy, khắp nơi đâu cũng những khái niệm ấy về cái thiện và cái ác. Đa thần giáo cổ đại đã sinh ra các vị thần ghê tởm, mà nếu như ở cõi trần này thì người ta đã trừng phạt như là bọn gian ác, và các vị thần ấy chỉ nêu ra hình ảnh về hạnh phúc tối đa là những tội đại ác sẽ phạm và những dục vọng được thỏa mãn. Nhưng thói xấu được vũ trang bằng thần quyền, hoài công giáng trần từ cõi vĩnh hằng, vì bản năng đạo đức đã xua đuổi nó ra khỏi trái tim con người. Trong khi tán dương thói dâm đãng của thần Jupiter[228], người ta thán phục sự tiết dục của ông Xénocrate[229], nàng trinh nữ Lucrèce đã sùng bái nữ thần Vénus dâm ô[230], anh chàng La Mã dũng cảm lại thờ thần sợ hãi, anh ta đã cầu khấn vị thần đã xẻo thịt cha mình và đã chết không rên xiết do bàn tay của cha mình[231]. Các vị thần đáng khinh nhất lại được các vĩ nhân lớn nhất phụng thờ. Tiếng nói thánh thiên của thiên nhiên mạnh hơn tiếng nói của các thần linh và dường như đã để lại hết trên trời các trọng tội cùng các can phạm, làm cho cả Trái đất phải tôn kính.

“Vậy thì trong đáy tâm hồn đã có sẵn một nguyên lý bẩm sinh về công lý và đạo đức, dựa vào đó, dù ta có những châm ngôn riêng của mình, chúng ta vẫn phán đoán các hành động của chúng ta và của người khác là tốt hay xấu, và chính nguyên lý ấy được tôi đặt cho cái tên là lương tâm.

“Mà tôi thấy tiếng la ó nổi lên khắp mọi nơi phản bác cái từ này của những kẻ mạo nhận mình là hiền minh: Những sai lầm ấu trĩ, những thành kiến của giáo dục! Bọn họ gào lên rất ăn ý với nhau. Không có gì có thể đưa vào đầu óc con người mà không phải là do kinh nghiệm, và chúng ta chỉ xét đoán mọi việc dựa trên các ý tưởng đã tiếp nhận được mà thôi. Bọn họ còn làm quá lên: Sự chấp thuận hiển nhiên và phổ quát này ở tất cả các quốc gia, họ đều dám vứt bỏ, và, chống lại cái giống nhau hiển nhiên về sự xét đoán của mọi người, bọn họ đi tìm trong cõi u minh một vài ví dụ tối nghĩa mà chỉ có riêng bọn họ biết; cứ làm như là mọi khuynh hướng tự nhiên đều đã bị xóa bỏ hết do sự đồi bại của một dân tộc và ngay khi dân tộc ấy là những quái vật, thì giống loài chẳng là cái gì nữa hết. Mà sao ông Montaigne đầy hoài nghi ấy lại tự chuốc lấy sự đau khổ vào mình để phát hiện ở một xó xinh trên Địa cầu một tập quán trái ngược với khái niệm công lý để làm gì nhỉ? Ông ta có ích gì khi trao cho những du khách đáng ngờ nhất uy quyền mà ông từ chối cho những nhà văn lỗi lạc nhất? Một vài tập quán không chắc chắn và kỳ cục xây dựng trên cơ sở các lý do bản địa mà chúng ta không biết rõ, phải chăng sẽ phá huỷ số quy nạp chung từ sự hợp tác của tất cả mọi dân tộc, phản bác mọi thứ mà chỉ có tán thành mỗi một điểm ấy mà thôi? Ôi Montaigne! Ông bạn cứ tự cho mình là thẳng thắn và tôn trọng chân lý, xin hãy chân thành và thật thà như một nhà triết học, có thể có được thái độ như vậy, ông bạn hãy nói cho tôi biết rằng liệu trên Trái đất này có xứ sở nào mà việc giữ đức tin, bao dung, thiện tâm, cao thượng lại là một tội ác, nơi mà ở đó người tốt bị coi khinh, kẻ bất nghĩa được kính trọng?

“Người ta nói rằng ai cũng góp sức vào lợi ích chung vì lợi ích của riêng mình. Nhưng vậy thì do đâu mà người công minh chính đại lại góp phần khiến mình tổn hại? Đi đến cái chết vì lợi ích của mình là thế nào? Rõ ràng là chẳng ai chỉ hành động vì mối lợi của mình mà thôi, nhưng nếu có một lợi ích về đạo đức mà người ta phải xem xét đến, thì bao giờ người ta cũng chỉ giải thính được hành động của bọn độc ác bằng lợi ích riêng mà thôi. Cũng nên tin rằng người ta không muốn đi xa hơn nữa. Sẽ là một thứ triết học tồi tệ, thứ triết lý làm cho con người ta khó nghĩ trước những hành động đạo đức, thứ triết lý mà người ta chỉ có thể thoát khỏi rắc rối bằng cách bịa đặt cho các hành động đạo đức ấy những ý đồ thấp hèn và những động cơ phi đạo đức; thứ triết lý mà người ta sẽ buộc phải tiềm pha chê bai Socrate và vu khống Régulus. Nếu các thứ học thuyết tương ty như thế cứ luôn luôn có thể nảy sinh giữa chúng ta thì tiếng nói của tự nhiên cũng như của lý trí sẽ không ngừng nổi lên chống lại các thuyết ấy, và sẽ không khi nào bỏ sót một trong những kẻ tán đồng chúng được cáo lỗi là do có thực tâm mới làm như vậy.

“Ý định của ta ở đây không phải là để tham gia vào các cuộc tranh luận về siêu hình học, vốn quá tầm hiểu biết của ta và của con và thực chất chẳng đi đến đâu cả. Ta đã bảo con rằng ta không muốn triết lý với con, mà muốn giúp con tự hỏi lòng mình. Khi nào mọi nhà triết học đều chứng minh được rằng ta đã sai lầm về chuyện này mà nếu con lại thấy rằng ta đúng, thì ta chẳng còn mong muốn gì hơn.

“Về chuyện này chỉ cần làm cho con biết phân biệt những ý tưởng mà chúng ta tiếp thu được với các cảm nhận tự nhiên của chúng ta; bởi lẽ chúng ta cảm nhận trước khi hiểu biết, và bởi lẽ chúng ta không phải học mà cũng biết mong muốn điều tốt đẹp cho mình và tránh xa điều xấu, trong khi chúng ta lại thừa kế được ý chí này từ tự nhiên, thì lòng yêu việc thiện và ghét bỏ điều xấu xa đối với chúng ta cũng tự nhiên như là tình yêu đối với bản thân chúng ta vậy. Các hành vi của lương tâm không phải là các phán đoán, mà là cảm nhận. Cho dù mọi ý tưởng của chúng ta đều xuất phát từ ngoại giới, nhưng những tình cảm đề đánh giá chúng lại thuộc nội tâm chúng ta, và chỉ có thông qua các tình cảm ấy mà chúng ta mới biết được rằng ý tưởng nào là phù hợp hay không phù hợp với chính ta và những sự việc nào chúng ta phải tôn trọng hoặc là phải xa lánh.

“Tồn tại đối với chúng ta là cảm nhận, tính nhạy cảm của chúng ta hiển nhiên là có trước trí thông minh, và chúng ta đã có tình cảm trước khi có các ý tưởng[232]. Cho dù nguyên nhân tồn tại của chúng ta là gì thì nó cũng đã giúp cho chúng ta duy từ cuộc sống của chúng ta bằng cách phú cho chúng ta có những tình cảm phù hợp với bản chất của mình; và người ta chỉ có thể cãi rằng ít ra những tình cảm đó không phải là bẩm sinh đã có. Về phần cá nhân, những tình cảm này là tình yêu bản thân, sự sợ hãi bị đau đớn, sự khiếp sợ cái chết, ham muốn được an lạc. Mà nếu như người ta không thể nghi ngờ về chuyện này, con người là có tính hòa đồng do bản chất của nó, hay chí ít là được sinh thành để trở nên như vậy, thì nó chỉ có thể được như thế nhờ ở những tình cảm vốn có sẵn khác, liên quan đến giống loài của nó; bởi vì chỉ xét riêng về nhu cầu vật chất, thì nhu cầu ấy chắc chắn là phải phân tán mọi người thay vì đưa họ lại gần nhau. Chính là do hệ thống đạo đức được hình thành nên bởi mối tương quan hai chiều với bản thân và với đồng loại mà nảy sinh ra sự thôi thúc của lương tâm. Biết điều thiện, chưa phải là đã yêu nó: Con người không có sự hiểu biết bẩm sinh về điều thiện, nhưng lý trí của nó làm cho nó hiểu biết thì lương tâm của nó đưa nó đến chỗ yêu điều thiện, chính tính cảm ấy là vốn có.

“Này anh bạn của tôi, vì vậy mà tôi không tin rằng không có khả năng giải trình nguyên khởi trực tiếp của lương tâm độc lập với ngay cả lý trí bằng các hậu quả của bản chất của chúng ta. Và khi điều này là không thể được, thì liệu nó có còn cần nữa chăng: Bởi chính vì những kẻ phủ nhận cái nguyên khởi đã được cả loài người thừa nhận và biết đến đó không hề chứng minh được là nó không có, mà chỉ khẳng định như thế, khi chúng ta khẳng định là nó tồn tại, thì chúng ta cũng đều có căn cứ rõ ràng như bạn họ, và chúng ta còn có them bằng chứng nội tâm, và tiếng nói của lương tâm tự làm chứng cho chính nó. Nếu những ánh sáng đầu tiên của phán đoán làm cho chúng ta lóa mắt và lẫn lộn các đối tượng mà ta nhìn thấy, thì hãy đợi cho những con mắt yếu ớt của chúng ta mở lại, vững lại; và chẳng mấy chốc mà chúng ta thấy lại cũng các đối tượng ấy dưới ánh sáng của lý trí cứ như là tự nhiên chỉ ra từ đầu cho chúng ta về các đối tượng ấy vậy: Hoặc đúng hơn là chúng ta hãy giản dị hơn và ít kiêu căng hơn; hãy hạn chế mình trong các tình cảm đầu tiên mà ta thấy xuất hiện trong chính mình, chính là vì bao giờ việc nghiên cứu cũng dẫn dắt chúng ta trở về với những tình cảm ấy, khi nghiên cứu chưa làm cho ta lạc lối.

“Lương tâm! Lương tâm! Bản năng thiên phú và bất tử, tiếng nói của trời; viên hướng đạo chắc chắn cho một con người dốt nát và thô thiển, nhưng có trí năng và tự do; vị thẩm phán không bao giờ lầm lẫn của cái thiện và cái ác và làm cho con người giống như Thượng đế, chính lương tâm đã làm cho bản chất con người tuyệt diệu và các hành động của con người có tính đạo đức; không có người, ta không cảm thấy có gì trong ta nâng được ta lên trên các loài vật, ngoài các đặc ân đáng buồn là bị lạc lối hết sai lầm này đến sai lầm khác do trí tuệ không quy củ và lý trí không có nguyên phát[233] nên chẳng theo nguyên tắc nào.

“Thế là nhờ trời mà chúng ta trút bỏ được tất cả các bộ máy triết học đáng ghê sợ này: Chúng ta có thể là người mà không cần là nhà thông thái; được miễn khỏi phải tiêu phí cuộc đời mình vào việc nghiên cứu đạo đức, chúng ta có một người hướng dẫn ít tốn kém hơn và chắc chắn hơn trong cái mớ bong bong bao la của dư luận con người. Nhưng không phải người hướng dẫn này có mặt là đủ, phải biết cách nhận ra người ấy và theo người ấy. Nếu người ấy nói với tất cả mọi tấm lòng, vậy thì tại sao lại ít có mấy ai nghe được? Này! Chính là vì người nói với chúng ta bằng ngôn ngữ của tự nhiên, mà chúng ta đã hoàn toàn quên mất. Lương tâm thì nhút nhát, nó ưa ẩn dật và yên bình; cõi nhân gian và tiếng ồn làm cho nó lo sợ: Những thành kiến từ đó người ta khiến cho nó phát sinh ra là những kẻ thù độc ác nhất của nó; lương tâm chạy trốn hoặc câm nín trước các thành kiến ấy: Tiếng nói ồn ào của chúng át hết cả tiếng nói của lương tâm làm cho tiếng nói của lương tâm không tài nào nghe thấy được; sự cuồng tín dám giả mạo lương tâm và nhân danh lương tâm mà xui khiến tội ác. Cuối cùng lương tâm chán nản vì cứ bị khước từ, nó không nói với chúng ta nữa, nó không đáp lời chúng ta nữa và sau khi nó đã bị coi thường lâu đến vậy thì gọi được lương tâm trở về cũng khó khăn như khi xua đuổi nó đi vậy.

“Biết bao nhiêu lần ta đã chán trong các cuộc nghiên cứu của mình vì sự lạnh lùng mà ta cảm thấy ở mình! Biết bao lần nỗi buồn chán rót chất độc của chúng vào những suy tưởng đầu tiên của ta làm cho ta không sao chịu đựng nổi những suy tưởng của mình nữa? Trái tim cằn cỗi của ta chỉ đem lại một nhiệt tình đang tàn lụi và hững hờ với tình yêu chân lý. Ta tự nhủ: Tại sao lại cứ tự mình đau khổ để tìm kiếm cái không tồn tại? Cái thiện về đạo đức chỉ là một ảo tưởng; không có gì là tốt đẹp ngoài những khoái cảm của các giác quan. Ôi, một khi mà người ta đã mất hứng thú về các khoái cảm của tâm hồn thì khó mà lấy lại được! Để nắm được cái đó lại còn khó hơn nữa khi mà người ta chưa từng có nó! Nếu như có một con người khốn khổ đến nỗi cả đời chẳng làm được một việc gì cho anh ta bằng lòng về mình và thấy là dễ chịu vì đã sống như vậy, con người này sẽ không khi nào có khả năng tự hiểu mình; và, vì không cảm thấy được lòng tốt như thế nào là phù hợp với bản chất của mình, con người ấy cứ miễn cưỡng phải độc ác mãi và sẽ mãi mãi bất hạnh. Nhưng liệu con có tin rằng trên khắp Trái đất này lại có một con người đủ hư hỏng để không bao giờ buông lòng mình cho sự cám dỗ của việc thiện? Sự cám dỗ này quá tự nhiên và quá dịu ngọt thành thử không thể nào luôn luôn cưỡng lại nó được và hồi ức về khoái cảm mà sự cám dỗ làm việc thiện đã có lần gây ra đủ để ta nhớ lại nó không ngừng. Chẳng may là sự cám dỗ này thoạt đầu lại khó lòng thỏa mãn được; người ta có hàng ngàn lý do để mà khước từ cái khuynh hướng tự nhiên của lòng mình; cái khôn ngoan giả tạo bó hẹp trái tim trong các giới hạn của cái tôi của con người; cần phải có đến hàng ngàn nỗ lực can đảm để có gan vượt qua chúng. Vui thích làm việc tất là phần thưởng cho việc tốt đã được thực hiện, và phần thưởng ấy chỉ có được sau khi đã xứng đáng với nó. Không có gì khả ái hơn là đức hạnh; nhưng phải vui thích vì đức hạnh mới thấy được nó đúng là khả ái. Khi người ta muốn ôm đồm lấy nó giống như Protée[234] trong chuyện ngụ ngôn thì thoạt đầu nó biến thành hàng ngàn hình dạng ghê sợ rồi cuối cùng chỉ hiện nguyên hình với những kẻ nào không hề lơi lỏng mà cứ bám riết.

“Không ngừng bị thuyết phục bởi các tình cảm tự nhiên của ta, chúng nói lên vì lợi ích chung, và bởi lý trí của ta chúng quy mọi sự về ta, có lẽ trong suốt cả cuộc đời ta cứ nổi trôi bập bềnh trong thế đôi ngả liên tục này, làm điều xấu, yêu điều tốt và luôn luôn trái ngược với chính mình, nếu như những hiểu biết mới không soi tỏ lòng ta, nếu như chân lý định dạng cho ý kiến của ta, vẫn còn chưa đảm bảo được cho cách hành xử của ta, và không làm cho ta hòa hợp được với chính bản thân mình. Người ta đã hoài công mong muốn thiết lập đức hạnh bằng chỉ có một mình lý trí, thế thì người ta có thể lấy đâu ra nền tảng vững chắc cho nó? Họ nói rằng đức hạnh là tình yêu trật tự. Nhưng tình yêu này có thể thắng được và tất phải thắng được ở ta tình yêu sự an lạc của ta hay không? Họ hãy cho ta một lý do rõ ràng và đủ để ta ưa chuộng tình yêu đó đi. Căn bản là nguyên tắc mạo nhận của họ chỉ đơn thuần là một trò chơi chữ, vì ta thì ta cũng nói rằng, ta coi cái xấu là tình yêu trật tự xét trong một ý nghĩa khác. Nơi nào có tình cảm và trí năng thì đều có một trật tra đạo đức nào đó. Sự khác biệt là cái thiện tự chỉnh đốn so với mọi cái khác, còn cái ác chi phối tất cả những gì có liên quan tới nó. Cái ác tự mình là trung tâm của một sự vật; cái thiện đắn đo cẩn thận bán kính tác động của nó và đứng ở vị trí vòng ngoài. Lúc đó nó được chỉnh đốn trong quan hệ với trưng tâm chung, đó là Thượng đế, và trong quan hệ với tất cả các vòng tròn đồng tâm, đó là các tạo vật. Nếu Thượng đế không tồn tại, thì chỉ kẻ ác là có lý trí, còn người thiện chỉ là một kẻ mất trí.

“Ôi con ta, sao cho một ngày nào con có thể cảm thấy cất đi được biết bao gánh nặng, khi mà, sau khi đã dốc cạn hư vinh của dư luận con người và đã nếm trải niềm cay đắng của những nổi đam mê, cuối cùng người ta thấy quá gần mình con đường của sự hiền minh, phần thưởng cho các công việc trên cuộc đời này, và ngọn nguồn của hạnh phúc mà người ta đã hằng thất vọng! Mọi nghĩa vụ của luật tự nhiên hầu như đã bị sự bất công của mọi người xóa bỏ khỏi trái tim ta, nay lại được ghi khắc vào đó nhân danh công lý vĩnh hằng làm cho ta phải tôn trong các nghĩa vụ của luật tự nhiên và nhìn thấy ta thực hiện các nghĩa vụ đó. Ta chỉ còn cảm thấy mình là tạo vật và công cụ của Thượng đế, Người muốn điều thiện, Người làm điều thiện, Người sẽ làm điều thiện cho ta qua sự đóng góp các ý chí của ta vào ý của Người và trong việc sử dụng đúng tự do của ta: Ta chấp nhận trật tự mà Người lập ra, tin chắc rằng có ngày ta tự mình được hưởng trật tự ấy và tìm thấy ở đó hạnh phúc lớn cho mình; bởi vì có hạnh phúc lớn nào dịu dàng hơn là cảm thấy mình được sắp xếp vào một hệ thống trong đó toàn là điều thiện? Bị giày vò bởi sự đau khổ, ta kiên nhẫn chịu đựng nó bằng cách nghĩ rằng nó chỉ là thoáng qua, và nó xuất phát từ một thân xác không phải là ta. Nếu ta làm một việc tốt mà không có chứng tích, ta biết rằng Người đã nhìn thấy, và ta xác nhận phẩm hạnh của ta cho cuộc sống khác ở cuộc sống này. Khi chịu đựng đau khổ về một bất công, ta tự nhủ: Thượng đế công bằng, người cai trị tất cả sẽ bù đắp việc này cho ta đầy đủ, những nhu cầu của thân xác ta, những đau khổ của đời ta làm cho ý tưởng về cái chết có thể chịu đựng được dễ hơn. Đó sẽ là bấy nhiêu mối rang buộc bớt phải tháo gỡ khi mà phải từ bỏ tất cả.

“Tại sao tâm hồn ta lại chịu khuất phục các giác quan của ta và bị trói buộc vào thân xác, kẻ chế ngự nó và làm phiền nó? Ta chẳng hiểu gì hết: Phải chăng, ta đã ở trong Thiên mệnh? Nhưng ta có thể không hề liều lĩnh tí nào để đưa ra những phỏng đoán nho nhỏ. Ta tự nhủ: Nếu đầu óc con người cứ được để tự do và trong sạch thì con người sẽ có công trạng gì khi tuân thủ một trật tự mà nó sẽ thấy được thiết lập và nó chẳng có lợi ích gì để làm rối loạn nữa? Con người sẽ hạnh phúc, đúng vậy; nhưng trong hạnh phúc đó còn thiếu cái tầm cao cả nhất, đó là vinh quang của đức hạnh và sự biểu lộ đầy thiện tính của bản ngã; con người sẽ chỉ giống như những thiên thần; và chắc hẳn con người đức độ sẽ còn hơn cả các thiên thần ấy nữa. Linh hồn bị kết hợp vào một thân xác con người bằng những mối dây liên hệ không kém phần chặt chẽ hơn là huyền bí, sự chăm sóc để bảo tồn thân xác ấy kích thích nó phải đem tất cả về cho thân xác ấy và cho nó một lợi ích trái ngược với trật tư chung mà tuy thế nó vẫn có khả năng nhìn thấy và yêu quý; chính thế mà việc sử dụng đúng đắn tự do của nó trở thành vừa là công lao vừa là sự tưởng thưởng, và vì vậy mà nó chuẩn bị cho mình một hạnh phúc bền vững bằng cách đấu tranh với những đam mê trần tục và bằng cách tự duy trì trong ý chí ban đầu của mình.

“Nếu như ngay cả trong cái trạng thái suy đồi mà chúng ta đang lâm vào trong suốt cuộc đời này, mọi khuynh hướng tiên phát của chúng ta đều chính đáng, nếu như mọi tật xấu xuất phát từ chính chúng ta thì tại sao chúng ta cứ phàn nàn rằng bị chúng chinh phục? Tại sao chúng ta lại trách cứ đấng tạo tác về những điều ác mà chúng ta tự mình gây ra và về những kẻ thù mà chúng ta vũ trang cho chúng để cho chúng chống lại chúng ta? Ôi! Đừng có làm hư con người; con người luôn luôn sẽ là tốt chẳng khó khăn gì, và luôn luôn sung sướng không hề ân hận. Những kẻ phạm tội bảo rằng buộc phải gây tội ác thật cũng là lừa dối ngang với độc ác: Sao chúng lại không thấy rõ sự yếu đuối mà chúng phàn nàn là tác phẩm của chính chúng, rằng sự đồi bại đầu tiên của chúng xuất phát từ ý muốn của chúng, rằng vì cứ muốn chịu thua những cám dỗ, cuối cùng chúng chịu thua ngoài ý muốn của chúng và khiến những cám dỗ ấy thành không sao chống lại được? Rõ ràng là không còn tùy thuộc vào chúng để đừng có độc ác và yếu đuối, nhưng việc đừng trở nên độc ác và yếu đuối lại tùy thuộc vào chúng. Ôi, sao cho chúng ta cứ hãy tự chủ lấy chính mình và những đam mê của mình ngay cả suốt cuộc đời này, đúng vậy, khi mà thói quen của chúng ta chưa kịp tập nhiễm, khi mà trí tuệ của chúng ta bắt đầu rộng mở, chúng ta biết làm cho nó quan tâm đến các đối tượng mà nó cần biết đến để nhận rõ những gì nó còn chưa biết; nếu chúng ta thành thực muốn cho mình được hiểu biết chứ không phải là để lòe thiên hạ, mà để trở nên tốt bụng và hiền minh theo như bản chất của chúng ta, để làm cho chúng ta được hạnh phúc trong khi thực hiện các nghĩa vụ của mình! Cuộc nghiên cứu này có lẽ làm cho chúng ta chán ngán và khó nhọc, bởi vì chúng ta chỉ nghĩ đến nó khi đã bị hư hỏng bởi thói xấu, đã buông mình cho những đam mê của bản thân. Chúng ta xác định rõ những phán đoán và sự quý trọng của mình trước khi biết thế nào là cái thiện và cái ác; và rồi, vì quy tất cả về cái tiêu chuẩn giả tạo ấy, chúng ta không đưa ra được cho bất cứ cái gì chân giá trị của nó.

“Có một độ tuổi mà ở đó trái tim con người tuy còn thô sơ, nhưng nồng nhiệt, lo âu, khát khao một hạnh phúc mà nó chưa từng biết đến, tìm kiếm hạnh phúc ấy với một sự không chắc chắn đến kỳ lạ, và, do lầm lẫn bởi các giác quan, rốt cuộc chọn lựa hẳn cái hình ảnh phù phiếm của hạnh phúc và tưởng rằng tìm thấy hạnh phúc ở nơi mà nó không hề tồn tại. Những ảo tưởng này đã tồn tại quá lâu với ta. Chao ôi! Ta đã nhận ra những điều đó quá muộn màng, và ta không thể hoàn toàn tiêu hủy hết chúng đi: Chúng cứ tồn tại lâu bằng cái thân xác con người tạo ra chúng. ít ra là chúng uổng công quyến rũ ta, chúng không lừa dối được ta; ta biết chúng đúng như chúng tồn tại; trong khi theo chúng; ta khinh thường chúng; chẳng coi chúng là mục tiêu hạnh phúc của ta, ta lại coi đó là sự cản trở cho hạnh phúc ấy! Ta mong đến lúc được giải thoát khỏi những ràng buộc của thân xác, ta sẽ là ta không hề có mâu thuẫn, không cần phải phân thân, và chỉ còn cần đến chính mình để được hạnh phúc; trong khi chờ đợi, ta đang hạnh phúc ngay từ cõi đời này, bởi vì rằng ta coi mọi đau đớn, khổ sở chẳng ra gì, rằng ta thấy cuộc đời gần như xa lạ với ta và rằng mọi điều thiện thực sự mà ta có thể rút ra từ cuộc đời là hoàn toàn phụ thuộc vào ta.

“Để nâng trước mình lên hết mức có thể tới trạng thái hạnh phúc mạnh mẽ và tự do ấy, ta tập luyện những suy tưởng cao cả. Ta suy ngẫm về trật tự của vũ trụ không phải là để giải thích nó bằng những hệ thống hư ảo, mà để không ngừng chiêm ngưỡng nó, để tôn thờ đấng tạo tác hiền minh tự phát lộ qua trật tự đó. Ta nói chuyện với người, ta thấu triệt mọi khả năng của ta bằng bản chất thần thánh của người, ta cảm động trước ân sủng của người, ta tạ ân người về phúc người ban; nhưng ta không cầu xin người. Ta sẽ xin người điều gì? Phải chăng người vì ta mà thay đổi diễn tiến của sự việc? Phải chăng người tạo ra những chuyện thần kỳ vì chiều ý ta? Ta là người phải yêu trên hết trật tự được thiết lập nên bởi sự hiền minh của người và được duy trì nhờ thiên ý của người, liệu ta có muốn rằng trật tự ấy bị xáo trộn vì ta chăng? Không, cái ý nguyện liều lĩnh này sẽ đáng bị trừng phạt hơn là chấp thuận. Ta cũng không xin người ban cho quyền làm điều thiện, tại sao lại cầu xin người cái mà người đã ban cho ta? Người chẳng đã ban cho ta lương tâm, để yêu mến điều thiện, lý trí để nhận ra nó và tự do để lựa chọn nó đó sao? Nếu ta làm điều ác, ta không hề có lý do miễn thứ; ta làm điều đó vì ta muốn thế: Yêu cầu người thay đổi ý chí của ta, chính là đòi hỏi người cái mà người đòi hỏi ở ta; chính là muốn rằng người làm nên sự nghiệp của ta mà nhờ đó ta thu nhặt được chút lợi lộc; không bằng lòng với tình trạng của mình tức là không còn muốn làm người nữa, chính là muốn làm một cái gì khác với cái đang tồn tại, chính là muốn sự rối loạn và điều ác. Là nguồn gốc của công lý và chân lý nên Thượng đế bao dung và đầy thiện tâm! Trong lòng tin của con vào Người, ý nguyện tối thượng của lòng con là mong sao cho ý chí của Người được hình thành. Bằng cách liên kết với ý chí của con, con làm cái mà Người làm, tán thưởng lòng tốt của Người, con cho rằng có thể chia sẻ trước với con niềm hạnh phúc lớn lao tối thượng là phần thưởng cho mối thiện tâm ấy.

“Trong mối ngờ vực chính đáng bản thân ta, có mỗi một việc mà ta hỏi Người, hay đúng hơn là ta mong đợi ở công lý của Người là uốn nắn sai lầm của ta nếu như ta lầm lạc và nếu như sai lầm ấy nguy hiểm cho ta. Để sống có thiện ý, ta không tự cho mình là không thể sai lầm: Những ý kiến của ta dường như là đúng nhất với ta lại có thể là bấy nhiêu điều dối trá; bởi vì có ai lại chẳng bảo vệ ý kiến của mình? Và có bao nhiêu người là tán thành mọi chuyện? Ảo tưởng từng lừa phình ta uổng công nảy ra từ ta, chỉ duy nhất có người mới có thể chữa cho ta khỏi ảo tưởng. Ta đã làm những gì mình có thể để đạt tới chân lý; nhưng cội nguồn của nó lại quá cao cả: Khi ta không đủ sức để tiến xa hơn, có thể phạm tội gì? Chính chân lý hãy đến gần ta.”

“Người tu sĩ tốt bụng đã nói với tất cả lòng hăng hái của mình, ông đã xúc động mà tôi cũng xúc động như ông. Tôi tưởng rằng mình được nghe Orphée tuyệt vời đang hát lên bản hùng ca đầu tiên, và dạy cho con người sự phụng thờ các thánh. Trong khi đó tôi nhìn thấy những đám đông bày tỏ sự phản bác ông ta, tôi chẳng phản bác gì bởi vì những lời phản bác ấy thật kém vững vàng hơn là bối rối, và vì rằng sự thành công đã thuộc về ông rồi. Chừng nào mà ông nói với tôi theo lương tâm của mình thì lương tâm của tôi lại dường như càng làm cho tôi chấp nhận điều ông nói với mình.

“Tôi nói với ông rằng những tình cảm mà cha vừa trình bày với con, có lẽ với con là mới mẻ vì những gì mà cha thừa nhận mình không biết hơn là vì những gì mà cha nói là cha tin. Qua đó con thấy đại khái là, thần giáo hay tự nhiên giáo mà những người Thiên chúa giáo thích nhập làm một với chủ nghĩa vô thần hay vô tín ngưỡng, đó lại là học thuyết trực tiếp đối lập. Nhưng ở trình độ hiện tại về đức tin của con, con phải đi lên hơn là đi xuống để có thể chấp nhận các ý kiến của cha, và con thấy khó mà đứng lại ở đúng chỗ mà cha đang ở đó, trừ phi là được thông tuệ như cha. Chí ít là để cũng được chân thành như vậy, con muốn tự tra vấn mình. Chính là tình cảm nội tâm phải đưa đường cho con đi tới tấm gương của cha và chính cha đã dạy cho con biết rằng sau lâu ngày đã bắt tình cảm ấy yên lặng thì thỉnh cầu nó trở lại không phải là chuyện chốc lát. Con nhập tâm những lời nói của cha, con cần phải suy ngẫm về những lời nói ấy. Nếu như, sau khi đã tự tra vấn mình thật kỹ càng, con cũng ở tình trạng bị thuyết phục về chuyện này như cha, cha sẽ là người truyền giáo cuối cùng của con, và con sẽ là môn đồ của cha cho tới lúc chết. Tuy nhiên cha hãy tiếp tục dạy dỗ con, cha chỉ mới nói có một nửa những gì con phải biết. Cha hãy nói cho con về sự mặc khải, về thánh thư, về những tín điều khó hiểu mà con từng được lướt qua từ những ngày thơ ấu, mà không thể hiệu mà cũng chẳng tin, và cũng chẳng biết là nên thừa nhận hay nên vứt bỏ.

“Được, hỡi con ta, ông nói trong khi ôm hôn tôi, ta sẽ nói hết với con những gì ta suy nghĩ; ta không hề muốn mở lòng mình cho con một cách nửa vời: Nhưng ý nguyện mà con bộc lộ ra với ta là cần thiết để buộc ta không cần có sự dè dặt nào với con. Cho tới bây giờ ta không nói một điều gì với con mà lại không tin rằng nó có thể là hữu ích cho con, và ta không tin từ trong thâm tâm của mình. Cuộc khảo sát mà ta còn phải làm lại khác hẳn. Ta chỉ thấy ở đó sự bối rối, huyền bí và mờ ảo; ở đây ta chỉ thấy lâm vào trạng thái khó dự đoán và ngờ vực. Ta chỉ vừa quyết định được cho mình vừa lo sợ và ta nói cho con nhưng hoài nghi của ta thì đúng hơn là lời khuyên của ta. Nếu như những tình cảm của con ổn định hơn, ta sẽ ngại ngần trình bày với con các tình cảm của ta; nhưng trong tình trạng hiện tại của con, con sẽ có lợi khi suy nghĩ như ta[235]. Vả chăng, hãy chỉ xem lời nói của ta có uy thế của lý trí; ta không rõ là liệu mình có sai lầm không. Thật là khó khăn, khi người ta tranh luận mà đôi khi lại không được lên giọng khẳng định; nhưng con hãy nhớ rằng ở đây mọi điều khẳng định của ta đều chỉ là những lý do để hoài nghi. Con hãy tự mình tìm tòi ra chân lý: Đối với ta, ta chỉ hứa hẹn với con một điều là ta có thiện chí.

“Trong sự trình bày của ta, con chỉ thấy có tôn giáo tự nhiên thôi, thật quá lạ lùng khi cần đến một thứ tôn giáo khác. Do đâu mà ta lại biết có sự cần thiết ấy? Ta có thể bị phạm tội gì khi phụng sự Thượng đế theo các ánh sáng mà người ban cho trí óc ta và theo các tình cảm mà Người gợi ra trong trái tim ta? Có thứ đạo đức thuần khiết nào, có thứ tín điều hữu ích nào cho con người và tạo nên vinh quang cho tác giả của nó mà ta có thể rút ra từ một học thuyết chắc chắn, mà ta lại không rút ra được từ việc sử dụng đúng đắn các khả năng của ta mà chẳng cần gì đến học thuyết đó? Con hãy chỉ cho ta xem những gì mà vì vinh quang của Thượng đế, vì lợi ích của xã hội, và vì lợi ích của riêng ta, người ta có thể thêm vào các nhiệm vụ của luật tự nhiên, và con có thể làm nảy sinh ra được đức độ nào ở một tôn giáo mới mà lại chẳng phải là một hệ quả của tôn giáo của ta? Các ý tưởng lớn nhất về Thiên tính chỉ đến với chúng ta từ lý trí mà thôi. Con hãy nhìn cảnh trí thiên nhiên, con hãy lắng nghe tiếng nói nội tâm. Có phải là Thượng đế chẳng đã nói hết cho mắt chúng ta, cho lương tâm chúng ta, cho óc phán đoán của chúng ta rồi sao? Loài người liệu còn có nói gì thêm được với chúng ta nữa chăng? Những mặc khải của họ chỉ làm giảm giá trị Thượng đế bằng cách gán cho Người các đam mê của con người. Thay cho việc làm sáng tỏ các khái niệm về đấng Tối cao, ta thấy rằng các tín điều thuộc nhiều kiểu riêng biệt lại càng làm cho các khái niệm ấy rối bời thêm, đáng lẽ ra phải làm tăng thêm giá trị đó lên, thì các điều ấy lại làm giảm giá trị đi, đối với những điều huyền bí không hiểu nổi xung quanh Người thì các tín điều ấy lại càng thêm thắt vào đó những mâu thuẫn phi lý; chúng làm cho con người thành ra kiêu căng, cố chấp, độc ác; đáng ra phải là thiết lập hòa bình trên Trái đất thì chúng lại đem sắt và lửa đến. Ta tự hỏi phỏng các điều ấy có ích gì, thế mà không làm sao tự giải đáp được. Ta chỉ thấy ở đó tội ác của con người và sự khốn cùng của loài người mà thôi.

“Người ta bảo ta rằng cần phải có mặc khải để dạy Cho con người cách thức mà Thượng đế muốn được thờ phụng; người ta đưa ra làm bằng chứng vô số các kiểu thờ cúng kỳ quái mà các tín điều ấy đã nêu ra, nhưng người ta lại không thấy rằng chính cái tạp nham ấy xuất phát từ sự mặc khải cuồng tưởng mà ra. Từ khi các dân tộc nghĩ ra được cách làm cho Thượng đế nói năng, mỗi dân tộc làm cho Người nói năng theo lối của họ và nói những gì họ muốn. Nếu người ta chỉ nghe theo những gì Thượng đế nói với lòng mình thì bao giờ trên Trái đất này cũng chỉ có một tôn giáo duy nhất mà thôi.

“Cần phải có sự thờ cúng theo cũng một kiểu, ta muốn điều này lắm: mà điểm này có quan trọng đến nỗi phải có sức mạnh của thần thánh mới thiết lập được không? Chúng ta đừng lầm lẫn nghi lễ của tôn giáo với tôn giáo. Sự sùng bái mà Thượng đế đòi hỏi là sự sùng bái ở trong lòng, và tấm lòng này khi nó chân thành thì ở đâu cũng chỉ là một mà thôi. Tưởng rằng Thượng đế rất để ý đến chiếc áo theo hình thức như thế nào của vị linh mục, đến thứ tự các lời nói mà ông ta đọc lên, đến các cử chỉ của ông ta trước bàn thờ và đến tất cả những lần quỳ gối của ông ta thì đó là một sự khoa trương đến mức điên rồ. Này! Anh bạn của ta ơi, dù cho con có đứng thẳng lưng cho hết chiều cao của con đi chăng nữa thì con luôn luôn vẫn cứ gần mặt đất. Thượng đế muốn được tôn thờ trong trí não và trong chân lý[236]: Nhiệm vụ này của tất cả các tôn giáo, của tất cả các nước, của tất cả mọi người. Còn về sự thờ phụng bề ngoài, nếu việc đó cần có sự nhất quán để cho có trật tự tốt đẹp thì đó chỉ là một sự việc thuần túy về mặt quy tắc chứ không cần gì đến mặc khải.

“Ta đã không mở đầu bằng các suy nghĩ này. Bị lôi cuốn bởi các thiên kiến của giáo dục và bởi lòng tự ái nguy hiểm cứ muốn đưa con người lên trên địa vị của mình, vì không thể nào nâng cao được những quan niệm kém cỏi của ta lên tầm Thượng đế, ta đành cố đưa Người xuống ngang tầm với ta. Ta đã kéo gần xít các mối tương quan xa xôi vô cùng giữa bản chất của con người và của ta. Ta đã mong muốn có những giao lưu trực tiếp hơn, những giáo huấn riêng tư hơn; và không muốn làm cho Thượng đế giống như con người, đề ta tự mình được đặc quyền ưu đãi giữa các đồng loại của mình, ta muốn có những hiểu biết siêu tự nhiên; ta đã muốn riêng mình được thờ phụng, ta đã muốn Thượng đế nói cho ta điều mà Người không nói với ai khác hay là điều mà họ sẽ không nghe được như ta.

“Vì nhìn nhận cái điểm mà ta đã đạt tới như một điểm chung nơi mọi người có đức tin cùng nhau xuất phát để tiến tới một sự sùng tín sáng sủa hơn, ta chỉ thấy trong các tín điều của tôn giáo tin nhiên những yếu tố của tất cả mọi tôn giáo. Ta coi sự đa dạng của các giáo phái đang ngự trị trên Trái đất và đang tố cáo lẫn nhau là lừa dối và sai lầm; ta hỏi rằng: giáo phát nào là đúng? Mỗi người đều trả lời ta rằng: Đó chính là giáo phái của tôi, người nào cũng nói: Riêng mình tôi và những người tán đồng với tôi là suy nghĩ đúng; mọi kẻ khác đều sai hết. Và làm sao các vị biết rằng giáo phái của mình là đúng? Bởi vì Chúa đã nói như thế[237]. Và ai đã nói với các vị rằng Chúa đã nói như thế? Ông mục sư của tôi nói, ông biết rõ điều đó mà. Cha bảo tôi hãy tin như vậy, và tôi tin điều đó: Cha đảm bảo với tôi rằng tất cả những ai nói khác với cha đều là nói dối cả, và vì thế mà tôi không nghe theo họ.

“Sao! Tôi từng nghĩ, chân lý lại chẳng có một thôi và cái đúng ở tôi có thể lại là sai ở các vị hay sao? Nếu phương pháp của người nào theo con đường đúng và phương pháp của con người đi lạc lối lại là một, thì người nào là có công trạng hay sai lầm hơn người kia? Sự lựa chọn của họ là kết quả ngẫu nhiên; quy trách nhiệm về điều đó cho họ là bất công, chính là được ban thưởng hay bị trừng phạt vì đã sinh ra ở nước này hay nước khác. Dám nói rằng Chúa phán quyết chúng ta như vậy chính là xúc phạm tới công lý của Người.

“Hoặc là mọi tôn giáo đều là tốt và dễ chấp nhận với Chúa, hoặc, nếu có một tôn giáo nào chỉ định cho tất cả mọi người, và Người trừng phạt họ vì không biết tới, thì Người đã cho tôn giáo ấy các dấu hiệu chắc chắn và hiển nhiển để có thể được tôn vinh và được coi như tôn giáo chân chính duy nhất. Những dấu hiệu này là ở mọi nơi mọi lúc, rõ ràng như nhau với tất cả mọi người, lớn hay bé, thông tuệ hay dốt nát, người Âu, người Ấn, người châu Phi hay người hoang dã. Nếu lại có một tôn giáo trên Trái đất mà ngoài tôn giáo này chỉ có sự trừng phạt vĩnh hằng, và ở nơi nào trên Trái đất lại có một con người có thiện ý mà không hề động tâm về tính hiển nhiên của tôn giáo này thì đức Chúa của tôn giáo ấy sẽ là kẻ bất công nhất và độc ác nhất trong số các bạo chúa.

“Vậy thì chúng ta hãy chân thành tìm cho ra chân lý chứ? Đừng có trao bất cứ điều gì cho quyền hành của dòng dõi và cho quyền uy của các linh mục và mục sư, mà hãy để lương tâm và lý trí xem xét lại tất cả những điều mà các vị ấy đã dạy chúng ta từ thời thơ ấu của chúng ta. Họ uổng công mà gào lên với ta: Hãy bắt lý trí ngươi phải quy thuận đi, kẻ lừa dối ta có thể nói nhiều đến mấy: Ta cần những lý lẽ để bắt buộc lý trí của ta phải theo.

“Toàn bộ lý thuyết về thần học mà ta thu nhận được bởi chính mình thông qua việc xem xét vũ trụ và thông qua việc sử dụng đúng đắn các quan năng của mình đều gói gọn trong điều mà ta đã giảng giải cho con ở phần trên. Muốn biết thêm về điều đó; phải cần đến những phương tiện khác thường. Các phương tiện này sẽ không phải là uy tín của mọi người, bởi vì chẳng có người nào là thuộc về một loài khác với ta, nên mọi điều mà con người có thể biết được một cách tự nhiên thì ta cũng có thể biết được điều đó, và một người khác cũng có thể lầm lẫn như ta: Khi ta tin điều mà anh ta nói, thì không phải vì anh ta nói điều đó mà anh ta chứng minh điều đó. Vậy nên sự làm chứng của mọi người chỉ là cơ sở cho chứng lý của chính lý trí ta mà thôi, và không hề thêm thắt gì được vào các phương tiện tự nhiên mà Thượng đế đã phú cho ta để biết được chân lý.

“Hỡi vị tông đồ của chân lý, vậy người có gì để nói với tôi mà tôi không giữ vai trò người đánh giá hoặc phán xét? Chính Thượng đế đã nói: Hãy nghe sự mặc khải của người. Đó là chuyện khác Thượng đế đã nói ra! Đấy chắc hẳn là một từ trọng đại. Và người đã nói với ai? Người đã nói với mọi người. Vậy thì tại sao ta lại không nghe thấy gì? Người đã giao phó cho những người khác chuyển lời của người cho bạn. Ta hiểu rồi! Đó là những người sẽ nói với ta điều mà Thượng đế đã nói. Ta thì lại thích được nghe chính Thượng đế nói hơn, điều đó cũng sẽ chẳng làm người phải mất công gì hơn và ta sẽ tránh được sự quyến rũ. Người bảo đảm với các bạn về chuyện này bằng cách trình bày về sứ mạng của những người được Người cử đến. Trình bày như thế nào? Đó là thông qua những điều kỳ diệu. Và những điều kỳ diệu ấy ở đâu nào? Ở trong sách vở. Và ai là người viết ra sách vở ấy? Lại là những con người. Và ai đã trông thấy những điều kỳ diệu ấy? Có những người xác nhận như vậy. Sao thế! Bao giờ cũng vẫn là sự làm chứng của con người! Bao giờ cũng là những con người nói lại với ta về điều mà người khác kể lại với họ! Bao nhiêu là con người ở giữa Thượng đế và ta! Tuy nhiên chúng ta hãy nhìn nhận, hãy xem xét kỹ, hãy so sánh, hãy kiểm chứng. Ôi, giá như Thượng đế rủ lòng miễn trừ cho ta mọi việc ấy liệu ta có vì thế mà phục vụ cho Người kém thành tâm đi không?

“Anh bạn ạ, con hãy xem xét cân nhắc cho kỹ xem ta đã dấn thân vào một cuộc tranh luận khủng khiếp đến thế nào; ta đã cần đến một sự uyên bác rộng lớn đến thế nào để đi ngược lên đến tận những thời tối có, xem xét, để cân nhắc, để đối chiếu mọi điều tiên tri, mọi mặc khải, mọi sự kiện mà tác phẩm của lòng tin được đề xuất ở mọi nước trên thế gian, để mà phân định ra các thời kỳ, các địa điểm, các tác giả, các bối cảnh! Ta phải cần đến biết bao là sự đúng đắn trong phê phán để phân biệt những chi tiết đích thực với các chi tiết giả; để mà so sánh các sự phản bác với những đáp ứng, những bản dịch với nguyên tác; để xét đoán về tính không thiên vị và vô tư của các chứng nhân; về thiện ý của họ, về sự hiểu biết của họ, để mà biết được liệu họ có thêm bớt gì không, có thay đổi gì, chuyển đổi gì, xuyên tạc gì không; để mà gỡ bỏ những mâu thuẫn còn tồn tại, để mà phán đoán sự im lặng của các đối thủ trong các sự kiện được viện dẫn ra nhằm chống lại họ; phải nặng nề như thế nào; liệu họ đã biết các điều viện dẫn ấy chưa; liệu họ có coi trọng những điều ấy đủ chịu hạ cố đáp lại; liệu các quyển sách có khá phổ thông đến mức các sách của chúng ta đến được với họ; liệu chúng ta đã có đủ thiện ý để cho sách của họ lưu hành trong chúng ta, và để y nguyên trong đó những phản bác dữ dội nhất của họ.

“Tất cả các tác phẩm này đã được thừa nhận là hiển nhiên không thể chối cãi rồi, thì tiếp đến cần phải chuyển sang các bằng chứng về sứ mệnh của các tác giả của chúng; phải biết rõ các quy luật về các số phận may rủi, về các xác suất ngẫu nhiên, để mà xét đoán xem những dự báo như thế nào thì có thể thực hiện được mà không cần có các phép màu; phải biết cái thần của các ngôn ngữ nguyên bản để phân định rõ được điều gì là dự báo trong các ngôn ngữ ấy với điều chỉ là cách diễn đạt bằng hình tượng; những sự kiện nào ở trong trật tự của tự nhiên, và những sự kiên nào là không nằm trong đó; để nói lên được đến điểm nào thì một con người khôn khéo có thể làm mê hoặc các cặp mắt của những người giản dị, có thể làm cho ngay cả những người hiểu biết rộng phải ngạc nhiên; tìm xem loại sự kiện như thế nào thì được coi là điều kỳ diệu và nó phải có tính xác thực như thế nào, không những chỉ là để tin mà còn là để cho người ta có thể bị trừng phạt vì đã không tin vào đó; so sánh các bằng chứng về những điều kỳ diệu có thật và giả, và tìm ra những quy tắc chắc chắn để phân định chúng; cuối cùng là nói rõ vì sao Thượng đế lại chọn những phương sách để chứng thực cho lời nói của Người mà tự thân các phương sách này lại cần quá nhiều sự chứng thực, cử như là Người nhạo báng sự cả tin của con người và cứ cố tình tránh những phương sách đúng đắn để làm cho mọi người tin.

“Chúng ta hãy giả định rằng thần quyền rủ lòng hạ cố để biến một con người thành khí cụ của các thánh ý; thế thì liệu có hợp lý chăng, liệu có là công bằng khi đòi hỏi cả loài người phải vâng theo tiếng nói của kẻ thừa hành ấy mà lại không cho người ta biết hắn là người thế nào? Liệu có công minh không khi trao cho hắn mọi thứ ủy nhiệm mà chỉ thông qua có vài dấu hiệu đặc biệt được thực hiện trước mặt một số ít con người tầm thường vô danh, còn tất cả số người còn lại thì điều gì cũng sẽ chỉ được biết qua tin đồn? Ở khắp các nước trên thế giới nếu ai cũng coi các điều kỳ diệu mà dân chúng và những kẻ đầu óc giản đơn bảo rằng họ đã nhìn thấy đều là những sự thật cả, thì giáo phái nào cũng sẽ là tốt đẹp cả; thì sẽ có nhiều phép màu hơn các hiện tượng tự nhiên; và phép màu lớn lao nhất trong mọi điều kỳ diệu là ở chỗ nào có những kẻ cuồng tín bị ngược đãi, thì ở đấy không hề có những phép màu. Chính trật tự bất di bất dịch của tự nhiên chứng tỏ rõ nhất bàn tay khôn khéo chi phối nó; nếu lại xảy ra quá nhiều ngoại lệ,-ta thì ta chẳng còn biết nghĩ thế nào về điều đó nữa; và đối với ta, ta quá tin tưởng ở Thượng đế nên không tin ở nhiều phép màu ít xứng đáng với Người.

“Có một người đến nói với chúng ta giọng điệu này: Hỡi những con người, ta truyền đạt cho các ngươi ý chỉ của đấng tối thượng; các ngươi hãy nhận ra trong lời nói của ta điều người gửi ta đến; ta ra lệnh cho Mặt trời đổi hướng đi của nó, cho các ngôi sao hình thành một cách xếp đặt vị trí khác đi, cho núi non trở nên bằng phẳng, cho các ngọn sóng dâng cao, cho Trái đất có một hình dạng khác. Ở những kỳ công này ai mà không lập tức nhận ra người chủ của tự nhiên! Tự nhiên không hề vâng theo những kẻ bịp bợm; các phép màu của bọn chúng xảy ra ở các ngã tư, trong các sa mạc, trong các phòng riêng; và chính là ở đó mà các phép màu này dễ dàng được tiếp nhận bởi một số ít các khán giả đã sẵn sàng để tin mọi chuyện. Có ai là người dám nói với ta rằng cần phải có bao nhiêu bằng chứng tận mắt trông thấy đã làm cho một điều kỳ diệu trở nên đáng tin? Nếu những phép màu của các vị được tạo ra để chứng minh cho học thuyết của các vị, mà chính những phép màu ấy lại cần phải được chứng minh thì những phép màu đó dùng để làm gì? Cũng bằng như chẳng làm phép màu nào hết.

“Cuối cùng còn lại việc xem xét quan trọng nhất của chủ thuyết đã công bố, bởi chính vì những kẻ nói rằng Thượng đế làm những phép màu dưới trần khẳng định rằng đôi khi ma quỷ bắt chước các phép màu ấy với những điều kỳ diệu được chứng thực rõ hơn, chúng ta đã không tiến được hơn lúc trước; và chính vì các nhà ảo thuật của Pharaon đã dám làm ngay cả với sự hiện diện của Moĩse, chính những dấu hiệu mà đã được làm theo lệnh rõ ràng của Chúa, vậy thì tại sao khi vắng mặt ông ta họ lại không vì chính những danh nghĩa ấy để khẳng định cùng một quyền uy như vậy? Vậy là, sau khi đã chứng minh chủ thuyết bằng phép màu lại phải chứng minh phép màu bằng chủ thuyết[238], do sợ rằng coi công việc của quỷ là công việc của Chúa. Con nghĩ thế nào về kiểu chứng minh luẩn quẩn này?

“Chủ thuyết này, xuất phát từ Chúa, phải mang tính chất thiêng liêng của thiên tính; không những chỉ là phải làm sáng tỏ cho chúng ta những ý tưởng mơ hồ mà sự lập luận để lại dấu vết trong trí óc chúng ta, mà nó cũng phải đề xuất với chúng ta một sự sùng bái, một đạo đức và những châm ngôn phù hợp với các thuộc tính mà chỉ có qua đó chúng ta mới hiểu được cốt lõi của chủ thuyết ấy. Vậy thì nếu như chủ thuyết này chỉ dạy cho chúng ta những điều phi lý và không hợp lẽ phải, nếu nó chỉ gợi cho chúng ta những tình cảm ghét bỏ đồng loại và nỗi khiếp sợ cho chính chúng ta, nếu nó chỉ tô vẽ cho chúng ta thấy một đức Chúa giận dữ, ghen ghét, thù hằn, thiên vị, căm ghét mọi người, một đức Chúa chỉ thích có chiến tranh và những cuộc xô xát, luôn sẵn sàng hủy diệt và ra đòn sấm sét, luôn nói về những khổ đau, cực nhọc, và khoe khoang về sự trừng phạt cả những người vô tội, thì trái tim ta sẽ không hề bị thu hút về cái đức Chúa tàn bạo ấy, thì ta sẽ hết sức tránh cho khỏi từ bỏ tôn giáo tự nhiên để theo cái tôn giáo này; bởi lẽ các vị thấy rõ là tất yếu phải lựa chọn. Ta nói với các giáo đồ của họ rằng Chúa của các vị không phải là Chúa của chúng tôi. Ai mà khởi sự bằng cách chọn lọc lấy mỗi một dân tộc và bài trừ hết phần còn lại của loài người thì không phải là người cha chung của mọi người; ai mà đày đọa phần đông nhất trong các tạo vật của mình vào nhục hình vĩnh viễn thì không phải là đức Chúa khoan dung và có thiện tâm mà lý trí đã chỉ cho ta.

“Còn về chuyện các tín điều thì chủ thuyết này nói với ta rằng các tín điều phải rõ ràng, sáng sủa, phải gây xúc động bằng sự hiển nhiên của chúng. Nếu tôn giáo tự nhiên là chưa đủ, chính là vì sự không rõ ràng mà tôn giáo ấy còn bỏ sót lại trong các chân lý lớn đem giảng cho chúng ta: Chính sự thiên khải phải dạy cho chúng ta các chân lý ấy theo một cách mà đầu óc con người có thể cảm nhận được, phải đặt các sự thật ấy vừa tầm của con người, làm cho con người hiểu được các chân lý ấy để khiến cho họ tin vào chúng. Lòng tin được bảo đảm và được củng cố bởi trí năng; tôn giáo tốt đẹp nhất trong mọi tôn giáo chắc chắn phải là tôn giáo sáng sủa rõ rang nhất: Người nào chất chứa những điều huyền bí, những mâu thuẫn vào sự sùng bái mà họ thuyết giảng cho ta thì chính qua việc này lại dạy cho ta biết ngờ vực sự sùng bái đó. Thượng đế mà ta tôn thờ không phải là Thượng đế của cõi u tối, Người chẳng hề ban cho ta một lý trí để nghiêm cấm ta sử dụng nó: Bảo ta phải bắt lý trí của ta tuân phục, chính là xúc phạm đến người tạo tác ra lý trí đó. Người truyền đạt chân lý không hề áp chế lý trí của ta mà làm cho nó sáng tỏ ra.

“Chúng ta đã gạt ra một bên mọi quyền uy của con người; và, không có cái uy tín ấy thì ta không biết làm sao một người có thể thuyết phục nổi một người khác bằng cách rao giảng một chủ thuyết không hợp lý. Chúng ta hãy để hai con người này cãi nhau một lúc và hãy tìm xem những điều họ có thể nói với nhau trong cái gay gắt của ngôn ngữ thông thường ở cả hai phía.

Người được thần khải: Lý trí dạy ngươi rằng tổng thể lớn hơn bộ phận của nó; nhưng ta, lại đứng về phía Chúa dạy ngươi rằng chính là bộ phận lớn hơn tổng thể.

Người hay lý sự: Thế ngươi là ai mà dám nói với ta rằng Chúa tự mâu thuẫn với mình? Và ta sẽ tin vào ai hơn, vào người dạy ta các chân lý vĩnh hằng bằng lý trí hay vào người truyền đạt theo ý Chúa cho ta một sự phi lý.

Người được thần khải: Tin vào ta, vì sự giáo huấn của ta là trội hơn; và ta sẽ chứng minh cho người không thể cãi được là chính Người đã cử ta đến.

Người hay lý sự: Thế là thế nào? Ngươi sẽ chứng minh cho ta rằng chính là Chúa cử ngươi đến làm chứng chống lại Người? Và những chứng cứ của ngươi sẽ là thuộc loại nào mà thuyết phục được ta rằng Chúa nói với ta bằng cái miệng của ngươi thì chắc chắn hơn là bằng trí năng mà Người đã ban cho ta?

Người được thần khải: Trí năng mà Người đã ban cho ngươi ư! Con người nhỏ nhoi và tụ phụ kia! Cứ như ngươi là kẻ báng bổ đầu tiên bị lạc lối trong cái lý trí bị tội lỗi làm cho hư hỏng!

Người hay lý sự: Này con người của Chúa, ngươi cũng chẳng phải là kẻ lừa đảo đầu tiên đem cái ngạo nghễ của mình làm chứng cứ cho việc mình được ủy nhiệm.

Người được thần khải: Sao! Các triết gia cũng nói ra những lời nhục mạ ư!

Người hay lý sự: Cũng có đôi khi, vì các thánh đã làm gương như thế cho họ.

Người được thần khải: Ô! Ta, ta thì có quyền nói thế, ta nói là nhân danh Chúa.

Người hay lý sự: Sẽ là tốt hơn khi giới thiệu các danh nghĩa của ngươi trước khi sử dụng các đặc quyền của ngươi.

Người được thần khải: Các danh nghĩa của ta là đích thực, Đất và Trời sẽ làm chứng cho ta. Hãy theo đúng các lập luận của ta, ta yêu cầu ngươi đấy.

 Người hay lý sự: Các lập luận của ngươi! Ngươi có nghĩ đến đâu. Bảo rằng lý trí của ta lừa dối ta, có khác nào bác lại điều mà nó đã nói với ta vì người? Kẻ nào có thể bác bỏ lý trí thì phải thuyết phục được người ta mà không phải dùng đến nó. Bởi vì, hãy cứ cho rằng ngươi đã thuyết phục được ta bằng lập luận đi; thế thì làm sao ta biết được liệu có phải là lý trí của ta đã bị hư hỏng vì tội lỗi mà tội lỗi này đã làm cho ta tán đồng với điều mà ngươi nói với ta? Vả chăng, có bao giờ mà ngươi có thể sử dụng được chứng cứ nào, được sự chứng minh nào rõ hơn cái tiên đề mà lý trí phải huỷ nó đi? Có thể tin được rằng một tam đoạn luận đúng đắn là một lời nói dối cũng như có thể tin được rằng bộ phận lớn hơn tổng thể.

Người được thần khải: Thật là khác nhau biết mấy! Các chứng cứ của ta là không thể bác bỏ được; nhưng thuộc về một đẳng cấp siêu tự nhiên.

Người hay lý sự: Siêu tự nhiên ư? Cái từ này nghĩa là gì thế! Ta chẳng hiểu gì về nó cả.

Người được thần khải: Đó là các biến đổi trong trật tự của tự nhiên, các điều tiên tri, các phép màu, các điều kỳ diệu đủ mọi loại.

Người hay lý sự: Các điều kỳ diệu ư! Các phép màu ư! Ta chưa bao giờ thấy gì hết về tất cả những thứ đó.

Người được thần khải: Đã có những người khác nhìn thấy nó cho ngươi. Có hàng đống chứng cứ… sự làm chứng của dân chúng…

Người hay lý sự: Sự làm chứng của dân chúng lại thuộc đẳng cấp siêu tự nhiên ư?

Người được thần khải: Không; nhưng khi nó là sự nhất trí, thì nó không thể nào chối cãi được.

Người hay lý sự: Chẳng có gì không thể chối cãi được hơn là các nguyên tắc của lý trí và người ta không thể nào ưng chuẩn một sự phi lý dựa trên sự làm chứng của những con người. Một lần nữa, hãy xem lại các chứng cứ siêu tự nhiên, vì sự chứng thực của loài người về điều này không phải là một chứng cứ siêu tự nhiên

Người được thần khai: Ôi tấm lòng chai sạn! Ân sủng của Chúa không nói gì được với ngươi.

Người hay lý sự: Đó chẳng phải lỗi của ta; vì theo ngươi thì phải nhận ân sủng đã rồi mới biết yêu cầu nó. Hãy bắt đầu nói với ta thay nó đi.

Người được thần khải: A! Đó chính là điều mà ta đang làm đây, và ngươi không nghe ta. Mà ngươi nói sao về các điều tiên tri?

Người hay lý sự: Trước hết ta nói rằng ta chưa nghe thấy gì về các điều tiên tri cũng nhằm đã không trông thấy các phép màu. Ta nói thêm rằng chẳng có một điều tiên tri nào có tác dụng đối với ta.

Người được thần khai: Tên tay sai của quỷ dữ. Và tại sao các điều tiên tri lại không tạo được ảnh hưởng gì với ngươi?

Người hay lý sự: Bởi vì muốn cho chúng làm được điều đó thì phải có ba sự việc mà sự hợp đồng với nhau là không thể có được; đó là ta được chứng kiến điều tiên tri, ta được chứng kiến sự kiện, và chứng minh được cho ta rằng sự kiện ấy không thể là ăn khớp một cách ngẫu nhiên với lời tiên tri, vì dù lời tiên tri có chính xác hơn, rõ ràng hơn, sáng tỏ hơn một định lý hình học, do sự sáng tỏ của một tiên đoán đưa ra một cách ngẫu nhiên không biến số thực hiện thành không thể, thì sự thực hiện ấy, khi xảy ra không chứng minh được gì một cách chặt chẽ cho kẻ đã tiên đoán nó.

“Vậy hãy xem các chứng cứ siêu tự nhiên, các phép màu, các lời tiên tri mạo xưng ấy của ngươi rút lại thành cái gì. Để tin tất cả các cái đó do tin người khác, và để bắt buộc vào quyền uy của Chúa nói với lý trí của ta phải phục tùng quyền uy của con người. Nếu những chân lý vĩnh hằng mà linh hồn ta liệu được có thể bị chút ít tác động, thì với ta sẽ chẳng còn gì là chắc chắn; và không làm sao mà chắc được rằng ngươi nói với ta là nhân danh Chúa, ta cũng sẽ không dám chắc là Chúa tồn tại.

“Đó là biết bao khó khăn, hỡi con của ta, và chưa phải đó là tất cả đâu. Trong số biết bao tôn giáo khác biệt bài trừ và xung khắc lẫn nhau, chỉ có một tôn giáo là tốt đẹp nếu thật quả là có một tôn giáo như thế. Muốn nhận ra tôn giáo đó thì việc khảo sát một tôn giáo không đủ mà ta phải khảo sát tất cả mọi tôn giáo, và, trong bất cứ vấn đề nào, ta không nên lên án nếu ta không am hiểu[239]; ta phải đối chiếu các điều bác bỏ với các bằng chứng; ta phải biết những gì mà mỗi người đưa ra chống đối lại với các kẻ khác và những gì mà anh ta trả lời cho họ. Một cảm nghĩ càng có vẻ bộc bạch với chúng ta thì chúng ta càng phải tìm tòi xem dựa vào đâu mà lắm người lại không nhận ra nó như thế. Có lẽ phải có một đầu óc thật là đơn giản mới tin được rằng chỉ cần nghe theo các nhân vật uyên bác của phe mình là đã học được các lý lẽ của phe đối lập. Đâu là các nhà thần học tự cho là mình có thiện ý? Đâu là những kẻ để bác bỏ các lý lẽ của các địch thủ, không bắt đầu bằng việc làm cho các địch thủ ấy suy yếu đi? Mỗi người nổi bật trong phe của mình: Nhưng cái người rất tự đắc giữa những người cùng phe về các bằng chứng của mình thì khi ở giữa những người khác phe phái lại bị coi là kẻ thậm ngu ngốc cũng chỉ vì các bằng chứng ấy mà thôi. Con có muốn học hỏi trong sách vở không? Phải tiếp thu biết bao nhiêu là kiến thức uyên bác! Phải học biết bao là sinh ngữ! Phải giở sách ra trong biết bao thư viện! Phải đọc nhiều biết bao! Ai sẽ hướng dẫn ta trong việc lựa chọn? Người ta sẽ khó mà tìm thấy trong một xứ những sách vở hay nhất của phe đối nghịch, huống chi là sách của tất cả phe phái: Cho dù là có tìm thấy đi, thì chúng sẽ lập tức bị bác bỏ. Kẻ vắng mặt bao giờ mà chẳng là sai, và những lý lẽ xằng bậy được nói ra với giọng quả quyết, dễ dàng xóa bỏ các lý lẽ đúng được trình bày một cách khinh thường. Vả lại không có gì dối trá hơn và diễn tả kém chính xác các ý tưởng của tác giả hơn là các sách vở. Nếu con đã muốn phán đoán về đức tin Thiên chúa giáo dựa trên cuốn sách của Bossuet thì con có ý kiến khác hẳn sau khi đã sống giữa những người như chúng ta. Con đã thấy giáo lý mà người ta dùng để đáp lại lời của các tín đồ Tân giáo không phải là giáo lý mà người ta dạy cho dân chúng và cuốn sách của Bossuet không giống mấy với các lời giảng ở nhà thờ. Muốn xét đoán cho đúng một tôn giáo, ta không nên nghiên cứu tôn giáo ấy trong các sách của các tín đồ thuộc tôn giáo ấy mà ta phải đến học tôn giáo ấy ở nơi họ sống; điều này là khác hẳn. Mỗi người đều có truyền thống, có ý thức, có tục lệ và có thành kiến của mình, tất cả những cái đó tạo ra khuynh hướng tín ngưỡng của họ và ta phải liên hệ tất cả những điều đó với sách vở để mà xét đoán về tôn giáo ấy.

“Có biết bao nhiêu là dân tộc lớn không in ra sách vở và không đọc các sách của chúng tai họ sẽ xét đoán thế nào về các ý kiến của chúng ta? Chúng ta sẽ xét đoán thế nào về các ý kiến của họ? Chúng ta nhạo báng họ, họ khinh bỉ chúng ta; và, nếu các du khách của chúng ta mà chế giễu họ thì họ chỉ thiếu có việc là đi du lịch ở xứ sở của chúng ta để chế giễu lại chúng ta mà thôi. Ở nước nào mà chẳng có người biết lẽ phải trái, những người có thiện chí, những người chính trực chỉ tìm cách theo đuổi việc tìm hiểu chân lý để lấy nó làm chủ trương của mình? Song mỗi người nhận ra chân lý trong tôn giáo của mình và cho rằng tôn giáo của các nước khác là phi lý: Vậy thì các tôn giáo ngoại quốc không quá ư lố lăng như chúng ta tưởng hoặc là các lý lẽ mà chúng ta tìm thấy trong các tôn giáo của chúng ta không chứng minh gì cả.

“Chúng ta có ba tôn giáo chính ở châu Âu. Một tôn giáo thừa nhận một mặc khải độc nhất[240], tôn giáo kia thừa nhận hai[241], tôn giáo còn lại thừa nhận ba[242]. Mỗi tôn giáo ghét bỏ, thóa mạ tôn giáo kia là mù quáng, cứng rắn, cố chấp, giả dối. Con người vô tư nào sẽ dám phán đoán giữa các tôn giáo ấy, nếu trước tiên tự mình đã không cân nhắc chu đáo bằng chứng của các tôn giáo ấy, đã không lắng nghe cẩn thận lý lẽ của chúng? Tôn giáo chỉ thừa nhận một mặc khải là tôn giáo kỳ cựu nhất và có vẻ là vững chắc nhất; tôn giáo thừa nhận ba mặc khải là tôn giáo tân tiến nhất và có vẻ hợp lý hơn cả; tôn giáo thừa nhận hai mặc khải và bác bỏ mặc khải thứ ba có thể lại là tốt đẹp nhất, nhưng chắc chắn là tôn giáo này bị tất cả các thành kiến chống đối nó vì sự không hợp lý rành rành trước mắt.

“Trong số ba mặc khải ấy, các Thánh thư được viết bằng những ngôn ngữ xa lạ với các dân tộc theo các mặc khải ấy. Những người Do thái không còn hiểu tiếng của tổ tiên thời cổ đại là tiếng Hébreu nữa; các tín đồ Cơ đốc giáo không hiểu tiếng Hébreu và tiếng Hy Lạp; người Thổ Nhĩ Kỳ cũng như người Ba Tư không hiểu tiếng Ả Rập; và người Ả Rập thời nay lại cũng không còn nói tiếng của Mahomet nữa. Đấy phải chăng là một cách thật đơn giản để mà giáo hóa con người, để luôn luôn nói chuyện với họ bằng một thứ tiếng mà họ không hiểu sao? Người ta bảo là họ dịch các sách ấy ra. Câu trả lời hay thật! Ai bảo đảm cho ta rằng các sách ấy được dịch thật đúng, ngay cả có đến khả năng là các sách ấy được dịch đúng? Và khi Thượng đế nhất quyết phải nói chuyện với con người thì tại sao Người lại phải cần đến người phiên dịch?

“Ta sẽ không bao giờ quan niệm được rằng những gì mà mọi người bắt buộc phải biết lại cứ phải chứa gọn trong các sách vở, và ai không đủ sức hiểu được cả các sách ấy lẫn những người am hiểu các sách vở ấy thì bị trừng phạt vì một sự dốt nát không cố ý. Luôn luôn cử là sách vở! Sao lại sính sách vở đến thế[243]! Vì lẽ châu Âu tràn ngập sách vở, những người âu coi sách vở là cần thiết, mà chẳng nghĩ đến rằng, ở ba phần tư Trái đất, có ai được thấy sách vở đâu. Mọi sách vở chẳng phải là đã do con người viết ra hay sao? Vậy làm sao mà con người lại cứ cần phải có nó mới hiểu được bổn phận của mình? Và con người liệu đã có cách nào không để mà hiểu được bổn phận của mình trước khi các sách vở ấy được làm ra? Hoặc là con người sẽ học hỏi về các bổn phận của mình từ chính mình, hoặc là con người được miễn trừ để khỏi biết đến các bổn phận ấy.

“Các tín đồ Thiên chúa giáo của chúng ta làm rùm beng lên về uy quyền của Giáo hội Thiên chúa; nhưng họ được lợi gì về chuyện này, nếu họ phải cần đến cả một bộ máy cũng lớn lao về cái bằng chứng giống y như các giáo hội khác đã thiết lập trực tiếp giáo lý của mình để mà thiết lập nên uy quyền đó? Giáo hội quyết định rằng Giáo hội có quyền quyết định. Đấy có phải một quyền uy được chứng minh rõ không? Hãy bước ra khỏi đó, con sẽ đi vào mọi cuộc thảo luận của chúng ta.

“Con có biết rằng nhiều tín đồ Cơ đốc giáo đã chịu khó khảo sát cẩn thận những gì Do thái giáo viện dẫn để chống lại họ không? Nếu có một vài người đã thấy một điều gì về vấn đề đó, chính là ở trong sách vở của các tín đồ Cơ đốc giáo. Cái phương pháp để học hỏi lý lẽ của các đối thủ như thế mới hay ho làm sao! Nhưng làm thế nào được? Nếu có ai dám xuất bản ở cho chúng ta những sách vở trong đó công khai bênh vực Do thái giáo thì chúng ta sẽ trừng trị tác giả, nhà xuất bản, người bán sách[244]. Quy tắc này thật là tiện dụng và chắc chắn để luôn luôn chiếm giữ lẽ phải. Thật là khoái trá khi được bài bác những người không dám nói.

“Những người trong chúng ta được trò chuyện với người Do thái thì cũng chẳng biết hơn được mấy. Những con người khốn khổ ấy tự cảm thấy tùy thuộc ở chúng ta; sự áp chế mà người ta thực hiện đối với họ khiến họ trở nên sợ sệt; họ biết rằng sự bất công và sự độc ác chẳng đáng là bao với long từ thiện Cơ đốc giáo: Họ sẽ dám nói gì đây để tránh bị chúng ta la lối lên rằng họ báng bổ tôn giáo của chúng ta? Sự tham lam ham hố làm chúng ta hăng hái còn họ thì quá giàu có cho nên họ mắc lỗi lầm. Những người thông thái nhất, những người sáng suốt nhất luôn luôn là những người thận trọng nhất. Con sẽ cải giáo một vài kẻ khốn cùng nào đó được trả công để vu khống môn phái của chúng, con sẽ làm cho vài tên bán đồ cũ đê tiện nói theo ý con vì chúng chịu lép vế để nịnh hót con, con sẽ thắng sự dốt nát của chúng hay sự hèn hạ của chúng, trong khi các nhà uyên bác của chúng sẽ cười thầm về sự ngu ngốc của con. Nhưng con lại tưởng rằng ở nơi mà họ tự cảm thấy mình được an toàn, người ta cũng khuất phục được họ dễ dàng như thế à? Ở Sorbonne, thật rõ ràng như ban ngày rằng những lời tiên tri về Chúa cứu thế là nói về Đức Jésus-Christ. Ở chỗ các giáo sĩ Do thái tại Amsterdam thì họ cũng coi rõ ràng y như vậy rằng các lời tiên tri đó chẳng có một chút nào quan hệ đến việc đó. Ta sẽ không bao giờ tin tưởng được rằng mình đã hiểu rõ các lý lẽ của người Do thái trước khi họ có một quốc gia tự do, có những trường học và các đại học là nơi mà họ có thể nói và thảo luận hết nhẽ mà không bị nguy hiểm. Chỉ đến lúc đó chúng ta mới sẽ có thể biết được những gì họ phải nói ra.

“Ở Constantinople, những người Thồ Nhĩ Kỳ nói ra các lý lẽ của họ, mà chúng ta không dám nói ra các lý lẽ của chúng ta; ở đó, chính là đến lượt chúng ta luồn cúi. Nếu những người Thổ Nhĩ Kỳ đòi hỏi chúng ta phải có đối với Mahomet mà chúng ta không hề tin tưởng, cũng sự tôn kính mà chúng ta đòi hỏi ở những người Do thái đối với Đức Jésus-Christ mà họ chẳng tin tưởng gì hơn, thì những người Thổ Nhĩ Kỳ có sai lầm hay không? Liệu chúng ta có lý hay không? Dựa trên nguyên tắc công bằng nào mà chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này?

“Hai phần ba nhân loại không theo Do thái giáo, cũng không Hồi giáo, cũng chẳng Cơ đốc giáo; mà có biết bao triệu người chưa bao giờ nghe nói đến Moĩse, đến Jésus-Christ, cả đến Mahomet nữa! Người ta phủ nhận điều đó, người ta quả quyết rằng các nhà truyền giáo của chúng ta đi khắp nơi. Nói thì dễ lầm! Nhưng họ có đi vào trung tâm Phi châu, đến nay hãy còn xa lạ và là nơi mà chưa bao giờ có người Âu nào xâm nhập không? Họ có đi vào vùng Tartarie Địa Trung Hải để đi ngựa theo các bộ lạc du mục, mà chưa từng bao giờ có người lạ mặt tiếp cận được, và, thay vì đã nghe thấy nói đến đức Giáo hoàng, thì họ chỉ biết sơ sơ về đức Đạt lai Lạt ma không? Họ có đi vào các miền bao la của châu Mỹ, nơi có những Dân tộc chưa hề biết rằng những người dân thuộc một thế giới khác đã đặt chân lên thế giới của họ không? Họ có đến Nhật Bản, nơi mà các mưu mô của họ đã làm cho họ bị trục xuất vĩnh viễn không; và là nơi mà các lớp người thuộc thế hệ sau chỉ biết quan niệm các bậc tiền bối của họ như những người hay dùng mưu mẹo tinh quái đến đấy với lòng nhiệt thành giả dối để chiếm đoạt vương quốc một cách êm thấm mà thôi? Họ có đi vào được các hậu cung của vua chúa Á châu để truyền bá Phúc âm cho hàng ngàn kẻ nô lệ khốn khổ không? Phụ nữ của phần thế giới ấy đã làm gì để không một nhà truyền giáo nào có thể truyền bá được cho họ đức tin? Những phụ nữ ấy có phải là tất cả sẽ xuống địa ngục vì đã bị cấm cung không?

“Đủ cho việc Phúc âm được truyền bá trên khắp Trái đất là có thực đi chăng nữa, thì người ta được lợi gì ở việc này? Vào hôm trước khi nhà truyền giáo đầu tiên đến một đất nước, ở đó chắc chắn đã có một kẻ nào đó đã chết mà không thể nghe ông ta được. Bây giờ con hãy nói cho ta nghe xem chúng ta phải làm gì với kẻ đã chết đó. Dù cho khắp thế gian chỉ có một người duy nhất mà người ta đã không bao giờ giảng được về Đức Jésus-Christ thì sự uyên bác cho con người duy nhất ấy cũng sẽ mạnh mẽ y như cho một phần tư nhân loại vậy.

“Khi các mục sư Tân giáo đã làm cho các dân tộc xa xôi hiểu họ, họ đã nói gì với các dân tộc ấy để người ta có thể thừa nhận một cách phải lẽ theo lời nói của họ mà không đòi hỏi sự kiểm chứng đúng đắn nhất? Các vị thông báo với ta rằng một vị Thượng đế đã ra đời và chết cách đây hai ngàn năm, ở phần bên kia của tận cùng Trái đất, không rõ là ở trong một thành phố bé nhỏ nào đó, rồi các vị lại nói với ta rằng tất cả những ai không tin vào điều huyền bí đó, sẽ bị sa địa ngục. Đấy là những chuyện hết sức kì la thành thử chúng nên quá vội tin mà chỉ dựa vào duy nhất uy tín của một người ta không hề biết? Tại sao Thượng đế của các vị đã gây ra những biến cố ở cách xa ta đến thế nếu lại muốn buộc ta phải biết? Không biết được những gì xảy ra ở bên kia Địa cầu lại là một trọng tội ư? Ta có thể đoán rằng trên bán cầu kia đã có một dân tộc Hébreu và một thành phố Jérusalem chăng? Điều đó cũng ngang với buộc ta phải biết những gì đang xảy ra trên cung trăng. Các vị nói rằng các vị đến để dạy cho ta điều đó; nhưng tại sao các vị không đến dạy cho cha đẻ của ta điều đó, không thì tại sao lại đày đọa ông già hiền lành ấy vì đã không bao giờ hiểu biết gì về điều đó? Cụ có phải chịu trừng phạt vĩnh viễn vì sự biếng nhác của các vị hay không, ông cụ, một con người nhân từ đến thế, có lòng từ thiện đến thế và chỉ biết tìm tòi chân lý? Các vị hãy có thiện ý rồi hãy đặt mình vào địa vị của ta: Các vị hãy xem ta có nên căn cứ vào mỗi một mình chứng cứ của các vị đã tin tất cả các sự việc không sao tin nổi mà các vị vừa kể cho ta và dung hòa biết bao sự bất công với vị Thượng đế chí công mà các vị vừa truyền bá cho ta đó không. Xin hãy gia ân để ta đi thăm cái xứ sở xa xăm ấy, nơi mà bao nhiêu việc kỳ diệu chưa từng thấy ở xứ này được thực hiện, để ta tìm hiểu xem vì sao dân thành Jérusalem ấy lại đã đối xử với Đức Chúa như với một tên cường đạo. Các vị nói rằng đó là vì họ không thừa nhận vị ấy là Đức Chúa. Vậy thì ta sẽ phải làm gì? Ta, một kẻ xưa nay bao giờ cũng chỉ được nghe độc có các vị nói về việc này mà thôi! Các vị còn nói thêm rằng họ đã bị trừng phạt, bị phân tán, bị hà hiếp, bị khuất phục và không có ai trong bọn họ đến gần được thành phố ấy nữa. Chắc chắn rằng họ đáng phải chịu mọi điều đó; nhưng dân chúng ngày nay, họ nói gì về tội giết Chúa của các bậc tiền bối của mình? Họ phủ nhận điều đó, họ cũng chẳng thừa nhận Đức Chúa là Đức Chúa nữa kia. Như vậy là cầm bằng cứ bỏ rơi con cái của những kẻ khác.

“Sao thế! Cũng trong thành phố ấy, nơi mà Chúa đã chết, cả dân cư ngày xưa lẫn dân chúng ngày nay đều không hề thừa nhận Ngài, thế mà các vị lại muốn ta thừa nhận Ngài, ta, một kẻ sinh ra hai ngàn năm sau, cách xa nơi ấy hai ngàn dặm! Các vị không thấy sao: Trước khi ta tin quyển sách các vị gọi là Thánh thư ấy, và ta không hiểu gì về nó cả, ta phải biết, do những người khác ngoài các vị, quyển sách ấy được viết ra vào lúc nào và do người nào, đã được bảo tồn bằng cách nào, đã đến tay các vị bằng cách nào, những người phản bác quyển sách ấy trong xứ đã nói những gì, theo lý lẽ của họ, mặc dầu họ cũng biết như các vị tất cả những gì mà các vị đã dạy cho ta? Các vị cảm thấy rõ là ta nhất thiết phải sang châu Âu, châu Á, sang xứ Palestine để tự mình khảo sát mọi việc; có mà ta hóa rồ mới nghe theo các vị trước thời đại này.

“Không những là nói như vậy có vẻ là hợp lý đối với ta, mà ta quả quyết rằng mọi người biết lẽ phải trái đều phải nói như thế trong trường hợp tương tự và đuổi nhà truyền giáo đi thật xa vì đó là kẻ trước khi xác minh các bằng chứng, đã vội vàng muốn rao giảng và làm lễ rửa tội cho người ấy. Thế mà ta quả quyết rằng không có biểu hiện chống lại điều đó như chính những sự chống đối ấy đã mạnh mẽ ngang hoặc còn mạnh hơn thế nữa để chống lại Thiên chúa giáo. Do đó rõ ràng là nếu như chỉ có một tôn giáo là chân chính và mọi người đều bắt buộc phải theo kẻo bị trừng phạt đày xuống địa ngục, thì phải suốt đời nghiên cứu mọi tôn giáo, để hiểu sâu sắc về chúng, để so sánh chúng với nhau, để đi qua khảo cả các nước đã từng thiết lập nên chúng. Không ai được miễn trừ bổn phận đầu tiên của con người, không ai được có quyền tin cậy vào sự phán đoán của người khác. Người thợ thủ công chỉ sống nhờ công việc của mình, người dân cày không biết đọc, cô thiếu nữ tế nhị và e lệ, người tàn tật khó có thể ra khỏi giường của mình, tất cả không ngoại trừ một ai đều phải nghiên cứu, phải suy tưởng, phải tranh luận, phải đi du lịch qua khắp thế giới: Sẽ không còn dân tộc nào là cố định và ổn định; toàn bộ Trái đất sẽ chỉ đầy rẫy những người hành hương đi lại với biết bao chi phí, và với những mệt mỏi triền miên, để mà xác minh, để mà so sánh, để mà tự mình xét đoán lấy những tôn giáo khác nhau mà người ta theo. Vậy thì vĩnh biệt các nghề nghiệp, các nghệ thuật, các khoa học nhân văn, và mọi việc bận rộn đời thường: Không thể còn có bất cứ một nghiên cứu nào khác hơn là việc nghiên cứu tôn giáo: Ai sẽ có được sức khỏe mạnh mẽ nhất, sử dụng thời gian của mình tốt nhất, vận dụng lý lẽ của mình sắc bén nhất, sống qua được nhiều năm tháng nhất, thì họa chăng là đến tận tuổi già mới quyết định được một điều gì về chuyện này, và nếu trước lúc mình chết mà biết được là mình phải sống trong tôn giáo nào thì cũng là nhiều lắm rồi.

“Các vị muốn giảm nhẹ phương pháp này, và muốn trao phần nhỏ nhất cho quyền uy của con người phải không? Lập tức các vị trao cho con người tất cả; và nếu người con của một tín đồ Thiên chúa ngoan ngoãn theo đạo của cha mình mà chẳng cần đến sự suy xét sâu xa và không thiên vị, thì tại sao người con của một người Thổ Nhĩ Kỳ lại là tội lỗi khi theo cũng cái tôn giáo của cha mình? Ta thách mọi kẻ cố chấp trả lời việc này được điều gì làm thỏa lòng một con người biết lẽ phải trái.

“Bị thúc ép bởi các lý lẽ đó, một số người lại thích biến Chúa thành bất công và trừng phạt những kẻ vô tội vì tội lỗi của cha họ hơn là từ bỏ tín điều man rợ của chúng. Những người khác tháo gỡ khó khăn bằng cách ân cần cử đến một thiên thần để giáo hóa cho kẻ nào đó, trong sự ngu muội không thể nào thuyết phục nổi, lại sống có đạo đức tốt. Vị thiên thần này thật là một sang kiến hão huyền làm sao! Không hài lòng với việc ràng buộc chúng ta vào cỗ máy của họ, họ lại còn khiến cả đích thân Chúa cũng phải cần sử dụng cỗ máy ấy khi cần thiết.

“Con thấy đấy, tính kiêu ngạo và cố chấp đem lại sự vô lý đến nhường nào, khi mà ai cũng cứ khư khư giữ lấy quan điểm của mình và tin rằng chỉ độc một mình họ mới là có lý so với phần còn lại của loài người. Ta viện ra Đức Chúa hiền lành này mà ta tôn thờ và ta thông báo với con để làm chứng rằng mọi tìm tòi của ta đều là chân thành; nhưng cứ coi chúng là thế đi, thì chúng vẫn sẽ chẳng bao giờ đạt được thành tựu nào, và ta phải bị chìm đắm trong một đại dương không bờ bến, ta phải quay trở lại và xiết chặt niềm tin của mình vào các khái niệm nguyên khởi của ta. Ta không bao giờ có thể tin được rằng Thượng đế ra lệnh cho phải trở thành bác học nếu không thì trừng phạt đày xuống địa ngục. Vậy nên ta gấp mọi sách vở lại. Chỉ có mỗi một cuốn được mở ra trước mặt tất cả mọi người, chính là cuốn sách của tự nhiên. Chính là trong cuốn sách lớn lao và cho cả ấy mà ta học phục vụ và tôn thờ tác giả thánh thiện của nó. Không ai có thể được tha thứ nếu không đọc nó, bởi vì nó nói với tất cả mọi người một ngôn ngữ dễ hiểu với mọi trí tuệ dù ở bất kỳ trình độ nào. Khi ta được sinh ra trên một hoang đảo, khi ta chưa từng nhìn thấy người nào khác ngoài ta ra, khi ta chưa từng biết điều gì đã diễn ra từ xửa từ xưa ở một góc của thế giới; nếu ta vận dụng lý trí của ta, nếu ta vun trồng cho lý trí ấy, nếu ta sử dụng tốt khả năng mà Thượng đế trực tiếp ban cho ta, ta sẽ tự mình học lấy để biết rõ về Người, để yêu Người, để yêu mến các tạo phẩm của Người, để mong muốn cái Thiện mà người ưa chuộng và để hoàn thành mà bổn phận của ta trên Trái đất này chỉ để làm Người vui lòng. Còn có điều gì có thể hơn thế mà toàn bộ tri thức của loài người có thể dạy ta thêm?

“Còn về sự mặc khải, nếu ta là nhà lý luận giỏi hơn hay là người có học vấn uyên bác hơn thì có thể là ta sẽ cảm nhận được sự có thực của mặc khải, cái ích lợi của nó cho những ai có diễm phúc nhận biết được nó, nhưng nếu ta thấy có những chứng cứ thuận lợi cho nó mà ta không thể chống lại được, thì ta cũng thấy các sự phản bác chống lại nó mà ta không giải đáp được. Có bao nhiêu là lý lẽ vững vàng ủng hộ và chống lại mà không biết phải quyết định cho ta bề nào, ta chẳng tiếp thu nó mà cũng không bác bỏ nó; ta chỉ bác bỏ mỗi một điều là bắt buộc người ta phải thừa nhận nó, bởi vì sự bắt buộc mạo danh này là tương khắc với công lý của Chúa, và vì đáng lẽ nhân đó mà tháo gỡ các trở ngại cho sự cứu rỗi thì họ lại làm tăng các trở ngại lên nhiều lần, họ đã làm cho chúng trở thành không vượt qua nổi đối với phần lớn nhân loại. Ngoài điều đó ra thì về điểm này ta còn khá hoài nghi. Ta không có tính tự phụ để tưởng rằng mình không thể sai lầm: Những người khác có thể khẳng định điều ta cho là chưa rõ ràng; ta biện luận cho mình chứ không phải là cho họ; ta chẳng chê bai gì họ mà cũng chẳng bắt chước họ: Sự phán đoán của họ có thể là hơn sự phán đoán của ta; nhưng đó không phải là do lỗi của ta nếu sự phán đoán ấy không phải của ta.

“Ta cũng thú nhận với con rằng sự tôn nghiêm của các Thánh thư làm ta ngạc nhiên, sự thánh linh của Phúc âm làm rung động lòng ta. Con hãy nhìn sách vở của các triết gia với tất cả vẻ khoa trương của chúng: Sao mà chúng bé mọn bên cạnh Phúc âm! Có thể nào một cuốn sách vừa cao nhã vừa đơn giản đến vậy lại là công trình của những con người không? Có thể nào bản thân con người mà quyển sách thuật lại lai lịch lại chỉ là một con người mà thôi? Đó có phải là giọng điệu của một kẻ nhiệt tâm hay của một tín đồ nhiều tham vọng không? Phẩm hạnh của Người hiện dịu biết bao, trong sạch biết bao! Các lời giáo huấn của Người có một vẻ u nhã làm xúc động lòng người biết bao! Các châm ngôn của Người thật là cao quý biết nhường nào! Các lời nói của Người mới thông tuệ sâu sắc làm sao! Các lời đối đáp của Người thật nhanh trí, tinh tế và chính xác biết bao! Các đam mê đã được Người tự chủ biết bao! Đâu là con người, đâu là bậc hiền nhân biết hành động, biết đau khổ và chết đi mà không yếu đuối và phô trương? Khi Platon miêu tả đấng chí công tưởng tượng của ông chịu mọi sự ô nhục của trọng tội và xứng đáng với tất cả các giá trị về đức hạnh, ông miêu tả từng nét một của đức chúa Jésus-Christ: Sự giống nhau rõ rệt đến nỗi tất cả các cha cố đều nhận ra điều đó và không thể nào nhầm lẫn được. Phải có những thành kiến đến mức nào, mới dám so sánh con trai của Sophronisque[245] với con trai của Đức bà Maire? Từ người này đến người kia là cả một khoảng cách! Socrate chết không đau đớn, không bị sỉ nhục, dễ dàng giữ vững đến cùng vai trò của mình; và nếu cái chết dễ dàng ấy không làm vinh dự cho đời ông thì người ta cũng không dám chắc rằng với tất cả tài trí của ông đi nữa, ông có gì khác hơn là một nhà ngụy biện. Người ta nói ông khởi xướng ra đạo đức học; nhưng trước ông đã có nhiều người đưa đạo đức vào thực hành; ông chỉ nói lên những gì họ đã làm, ông chỉ làm thành bài học về các tấm gương của họ. Aristide đã thành công bằng trước khi Soerate nói thế nào là lẽ công bằng; Léonidas đã chết cho đất nước của mình trước khi Socrate đề ra một bổn phận là yêu tổ quốc; dân thành Sparte là những người sống tiết độ; trước khi Socrate ngợi ca sự tiết độ; trước khi ông định nghĩa đức hạnh thì nước Hy Lạp đã đầy rẫy những người đức hạnh. Nhưng Jésus thì lấy từ đâu trong số các người thân của Người để được một nền đạo đức cao siêu và trong sạch ấy mà chỉ có riêng Người mới cho được các bài học và nêu tấm gương[246]? Ngay ở giữa sự cuồng tín dữ dội nhất vọng lên tiếng nói của sự hiền minh tột đỉnh; và sự giản dị của đức tính anh dũng nhất đã làm vinh dự cho dân tộc thấp hèn nhất trong mọi dân tộc. Cái chết của Socrate trong khi đang thản nhiên triết lý với bạn bè của ông là cái chết êm đềm nhất mà ai cũng có thể ước ao; cái chết của Đức Jésus hấp hối trong sự tra tấn, bị cả một dân tộc sỉ nhục, chế nhạo, nguyền rủa, là một cái chết khủng khiếp mà ai cũng phải sợ. Soerate cầm lấy chén thuốc độc, cầu phúc cho kẻ vừa đưa chén ấy cho ông và hắn khóc. Đức Jésus đang lúc chịu một cực hình ghê gớm, cầu nguyện cho những tên đao phủ đang say máu của Người. Vâng, nếu đời sống và cái chết của Socrate là của một bậc hiền nhân, thì đời sống và cái chết của Đức Jésus là một cái chết của một Đức Chúa. Chúng ta liệu có bảo rằng câu chuyện về sách Phúc âm là một chuyện bịa không? Anh bạn của ta ơi, người ta không biết bịa chuyện như thế đâu; và những sự việc về Socrate mà chẳng có ai nghi ngờ gì còn ít được xác minh hơn các sự việc của Jésus-Christ. Thực ra đó là đẩy lùi khó khăn mà không xóa bỏ nó; sẽ khó mà tưởng tượng được rằng có nhiều người đồng ý hùa nhau vào làm cuốn sách này, hơn là khó tưởng tượng rằng chỉ có độc một người đã đưa ra chủ để cho nó. Không bao giờ các tác giả Do thái đã từng thấy được cả giọng điệu này lẫn tinh thần ấy; và sách Phúc âm có những đặc điểm của sự thật quá lớn lao, gây ấn tượng quá mạnh, thật là hoàn toàn không thể bắt chước được, đến mức người sáng tạo ra nó trong chuyện này sẽ lại còn kỳ dị hơn cả nhân vật chính. Với tất cả cái đó, chính cuốn Phúc âm này chứa đầy những sự việc lạ thường, những sự việc trái ngược với lẽ phải, mà mọi người biết lẽ phải trái không sao hiểu nổi cũng không sao chấp nhận nổi. Đứng giữa toàn bộ những điều mâu thuẫn ấy thì phải làm gì? Con ta ơi bao giờ cũng nên khiêm nhường và thận trọng; lẳng lặng tôn trọng điều mà người ta chẳng làm sao vứt bỏ được, cũng chẳng hiểu được và tự hạ mình trước Thượng đế, người duy nhất biết được sự thật.

“Đấy là mối hoài nghi không chủ tâm mà ta vẫn còn giữ lại, nhưng mối hoài nghi này không hề làm cho ta phải đau buồn, bởi vì nó không trải rộng tới những điểm cốt lõi ở thực tiễn, và vì ta đã xác định rất rõ các nguyên tắc về mọi bổn phận của mình. Ta phụng sự Thượng đế trong sự giản dị của lòng ta. Ta không tìm tòi để biết rằng điều gì hệ trọng với cách cư xử của ta. Còn về các tín điều chẳng hề có ảnh hưởng gì với cả các hành động lẫn đạo đức và vì thế mà biết bao người phải băn khoăn day dứt, ta chẳng hề lấy chuyện ấy làm phiền lòng. Ta coi mọi tôn giáo riêng biệt cũng giống như bấy nhiêu định chế thờ phụng đã định hình ở mỗi nước một cung cách nhất quán để tôn vinh Thượng đế bằng sự thờ phụng công cộng, và mọi sự thờ phụng ấy có thể là hoàn toàn có những lý lẽ của nó trong hoàn cảnh, cách cai trị, trong tinh thần của dân chúng, hay là trong một số nguyên nhân bản địa làm cho sự thờ phụng này được ưa chuộng hơn sự thờ phụng khác, tùy theo thời đại và tùy theo từng địa điểm. Ta coi tất cả đều hoàn toàn tốt đẹp khi ở đó người ta phụng sự Thượng đế một cách thích hợp. Sự phụng thờ cốt yếu nhất là sự thờ phụng trong lòng. Chúa không hề từ chối ở đây lòng thành kính khi tấm lòng ấy là chân thành dù có dâng lên Người theo cách nào thì cũng thế mà thôi. Được cứ theo điều mà ta công khai tuyên bố phục vụ Giáo hội, ta hoàn thành việc này với tất cả sự chính xác có thể có được các chăm lo mà việc phụng sự ấy định ra cho ta và lương tâm của ta sẽ trách móc ta về việc cố ý bỏ sót một vài điểm nào đó trong việc này. Sau một thời gian dài bị cấm chỉ, con biết rằng do uy tín của ngài dễ Mellarède, ta được cho phép nhận lại các chức phận của nính để giúp cho ta sinh sống. Ngày trước ta đã làm lễ nhà thờ với thái độ khinh xuất mà lâu dần người ta đưa vào những sự việc nghiêm trọng nhất khi họ rất hay làm việc đó; kể từ khi có các nguyên tắc mới của ta, ta cử hành lễ nhà thờ với lòng sùng kính hơn: Ta thấu triệt sự uy nghiêm của Thượng đế, về sự hiện diện của Người, ta thấu triệt về sự thiếu sót của tinh thần con người vốn chỉ hiểu quá ít về điều có liên quan đến người tạo tác ra mình. Vì nom rằng ta dâng lên Người những ý nguyện của dân chúng với một hình thức đã định sẵn, ta thường chăm lo cho mọi nghi thức; ta kể ra rất chăm chú, ta cố gắng để không khi nào bỏ sót dù chỉ là một từ, dù chỉ là một cuộc lễ nhỏ nhất: Khi ta tiếp cận thời điểm của sự cung hiến ấy, ta tĩnh tâm để thực hiện cung chúc với toàn vẹn tâm trạng mà Giáo hội và tầm vóc lớn lao của thánh lễ đòi hỏi; ta ra sức xóa bỏ cái lý sự của ta trước Trí năng tối thượng; ta tự nhủ rằng: Mình là kẻ nào mà lại đánh giá quyền lực vô biên? Ta kính cẩn đọc lên những lời thánh lễ, và ta truyền tất cả lòng tin ở ta vào hiệu quả của các lời thánh lễ ấy. Dù cho sự huyền bí không sao hiểu nổi này có là thế nào đi nữa, ta cũng không sợ rằng đến ngày phán xét ta lại bị trừng phạt vì đã mạo phạm nó trong lòng ta.

“Được vinh dự bởi có chức phận trong tôn giáo, cho dù ta ở bậc cuối cùng, ta sẽ không khi nào làm bất cứ một điều gì làm cho mình không xứng đáng để thực hiện các bổn phận cao cả. Bao giờ ta cũng truyền giảng đức hạnh cho mọi người, ta sẽ luôn luôn cổ vũ họ làm điều thiện; và, trong chừng mực có thể, ta sẽ tự mình làm gương cho họ. Không phải do ở ta mà tôn giáo được hỗ yêu mến; không phải ta củng cố được lòng tin của họ vào các tín điều thực sự hữu ích và một ngươi bắt buộc phải tin theo: Nhưng ta không bao giờ có ý rao giảng những điều độc ác của sự cố chấp, không khi nào ta có ý làm cho họ ghét bỏ đồng loại để nói với những người khác rằng: Ngươi sẽ bị đày xuống địa ngục[247]. Nếu như ta ở một thứ bậc khả quan hơn thì sự giữ gìn ý tứ này có thể chuốc cho ta những chuyện khó khăn; nhưng ta thì lại quá bé nhỏ nên chẳng phải sợ nhiều, và ta không thể nào rớt xuống thấp hơn hiện tại. Dù có gì xảy ra, ta sẽ không hề báng bổ xúc phạm tới sự công bằng của Chúa, và sẽ không hề dối trá chống lại Thánh linh.

“Từ lâu ta đã có tham vọng có vinh dự được làm cha xứ; ta vẫn còn tham vọng ấy, nhưng ta không còn hy vọng được như thế nữa. Anh bạn của ta ơi, ta thấy chẳng gì tốt đẹp hơn là làm cha xứ. Một cha xứ tốt là kẻ thừa hành cái thiện giống như ông thẩm phán là kẻ thừa hành công lý. Một cha xứ không bao giờ ác làm điều ác nếu như ông ta không thể tự mình luôn luôn làm điều thiện, ông ta vẫn luôn luôn giữ vị thế của mình khi ông ta khuyến khích người ta làm điều thiện và thường là ông đạt được điều đó khi ông biết làm cho người ta kính trọng mình. Ôi, nếu có khi nào ở vùng núi của chúng ta có một chức để phục vụ hành lễ cho những người tử tế! Ta sẽ hạnh phúc vì ta cho rằng ta tạo ra hạnh phúc cho giáo dân trong xứ đạo của mình. Ta không làm giàu được cho họ, nhưng ta sẽ chia sẻ với họ sự nghèo khó; qua đó mà ta sẽ tước bỏ đi sự nhục nhã và sự miệt thị vốn khó mà chịu đựng được hơn là sự nghèo khó. Ta sẽ làm cho họ biết yêu thích sự hòa hợp và sự bình đẳng mà chúng thường xua tan sự khốn cùng và luôn làm cho nó trở nên có thể chịu đựng được. Khi họ thấy rằng ta sống cũng chẳng có gì hơn so với họ, và thấy rằng dù thế ta vẫn sống với sự bằng lòng thì họ sẽ biết tự an ủi cho thân phận của mình và biết sống hài lòng như ta vậy. Trong các bài giảng đạo của ta ít có gắn bó với tinh thần của giáo hội hơn là với Phúc âm, trong đó tín điều là giản dị và đạo đức là cao thượng, trong đó người ta ít thấy có thủ tục tôn giáo và rất nhiều công trình từ thiện. Trước khi dạy cho họ điều cần phải làm, ta luôn cố gắng thực hành điều đó nhằm làm cho họ thấy rõ được điều ta nói với họ là như thế. Nếu như có tín đồ đạo Tin lành ở vùng lân cận hoặc trong xứ đạo của ta, ta sẽ không hề phân biệt họ trong tất cả những gì gắn với lòng từ thiện Cơ đốc giáo với những giáo hữu thực sự của ta: Ta khiến cho họ yêu mến lẫn nhau một cách hoàn toàn bình đẳng, khiến họ coi nhau như anh em, tôn trọng mọi tôn giáo và một người đều sống yên bình trong tôn giáo của mình. Ta nghĩ rằng khuyến khích ai đó rời bỏ tôn giáo mà người ấy đã sinh ra trong đó, tức là khuyến khích họ làm điều xấu xa và do đó, chính mình làm việc xấu xa. Trong khi chờ đợi chân lý lớn hơn, chúng ta hãy giữ gìn trật tự công cộng; ở tất cả các nước chúng ta hãy cùng tôn trọng pháp luật, chúng ta đừng làm đảo lộn việc thờ phụng mà các nước ấy đã quy định; chúng ta đừng làm cho công dân các nước đi đến chỗ không tuân thủ; bởi lẽ chúng ta không biết có chắc chắn rằng liệu có phải là tốt đẹp cho họ không khi từ bỏ chủ kiến của mình để theo chủ kiến của những người khác, và chúng ta lại biết rất chắc chắn rằng không tuân thủ luật lệ là một điều xấu xa.

“Anh bạn trẻ của ta, ta vừa kể miệng cho con về bản tuyên tín của ta hệt như Chúa đã đọc được trong lòng ta: Con là kẻ đầu tiên mà ta kể cho nghe; có lẽ con là kẻ độc nhất mà ta sẽ có khi nào làm điều đó. Chừng nào còn có một số niềm tin tốt đẹp, trong mọi người, thì không được làm xáo động chút nào những tâm hồn yên tĩnh, đừng có làm cho đức tin của những con người giản dị phải lo sợ vì những khó khăn mà họ không sao giải quyết nổi, chúng quấy rối họ mà không làm cho họ hiểu thật sáng tỏ. Nhưng một khi tất cả đều bị rung chuyển, ta phải bảo vệ lấy thân cây dù thiệt hại cho các cành nhánh. Những ý thức bị dao động, bàng hoàng, hầu như tàn lụi, và trong trạng thái mà ta thấy ở con, đều cần được củng cố lại và phải được thức tỉnh; và để tái lập chúng trên cơ sở những chân lý vĩnh hằng, cần phải nhổ hết các cột trụ bập bềnh mà các ý tưởng cứ tưởng rằng còn dựa trên đó được.

“Con đang ở tuổi chuyển đổi cấp bách mà lúc này trí tuệ mở ra cho sự tin chắc, lúc mà tấm lòng định dạng được và định rõ tính cách, và đó là lúc mà con người ta định đoạt lấy mình cho suốt cuộc đời, hoặc là thiện, hoặc là ác. Rồi sau đó chất liệu đã cứng rắn và dấu ấn mới không còn in lên được nữa. Chàng trai ạ, con hãy nhận lấy trong tâm hồn hãy còn mềm mỏng nhu thuận của mình, cái dấu ấn của chân lý. Nếu ta vững tin ở chính mình hơn, ta sẽ nói với con bằng một giọng điệu của giáo điều và dứt khoát: Nhưng ta là con người, dốt nát, dễ bị sai lầm; ta có thể làm gì đây? Ta đã cởi mở trọn vẹn với con cả tấm lòng ta; điều gì mà ta tin chắc chắn, ta đã trao cho con nguyên vẹn như thế, ta đã trao cho con những mối nghi ngờ của ta để mà nghi ngờ, những băn khoăn của ta để mà băn khoăn; ta đã nói những lý lẽ của ta về nghi ngờ và tin tưởng. Bây giờ chính là tùy con phán đoán; con đã kéo dài thời gian; sự thận trọng này là khôn ngoan và làm cho ta nghĩ tốt về con, hãy bắt đầu bằng cách đặt ý thức của con vào trong trạng thái mong muốn được khai sáng. Hãy chân thành với chính mình. Con hãy nhận lấy những quan niệm nào của ta đã thuyết phục được con, còn lại những gì khác thì hãy bỏ qua đi. Con vẫn còn chưa bị sa ngã lắm bởi những thói xấu đến mức gây ra nguy cơ lựa chọn sai. Ta đề nghị con trao đổi giữa chúng ta với nhau về việc này; nhưng ngay khi mà người ta tranh luận thì người ta sẽ phát cáu lên, tính kiêu ngạo, tính ngoan cố lẫn vào trong đó, thế là thiện ý không còn ở đó nữa. Anh bạn ạ, đừng bao giờ tranh luận, bởi lẽ chẳng ai sáng tỏ thêm được bằng tranh luận cả bản thân mình lẫn những người kia. Với ta thì phải qua bao nhiêu năm suy ngẫm ta mới có được chủ kiến của mình: Ta coi trọng điều đó, lý trí của ta bình thản, trái tim của ta hài lòng. Nếu ta muốn bắt đầu lại một cuộc xem xét mới về những quan niệm của mình, ta sẽ không đem vào đó được một tình yêu tinh khiết hơn đối với chân lý; và trí tuệ của ta đã kém linh hoạt sẽ ở vào tình trạng kém hơn để nhận ra được nó. Ta sẽ cứ còn như ta đang tồn tại, chỉ sợ dần dần cái sở thích suy ngẫm thành ra một đam mê vô bổ phù phiếm khiến ta sao lãng việc thực hiện các bổn phận của mình, và chỉ sợ lại rơi vào nỗi hoài nghi đầu tiên của mình mà chẳng còn lấy lại nổi sức lực để thoát ra khỏi đó. Quá nửa đời người của ta đã trôi qua; ta chỉ còn đủ thì giờ cần thiết để sử dụng quãng đời còn lại sao cho có ích, và để dùng đức hạnh của mình mà xóa nhòa những lỗi lầm mình đã mắc. Nếu ta lầm thì đó là ta không cố ý muốn thế. Ai mà hiểu được thâm tâm ta thì biết rõ là ta không thích sự mù quáng của mình. Trong sự bất lực không thoát khỏi được bằng sự hiểu biết của chính mình, phương tiện độc nhất để ra khỏi đó là một cuộc sống tốt đẹp, và nếu chính là từ những tảng đá mà Chúa có thể khiến cho Abraham[248] có con thì mọi người đều có quyền hy vọng được dẫn vào chính đạo khi mà họ trở nên xứng đáng với nó.

“Nếu những suy tưởng của ta dẫn con đến chỗ suy nghĩ giống như ta, mà những tình cảm của ta cũng là những tình cảm của con, và chúng ta lại có cùng một lời tuyên tín giống nhau, thì đây là lời khuyên ta đưa ra cho con: Đừng có để cho cuộc sống của con bị lôi cuốn theo niềm đau khổ và tuyệt vọng; đừng có kéo lê cuộc sống ấy với nỗi nhục dưới quyền định đoạt của những kẻ xa lạ và đừng ăn cái bánh tồi tệ của sự bố thí. Con hãy quay về tổ quốc của mình, hãy lấy lại tôn giáo của các giáo sĩ của con, hãy theo tôn giáo ấy trong sự chân thành của lòng con, và đừng bỏ đạo ấy nữa: Tôn giáo ấy rất giản dị và rất thánh thiện, ta cho rằng tôn giáo ấy là tôn giáo mà đạo đức thuần khiết nhất, mà lý trí được mãn nguyện nhất trong tất cả mọi tôn giáo đang tồn tại trên Trái đất. Còn về tiền chi tiêu dọc đường, xin đừng lo ngại gì, người ta sẽ chu cấp đủ cho chuyến đi này. Xin con đừng sợ gì nỗi hổ thẹn xấu hổ của một cuộc hồi hương mất thể diện; phải biết đỏ mặt vì đã làm nên lầm lỗi và không việc gì phải đỏ mặt vì sửa chữa lỗi lầm ấy. Con hãy còn ở độ tuổi mà mọi cái đều được dung thứ nhưng ở tuổi này không còn là phạm tội mà không bị trừng phạt. Khi con muốn nghe theo tiếng nói của lương tâm mình thì mọi trở ngại hão huyền đều sẽ biến mất vì tiếng nói ấy. Con sẽ cảm nhận được rằng trong cái trạng thái bấp bênh mà chúng ta lâm vào thì việc công khai tuyên bố theo một tôn giáo khác với tôn giáo mà người ta đã sinh ra ở đó chính là một thói tự phụ không thể tha thứ được, và không thực hiện một cách chân thành tôn giáo mà mình chủ trương thì chính là sự giả dối. Nếu như ta lầm lạc, ta tự tước mất sự đại xá ở tòa án của người phán xét tối cao: Người sẽ chẳng tha thứ sự sai lầm mà ta được nuôi dưỡng trong đó hơn là sai lầm mà ta cả gan tự mình lựa chọn lấy đó sao?

“Con ta hỡi, hãy giữ cho tâm hồn con ở trong trạng thái luôn luôn mong muốn có một Đức Chúa ngự trong đó và con hãy đừng có bao giờ nghi ngại về điều đó. Vả chăng dù con có thể theo phái nào đó, thì con hãy nghĩ rằng những bổn phận thật sự của tôn giáo là độc lập với các định chế của con người; hãy nghĩ rằng một trái tim chính đáng là ngôi đền thực sự của Chúa trời; hãy nghĩ rằng ở mọi xứ sở và một giáo phái, thì yêu Chúa là trên hết và yêu người gần ta như yêu chính mình là khái lược của quy luật, hãy nghĩ rằng không tôn giáo nào lại miễn trừ các nghĩa vụ của đạo đức; hãy nghĩ rằng không có gì là thực sự cốt yếu cho bằng những điều ấy; hãy nghĩ rằng sự phụng thờ trong nội tâm là đứng đầu các nghĩa vụ đó, hãy nghĩ rằng nếu không có đức tin thì không tồn tại một đức độ chân chính nào hết.

“Con hãy tránh xa những kẻ nào lấy cớ giảng giải về tự nhiên để gieo rắc vào lòng mọi người nhưng chủ thuyết gây phiền muộn cho con người, mà sự hoài nghi hiển nhiên là còn quả quyết hơn, và giáo điều hơn hàng trăm lần so với cái giọng dứt khoát của các đối thủ của họ. Với lý do cao ngạo rằng chỉ riêng bọn họ mới là hiểu biết, mới là chân chính, mới là thiện ý, họ hống hách  bắt chúng ta phải theo những quyết định quả quyết của họ, có ý đòi chúng ta phải coi các hệ thống tối nghĩa mà họ xây dựng nên trong tưởng tượng như là những nguyên phát chân chính của sự vật. Còn lại thì họ lật nhào, tiêu huỷ,  dày xéo dưới chân tất cả mọi điều mà mọi người tôn trọng, họ tước bỏ của những người khốn khổ niềm an ủi cuối cùng cho niềm đau của người ta, và tước bỏ cả sự kiềm chế độc nhất đối với dục vọng của những kẻ quyền thế và những kẻ giàu có, họ trút bỏ tận sâu thẳm trong lòng mọi người sự ăn năn trước tội lỗi, niềm hy vọng trở về đức hạnh, và vẫn cứ khoác lác rằng mình là những ân nhân của loài người. Họ nói rằng chân lý không bao giờ có hại cho mọi người. Ta cũng tin điều đó như họ, và theo ý kiến ta thì đó chính là chứng cứ lớn lao về điều mà họ giảng không phải là chân lý[249].

“Chàng trai tốt bụng của ta, con hãy thành khẩn và chân thật, đừng có kiêu lngạo; con hãy biết cách tỏ ra dốt nát: Con sẽ không lừa dối cả bản thân mình lẫn những người khác. Nếu có khi nào các tài năng được trau dồi của con khiến con có khả năng nói với người khác, thì con hãy chỉ nói với họ theo lương tâm của con, đừng ngại liệu họ có tán thưởng con hay không. Sự lạm dụng hiểu biết đẻ ra niềm hoài nghi. Mọi nhà bác học đều xem khinh ý tưởng thông thường mà ai cũng muốn có một cho mình. Cái thứ triết học kiêu ngạo dẫn đến thói cuồng tín. Con hãy tránh các thái cực ấy, con cứ luôn luôn vững vàng trên con đường của chân lý, hoặc là về điều gì mà con thấy là như vậy trong cái giản dị của trái tim con, đừng bao giờ con quay lưng lại với chân lý do sự khoe khoang hay do sự yếu đuối. Con hãy cả gan công bố về Chúa ở nhà các triết gia; hãy cả gan giảng giải về lòng nhân ái cho những người cố chấp. Con có thể sẽ cô đơn trong giáo phái của mình, nhưng con mang trong chính mình một bằng chứng để con được miễn trừ khỏi các bằng chứng của con người. Dù rằng họ có yêu hay ghét con, dù họ có đọc hay coi khinh những bài viết của con thì con cũng chẳng coi vào đâu. Con hãy nói cái gì là đúng với sự thật, hãy làm việc gì là tốt; điều quan trọng là hoàn tất các bổn phận của mình trên Trái đất này; và chính là bằng cách quên mình đi mà người ta làm cho mình. Con ta hỡi, lợi ích riêng tư lừa dối chúng ta, chỉ có niềm hy vọng của người công minh là không hề lừa dối chút nào”.

Tôi đã chép lại những dòng này không phải coi như một quy tắc cho các ý tưởng mà người ta phải theo đuổi trong lĩnh vực tôn giáo, mà như là một ví dụ về cái cách mà người ta có thể biện giải cùng học trò của mình, để sao cho đừng có xa rời cái phương pháp mà tôi đã cố gắng thiết lập nên. Chừng nào mà người ta không coi ra gì quyền lực của con người, cũng như không coi ra gì các thành kiến của xứ sở nơi người ta đã sinh ra, thì những tia sáng độc nhất của lẽ phải trong thiết chế của tự nhiên, không thể dắt dẫn chúng ta đi xa hơn tôn giáo tự nhiên và chính chỗ đó là nơi mà tôi tự hạn chế mình cùng với Émile của tôi. Nếu như phải có một tôn giáo khác, tôi không còn cái quyền làm người hướng dẫn cho cậu ta về chuyện ấy; chính là tự cậu phải chọn lấy cho mình.

Chúng tôi làm việc hòa hợp với tự nhiên, và trong khi tự nhiên hình thành nên con người thể xác, chúng tôi có nhiệm vụ hình thành nên con người tinh thần, nhưng những thành công của chúng tôi không phải đều như nhau. Thân xác thì đã lớn mạnh, nhưng tâm hồn thì còn trễ nải và yếu ớt; và cho dù nghệ thuật của con người có thể làm gì chăng nữa thì khí chất luôn luôn đi trước lý trí. Chính là phải kiềm chế một thứ này và phải kích thích thứ kia mà cho đến tận bây giờ chúng ta vẫn đã từng tiến hành mà sự chăm sóc của chúng ta nhằm làm cho con người luôn luôn thuần nhất, càng nhiều càng tốt. Bằng cách phát triển cái tự nhiên chúng ta đã lừa phỉnh tính nhạy cảm bẩm sinh; chúng ta đã điều chỉnh nó trong khi trau dồi lý trí. Những đối tượng có tính chất trí tuệ làm dịu bớt ấn tượng về các đối tượng nhạy cảm. Trong khi đi ngược lên tới nguyên khởi của các sự vật, chúng ta đã khiến nó tránh khỏi thế lực chi phối của các giác quan; thật đơn giản là từ việc nghiên cứu tự nhiên mà nâng mình lên việc tìm ra tác giả của nó.

Khi chúng ta đã đến được đó trong thì có biết bao nhiêu là biện pháp mới để tác động lên học trò của mình, có biết bao cách mới lạ để nói với trái tim nó! Chỉnh là chỉ đến lúc đó anh ta mới thấy rõ lợi ích chân chính của mình để trở thành người tốt, để làm điều thiện không cần ai biết đến, và không phải là bị bó buộc làm như theo do luật pháp để sống đúng đắn giữa bản thân mình với Chúa, để hoàn thành bổn phận của mình, ngay cả khi có hại cho sinh mệnh của mình, và để mang trong lòng mình đức hạnh, không chỉ là vì lòng yêu mến trật tự, ở đó ai cũng luôn dành ưu tiên cho lòng ái kỷ mà là vì tình yêu đối với người tạo tác ra bản thể của mình, một tình yêu trùng với chính cái lòng ái kỷ ấy, để cuối cùng thụ hưởng được hạnh phúc dài lâu mà sự an bằng của một lương tâm tốt đẹp và sự ngắm nguyện Bản thể tối thượng ấy hứa hẹn cho anh ta ở một cuộc sống khác, sau khi đã sử dụng đúng đắn cuộc sống này. Hãy ra khỏi đó, ta chỉ con thấy toàn là bất công, là đạo đức giả và lừa dối giữa con người với nhau. Lợi ích riêng tư trong cuộc cạnh tranh tất nhiên là thắng mọi điều khác dạy cho mỗi người tô điểm thói xấu bằng cái mặt nạ đức hạnh. Sao cho mọi người khác làm ra của cải cho mình nhờ vào sự tổn hại của cải của họ, sao cho mọi người phụ thuộc vào riêng một mình thôi; sao cho cả loài người chết hết đi trong cực nhọc và trong khốn cùng nếu cần phải như thế để bớt đi cho mình một chút đau đớn hay đói khát: Đấy là tiếng nói nội tâm của tất cả mọi kẻ vô tín ngưỡng đang lý sự. Vâng, tôi sẽ bảo vệ điều đó suốt đời mình, ai mà đã nói với lòng mình rằng làm gì có Chúa, và nói ra lại khác hẳn, thì đó chỉ là một kẻ dối trá hoặc một kẻ mất trí.

Thưa độc giả, tôi thật uổng công, tôi cảm thấy rất rõ ràng quý vị và tôi sẽ không bao giờ nhận ra Émile của tôi dưới cùng những nét như nhau; quý vị luôn luôn hình dung nó giống với các anh chàng thanh niên của quý vị, luôn luôn là dại dột, hăng hái, thất thường, lang thang từ đám hội này sang đám hội khác, từ cuộc vui chơi này sang cuộc vui chơi khác mà chẳng bao giờ có thể trụ lại ở một việc gì được. Quý vị sẽ cười nhạo vì thấy tôi tạo ra một con người trầm mặc, một thiếu niên nhiệt tình, hoạt bát, hăng hái, đầy nhiệt huyết trong độ tuổi sôi nổi nhất của đời người. Quý vị sẽ bảo rằng: Con người mơ mộng này luôn luôn theo đuổi ảo tưởng của mình, bằng cách đưa ra cho chúng ta một người học trò theo cách của ông ta, ông ta không chỉ đào tạo ra được anh ta mà ông ta sáng tạo ra anh ta, ông lôi anh ta ra từ bộ não của mình và cứ cho là luôn luôn theo sát tự nhiên nhưng ông ta mỗi lúc một xa rời tự nhiên. Còn tôi, khi so sánh học trò của mình với học trò của quý vị, tôi khó mà tìm ra được cái chung mà chúng có thể có. Được nuôi dưỡng khác nhau đến thế mà nếu anh ta lại có  vài điều giống họ thì gần như chuyện thần kỳ. Vì suốt thời thơ ấu của anh ta đã trôi qua trong tự do trọn vẹn mà học trò của quý vị có ở thói thanh niên, nên đến tuổi thanh niên anh ta mới bắt đầu phải theo quy tắc mà người ta đã áp đặt cho học trò các vị khi là con trẻ: Quy tắc này trở thành cái tai họa cho chúng,  chúng coi đó là điều khủng khiếp, chúng chỉ thấy đó là sự chuyên chế lâu dài của các thầy giáo, chúng tin rằng chỉ thoát ra khỏi thời thơ ấu được bằng cách trút bỏ mọi loại áp bức[250], lúc đó chúng tự đền bù cho mình về sự câu thúc lâu ngày mà người ta áp đặt cho chúng, giống như một tù nhân được trút bỏ xiềng xích, vươn dài ra, vùng vẫy và làm cho chân tay bớt  mỏi.

Trái lại, Émile lấy làm vinh dự được trở thành người đàn ông, và tuân thủ sự khống chế của lý trí đang nảy sinh; thân thể cậu đã được hình thành, không còn cần đến những cử động cùng một loại, và bắt đầu tự nó chững lại, trong khi đầu óc cậu đã phát triển nửa chừng, đến lượt nó tìm cách vượt lên. Thế là tuổi của lý trí đối với những người này thì chỉ là tuổi phóng túng; còn đối với người kia nó trở thành tuổi của lý luận.

Vì chuyện ấy thì quý vị có muốn biết rằng bọn chúng hay cậu ta ai thấy dễ chịu hơn trong trật tự của tự nhiên không? Hãy xét kỹ sự khác biệt trong những người đang sống ít nhiều xa cách với nó: Hãy quan sát các thanh niên trong số dân quê và hãy xem xem có phải là họ cũng hăng say như những người của quý vị không. Ông Le Beau nói[251]: “Suốt thời thơ ấu của những người hoang dã, người ta thấy chúng luôn luôn hoạt động, và không ngừng tham gia vào các trò chơi khác nhau làm cho thân thể chúng hoạt động, nhưng chúng vừa mới tới tuổi vị thành niên thì chúng đã trở nên tĩnh lặng, mơ mộng; chúng gần như chỉ còn tham gia vào những trò chơi đứng đắn hoặc là ngẫu nhiên gặp phải”. Émile, vì được nuôi dưỡng trong tự do trọn vẹn của những người thanh niên nông dân và thanh niên hoang đã, phải thay đổi và chống lại như họ khi lớn lên. Tất cả sự khác biệt là ở chỗ thay vì chỉ hành động để mà chơi bời hay để nuôi sống mình, thì trong các công việc của mình cậu đã học được phải suy nghĩ. Đạt tới mức này bằng con đường ấy, cậu hoàn toàn sẵn sàng tiếp nhận điều mà tôi đề ra cho cậu: Những đề tài suy nghĩ mà tôi giới thiệu với cậu khêu gợi trí tò mò của cậu, vì chúng tự nó đã rất đẹp đẽ; vì chúng hoàn toàn mới mẻ đối với cậu và vì cậu có khả năng hiểu được chúng. Trái lại, bị phiền muộn, bị mệt nhoài về những bài học nhạt nhẽo của quý vị, về những bài đạo đức dài lê thê của quý vị, về những bài giảng triền thiên về giáo lý Cơ đốc của quý vị, thì làm sao mà các chàng thanh niên của quý vị lại không khước từ việc sử dụng trí tuệ vốn đã bị người ta làm cho trở nên buồn chán, lại không khước từ những giới luật nặng nề mà người ta dồn dập đưa ra không ngơi nghỉ, lại không khước từ suy ngẫm về người tạo tác nên sinh thể của chúng, mà đã bị người ta làm cho trò thành kẻ thù của những khoái lạc của chúng? Với tất cả những thứ đó, chúng chỉ cảm thấy ghét, chán, phiền; sự ép uổng đã khiến chúng cự tuyệt những điều đó: Từ nay khi chúng bắt đầu tự quyết định, thì có cách nào để chúng đi vào những việc đó? Chúng cần phải có cái mới để làm cho chúng thích thú, chúng chẳng còn cần gì hết đến điều mà người ta nói với con trẻ. Đối với học trò của tôi cũng thế, khi cậu ta trở thành người lớn, tôi nói với cậu như nói với một người lớn, và chỉ nói với cậu những sự việc mới mẻ; chính vì những sự việc ấy làm cho những kẻ khác chán ngán nên cậu ta ắt thấy hứng thú.

Đấy là tôi đã làm thế nào để cậu tận dụng được thời gian gấp đôi bằng cách làm chậm lại sự tiến triển của tự nhiên vì lợi ích của lý trí. Nhưng có thật sự là tôi đã làm chậm lại sự tiến triển này không? Không; tôi chỉ làm cản trở sự tưởng tượng có tác dụng thúc đẩy sự tiến triển đó nhanh hơn mà thôi; tôi lấy những bài học thuộc một loại khác đem cân bằng với những bài học sớm mà chàng trai thu nhận được ở ngoài: Trong khi dòng thác các thiết chế của chúng ta dắt dẫn cậu ta đi, thì việc thu hút cậu ta về hướng ngược lại bằng những thiết chế khác không phải là xô đẩy cậu ta ra khỏi vị trí của mình mà chính là giữ vững cho cậu ta ở yên đó.

Cuối cùng thì thời điểm thích hợp của tự nhiên cũng đến, nó phải đến. Chính bởi con người phải chết mà con người phải sinh sôi ra, để cho giống loài trường tồn và trật tự của thế giới được bảo tồn. Khi bằng các dấu hiệu mà tôi đã kể ra, bạn cảm thấy như sẽ xảy ra thời điểm đột biến, ngay lập tức bạn hãy vĩnh viễn từ bỏ cái giọng điệu cũ của mình khi nói với cậu ta. Cậu ta vẫn còn là đệ tử của bạn, nhưng không còn là học trò của bạn nữa. Đó là người bạn của bạn, đó là một người lớn, từ nay trở đi hãy đối xử với cậu ta như thế.

Sao! Phải từ bỏ quyền uy của tôi vào lúc mà nó cần cho tôi nhất ư? Phải bỏ mặc con người vừa trưởng thành cho chính anh ta trong lúc anh ta ít biết xử sự nhất, khi mà anh ta có những lầm lạc lớn nhất ư? Phải từ bỏ các quyền của tôi khi việc tôi sử dụng các quyền ấy là điều cần thiết nhất đối với anh ta ư? Các quyền của bạn! Ai bảo là bạn từ bỏ nó? Mãi tận bây giờ chúng mới bắt đầu phát huy cho cậu ta. Cho đến tận bây giờ cái gì bạn cũng chỉ đạt được bằng sức mạnh và bằng mưu mẹo; uy tín, cái luật của nghĩa vụ đối với cậu ta còn là xa lạ; đã từng phải ép buộc hoặc lừa dối để cậu ta vâng lời bạn. Nhưng bạn hãy xem có biết bao nhiêu mối dây nhợ mới mẻ mà bạn đã quấn xung quanh trái tim cậu ta. Lẽ phải, tình bạn, lòng biết ơn, hàng ngàn cảm xúc nói với cậu ta bằng một giọng điệu mà cậu ta không thể không nhận ra. Thói tật xấu vẫn còn chưa kịp làm cậu ta điếc trước tiếng nói của chúng. Cậu vẫn còn chỉ nhạy cảm với các đam mê tự nhiên. Đam mê đầu tiên trong mọi đam mê, đó là lòng ái kỷ, dành cậu ta cho bạn; thói quen lại dành cậu ta cho bạn thêm một lần nữa. Nếu sự cuồng nhiệt nhất thời có tách cậu ra khỏi bạn, thì lập tức sự tiếc nuối lại đem cậu trở về với bạn ngay; cái tình cảm gắn kết cậu ta vào bạn là tình cảm thường trực độc nhất; còn mọi cái khác đều qua đi và xóa nhòa lẫn nhau. Đừng có để cho cậu ta bị biến chất thì cậu ta sẽ luôn luôn dễ khiến, cậu ta chỉ bắt đầu trở nên bất trị khi đã bị hư hỏng đi.

Tôi hoàn toàn thừa nhận rằng nếu có khi chạm trán với những dục vọng chớm nở của cậu ta, quý vị lại đi xem một cách ngu ngốc những nhu cầu mới mẻ đang làm cho cậu ta cảm nhận được ở mình như là những tội lỗi thì quý vị sẽ không được nghe theo lâu dài; nhưng ngay khi quý vị từ bỏ phương pháp của tôi, thì tôi không đảm bảo điều gì với quý vị nữa. Xin hãy luôn luôn nghĩ rằng quý vị là trợ thủ của tự nhiên; và trong chuyện này không bao giờ quý vị được là kẻ thù của tự nhiên.

Nhưng đứng về phía nào đây? Ta chỉ còn ở đây một thế đôi ngả là thuận tình với các khuynh hướng của cậu ta hay chống lại chúng, làm tên bạo chúa của cậu ta hay làm kè đồng lõa; và cả hai đều có những hậu quả quá nguy hiếm, thành thử phải cân nhắc rất nhiều để mà lựa chọn.

Cách thứ nhất giúp cho giải quyết được khó khăn này là cưới vợ cho cậu ta thật nhanh; đó là một cách xoay sở không thể chối cãi được, là cách chắc chắn nhất và hợp tự nhiên nhất. Thế mà tôi ngờ rằng cách này không phải là tốt nhất, cũng không phải có ích lợi nhất. Tôi sẽ nói những lý lẽ của tôi ở phần sau; trong khi chờ đợi tôi tán thành cần phải cưới vợ cho các chàng trai ở tuổi hôn nhân. Nhưng đối với chúng, độ tuổi này đến trước cả thời gian; chính là chúng ta đã làm cho nó đến sớm; ta phải kéo dài nó cho đến lúc trưởng thành. Nếu lại chỉ cần phải nghe theo các khuynh hướng và theo các hướng dẫn, điều đó sẽ sớm hoàn tất: Nhưng lại chứa đựng bao nhiêu là mâu thuẫn giữa các luật tự nhiên và các luật lệ xã hội của chúng ta, mà đề dung hòa chúng phải bóp méo hoặc tránh né không ngừng: Phải dùng đến quá nhiều nghệ thuật để ngăn chặn con người xã hội trở nên hoàn toàn giả tạo.

Theo những lý lẽ đã được trình bày ở trên, tôi hy vọng rằng, bằng các cách mà tôi đã đưa ra và các cách khác tương tự, ta có thể kéo đến tận hai mươi tuổi tình trạng không biết đến các dục vọng và tình trạng thuần khiết của các giác quan, điều đó là quá đúng, cho nên, ở người Đức, một thanh niên mất sự trong trắng trước tuổi ấy bị phỉ báng: Và các tác giả có lý khi cho rằng sự tiết dục của các dân tộc này suốt thời thanh niên đưa tới sự rắn rỏi thể trạng và sự đông con.

Người ta cũng có thể kéo dài thời kỳ này ra nhiều, và có ít thế kỷ mà không có gì thông thường hơn chuyện đó ngay tại nước Pháp. Trong số các tấm gương đã biết, ông bố của Montaigne, một người đàn ông không kém thận trọng và thực thà cũng như mạnh khỏe và có thể trạng tốt, đã nguyện sẽ cưới vợ vào tuổi ba mươi mà còn trong trắng, sau khi đã phục vụ lâu dài trong các cuộc chiến tranh ở Ý; và ta có thể thấy trong các sách của người con trai ông biết bao là sức sống mãnh liệt và biết bao niềm vui mà người cha còn bảo tồn được cho đến tận sáu mươi tuổi. Chắc là dư luận phản bác căn cứ nhiều vào các tập tục của chúng ta và các thiên kiến của chúng ta hơn là vào sự hiểu biết về giống loại nói chung.

Vậy thì tôi có thể để sang một bên tấm gương thanh niên của chúng ta vì nó không chứng minh được gì hết cho kẻ nào không được giáo dục như họ. Đương thế thì coi như tự nhiên không hề có thời hạn cố định mà người ta không thể đẩy nhanh lên hay trì hoãn lại, tôi cho rằng có thể, không ra khỏi quy luật tự nhiên mà giả định rằng Émile cho đến nay nhờ những chăm sóc của tôi mà còn giữ được sự thơ ngây nguyên thủy của mình, và tôi thấy cái thời kỳ sung sướng ấy đã sẵn sàng để kết thúc. Bị bao vây bởi những nguy cơ ngày càng tăng, cậu ta sắp thoát khỏi tôi ngay từ cơ hội đầu tiên dù tôi có làm gì đi nữa, và cái cơ hội này chẳng phải xuất hiện muộn màng gì; cậu ta sắp theo cái bản năng mù quáng của nhục cảm, có tới một ngàn cược một là cậu ta sắp sa đoạ. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về các phong tục của con người nên nhìn thấy ảnh hưởng bất khả kháng của thời điểm đầu tiên này lên toàn bộ cuộc đời của cậu. Nếu tôi che giấu hoặc giả vờ rằng tôi không thấy gì thì cậu dựa thế sự đớn hèn của tôi, tưởng rằng lừa được tôi, cậu ta xem thường tôi, và tôi tiếp tay cho sự trụy lạc của cậu ta. Nếu tôi có cố dẫn dắt cậu cũng không còn kịp nữa, cậu không còn nghe lời tôi nữa; đối với cậu ta tôi trở nên khó chịu, bỉ ổi, không sao chịu đựng nổi, cậu ta sẽ chẳng còn chậm trễ gì mà không loại bỏ tôi. Vậy thì tôi chỉ còn có một bề hợp lý mà chọn, đó là làm cho cậu ta phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình với chính bản thân mình, để tránh cho cậu ít ra là khỏi phải bất ngờ về các sai lầm của mình, và để phơi bày thực với cậu ta những hiểm họa đang bao vây cậu ta. Trước đến nay tôi giữ cậu lại bằng sự thiếu hiểu biết của cậu, còn bây giờ tôi phải dùng sự hiểu biết mới giữ chân cậu được.

Những chỉ dẫn mới này là quan trọng, và nên xem xét lại các sự việc ở tầm cao hơn. Đây là lúc, có thể nói là phải thuyết minh với cậu ta; chỉ cho cậu ta biết cách dùng thời gian của mình và của tôi, nói với cậu rằng cậu ta là gì và tôi là gì; cái mà tôi đã làm và cái mà cậu ta đã làm; cái mà chúng tôi mắc nợ lẫn nhau; tất cả mối quan hệ đạo đức của cậu ta, mọi cam kết mà cậu ta đã chấp nhận, mọi cam kết mà người ta đã chấp nhận với cậu ta, cậu ta đã đạt được sự phát triển năng lực của mình đến đâu, cậu ta còn phải đi theo con đường nào, cậu ta sẽ gặp ở đó những khó khăn gì, có những cách nào để vượt qua các trở ngại ấy, tôi còn có thể giúp gì cho cậu, và từ nay cái gì là chỉ có một mình cậu có thể tự giải quyết lấy mà thôi, cuối cùng đây là điểm đột biến cậu đang lâm vào, những hiểm họa mới đang bao vây cậu, và tất cả các lý lẽ vững chắc buộc cậu ta chăm lo cẩn thận đến bản thân mình trước khi nghe theo những dục vọng mới chớm nở.

Bạn hãy nghĩ rằng, để hướng dẫn một người trưởng thành cần phải làm ngược lại với mọi điều mà bạn đã làm khi hướng dẫn một đứa trẻ. Đừng do dự gì hết khi dạy cho anh ta về những điều bí ẩn nguy hiểm mà bạn đã giấu anh ta quá lâu với biết bao cẩn trọng. Bởi rốt cuộc anh ta phải biết về những điều đó, nên không được để cho anh ta học được những cái đó từ một kẻ khác, hoặc từ bản thân anh ta, mà phải là từ chính bản thân bạn: Chính là vì từ nay anh ta buộc phải đấu tranh, do nỗi sợ bị bất ngờ, nên anh ta phải biết rõ địch thủ của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.